Over and over I whisper your name. Over and over I kiss you again
TT&NT

2.4.25

Mạc Ngôn đỏ



quyển sách vào nhà gần 20 năm, nhờ nó mà lần thứ 2 trong đời tôi bị móc mất ví ở cùng một đoạn đường chỉ vì mải xem sách. Thời ấy như nhiều người, tôi vẹo người sa vào đọc văn học TQ, không may cho tôi là tôi vớ ngay phải Mạc Ngôn; giai đoạn đọc TQ của tôi cũng rất nhanh chóng kết thúc, không để lại mặn mà gì nhiều [yếu tố sex trong văn học TQ là cái tôi ngán nhất, mỗi lúc thấy có mùi hương xa đưa tới là tôi lại nghĩ "lại nữa à" "lại nữa"; tôi gọi sex này là sex lồ lộ, sex thô; tôi đã đọc rất nhiều người, viết về sex trần tục, tả nó như đúng những gì nó là, không tránh né nhưng màu sắc điềm nhiên ấy lại khiến việc đọc, đọc mà không bị rơi vào cái hũ nút thô thiển, hiện tôi đang đọc một quyển vh Pháp như thế, đang phải đọc dè (ăn dè)], giờ có lẽ tôi chỉ có thể đọc lại một số ít, như Lý Nhuệ, chẳng hạn. Sau khi gập Tổ tiên có màng chân lại, tôi nghĩ tôi và Mạc Ngôn dừng lại ở đây; lấy tên Mạc Ngôn là "không nói" mà sao nói [viết] cơ man là lan man, nói lắm. Tổ tiên có màng chân định danh là tiểu thuyết, cấu trúc gồm 6 giấc mộng, trong đó chỉ cần qua 2 giấc mộng: giấc mộng thứ nhất Châu chấu đỏ và giấc mộng thứ năm Cô Hai đến ngay sau đó, có thể biết ngay, nhắc đến Mạc Ngôn là nghĩ đến Cao Mật [làng Đông Bắc]; cả 6 giấc mộng có thể xem là 6 truyện dài, duy nhất có giấc mộng thứ ba Tổ tiên có màng chân và giấc mộng thứ tư Báo thù là có sự liền mạch với nhau
[...]

hôm trước có bạn fb vào ib lấy quyển Tổ tiên có màng chân mà tôi đăng pass; rồi chị ấy hỏi Mạc Ngôn nhà em còn gì; bảo: đây là quyển Mạc Ngôn duy nhất lạc vào nhà [lúc í tôi quên mất, tôi còn có Người tỉnh nói chuyện mộng du, nhưng lâu lắm rồi chả thấy nó đâu, hay tôi sút đi rồi mà không hay biết; ngay cái quyển Tổ tiên cũng là tỉnh nói chuyện mộng du mà], ngay cả khi Mạc Ngôn nobel thì tôi chỉ càng thêm khẳng định mình đã chí lý không đọc Mạc Ngôn từ lâu; rồi nghe bạn fb nói, đại ý, không phải ai cũng đọc được, cũng thích Mạc Ngôn; tôi đâm tò mò, người đọc Mạc Ngôn hùng hậu lắm à, sao lại thích được văn chương này chứ, tò mò nên tôi tìm kiếm trường người đọc Mạc Ngôn ở vn, nhất là Tổ tiên có màng chân, vì tôi đọc nó mà không thấy có chút hưởng thụ nào, phải cụ thể cho chắc ăn, sợ mình vịt nghe sấm. Thì chính cái tôi cần tìm lại thấy rất ít thông tin, bài viết nào cũng chỉ lướt qua đúng tiểu thuyết tôi băn khoăn; thậm chí tôi đọc cả 2 luận án tiến sĩ [1 của đh Huế đh sư phạm, dùng lý thuyết liên văn bản nhìn tiểu thuyết của Mạc Ngôn; 1 thì được hoàn thành tại Viện Văn học, Học viện KHXH, Viện KHXH Vn về Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết Mạc Ngôn] thì đều nhắc đến nhiều tác phẩm khác của Mạc Ngôn, Tổ tiên chỉ được nhắc cho có tên, ngay cả khi trong luận văn phân tích yếu tố giấc mơ/giấc mộng, ảo mộng và hiện thực trong tiểu thuyết Mạc Ngôn [đặc biệt có một bài đăng báo lấy chủ đề giấc mơ/giấc mộng trong văn chương Mạc Ngôn cũng chỉ viết có 2 câu về Tổ tiên] trong khi Tổ tiên có màng chân là tiểu thuyết tỉnh nói chuyện mộng, tảng băng trôi trên mặt nước và tảng băng ngầm, cấu trúc rõ ràng đánh số giấc mộng từ một đến sáu

