Delicate! why so xờ tiu pít? "Ngốc, nghếch, cáu, quên, nghịch, ngang, ngổ ngáo" / "Ăn khi thấy đói, ngủ khi thấy buồn ngủ. Và nếu ôm vào lòng thì cũng nồng ấm như bao người".
8.8.19
đọc Dostoievski
Đầu tiên là cảm ơn ạ. Cảm ơn các anh, chiến hữu đã tài trợ sách đọc. Từ lúc biết con dở hơi quyết định đọc Dostoievski đã động viên, quản thúc [hành hạ tới nơi tới chốn]… để một đứa ba ngơ có thể nuốt hết Dostoievski [lúc đọc 2/3 Demons thực sự cảm thấy mệt tinh thần, không hiểu sao mình không vứt quách quyển sách bị bửa gáy vừa dày vừa có yếu tố chính trị này đi, hơn ngàn trang đầu nghiêng cổ ngoẹo để đọc chủ nghĩa hư vô rồi tư tưởng đấu tranh quyền lực các thứ nhức hết cả đầu]
Thôi cười cái 🙂, vậy là tôi đã kết thúc chạy khởi động bằng Dostoievski, từ cuối tháng 5 tới giờ là gần 2 tháng rưỡi 🙂, chưa bao giờ việc đọc lại có thể dài như thế. Sáng mở mắt dậy nhìn thấy chồng sách, tối với tay tắt đèn cũng vẫn thấy chồng sách, cứ ngồn ngộn đập vào mắt những quyển ngàn trang, hơn ngàn trang, ngàn trang khổ to [sau này nhận ra mình thích những tác phẩm mà thiên hạ coi là nhỏ, là không nổi bật hơn là những tác phẩm được xem là đồ sộ]. Dostoievski bị động kinh, câu chuyện thường các nhân vật cũng ốm to, sốt, động kinh, phát điên [như bị quỷ ám]… và việc đọc liền tù tì, đọc bằng hết một mạch cũng chính là việc nhìn đằng đẵng hàng tháng hai tháng “những người cùng một chứng điên”, làm sao để tránh việc nhìn người hóa điên người động kinh mà không “lây” không phát điên phát sốt lên
Tôi khóc cả buổi chiều với hơn trăm trang cuối Những kẻ tủi nhục, cô bé Nellie hút mất gì đấy của tôi và ngay sau khi kết thúc, tôi ngây ngấy sốt cả chiều; Đọc Tội ác và hình phạt cũng lạnh gáy khi nhát rìu bổ xuống đầu hai bà già và nhân vật chịu trừng phạt tinh thần như thế nào thì tôi cũng sốt một đêm như thế, tự nhiên cứ sốt thôi; rồi khi kết thúc Gã khờ thì mắt cứ trân trân nhìn trang sách; kết thúc Anh em nhà Karamazov thì thấy hình như thiếu [về sau này mới biết tác phẩm chỉ mới là 1/3 bộ khung ý tưởng của Dostoievski] nhưng bỗng nhiên như nhìn thấy bàn tay Đấng Cứu Thế đuổi quỷ…
Tôi định đọc theo trình tự viết của tác giả [như mọi lần đọc thôi] nhưng suốt bao năm tôi không hề nghĩ mình sẽ đọc Dostoievski nên phải lục nhà có gì, rồi phải đợi các nhà tài trợ lục sách cho đọc, cuối cùng là theo trình tự dưới đây, kiếm được bản nào tôi đọc bản í, có mấy đầu là tôi đọc cả 2 bản dịch:
1, Là bóng hay là hình [1846] Đất sống 1973 Đinh Đắc Phúc dịch từ bản Anh văn
2, Những kẻ tủi nhục [1861] VHTT 2003 Anh Ngọc dịch [Thật ra nhan đề là: Những kẻ bị chà đạp và sỉ nhục]. Ngay khi đang đọc Những kẻ tủi nhục, mình nghĩ ngay là mình sẽ đọc bằng hết Dickens [được dịch ở Vn thôi, chứ đọc hết Dickens thì ngất]
