16.8.19

rằm tháng Bảy

Tôi rất ít ra khỏi nhà. Nhớ đường hướng vì vậy lại càng khó khăn, dù ai cũng có bản đồ riêng trong địa hạt nào đấy, nó và mình thuộc nhau. Tuổi nước độc của Dương Nghiễm Mậu với tôi, như trải ra trước mặt tấm bản đồ Hà Nội xưa từng ngóc ngách. Mở đầu với hình ảnh rút phong thư vuốt cho thẳng rồi bỏ vào hòm thư, nhà bưu điện chắc là bưu điện thành phố hiện nay, vì Ngạc - nhân vật tôi sau khi bỏ thư xong, đứng vơ vẩn nhìn sang bên kia đường, Bờ Hồ buổi sớm, tháp Báo Thiên; rồi Ngạc và bạn gái rủ nhau đi ăn quà ở chợ Đồng Xuân, ngang qua vườn hoa Chí Linh, toà Thị chính, thế rồi vào đến chợ thì họ lạc nhau, tưởng không thể nhưng lại xảy ra, họ lạc nhau giữa buổi chợ. Tiên tri hay khởi đầu một kết cục: lạc nhau, buông tay; tôi nói mở đầu rất quan trọng là thế. [Các cụ nói chọn vợ chợ đông, chọn chồng chốn ba quân, tôi thấy hai chốn đều tao loạn cả; tôi vốn ít ra khỏi nhà, nên tất cả về đường sá ở đây đều là hình như, chắc là nhé] Tôi không thích ra khỏi nhà. Quá nhiều âm thanh. Không biết làm gì với chúng. Tôi đành nói chuyện dài miên man với tôi. Sáng qua tôi nhờ bố đèo, ngang Quang Trung bố bảo phố này giờ thành phố kinh doanh vàng trang sức; tôi bảo thế ạ, lần trước hình như con đi với bạn lên đây mua bút mont blanc, hoá ra là phố bán vàng bạc ạ, à bố, phố Hàng Gạch ở đâu [tại có lần đọc thơ cụ TD thấy có phố Hàng Kèn, hỏi bố, bố biết nên thôi cứ hỏi cụ xem sao]; bố bảo phố Ngõ Gạch chứ, sao lại Hàng Gạch, Ngõ Gạch ở mạn gần hồ nó cắt cái phố cái hàng gì nhỉ, để bố nhớ xem nào, quanh quanh Hàng Đường Nguyễn Siêu, nhìn chung là mạn gần hồ về phía chợ đấy; thế thì đúng rồi bố, hai nhân vật trong truyện đi bộ từ hồ đến chợ để ăn quà mà, qua Hàng Ngang Hàng Đào Tôi rất ít khi ra khỏi nhà. Tôi không nhớ đường hướng và cũng không nghĩ mình muốn / nên nhớ, địa hạt của tôi có lẽ là chỗ ít con người; trong phạm vi những quyển sách có lẽ tôi dễ chịu hơn; dạo chơi chốn này lần nữa, tôi sẽ làm thủ thư lưu trữ chẳng hạn, hay gì đấy về động vật hoang dã; xa con người dễ chịu hơn 🙂 Hôm qua mở mắt tỉnh dậy có lịch ra khỏi nhà, trong đầu tôi có 3 việc; thế rồi ngay khi vừa ngồi dậy tôi nghĩ, tôi cho rằng không phải 3 việc, hôm nay mình phải đến chùa, phải đến cái gian có ảnh của những người đã khuất, được người thân gửi lên chùa, phải đi ra sau chùa qua những ngôi mộ; tôi không biết mình sẽ đến ngôi chùa nào cho đủ ý muốn ấy, vì tôi rất ít đi chùa, thế là tôi nghĩ chùa Bộc đi, cái gian để ảnh ấy có ảnh bố của một bạn cùng lớp cấp 3 [trong một lần đứng nhìn những tấm ảnh thì tôi mới biết bạn ấy mất bố] Tôi hoàn thành tuần tự việc 1 - 2 - 3, rồi nhanh chóng book xe về chùa Bộc gần nhà. Điện thoại tôi tắt chuông từ sáng và cho đến khi ra khỏi chùa