23.12.24

lối mòn




Chuyện các bà vợ già là bức tranh tỉ mỉ về đời sống Anh, tỉ mỉ một cách thái quá và hoàn toàn có thể coi nó là tài liệu để biết về xã hội trung lưu Anh nửa sau thế kỷ 19 đến thập niên đầu thế kỷ 20. Một truyện rất Anh, cũng là một truyện con người nói chung; đúng như lời đầu của tác giả viết, nó không khỏi làm người ta nghĩ đến Một cuộc đời của Maupassant [tôi cũng chính vì đọc lời đầu sách này mà đã đọc Chuyện các bà vợ già - một tiểu thuyết dung lượng hơi gây cho tôi chút bối rối, liệu mình đọc tới chừng nào đây, có phí phạm sách không khi mình đang có chồng từng chồng sách phải đọc đồng thời cùng nhau (nhất là khi tôi đã mất thói đọc một tác giả nào đấy chỉ với một quyển), vì tôi bắt gặp ở đây con mắt nhìn của Arnold Bennett, ông không đánh giá cao Một cuộc đời, ít nhất là trong đối sánh với Pierre và Jean - tôi cũng nhìn như vậy, không muốn nói, tôi đã cho Pierre và Jean vé hạng nhất trong địa hạt Maupassant ngay khi đọc xong (ở lời giới thiệu, lỗi sót, tên bản dịch ban đầu "Dấu vết thời gian" chưa được đổi về tên gốc The Old Wives' Tale - Chuyện các bà vợ già; ngoài ra trong cả quyển sách dày này chỉ còn 1-2 lỗi typo, 1 lỗi trang 252 thì phải, lỗi còn lại tôi không nhớ, tỉ lệ lỗi thấp đáng kinh ngạc cho dung lượng sách gần 650 trang khổ cơ bản, với các đơn vị xuất bản khác, có lẽ đã thành khoảng hơn 900 trang, thậm chí cả nghìn :)]

với một chút tự tin, Bennett đã dựng như đúng tên Chuyện các bà vợ già, những tận hai nhân vật chính với bố cục quyển sách cho ba người phụ nữ - những thiếu nữ rồi thành người vợ rồi thành bà vợ già, và dễ hình dung, bà vợ già thì khả năng phải gắn với đời sống bà góa: một người mẹ và hai cô con gái [và đúng là ba người họ đều góa chồng, dẫu một người gần như không phải sống đời bà góa, ngắn ngủi vô cùng] trong đó hai cô con gái là nhân vật chính của truyện - cô chị ở lại tỉnh nhà nhỏ bé ở Anh và cả đời bà có lẽ có thể tính là không đi đâu khỏi nơi mình sinh ra và sống cả đời trong một ngôi nhà [trừ quãng ngắn như một cuộc cách mạng bất thành] và cô em thì trôi dạt sang Pháp, thân lập thân với một khối tài sản đáng kiêu hãnh sau 30 năm mới đoàn tụ với chị. Bennett cùng người đọc theo dõi đời sống của hai người phụ nữ, Constance và Sophia, từ thuở ấu niên cho tới già, đúng như motif của Maupassant với Một cuộc đời [đây cũng là một motif điển hình của tiểu thuyết], nhưng nếu chỉ đọc như đọc các motif quen, chắc không còn ai đọc tiểu thuyết văn chương văn chương. Bennett đã biến cái motif quen thuộc ấy, bình thường hóa ấy thành cái khiến người ta phải đọc và đọc trong tiếc nuối vì mỗi trang qua đi đồng nghĩa nó đang dần đi đến hồi kết, như đời một con người mỗi ngày qua đi, mỗi sự kiện qua đi là người ta đang đi dần đến cái chết; người đọc không còn rõ mình phải cười hay khóc hay vừa khóc vừa cười trước màn tâm lý nhân vật tơ mành mành và giọng của Bennett. Hai người phụ nữ chậm chạp thay đổi theo ngày tháng trôi qua; tình cảm, hành động, cơ thể, tinh thần... dần không còn mềm mỏng, linh hoạt, mạnh mẽ kiêu hãnh như trước, nhưng dường như họ không nhận thấy, vẫn tưởng mình chẳng thay đổi gì cả, trong khi người đọc với sự dẫn lối của Bennett rõ ràng đã nhận ra sự thay đổi li ti từng chút, nhận ra dấu thời gian vết từng sự kiện chặng đường - một lối mòn

thời gian thay đổi mọi thứ ngay cả bi kịch ta cũng quên mình đang có nó, quen với tất tật bất thường như bình thường mà ta không nhận ra. Kết cục của Sophia làm tôi chờ đợi trong những năm tháng tới đây, nếu có thể sống đủ già hơn, về ý nghĩ tiếc nuối của Sophia rằng mình đã không sinh con [Katherine Mansfield cũng có cùng nỗi tiếc nuối này], có lẽ giờ tôi vẫn còn chưa đủ già, còn quá kiêu hãnh để có nó, tôi sẽ trông mong nỗi tiếc nuối đó đến, nếu nó có tồn tại và có nó; còn kết cục của Constance, nếu không có Sophia là một tham vọng thêm vào của Bennett khi viết Chuyện các bà vợ già thì kết cục ấy với chỉ riêng nhân vật chính là Constance, có thể cũng mang nhiều màu sắc theo ngả Một cuộc đời của Maupassant

con người không hiểu đời chừng nào chưa trải qua các sự biến số của mình, chừng nào chưa trải qua một phần lớn đường đời để thực sự chính đáng được nói câu "đời là thế đấy" - tên quyển bốn của câu chuyện, với giọng điệu bình thản nhất có thể có. Và nếu ta sớm hiểu đời ở ngưỡng tuổi chưa hiểu đời, nhìn thấy các tiêu bản cùng những dị bản số phận đi kèm, thì ta còn muốn sống như vậy không, còn đặt chân bước tiếp không dẫu cũng không thể giữ mọi thứ ở một chuyển động đứng yên hay trở lui, thậm chí là dợm chân bước. Biết gần như tất tật sẽ như thế và đủ kiêu hãnh để chống đỡ chịu đựng chấp nhận phần còn lại biến số thì người ta có chọn tiến tới 🙂 [nếu ở vào một tình thế phải quyết, chắc chắn sẽ khiến tôi sinh ra cái mà người ta gọi là, suy nghĩ muốn chết, tôi tất nhiên không muốn chết, ý muốn chết thật báng bổ, nhưng sẽ may mắn hơn nếu tôi đã chết rồi (lại một câu quen, "muốn sống thanh tao lên trên trời mà ở", muốn không phải nghĩ thì chỉ có chết thôi, vì còn sống là còn biến số còn phải nghĩ), còn thì ở đây tôi muốn nói suy nghĩ muốn chết tức là suy nghĩ nhiều muốn chết luôn, nghĩ nhiều dức đầu muốn chết cho rảnh nợ]


11.12.24

Hans Olav Lahlum: Người

 Hans Olav Lahlum: Người


[mưa lạnh đọc trinh thám sướng thật]

thêm một tác giả trinh thám Bắc Âu đáng để theo đuổi vài quyển: Hans Olav Lahlum. Tác giả trẻ, 1973, là nhà sử học, kì thủ cờ vua nên series K2 cùng cộng sự, một cô nàng ngồi xe lăn, có câu chuyện lấy bối cảnh những năm cuối 60 thế kỷ trước, lồng ghép nhiều chi tiết, sự kiện thế chiến 2. Thế mạnh của trinh thám Bắc Âu là câu chuyện có chiều sâu, khai thác chi tiết tốt hơn hẳn trinh thám Mỹ, series này thiên về tư duy điều tra cổ điển thu thập thông tin, bối cảnh ấy thì không trông mong gì các phân tích pháp y hay kết quả giám định khoa học tiên tiến


Người ruồi có câu chuyện hay hơn Người vệ tinh, nhất là tác giả đề tặng một người bà của mình, cuối sách nói rõ câu chuyện của người bà trong thế chiến 2, câu chuyện đó gợi cảm hứng cho Olav Lahlum viết Người ruồi; nhưng đó mới chính là một câu chuyện thu hút và nếu có đủ khả năng viết câu chuyện theo đúng tài/tư liệu lịch sử về người bà thì đó thực sự là một câu chuyện đề tài điệp viên/chiến tranh, số phận con người trong cối lịch sử... có sức nặng, thậm chí nó vượt thể loại trinh thám vốn dĩ bị nhìn là bình dân, tôi chắc phải dành thời gian tìm hiểu về câu chuyện người bà này của Olav Lahlum, theo như tác giả viết thì câu chuyện này đã được xuất bản dưới dạng tiểu sử, hồi ký và có người đã viết thành phóng sự báo chí, đề tài học thuật. Người ruồi không có plot twist, cũng dễ dàng đoán ra thủ phạm, suy luận không đánh đố... nhưng, như thế mạnh của trinh thám Bắc Âu thì bản thân câu chuyện đó đã hay, không quan trọng phá án, nhất là khi hình ảnh K2 ngô nghê làm nền cho Patricia - một tư duy sắc bén bị trói chặt với xe lăn


Còn Người vệ tinh được viết tốt hơn hẳn quyển đầu Người ruồi, nếu nhìn nhận theo hướng thể loại trinh thám; plot twist tốt hơn, nhịp ổn định và cái kết theo hướng trinh thám hơn... nhưng vì quá ấn tượng với niềm cảm hứng viết Người ruồi nên đó vẫn là đầu dây để tôi theo series này, có thể thêm 1-2 quyển nữa nếu được dịch, nghe nói series 6 quyển nhưng hiện mới có 3 quyển được dịch sang tiếng Anh 


theo cách nhìn của Olav Lahlum thì mỗi chúng ta có thể đều đang là những Người ruồi, là những Người vệ tinh. Không biết là Người vệ tinh của [những] ai, nhưng những Người ruồi phần lớn là những người mà họ cứ quẩn quanh mãi, thậm chí quẩn quanh trong thế giới những cuộc đời khác qua sách vở, sống những cuộc đời khác, sống đời mình như tiểu thuyết do kẻ khác viết, bởi ở đó, bất cứ ngõ ngách đường hầm nào, họ cũng bắt gặp chính mình 









 

4.12.24

Tarax Bunba




quyển nhỏ bên trái là bản in 1966, nay là tròn 5 năm tôi cầm quyển sách này của anh bạn he he sorry anh :); quyển bên phải tôi mới kiếm được trong năm nay, tái bản lần ba, in 1983


chỉ khác nhau Lời giới thiệu, bản 1966 viết đầy đủ những gì về Ukrain và Nga theo cách hiểu Gogol của tác giả; còn bản 1983 cứ những câu Ukrain và Nga là cắt, thậm chí nhân dân Việt Nam chống Mỹ cứu nước ở bản 1983 cũng cắt. Bản 1983 sửa một vài lỗi typo, trình bày viết hoa viết thường. Còn đâu y nguyên


may tôi cầm bản 1966 lâu nên có cái đọc, sách in đẹp chỉ bị 1 trang giấy in mặt trước mặt sau hiện chữ nhau mờ mờ, chứ bản 1983 nhoè quá với mắt tôi. Ôi mẹ của con, cứ những ngày mẹ ốm, không còn tiếng điện thoại các chương trình hẹn hò, kén dâu kén rể bên tai, không nghe mẹ gào thét xuyên từ trong nhà ra phố... sự yên tĩnh này con đã giải quyết bao nhiêu sách vở tồn đọng; xin các Đấng tha lỗi cho con khi nghĩ và nói điều ấy 🤦🏻‍♀️

29.11.24

ngọn cỏ gió đùa



có lẽ là quyển cuối cùng đọc Hồ Biểu Chánh, vậy là đã hết các chuyện nhân tình thế thái Hồ Biểu Chánh trong nhà tôi. Tôi chỉ mua duy nhất một quyển Ngọn cỏ gió đùa, vì tôi thích cái tên của nó nhất trong các tiểu thuyết của ông [các tên khác thường trỏ quá rõ, hết tò mò]; Ngọn cỏ gió đùa, cái tên đã đủ hình dung thân phận những con người sẽ xuất hiện trong truyện: phận hèn, nát thân bồ liễu, nắng táp mưa sa, đường ngay nẻo vạy... Đây cũng là tiểu thuyết dài hơi nhất trong mấy truyện Hồ Biểu Chánh tôi đọc, nó lấy một phần bối cảnh sự kiện lịch sử Lê Văn Khôi nổi dậy 1833 - 1835, ai biết tôi cũng biết, dính đến lịch sử thì khổ cực cho tôi nhẽ nào, tôi đọc mà có biết có nhớ gì đâu; trong này cũng có duy nhất nhân vật tôi thích trong từng đó nhân vật của Hồ Biểu Chánh: Lê Văn Đó - con người trọng lời, quân tử, hào sảng [tôi đọc tới tên nhân vật, có ngẩng lên bảo Loan, các cụ xưa đặt tên buồn cười, thằng anh Lê Văn Đây, thằng em Lê Văn Đó, Đây với Đó; Loan bảo thế xưa đẻ 3 đứa mày tao khéo bảo đặt tên Hát Tê Mờ, tôi hỏi sao đặt thế, Loan bảo thích thì đặt thôi; cũng trong truyện này có tên Từ Thu Vân, làm tôi nghĩ đến một cái tên tôi luôn tính sẽ dùng :))) Từ Vân Du]

Hồ Biểu Chánh là người nghe vào tai nhiều chuyện, và thuần tuý thuật lại chuyện nhân tình thế thái. Ông không phải người kể chuyện hay, tài văn chương, với tôi, nhưng tôi vẫn đọc để biết rồi thì không cần quan tâm nữa 

bản in cũ hơn 400 trang Ngọn cỏ gió đùa, tôi không cố nổi, mắt tôi mờ cứ căng ra đọc như hóc nên tôi nhớ mang máng trong nhà có một quyển Hồ Biểu Chánh hình như đúng Ngọn cỏ gió đùa, nên tôi đi lục đọc cho nhanh, giải quyết hết Hồ Biểu Chánh trong nhà. Không ngờ thấy luôn, may quá 


thôi đi đạp xe :)

nhầm

 


Constance - một người phụ nữ trong Chuyện các bà vợ già của Arnold Bennett sau kỳ trăng mật trở về, đối diện với vai trò mới và một hệ quả sờ sờ kéo theo vai trò ấy: vực thẳm giữa 2 con người [phải giả vờ không thấy hay thậm chí ngờ rằng có vực thẳm], cô cho rằng, cuộc đời người phụ nữ kết hôn của mình sẽ không thiếu sóng gió

Đoàn Thu Hà - người phụ nữ trong Khóc thầm của Hồ Biểu Chánh, nhìn nhầm. lấy nhầm. khóc thầm 

nhìn thấy nhiều, từ rất sớm, các tiêu bản phụ nữ sống cuộc đời kết hôn, cả chiều dài dấu vết thời gian, người ta còn muốn sống như vậy. Băn khoăn :)

kiếp phù sinh




kiếp phù sinh như hình bào ảnh

có chữ rằng: vạn cảnh giai không

[ND]

hôm qua đọc Con nhà giàu, hôm nay đọc Con nhà nghèo. Tôi hay nói nhả, ăn ở gây thù chuốc oán bạc đãi nhau, rồi đời sau con cháu lại va nhau duyên nợ, kết duyên không được dứt tình không xong, làm sai quấy mà lĩnh quả ngay là nhẹ, đợi tới hậu vận sau lĩnh quả e quả nặng lĩnh không nổi

thôi đạp xe dạo mát vài vòng cái

nhân tình thế thái Hồ Biểu Chánh




chuyện nhân tình thế thái. Đọc truyện nghĩ tới 2 ông con nhà giàu bạn tôi

một ông có suy nghĩ giống Thượng Tứ trong truyện: má hỏi tôi thi đỗ không, tôi đỗ làm sao được, thằng đó đỗ vì nó con nhà nghèo nó phải học phải lo công chuyện sinh nhai, tôi con nhà giàu thì tôi học làm chi, tôi phải chơi phải tiêu xài, có biết chơi biết tiêu xài thì mai mốt tôi ra đời tôi mới rành các mánh khoé ở đời mà không bị người ta lừa gạt. Ông bạn mình thì như ổng nói, tớ chơi chán xe cộ bán rồi; đứa em hỏi anh chơi hết tiền bạc các thứ rồi có tiếc không, ổng bảo tiếc gì, chơi sướng thế rồi thì còn tiếc gì nữa. Ổng nói ý tứ thì cũng bị gái và người đời tệ bạc nhiều, ổng bỗng tỉnh mộng nhân tình, tắt lửa lòng dù trước giờ 7-8 năm quen nhau mình gọi ổng don juan, rồi giờ bỗng nhiên lại nghĩ chuyện giúp người giúp đời làng xóm các thứ, thấy tâm tư si nghĩ lung lắm. Nếu nửa sau truyện của Thượng Tứ là đường don juan đang đi thì tốt thôi; dẫu sao kịch bản cuộc đời cũng vừa rất nhiều mẫu và chung quy cũng chỉ bấy nhiêu


một ông thì là công tử nhưng lại chân chất học hành, theo nghĩa ngược ông don juan, không chơi bời chi hết, chỉ lo thâu nạp kiến thức để không bị ngu ngơ trước đời, không bị lừa lọc khi ra đời. Mà đời thì phải chơi, sống là chơi mà ông không chịu chơi lại chỉ lo học để cập nhật kiến thức chạy theo guồng tri thức tiến từng ngày. Nên đời lại hay chơi ông, cứ nghe ổng kể chuyện là lại thấy ổng bị người ta lừa bị người ta dắt mũi lợi dụng. Bảo ổng nếu đọc sách thì đọc ít sách hộp kiến thức thôi kẻo thành mọt sách ngơ ngác trước đời; đọc tiểu thuyết đi cho cái mắt nhìn người nó thật thoát khỏi đôi mắt kính 5 đi ốp, ra đường chỗ nào cũng va vào cho vui... nhưng không, ổng ra đường chỉ đi thử đồ ăn các nhà hàng, đi triển lãm, rạp phim, hiệu sách... rồi lâu lâu bỗng bị đời chơi, ổng nói: nay em nhớ lời tú nói, đúng là abc đúng là xyz, sao tú có nhiều câu bất hủ vậy, cô có muốn mai này cô trết thì tôi hay truyền nhân nào chép lại các câu đó hay là tạc nó vào bia mộ cho cô không :))))


rốt cuộc tôi chọn đọc Con nhà giàu đầu tiên thay vì Con nhà nghèo, đều của Hồ Biểu Chánh, vì tôi là con nhà nghèo mọi mặt trận rồi, tôi nghĩ chắc tôi cũng hiểu phận Con nhà nghèo tí chút, nên tôi đọc Con nhà giàu cho đổi không khí. Mà đầu tôi nghĩ đến 2 tiêu bản số phận con nhà giàu 2 ông bạn tôi :))) sao mà mũi lao lao 2 hướng song song. Lô Hồ Biểu Chánh này tôi được tiệm sách quen gởi cho đọc, tôi phải đọc cho biết chuyện nhân tình thế thái Hồ Biểu Chánh, đọc xong tôi sẽ cho lại ai đó muốn đọc như cách tiệm sách quen cho tôi; ai lấy đọc nhớ chắc chắn là mắt phải đủ tinh nhé :)

28.11.24

Hà Trì - Liên Chiểu





nhắc đến ái tình tiểu thuyết thì nghĩ ngay đến Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách. Nhưng đọc Lời giới thiệu thì Mảnh trăng thu không hẳn ái tình tiểu thuyết, có thể xem là truyện trinh thám. Cũng trong bài giới thiệu này, Bửu Đình chỉ sống có 28 năm, 20 tuổi mới bắt đầu viết, bận làm công chức mất 3 năm, ở tù hết 4 năm từ 1927-1931 thì Mảnh trăng thu xuất hiện lần đầu năm 1930, tức là được viết trong giai đoạn giúp việc quản lý cho quan chức Pháp ở nhà tù Côn Đảo; thế mà viết cực khoẻ [nhìn danh mục các thể loại thì rõ], đúng là ở tù Côn Đảo "tôi đây buồn, là vì thui thủi một mình trên gành cây bãi cát, sớm chiều ngó sóng nhìn mây"


giai đoạn ở tù Bửu Đình có 2 lần vượt ngục thì 1 lần được tàu ngoài khơi cứu sau 17 ngày lênh đênh trên biển và bị giao nộp lại cho quan chức nhà tù, còn lần thứ 2 thì biệt tăm biệt tích luôn. Mặc định Bửu Đình sống 28 năm và mất trong lúc vượt ngục lần 2. Chi tiết này làm nghĩ đến nhân vật Lê Văn Đó trong Ngọn cỏ gió đùa của Hồ Biểu Chánh; cũng vượt ngục và người ta mặc định trết do đắm thuyền/đuối nước; nhưng không, vẫn sống và trôi dạt đất khác với danh tính khác, 2 lần đều như vậy, mỗi lần cách nhau cả quãng thời gian đằng đẵng. Một cuộc đời vượt ngục 2 lần như Bửu Đình và có 1 lần trước khi vượt ngục còn làm bài thơ để lại cho cai ngục, không lẽ nào sống 28 năm, tuổi mèo mà dễ thế á


à, Bửu Đình là cháu bốn đời của vua Minh Mạng triều Nguyễn nên tên của ông mới có đệm Phúc [Nguyễn Phúc Bửu Đình]. Khí tiết con người không tầm thường chút nào. Đáng đọc, đọc xem sao  

another turn of the screw




the turn of the screw của Henry James xuất hiện ở Vn với tên Chuyện ma ám ở trang viên Bly; rất ít người đọc nó rồi tự hỏi, câu chuyện í thì liên quan gì đến cái tên The turn of the screw mà Henry James đặt, đây cũng là cái tên có lẽ gây nhiều tò mò nhất mà James sử dụng [cứ làm cú thử search, đại ý: what is the meaning of the turn of the screw by HJ; why is it called the turn of the screw; what does the title "the turn of the screw" mean...]. Từ 1890 sức khoẻ, tài chính của HJ trở nên tệ hơn, lại thêm một số bạn bè, người thân của HJ qua đời, trong một thư 1895, James viết: i see ghosts everywhere. 1898 The turn of the screw ra mắt, bản thân câu chuyện cũng là những hồn ma, bóng ma vờn quanh trang viên Bly; nó không chỉ là sự thấy của hai đứa trẻ, mà còn cả cô gia sư; cái thấy của cô gia sư như một turn of the screw - được HJ chuẩn bị cho người đọc tin, tin vào cô gia sư; và từ góc độ không chuẩn bị, không chịu vào vòng HJ đánh trống lảng, thì cô gia sư đóng vai trò đao phủ, đi siết các vòng screw


vô tình nhắc đến The turn of the screw vì nhân vật nữ chính trong Ngôi nhà cuả Người Hà Lan cũng có cả chồng HJ, trong đó The turn of the screw nằm phía trên cùng của chồng sách. Câu chuyện Ngôi nhà của Người Hà Lan kéo dài 5 thập kỷ xoay quanh những người sống trong ngôi nhà Người Hà Lan; chỉ là một ngôi nhà nguy nga, một điền sản có giá trị nhưng những người từng gắn bó, từng đến đó hay từng từ đó mà đi, đều để lại quanh ngôi nhà một bóng ma, đầy đủ các bóng ma tham vọng, tiếc nuối, đơn côi, những bí mật, những điều cần độ lùi thời gian mới được thổ lộ


tôi bắt đầu sợ những câu chuyện văn học hiện đại xoay quanh một trung tâm, như ở đây là ngôi nhà người Hà Lan, kể về con người và số phận con người từ trung tâm ấy phát tán. Ngoài tính đơn điệu, thì tôi còn gặp trở ngại vô phương, luôn cảm thấy câu chuyện dẫn dắt mình đi vô phương hướng. Nhất là khi thêm yếu tố, tác giả viết nó là nữ, và Mỹ. Câu chuyện có thể dài, có thể nhiều tình tiết, diến tiến nhanh hoặc chậm... câu chuyện có thể không hề chán. Nhưng điều sau cùng là, khi đọc xong nó, tôi không đọng lại gì, không làm tôi xếp được nó vào đâu trong những câu chuyện tôi từng đọc, từng lưu ý, nó không cung cấp suy nghĩ, cũng chẳng làm ưu tư


Một người đàn ông nhờ vận may có tiền mua một điền sản lớn. Rồi người vợ vì mặc cảm mình sống trong một dinh thự xa hoa còn ngoài kia kinh tế khó khăn đói khổ nên bà luôn ghét ngôi nhà, cảm thấy chỉ có phòng bếp là nhà mình và ý nghĩ có người hầu trong nhà là điều báng bổ nên bà ấy bỏ chồng. 2 con còn nhỏ [trong đó có đứa còn ẵm ngửa] đi sang Ấn Độ giúp đỡ người nghèo, 2 đứa trẻ sống với dì ghẻ - người mà bố chúng lấy với mong muốn người vợ mới sẽ yêu ngôi nhà thay cho người vợ bỏ đi đã ghét bỏ nó. Rồi chúng rời đi, cô chị từ bé đã trở thành người mẹ bao bọc quan tâm đứa em trai, đứa bé trai lớn lên chọn học ngành Y vì theo tính toán của người chị, muốn sử dụng tối đa quỹ uỷ thác giáo dục theo di chúc người bố để lại, học Y và mong muốn thành người kinh doanh BĐS như bố... cuối cùng, ngôi nhà nơi chứa những bóng ma bất hạnh lại trở thành chốn tiệc tùng phù phiếm của thế hệ trẻ nối dài dòng họ 


dùng con mắt hiện tại nhìn quá khứ thì ta không nhìn quá khứ như chính ta trong quá khứ nhìn, chính thế, quá khứ cũng phản trắc vì quá khứ thay đổi. Ngay cả những đau đớn và tổn thương; chỉ có ta vẫn ở mê cung đau thương thôi, ta luôn trở lại nó, mê muội tìm về như Hansel và Gretel làm mọi cách đánh dấu để trở về nhà - another turn of the screw "ngôi nhà chết tiệt, nhưng đấy là nơi chúng tôi đoàn tụ: giống như những con én hay cá hồi, chúng tôi là những kẻ bị giam cầm bất lực bởi vấn đề di cư"


có lẽ tôi vẫn phải thử một quyển khác của Ann Patchett, đấy là nếu tiện thì thử. Sách do Hải Đăng làm, bìa sách mô phỏng tranh vẽ nhân vật nữ chính trong truyện - cô chị gái; quyển đầu tiên tôi đọc của Hải Đăng là why we sleep, đây là quyển thứ 2 tôi đọc của đơn vị xuất bản này; tôi hay nhầm Hải Đăng và San Hô :)



15.11.24

đương nhiên




khi đọc Shirley Jackson tôi nghĩ rất nhiều đến Poe của tôi, có thể vì quyển đầu tiên làm quen Jackson là Chuyện ma ám ở dinh thự Hill, thì đấy, chưa cần đọc gì cũng thấy The fall of the house of Usher và The haunting of Hill house. Khi đọc được một ít, tức sờ vào 3 quyển trong ảnh, tôi quy đây là một người chịu ảnh hưởng Poe, dù văn bản của Jackson tối giản hơn Poe nhiều nhưng bầu không khí dị hợm, quái gở của tâm lý con người đặt trong những điều thường nhật nhàm chán đến ngạt của đời sống, thì đúng Poe; hơn cả, ở đấy luôn có sự lưỡng lự nhân cách, lưỡng lự tâm lý giữa các bản dạng

Chuyện ma ám ở dinh thự Hill [với những lập luận khoa học của một nhân vật đại diện cho con người khoa học (rất Poe); rốt cuộc, vẫn bất lực đầu hàng trước những gì xảy ra trong dinh thự] và Ta vẫn luôn sống trong lâu đài, là 2 tiểu thuyết không khí gothic. Tôi thích nghĩ chúng là tiểu thuyết tâm lý mang màu sắc ly kỳ, huyền bí, có thể xem là cú lãnh Poe với lối kể chuyện phân thân - những giọng nói khác xuất hiện không báo trước, những ẩn mờ của người kép, đồng dạng, song trùng "sinh đôi". Những lâu đài, dinh thự sừng sững dường như đã luôn ở phase sụp đổ từ trước trong hình dạng của chính nó; không phải cá thể xung đột với các nhân tố bên ngoài hay xã hội, mà cá thể xung đột với chính nó - một diễn ngôn về người kép song trùng; trên con đường cố tự hoàn thiện khám phá thay đổi mình hay cố dứt mình khỏi chốn u mê, ta vấp phải ta xung đột với chính mình và phần nhiều, sụp đổ tâm lý phá sản các giá trị, ta ở lại mãi mãi đơn côi bất lực 'ta vẫn luôn sống trong lâu đài'

tập truyện ngắn Người tình ác quỷ, gồm 4 phần, mỗi phần chiếm cứ 6-7 truyện, làm nhiều người, nghĩ đến các truyện ngắn của một nhân vật giai đoạn sau, Raymond Carver vì truyện ngắn Mỹ thế kỷ 20 ở vn, người ta quen với Carver rồi. Phần lớn, truyện của Jackson rất ít cốt truyện hoặc cốt truyện không rõ ràng, ngay cả khi được hiểu là có chiều hướng kỳ bí thì cũng không nhiều tình tiết giật gân, kết thúc thường không có hậu mà bỏ lửng. Tức, nó khước từ các mẫu truyền thống, chuyện mà không truyện, điều này đặc biệt rõ ở mảng truyện ngắn. Người tình ác quỷ được dịch từ tập The lottery and other stories; lý do đơn vị xuất bản lựa chọn tên Người tình ác quỷ có thể vì nhân vật James Harris của truyện ngắn này đã hiện diện ở phần lớn các truyện ngắn khác trong tập, mỗi truyện mang một nhân dạng khác nhau - rất nhiều James Harris, James nào cũng là James và không James nào giống với James nào, đừng cố chập những mẫu người của con người vào nhau; còn truyện Xổ số thì là một truyện quá "đương nhiên" gắn với tên tuổi Shirley Jackson - một truyện ngắn ấn tượng đến ám ảnh về quyền lực của đám đông cộng đồng [cũng là một chủ đề của Ta vẫn luôn sống trong lâu đài] và một câu hỏi tiếp tục hiện ra, nó từng lặp trong các truyện của Poe: tại sao, tại sao mà có thể xảy đến với bất kỳ ai, một mong muốn giết một ai đó không vì lý do gì hoặc một lý do phi lý. Truyện ngắn Xổ số là một cú dừng hình sững sờ, người đọc bị một rào cản cô lập từ đầu truyện, rằng cuộc xổ số, bốc thăm này sẽ chọn ra người may mắn, một tư duy hết sức "đương nhiên" hẳn người chung cuộc phải là kẻ may mắn, bất chấp chi tiết mở màn không hề khớp với những gì mang may mắn, để rồi đến tận dòng cuối cùng của một văn bản đúng nghĩa truyện ngắn, người ta hiểu ra cuộc xổ số rốt cuộc chọn ra người hiến tế - một hình ảnh cổ xưa và kinh điển: đám đông ném đá. Ở đây, cách khai thác truyện của Jackson rất Poe, khai thác triệt để khía cạnh kì dị của tâm lý trong những tình huống đời thường, ngoài việc nó luôn khiến người đọc được phép tiên tri, nhận cảnh báo về một kết cục, thì người ta còn phải chịu thách thức lòng kiên trì trước những tiên tri đa nghĩa của màn diễn ngôn do họ bày ra, ít nhất thì Jackson đã tối giản văn bản hơn Poe. Ngoài Xổ số, và James Harris xuất hiện với tần suất sửng sốt, có một truyện viết ngắn, tối giản tôi thích là Phân xử qua giao đấu; cách Jackson nhìn nhận về đời sống con người nói chung và phụ nữ nói riêng, không lạ, nhưng chọn điểm nhìn và phơi ra trong hình hài truyện ngắn này thật ấn tượng; truyện ngắn này có chi tiết tất cả các phòng trong tòa nhà đều có chung chìa khóa, những chìa khóa giống hệt nhau và người chủ căn phòng bị xâm nhập là một phụ nữ trẻ cũng có ngày đi làm kẻ xâm nhập căn phòng của người đi xâm nhập căn phòng của mình - một bà già; và khi cô ta bị bắt gặp đang xâm nhập căn phòng của bà già, cô phân trần hành động xâm nhập của mình như để lấp liếm chữa ngượng, nhưng người phụ nữ già gần như điềm nhiên, trong một thái độ thấu hiểu, một thông điệp không lời, rằng: tôi và cô, những con người đồng dạng, sống trong tòa nhà có chung những chìa khóa hệt nhau, những cánh cửa những căn phòng [những cánh cửa như những câu hỏi - Rilke] và rồi chúng ta sẽ như nhau trước và vì cuộc đời nhạt nhẽo thường nhật thôi; cuộc phân xử đúng nghĩa qua giao đấu

lời giới thiệu đầu tập Người tình ác quỷ của Lê Huy Bắc, có một đoạn LHB dẫn truyện Kẻ ăn thịt đồng loại trên chuyến tàu của Mark Twain khi đặt trong đối sánh với Xổ số của Shirley Jackson [cả 2 đều 'một người phụng sự cộng đồng' gắp thăm xem ai phải hiến tế sinh mạng], nhưng đại khái có cấu trúc ngược. Tôi có thể xem là gần như không đọc Mark Twain, nhưng nhờ bài giới thiệu này, tôi biết Mark Twain có một truyện như thế. Và cái tình thế của ăn thịt đồng loại để sống sót trong tình cảnh mắc kẹt, với tôi "phụng sự" ở đây là một truyện, có thể xem là tiểu thuyết của Poe: The narrative of Arthur Gordon Pym of Nantucket

14.11.24

lịch sử nôn ra




Hội chứng E có một mở màn thu hút với bất kỳ ai có thú vui sưu tầm nói chung, ở đây là sưu tầm phim cũ [ý tôi nói là các cuộn phim, mà ta hay nói phim 16mm 35mm etc. và cách thức làm phim, quay phim những năm 50 của thế kỷ trước]; một chi tiết có thể liên hệ ngay đến thế giới những con người sưu tầm sách cũ [khi nằm xuống, con cháu đăng tin quảng cáo cần sang nhượng bộ sưu tập; người đến mua thoải mái chọn lựa với giá hời; tâm lý mua những gì đã rõ và đặc biệt thú vị khi mua cả những gì không rõ, kinh nghiệm cho thấy chính những gì không rõ lại luôn mang lại bất ngờ - một món rất hời etc. mỗi chuyến đi là một đặc ân vì ta không biết hôm nay ta sẽ gặp món gì, nỗi kích thích khôn tả]. Phim không chỉ là một bề mặt nhạy cảm để in ảnh; nó còn, chính xác là xứ sở ghi khắc nơi nghệ thuật quá cảnh

nhân vật mở màn Hội chứng E đã đi mua các cuộn phim cũ và đúng tâm lý nhà sưu tầm, anh ta chọn chốt hạ ngay một cuộn phim không nhãn mác không tên cho cú liếc mắt chọn lựa cuối cùng. Chính cuộn phim ấy đã khiến anh ta mù tức thì trong khi đang xem, chứng mù do vỏ não, mù do loạn trí [không chỉ mù, các giác quan khác của con người cũng sẽ tức thì tắt chức năng khi gặp kích thích tố gây tâm thần; vấn đề nằm ở thần kinh; tôi từng biết một người sau thời gian dài lục đục gia đình, bỗng một trận cãi vã bùng nổ và ngay sau đó bị điếc đột ngột, thế giới vô thanh, tịnh không một âm thanh nào trong 3 tháng nằm viện rồi mới lao xao dần trở lại trong gần 7 tháng. Hay là không còn cảm thấy gì khi ăn do căng thẳng kéo dài (hay bắt gặp ở các câu chuyện của Hàn, Nhật). Thời covid, biểu hiện xâm nhập thần kinh của những người nhiễm virus chính là mất khứu giác, vị giác, giấc ngủ không đến etc.]

một mở màn quá cuốn hút, cuộn phim có gì mà người xem nó có thể dính mù do loạn trí, loạn thần kinh; người làm ra nó, đạo diễn, nhà quay phim, những diễn viên, họ như thế nào khi tạo ra sản phẩm điện ảnh này và Hội chứng E giữ thu hút già nửa dung lượng [nửa sau rơi vào kịch bản như các phim bom tấn với các nghiên cứu khoa học điên rồ thực chứng trên người, các thế lực cấp cao, dự án bí mật]. Độc giả trinh thám thích những kịch bản truyện khai thác đề tài mới lạ, và E đáp ứng chính yếu tố này [những trang cuối đậm chất bom tấn chờ phần tiếp theo], dù ngay từ đầu tôi luôn nghĩ đến một tác giả khác của trinh thám Pháp, có lẽ cùng thế hệ với Franck Thilliez, tôi nhớ mang máng tiểu sử nhưng chưa check: Maxime Chattam. Nhất là khi Hội chứng E tập trung một phần vào làm phim, phim khiêu dâm, bạo lực [rồi đất nước Ai Cập]; nó làm tôi nghĩ đến một suy nghĩ tôi vẫn nhớ như in khi đọc Lời hứa của bóng đêm [hay những vết tích trên xác người trong Máu thời gian], về ngành công nghiệp sản xuất phim khiêu dâm, tôi nghĩ, nghĩ đến bộ phim Irreversible với cảnh bạo lực đầu phim nhân vật nữ bị cưỡng hiếp, tôi từng hỏi nam giới về cảm giác khi xem chúng, họ thừa nhận một cách thẳng thắn rằng trường đoạn quay liền mạch ấy khiến bụng dưới nóng lên, một khoái cảm như vốn dĩ, vì đó là Monica Bellucci, vì nó là những cảnh quay thị dâm điển hình. Điện ảnh dùng con mắt nhìn cái ác, bạo lực trong vẻ đẹp của nó, nơi giam cầm sự chú ý của người xem, qua nó thấy bản chất mối quan hệ giữa con người với bạo lực và nghệ thuật; đồng nghĩa, mắt là nơi bắt đầu của điện ảnh

chính ở diện mạo nào, Hội chứng E thu hút tôi. Mắt là cơ quan, để nhìn - một biểu tượng, nhưng nó chỉ là công cụ, một giếng trời, võng mạc chỉ cho mượn thân thể nó, để vật chất hóa một hình ảnh vật lý giống như bất kỳ màn hình điện ảnh nào; một vật thể thụ động, một thấu kính "miếng bọt biển tầm thường tiếp nhận hình ảnh"; chính não bộ, dựa trên vốn hiểu biết, trải nghiệm đã kinh qua mới là nơi luận giải, diễn giải môi trường mà nó tiếp nhận, biến hình ảnh trở về đúng bản chất của nó: một khách thể có ý nghĩa [như bạn nhìn bìa sách tới đây của Leopardi, mắt bạn nhìn không phải chữ Nghĩ, nhưng bộ não bạn diễn giải tín hiệu mắt mang về là Nghĩ, nó thấy]. Ngắn gọn, mắt là phương tiện phi thường mang ánh sáng cho bộ não, là đường hầm giúp não bộ nhận thức về thế giới vật chất; một thực thể vật lý có thể giải phẫu theo y học và một nghệ sĩ với tư cách truyền tải hình ảnh

khai thác tác động của hình ảnh lên con người, tương lai thế nào. Mắt. Ánh sáng. Hình ảnh. Não bộ. Lây nhiễm thần kinh. Anh làm việc mệt mỏi, cuộc sống trở nên gò bó nặng nề. Anh thu mình lại sau các màn hình và nghĩ mình đang giải trí. Anh mở rộng bộ não mình cho các hình ảnh với ý nghĩ mình được xoa dịu. Đó chính là lúc anh trở thành mục tiêu hoàn hảo để người ta bơm thẳng những điều người ta muốn vào đầu anh. Một thế giới bị ngự trị bởi hình ảnh và sự kiểm soát với vô thức, không đếm xỉa gì đến lý tính; những hình ảnh được cung cấp nhằm nhắm đến phản ứng của đám đông: sự thụ động trước hình ảnh, mối quan hệ giữa người xem với hành động và câu chuyện, các xu hướng thị dâm, sự khoan dung hay cộng dồn của họ trước các ý niệm [về cái ác, bạo lực, dục vọng...] chính ở các trạm giao thoa đó, là nơi "điểm mù" ứng với góc độ sinh lý - một phần nhỏ không có tế bào cảm quang trên võng mạc; ta nhìn mà không thấy; lạc đường. Thế giới tồn tại các công cụ tinh xảo tác động đến bộ não; hình ảnh qua mắt đi thẳng vào não [âm thanh hay thứ gì đó đi qua các giác quan khác] làm biến đổi hành vi con người, giải phóng bản năng, sự hung bạo mạn rợ nguyên thủy; một sự xâm phạm ý thức trắng trợn. Hàng triệu con người, quây quần trước máy vi tính, màn hình tivi, hay dán mắt vào điện thoại di động etc. đây là cách thức hiện đại và nguy hiểm của hội chứng điên loạn tập thể: một bầy người khổng lồ bị thế giới hình ảnh kết nối vào tâm trí, như nhiễm virus. Chứng điên loạn hiện đại mà không một ai có thể thoát khỏi. Điên loạn tập thể gây tội ác

lây nhiễm lan truyền bạo lực qua đường thần kinh [các giác quan] bắt đầu từ một nhân tố kích hoạt. Hội chứng E chính là như thế. Những hình ảnh, những âm thanh kích thích mạnh tác động và làm biến đổi cấu trúc não bộ [kích thích sâu bộ não cá thể sống bằng các xung điện có công tắc tắt/bật; tác động diễn ra tức thì như dừng sững một hình ảnh bằng máy quay] của một cá thể nhất định, cá thể đó bắt đầu hành động và kéo theo sự thay đổi hành vi của một loạt các cá thể xung quanh. Nếu hội chứng E thực sự tồn tai [khả năng nhiều] thì tự do, dấu bộ não vết thời gian, tất tật cuộc sống sẽ bị chi phối bởi thuần túy hóa học, điện hay các kích thích tố dưới dạng điện cực, công tắc, thuần túy khoa học
khi ấy, Chúa ở đâu, sự hiện hữu của Chúa, những cảm xúc, linh hồn...


11.11.24

khuôn mẫu

 





năm nay đọc 2 tiểu thuyết của tác giả Mỹ hiện đại viết dựa trên những sự kiện, tài/tư liệu lịch sử. Những người nuôi giữ bồ câu, thế kỷ 1 và Người thày thuốc, thế kỷ 11. Mình thích Những người nuôi giữ bồ câu hơn dẫu cách kể chuyện cố tình lựa chọn từ nhiều điểm nhìn khác nhau nhưng đã không đem lại được cao trào [mình còn giận vì thấy tác giả lười đào sâu mở rộng sự kiện lịch sử], nhưng ít nhất điều ấy cũng rút bớt sự nhàm chán của một quyển sách dày đến ngạc nhiên. Người thày thuốc ở khổ cơ bản này là gần 1000 trang, khổ to tái bản chắc phải khoảng 600-650 trang; chỉ có một giọng kể trung tính; câu chuyện đoạn đầu làm người đọc nghĩ đến những đứa trẻ và tầng lớp của Dickens; đoạn giữa là hành trình lưu lạc từ Âu sang Á khiến người đọc nghĩ đến những câu chuyện thuộc dòng tiểu thuyết picaresque [đoạn giữa đầu làm tôi nghĩ đến Gil Blas, chỉ một chút thôi vì tính phiêu lưu học việc chữa bệnh từ bác thợ cạo, rồi biểu diễn để kiếm sống (nghe Không gia đình nhỉ), một chút vì phần nhiều còn lại khác ở thái độ kể chuyện, thấy ngay là không cùng màu; Noah Gordon quá nghiêm cẩn]; kết truyện không có gì mới. Người thày thuốc cung cấp một câu chuyện theo thời gian một chiều, người ta từ đó được trưởng thành từ một đứa trẻ số phận xô đẩy phải lưu lạc sớm, đi theo mong muốn nguyện vọng và đến được lý tưởng của mình, tất nhiên, không có bình yên nào mà không phải đánh đổi [có từ chỉ riêng cho mẫu tiểu thuyết trưởng thành kiểu này]

mà với một câu chuyện khuôn mẫu chuẩn như thế, chuẩn cả về mẫu người, thì lại không phải khẩu vị yêu thích của tôi. Đấy là cái giá phải trả khi đã quen với nhiều mẫu. Nó quá quen rồi thì phải có những yếu tố để khác đi, nếu tất tật quen hết thì còn gì cho tôi thích đây. Chính ở khía cạnh này, các câu chuyện trinh thám lên hương :)

đất thiên đường

 



không nhớ là quyển thứ mấy đọc của Michel Bussi, nhưng là quyển đầu tiên bút trinh thám của Bussi hướng đến chủ đề xã hội hơn là yếu tố điều tra phá án: câu chuyện nhập cư 


chỉ ngay vài trang đầu đã biết câu chuyện hướng đến chủ đề nào, cũng không phải chủ đề mới, chỉ là quyển đầu tiên Bussi đã hướng đến chủ đề xã hội rõ rệt hơn hẳn chiến lược văn bản trinh thám thôi, nó làm mình nhớ rất nhiều đến một quyển picture book Ngàn dặm sỏi đá [một quyển picture book đã khiến mình phải nhấn theo dõi ngay tác giả của loạt trình diễn tranh bằng sỏi/đá] mà mình từng lấy tên văn bản Eldorado [đây là bài thơ của Poe]; nên câu chuyện với mình không có plot twist gì bất ngờ như những quyển trước đấy từng đọc của Bussi


với vấn đề di cư, nhập cư, tị nạn... có một nghịch lý trắng phớ, tị nạn chính trị bao giờ cũng dễ dàng hơn tị nạn vì đói nghèo, người ta luôn nghĩ đất nước chúng tôi đủ người nghèo rồi, luôn cần giàu có hơn nữa. Đất nước được gọi là bờ sẽ dễ tiếp nhận hơn những công dân của một đất nước bất ổn chính trị, nội chiến sắc tộc, tranh chấp bất ổn giữa các phe phái...; khó khăn hơn nếu đấy là những công dân đói nghèo đến từ một vùng đất đói nghèo ["chúng tôi đủ người nghèo rồi"; chi tiết rất nhỏ về các màu dây đeo trên tay những người lên tàu bắt đầu hành trình di cư, những sợi dây ứng với giá tiền họ bỏ ra, là bằng chứng phân tầng con người, thứ hạng... ngay cả với hành trình nhập cư trái phép, ngay khi còn ở trên lãnh thổ mà họ muốn bỏ lại sau lưng; chính là cũng đang chạy khỏi đói nghèo, chất lượng cuộc sống thấp]


không một cuộc di cư - nhập cư nào không để lại vết hằn trong lịch sử, không chỉ của mỗi quốc gia; vì thiên đường ở đây, là vùng đất kẹt giữa địa ngục, luôn thế


31.10.24

nhận ra - thấy lại

 



trong không khí ngày cuối cùng của tháng 10, sờ đến Shirley Jackson [ngẫu nhiên, dù làm gì có ngẫu nhiên] - người của những lâu đài dinh thự, nghĩ đến thôi là không khí gothic phủ xuống như dinh thự Hill chẳng còn tỉnh táo, nó nuôi giữ bóng tối và, linh ma trong lòng

người ta vẫn thường không ngừng tự hỏi tại sao vùng đất này lợi sinh còn vùng đất kia quỷ ám mỗi khi nghĩ đến những vùng đất kỳ bí. Không ai biết tại sao. Chỉ có thể nói rằng, với một số vùng đất, chúng nuôi riêng những cõi linh hồn khác nhau. Từ nó mà mọi thứ hình thành và mọi điều hình thành trên nền ấy củng cố thêm sự vững chãi của đất nền chung. Dinh thự Hill cũng vậy, từ đâu nó sở hữu những nguồn năng lượng ấy. Họ nói, nó được thiết kế bởi một chủ nhân kì lạ - người hẳn phải khinh bỉ người đời với bộ công cụ đạo hạnh cũng như những ngôi nhà với các góc vuông chằn chặn hợp lý của họ; vậy nên vị chủ nhân đã xây Hill theo đúng ý bản thân ở mọi góc độ, mọi góc độ đều có vấn đề của nó; các góc độ mà mọi người tưởng là góc vuông như đã quen thấy và nghĩ thế là hoàn toàn đúng, hoàn toàn hợp lý thì thực chất ở Hill lại có khẩu độ lệch không theo hướng này thì hướng khác; sự xô này khó lòng nhận thấy, thí dụ như bề mặt bậc cầu thang người ta tin là bằng phẳng nhưng thực chất lại không, chỉ bởi con người ta chưa làm quen với ý nghĩ bề mặt bậc cầu thang không phẳng; hay tất cả các khung cửa đều hơi lệch tâm nên chúng thường tự đóng lại như không muốn ai đã từng mở ra để vào thì có thể rời đi... tất cả những xô sai ấy cộng dồn làm Hill biến dạng độc nhất

chính thế nên mái hiên của Hill đánh lừa. Qua mái hiên đi thẳng vào nhà bằng cửa trước và từ trên cửa sổ mặt tiền nhìn xuống mái hiên cứ nghĩ cửa trước nằm ngay bên dưới mái hiên nhưng thực tế từ trên cao cửa sổ nhìn xuống chỉ nhìn thấy mái hiên còn cửa trước lại ở rất xa điểm nhìn thấy mái hiên [từ đó, các căn phòng màu của Hill như những bộ phận của thực thể sống Hill]

ở đây bắt gặp một câu chuyện cũ quãng giữa thế kỷ 19, truyện ngắn Mái hiên của Melville [in mở màn trong tập Herman Melville Ngắn của Forma, ở đây Melville nghĩ đến Giấc mộng đêm hè, Hamlet, Cymbeline của Shakespeare, còn Hill của Jackson là Twelfth night - làm sao mà có thể viết câu chuyện về các tòa lâu đài, dinh thự cùng những hồn ma bóng quế nếu không nghĩ đến Shakespeare cơ chứ], mái hiên nơi hội tụ và phát xuất, giao tranh những điểm nhìn, những thế giới. Nếu ở Mái hiên của Melville người ta điển hình cho cái nhìn grass is greener on the other side [always; một bài hát tôi hay nghe lúc trẻ, nói: i believe the grass is no more greener on the other side], mọi thứ luôn đẹp và mới mẻ nếu nhìn từ hướng xa, nhìn bằng con mắt của tưởng tượng, có nhiều khi, bất chấp, mọi thứ kéo đến gần thật gần, như hiện hữu, thì mỗi cái nhìn lại thốt những lời khác nhau. "Mỗi đêm, khi màn đêm buông, sự thật đến cùng với bóng tối"

thì ở Hill, khi đêm buông, những hồn ma thể hiện linh lực của nó. Chính lúc ấy, Hill không còn tỉnh táo nữa, nó đâm sầm vào chính mình nhưng không phải qua cửa đi để đi vào nó, mái hiên trệch so với cửa, theo cái nhìn của mái hiên, nó đâm sầm vào chính mình qua vật thể khác - cũng như Eleanor, nhân vật ngay từ đầu đã được Shirley Jackson, hay là Hill chọn, với những tiếng nói luôn vang lên trong đầu, vừa rời khỏi Hill để về nhà thì đã, tức thì, đạp chân ga lao thẳng vào cái cây lớn ở khúc quanh trên lối vào nhà với suy nghĩ thông suốt sát sạt theo sau "tại sao mình lại làm thế này"

"In delay there lies no plenty"... "journeys end in lovers meeting" - hợp nhất và ở lại mãi mãi cùng Hill

24.10.24

mirror




tiểu thuyết ngắn đến ngỡ ngàng so với ngồn ngộn chi tiết mà nó phơi ra. Người đọc luôn cảm thấy nó đang cố tình dẫn mình đi lạc và chờ xem Gail Giles cho điều gì xảy ra tiếp theo, không lẽ nào lại đi viết một câu chuyện dễ đoán như thế này trong một dung lượng ngắn đến phi lý. Mấy trang cuối nhiều twist trở đi trở lại và đến khi dấu chấm hết chấm xuống khép lại câu chuyện, câu hỏi đặt ra cho mỗi người đọc một khả thể riêng, có thể nhắm mắt lại tự dàn dựng lại cho mình một câu chuyện khớp thật sự vào nhau và một trong số những câu hỏi, vẫn là điển hình cho tiểu thuyết có yếu tố ly kỳ [đây là dòng young adult]: đâu là sự thực và sự thực của tôi có giống của người khác và có đúng sự thực chiến lược tác giả nghĩ. Một cái kết không cho phép câu chuyện khép lại, như một tấm gương, cung cấp hình ảnh thật nhưng lại không thể xuyên qua [như Alice]


tôi đọc Những cô gái đã chết không bao giờ viết thư vì, một bạn khách mua sách đã quay lại lần 2 để đặt thêm sách, trong đó có quyển này; tôi không đọc tất cả sách mọi người mua, nhất là khi quyển sách này không phải tôi chọn mua, nó ở tủ nhà khác vào nhà tôi, làm sao có thể đọc hết sách mọi người mua, chẳng để làm gì, một ý nghĩ ngớ ngẩn; nhưng vì một lần chat khi bạn mua Những em bé bột của Anne Fine sau đơn hàng đầu tiên, và chúng tôi cùng nói chuyện về Trò đùa của Tulip [nó là gì đó khác hẳn của Anne Fine], tôi thấy ít người đọc Anne Fine quá nên vớ được người đọc tác giả tôi đã từng đọc hồi xưa, thì tôi sống lại quãng thời gian lúc trẻ tôi đã đọc rất khoẻ thập cẩm trong một niềm háo hức thuần tuý của đọc, không kế hoạch không dự định không nảy ra quá nhanh quá sớm đến phát mệt những cái tên những nhân vật dòng suy nghĩ quét qua đòi hỏi phải tìm đọc, hay là không bị quá sớm đoán ra câu chuyện, đoán ra rồi thì mất nhiều hứng thú đọc [giống như khi đập vào mắt giới thiệu Hotel Savoy của Joseph Roth, tự dưng tôi nghĩ sao giống nhà trọ trong lão Goriot Balzac thế, sao tôi lại nghĩ ngay đến hình ảnh anh lính xuất ngũ trong Hẹn gặp lại trên kia của Lemaitre... phải dừng ngay dừng ngay những thứ vẩn vơ đầu óc mình nảy ra (nên tôi ghét text bìa hay những gì tiết lộ nội dung quyển sách lắm, như thế với tôi đã là spoil lòi rồi)]. Tôi thấy vui vì điều đó, vì mình có thể trò chuyện về những quyển sách mà không cần biết người nói chuyện với mình là ai, như thế nào, hay tại sao lại trò chuyện... nên tôi đã đọc quyển sách mà bạn chọn trước khi chuyển nó đi



17.10.24

tiêu bản hiện thực




tất cả những gì ta nhìn thấy, chỉ là bóng đổ của hiện thực. Ảnh chụp [ảnh, phim, video...] là dấu vết và tiêu bản vật chất của một hiện thực khác tồn tại song hành với hiện thực


giờ đây người ta rất thích chụp ảnh, đặc biệt là chụp ảnh chính mình ["tự sướng" - selfie]. Mở điện thoại hoặc thư mục lưu ảnh của bạn ra đi, xem mức độ hiện thực hình ảnh chính mình chiếm tỉ lệ thế nào :)))


máu nai tình Trương Chi



sáng kia ngủ dậy thấy ông công tử gửi cho video nấu ăn của người Tàu, toàn những cá gà vịt đang sống rồi thành từng lát từng miếng từng con vào nồi. Tôi voice chat cho cậu ta bảo: tôi vừa ngủ dậy, ông cho tôi xem cái gì toàn máu me thịt thà giết chóc thế, làm tôi nghĩ đến chi tiết trong Hoang tưởng trắng [Miền hoang tưởng] của Nguyễn Xuân Khánh. Nhân vật đội trưởng ở nông trường Tây Bắc lúc nào cũng đeo súng trên vai, ông ta treo ngược một con chó còn sống lên cây, buộc mõm nó lại, hai chân trước bẻ quặt ra sau, rồi dùng dao lóc một mảng da cổ, dùng nan hoa xe đạp luồn vào vùng da cổ ấy để tìm động mạch cảnh của con vật rồi làm một đường xiên ngang để lấy tiết của nó làm tiết canh được ngon nhất [cảnh này cùng cảnh đồng đội của con trai Hưng đến nhà Hưng đưa tin báo tử, mô tả những gì quân ngụy làm với tiểu đội bị phục kích tr157, là hai cảnh ám ảnh 'đỏ']; tôi đọc xong mà đêm tôi tưởng tôi ngất xỉu trong màu máu chứ không phải giấc ngủ nhận chìm tôi, như nhân vật chính tên Tư trong truyện mơ thấy máu mỗi đêm

hoang tưởng trắng - miền hoang tưởng đỏ, nghĩ cho tới cùng thì đời người cái gì chẳng là hư tưởng. Đọc Miền hoang tưởng, tiểu thuyết mạnh về sự kiện, bối cảnh và đặc biệt là ý thức [những đoạn độc thoại hoang tưởng của Tư, những trang văn của Ngọ] tôi cứ giật mình là sao tiểu thuyết này lại không bị kiểm duyệt, thu hồi etc. cho đến dòng cuối cùng mới hay Nguyễn Xuân Khánh viết năm 1973 -1974. Tò mò tôi đi tìm hiểu, vì vốn tôi né Nguyễn Xuân Khánh - người ta cứ ra rả tiểu thuyết lịch sử; lịch sử tôi đã sợ đã ghét, lại còn tiểu thuyết lịch sử, sao trên đời lại có những văn chương phi lý như thế, cốt truyện viết lại viết dựa viết trên lịch sử ư, thật là những cốt truyện ích kỷ, nó đã định sẵn theo nghĩa nào đấy. Nên tôi tránh Nguyễn Xuân Khánh và đến giờ tôi mới biết hóa ra trước bản in hiện nay, Miền hoang tưởng đã từng xuất hiện dưới tên Hoang tưởng trắng và bị thu hồi. Ngay tại thời điểm này, tôi vẫn thấy có thể xuất bản được tiểu thuyết này, hẳn cũng hơi lạ [hóa ra "mú" là từ để chỉ công an]. Với tôi đây là văn chương nặng về câu chuyện thời cuộc, thế hệ, cũng may được viết những năm 70 thế kỷ trước, chứ văn chương này không đi xa được, ý thức dù có nhưng lại bị chặt, không mới, và theo thời gian, chúng tôi những người không biết đến chiến tranh, thời cuộc "khi ấy" chính thế lại không thấy được ý thức của người thời ấy; nó rất khác khi đọc các tác phẩm được viết bởi những người thời ấy phải di cư để được viết. Nghĩ đến hoàn cảnh Nguyễn Xuân Khánh viết Hoang tưởng trắng, tôi nghĩ đến nhân vật Ngọ trong truyện, tôi thích Ngọ hơn nhân vật chính Tư, Tư quá hộp, hộp và cứng nhắc đến nhàm

Nguyễn Xuân Khánh trong nhà tôi lại không có tiểu thuyết lịch sử nào. Quyển duy nhất hiện có trên giá là Chuyện ngõ nghèo, tôi được tặng; và gần đây, tiện ship thì hình như có một tập truyện ngắn thôi, tôi cũng không nhớ tên, mua của bạn A. khi A. còn chưa chuyển sách sang nhờ pass

ps. viết kiểu này là đọc phát biết tú viết; chứ ai đời giờ tôi đọc đâu cũng thấy giống AI chõ mõm vào

14.10.24

với cha

 


tôi là điển hình cho cái nhìn né tránh những gì văn chương làm với các mối quan hệ tình cảm đẹp theo cách đương nhiên là nó phải đẹp, hay dẫu nó có đẹp theo cách đương nhiên ấy thì với tôi cũng rất khó lay động ở tầng sâu [ở đây cách hiểu khác về, tình cảm đẹp không làm nên tác phẩm lớn, vẫn cứ đi được con đường của nó, thế mới đau]; vì cái đương nhiên ấy, không cần vời đến văn chương, con người lại còn xa lạ với nó hay sao khi đã là một con người. Tiếp tục sống một cuộc đời không thể bắt đầu lại đó là việc của một người bình thường hoàn thành các sự kiện cơ bản của phận người. Còn văn chương nghệ thuật, từ tất cả các điểm nhìn, quan sát quá trình ấy mà hun các mẫu, các mẫu này tác động lại con người đọc chúng theo cảm tri riêng

khi chọn thứ gì giải trí, hiếm khi, có thể nói là bần cùng bất đắc dĩ, tôi mới chịu để mình vào thế giới những gì nói về tình cảm, mối quan hệ của cha mẹ và con cái. Tôi dựng một tấm khiên trước thế giới ấy, nhưng không biết thế nào mà tấm khiên phản trắc ấy lại có gai lại còn quay mặt gai về phía tôi, thật đúng nòi phản trắc, đồng thời để chống để che chắn bịt lại thì nó còn có công năng đả thương tôi, không gì được cả không gì mất tất; mỗi khi một lực nhỏ tác động, dù một chút cựa rung thôi hay nện giã trái phá, gai nhọn đều khiến tôi đau đớn và tôi phải nghiến răng chấp nhận chịu đựng quan sát nó như không; tấn bi kịch nào cũng sẽ nên không, nó mất hình thái ban đầu bi kịch [dù vẫn nguyên ở đấy, thậm chí, có thể thành mê cung bi kịch], theo thời gian, Arnold Bennett Chuyện các bà vợ già đã nói lại với tôi điều ấy

