29.12.19

trú sở

người phụ nữ tuyệt vời khước từ thiên đường hữu hạn để tiến về địa ngục vô biên; nếu được chọn thì người phụ nữ chỉ sống có 34 năm này mãi mãi là kẻ xa lạ lạc loài nơi thiên đường bởi bà không ước muốn [phải được chọn thì mới được chọn lựa, không phải sao] bởi đường đi của ân sủng trong lòng người là một con đường huyền bí và thầm lặng; ân sủng và trừng phạt chỉ là một mà thôi; nhận lấy ân sủng ngay, một cách không nao núng, dưới bất kỳ hình thức nào, nhận bằng hết không né tránh 🙂 "Việc của con không phải là tự nghĩ đến mình, việc của con là nghĩ đến Thượng Đế. Và nghĩ về con là việc của Thượng Đế" vậy thì, tại sao ta phải âu lo 🙂 đọc Simone Weil mùa thu [phải nói đúng là mấy năm trước đọc Chết cho tư tưởng, cả quyển í chấm đúng Simone Weil] ngay sau đợt đọc Dostoievski cuối hè bão và rớt bão và lăn quay ra ốm trận 15 ngày; j ló bảo chị nói đến hành xác [vì sốt xuất huyết shock tạng mà nhất định không đi bệnh viện không thuốc thang gì, ngày cuối cùng là tình trạng vô niệu và sốt giật tung đầu 42 độ mới chấp nhận uống 1 viên hạ sốt paracetamol], cái chết [ánh nắng vào phòng đẹp quá, một nơi đẹp đẽ để chết] nhiều quá trong khi còn gần tháng nữa chị mới bước sang tuổi 34 [tuổi của bà í] rồi thì chị cứ bảo chị còn nhiều việc phải làm nhiều thứ phải đến phải xảy ra làm sao đã chết được sao em lại cứ âu lo không chịu tin vào các kế hoạch đã được lên từ trước khi em đến cuộc đời này... ốm bệnh hoá điên giấc mơ ảo giác chỉ là một chấm vạch ra dục vọng đã cán mốc tới hạn; qua được thì period tiếp tục, không qua được thì bùmmm ra gì thì ra; sao ta phải âu lo sao cứ nhặng lên làm rì 🙂

24.12.19

tái tạo tình yêu

tình yêu luôn luôn được khai mở trong một cuộc gặp; sự gặp không phải một kinh nghiệm, mà là sự kiện, xuất phát từ sự kiện ấy, tình yêu có thể được khai mở và dẫn lối - một cuộc phiêu lưu bướng bỉnh và cũng nằm ở nguyên uỷ của các khủng hoảng dữ dội thuộc tồn tại tình yêu là một suy nghĩ "khi ở xa nhau, dẫu chẳng ngừng ám ảnh lấy nhau... "

15.12.19

simple

tác giả viết truyện thanh thiếu niên tôi thích đây: Marie-Aude Murail, từ Oh Boy đến Người anh không lớn có khi phải cách nhau đến 9 năm í nhỉ, Nỗi niềm anh trông trẻ hơi kém hơn nên tôi tưởng NN ngừng tác giả này rồi đêm qua không ngủ được tí ti nào vì cốc cà phê lúc 4h chiều, đọc nốt Người anh không lớn, nửa sau truyện khóc nhiều quá, khóc trong hạnh phúc và có lúc bật cười giữa nước mắt nước mũi hoà nhau; còn khóc được thì mọi chuyện đều không có gì đáng lo cả Người anh không lớn chính là Simple, bộ phim dựa trên Simple của Marie-Aude Murail là Simpel [phim Đức mà 😛, tên tiếng Anh là My brother Simple], và Simpel do bạn David Kross đóng The Reader thủ vai đọc liền lúc 2 nhân vật trẻ con trong hình hài người lớn, người ta hay gọi là thiểu năng trí tuệ, đần độn, ngây ngốc, ốm, điên etc đấy. Shosha của Isaac Bashevis Singer là cô gái ngừng phát triển về trí tuệ và thể chất, phố Krochmalna trong mắt cô mãi luôn như lúc cô còn là cô bé 8-10 tuổi; Simple của Marie Aude Murail 22 tuổi nhưng anh đơn giản như một cậu bé 3 tuổi, tất cả suy nghĩ của anh về cuộc sống được truyền tải thông qua một con thỏ bông tên ông Pinpin... tôi thích những nhân vật như vậy vì sự đơn giản, đơn giản nên gọi được đúng tên sự vật sự việc, không tránh né "số phận chỉ phụ thuộc vào một vài điều"

12.12.19

soul expeditions

về Shosha, bài viết của bác Nguyễn Chí Hoan [bác là đúng rồi, hơn bố mẹ tôi 1 tuổi, nhìn ngoài chắc tôi gọi chú :p] https://phanbook.vn/blogs/news/shosha-hien-sinh-do-thai Isaac Bashevis Singer đang ám tôi, tôi phải làm gì đây khi tôi rất thích tiểu thuyết Shosha rất muốn tiếp tục Singer, nhưng lại nghĩ Singer cao vòi vọi mình biết sao bây giờ, đọc Shosha thôi đã nhảy ra bao nhiêu 'cái tên' muốn đọc rồi; cứ theo trình tự thời gian sáng tác thì tôi phải qua The Manor [Kiếp người cô quạnh], The Slave [Người nô lệ, Tìm lại người tình năm xưa] tiểu thuyết lịch sử trung cổ thế nào đấy, rồi mới đến được The Magician of Lublin [Tình em vỗ cánh], nghĩ đến lịch sử tôi muốn gục ngã luôn rồi, cho dù có là tiểu thuyết tình cảm, mà không, tiểu thuyết tình cảm tôi không gục thì cũng rối hành rối hẹ thôi dù chưa động đến nhưng tôi lại rất sẵn hứng thú với hồi ký, truyện thiếu nhi, hay Gimpel the fool [tôi rất hay thích nhân vật người điên, ngừng phát triển, thiểu năng, ốm... ] hay những gì loáng thoáng hiện ra từ nhan đề như quỷ sa tăng, Chúa cứu thế lầm lỗi, thày phù thuỷ, cậu bé tìm Chúa, thiên đường, sám hối, lưu vong, cái chết, bóng người... tại sao lại thế Singer là con trai của một rabbi [giáo sĩ Do Thái] - chi tiết này giống với nhân vật chính xưng tôi, Aaron trong Shosha - bố của Singer là một giáo sĩ sùng tín Do Thái giáo thần bí - yếu tố rõ nét trong bầu không khí tinh thần của Shosha; các nhân vật phần lớn đều có trí năng bừng rỡ, thích chơi nghịch với từ ngữ và tư tưởng - ngay cả Shosha vốn đã ngừng phát triển về trí óc và thân thể [ngừng tất cả, có thể nói cả móng tay cũng ngừng mọc], họ bừng rỡ như vậy và vẫn có thể bi quan tuyệt vọng về mọi thứ, điên và ốm [sẽ rất nhiều người thích nhân vật Morris Feitelzohn - rất dễ chìm vào những câu thoại của ông ấy] sự chú ý của ta giới hạn hơn ta nghĩ rất nhiều; đọc Shosha nghĩ về chủ đề người Do Thái lưu vong, đi hay không đi, hoài niệm, làm sao có thể không khi Singer viết về phố Krochmalna trong bối cảnh ly tán [với sự nghiệp viết như thế, chắc chắn ghetto phố Krochmalna Warszawa sẽ còn trở đi trở lại]; hay về thế giới sụp đổ lật nhào 'thế giới là lò mổ và nhà thổ', chúng ta tất tật ai cũng mơ và Chúa cũng vậy, thế giới là giấc mơ của Chúa khi ngủ và Chúa đang ốm nặng; về những gì thần bí suy tưởng 'Không có sự tình cờ. Các lực chủ trì số phận con người luôn luôn rốt cuộc sẽ hội tụ những người cần phải gặp nhau lại' vì vật chất là năng lượng cô đọng lại và năng lượng là vật chất phân rã mà ra, như các ngôi sao các tinh vân gần nhất là đầu tháng 6 tôi đọc Goodbye, Columbus [Một ngày cho người yêu] của Philip Roth; là novella thì đúng hơn là novel về cuộc sống của những người Do Thái trên đất Mỹ, họ là thế hệ mà ông bà hoặc bố mẹ rời khỏi ghettos đến Mỹ, Jewish American; trong truyện có đoạn bà dì của nhân vật nam chính Neil hỏi gia đình bạn gái Neil ở đâu, anh bảo Short Hills và bà nói xưa nay dân Do Thái đâu có ở Short Hills và kết luận 'họ không phải dân Do Thái thuần tuý, tao dám chắc' còn Neil thì khẳng định 'họ là Do Thái thuần tuý mà' hay như chuyện mẹ của bạn gái Neil mời Neil tối thứ 6 đi lễ cùng gia đình bà, Neil từ chối vì đã từ lâu không còn đi nữa, rồi bà hỏi trước đây Neil là chính truyền hay bảo thủ, Neil nói cháu không biết, cháu chỉ biết cháu là Do Thái; hay cuộc tình của Neil tan vỡ khi bố mẹ bạn gái Neil khám pha ra rằng con gái họ đã ngủ với Neil suốt những ngày Neil ở chơi tại gia đình họ, một tội lỗi nghiêm trọng khiến tất cả suy sụp... nhìn Philip Roth nhận ra ngay nguồn gốc Do Thái [người cha dòng dõi Áo Hung] còn Isaac Bashevis Singer [hơn Philip Roth khoảng 30 tuổi ái chà chà] người Do Thái Ba Lan nhưng nhìn... giống alien 🙂 với cái đầu hói rõ sọ [Aaron trong Shosha cũng lơ thơ mái đầu, em trai của Aaron khi nhìn thấy anh trai sau mấy năm đã thốt lên 'một người Đức đúng nghĩa'], mắt lồi và đặc biệt là đôi tai nhọn zểnh áp sát đầu 🙂 [không hiểu sao đầu óc tôi nó lại thấy thế] mấy hôm trước tôi tìm hiểu về Hebrew và Yiddish [Singer chỉ viết tiếng Yiddish], tác giả bài viết đưa 2 đoạn văn bản và nói bạn nhìn 2 bức ảnh và sẽ nhận ra sự khác biệt về mặt chữ viết; tôi liền nghĩ tôi chỉ thấy dung lượng dài ngắn quả có khác nhau nhưng đều là những nét xổ dọc móc móc móc giun giun :)) thôi ba hoa xích tốc đủ rồi, đi pha cà phê, pha 1 thể nửa cân cà phê mãi không xong p.s: từ ngữ trong bản dịch dùng quái, hiểm, và già lụ khụ :)

4.12.19

thung sâu

2 tháng đọc được đúng 3 quyển văn học :) Bông huệ trong thung mở màn cho kế hoạch đọc Balzac của tôi, Balzac thì giàiii :), một tiểu thuyết rất gần với các chi tiết tiểu sử Balzac, tôi hiểu người ta đọc Balzac và đi vào thế giới của người phụ nữ hoặc hướng cái nhìn vào thế giới ấy; mỗi người phụ nữ trong Bông huệ trong thung như mỗi tiểu tinh cầu hiện ra rõ nét của người vợ tâm hồn hay người tình xác thịt hay vị thế chung chiêng giữa các tiểu tinh cầu vô cùng ý vị... điều tôi tiếc nhất chính là tôi đã đọc bản Bông huệ trong thung 2003 [tôi chưa tìm xem còn bản dịch nào khác không, nếu không thì tiếc thật], phải nói rằng khó khăn hơn cả ngồi gặm ngô răng ngựa giữa trời hanh thế này vì đây là một văn bản quá cẩu thả. Quyển trinh thám bìa đỏ Một đời không đủ viết vừa miệng đúng kiểu Mỹ, ở trang 49 tôi muốn giật hết tóc trên đầu, rồi tôi nhanh chóng đọc tiếp để tránh trụi đầu và nhìn chung là trơn tru. Tôi thích nửa đầu phần 2 của truyện, có lẽ do cá nhân tôi luôn muốn đi lang thang như chạy trốn mọi mối ràng buộc, làm một kẻ không ai không gì cả; ý tưởng giết chết một người sống và sống trong vỏ bọc của người đã chết không neo đậu làm tôi nhớ đến Kasha - bông tuyết từ trên đỉnh núi bắt đầu lăn và chỉ dừng lại khi rơi vào một hố đen tuyệt vọng chết tiệt như vô tình nhảy lên chuyến xe lao thẳng xuống địa ngục; tuy nhiên nếu dựng dậy một người đã chết không có gì hình bóng của ta thì biết đâu ta lại được là ta :) Quyển thứ ba là của Peter Handke, Trong một đêm tối trời tôi ra khỏi ngôi nhà tịch mịch của mình [hic]; với kết cấu xoá tuyến tính thì đúng là phải tịch mịch mới đọc được, ồn ào nhiều ánh sáng thì đọc làm gì; tôi thích chi tiết chủ hiệu thuốc bị một người phụ nữ đánh vào đầu và ông ta giữ một mẩu móng tay của nàng, mong tìm được nàng từ dấu vết í [nghe rất kỳ ảo]; một vài ý văn hay như người ta trở nên cô đơn thế nào khi mở cửa căn phòng riêng, đóng cửa sổ và đi vào ngõ hẻm; một đoạn của Thi Sĩ ở gần cuối với khoảng 90 trang đầu... ấn tượng chỉ còn có thế p.s: quyển Peter Handke cất trên nhà ngại đi lấy nên ảnh chỉ có như đã thấy. 15h rồi, thôi tôi đi đóng hàng kiếm tiền rồi còn học bài, vất vả lắm í :) 33 -34 tuổi bỗng nhiên lại thích học nhiều thứ, hôm trước ngồi tính góc bức xạ vật lý thấy mình ngu quá, mở laptop đi mua sách online xả stress thì nhìn thấy mấy quyển toán cao cấp đạo hàm log tích phân xác suất thống kê nghĩ hay mình mua về ngồi học toán từ đầu, rồi tôi nghĩ đến ngày gần đây khi đang làm văn bản về DNA thì lão bạn hỏi "bà còn tính được tốc độ sao mã của gen không" cười mếu bảo tôi có tính được đâu mà ông hỏi còn hay không 🤣

20.10.19

khu vườn ly khai

đêm hôm kia mất ngủ vì ăn hộp caramel có cà phê lúc 8 giờ tối; tôi với tay lấy một quyển sách, vớ hú hoạ, vào quyển gì đọc quyển í; gần đây là thế, tôi còn rất ít thời gian đọc văn học. Lúc biết tay mình nhấc quyển Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, tôi nghĩ tốt thôi, quyển sách mua trượt suốt hơn 10 năm, giờ có sách giấy tái bản thì đọc, hợp lý. quãng 2001-2004 tôi vẫn đọc báo Thể thao & Văn hoá, tôi thích nửa sau Văn hoá của báo. Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ được giới thiệu ở mục nào đó của mảng Văn hoá; hôm qua tôi tìm trong tập báo tôi lưu trữ thì hình như tôi đã vứt mất bài báo ấy rồi, hoặc thất lạc hay ở đâu đó tôi chưa tìm ra [tôi ẩu tả không phải một hai lời nói hết]; tôi search bài báo 2003 ấy nhưng cũng không thấy bản số hoá [low tech cũng có thể là nguyên nhân không tìm ra bài báo ha ha ha]. Khi tôi đọc đến khoảng trang 158-160 của Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, tôi vỡ lẽ mấy khổ thơ thi thoảng tôi lẩm nhẩm đọc, đã viết như một thói quen suốt mấy năm tuổi 17-20 là của Nguyễn Ngọc Thuần, thậm chí như tôi nhớ, thì bài thơ tôi lẩm nhẩm đọc còn dài hơn cả bài thơ trong tiểu thuyết, có thể tôi đọc trong bài điểm sách báo Thể thao & Văn hoá, có thể do cả tôi bôi bịa thêm ra mỗi người sẽ có những việc làm, quyết định mà không hiểu tại sao họ có thể hoàn thành, làm được, đưa ra... như tôi hay tự hỏi làm sao một người thày thuốc có thể châm cái kim 20 cm ngập gần lút vào cơ thể người, đúng huyệt, tác động chuẩn, châm kim với tôi là hoạt động đi dần qua cái hiện hữu dương thế, đi xuống đi vào dưới da thịt mà, hẳn là có một thế lực bên dưới nào đó trợ giúp. Thì nhà văn cũng vậy, một tác phẩm nào đó vượt khỏi khả năng của nhà văn, như là một ai đó bốc lên, nhà văn viết như một cơn lên hương. Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ chính là như thế với Nguyễn Ngọc Thuần; bài báo điểm sách năm xưa đã tác động tới tôi nhiều đến mức tôi tìm tiểu thuyết này và trượt trong việc có nó suốt hơn 10 năm, có lần tôi hỏi một người viết kịch bản phim trong sg mà tôi hay nhờ tìm sách hộ về Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ, ảnh nói "lạ quá, chưa nghe bao giờ", vì trượt nó nên tôi mua và đọc tác giả này 3-4 quyển khác [tôi vẫn đang cố tìm bài báo điểm sách năm xưa, cần biết năm xưa mình là như thế nào thông qua bài báo ấy] cho đến chiều qua, tôi nghĩ mình sẽ cho 3-4 quyển kia đi ở; Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ ở lại là đủ cho tất cả Nguyễn Ngọc Thuần rồi.

29.9.19

Vỡ

Đọc Georges Simenon phải xác định rằng mình sẽ đi vào địa hạt khó ở, lỡ cỡ, vừa thấy nóng vừa thấy lạnh; tất tật các nhân vật bình thản một cách lạ lùng, dường như một khi họ chấp nhận sự thật thì luôn sẵn sàng gánh chịu tiến triển logic của mọi hệ quả, hình thức không ở ngoài cũng không ở trong ấy đưa đến các định dạng nhân vật đặc biệt theo cách riêng của Simenon Bébé đầu độc Francois chồng mình bằng tách cà phê kèm liều thạch tín vào sáng Chủ nhật như mọi sáng Chủ nhật tại Trang viên Cây Dẻ; vì lựa chọn loại bỏ, hoặc mình hoặc chồng, cuộc hôn nhân không thể kéo dài thêm được nữa "tôi không còn có thể sống gần anh ấy", cô không đủ can đảm tự sát vì một đứa con ốm yếu cần mẹ hơn bố. Francois gặp vợ sau khi phiên toà kết thúc để nói anh xin lỗi và anh nghĩ rằng mình đã hiểu, hiểu hết sự cô đơn, mắc kẹt của vợ, sự không đoái hoài của mình... nhưng thật ra, Francois vẫn không hiểu; Bébé nói "Vỡ mất rồi". "Vỡ...". Giấc mơ, chúng chân thật, rõ rệt đến mức ồn ào. Có lẽ ồn ào, khốc hại nên không phải ai cũng thấy được cái cần thấy, sự chú ý thật ra rất hạn hẹp. Francois trong quá trình bình phục nhìn lại mình và tương quan mình và vợ trong hôn nhân [bi kịch là cô ấy đã yêu mình quá nhiều, cô ấy là Bébé (ôi cái tên Bébé)]; trong giấc mơ vào một đêm trước ngày xét xử Bébé, Francois thấy vợ không ngừng giơ cái ô lên làm hiệu với anh, đi ô tô mà lại dùng đến ô? sao cô lại phiêu lưu một mình trên sa mạc mặt trăng? sao cô lại đi vào lối nhỏ nơi chắc chắn cô sẽ bị mắc kẹt? Francois phóng qua lối đi nhỏ, làm ra vẻ không nhìn thấy vợ, không dừng lại, không chậm lại, Bébé vẫn giơ ô vẫy. Quá muộn rồi; anh đã đi qua mà chắc chắn rằng, không nhìn được sau lưng. Vỡ mất rồi p/s: nhân sự kiện bữa cơm cuối tuần như mọi cuối tuần được cả nhà lên lớp về hôn nhân như thể mài là đồ sao Hoả đồ bất bình thường 🙃

16.9.19

Cách ngôn

Ngày xưa tôi có thói quen cắt các bài báo liên quan đến tác giả, tác phẩm mà tôi thích hoặc nghĩ rằng kiểu rì kiểu sau này sẽ đổ như điếu [và thường là tôi không mấy khi sai] Sau này, cứ mỗi lần động lại các bài báo ấy, sau cứ độ 6 tháng 1 năm thì tôi lại vứt bớt đi được vài bài; có những cái tên với tôi là mãi yêu, như Andersen chẳng hạn, lâu lâu nhớ nhớ lại mở ra đọc lại, lại vào chỗ nào đấy có dịch có đăng để đọc; nói như Simone Weil thì là tôi chỉ đọc những gì tôi thấy thèm, vào lúc tôi đói khát, khi đó, tôi không đọc, mà tôi ăn [đại ý thế] Georges Simenon nằm trong những cái tên tôi biết rồi tôi sẽ đổ như điếu. Trong mấy quyển được xuất bản gần đây, tôi từng nghĩ mình thích Chuyến tàu định mệnh nhất, nhưng hôm vừa rồi động vào Ông thị trưởng ở Furnes thì tự tin nói luôn, đây sẽ là [một trong những] quyển mình thích nhất của Georges Simenon, Chuyến tàu định mệnh thì xét sau 😛. Tôi không thuộc về những câu văn hoa mỹ, những tính từ đẹp, trợ từ nghe hay hay... tôi thật ra lại rất cổ lỗ, rất cụt rất gọn; hình ảnh với tôi là các chi tiết chỉ cần đúng chi tiết, nó thế nào gọi tên nó, gọi đúng đừng màu mè tô vẽ nhân danh giả dối... và tôi tự có bầu không khí câu chuyện để sống và hít thở cùng những con người trong ấy. Tôi không chịu được thứ văn trơn láng, êm tai xuôi tai mà người ta gọi là thuần Việt [thế nào là thuần Việt 🖕🏻]... những thứ như thế với tôi là đuội, đuột, không sức sống không tinh thần không văn chương Hôm động vào Ông thị trưởng ở Furnes tiếc từng câu văn đọc qua, nên buộc lòng phải đọc chậm, đọc để dành. Cách ngắt câu, nhịp câu, ý chồng ý và rẽ ngang dọc thế này đặc trưng lắm; lúc nào có thời gian tôi sẽ động tới bản tiếng Anh :))) Tất tật những người tạo ra được cách ngôn, gói vật việc hiện tượng vào cách ngôn, đều tinh quái quái vật vật không trết... tôi nghĩ đến sự chẻ đôi, hai thái cực chung sống điềm tĩnh và thanh bình trong xung năng của nhau. Tôi rất thích nhân vật ông thị trưởng Joris Terlinck, nhìn chung là rất ít nói, đã ít nói thì chớ lại thi thoảng thả một cú nháy mắt. Thật là biết trêu đùa.

29.8.19

Nausea

Khi tôi không biết nói gì thì tôi thường nói rất nhiều để thoát khỏi sự không chịu đựng nổi tồn tại của mình. Bạn tôi, anh bảo: không chịu được mà buộc phải nói thì nói chậm thôi 🙂 đã chọn lựa là một người đọc thì buộc lòng phải tạo trở lực cho việc đọc. Lúc nhận Nausea, tôi hoàn toàn bất ngờ, tôi không nghĩ anh chọn Jean Paul Sartre, đúng tính chất hành hạ. Buồn nôn tôi đọc gần 10 năm trước, tôi gần như không nhớ gì, và tôi từ chối đọc những gì như thế, từ chối những gì không cầm nắm được [tôi bé tí mà] Tôi không chấp nhận, phản kháng lì lợm bằng cách chấp nhận mỗi ngày đọc song song Buồn nôn - Nausea; cứ mỗi 5-10 trang Buồn nôn thì tôi chuyển sang Nausea và đọc bằng ngôn ngữ khác, phải đọc chậm hơn, lê lết có nhịp điệu; chính vì đọc như vậy, tôi nhận ra khi ở Nausea tôi đã bỏ qua đoạn, câu, chi tiết "đặc cách" của văn bản Buồn nôn và tôi buộc lòng phải quay lại Buồn nôn chính ở những trang mình vừa đọc qua; hết lần này lần khác ngạc nhiên rằng sao khi mình đọc Buồn nôn mình đã bỏ qua hình thức tạo trở lực cho việc đọc như tập luyện với dây kháng lực; tôi lê lết song song Buồn nôn - Nausea khiến những gì tôi đọc trong 1 tháng vừa rồi tôi rất hay phải đọc vòng lại, lộn trở lại, một giọng đọc vô hình hình thành có nhịp điệu và tiết chế. Chuyển động tưởng hỗn loạn nhưng hoá ra lại có chu kỳ Đây chính là lời cảm ơn tôi dành cho người bạn ấy 🙂 p/s: kết thúc 2 quyển vào ngày cuối cùng của tháng 7 âm lịch; không cần vội vã, mọi thứ luôn đúng thời điểm.

26.8.19

hai ánh sáng đỏ

khi bắt đầu chuyển hướng sự quan tâm về quá khứ, cổ điển thì tức là đã già đấy nhỉ. Tôi đang như thế đây 🙂 Đồng tiền hai mặt - câu chuyện đậm chất Bắc bực kiêu kỳ, nằm ngoài kế hoạch đọc của tôi; Tôi đang đọc nhiều tác giả khác [thôi dài dòng không nói nữa] Nhan đề Đồng tiền hai mặt đã hiển lộ rõ chiều hướng của câu chuyện trong nó [just kidding: theo thuyết tương đối thì vật chất đủ lớn có thể bẻ cong không gian thời gian, còn câu chuyện "cái muốn" đủ lớn (tiền bạc danh vọng quyền lực... ) muôn thuở thì nó bẻ cả lương tâm, luật lệ, thậm chí cả lòng tin; chỉ kẻ nào hiểu được mình chơi nó, nó vốn là để chơi thì mới là kẻ kiêu hùng khinh bỉ cõi nhân gian thất cách này; chứ để nó chơi mình thì người người làm suốt bao năm rồi lói làm rì]. Tôi ấn tượng với 2 cảnh trong Đồng tiền hai mặt - có khoảng 50 trang đầu dựng nên bức tranh điêu linh bởi thuỷ hoạ, có lẽ đây là cảnh vỡ đê thiểu não nhất tôi từng đọc; từng chi tiết, con người... là hiện thân của đau khổ - hai ánh sáng đỏ xuất hiện trong cảnh nhân vật Miêng đi từ đồn điền cao su ra, đường rừng một đêm thượng tuần tháng Sáu, trăng lặn từ lâu; không ai biết hai ánh sáng đỏ ấy là gì, do đâu và tại sao biến mất; ngay cả nhân vật Miêng vẫn tự hỏi như vậy... chi tiết ấy chính là đi qua bóng tối, đi cho hết bóng tối p/s: tác giả Nguyễn Khắc Mẫn 1905 - 2002; con người đi hết đời mình từ đầu thế kỷ này sang đầu thế kỷ kia... thật là giàiiiiii 🙃

compass

Tôn Ngộ Không nhún chân đi/bay ngàn tám trăm dặm, nhưng vẫn là trong lòng bàn tay Phật tổ 🙂 Con người đi bao xa, đi mãi đi mãi nghĩ đi cuối đường, hoàn thành các thứ nhưng thật ra là loanh quanh đời mỏi mệt, vẫn cứ là chuyển động tròn. Chuyện gì cũng thế, đều là huân tập như một cái gì đấy văng với lực ly tâm khác nhau; quãng đường của chuyển động vì thế mà có cự ly, bán kính khác nhau; đến một thời điểm nào đấy đủ lâu thì chuyển động đều quanh trọng tâm và vòng tròn được thiết lập cực kỳ rõ nét [bạn nào dựng vẽ hình tròn bằng tay tròn như dùng compas chắc sẽ hiểu] Chuyện đọc cũng vậy, đọc vòng đi vòng lại, may mắn là được ám ảnh, vì thế mà vòng lại như bị ngải. Đọc Dương Nghiễm Mậu chính là như thế, đọc xong, rồi giở lại, giở tiếp rồi giở lại; lũ trẻ học trường Hàng Than, lớn hơn học Chu Văn An; các kỉ niệm thường rất Hà Nội: cốm Hà Nội xanh và thơm, bánh tôm có rau muống chẻ mỏng và trắng... "như ngoài đó"; thời tao loạn với tiếng súng vô hình, cái chết lạnh tê và sự buồn rầu róc rỉa trong câm lặng; các nhân vật lựa chọn ra đi, tham chiến rất nhiều và nhân vật chính / tôi thì ở lại, không chịu đi không chọn lựa không từ chối chỉ là ở lại, chính vì ở lại nên lại thành chọn thành chấp nhận... tức là đọc và dần dần Dương Nghiễm Mậu cứ từng nét một hiện ra, có nét mảnh đưa đi đưa lại vòng đi vòng lại trở thành sự thật như ký ức, tiểu sử của tác giả hôm qua tôi đọc đâu đó rằng tác giả từ bé đến lớn không biết đi xe đạp, chi tiết này tôi rất nhớ trong truyện ngắn Trong lòng bàn tay; nhân vật chính tiễn bạn, vì người bạn chọn "ra đi". Người bạn đứng vào hàng rồi theo đoàn người bước đi không ngoảnh lại, nhân vật tôi vẫy tay từ giã không ai nhìn thấy rồi dắt xe trở ra; chính lúc này mới nhớ ra rằng bạn mình đèo mình và có lẽ bạn quên rằng mình không biết đi xe đạp, "tôi phải dắt xe ấy về" tôi phải chấp nhận đọc ebook hoặc bất cứ gì của Dương Nghiễm Mậu có trên mạng rồi vì nhiều lắm, ai tài trợ sách đọc cho nổi 🐣 [bạn nào có sách DNM bán cho mình, cứ ới nhé]

16.8.19

rằm tháng Bảy

Tôi rất ít ra khỏi nhà. Nhớ đường hướng vì vậy lại càng khó khăn, dù ai cũng có bản đồ riêng trong địa hạt nào đấy, nó và mình thuộc nhau. Tuổi nước độc của Dương Nghiễm Mậu với tôi, như trải ra trước mặt tấm bản đồ Hà Nội xưa từng ngóc ngách. Mở đầu với hình ảnh rút phong thư vuốt cho thẳng rồi bỏ vào hòm thư, nhà bưu điện chắc là bưu điện thành phố hiện nay, vì Ngạc - nhân vật tôi sau khi bỏ thư xong, đứng vơ vẩn nhìn sang bên kia đường, Bờ Hồ buổi sớm, tháp Báo Thiên; rồi Ngạc và bạn gái rủ nhau đi ăn quà ở chợ Đồng Xuân, ngang qua vườn hoa Chí Linh, toà Thị chính, thế rồi vào đến chợ thì họ lạc nhau, tưởng không thể nhưng lại xảy ra, họ lạc nhau giữa buổi chợ. Tiên tri hay khởi đầu một kết cục: lạc nhau, buông tay; tôi nói mở đầu rất quan trọng là thế. [Các cụ nói chọn vợ chợ đông, chọn chồng chốn ba quân, tôi thấy hai chốn đều tao loạn cả; tôi vốn ít ra khỏi nhà, nên tất cả về đường sá ở đây đều là hình như, chắc là nhé] Tôi không thích ra khỏi nhà. Quá nhiều âm thanh. Không biết làm gì với chúng. Tôi đành nói chuyện dài miên man với tôi. Sáng qua tôi nhờ bố đèo, ngang Quang Trung bố bảo phố này giờ thành phố kinh doanh vàng trang sức; tôi bảo thế ạ, lần trước hình như con đi với bạn lên đây mua bút mont blanc, hoá ra là phố bán vàng bạc ạ, à bố, phố Hàng Gạch ở đâu [tại có lần đọc thơ cụ TD thấy có phố Hàng Kèn, hỏi bố, bố biết nên thôi cứ hỏi cụ xem sao]; bố bảo phố Ngõ Gạch chứ, sao lại Hàng Gạch, Ngõ Gạch ở mạn gần hồ nó cắt cái phố cái hàng gì nhỉ, để bố nhớ xem nào, quanh quanh Hàng Đường Nguyễn Siêu, nhìn chung là mạn gần hồ về phía chợ đấy; thế thì đúng rồi bố, hai nhân vật trong truyện đi bộ từ hồ đến chợ để ăn quà mà, qua Hàng Ngang Hàng Đào Tôi rất ít khi ra khỏi nhà. Tôi không nhớ đường hướng và cũng không nghĩ mình muốn / nên nhớ, địa hạt của tôi có lẽ là chỗ ít con người; trong phạm vi những quyển sách có lẽ tôi dễ chịu hơn; dạo chơi chốn này lần nữa, tôi sẽ làm thủ thư lưu trữ chẳng hạn, hay gì đấy về động vật hoang dã; xa con người dễ chịu hơn 🙂 Hôm qua mở mắt tỉnh dậy có lịch ra khỏi nhà, trong đầu tôi có 3 việc; thế rồi ngay khi vừa ngồi dậy tôi nghĩ, tôi cho rằng không phải 3 việc, hôm nay mình phải đến chùa, phải đến cái gian có ảnh của những người đã khuất, được người thân gửi lên chùa, phải đi ra sau chùa qua những ngôi mộ; tôi không biết mình sẽ đến ngôi chùa nào cho đủ ý muốn ấy, vì tôi rất ít đi chùa, thế là tôi nghĩ chùa Bộc đi, cái gian để ảnh ấy có ảnh bố của một bạn cùng lớp cấp 3 [trong một lần đứng nhìn những tấm ảnh thì tôi mới biết bạn ấy mất bố] Tôi hoàn thành tuần tự việc 1 - 2 - 3, rồi nhanh chóng book xe về chùa Bộc gần nhà. Điện thoại tôi tắt chuông từ sáng và cho đến khi ra khỏi chùa tôi bắt đầu giải quyết những tin nhắn ib email shopee fb [con người thật loằng ngoằng] j email nhắc sắp đến hạn 2 năm chị bảo em rồi, là chị chỉ đi cùng em 2 năm. A.M thì ib kể lại giấc mơ đêm qua; tối ấy tôi bảo em phải giãn cách mối quan hệ của chị - em ra, em đừng rơi vào cái transference trong tâm lý, đừng đem lòng yêu chị thứ tình yêu nam nữ; ló bảo em sẽ không thế, nhân cách thằng bé yếu ớt mà, thế là mình nhắc ló đừng transference, cuối cùng đêm ló ngủ mơ ôm ấp hôn chị các thứ. Thật là mệt mề, lúc ấy đọc ib giấc mơ dài gang tay, cũng không biết nói sao vì đã mấy tiếng trôi qua giờ mới cầm đến điện thoại Các nhân vật của Dương Nghiễm Mậu thường là những đứa trẻ mồ côi [giống Dickens nhỉ]; có bố mẹ, anh chị, ông bà chú thím... nhưng rồi mẹ mất khi quá nhỏ, bố hoá điên; mẹ không giống mẹ, bố không giống bố, không thấy ông bà chú ở cương vị đó... tất cả đóng vai trò một cách miễn cưỡng khiến vai trò bị lộ diện một cách cố tình và những đứa trẻ đủ lớn để biết những điều ấy nhưng quá bé nhỏ để từ chối đóng vai diễn của chính nó trong màn kịch người lớn dựng sẵn. Một nhân vật cô gái trong truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu nhận mình trong vai trò của tấn kịch hồi chót, chết hoặc bỏ đi để đóng màn xuống cho tấn kịch thứ hai bắt đầu mở ra... Như vậy không phải mồ côi sao. Không thể ở ngôi nhà này. Không ở với mẹ được. Không ở với bố được. Không ở được trong ngôi nhà từng có cả bố mẹ anh em ông bà chú thím... Người ta bước chân đi như kẻ hư vô. Thế giới lúc nào cũng như trong cuộc chiến, chiến tranh là cao trào của cơn điên. Tôi với j là như thế, tôi mong em có một ngôi nhà để về, chỉ cần em cốc cốc chị ơi, tôi sẽ mở. Tôi không chờ mà tôi ở đấy, tôi nói 2 năm, 2 năm là để em đi qua cái tuổi tàn bạo khốc hại. tìm một tiểu thuyết VN viết về thời tao loạn như Dương Nghiễm Mậu viết Tuổi nước độc, để đặt vào tương quan tạo thành bầu không khí văn chương ấy, chính là việc tôi muốn làm, sẽ làm trong vai trò người đọc. Một nhân vật trong Tuổi nước độc nói, "bây giờ súng nổ trên khắp đất nước, cuộc chiến không còn đơn giản như ngày nào, cái ý nghĩa kháng chiến giải phóng chống xâm lăng đã thay đổi, những thay đổi khiến cho lựa chọn tham dự cũng mâu thuẫn nhau"; chiến tranh làm người ta phát điên, một tên lính da đen bị bọn da trắng đến đánh chiếm rồi mang sang VN đánh nhau, hắn ngồi trên xe đạp lao qua các bậc gạch xuống dốc [ngõ Hồng Phúc - Hàng Than], một hành động đùa giỡn với cái chết, không tìm thấy tự do ở đâu ngoài tự do với cái chết, cái chết ngoài mặt trận không làm hắn sợ hay sợ đến nỗi muốn tìm một cái chết khác, chết trong vui chơi mạo hiểm Tôi nhìn các nhân vật nam trong Tuổi nước độc như những nhân vật nam đã từng, tiếp tục con đường đã lựa chọn... trong Lũ người quỷ ám [Demons] của Dostoievski. Thế giới luôn ốm, luôn trong một cuộc chiến; chiến tranh là cơn động kinh, đôi khi tôi nghĩ nó là period; tư tưởng, ý thức của các nhân vật trong chiến tranh khi lựa chọn tham chiến mâu thuẫn nhau những cái chết như của Hoạch, bộ đội bắn chết, đã đứng vào một hàng ngũ thì phải chiến đấu, phải có lý tưởng; Thu tham chiến bằng đi lính cho Tây để trả thù du kích giết cha; hay Vịnh ném lựu đạn rạp phim thủ đô, cuộc chiến không cho phép người dân sống để hưởng thụ dù chính thời loạn lạc này người ta sống gấp hơn, sống cho qua tao loạn... thậm chí như Ngạc luôn bị cho là kẻ hư vô, không tham chiến, có một cuộc chiến ở bên trong Ngạc những lúc cầm hòn đá nện vào đầu con chó cho nó sủa để có âm thanh có chuyện; Ngạc của hành động cầm dao ra phá ngang cuộc giao hoan của đĩ già và một thằng nhếch nhác chỉ bởi nghĩ đĩ già là con bé lai Tàu hàng xóm ngực mây mẩy, nghĩ đuổi con đực này đi để mình thành con đực khác thế vào cuộc giao hoan, Ngạc của cầm dao đâm người; Ngạc của cà khịa xói móc người em cùng cha khác mẹ khiến sự kiện in hằn trên mặt là vết sẹo bàn là đỏ than dí vào chằng chịt kéo trĩu mặt anh xuống... Tất cả Ngạc ấy là Ngạc ốm Ngạc không biết hay không muốn biết mình chọn tham chiến hay không, không tin gì cả. Ốm đấy là ốm của Dostoievski, chịu ốm, chấp nhận ốm và vì thế mà quen với ốm, ốm trở thành bạn. Ngạc ý thức chịu ốm trong hoà bình khi nhìn thím mù loà, cụt tay ngồi trên giường, thím bảo thím chỉ muốn chết. Phát súng của Ngạc giúp thím chết ngay khi nảy cò là phát súng đẩy lui cơn ốm. Có hai viên đạn, thím đi rồi, Ngạc chôn khẩu súng cùng quan tài và giữ lại một viên đạn, cho mình. Tôi cứ nói chuyện với tôi mãi bằng cách viết note trong điện thoại. Rồi ib chen ngang phía trên màn hình: Không xong rồi tú ạ, giai đoạn cuối rồi... Vậy là thêm một người ốm, không phát điên không uống những viên thuốc hồng hồng như thuốc bổ để tự tử, không lưỡng hoá nhân cách; ốm này là ốm bệnh viện nghĩa địa Đấy là câu chuyện tôi nói với mình ngày rằm tháng Bảy, ngày hôm qua. Sáng nay là buổi thứ 3, buổi cuối thuyết trình lịch sử báo chí VN, buổi cuối khác hẳn buổi thứ 2, và tôi đồ rằng cũng rất khác buổi đầu [vì ngớ ngẩn thế nào đấy tôi không được đi buổi đầu, tôi không tiếc vì tôi có buổi hôm nay bù vào rồi]; Buổi nói chuyện hôm nay câu chuyện nhiều gương mặt, đa chiều, hợp với tôi hơn; rồi tôi lại có thời gian nên tôi dông dài lê thê chuyện ngày hôm qua, chuyện đọc Dương Nghiễm Mậu suốt nửa tháng qua vít lên tóc tôi; tôi leo cho hết ngày hôm nay bằng việc kể cuộc nói chuyện trong đầu tôi ngày hôm qua tôi biết làm gì vào mùa thu 🙂

10.8.19

giấc mơ. ốm

Hai hôm trước, buổi sáng trời mưa rất to, tôi kết thúc đọc Dostoievski. Tôi đứng nhìn mưa tới khi mưa tạnh, cơn mưa 3 tiếng đồng hồ. Tôi đứng nhìn mưa. Tôi cười nhẹ một mình vì lòng tôi vui. Tôi từ chối văn học Nga vì trước đây với tôi văn học Nga là những nhà văn viết câu chuyện đèm đẹp, lý tưởng, hoa mỹ, lê thê tô vẽ... đọc rất buồn ngủ, rất chài ngải còn Dostoievski thì ốm to [các nhân vật có một kiểu ốm mơ ác mộng, nhìn thấy ma, nói chuyện với ai đó đột nhiên xuất hiện trong phòng], vì tồn tại song thân vì quỷ ám cưỡi trên 2 vai vì bị câu thúc như trong chiếu bạc lớn đồng bạc cuối cùng ném ra và khẩu súng lục dắt trong người lúc nào cũng sẵn sàng bòm phát tự kết liễu... phát sốt phát điên. Tức là tôi thuộc về phía ấy, phía quỷ và đuổi quỷ; phía đê tiện và phải quen với cái đê tiện, nhìn nó xoay ngang xoay dọc lộn trái, thuận và chống, phía bị kết án, hành hạ, tuân phục số phận bằng ý thức, không dè dặt không giới hạn. Và tôi bỏ luôn Tolstoi ra khỏi danh sách đọc, dù tôi biết kiểu gì tôi cũng như một con mèo quay ra phản trắc chính mình [phải đọc hết thì mới biết mình có thể đọc tiếp hay không, có thuộc về đấy hay không, cũng như phải biết đi lang thang thì mới biết có gì không để còn đi tiếp hay không đi, trở về] Bất hạnh là không ngủ được. Ngủ với những giấc mơ và sống với hiện thực như những giấc mơ, còn giấc mơ thì chân thực như cuộc sống. Thì sao 🙂 Khoảng 3 tuần trước trong một status nói chuyện giấc mơ, tôi có nói mình đang chờ 2 người phụ nữ, tôi thường không chờ phụ nữ vì tôi rất tránh gặp họ, tôi phải nói gì đây khi tôi không biết nói gì; theo giấc mơ và thời điểm tôi áng chừng thì khoảng 1 tháng nữa tôi sẽ gặp 1 trong 2 người phụ nữ. Hôm kia cậu bạn thân bảo đang đi công tác, vợ bầu lại ốm, tú qua xem hộ ta; thế là tôi biết rằng sự việc đã đến sớm hơn tôi nghĩ 1 tháng, nhưng lại muộn hơn tôi chờ đợi 2 tuần. Lúc tôi đến nhà bạn, là lần đầu tôi và vợ bạn gặp nhau, nhà đang sửa bừa bộn y như trong giấc mơ, chỉ đổi mỗi vị trí cái ghế dài thôi, còn nhân vật ốm với các thứ ánh sáng không khác. Và tôi không biết nói gì với cô ấy thật, vì không biết nói gì nên tôi nói rất nhiều 🙂 để giết chết sự nhàm chán cũng như không thể chịu đựng được của bản thân Cũng có những giấc mơ là cuộc gặp mà tôi không biết mình sẽ gặp ai, cũng không biết thế nào vì sự cắt ngang của giấc mơ nên tôi không chờ, lúc nào đến thì biết là mình sẽ phải làm gì đó bằng mọi giá, nhao ra đường chẳng hạn hoặc trì hoãn; tôi thường trì hoãn, bao giờ cũng thế, tôi luôn đến muộn trong các cuộc gặp gỡ, nếu đến sớm hơn đối phương thì bao giờ cũng kèm một cái gì đấy dại dột, vì sát giờ hẹn tôi vẫn còn hồi hộp vì chuyện phải ra khỏi nhà, cuộc gặp sẽ thế nào, người ấy và tôi ra sao, nói gì phải nói gì cho hết thời gian đây, ngồi im với nhau cũng vui mà chẳng phải sao… Cách đây mấy năm đi gặp QN, tôi đến muộn, và sau khoảng 30' ngồi nói chuyện đã định thần, tôi bảo em rằng sát giờ tự nhiên ngại quá, định nhắn em là chị thế nào đấy, hẹn em lần khác; QN cười mỉa một cái bảo "biết ngay mà biết ngay mà [đáng ra nên thú nhận là chị luôn luôn như thế với tất cả mọi người không riêng gì em] Cơn bão hôm vừa rồi anh bạn ra HN việc gia đình, anh nhắn bất chợt bảo anh đang cà phê ở góc LS - NHH; cách tả rõ góc LS – NHH thì phải của ai đó khác, nhiều khả năng hai anh đang ngồi với nhau; tôi phân vân vì trời mưa bão, định nhờ anh gửi sách qua người đang ngồi cùng anh. Nhưng nhìn mãi tên phố NHH thì nhớ giấc mơ năm ngoái, trong giấc mơ bố hỏi chuyện bạn sách vở của con thì con nói con gặp anh í ở phố NHH, vì con không biết đường nên anh í nói em gọi taxi đi; thế là tôi quyết nhao ra ngoài đường ngày mưa bão thôi, biết là gặp nhau rồi, nhất định gặp rồi Tôi ốm và tôi hay mơ hay thấy mình gặp người này người kia. Tôi hay mơ và tôi phát ốm. Nhưng dù sao tôi cũng ngủ được, ít nhất là 3-4 năm nay tôi ngủ tốt, ngủ nhiều hơn và thấy hạnh phúc vì mình ngủ ngon, dù ốm ngay trong giấc ngủ. p/s: khoảng 1 tháng trước khi đang đọc Lũ người quỷ ám thì cái phim âm bản này hiện ra ở giữa trang sách, nó găm sát vào khe gáy sách, tức là chừng nào quyển sách còn thì nó còn nằm ở đấy, tôi cứ nhìn mãi, soi đèn và che ánh sáng để nhìn anh ta kỹ hơn, tôi cứ nhìn mãi, rồi quyết định kết liễu hình dung về Piotr Verkhovensky đã có, thế bằng người trong ảnh này :)

9.8.19

chuyến tàu

Nhắc đến chuyến tàu, Gã khờ của Dostoievski có một mở đầu khác hẳn với những tác phẩm ông từng viết: chuyến tàu xả hết tốc lực tiến vào Petersburg giữa mùa băng rã [nghe từ "băng rã" khôn tai nhỉ]. Một câu chuyện mở màn thế nào thì bầu không khí của nó sẽ được duy trì và định hình như thế; nó như nhan đề phụ vậy. Tôi chợt nhận ra rằng tôi chọn Georges Simenon làm trại nền [dân leo núi gọi base camp đấy; quyển Mối tình của ông Hire, tôi đọc đúng lúc đang leo đỉnh núi mang tên Dostoievski mệt bơ phờ]. Tôi đọc Chuyến tàu định mệnh giữa 5h chiều và 6 rưỡi tối, cố gắng kéo dài thời gian trì hoãn việc ra khỏi nhà 🙂. Chuyến tàu chính là nơi thời gian trôi rất chậm, mà cũng rất nhanh, hay nói đúng phải là thời gian không tồn tại [người ta hay lấy ví dụ tàu lao với tốc độ chậm / nhanh hơn tốc độ ánh sáng để nói về tính giãn nở của thời gian... buồn cười nhỉ]. Cũng không ai biết chắc chắn tuyệt đối rằng mình sẽ dừng chân ở đâu khi đặt chân lên một chuyến tàu. Định mệnh luôn biết cách làm biến đổi chúng ta, để lại gì hay mang theo gì thì người ta sẽ mãi không còn như trước. Trong Chuyến tàu định mệnh thì khởi đầu Thế chiến thứ hai chính là chuyện riêng giữa định mệnh và nhân vật xưng tôi - Marcel Féron. Nhắc đến Georges Simenon người ta thường định danh tiểu thuyết là thể loại trinh thám, mà tiểu thuyết trinh thám thì viết về tình yêu đặc biệt hay [chuyện tình từ chuyến tàu của Marcel - Anna có thể nói là không phải tình yêu ư]; Nhưng Chuyến tàu định mệnh không phải trinh thám, chỉ là một tiểu thuyết với vẻ ngoài giản dị, tôi gọi tên văn chương p/s: Tôi chọn đọc Chuyến tàu định mệnh vì dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu, người đã viết giới thiệu cho Đầu xanh tuổi trẻ, Anh em nhà Karamazov và [hình như] Tội ác và trừng phạt, các bản in năm 197x thôi phải ra khỏi nhà thật rồi :)

8.8.19

đọc Dostoievski

Đầu tiên là cảm ơn ạ. Cảm ơn các anh, chiến hữu đã tài trợ sách đọc. Từ lúc biết con dở hơi quyết định đọc Dostoievski đã động viên, quản thúc [hành hạ tới nơi tới chốn]… để một đứa ba ngơ có thể nuốt hết Dostoievski [lúc đọc 2/3 Demons thực sự cảm thấy mệt tinh thần, không hiểu sao mình không vứt quách quyển sách bị bửa gáy vừa dày vừa có yếu tố chính trị này đi, hơn ngàn trang đầu nghiêng cổ ngoẹo để đọc chủ nghĩa hư vô rồi tư tưởng đấu tranh quyền lực các thứ nhức hết cả đầu] Thôi cười cái 🙂, vậy là tôi đã kết thúc chạy khởi động bằng Dostoievski, từ cuối tháng 5 tới giờ là gần 2 tháng rưỡi 🙂, chưa bao giờ việc đọc lại có thể dài như thế. Sáng mở mắt dậy nhìn thấy chồng sách, tối với tay tắt đèn cũng vẫn thấy chồng sách, cứ ngồn ngộn đập vào mắt những quyển ngàn trang, hơn ngàn trang, ngàn trang khổ to [sau này nhận ra mình thích những tác phẩm mà thiên hạ coi là nhỏ, là không nổi bật hơn là những tác phẩm được xem là đồ sộ]. Dostoievski bị động kinh, câu chuyện thường các nhân vật cũng ốm to, sốt, động kinh, phát điên [như bị quỷ ám]… và việc đọc liền tù tì, đọc bằng hết một mạch cũng chính là việc nhìn đằng đẵng hàng tháng hai tháng “những người cùng một chứng điên”, làm sao để tránh việc nhìn người hóa điên người động kinh mà không “lây” không phát điên phát sốt lên Tôi khóc cả buổi chiều với hơn trăm trang cuối Những kẻ tủi nhục, cô bé Nellie hút mất gì đấy của tôi và ngay sau khi kết thúc, tôi ngây ngấy sốt cả chiều; Đọc Tội ác và hình phạt cũng lạnh gáy khi nhát rìu bổ xuống đầu hai bà già và nhân vật chịu trừng phạt tinh thần như thế nào thì tôi cũng sốt một đêm như thế, tự nhiên cứ sốt thôi; rồi khi kết thúc Gã khờ thì mắt cứ trân trân nhìn trang sách; kết thúc Anh em nhà Karamazov thì thấy hình như thiếu [về sau này mới biết tác phẩm chỉ mới là 1/3 bộ khung ý tưởng của Dostoievski] nhưng bỗng nhiên như nhìn thấy bàn tay Đấng Cứu Thế đuổi quỷ… Tôi định đọc theo trình tự viết của tác giả [như mọi lần đọc thôi] nhưng suốt bao năm tôi không hề nghĩ mình sẽ đọc Dostoievski nên phải lục nhà có gì, rồi phải đợi các nhà tài trợ lục sách cho đọc, cuối cùng là theo trình tự dưới đây, kiếm được bản nào tôi đọc bản í, có mấy đầu là tôi đọc cả 2 bản dịch: 1, Là bóng hay là hình [1846] Đất sống 1973 Đinh Đắc Phúc dịch từ bản Anh văn 2, Những kẻ tủi nhục [1861] VHTT 2003 Anh Ngọc dịch [Thật ra nhan đề là: Những kẻ bị chà đạp và sỉ nhục]. Ngay khi đang đọc Những kẻ tủi nhục, mình nghĩ ngay là mình sẽ đọc bằng hết Dickens [được dịch ở Vn thôi, chứ đọc hết Dickens thì ngất] 3, 3.1 Những đêm trắng [1848] Nhã Nam 2017 Phạm Mạnh Hùng dịch từ bản Nga văn, có thêm Cô gái nhu mì [1876] tôi rất thích 3.2 Đêm trắng, Đông Tây 2011, Đoàn Tử Huyến dịch từ bản Nga văn 4, 4.1 Hồi ký viết dưới hầm [1864], Nhã Nam 2018, Thạch Chương dịch theo bản Anh, Pháp, Đức 4.2 Ghi chép dưới hầm, DTbooks 2017, Phạm Ngọc Thạch dịch theo bản Nga văn 5, Tội ác và hình phạt [1866], Văn học 2010, Cao Xuân Hạo – Cao Xuân Phố dịch theo bản Nga văn, Phạm Vĩnh Cư giới thiệu [nhan đề phải là Tội ác và trừng phạt; cả sự trừng phạt tinh thần như vậy nếu để “hình phạt” thì thu nhỏ ý nghĩa rồi] 6, Bút ký từ nhà chết [1860], tôi đọc phần 1, Lê Đức Mẫn dịch, Phạm Vĩnh Cư hiệu đính và dẫn nhập trong tập Lửa thiêng – hợp tuyển thơ văn thế giới [tập này có tập hợp một số nhà thơ nữ như Emily Dickinson, Wislawa Szymborska (có câu thơ gì bà bảo bà thích mèo, thích Dickens hơn Dostoievski :p)… nói chung tôi bị sa chân vào đọc khoảng 400 trang]. Mãi cách đây 1 tuần, do chủ quan nên hôm í mới đi hỏi han thì hóa ra Bút ký từ nhà chết được in chung với Làng Stepantsikovo và cư dân [1859] trong bộ VTB 7, Gã khờ [1867-1869], Đông Tây 2002, Phạm Xuân Thảo dịch từ bản Pháp văn, Đoàn Tử Huyến hiệu đính từ bản Nga văn [còn có bản dịch khác là Thằng ngốc, Chàng ngây thì phải] 8, Lũ người quỷ ám [1870 – 1872], Nguồn sáng 1972, Phùng Ngọc Minh dịch từ bản Pháp văn 9, 9.1 Anh em nhà Caramazov [1878 – 1880], Văn học 2011, Phạm Mạnh Hùng dịch 9.2 Anh em nhà Karamazov, Nguồn sáng 1972 do Vũ Đình Lưu dịch từ bản Pháp văn, Nguyễn Hữu Hiệu giới thiệu [bài giới thiệu khoảng 150 trang, rất nên đọc, và tốt nhất là đọc khi đã đọc gần như đủ những gì của Dostoievski được dịch ở VN; có thêm một ít thư từ Dostoievski gửi cho anh trai giai đoạn đi đày, hình dung thêm về Bút ký từ nhà chết] 10, Con bạc [1866], Cảo Thơm 1964, Trương Đình Cử dịch [Dostoievski viết Con bạc và Tội ác và trừng phạt song song nhau, đúng như một canh bạc lớn, đồng bạc cuối cùng ném ra và trong người thủ sẵn khẩu súng lục :p] 11, Người chồng muôn thuở [1869 – 1870], Kẻ Sĩ 1969, Đỗ Kim Bảng dịch, Tô Thùy Yên viết lời bạt [Quyển này được tài trợ đọc, là 1 trong 30 bản đặc biệt, giấy đẹp lắm lắm, một Dostoievski rất khác, đặc biệt là câu kết, chính vì thế mình mới có suy nghĩ có một ai đó dịch Dostoievski trọn vẹn không nhỉ, chỉ người ấy dịch thôi :); bộ VTB để nhan đề là Người chồng vĩnh cửu thì phải, một nhan đề không liên quan đến văn bản :p] 12, Tuyển tập truyện vừa và ngắn, VTB 2018, Phạm Mạnh Hùng dịch. Mình đọc chủ yếu vì Những người nghèo khổ [1846] sáng tác đầu tay của Dostoievski, bản VTB để tên Những người cơ cực. Ngoài ra còn 4 truyện nữa, trong đó Chúa hài đồng bên cây thông Đức Chúa đọc muốn khóc như Cô bé bán diêm ấy; Lão nông Marei lúc đọc mấy câu đầu nghĩ đến Bút ký từ nhà chết, đọc mấy câu tiếp đúng là tác giả nhắc đến Bút ký nhà chết thật…] 13, Đầu xanh tuổi trẻ [1874 – 1875], Nguồn sáng 1974, Vũ Trinh dịch từ bản Pháp văn, Nguyễn Hữu Hiệu viết 2 bài giới thiệu, khoảng 30 trang và 60 trang. Do nhầm lẫn ghi chép nên mình đẩy Đầu xanh tuổi trẻ xuống đọc cuối cùng, may quá khi đọc gần như cũng đầy đủ Dostoievski ở Vn thì mình đọc bài Dostoievski và thế giới của Nguyễn Hữu Hiệu viết cuối sách. Mình thích cả mấy bài viết của ông ấy vì tính hệ thống và nhận định của ông về Dostoievski; với bài viết ở Đầu xanh tuổi trẻ thì người đọc có một nền tảng đọc tương đối tốt rồi sẽ thấy gợi hứng đọc kinh khủng [mình đọc bài này được an ủi tí, ít ra bao năm đọc linh tinh không có hệ thống thì mình cũng có cái nền tương đối, không ăn hại] Hôm rồi trong lúc xem thông tin ở bộ VTB ngoài chuyện họ có Bút ký từ nhà chết [in chung Làng Stepantsikovo] thì còn có Trái tim yếu mềm [in chung 3 truyện ngắn nữa, trong đó có Tiểu anh hùng chắc là Le Petit Heros (1849), không biết Tiểu anh hùng này có giống hình tượng mấy thằng bé con trong Anh em nhà Karamazov không nhỉ, thằng Kolia í]; bộ VTB lần này bỏ qua không đọc, mình thấy không vấn đề gì, vì nhiều khả năng đợt nào hâm lên lại đọc lại một lượt Dostoievski í mà 😛 Đọc Dostoievski lần này là do người bị ngứa ghẻ mèo đấy, như bị hành hạ tra tấn về thể xác với ngứa ngáy và nhất là bị ám ảnh luôn có cái gì đấy ở trên da thịt mình, cơ thể thì nở hoa tật bệnh ốm yếu luôn luôn hâm hấp sốt, tinh thần thì không biết bao giờ cơn điên này mới chấm dứt, con mèo thì bị cả nhà hắt hủi, nó nhìn mình như một kẻ phản bội 🙂 [mày nói yêu thương tao bền bỉ khiêm cung mà giờ đây tao chạm lông vào người mày mày cũng né cũng nổi da gà cũng xua đuổi tao, đại loại vậy]; đang bị hành hạ thế mà đọc Dostoievski thì hợp quá rồi. Kết thúc đọc Dostoievski thì nhảy ra vô số cái tên để đọc và đọc lại: Gogol, Dickens, Balzac, Berdiaeff, Kierkegaard, Turgenev, Mikhail Bakhtin, Schiller, George Sand, Nietzsche, Kafka, Thomas Mann [Doctor Faustus]… vô số vô số, cả đời không phải nghĩ về chuyện không biết đọc cái gì :)))) NB. Nhìn cái note mấy chục cái gạch đầu dòng ghi trong lúc đọc, nhìn xong xóa luôn không có khai triển khai triếc gì nữa, khai khai thì có mà mọt đời không đi đọc sách tiếp được [một số ảnh chụp trong lúc đọc]

5.8.19

ốm

có những ngày tôi mơ hồ cảm thấy người tôi quan tâm đang bị ốm; tôi lo lắng và gần như rơi vào cơn muốn biết họ có khoẻ không, rồi tôi lại tự nhủ không có gì đâu, họ khoẻ là thế giới của tôi ốm, ốm to hay tôi mơ hồ đúng

1.8.19

giấc mơ

đêm hôm trước mơ mình thi sát hạch leo núi nhân tạo, xung quanh rất nhiều người leo núi rụng [đập tường báo hiệu Dừng để được buông dây xuống], mình thì áo 3 lỗ quần shorts thoăn thoắt leo kịch trần và đập vào hộp quét vân tay, hộp hiện đèn quét xong thì giám thị ngồi đài quan sát trên cao đọc xác nhận tên mã số và chốt vào loa: Hoàn thành kèm ngón tay cái Ok [Hình ảnh này với mình không mới, hồi đi ĐN chơi leo núi nhân tạo mình leo cũng khá, trong khi 1 bạn trai Hàn Quốc cao to thì rụng ngay ở 1/3 độ cao trò chơi, bạn leo nhìn cũng rất bết, sau mình nghiệm ra rằng leo núi mà hình thể cồng kềnh chính là điểm mù cốt tử] Đêm qua mình mơ mình đọc một truyện ngắn nào đấy, mà hình ảnh truyện ngắn ấy là một ngôi nhà, điểm nhìn của mình chọn làm độc giả là quan sát qua khe cửa, trong nhà có khoảng 20 người trần truồng bị dị tật cơ thể [nhìn rất giống những dị tật chất độc màu da cam hoặc bom mìn gây ra] và một người mặc quần áo lính ngồi bàn đang ghi chép. Trong giấc mơ mình đọc dở dang câu chuyện, mình nhận email của bạn, anh nói bố anh ngày xưa đi bộ đội có kể câu chuyện về nơi tập trung những con người dị tật chiến tranh... rồi anh bảo đọc tiếp đi, có phần mới rồi đấy, mình bảo không kịp rồi mấy tiếng nữa em xuất phát, 5 ngày nữa gặp lại, thơm trán anh Không biết vì lẽ gì mình cùng 1 cô gái nữa mặc váy và 1 bạn nam mặc rất điệu nhếch nhác lên đến đỉnh núi giữa trời rất rất nắng. Cuộc hội thoại giữa 3 đứa mình cho thấy không thể xuống núi bằng con đường như đã đi lên, đồ ăn nước uống đều không còn, chỉ còn duy nhất cuộn dây bạn nam kia đang đeo trên vai. Mình trườn từ mỏm đá này sang mỏm đá khác, đi dọc sống lưng khủng long của đỉnh núi nhìn ra xa thì men theo sát vách núi sẽ dẫn sang một thác nước, dưới chân thác có một cái cầu bằng thân cây thô sơ và hình như có khoảng 2-3 mái lều, tức là có con người sống. Mình nói cách duy nhất là đi men vách núi sang thác và cố định dây vào người nhảy rơi tự do, kịch dây thì sẽ mở kẹp để rơi tự do xuống nước dưới chân tháp; đây là phương án tối ưu duy nhất vì cuộn dây không đủ để đáp xuống độ cao đủ an toàn. Hai bạn không nói gì, cảm thấy phân vân bởi quyết định của mình [trong giấc mơ mình còn cười nghĩ đúng là điên rồ, chẳng trách mọi lần leo núi leader của đoàn luôn bảo mình lì và liều]; mình bảo mình sẽ không đợi trời tối vì càng tối thì càng khó kiểm soát sự việc nên mình rất nhanh chóng tự đi cố định dây tự kẹp dây vào đai ngang bụng và nói nhắm mắt lại, nghĩ rằng mình tận hưởng dòng nước. Nói dứt câu mình quay mặt về phía 2 người bạn đồng hành mỉm cười và bước lùi chân thả người [chứ không quay lưng như nhảy lao xuống hồ nước; chắc ngoài đời mình sợ nước sợ biển hồ nên nỗi sợ trong giấc mơ là sợ đến vỡ tạng vì lao từ trên cao xuống nước :)))]. Cảm giác trong giấc mơ thật tuyệt, mình rơi tự do và chủ động thả kẹp dây rồi ùmmmmm ọc ọc ọc tiếng bong bóng nước, mình nhớ cảnh cuối cùng mình nhìn thấy là các bong bóng nước lăn tăn bé đang trồi lên bề mặt nước có gờ ánh sáng trắng xanh. Một cảm giác rất dễ chịu, người nhẹ tênh êm ái như chết. Rồi mình mở mắt, lạnh. Tròng trành, tiếng sóng nước, trần phòng bằng gỗ ọp ẹp giống khoang thuyền. Quay đầu sang trái mình thấy da mặt rất đau, đau môi, má, đầu cũng đau [bình thường có biết đau đầu là gì đâu], chống tay ngồi dậy choáng váng, ê ẩm khắp người, quần áo vẫn còn âm ẩm. Chậm chạp ngồi dậy, chạm chân xuống sàn, đúng là một cái tàu thật, chân không gãy, đi lại được nhưng nhiều vết bầm tím, xước xát, tiến ra phía ngoài giật mình nhìn thấy mình ở ô kính cửa mờ mờ, mặt mày bầm dập môi sưng tếu gò má phải tím đen. Vít tay đi thang lên mạn tàu, bạn trai cùng đoàn quần áo lấm lem đang ngồi ngắm biển, tay băng cố định đung đưa đeo ở cổ. Mình heyyy [giọng khản đặc] và bạn í quay lại nói cô ấy nhảy ngay sau tú, họ vừa vớt cô ấy lên, chết rồi. Mình đứng nheo mắt nhìn biển, nắng làm da mình khô và nheo mắt cũng kéo tất cả các vết xước trên mặt hở miệng, mình bặm môi nếm vị máu ở vết rách môi dưới. Mình gật đầu tiếp nhận thông tin, đứng vỗ vai xoa gáy bạn trai kia. Bạn í đứng dậy quàng tay ôm mình. Lúc ấy cả 2 đứa bật khóc, tiếng tru của mình còn không thoát được ra. Rồi mình buông bạn ấy ra tháo nẹp kiểm tra cố định tay gãy cũng như tình trạng xung huyết của bạn. Mình nói mình cần dùng internet, mình vào buồng lái hỏi mượn điện thoại của người chủ tàu và viết email: em đang trên đường về nhà. Mở mắt dậy mình vẫn khóc, tóc và gối ướt. Điện thoại kêu chuông, alo chị tú ạ, em gọi cho chị từ holika [malisa...] vietnam, em xác nhận đơn hàng &₫@₫&&%+#%#**^$... bạn ơi, xin lỗi bạn, bạn nói đơn hàng của ai đặt nhỉ; của chị Nguyễn Thu Trang ạ; à, bạn đợi mình gọi cho chị gái hỏi đã nhé, 2' nữa mình báo lại. Sao cuộc đời lại cứ bắt nhau tụt cảm xúc như xế hở giời 🤣😂 p/s: giờ giảm độ 3kg nữa là về hồi 2010-2012, đi như lướt trên mây :))). Khoa học bảo kiểm soát cân nặng 80% là chế độ ăn, 20% là luyện tập mà con lốc trước giờ chưa từng ăn theo chế độ nào, hay giờ thử bỏ hẳn bánh kẹo cùng lượng đường nạp vào người xem sao nhỉ... nghĩ đến ngày không có cái kẹo bỏ vào mỏ thì đã thấy bi đát như mùng 1 tháng 7 âm lịch mưa cả ngày rồi 🙃

29.7.19

móng

Tôi rất hay nhìn tay chân người khác. Sai rồi Tôi rất hay nhìn bàn tay bàn chân người khác. Không hẳn Tôi rất hay nhìn ngón tay ngón chân người khác. Chưa đủ Tôi rất hay nhìn móng tay móng chân người khác. Tạm rồi đấy Một buổi chiều tôi ngồi im 2 phút quý giá nhìn móng chân người duy nhất ở cùng tôi trong căn phòng. Trước đấy một tiếng tôi nhìn bàn chân, một bàn chân hồng, xương, nhẹ nhõm. Tôi chờ đợi hình dáng móng chân thường thường sẽ xuất hiện ở bàn chân như vậy. Nhưng khi nhìn được bộ móng chân, tôi cứ ngồi im nhìn 1', rồi tôi cố gắng di chuyển mắt, nhưng mắt tôi lại quay về chỗ cũ nhìn bộ móng chân thêm 1', tôi tự ra lệnh ngẩng mặt lên, rồi lại tự huỷ lệnh... rồi bàn chân ấy di chuyển cùng một câu nói lướt qua rất nhanh và tôi nhấc mắt đi chỗ khác. Bàn chân ấy bay đi rồi. Suốt quãng đường đi bộ 8km [tại sao đồng hồ lại báo tôi đi bộ 15.9km, vậy là hẳn tôi đã tụt tạt đâu mà không hay biết gì] tôi nghĩ mãi đến những móng chân ấy, một bộ móng chân rất dài và dày [sao lại để dài như thế, hẳn người ta chả để ý gì rồi], thâm trầm, giản dị, già cỗi, tự do. Lòng tôi cười trìu mến với bộ móng chân như cười với trẻ nhỏ. Tôi không giỏi phán đoán, tất nhiên cũng không có vị thần may mắn nào đi theo, quyết định chọn lựa thì luôn trì hoãn vì biết số phận mình là số phận của những lựa chọn sai. Tôi chỉ biết tin vào cảm nhận của mình [thường cứ để giấc ngủ giải quyết là tốt hơn hết], cơ thể bảo an toàn thì tôi an toàn, bị đứng hình thì tôi đứng hình trì hoãn... Năm 2012 mẹ tôi mổ cắt bỏ khối u ác tính, mẹ cứ rầu rĩ trên giường bệnh chẹp miệng mãi, tôi cắt móng tay móng chân cho mẹ và bảo chân tay thế này còn vất vả lắm, còn phải lang bạt nhiều nên chắc ung thư năm nay thôi, sang năm là đỡ rồi khỏi í mà. Thế rồi đúng phải lang bạt xa nhà mất 4 năm và mẹ cũng không thích việc về nhà sống, mẹ bảo bố con mày khó tính quá [thật ra thì con gái ít nói và không thích sự ồn ào, ngược hẳn với mẹ]. Tôi hay đùa lão rùa bạn thân là con trai kiếp trước của mẹ tôi vì thế nào mà bàn chân bẹt giống nhau thế. Mà làm sao tôi hay có duyên quen người có gan bàn chân phẳng, bẹt thế. Chân bẹt thế chỉ tổ dị tật đốt sống lưng, bệnh cột sống đốt sống lưng thôi. Được cái tâm tính vô tư, vô tư quá í chứ [quá thì thành dở òm] Năm 2013 bố nằm liệt trên giường bệnh viện chờ sáng mai vào phòng mổ, lại thủ tục cắt móng tay móng chân cho bố. Bố nằm nước mắt cứ chảy, không khóc ì oạp sụt sịt như thói quen của bố, chỉ là mặt cứ đỏ lên rồi nước mắt chảy. Tiếng bấm móng tay móng chân tách tách khe khẽ trong phòng bệnh viện lúc 3 giờ chiều, 3 bệnh nhân còn lại đều đang ngủ, ánh sáng phòng rất yếu ớt và vì yếu ớt nên việc ngồi ở đây mới dễ dàng hơn với tôi. Tôi vừa vặn vẹo bấm móng chân cho bố vừa bảo tay chân bố xương hơi to thế này là tay người lao động nhưng mà an nhàn lắm, [bố im lặng], ngày xưa 14 tuổi thoát ly ra HN học và làm thì cũng vất vả thật nhưng nhìn chung an nhàn, tay chân thế này vương tình nhiều, 2 bà chứ 5 bà thì cũng chỉ đẻ con gái thôi, mẹ chiều vợ chiều rồi các con không thích cũng phải chiều, là con trâu thì phải đi cày, trâu mà được chiều được an nhàn thì phải sao chịu vậy, như thế sẽ nhẹ nhàng hơn đấy bố [không im lặng khóc nữa, bắt đầu bố sụt sịt] Em gái lấy chồng 10 năm rồi, tính ra hai chị em chung nhà có 19 năm, cuộc sống hiện đại tuổi thọ cải thiện thì 19 năm không được bao lăm :), mãi hôm rồi không biết có việc gì mới xoè tay nó xem. Móng tay nó là móng tay kinh doanh buôn bán, sẽ phải làm hết các việc trong cái tổ của nó, nhưng may quá thuận lợi, buôn cái rì cũng buôn được, một bộ móng tay nhanh rút kinh nghiệm và phải làm nhiều đi nhiều [ngựa thì phải chạy phải thồ thôi] Chị gái thì móng tay móng chân choằn choằn zênh zểnh y như cái tuổi chuột của bả, một con chuột luồn lách phá phách không ai bảo được. Tôi và con heo hay bảo người đâu kỳ cục, nói chuyện hai em động góp ý là cùn là cãi lấy được, bảo thủ; sau hồi bảo thủ thì đập cbn đầu vào tường. Thằng Sói chẩn bệnh cho mẹ ló là mẹ con bị bệnh trứng cá não dì ạ [tôi sẽ ghi chép bệnh này vào bộ nhớ thư mục y khoa của mình]; hôm qua thì con heo bảo chắc cáo đẻ ở làng bánh tẻ hay sao đó, nói chuyện vãi cả liên quan; còn bả tự nhận bả đẻ làng bánh bò [ý là tao ngu như bò], tôi để tên bả trong danh bạ là Zò Bò Tôi thích cắt móng tay móng chân vì khi tiến hành tôi luôn thấy thư thái. Tính đến giờ tôi làm cho người thân bạn bè việc ấy nhiều, và đôi khi tôi nhận ra các chi tiết "hoá ra đúng là như thế à": ồ hoá ra cái góc móng chân này nó chính là tính cách ông bạn mình; ồ con bé này rồi sẽ gần gũi với mình hơn thằng chó Sói; ồ thằng ku này dại gái rồi em ơi có cái rì móc lên người thì gái ló tuốt bằng sạch thôi; ồ bàn tay này khác bàn tay 14 năm trước bỗng từ người không phải làm gì nhiều thì thành lao động tay chân cày cuốc vất vả; cái móng tay cục mịch ích kỷ này, sẽ sớm xa thôi, sắp đến đoạn ấy rồi, tạm biệt cỗ xe ì ì ì Tôi điểm lại những bộ móng tay móng chân tôi đã từng cắt, đã từng nhìn ngắm suốt khoảng 28 năm, từ lúc 5 tuổi bắt đầu biết tự bấm móng tay hằng ngày đến mức ông nội và người lớn trong nhà quát rằng bấm thế thì lấy móng tay đâu ra nữa mà ngày nào cũng bấm mới cắt... tôi điểm lại hết trên quãng đường về, trước khi chìm vào giấc ngủ và thế là tôi lại nhìn thấy bộ móng chân tôi dành 2' hôm vừa rồi. Lòng tôi trìu mến mỉm cơ cười như mỗi khi cười với trẻ con và người già. hơn 10 năm nay tôi không cắt móng tay hằng ngày nữa, đúng là không có cái mà cắt thật [ông nội nói phải]. Xưa M cũng bảo hãy hoãn nó lại nếu như em còn muốn tiếp tục được cắt móng tay móng chân :))). Nhìn chung một người như tôi thì nên nhường tất cả mọi quyết định cho ai đó khác mình vì vốn dĩ không biết quyết định và cứ động quyết định là dại dột. Sáng nay định cắt móng chân nhưng nhìn thấy một cái móng lại chuẩn bị thay, nhớ lời những người thương yêu khuyên bảo, tôi nằm viết nhảm thay vì cắt móng tay móng chân.

28.7.19

Mưa hồng

đọc trong lúc đợi cơm tối [ăn tối muộn hơn tiếng], đang chạy đường dài thật dài, được thả lỏng người, nghỉ ngơi hơn một tiếng đọc gì đấy câu ngắn, nhịp rõ, mảnh, lỏng... trong mùa mưa lũ, thế này thật là dễ chịu

25.7.19

rain song

trời mưa, bạn bảo mưa đừng đi, thế là tôi ở nhà với ý nghĩ anh lánh mưa ở vỉa hè nào để em đến xong rồi em về không cần đuổi cũng về :) rain song tôi biết những gì - Rain của The Beatles lời ngây ngô y như mọi lyrics của The Beatles. Ngày xưa M bảo cái bài Norwegian wood, cô gái ấy ngớ ngẩn thế, bảo người ta ngồi chỗ nào cũng được nhưng làm gì có cái ghế nào, sao không nói luôn là ngồi lên giường cho xong :))) [vì đằng nào sáng sau thức dậy chú chim ấy cũng đã bay đi rồi]. Rain của The Beatles cũng vậy, ngây ngô thì thường chân chất thẳng thắn, sự vô tư lớn lao chính bởi nó là sự vô tư - Rhythm of the rain thì tôi hay trêu các bạn bằng cách hát từ chính câu hát the only girl i cares about has gone away, looking for a brand new start... vì tôi chơi với con trai nhiều quá, mà chúng lại hay thất tình hoặc bị gái ló bơ pho mát - Come rain or come shine của Ray Charles tôi sẽ chả nhớ ra lúc này nếu nó không phải là tên một truyện ngắn trong tập Dạ khúc: Năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông của Kazuo Ishiguro - Ngày xưa cái hồi người ta rất hay xem Bridget Jones' diary, tôi cũng thử xem dù giờ chả nhớ rì ngoài nhạc phim It's raining men :))) do một thành viên của spice girls hát; mà sau này tôi mới biết đấy là bản cover lại của band có cái tên gái tính hơn nữa, đúng chất sớm nắng chiều mưa the weather girls - Lâu lâu tôi nghe đâu đó giai điệu của Purple rain, rồi Have you ever seen the rain; hai bài này the voice các nước khác hát nhiều lắm, ngay cả the voice kids [nhất là the voice kids germany]; có một lần tôi nghe vòng nào đấy của the voice american, người đó hát chán lắm nhưng bản phối rất hay rất gospel, lúc ấy họ hát mãi một câu như khẩn cầu make it rain make it rain make it rain down Lord, tôi liền nghĩ lời của khải huyền - A hard rain's a gonna fall của Bob Dylan chỉ làm tôi nhớ đến Haruki Murakami thôi, hình như Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới [?] - Carpenters có bài rì rainy days alway get me down rồi Led Zeppelin có bài rì fool in the rain í nhỉ... mà lâu lắm rồi tôi chả nghe lại Nhiều lắm, nhạc trẻ cũng nhiều rain lắm. Còn bài tôi thích là bài của mấy anh Travis ngước mắt nhìn trời âm u hát Why does it always rain on me xong có cái đoạn đàn hát nhăn nhó trên một cái nhà trôi trên sông í :))) [video nào của Travis tôi cũng thích, bạn tôi bảo nhìn như mấy thằng ngớ ngẩn, tôi không ngớ ngẩn hả] Nhắc đến mưa, trong những gì tôi đọc, tôi chỉ nhớ mỗi đoạn hình như trong Moon Palace, và hình như Fogg đẩy ông cụ ngồi trên xe lăn, chạy dưới mưa, không biết tôi nhớ đúng không, họ cùng cười [tôi nhớ đúng không hay là một giấc mơ nữa]. Tôi nói với nhiều người rằng tôi thấy mình rất giống Fogg, mà tại sao tôi lại định hình mình giống một nhân vật nam, tôi hoàn toàn không hiểu, tôi luôn nghĩ mình không thuộc về thế giới của phụ nữ, thế mới đau :) p/s: cười buồn chứ cười vui làm sao được; cười là vì thuận phục; when the rain stops, then, darling, what will i do :)

22.7.19

nghiêng

cuối cùng thì 2 thùng sách được bạn giao phó đã đâu vào đấy rồi, nhìn chung đã có chủ, chỉ là khi nào các bạn đến lấy thôi, bạn nào ngại đi lại tôi có thể book grab express vì tôi là chuyên gia lười ra khỏi nhà nên khoản ngồi một chỗ chuyển khoản, búc cái lọ cái chai sốp pink là tôi cũng không đến nỗi ngu lắm [những trường hợp khác tỉnh thành thì lát nữa tôi sẽ đóng gói và mai cpn sẽ tới lấy, không cần thanh toán cước, tôi trả cước luôn với tinh thần người ta cho tôi sách tận nhà thì tôi gửi đến các bạn tận nơi, free] chắc tưởng tôi nhàn quá, lại có người đang bảo sẽ chuyển qua nhà tôi độ dăm chục quyển những Cấn Vân Khánh, Tào Đình chíc cừn súp mẹo vặt gia đình và những tập thơ thư pháp tự bỏ tiền túi ra in. Tôi bảo để xem tình hình dân tình rực ruột thế nào đã thì đằng ấy hẵng tiến hành [các bạn trẻ có quen tôi mở quán cà phê, tôi đếm qua qua hình như 4 bạn, nếu cần sách để ở quán cho ló có thì cứ ới nhé] mỗi một lần hỏng điện thoại tôi liền nghĩ, thật ra đời tôi có cần đến cái điện thoại hay không, và nhất là một cái smart phone :))), tôi ưa sự bình ổn đến mức nếu có cái rì lăn ra hỏng thì tôi rất thường có mong muốn đi tìm một cái khác y như thế dùng tiếp và thường là nhà sản xuất không còn cung cấp sản phẩm ấy nữa; từ 2004 dùng điện thoại di động đến giờ thì đây là lần đầu tiên điện thoại lăn ra trết [một lần bị người ta lôi xuống biển làm điện thoại bơi bập bềnh 30' tôi không tính là trết tự thân], còn thì đều do người nhà bắt tôi phải nâng cấp điện thoại [hai lần đầu là bố và hai lần sau là em gái] bằng cách cứ mua về và bảo dùng đi, với thái độ như tôi là người tối cổ qua và nay tôi không dùng tạm cái smart phone cũ [từ 2013 đến 2018 vẫn chạy tốt] mà lôi hẳn nokia express music [từ 2008 đến 2013 vẫn chạy tốt] ra dùng và đã trải qua một ngày ăn cơm không tí toáy điện thoại, đọc sách không phải nhìn đến điện thoại, điện thoại cứ thây kệ một chỗ khi nào inh ỏi kêu chuông gọi / tin nhắn thì tôi đủng đỉnh ra nhấn nút mở máy [thay vì trượt trượt lướt lướt]. Tôi ung dung sung sướng với ý nghĩ dù trời có sập thì tôi vẫn te tởn bảo do điện thoại hỏng nên không hay biết tin tức rì, dù tất nhiên trời sập thì cần quái rì đến cái rì nữa :)))) nhân tiện đúng tinh thần cứ mang thêm cái rì về nhà thì phải chẩu bớt đồ đạc trong nhà đi, từ sáng tới giờ đã cho ra khỏi nhà 5 đôi dép, ít đồ điện tử với 14 quyển sách [cả của tôi cả của bạn hôm qua giao phó], nếu không có rì thay đổi thì tới sáng mai sẽ khoảng chục cái áo ra đi vì nhà tôi nghiêng lắm zồi :p

8.6.19

đọc Philip Roth

Hôm qua kết thúc Một ngày cho người yêu [Goodbye, Columbus] buồn nhão như cây kem rớt lại vỉa hè trưa hè Hà Nội. Philip Roth lúc nào cũng thế, luôn là cái cảm giác tiên tri sự việc, hiểu cuộc đời, nhận ra đâu là những sự kiện mấu chốt; tiến thoái lưỡng nan, gì thì gì cũng khóc cả, không bằng lòng với cuộc đời là không bằng lòng thôi, giọng văn vẫn luôn rất khiếm nhã; tuổi già, bất trắc… trút ào ra tất cả Trong một cơn cao hứng tôi còn định chạy đi kiếm Vết nhơ của người luôn, nhưng thấy nhân vật giáo sư thì tôi liền dừng lại đã, giáo sư, người già thì tôi có Người phàm rồi; The Dying Animal tôi chưa đọc nhưng phim Elegy tôi rất thích nên tôi biết chắc chắn mình sẽ thích The Dying Animal, tôi rất thích cách Philip Roth hiểu và viết về phụ nữ. Người phàm, Báo ứng, Một ngày cho người yêu, dù chưa đọc Vết nhơ của người nhưng tôi biết tôi vẫn sẽ thích Một ngày cho người yêu nhất. Tôi thường thích những gì từ thuở bình minh sự nghiệp viết của mỗi tác giả. Tôi không nghĩ mình thích những gì liên quan đến Jewish American [Philip Roth có essay Writing about Jews], với tôi quan trọng gì yếu tố ấy, tôi luôn thích câu chuyện. Câu chuyện về sụp đổ, chẳng hạn Điều gì tốt hơn, mình nhận ra khoảnh khắc cuộc tình kéo dài đủ rồi tuổi trẻ đam mê đủ rồi cuộc đời êm đềm đủ rồi ham mê yêu thích gì đấy [một quyển sách về họa sĩ chẳng hạn] thế là đủ rồi… và việc mình không nhận ra tất cả những điều ấy. Điều gì tốt đẹp và dễ chịu hơn. Theo hướng nào, gì thì gì, cũng bất trắc cũng đổ ập cả, nó thành một cái nấc sự kiện, nào là ta phải kết thúc điều mà ngay từ đầu ta đã biết sẽ kết thúc, nào là ta phải chia tay phần đời này, nào là vĩnh biệt tuổi trẻ… đóng lại và để nó sau cánh cửa Vào một buổi sáng mùa đông rất giống mùa hè năm 2012 tôi ngồi thừ người trên sàn nhà nhìn bầu trời, không nghĩ bất cứ gì, rồi một việc gì đó xảy đến, tôi nghĩ tôi mất người tôi yêu rồi, thần chết hay cái chết đến lấy đi rồi, chỉ đơn giản là tôi biết như vậy thôi, không phải hôn mê một năm rưỡi hay sáu tháng nữa hay choáng ngất đột ngột mà là biến mất rồi, mất rồi, tôi bị mất rồi. Tôi thở dài khoanh tay trên đầu gối ngồi nhìn trời xanh, hình như tất cả những hình ảnh vuột qua rất nhanh trong đầu trước mắt… là ở một không gian khác, là một cơn mộng. Gần đây cảm giác này cũng đôi lúc ập đến mỗi khi tôi nhìn con mèo nằm ngủ. Nó không thật. Sự thật sẽ sống, và vì cái khoảnh khắc tôi nhận ra nó không thật, nó có gì đấy không hiện hữu, tôi ngồi chuẩn bị chờ bất trắc đến Đêm qua tôi ngồi gỡ 10 cái ghim ghim bìa sách từ năm 1972 quyển Một ngày cho người yêu cùng với tờ cho thuê sách của nhà sách Tùng [Lê Văn Duyệt – Gia Định], tôi ngồi làm từ tốn tỉ mỉ dùng kìm nhỏ gỡ từng cái ghim một, chúng gãy mủn vì thời gian, tôi gỡ như gỡ đi thứ gì đấy đang găm trong nghĩa trang lòng tôi. Tôi phân vân có nên gỡ 2 ghim ở gáy sách, chúng cắm sâu, tôi nghĩ gỡ ra có thể sẽ đau, hoặc có thể nên giữ lại cái đau ấy cùng sự ổn định của nó, lối nào cũng khóc cả, dilemma :) 16 dòng đầu tiên mở đầu Goodbye, Columbus đã tiên tri chính xác cái khoảnh khắc sẽ sớm thôi cuộc tình hay bất cứ chuyện gì kéo dài đủ rồi cho dù “mạch máu tôi nhẩy mạnh” Tháng 10/2012 Philip Roth tuyên bố nghỉ viết, ông dành thời gian làm việc với người viết tiểu sử cho mình. Khoảng 2014 tôi xem một đoạn video nào đấy, đại ý ông nói đây là lần cuối cùng ông xuất hiện trên truyền hình, sẽ không còn ở sân khấu này hay ở bất cứ đâu nữa. Khoảng này năm 2018 [nếu tôi nhớ không nhầm], ông mất ở tuổi 8x. Goodbye, Columbus sẽ là thứ Philip Roth viết mà tôi thích nhất [sau đấy có thể sẽ là The Dying Animal] p/s: Tôi sẽ còn quay lại Philip Roth với đủ các nhân vật giáo sư đại học của ông ấy :); nếu để đọc hết của ông ấy cũng ngốn nhiều dù quyển từng quyển cũng mỏng hoặc không dày lắm, không đáng ngại, vội gì đâu. Goodbye, Columbus là nam thanh niên học Triết trường Newark nhé :p. Bồ Câu đã đanh thép không nhường tôi Columbus, tôi mong chờ gì chứ khi tôi mong Bồ Câu hãy đanh thép lên đừng hiền lành thảo tính với tôi trong chuyện sách vở [thật ra nhường tôi quyển này thì tôi vui như con điêng, sao ổng lại đanh thép quá vậy, đồ độc ác cố tình lục quyển này mang dí cho tôi đọc vì em biết là chị sẽ thích; vãi cả chiến hữu… cũng tại mình có cái gout dễ đoán quá mà huhuhu, rì thì rì, cũng phải khóc

23.5.19

chờ

Elizabeth mất tích - tiểu thuyết đầu tay, Emma Healey viết chậm và cẩn trọng. Câu chuyện xoay quanh bà lão 82 tuổi, Maud với chứng bệnh mất trí nhớ ngắn hạn, bị ám ảnh suốt hơn 70 năm về việc chị gái mình đột nhiên biến mất và giờ là người bạn già Elizabeth mất tích. Các chương và đoạn đan xen giữa hiện tại, quá khứ, những sự kiện nhớ quên quên nhớ nhầm lẫn của bà lão, không có trật tự thời gian hay tuyến tính nhân vật... nhưng được tác giả viết rất khéo, tỉ mỉ, hành văn chậm. Điều này gây không ít ngạc nhiên cho tôi khi đây là tiểu thuyết đầu tay :). Là một quyển sách đọc trong lúc "chờ" [chờ bạn lục sách, chờ tới, chờ rì tới thì tôi chưa rõ] nên tôi không kỳ vọng, thật ra đã đi đến đoạn này thì thường ta có kỳ vọng gì nữa không :); song câu chuyện này mang cho tôi nỗi ám ảnh phảng phất; về mẹ. Cách đây ít lâu tôi nhận ra mẹ tôi lẫn các sự kiện diễn ra trong ngày, trong một hai ngày trước; các thói quen đảo lộn; việc đang làm bỏ dở, làm không rõ mình đang làm gì hay đang nói gì hay thậm chí cứ loanh quanh loanh quanh thôi :). Tôi nói chuyện phiếm với bạn, bạn bảo thử cho mẹ vẽ mặt đồng hồ xem sao [cách test alzheimer, rối loạn nhận thức / thần kinh / tâm thần, chứng suy giảm / mất trí nhớ ngắn hạn], tôi không test cho mẹ, tôi chấp nhận dễ dàng vì cả tuổi thơ tôi nhớ mẹ uống từng vốc hỗn hợp thần kinh, mẹ nằm bẹp những ngày thay đổi thời tiết, những trưa nắng đầu mẹ ấn mềm mềm như quả dưa bở, ngày xưa mẹ tôi làm số má lô đề nếu xảy ra nhầm lẫn thì bố con tôi luôn tin người ta đúng, chắc chắn nhầm lẫn ở phía mẹ tôi :))... tôi chấp nhận mẹ tôi đã luôn như thế và cứ thế tiến triển lao theo quán tính tuổi già :); chỉ là mẹ tôi không bị ám ảnh bởi sự biến mất / ra đi của ai đó hay điều gì đó Tuổi già không chờ điều gì, có điều gì phải chờ để nó đến hay đi đâu, nó cứ thế tuột, cứ thế xa tay cứ thế xuội thôi; ý thức được hay không, cái nào may mắn, dễ chấp nhận hơn... vô nghĩa hết :) Chỉ có nỗi ám ảnh đeo bám như thể nó sẵn sàng chờ thân xác này lụi bại. Nó chờ để được quên. Luôn thế. Nó chờ. Chờ quên. Quên chờ. Nó ở đấy, chỉ là ở đấy.

23.4.19

sợi tóc vương

Sau 5 quyển của Hermann Hesse, tôi nghĩ mình sẽ không đọc ông ấy nữa, hoặc sẽ quay lại dịp khác, và nếu đọc lại thì sẽ đọc cùng Thomas Mann. Một kiếp giang hồ [Knulp] đến tay, thế là tôi đọc Hermann Hesse sau chừng 6-7 năm không hề nghĩ sẽ đọc ông ấy Hermann Hesse với tôi là những bản thể đối cực và hỗn độn, khung gò cứng theo hoạch định xã hội đối chọi với tâm hồn nghệ sỹ-gã lang thang, giữa nhục cảm và cái đẹp, sáng – tối, tĩnh – động…; những nhân vật ẩn dật, sự tự do phóng túng đưa các nhân vật rời xa nơi con người sinh sống tới nơi núi rừng, thảo nguyên; những cuộc đào tẩu có dự tính với trường học, thoát khỏi cha mẹ cùng những ảnh hưởng tôn giáo, sự xê dịch lang bạt nay đây mai đó vô chính phủ... tất cả những điều này có nhiều nét giống với tiểu sử của Hermann Hesse, những đợt điều trị tâm lý cùng những luồng tư tưởng ập đến, sự nhạy cảm và yếu đuối của Hermann Hesse được bọc trong bầu không khí giản dị phương Đông hay trong một đời sống phiêu bạt không trì níu, sống cuộc sống bên lề, tự do phóng túng ngoài đời sống thế gian cũng như chính trị Một kiếp giang hồ bản dịch tiếng Việt năm 1967, gáy sách chỉ còn dính mẩu bìa nhỏ bằng 1/3 cái móng tay út của tôi thôi, tôi đọc hết sức nhẹ nhàng gặm nhấm [tôi thường nghĩ có lẽ tôi yêu sách cũ vì chúng chứng kiến và đi qua dòng thời gian với phong thái tĩnh tại tuyệt đối], sách 136 trang thì đến trang 134-135 một sợi tóc nâu lơ thơ mỏng mảnh vương ngang sách, tôi lấy tay gỡ, kéo nhẹ nhẹ không ra, và hiểu rằng nó vương ngang trang giấy từ lúc quyển sách thành hình, vậy là bảo tồn hiện trạng tôi không kéo ra nữa, tóc và sách tồn tại cùng nhau giống như da thịt người và những sợi tóc còn đó

19.4.19

chơi với kiến

water color pencil do don juan tài trợ từ trước tết; còn cái cảnh này thì ai ai cũng thấy quen. Lúc vẽ tôi nghĩ đến tôi là con bé con được một thằng bé con dắt đi chơi ở cánh đồng hoa dại và chúng tôi ngân nga hát sai toé loe lời bài hát fields of gold, xong rồi 2 đứa ló thấy có vẻ đã ngồi giữa cánh đồng an toàn, chúng đào đất chơi với kiến như mọi lần người ta sẽ bảo tú vẽ nét bút lúc nào cũng đều đều không rõ sáng tối bố cục; hát thì giống tất cả quy về một nốt nhạc đều đều không lên bổng xuống trầm rì hết... bệnh của tôi là bệnh bình ổn, quân bình lúc nào cũng thế và tôi không lấy làm phiền ban đầu vẽ hồng hồng phấn phấn như kia, sau ló creepy lại thấy rất ưng ý

17.4.19

đọc George Eliot

2 quyển trong ảnh đều được dịch từ bản rút gọn của Longman, hôm qua chợt nghĩ bản dịch tiếng Việt xuất hiện sau 1 thế kỷ có lẻ 1-2 năm so với năm xuất bản nguyên tác [1860, 1861 và 1962]. 1 thế kỷ hay hơn 8 thế kỷ... những thứ đã chứng kiến rất nhiều, loài người như lũ trẻ nhỏ bu quanh người già chỉ để nói rằng cuộc đời vẫn đang tiếp diễn 🙂 Tôi thích cái kết của Bên bờ sông Xanh, rất thích những trang cuối của nó và nếu đọc đầy đủ The Mill on the Floss có lẽ sẽ còn thích hơn rất nhiều; và, dù chưa đọc bản đầy đủ Silas Marner thì cũng biết rằng mình sẽ thích Silas Marner hơn The Mill on the Floss Tôi biết rồi sẽ đến ngày này, tức là biết rằng nó chính là thời điểm mà mình sẽ đọc, quay lại đọc những gì cổ điển, một khoái cảm dài hạn với những ông già bà già như nhìn ngắm những ngôi sao cách xa triệu triệu tỷ tỷ năm ánh sáng. thế còn hố vôi George Eliot 🙂 p/s: tôi rất thích bản dịch Bên bờ sông Xanh

10.4.19

tập tục địa phương

[Hai quyển trong ảnh có chỗ đứng rất riêng trong sự nghiệp của Edith Wharton nhé] Edith Wharton sinh ra trong một gia đình giàu có thuộc tầng lớp thượng lưu New York, bà dành phần lớn những năm tháng tuổi trẻ ở châu Âu [Pháp, Đức, Italy... không trách không khí trong truyện giống truyện châu Âu với những tea party như vậy]. Tiểu sử của bà thường nhắc đến chi tiết bà là bạn tổng thống Theodore Roosevelt và người vợ thứ hai của ông, Edith Kermit Carow Roosevelt [bà Edith này đọc Ethan Frome của Edith Wharton, đọc đi đọc lại cơ í]. Là người nằm trong lòng xã hội thượng lưu, Edith Wharton có cái nhìn xoáy vào bản chất mạ vàng của đời sống thượng lưu phù phiếm, rất rõ qua Chỉ ngu ngơ mới biết cười [The House of Mirth] và Thời thơ ngây [The Age of Innocence], với những mùa lễ hội miên man hào nhoáng vật chất nhưng nhỏ nhen, chen đầy những tập tục khô cứng song lại mờ ám, đạo đức rỗng Mùa hè [Summer] tôi đọc cùng 2 quyển trên như một mảnh ghép rời rạc, may quá nhờ sự rộng lòng của một người bạn fb tôi có Định mệnh [Ethan Frome] để các rãnh mảnh ghép không đơn độc chơ lơ một mình (cảm ơn cuộc đời, cảm ơn anh-người tài trợ sách rất nhiều ạ). Mùa hè và Định mệnh, duy chỉ hai tiểu thuyết có một chỗ đứng riêng biệt hẳn trong sự nghiệp ngất ngưởng viết về xã hội thượng lưu của Edith Wharton, cả hai đều lấy bối cảnh New England với những nhân vật kiệm lời, lặng lẽ, u uẩn mà người ta lấy làm lạ tại sao có thể sống qua mùa đông âm u tuyết phủ [Định mệnh] hay có thể chịu được mùa hè ngột ngạt tù túng như cả Núi Lớn vòi vọi toả xuống làng [Mùa hè]. Với Mùa hè và Định mệnh, cái nhìn của Edith Wharton như đứng trên cao nhìn xuống, nó không còn là những mùa lễ hội miên man, nó rọi xuống những làng quê, thị trấn hẻo lánh nơi những tập tục địa phương kéo căng hất mỗi cá nhân vào trường cái nhìn soi xét của đám đông, vòng xoay cá nhân và xã hội. Khi ở tuổi 33 tôi đọc [lại] 2 quyển tiểu thuyết này, tôi thêm cảm tình với tuổi tác của mình 🙂 vì đọc sớm thì tôi rất nhiều khả năng sẽ không hiểu được những cảm xúc sâu xa mà ngôn từ chỉ có chức năng gợi ra, ngôn từ bất lực trước những diễn giải cảm xúc mà người đọc phải đọc trong khoảng trống. Cả hai đều được viết rất gọn, những chương áp cuối làm nên cái kết, có lẽ là đáng nhớ nhất trong mấy năm gần đây tôi đọc tiểu thuyết; khi nghĩ lại tôi cũng không hẳn ấn tượng với cái kết mà thực ra là với bước chuyển tâm lý của các nhân vật, chúng mang vẻ đẹp của lòng trắc ẩn không lời Bản dịch Mùa hè và Định mệnh cũng là hai bản dịch tôi vô cùng thích, đặc biệt là Định mệnh [thời nay đọc lại sẽ thấy hơi nhiều lỗi chính tả]. Tôi luôn băn khoăn mỗi khi đọc bản dịch ngày xưa, rằng tại sao khi đọc sách dịch mới tôi ít có xúc cảm với bản dịch như vậy chứ :)))). Thú thật là đến lúc này Edith Wharton với tôi chỉ còn Ethan Frome 😛. Tôi chuyển sang đọc George Eliot được hơn tuần nay rồi, rồi chả hiểu sao tôi dừng ngang Bên bờ sông xanh [The Mill on the Floss] dù dịch từ bản rút gọn nhưng câu chuyện rất khéo, để rồi sa chân vào đọc về bà ấy và George Henry Lewes, xong giờ lại phải viết gì đấy về Ethan Frome của Edith Ưharton thì tôi mới an phận cơ :)))) p/s: Cái tên Tập tục địa phương [The custom of the country] nghe thì tưởng rất New England, nhưng thật ra lại là câu chuyện về cô gái miền Midwestern [Trung Tây] trên bước đường đô hội New York 🙃

2.4.19

Đường tàu

Mình xem phim The girl on the train trước và không nghĩ sẽ đọc truyện [lý do sau sẽ rõ] nên quyển trinh thám Cô gái trên tàu ở trong nhà cũng lâu lâu, không được ngó đến dù mình rất thích đọc trinh thám Giữa quãng nghỉ ít ngày chờ Ethan Frome đến tay thì mình nghĩ ổn thôi Cô gái trên tàu, trinh thám-tác giả nữ-là Anh không phải Mỹ, quá ổn, mình sẽ đọc Cốt truyện hay, vừa đủ. Viết chặt chẽ, đi sâu tâm lý nhân vật, cách tác giả đặt thời gian trên sợi tuyến tính 3 nhân vật nữ linh hoạt, câu văn gọn [không hiểu sao đọc những dòng đầu tiên đường tàu đoàn tàu các thứ đã thấy ngay khung cảnh âm u sương mù Anh rồi]... thế mà sao dân đọc trinh thám lại chê thế nhỉ :p, hợp khẩu vị nên mình sẽ đọc tiếp Paula Hawkins [ban đầu cứ tưởng nữ nhà văn Mỹ nên có ý định đọc đâu :p]

27.3.19

mạ vàng

Lúc này, tại sao lại Edith Wharton :), một bà già xuất thân thượng lưu, viết về xã hội thượng lưu thời đại mạ vàng :)). Một cái tên xuất hiện lừ đừ lừ đừ ít được quan tâm trong mảng văn học xoay quanh quý tộc, thượng lưu và bà ấy lại từ Mỹ, mỉa mai thay :) Đến lúc này khi đã đọc xong 3 quyển [2 trong số đó là đọc lần 2, sau cũng 6-8 năm gì đấy], vẫn chưa hết ngạc nhiên là mình đã quyết định đọc Edith Wharton; và bà ấy chính là bất ngờ năm nay của tôi đấy, bất ngờ không ít. Vấn đề xảy ra, khi đã quyết định đọc bà ấy rồi, thì tôi phát hiện tôi thiếu 1 quyển [xin xem comment] và biết đâu còn nhiều hơn 1 ý chứ :))). Lòng tốt của các cụ đâu rồi :p Trong 3 quyển thì ấn tượng với tôi chính là Chỉ ngu ngơ mới biết cười [The house of mirth], chính vì đọc theo thứ tự sáng tác nên càng đọc càng thấy mình quyết định đúng khi lấy cả 3 quyển của bà ấy khỏi giá sách; nhưng chắc tay hơn thì lại là Thời thơ ngây [sau quyển kia 15 năm]; Mùa hè bỗng dưng chơ lơ, tôi hiện chưa xếp được mảnh ghép ấy. Vì vậy rất cần Định mệnh [Ethan Frome] ihihihi Nhắc đến Edith Wharton thì phải nghĩ ngay đến George Eliot, một bà già châu Âu [Anh] viết xoay quanh đời sống trung lưu, người có ảnh hưởng rất lớn tới Edith Wharton. Thế rồi sao, văn học dịch của ta chưa xuất hiện George Eliot, tài thế :) [sáng nay có người xác nhận George Eliot đã được dịch, The Mill on the Floss và Silas Marner; The Mill là dịch theo bản rút gọn, còn Silas Marner là nghe nói đã được dịch, chứ chưa được thấy] Proust có đọc George Sand, George Eliot [Balzac, Hugo, Charles Dickens...]. Năm nay tôi sẽ ăn năn vì đã cho rằng phụ nữ không biết viết văn bằng việc đọc tác giả nữ; ai bảo họ viết quá nhiều về hôn nhân hoặc nói đi nói lại thì cũng là tình yêu gắn với hôn nhân, hôn nhân gắn với tình yêu, hôn nhân và hôn nhân... [hôn nhân là cái rì đấy thuộc về triết học, chứ tôi thì coi nó chỉ là vấn đề thôi; hôn nhân là bổn phận nhàm chán, miễn là nó giữ được giá trị của bổn phận, còn sa khỏi đấy thì hẩm lắm, và nếu thế thì đâu có gì cần thiết hay quan trọng]. Hôm trước phân vân George Sand hay Edith Wharton, cứ tưởng E. W có đủ sách trong nhà nên chọn bà ấy, chứ biết thiếu thì đằng nào chả thiếu, đọc G. S trước thì hơn :)))

28.2.19

không biết gì

có lẽ vì tôi không yêu không ghét không biết gì và thuần thục với việc không biết gì nên quyển sách này làm nhiều người nghĩ đến tôi. Vũ trụ bao la, tôi tìm thấy cô đơn của mình, thấy rồi thì không còn cô độc. tôi đọc Chốn cô độc của linh hồn 2 lần, chỉ bởi Ngàn năm thiện nguyện và Những kẻ lang thang tôi đọc chúng 2 lần, chỉ vậy thôi. hết rồi [2 quyển kia có mọt đang thuê nên không chụp bộ 3 được]