không có ai viết cho tôi đọc về cái tôi tò mò. Tôi nhìn quyển Mạc Ngôn Tổ tiên có màng chân, trong nhà hết sức ái ngại. Tôi sút nó đi thật là chí lý 🙂

1.4.25

louisiana




12 năm nô lệ là câu chuyện có thật của Solomon Northup - một người da đen tự do ở New York bị bắt cóc làm nô lệ năm 1841 và được giải cứu tại đồn điền trồng bông ở Louisiana năm 1853. Sau 12 năm nô lệ, tìm lại được gia đình, trở về đoàn tụ trong tư cách một người tự do Solomon Northup đã kể câu chuyện của mình như một tự truyện và David Wilson chấp bút, biên tập. Câu chuyện một thời đã qua của nước Mỹ thế kỷ 19, đặc biệt gắn với lịch sử một số bang miền Nam [Louisiana, Texas; năm 1968 chính hai giáo sư sử học chuyên nghiên cứu lịch sử vùng Louisiana đã làm sống lại câu chuyện của Solomon Northup và 12 năm nô lệ được phát hành trở lại] vẫn duy trì "thể chế dị hợm": chế độ nô lệ


28.3.25

sự thật là con gái của thời gian



bạn nào thích lịch sử Anh nói chung, hay riêng thời Cuộc chiến Hoa hồng thì đọc Con gái của thời gian đi. Josephine Tey viết, với mình, không đặc sắc văn chương nhưng câu chuyện ngoài việc logic sắc bén, nó còn nhiều thông tin và gọn

thanh tra Alan Grant nằm trên giường bệnh chán nản được bạn mang đến cho một loạt các bức chân dung, vì vốn Grant là người rất thích nhìn ảnh chân dung người khác để định vị trí cho người trong ảnh, quan toà hay bị cáo [có lẽ bệnh nghề nghiệp, có 1 pha anh ta nhìn ra phạm nhân chỉ bởi người 40t mà mặt không nếp nhăn, bởi 1 lối nhìn: 40t mà không nếp nhăn thì hẳn thiếu trách nhiệm và trăn trở với mọi sự trên đời, rất thích hợp cho vị trí làm mà không cần quan tâm hậu quả hay thiện ác]. Trong loạt ảnh cầm xem giết thời gian, có vua Richard Đệ Tam, người vốn được xem là tàn ác, gã gù độc địa, kẻ giết 2 cháu ruột để bảo vệ vương vị, theo như sách giáo khoa sử và các sách sử dành cho người học để đi thi nêu ra; Grant ấn tượng với gương mặt trong ảnh và khi biết đó là Richard III đầy tai tiếng tàn ác, Grant hồ nghi [nhìn mặt bắt hình dong hiếm khi sai, nó sai chỉ bởi người nhìn nó, nhìn mà không thấy, nhìn ra sai]. Từ vị trí thanh tra cảnh sát điều tra vụ án, Grant chuyển sang vị trí của người điều tra học thuật - sử gia. Đây cũng là điều tôi luôn thích ở những người nghiên cứu đúng nghĩa, họ trở thành những người điều tra, lần theo nhân vật của mình, biết nghi ngờ, đặt nghi vấn và giải quyết nó [nhiều khi tới độ ám ảnh]

cái hay của việc lật lại một kết luận lịch sử suốt 400 năm trong quyển sách này là nỗ lực suy luận của các nhân vật điều tra học thuật dựa trên các căn cứ lịch sử [sách giáo khoa là thứ gây thất vọng nhất, tiểu thuyết theo nghĩa nào đấy nếu biết nhặt chi tiết thì không hề tồi, thậm chí như trong Con gái của thời gian thì Thomas More lại vô cùng bịa đặt (giai đoạn Thomas More viết về Richard III thì More mới chỉ khoảng 5 tuổi, khi Richard III bị tiếm ngôi và bị xử thì More chỉ khoảng chập 8 tuổi; lứa tuổi mà thiên về một thằng bé nghe người lớn kể lại, cái nhìn và sự kiện có đáng tin không; chưa tính đến, lợi ích chép sử cho vị vua tiếp theo khiến người ta thích bẻ cong sự thật theo đúng ý: lịch sử thuộc về phe thắng lợi]. Thường các tiểu thuyết sẽ chọn một giai đoạn lịch sử và các nhân vật để đưa vào đó các sự kiện [sự thật/một phần sự thật/hư cấu] để tái tạo sự kiện lịch sử theo cách hiểu và theo kết cục đã định sẵn/hậu truyện có kết cục theo ý tác giả; còn Josephine Tey cho các nhân vật của mình đơn thuần sử dụng logic suy luận đối chiếu nhiều nguồn văn bản lịch sử [một nhân vật trong truyện có nói, đại ý: sự thật không nằm trong các bản tường thuật mà nằm trong các sổ kế toán; tôi thấy điều này luôn đúng, tức là, lịch sử thật sự được viết dưới những dạng thức không chủ ý để trở thành lịch sử 🙂 kể từ khi mọi thứ quy ra tiền/vàng, tiền/vàng được dùng làm vật mang giá trị mua bán, còn sống thì con người còn bị lưu vào các bút toán thu chi mua bán; và các sổ kế toán biết nói sự thật ngay cả khi nó ghi khống :)))], không ngại đặt nghi ngờ và tìm cách trực diện lật lại sự kiện lịch sử 400 năm trước đã được định sẵn kết chung

hoá ra Shakespeare viết Richard III là chính ông Richard - đối tượng của điều tra học thuật trong quyển tiểu thuyết này. Và hoá ra Richard III được minh oan từ thế kỷ 17, Horace Walpole làm điều tương tự vào thế kỷ 18, thế kỷ 19 cũng có người làm điều này, thế kỷ 20 thông qua nhân vật Grant và cộng sự, Josephine Tey gián tiếp làm công việc lật lại sự kiện lịch sử, mang một lối nhìn khác cho người đọc về một vị vua

sự thật là con gái của thời gian, không phải con gái của quyền lực" [Bacon]

25.3.25

Erich Fromm




lại thêm 3 quyển của một nhân vật không bao giờ nghĩ mình sẽ sờ tới, nhưng sách vào nhà thì trước sau cũng phải sờ thôi, nhất là khi biết The art of loving từng có bản dịch ở vn của Tuệ Sỹ từ năm 1969 - Tâm thức luyến ái và một bản dịch khác tên Phân tâm học về tình yêu, cũng năm 1969. Thì phải sờ xem thế nào. Hạnh phúc và tình yêu, những tình cảm, năng tính yêu thương... làm gì có chuyện dễ thế, không miễn phí, không dễ dàng hưởng được... rất nhiều công trình viết về tình yêu, thì đúng thôi, nhưng khó hiểu là, rất nhiều người đọc nó để "học". Tại sao lại học. Khởi thuỷ là hành động, phải hành động thì mới nhận được sự giáo dục, giống như yêu, tình yêu mang đến sự giáo dục; thay vì học nó để hành động yêu, giống như [chờ] được yêu. Tôi cần bởi tôi yêu, thay cho, tôi yêu bởi tôi cần. 


Xã hội tỉnh táo và Trốn thoát tự do là 2 quyển đúng trình hiện lúc này. Đều là những công trình nghiên cứu cách đây chừng 70 năm nhưng nó chỉ ra và phân tích cặn kẽ tâm lý của xã hội văn minh cùng những công dân tự tha hoá phân liệt của nó [quyển Trốn thoát tự do thiên về phân tích cấu trúc tính cách con người hiện đại]. Baudelaire từng đặt một câu, đại ý: Còn lại gì cho thế giới con người trong tương lai... chúng ta sẽ tàn lụi bởi chính cái thứ mà chúng ta cho rằng mình sống nhờ nó. Cũng vậy, Tolstoy chỉ ra việc tất cả những gì con người làm, để làm gì, để đạt được điều gì, các cá nhân cũng như toàn bộ các quốc gia coi thứ được gọi là văn minh làm nền văn minh thực sự dễ dàng làm sao; chính vì nhìn nhận sai nên cái được coi là văn minh thì dễ làm và chấp nhận được còn nhìn nhận đúng về văn minh đòi hỏi nỗ lực khắc khổ vì thế sự nhìn ra luôn bị đại đa số khinh thường và chán ghét, bởi nó phơi bày sự dối trá của cái được gọi là văn minh


"thế kỷ 19 vấn đề là Chúa đã chết, còn trong thế kỷ 20 vấn đề là con người đã chết. Thế kỷ 19 vô nhân đạo có nghĩa là độc ác, còn trong thế kỷ 20 điều đó có nghĩa là sự tự tha hoá. Nguy cơ trong quá khứ là con người trở thành nô lệ. Hiểm hoạ trong tương lai là con người có thể trở thành người máy". Tôi thấy chưa bao giờ con người thoát định mệnh trở thành nô lệ, do và cho chính mình, xã hội môi trường mà con người dựng lên; tưởng là mình tự do, thoát khỏi những ràng buộc của mình của xã hội, tưởng như mình nhận thức rõ về mình về thế giới... nhưng nhầm to, nhận thức về mình luôn là nhận thức sai trệch nhiều nhất, loanh quanh vẫn giống Tôn Ngộ Không trong tay Phật Tổ Như Lai [đúng tên ông Phật í không nhỉ; hôm lâu bạn tôi gửi tôi một stt của một người có vẻ elite, stt í viết nghe có vẻ văn minh nào là chết thì không cần áo quan không cần tổ chức rộng rãi không này không kia... tôi đá mắt đọc lướt mấy giây bảo đứa gửi cho mình: cái ông viết cái này sao mà lắm không thế, thời này bị điên à, thoát khỏi cái không không, cái có để đi vào mê cung của đủ thứ mê cung không, không cái mèo gì mà lắm không thế, rõ dở hơi, lần sau đừng gửi tôi đọc mấy người rồ thế này nhớ, tôi ghét nhất cái bọn vờ vịt, không nhiều thế này thì là cụ của có cụ của dục vọng, thể hiện, chứ không cái mèo gì]. Đang thế kỷ 21, những cỗ máy người, người máy hoá sẽ phá huỷ thế giới và chính chúng bởi không chịu nổi nỗi buồn chán của một cuộc sống vô nghĩa


tôi vẫn câu cũ, học giả viết gì mà dài dòng khó hiểu thế :)))

24.3.25

queer




nếu không phải vì sắp gả đi thì chắc không biết đời nào tôi mới sờ đến quyển sách trong ảnh; vì cái logo Phụ nữ tùng thư tủ sách giới và phát triển :))); tôi không định đọc Butler, cũng không muốn đọc Butler đọc nhân vật nào đấy 


người đọc tương tác với văn bản, tiếp nhận và diễn giải là một phần làm nên sự biến văn học, từ đấy mà người ta dựng lịch sự văn học. Nhiều người đọc Hegel, Lacan đề cập Antigone rồi; với tôi, lối của Hegel quá straight vì đứng ở điểm nhìn của Creon, Antigone - Creon, thân tộc - nhà nước; Lacan thì tôi hứng thú hơn dù dựa vào lời thơ của dàn đồng ca để nói thay, cảm thay cho người xem/đọc, Antigone từ phương diện mỹ học, sức hấp dẫn khó cưỡng của cái đẹp, cái chết của Antigone nằm trong ranh giới của Tưởng [imaginary] và chớm khởi đầu/vượt giới hạn có thể sống của Tượng [symbolic]; còn cách đọc của Judith Butler thì quá queer [nó hứa hẹn mở ra nhiều diễn giải cho văn bản đã thường quá ổn định về ý nghĩa; nhưng với tôi, phải đúng đã, cách đọc queer cũng tốt, nhưng phải đúng đã] - queer theo nghĩa của Butler để chỉ lệch chuẩn, bên lề của chuẩn, thậm chí hỗn chuẩn, khó khuôn định vào một quy chuẩn/định nghĩa, độ mở của khả thể, kháng cự định nghĩa etc.


Butler đứng ở góc nhìn Antigone và từ góc nhìn ấy Butler đọc Antigone trong đối thoại Hegel đọc Antigone [Butler dùng chính Hegel chống lại Hegel], Lacan đọc Antigone. Butler đề xuất một khả thể đọc khác, theo đó, Antigone không thuộc cái nhìn chính trị, cũng không đại diện thân tộc theo nghĩa lý tưởng. Antigone là một trường hợp lệch chuẩn và cần nhìn nhận Antigone như một chủ thể, chủ thể này tham gia vào bi kịch, tất tật những rắc rối sự vụ đều bởi ham muốn của chính nàng. Antigone chôn anh hai lần và ở lần 2 khi bị bắt, trước mặt bạo chúa Creon, Antigone hành động bằng ngôn từ, khẳng định việc mình làm và nói rằng sẽ không phủ định việc mình đã làm; như vậy tức là lặp lại hành động chôn cất đã thực hiện trước đó và đương đầu với quyền lực của người đứng đầu dựa trên một quyền lực khác - quyền của ham muốn. Vậy tức là, 1. hiện diện chính trị bằng việc nói ở nơi không được phép nói, 2. rắc rối giới - Creon cảm thấy mình bị xúc phạm, nam tính của Creon dường như bị tính cương cường của một nam tính nơi Antigone đe doạ "nếu cô ta không bị trừng phạt thì cô ta mới là đàn ông, chứ không phải ta", "chừng nào ta còn sống thì không người đàn bà nào được nắm quyền", 3. vẫn là ham muốn, khẳng định chủ quyền của một chủ thể ham muốn [subject of desire] - không có vinh quang nào lớn hơn việc chôn cất người anh này, vì người anh này là duy nhất với nàng, không ai thay thế được [Goethe có nói gì đấy về đoạn này, đại ý, Goethe muốn ai đó chứng minh rằng đoạn này, lời của Antigone là ai đó nhét vào chứ không phải Sophocles, để tí tôi kiếm lại link dán bên dưới, dán cả George Eliot đọc Antigone nữa The Antigone and its moral, Lessing cũng có, Levi-Strauss nữa, nhưng ngại tìm lại quá; nhìn chung nhiều sinh viên Mỹ chọn Antigone (may quá người ta cũng chán ngán Freud với Oedipus rồi) hoặc chọn cách đọc Antigone của Hegel, Lacan, Eliot... làm đề tài, hồi lâu lâu tôi search, lạc vào trang của các trường, file pdf đọc vui phết] - vẫn là dục vọng, ham muốn, hành động hướng về đối tượng ham muốn. Đến đây thì đúng câu nói của Butler "cuộc đời đáng sống hơn khi ta không bị giam cầm trong những phạm trù không phù hợp với mình, những phạm trù áp đặt và lấy đi tự do của mình". Giữa hành động và cái chết của Antigone không phải quan hệ nhân quả, Creon không giết Antigone, mà Antigone lựa chọn hành động, Creon chỉ xua Antigone đến một cái chết sống ngay khi chưa được sống ngay khi còn đang sống vì Antigone là một trường hợp bất tất, lệch chuẩn không khớp vào định chế nào, chính Antigone mới là tác giả cái chết của mình. Qua cách đọc queer của Butler về Antigone, ở đây là yêu sách của Antigone thì Butler đặc biệt phục hồi vị trí cho ham muốn, quyền được có quyền ham muốn, đề xuất một lối nhìn khả thể của ham muốn trong định chế thân tộc, nhà nước


tôi vẫn câu cũ, học giả viết gì mà khó hiểu thế :))) nên tôi rất ngại đọc học giả viết. Bản thân tác phẩm là tác phẩm, ý nghĩa là ý nghĩa với riêng mỗi người đọc, mỗi ý nghĩa ấy lại gần như có thể xem là duy nhất, ý nghĩa nào thì cũng là ý nghĩa và không ý nghĩa nào là giống với ý nghĩa nào

23.3.25

tẫn liệm

 



khi internet có ở Vn, tôi ở tuổi thanh thiếu niên. Càng về sau, tốc độ phát triển công nghệ, tôi càng không còn đủ ngây ngô ngờ nghệch để tin vào cái gọi là bảo mật thông tin. Chuyện chính quyền, nhà nước theo dõi kiểm soát từng cá nhân dưới gầm trời chế độ của họ là điều tôi thấy nằm trong suy nghĩ "ai ai cũng biết" và về lý thuyết, đấy là chuyện "ai cũng biết cả", thậm chí, nhà nước chế độ còn sẵn sàng tìm mọi cách để kiểm soát theo dõi con dân của mình, đấy cũng là điều "ai ai cũng hay". Nó nằm trong tư duy của phần lớn người dân, không cứ ở quốc gia đang phát triển hay phát triển, quốc gia văn minh thì cũng vậy mà độc tài chuyên chế thì cũng không khác. Tôi luôn nghĩ trên đời không có cụm từ công bằng dân chủ văn minh; công bằng là khái niệm phi tự nhiên, như muốn nói không có sự tồn tại của Thượng Đế, mọi sự sinh diệt đi con đường của nó, vốn dĩ đã không công bằng, đó mới là tự nhiên; dân chủ văn minh là những từ lừa mị, càng phát triển người ta càng nghĩ ra nhiều phương cách, lạm dụng ngôn ngữ và các hình thức để che giấu sự thật, dân chủ văn minh thực chất là tẩm liệm đẫm nước hoa để bọc cho kín những gì ở phía nghịch của dân chủ văn minh - tẫn liệm dân chủ văn minh (kứt bọc nhiều lớp mùi thơm)]


tự truyện của Snowden xứng là một phim hành động, tiểu thuyết trinh thám [xưa có truyện Dữ liệu tử thần, cho thấy đời sống một cá nhân số hoá nó nhỏ hẹp thế nào]. Và khi có một câu chuyện để kể, thì người ta lại phải có "hoa của trời" để kể câu chuyện ấy ra, thiên tư ấy không gì bù đắp được, ngay cả khi Snowden có được cầm tay dắt đến các lớp các khoá học viết văn, cũng vẫn viết ra sản phẩm chuyện kể mang tính hoài sơn vô thưởng vô phạt 

9.1.25

sốt



so với nhiều tiểu thuyết đề tài lò thiêu, nạn diệt chủng người Do Thái thì Cơn sốt lúc bình minh là một quyển dễ đọc [ngay cả khi so với 2 quyển văn học Hungary cùng đề tài, đều do GVC dịch (Không số phận, Kinh cầu cho một đứa trẻ không ra đời) thì nó lại càng nhẹ, như bông gòn]. Đề tài bối cảnh này, sức nặng vẫn là những chi tiết liên quan đến giai đoạn đen tối đó, đôi khi nó chỉ là nửa câu văn, một vài chữ, một chữ, hay chỉ là một khoảng trống không gì cả nhưng đủ nói lên điều đã xảy ra. Quyển sách này cũng vậy; lời kết của nó cũng gây ấn tượng cho tôi hơn bản thân câu chuyện tình và khát khao sống của những người trẻ tuổi trong thời đoạn lịch sử đen tối ấy

nội dung của nó đã được nói gần như đủ ở text bìa sau của quyển sách. Mở ra đọc tất nhiên không còn gì nhiều, nhưng vẫn phải đọc, chẳng phải sao, song tôi không hy vọng gì. Người viết nó là đạo diễn, Gárdos Péter, ông nhận lại chồng thư của bố mẹ mình ngay khi bố mất và khởi sự viết câu chuyện của bố mẹ mình, hoàn thành sau 10 năm. Đọc câu đầu tiên thấy tác giả chọn xưng "cha tôi" làm chủ điệu là thấy một lựa chọn văn chương kì lạ rồi, thấy tiếc luôn rồi, và vì quá quen với ngôn ngữ điện ảnh tham tình tiết nên khi viết tiểu thuyết Péter đã giữ đặc sản điện ảnh này cho ngôn ngữ văn học, tạo ra một tiểu thuyết với tôi là bị phí. Với ngồn ngộn đất thế này, vào tay nhà văn khác, câu chuyện có độ vươn nẩy tốt [quyển sách này ngay tay gấp trước đã có lỗi câu, đi tầm 20 trang lại thêm lỗi nữa ("mép giường" thành "m giường") khiến tôi ngập ngừng, tôi hay sợ sách biên tập sót nhiều lỗi]

Tôi đã nghĩ người ta nhận phán xét lá phổi chỉ cho phép sống 6 tháng thì phải có lý do gì đặc biệt lắm cho nỗ lực dùng thời gian còn lại để viết thư gửi tới 117 cô gái [nếu tôi nhớ đúng] chứ; nhưng khi đọc tới câu "muốn lấy vợ" tôi mặt đần thối ra, tôi xuẩn hay thế giới ngông cuồng thật rồi; chỉ có 6 tháng để sống mà người ta cống hiến nó cho sự nghiệp lấy vợ á. Và câu chuyện này chắc chắn hư cấu đâu đó, điều ấy đương nhiên, nhưng có những mốc thời gian là thực, nó là minh chứng đã gặp rất nhiều, rằng, nhiều khi bác sĩ tuyên án tử nhưng trước khi thi hành án tử thì nhiều người phải qua án sống chung thân hơi bị dài, như nhân vật chính của truyện là đã sống 52 năm có lẻ kể từ lúc bác sĩ hô chỉ sống được 6 tháng

sốt cũng tốt, nó là phản ứng cơ thể. Trong cơn sốt tất tật đều tệ hại, thế giới như ốm to. Sau cơn sốt, mọi thứ dường như sáng rỡ, bừng tỉnh hơn, thế giới có màu khác. Nếu có nó để làm ranh giới phân định các chu kỳ mê man rồi bừng tỉnh, như chết và còn sống etc. cũng tốt :) [mỗi khi nghĩ đến một cuộc sống treo với án như vậy, tôi đều nghĩ đến Núi thần, dẫu đó gần như là tôi ghét nhất trong những gì Thomas Mann viết, nhiều đoạn nhân vật nam chính của Cơn sốt cũng làm tôi nghĩ đến Núi thần]. Tên quyển sách, ngay từ text bìa đã cho tôi biết câu chuyện theo hướng nào, nhưng cái tên ấy vẫn khiến tôi tò mò. Tai hại thật cái con mèo tò mò này