tôi bắt đầu giải quyết những tin nhắn ib email shopee fb [con người thật loằng ngoằng] j email nhắc sắp đến hạn 2 năm chị bảo em rồi, là chị chỉ đi cùng em 2 năm. A.M thì ib kể lại giấc mơ đêm qua; tối ấy tôi bảo em phải giãn cách mối quan hệ của chị - em ra, em đừng rơi vào cái transference trong tâm lý, đừng đem lòng yêu chị thứ tình yêu nam nữ; ló bảo em sẽ không thế, nhân cách thằng bé yếu ớt mà, thế là mình nhắc ló đừng transference, cuối cùng đêm ló ngủ mơ ôm ấp hôn chị các thứ. Thật là mệt mề, lúc ấy đọc ib giấc mơ dài gang tay, cũng không biết nói sao vì đã mấy tiếng trôi qua giờ mới cầm đến điện thoại Các nhân vật của Dương Nghiễm Mậu thường là những đứa trẻ mồ côi [giống Dickens nhỉ]; có bố mẹ, anh chị, ông bà chú thím... nhưng rồi mẹ mất khi quá nhỏ, bố hoá điên; mẹ không giống mẹ, bố không giống bố, không thấy ông bà chú ở cương vị đó... tất cả đóng vai trò một cách miễn cưỡng khiến vai trò bị lộ diện một cách cố tình và những đứa trẻ đủ lớn để biết những điều ấy nhưng quá bé nhỏ để từ chối đóng vai diễn của chính nó trong màn kịch người lớn dựng sẵn. Một nhân vật cô gái trong truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu nhận mình trong vai trò của tấn kịch hồi chót, chết hoặc bỏ đi để đóng màn xuống cho tấn kịch thứ hai bắt đầu mở ra... Như vậy không phải mồ côi sao. Không thể ở ngôi nhà này. Không ở với mẹ được. Không ở với bố được. Không ở được trong ngôi nhà từng có cả bố mẹ anh em ông bà chú thím... Người ta bước chân đi như kẻ hư vô. Thế giới lúc nào cũng như trong cuộc chiến, chiến tranh là cao trào của cơn điên. Tôi với j là như thế, tôi mong em có một ngôi nhà để về, chỉ cần em cốc cốc chị ơi, tôi sẽ mở. Tôi không chờ mà tôi ở đấy, tôi nói 2 năm, 2 năm là để em đi qua cái tuổi tàn bạo khốc hại. tìm một tiểu thuyết VN viết về thời tao loạn như Dương Nghiễm Mậu viết Tuổi nước độc, để đặt vào tương quan tạo thành bầu không khí văn chương ấy, chính là việc tôi muốn làm, sẽ làm trong vai trò người đọc. Một nhân vật trong Tuổi nước độc nói, "bây giờ súng nổ trên khắp đất nước, cuộc chiến không còn đơn giản như ngày nào, cái ý nghĩa kháng chiến giải phóng chống xâm lăng đã thay đổi, những thay đổi khiến cho lựa chọn tham dự cũng mâu thuẫn nhau"; chiến tranh làm người ta phát điên, một tên lính da đen bị bọn da trắng đến đánh chiếm rồi mang sang VN đánh nhau, hắn ngồi trên xe đạp lao qua các bậc gạch xuống dốc [ngõ Hồng Phúc - Hàng Than], một hành động đùa giỡn với cái chết, không tìm thấy tự do ở đâu ngoài tự do với cái chết, cái chết ngoài mặt trận không làm hắn sợ hay sợ đến nỗi muốn tìm một cái chết khác, chết trong vui chơi mạo hiểm Tôi nhìn các nhân vật nam trong Tuổi nước độc như những nhân vật nam đã từng, tiếp tục con đường đã lựa chọn... trong Lũ người quỷ ám [Demons] của Dostoievski. Thế giới luôn ốm, luôn trong một cuộc chiến; chiến tranh là cơn động kinh, đôi khi tôi nghĩ nó là period; tư tưởng, ý thức của các nhân vật trong chiến tranh khi lựa chọn tham chiến mâu thuẫn nhau những cái chết như của Hoạch, bộ đội bắn chết, đã đứng vào một hàng ngũ thì phải chiến đấu, phải có lý tưởng; Thu tham chiến bằng đi lính cho Tây để trả thù du kích giết cha; hay Vịnh ném lựu đạn rạp phim thủ đô, cuộc chiến không cho phép người dân sống để hưởng thụ dù chính thời loạn lạc này người ta sống gấp hơn, sống cho qua tao loạn... thậm chí như Ngạc luôn bị cho là kẻ hư vô, không tham chiến, có một cuộc chiến ở bên trong Ngạc những lúc cầm hòn đá nện vào đầu con chó cho nó sủa để có âm thanh có chuyện; Ngạc của hành động cầm dao ra phá ngang cuộc giao hoan của đĩ già và một thằng nhếch nhác chỉ bởi nghĩ đĩ già là con bé lai Tàu hàng xóm ngực mây mẩy, nghĩ đuổi con đực này đi để mình thành con đực khác thế vào cuộc giao hoan, Ngạc của cầm dao đâm người; Ngạc của cà khịa xói móc người em cùng cha khác mẹ khiến sự kiện in hằn trên mặt là vết sẹo bàn là đỏ than dí vào chằng chịt kéo trĩu mặt anh xuống... Tất cả Ngạc ấy là Ngạc ốm Ngạc không biết hay không muốn biết mình chọn tham chiến hay không, không tin gì cả. Ốm đấy là ốm của Dostoievski, chịu ốm, chấp nhận ốm và vì thế mà quen với ốm, ốm trở thành bạn. Ngạc ý thức chịu ốm trong hoà bình khi nhìn thím mù loà, cụt tay ngồi trên giường, thím bảo thím chỉ muốn chết. Phát súng của Ngạc giúp thím chết ngay khi nảy cò là phát súng đẩy lui cơn ốm. Có hai viên đạn, thím đi rồi, Ngạc chôn khẩu súng cùng quan tài và giữ lại một viên đạn, cho mình. Tôi cứ nói chuyện với tôi mãi bằng cách viết note trong điện thoại. Rồi ib chen ngang phía trên màn hình: Không xong rồi tú ạ, giai đoạn cuối rồi... Vậy là thêm một người ốm, không phát điên không uống những viên thuốc hồng hồng như thuốc bổ để tự tử, không lưỡng hoá nhân cách; ốm này là ốm bệnh viện nghĩa địa Đấy là câu chuyện tôi nói với mình ngày rằm tháng Bảy, ngày hôm qua. Sáng nay là buổi thứ 3, buổi cuối thuyết trình lịch sử báo chí VN, buổi cuối khác hẳn buổi thứ 2, và tôi đồ rằng cũng rất khác buổi đầu [vì ngớ ngẩn thế nào đấy tôi không được đi buổi đầu, tôi không tiếc vì tôi có buổi hôm nay bù vào rồi]; Buổi nói chuyện hôm nay câu chuyện nhiều gương mặt, đa chiều, hợp với tôi hơn; rồi tôi lại có thời gian nên tôi dông dài lê thê chuyện ngày hôm qua, chuyện đọc Dương Nghiễm Mậu suốt nửa tháng qua vít lên tóc tôi; tôi leo cho hết ngày hôm nay bằng việc kể cuộc nói chuyện trong đầu tôi ngày hôm qua tôi biết làm gì vào mùa thu 🙂

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét