Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

25.6.25

mở ra và khép lại



lần đầu biết đến Neil Gaiman là Câu chuyện nghĩa địa, 16 năm trước. Ngay sau đó là Coraline, ít hứng thú. Vài năm sau, 2015, đọc Còn sữa là còn hy vọng, nghĩ, thôi có thể dừng Gaiman lại rồi. Nhưng thói quen mua sách quá tai hại, một ngày nhìn loanh quanh có tận 7 quyển Neil Gaiman trong nhà; như thế thì phải cho một kết cục mà mình đã khởi sự; đọc giờ đây là từng pha đối diện để ra đòn kết liễu

những câu chuyện hư cấu của Gaiman hay của bất cứ thế giới tưởng tượng nào mở ra, cho phép ta xâm nhập vào tâm trí những kẻ khác, những nơi chốn khác và, nhìn ra qua những cặp mắt khác. Ta vạch nên các ranh giới, giới tuyến với những khoảnh khắc trải nghiệm và ở lại trên những hòn đảo của riêng ta, để chúng không tác động đến ta, xui khiến ta chìm trong trải nghiệm của chúng dựng nên không lối thoát

John Donne hay được Neil Gaiman trích dẫn, nói: không ai là một hòn đảo. Nhưng nếu mỗi người không là những đảo thì hẳn sẽ lạc lối, trết chìm nghỉm trong bi kịch của nhau; chính bản chất đảo đã cách ly ta khỏi bi kịch của kẻ khác để có thời giờ đối mặt bị nghiền nát bởi bi kịch bất hạnh của riêng mình, làm sao có thể sống mà không, bởi trật tự và thể thức lặp đi lặp lại của các câu chuyện của những mẫu kịch bản đời sống con người. Kịch bản đó dẫu anh có thêm thắt hay lược bớt chi tiết dựa trên kinh nghiệm của chính mình thì nó cũng không nguyên mẫu chẳng kém câu chuyện nào, mà cũng độc nhất như bất kỳ cuộc đời nào

đọc, như mở ra thế giới được phủ một lớp xà cừ trơn nhẵn, nhẵn như những hạt châu, an toàn trượt khỏi tâm hồn ta không làm ta đau đớn đến mức không thể trở về thực tại như thực tại từng vẫn hay giáng đòn, như một phép kéo giãn vùng giảm chấn. Và rồi, trong thế giới các câu chuyện, ta sẽ dừng lại trước khi ta trết, hoặc, ta nếm trải cái chết của kẻ khác như một trải nghiệm hình thức và, ở thế giới ngoài câu chuyện, ta giở một trang nữa hay gấp sách lại. Ta trở về cuộc sống của mình. Một cuộc sống như bao cuộc sống khác, cũng lại không giống bất kỳ cuộc sống nào đã từng mở ra và, khép lại

khép lại Neil Gaiman được rồi, Câu chuyện nghĩa địa vẫn là quyển ghi dấu ấn nhất, rơi vào motif kinh điển, tình đầu khó quên 🙂. Thứ tự xuất bản của Gaiman như ảnh chụp


24.6.25

thần thoại



niềm vui từ các câu chuyện thần thoại là nó chỉ đơn giản là câu chuyện không chứa các trải nghiệm cho thế giới con người; chấp nhận hay không chấp nhận thì nó cũng thuộc về những câu chuyện kể cổ xưa, không người lớn không trẻ con không phân biệt đúng sai. Nó chỉ là nó, đã tồn tại là đã tồn tại, được kể ra là kể ra, phiên bản dù có là thế nào, được kể ra sao, được tiếp nhận thế nào thì nó vẫn ở đấy sừng sững không phán xét mang tên thần thoại

thế giới các vị thần Bắc Âu - Asgard, qua lời kể châm biếm, có mạch truyện xuyên suốt của Neil Gaiman hiện lên đầy lừa lọc gian dối, giết chóc và âm mưu; Asgard không cho tôi hứng thú gì mấy, thậm chí còn thấy hiện lên hình ảnh của "bọn cửa trên", có tất tật, biết tất tật cách thức vận hành etc. thì có gì vui, chán ốm, vô vị; có thể chính vì không vui nên thế giới các vị thần luôn vẽ ra việc để khịa thế giới ngoài Asgard. Nếu chưa từng biết về các vị thần Bắc Âu, đọc Những vị thần nước Mỹ của Gaiman rồi, thì đến Thần thoại Bắc Âu sẽ có nhiều chi tiết được lý giải vì sẽ gặp lại Odin, Loki, rượu mật, lễ vọng treo mình 9 đêm trên cây thế giới Yggdrasil...

cách kể chuyện của Gaiman mang tính hệ thống lần lượt chương hồi, trong dung lượng này thì chỉ chú trọng tình tiết, không trông mong nghệ thuật được; tuy nhiên, rất thi thoảng Gaiman gài một câu bình luận đắt giá, một câu đáng nhớ là Thor nói, khi mái tóc vàng của nữ thần Sif - vợ Thor, biến mất "hắn đã cạo trọc đầu nàng", hắn là ai, là Loki và Sif hỏi Thor sao lại nói như vậy, "bởi vì, mỗi khi có chuyện gì không ổn thì điều đầu tiên ta nghĩ đến là, đó là lỗi của Loki. Như thế đỡ tốn thời gian hơn" :)))

với tôi, Loki là một nhân vật thần thoại hay. Một biến số. Không phải thần, là anh em kết nghĩa với Odin, không ai biết hắn đến thế giới các thần từ khi nào hay bằng cách nào, có thể xem Loki là bạn và cũng là kẻ phản bội Thor [Loki là cha của quái vật mãng xà, sói... góp mặt trong trận chiến tận thế, tất nhiên, không cùng phe với các vị thần; kết thúc trận tận thế, hai người chui trong cây thế giới Yggdrasil sống sót là người phụ nữ mang tên Sự Sống và người đàn ông mang tên Mong Cầu Sự Sống, hai cái tên hay, đúng tính chất giới]; Loki dáng vẻ nhỏ thó [bố là người khổng lồ, tên có nghĩa là kẻ giáng những đòn nguy hiểm và ông ta nguy hiểm như cái tên, nhưng mẹ thì mảnh dẻ, xinh đẹp, sắc sảo nên tên của bà có nghĩa là cái kim], rất đẹp trai, dẻo miệng, đầy sức thuyết phục, ranh mãnh, tinh vi và xảo trá [tất nhiên liều lượng tương đương là giận dữ, đố kị, ganh ghét và tham lam, có thể xem Loki là tác giả của nỗi phiền muộn, đồng thời, những trò vui tinh quái, yêu thích chơi khăm kẻ khác và cũng cay cú nhiều ngang như bị kẻ khác chơi khăm]; tinh ranh khôn ngoan xảo quyệt hơn bất cứ vị thần và người khổng lồ nào, ngay cả Odin đã hy sinh một mắt của mình để đổi lấy sự thông thái cũng không có cửa ranh mãnh với Loki. Các thần chịu đựng và quý mến Loki vì những kế hoạch, mưu mô của Loki đã cứu họ nhiều không kém gì rắc rối chúng gây ra. Biến số Loki này khiến thế giới sặc sỡ hơn, khó kiểm soát và kém an toàn hơn; nếu không có biến số này, thế giới không xứng là một nơi vui chơi; đáng giá, quá đáng giá, phải thế, thế mới vui [đừng bài cái xấu cái độc cái tà, hay những cái ở "phía kia", phải cân bằng, thậm chí hơi lệch tí tì ti cũng được, phải phá mới thành]


22.6.25

đêm qua tôi đọc xong câu chuyện của Gaiman và ngủ mơ mình là một thằng bé đang tập trung "làm phép" để xây dựng kết giới bảo vệ nhà cửa cây cối vùng đất của mình; nhưng kết cục của giấc mơ là tôi bị mẹ mình phản bội

sáng nay trở về từ giấc mơ, tôi đinh ninh thằng bé xây dựng kết giới ấy là thằng bé trong truyện của Gaiman, cho đến khi tỉnh hẳn, chỉ 2-3s sau, tôi nhớ ra đó là thế giới trong mơ, nhưng cảm giác bẽ bàng bất hạnh khi bị mẹ phản bội thì dư vị còn nguyên không trôi. Đúng là vết thương thực tại khó lành, trong mơ, dù đã là một đứa bé trai là hiện thân của tôi, không hẳn là tôi, định mệnh vẫn không buông tha :)

vui chơi



ngày bé tôi thường tự hỏi, mà đến giờ tôi vẫn thi thoảng tự hỏi mỗi khi nhìn mình trong gương dù tôi cũng không thường soi mình, tôi là ai và cái gì đang nhìn bộ mặt trong gương, hay là, trong gương là cái gì đang nhìn tôi. Nếu, cái đang nhìn lại tôi không phải là tôi, có lẽ không phải thật, vì có thế nào thì tôi vẫn đang là tôi dẫu trông mặt tôi có thế nào đi chăng nữa; thế nhưng, như vậy, thì cái gì là tôi và cái gì đang nhìn lại tôi

khải ngộ là những giây phút tôi nhớ ra, vẫn ở đấy nhưng bỗng nhớ ra do bỗng quên mất; rằng, chẳng ai trông như con người thực sự bên trong mình cả, người ta phức tạp hơn nhiều, ai cũng như ai, đều như thế cả. Có một cái lỗ trong tim, nơi mà dục vọng, bóng tối không bao giờ chịu rời đi bằng hết, nếu mà dục vọng có thể biến mất thì hình có thể biến nhưng bóng thì vẫn còn cho lũ chim đói, những kẻ hốt dọn như kền kền hủy diệt nốt; kền kền mà đến thì cây sự sống cũng biến mất, chúng dọn dẹp hết chẳng chừa. Nhưng chẳng phải con người thực bên trong, cũng như tất tật mọi thứ sống quanh đây đều cần dục vọng bóng tối sự huỷ diệt cũng như những điều tốt đẹp cần được trồng hay sao [thứ tốt đẹp không tự nhiên sinh ra, chúng phải được trồng]; thế giới cần thiết phải như vậy, sự cân bằng, chính nó duy trì trật tự sự sống và phép nối dài: phải phá thì mới thành

Neil Gaiman tạo ra một phép phúng dụ, cái ao vịt của vùng đất huyễn huyền [nơi mặt trăng tròn đầy khi mặt trăng của thực tại khuyết và ngược lại] là đại dương tâm thức, nơi tắm mình của bản nguyên linh hồn trước khi đến với sự sống, nếu cứ soi mình trong nó thì ta cứ soi vào mãi vô tận trong chính mình. Nơi khi một cậu bé 7 tuổi tắm mình, bỗng hiểu mọi sự thế gian, nhìn thực tại đúng như nó là; thực tại mà trước đây vốn biết chỉ là lớp kem trang trí bề mặt của một bánh sinh nhật khổng lồ, trông chúng quá ảo cảnh, bên dưới chúng là những gì tù mù lúc nhúc ta từng không hay biết; và người ta khó lòng muốn rời khỏi đại dương ấy, nơi đã cấp cho người ta mọi góc nhìn mọi quan điểm và, như thế, có lẽ nếu có thể, người ta từ chối đến với sự sống của thực tại, người ta chọn mãi mãi là một linh hồn, mãi mãi là một đứa trẻ, không trở lại với thực tại của người lớn nữa

nhưng biết mọi chuyện vận hành ra sao, hiểu thấu tất tật thì có gì đặc biệt đâu nào. Và nếu ta muốn vui chơi thì phải thật sự từ bỏ tất tật những thứ biết ấy. Không chịu vui chơi thì tội cũng nặng như không lòng tin không đức tin

Neil Gaiman là độc giả của Chesterton, không phải vì cái câu mở đầu Coraline mà Gaiman nói là của Chesterton đâu, cũng không phải trong các trang viết Gaiman nêu tên Chesterton đâu. Mà đọc, đọc sẽ nhận ra đây là thực hành văn chương của Gaiman tỏ lòng với Chesterton, tất nhiên còn cả Lewis và Tolkien nữa. Nhưng thứ tác động mạnh nhất vào thế giới của Gaiman chính là các câu chuyện thần thoại, chúng không phải truyện người lớn mà cũng chẳng phải truyện thiếu nhi; điều tuyệt vời là các câu chuyện thần thoại chỉ là như thế thôi, nó chỉ như thế tồn tại, bất chấp mọi thứ, thế mới hay 

18.6.25

linh thiêng và báng bổ



là Thần tức là từ bỏ sự tồn tại trần thế để trở thành một yếu tố văn hóa, một yếu tố sống mãi trong tâm trí con người, như giai điệu một khúc hát ru. Con người sẽ tự tái tạo Thần trong tâm trí của mỗi riêng mình họ, đồng nghĩa, Thần không còn căn tính riêng của Thần nữa, thay vào đó, các vị thần, anh là, ngàn bình diện của thứ người ta cần anh là [người hùng mang nghìn khuôn mặt, chính là ý này, ở phía của tâm linh, không phải tôn giáo] và mỗi người lại muốn ở anh những thứ khác nhau, không có gì cố định, không có gì bất biến, dẫu vẫn mẫu số chung. Các vị Thần không bất tử, chừng nào còn có người tin và thờ phụng, họ vẫn sẽ sống, ngược lại, sẽ tan biến vào hư vô; con người đương nhiên không dùng từ bất tử, con người dùng sống và chết, con người chỉ thực sự chết khi sự quên lãng là hoàn toàn và con người, như Shadow - nhân vật chính là đại diện con người (mang nửa dòng máu thần) có nói, là con người, chúng tôi chẳng cần ai tin hay thờ phụng vào chúng tôi cả, chúng tôi vẫn tìm ra cách để sống tiếp, chúng tôi là thế

nhưng tại sao lại là Những vị thần nước Mỹ, tại sao lại là Mỹ. Neil Gaiman tạo ra một câu chuyện dài, một thế giới tưởng tượng pha trộn những tín ngưỡng dân gian, tôn giáo, thần thoại... đại diện cho những vị thần cổ xưa tồn tại nhờ niềm tin và sự thờ phụng của con người và, ở phe kia là các vị thần mới gồm những truyền thông, công nghệ, cao tốc, thẻ tín dụng..., đại diện cho đời sống hiện đại con người tôn thờ, phụ thuộc và quên đi những vị thần xa xưa. Còn nơi nào phù hợp hơn, người ta thường nói việc quái gì cũng có thể diễn ra ở Nhật và người ta cũng thường nói, Mỹ - vùng đất của cơ hội, tự do, giao thoa văn hóa, rộng rãi hào phóng cho mọi màu da văn hóa... việc quái quỷ gì cũng được phép và không được phép ở đây vì, sự hỗn loạn, lịch sử nghèo nàn so với lịch sử các nước khác có cùng biên độ chuộng công nghệ và đời sống hiện đại phát triển. Người ta quên nhiều thứ, đâu riêng gì những vị thần, đức tin hay lịch sử; trong thế giới hỗn loạn như vậy, một số không nhiều lại thực sự giàu lòng tin, càng chao đảo người ta lại càng khao khát và vững tin, như một tất yếu

quyển sách khổ to, 650 trang, câu chuyện không phải là không cuốn hút, nhưng kéo cả 2 tuần dù mỗi lần mở ra đọc đi 60-100 trang không muốn gấp sách lại. Vì ngày nào đọc nó trước giờ ngủ, đêm ấy sẽ mơ những sinh vật kì lạ, những thứ không ở đây, có buổi sáng ngủ dậy tôi đã phải nhìn một sinh vật đầu đại bàng còn thân là sư tử [điểu sư đấy; cách đây mấy năm tôi mơ tôi cùng một con hổ trắng (giờ tôi còn không rõ mình cùng nó hay chỉ có mình là hổ trắng) canh giữ một gian nhà trên núi, có mấy giá sách thôi, và sách cũng không nhiều nhặn gì]. Như thế giới của H. P. Lovecraft từng mở ra với tôi, chúng khiến ta mơ

ps. có một dạo Neil Gaiman dính cáo buộc qrtd, ldtd... tôi không bất ngờ. Thế giới tưởng tượng thuộc về thần thoại, xung năng bạo tàn vươn mình gói trong thân xác người phàm nhỏ bé yếu ớt và cuộc sống hiện đại, không dễ sống tí nào, ai bảo ta là con người đời sống ngắn ngủi luôn cầu sống