3,
3.1 Những đêm trắng [1848] Nhã Nam 2017 Phạm Mạnh Hùng dịch từ bản Nga văn, có thêm Cô gái nhu mì [1876] tôi rất thích
3.2 Đêm trắng, Đông Tây 2011, Đoàn Tử Huyến dịch từ bản Nga văn
4,
4.1 Hồi ký viết dưới hầm [1864], Nhã Nam 2018, Thạch Chương dịch theo bản Anh, Pháp, Đức
4.2 Ghi chép dưới hầm, DTbooks 2017, Phạm Ngọc Thạch dịch theo bản Nga văn
5, Tội ác và hình phạt [1866], Văn học 2010, Cao Xuân Hạo – Cao Xuân Phố dịch theo bản Nga văn, Phạm Vĩnh Cư giới thiệu [nhan đề phải là Tội ác và trừng phạt; cả sự trừng phạt tinh thần như vậy nếu để “hình phạt” thì thu nhỏ ý nghĩa rồi]
6, Bút ký từ nhà chết [1860], tôi đọc phần 1, Lê Đức Mẫn dịch, Phạm Vĩnh Cư hiệu đính và dẫn nhập trong tập Lửa thiêng – hợp tuyển thơ văn thế giới [tập này có tập hợp một số nhà thơ nữ như Emily Dickinson, Wislawa Szymborska (có câu thơ gì bà bảo bà thích mèo, thích Dickens hơn Dostoievski :p)… nói chung tôi bị sa chân vào đọc khoảng 400 trang]. Mãi cách đây 1 tuần, do chủ quan nên hôm í mới đi hỏi han thì hóa ra Bút ký từ nhà chết được in chung với Làng Stepantsikovo và cư dân [1859] trong bộ VTB
7, Gã khờ [1867-1869], Đông Tây 2002, Phạm Xuân Thảo dịch từ bản Pháp văn, Đoàn Tử Huyến hiệu đính từ bản Nga văn [còn có bản dịch khác là Thằng ngốc, Chàng ngây thì phải]
8, Lũ người quỷ ám [1870 – 1872], Nguồn sáng 1972, Phùng Ngọc Minh dịch từ bản Pháp văn
9,
9.1 Anh em nhà Caramazov [1878 – 1880], Văn học 2011, Phạm Mạnh Hùng dịch
9.2 Anh em nhà Karamazov, Nguồn sáng 1972 do Vũ Đình Lưu dịch từ bản Pháp văn, Nguyễn Hữu Hiệu giới thiệu [bài giới thiệu khoảng 150 trang, rất nên đọc, và tốt nhất là đọc khi đã đọc gần như đủ những gì của Dostoievski được dịch ở VN; có thêm một ít thư từ Dostoievski gửi cho anh trai giai đoạn đi đày, hình dung thêm về Bút ký từ nhà chết]
10, Con bạc [1866], Cảo Thơm 1964, Trương Đình Cử dịch [Dostoievski viết Con bạc và Tội ác và trừng phạt song song nhau, đúng như một canh bạc lớn, đồng bạc cuối cùng ném ra và trong người thủ sẵn khẩu súng lục :p]
11, Người chồng muôn thuở [1869 – 1870], Kẻ Sĩ 1969, Đỗ Kim Bảng dịch, Tô Thùy Yên viết lời bạt [Quyển này được tài trợ đọc, là 1 trong 30 bản đặc biệt, giấy đẹp lắm lắm, một Dostoievski rất khác, đặc biệt là câu kết, chính vì thế mình mới có suy nghĩ có một ai đó dịch Dostoievski trọn vẹn không nhỉ, chỉ người ấy dịch thôi :); bộ VTB để nhan đề là Người chồng vĩnh cửu thì phải, một nhan đề không liên quan đến văn bản :p]
12, Tuyển tập truyện vừa và ngắn, VTB 2018, Phạm Mạnh Hùng dịch. Mình đọc chủ yếu vì Những người nghèo khổ [1846] sáng tác đầu tay của Dostoievski, bản VTB để tên Những người cơ cực. Ngoài ra còn 4 truyện nữa, trong đó Chúa hài đồng bên cây thông Đức Chúa đọc muốn khóc như Cô bé bán diêm ấy; Lão nông Marei lúc đọc mấy câu đầu nghĩ đến Bút ký từ nhà chết, đọc mấy câu tiếp đúng là tác giả nhắc đến Bút ký nhà chết thật…]
13, Đầu xanh tuổi trẻ [1874 – 1875], Nguồn sáng 1974, Vũ Trinh dịch từ bản Pháp văn, Nguyễn Hữu Hiệu viết 2 bài giới thiệu, khoảng 30 trang và 60 trang. Do nhầm lẫn ghi chép nên mình đẩy Đầu xanh tuổi trẻ xuống đọc cuối cùng, may quá khi đọc gần như cũng đầy đủ Dostoievski ở Vn thì mình đọc bài Dostoievski và thế giới của Nguyễn Hữu Hiệu viết cuối sách. Mình thích cả mấy bài viết của ông ấy vì tính hệ thống và nhận định của ông về Dostoievski; với bài viết ở Đầu xanh tuổi trẻ thì người đọc có một nền tảng đọc tương đối tốt rồi sẽ thấy gợi hứng đọc kinh khủng [mình đọc bài này được an ủi tí, ít ra bao năm đọc linh tinh không có hệ thống thì mình cũng có cái nền tương đối, không ăn hại]
Hôm rồi trong lúc xem thông tin ở bộ VTB ngoài chuyện họ có Bút ký từ nhà chết [in chung Làng Stepantsikovo] thì còn có Trái tim yếu mềm [in chung 3 truyện ngắn nữa, trong đó có Tiểu anh hùng chắc là Le Petit Heros (1849), không biết Tiểu anh hùng này có giống hình tượng mấy thằng bé con trong Anh em nhà Karamazov không nhỉ, thằng Kolia í]; bộ VTB lần này bỏ qua không đọc, mình thấy không vấn đề gì, vì nhiều khả năng đợt nào hâm lên lại đọc lại một lượt Dostoievski í mà 😛
Đọc Dostoievski lần này là do người bị ngứa ghẻ mèo đấy, như bị hành hạ tra tấn về thể xác với ngứa ngáy và nhất là bị ám ảnh luôn có cái gì đấy ở trên da thịt mình, cơ thể thì nở hoa tật bệnh ốm yếu luôn luôn hâm hấp sốt, tinh thần thì không biết bao giờ cơn điên này mới chấm dứt, con mèo thì bị cả nhà hắt hủi, nó nhìn mình như một kẻ phản bội 🙂 [mày nói yêu thương tao bền bỉ khiêm cung mà giờ đây tao chạm lông vào người mày mày cũng né cũng nổi da gà cũng xua đuổi tao, đại loại vậy]; đang bị hành hạ thế mà đọc Dostoievski thì hợp quá rồi.
Kết thúc đọc Dostoievski thì nhảy ra vô số cái tên để đọc và đọc lại: Gogol, Dickens, Balzac, Berdiaeff, Kierkegaard, Turgenev, Mikhail Bakhtin, Schiller, George Sand, Nietzsche, Kafka, Thomas Mann [Doctor Faustus]… vô số vô số, cả đời không phải nghĩ về chuyện không biết đọc cái gì :))))
NB. Nhìn cái note mấy chục cái gạch đầu dòng ghi trong lúc đọc, nhìn xong xóa luôn không có khai triển khai triếc gì nữa, khai khai thì có mà mọt đời không đi đọc sách tiếp được [một số ảnh chụp trong lúc đọc]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét