đây là 3 quyển tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam, mang đến 3 trạng thái khác nhau cho người đọc
trong đó, Một người Mỹ trầm lặng [thuộc kế hoạch Graham Greene dài của tôi, hiện trong nhà có 5q tiếng Việt, 1q tiếng Anh, và tôi đang chờ thêm] là giai đoạn Mỹ những năm 40 - 50 thế kỷ trước ở VN [Graham Greene đến VN lần đầu khoảng 1942-1943 và gần 10 năm sau mới trở lại]
Ở lưng chừng thời gian, thiên về những dai dẳng hậu chiến, những người Mỹ tham chiến và người dân VN. Quyển này tôi đọc vào khoảng mùa hè 2010; giờ đây, tôi không còn nhớ gì ngoài cảm giác về nó, một văn chương hồi cố tiết chế và ám ảnh, có lúc nó gây trầm cảm như người lính hậu chiến [thi thoảng đọc truyện trinh thám, nếu nhân vật là quân nhân, sẽ bắt gặp cảm giác này về chấn thương tâm lý của họ], có lúc nó lại gây cảm giác cái nhìn xa lạ không còn nhận ra của một người nước ngoài trở lại nơi mình tham chiến
Saigon khó gọi là tiểu thuyết [2 tập, tổng khoảng 1000 trang]. Nó như một truyện dài mang thông điệp hoà giải và thể hiện cái nhìn khách quan của một người kể chuyện muốn người đọc hiểu về các bên trong cuộc chiến, về tình thế lịch sử thế giới và khu vực thời điểm ấy; không nhiều văn chương, từng giai đoạn lịch sử chiến tranh hiện ra chia rõ Saigon thành từng phần theo diễn tiến thời gian và cuộc chiến, từ lúc nhân vật chính Joseph Sherman 15 tuổi, con một thượng nghị sĩ Mỹ đến VN lần đầu, cập cảng Saigon những năm 1920 Pháp thuộc đến khi Joseph ở tuổi 63 với hình ảnh do người vợ thứ 2, nhìn từ trên chiếc trực thăng cuối cùng cất cánh rời Saigon kết thúc chiến tranh ở VN 30/4/1975: ông vẫn còn ở trong hỗn loạn đám đông tìm đứa cháu ngoại của mình để đưa nó rời Saigon sang Anh; trải qua gần 50 năm gắn bó đời mình vào dòng chảy lịch sử cách mạng VN, từ cuộc chiến trong cái nhìn của một đứa trẻ mới lớn, đến lúc là một phi công giai đoạn Mỹ viện trợ, cố vấn, rồi trở lại VN như một nhà báo nhà nghiên cứu trong giai đoạn Mỹ trực tiếp tham chiến... với những người thân bất đồng quan điểm như ông bố thượng nghị sĩ hay em trai CIA, hay hai con trai đều là lính Mỹ tham chiến, người thì bỏ mạng, người thì sang chấn tâm lý sau khi được phía VN trả lại tự do, còn con gái lai lại là người cán bộ cách mạng
Saigon của Anthony Grey mạnh về tài/tư liệu lịch sử [viết về các trận đánh như diễn ra trước mắt, có thể vì xuất thân là nhà báo và quá quen thuộc với các cuộc chiến ở TQ] là kết quả của quá trình đào bới rất nhiều nguồn tài/tư liệu; Saigon xuất bản 1982 và phải tận 6-7 năm sau Anthony Grey mới đặt chân VN lần đầu, nên lối thoại trong truyện không thật, tâm lý nhân vật cũng nhẹ tều [tôi đã nói ngay từ đầu là nó không nhiều văn chương]. Có thể dùng nó làm sách cho người mù lịch sử như tôi, tìm kiếm người đọc Saigon ở VN không cho mấy kết quả, trong khi nó được đọc nhiều ở nước ngoài, không chỉ các cựu binh Mỹ [thấy có còm của một người đàn ông Mỹ sn 1950 nói rằng quá nửa các bạn cùng khoá ông đã sang VN tham chiến và quyển sách dù là một tiểu thuyết nhưng đã kể một câu chuyện nhiều sự thật] mà cả những người muốn hiểu về mối quan hệ Mỹ - VN, hiểu về VN và các phong trào cách mạng thế kỷ trước; sách in ở VN năm 1988 do nxb Lý luận nxb Trẻ tpHCM làm, sách giai đoạn í nhiều lỗi, chưa kể Saigon có nhiều chi tiết nhạy cảm chính trị nên nhiều đoạn bị cắt hoặc tự nhiên đang đọc thấy đứt gãy thì tự hiểu kiểm duyệt; thấy bảo sau này đã được dịch lại và người dịch đã viết thêm, sửa chữa một số thông tin rồi in ấn ở hải ngoại dưới tên Trăng huyết
gần đây nhà nhà nói chuyện xem diễu hành kỉ niệm; mẹ tôi là người mấy hôm vừa rồi nói với tôi "ngày này dân Saigon ăn mừng lễ lớn lắm đấy nhỉ" và nhiều người Saigon không như mẹ tôi nghĩ. Tôi đọc Saigon vì đến lúc tôi đọc thôi, mấy ngày trước tôi ngủ mơ mình lại là bộ đội [lần nữa, nữa], một người đàn ông khoảng 4x tuổi, mũ cối ba lô màu bộ đội trên vai, tôi đi rừng lội suối ở một vùng núi trung du phía Bắc để tìm một đứa bé trai 10 tuổi với mong muốn nhận đứa trẻ về nuôi. Trở về từ giấc mơ, trong vô thức cảm nhận rõ mình đang sắp gần kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, tôi bốc trúng 2 quyển Saigon của Anthony Grey trong một lần nhìn lướt chỗ sách đập vào mắt, sách đã ở nhà tôi gần 10 năm, tôi đã để nó ở chỗ dễ thấy để đọc sớm [vì tôi cứ nghĩ Saigon là một cái tên sẽ chỉ có Saigon hiện lên thời VNCH, đọc rồi mới biết nó tái hiện cả 50 năm chiến tranh trên đất nước mình] nhưng với sách vở trong nhà hiện nay, tôi lần lữa mãi cho tới hôm qua hôm kia vào đợt nhịn ăn, nhịn ăn thì trí nhớ và đầu óc làm việc tập trung hơn, tôi đọc nó