Hãy về với cha, có sau Hãy chăm sóc mẹ 10 năm; trong câu chuyện vẫn xuất hiện một nhân vật tôi là cô con gái, một nhà văn. Cô nhà văn này có lần nói với cha mình rằng: công việc của con là sửa đi sửa lại những gì mình đã viết, dường như con đang lạc lối, con không còn biết con đường con vẫn luôn muốn đi, dường như con viết không phải vì con muốn viết, con viết vì kiếm sống

khi đọc được lời tâm sự này của nhân vật tôi nhà văn nói với cha cô ấy, tôi biết cô ấy nói thật. Nó giống với suy nghĩ của tôi khi đọc Hãy chăm sóc mẹ và giờ là Hãy về với cha rằng, người này viết nhưng không đặt cảm xúc của mình vào, một thứ văn chương "điêu" viết để lấy cảm xúc người đọc, không xuất phát điểm từ nhu cầu tự thân

biết điều ấy nhưng tôi vẫn thử quyển thứ 2 vì Shin Kyung Sook không phải cái tên mù mờ trên văn đàn quốc tế, thế nên phải đọc thì mới biết tránh. Tránh đầu tiên là mảng tình cảm gia đình; còn nỗi buồn trưởng thành và cô đơn giữa đô thị [mà các nhân vật của cô ấy trong 'chăm sóc mẹ' 'về với cha' được thể hiện tốt dù chiến lược văn bản tác giả không nhắm đến để đi sâu] thì nếu tiện, tôi sẽ thử tiếp, tôi không thích mình điêu, mà muốn không điêu thì phải đọc thôi

13.10.24

phi thực xanh




lâu không đọc văn học nước nhà nên phải đảo qua cho biết. Và thế là đọc hú hoạ một quyển đập vào mắt, đang sẵn trong nhà: Người bay trong gió xanh của Phạm Duy Nghĩa. Tên tập truyện [được lấy từ 2 trong số 12 truyện: Người bay, Gió xanh; tên tập truyện, tôi đã nghĩ một cái gì đẹp nhẹ như bồ công anh trong gió cơ, tôi đã nghĩ vậy] và bìa sách gợi ngay phong vị của miền núi phía Bắc [đôi lúc trong khi đọc tôi nghĩ, nghe như làng quê truyện văn học Liên Xô] và nó đúng như thế


phần lớn các truyện ngắn đều mang yếu tố kì ảo phi thực làm người ta nghĩ đến phong cách giả tưởng của các tác giả từng quen thuộc ở vn như Karel Capek, H. G. Wells... nhưng ở đây có vấn đề. Câu chuyện được đọc vì vốn nó thu hút người ta đọc, sao không để đôi bên được sống với hạnh phúc ấy của người kể chuyện và người lắng nghe câu chuyện, lại cứ cố gắng lồng vào cái kết những ý nghĩa và "bài học". Dở. Vốn tưởng với phong cách kể chuyện kì ảo thì tư duy văn học mạnh về ý tưởng, thoát khỏi những vết chân quen con đường cũ, cuối cùng lại giẫm y chân mình vào trong những vết chân cũ đến mòn [đúng, văn chương có yếu tố giải trí bên cạnh 'giáo dục' nhưng để đưa vào như không thì đấy là việc của tác giả văn chương]


tập truyện yếu rõ nhất ở các truyện giữa tập, nó không phải hài hước [hài hước thì khó, nếu đúng hài hước] mà là cợt nhả [cợt nhả lúc nào cũng rẻ; cái hồi rất lâu rồi khi những gì cuối cùng tôi đọc của NVH khiến tôi nghĩ 'rẻ vật vã' và đấy là lúc tôi nhận ra (biết lại) rẻ thì kinh dị thế nào] Mở đầu và cuối thì tạm. Tôi thấy khá nhất là Gió xanh và Con dê xanh trên núi tuyết [nên tôi chọn cái tên 'phi thực xanh' cho văn bản này đây; cứ tưởng truyện Khí lạ, có thể gỡ gạc]; có thể chọn thêm Thành phố biến mất dù truyện này phong cách viết làm tôi nghĩ đến hồi 20 - 25 năm trước tôi đọc HAT, NVH etc.; truyện gây tò mò cho tôi là Sài thục, tò mò vì không biết củ này có thực không hay Phạm Duy Nghĩa tạo ra, hay, nó là một loại củ truyền thuyết của vùng núi phía Bắc [nghe cái tên 'sài thục' tôi nghĩ đến 'chài ngải']


10.10.24

ai điếu




Mảnh đất cuối cùng nơi người cha nằm lại, là tự truyện của Nakamoto Teruo dựa trên cứ liệu lịch sử đi tìm lại hình bóng hài cốt người cha đã hy sinh ngoài khơi Việt Nam - cũng là một chiến trường trong chiến tranh Thái Bình Dương. Thi thoảng, ở thời bình, khi đọc những quyển sách dưới dạng tự truyện, tiểu thuyết bán tự truyện... ta hay bắt gặp cái nhìn từ điểm nhìn của những người dân phe gây chiến/xâm lược, ở đây là Nakamoto Teruo "từ điểm nhìn những người nông dân chịu đau khổ vì chiến tranh, nỗi khổ của người dân Việt Nam và gia đình tôi chắc chắn nối liền với nhau. Sự thực là Nhật Bản đã gây ra cuộc chiến tranh đó, đã đưa nỗi khổ của chúng tôi về hai phía "kẻ xâm hại" và "người bị hại" mà thôi"


đọc Mảnh đất cuối cùng nơi người cha nằm lại, hoàn cảnh gia đình tác giả làm tôi nhớ đến bộ phim hoạt hình Nhật Bản mà tôi không dám xem lại Mộ đom đóm. Và việc tế vong linh người cha cùng những người khác trên tàu [119 vong linh] nằm lại ngoài khơi biển Quảng Ngãi làm tôi nghĩ đến Cây đàn Miến Điện của Takeyama Michio - cũng chính tiểu thuyết này đã khiến Nakamoto Teruo nghĩ về việc "lễ tế vong linh" trở nên một việc thiết thực, nó không chỉ chuyển tải ý nghĩ đến những linh hồn không thể trở về quê hương dù chỉ trở về trong tro cốt như cha ông, mà nó là một việc thiết thực 


Mo Hayder trị liệu




khoảng 15 năm trước đọc Ác quỷ Nam Kinh [Tokyo] tôi nghĩ Mo Hayder phải từng sống ở Nhật thì mới viết một tiểu thuyết trần trụi, bạo tàn với cách viết bàng quan như thế này được


rồi gần như khi tôi đã quên Mo Hayder thì Điểu nhân xuất hiện. Lúc này mới biết Điểu nhân là tác phẩm đầu tay của Mo Hayder [trong 3 quyển xuất bản ở vn tính đến lúc này thì hoá ra Ác quỷ Nam Kinh được viết sau cùng, bảo sao chắc tay viết hơn hẳn, chắc nhưng không chặt, chắc và có biên độ co kéo tốt]; đúng tác phẩm đầu tay và không mạnh về logic suy luận nên bằng con mắt của người đọc trinh thám thông thường, sẽ thấy viết 1/3 đầu non tay, dựng nhân vật điều tra phá án không có nét sắc sảo tinh quái; chính thế nên rất nhiều đầu mối, kết quả xét nghiệm... đã bị thanh tra Jack Caffery bỏ qua, làm thành lỗ hổng; chỉ có tính chất bạo tàn, trần trụi, hắc xì là Mo Hayder đã cho thấy ngay từ đầu, bà ấy có ngay từ đầu với tác phẩm đầu tay. Khi đọc, một cảm giác rất gần về con người nhà văn và thế giới những nhân vật nữ trong truyện, đặc biệt là nữ chính sẽ còn xuất hiện ở các phần sau của series; điều này mang đến nỗi tò mò bỏ ngỏ về Mo Hayder


rồi bẵng đi vài năm, gần đây cầm Quỷ lùn [The Treatment], phần ngay sau Điểu nhân, cùng series về thanh tra Jack Caffery trên tay; mở tay gấp thấy bên cạnh năm sinh của Mo Hayder thì có mốc thời gian nữa; hơi giật mình vì trong trí nhớ 15 năm trước, khi tôi mới hai mấy tuổi thôi, tôi nhớ thông tin mình ghim trong đầu là Mo Hayder khoảng tuổi 40 - như tuổi tôi hiện nay. Nhưng thời gian mà. Vậy nên khi tìm kiếm hình ảnh của Mo Hayder, khi gương mặt bà ấy hiện lên, nó giống với hình dung của tôi về nhân vật nữ chính tôi luôn hình dung đó là một Mo Hayder bên ngoài mở cửa bước vào tiểu thuyết do Mo Hayder viết ra. Quỷ lùn viết tốt hơn Điểu nhân rất nhiều, trinh thám kinh dị của Mo Hayder không mạnh về phá án, không mạnh về hành động; nhưng nó giáng những đòn khủng khiếp vào thế giới nơi người ta có thể nghĩ về cái ác, cái méo mó dị hợm tâm lý con người... anh chịu chìm sâu cắm rễ cỡ nào. Tôi gọi noir fiction, hardboiled. Mo Hayder ở cả 3 quyển tôi đã đọc, đều rất mạnh 1/3 cuối truyện, dồn mọi thứ lên cao trào xoắn vặn và chưa từng ngưng các nút siết cho đến khi khép lại trang cuối trả mọi thứ về hình ảnh bụi tro lặng xuống sau thất tung mọi thứ trong cuồng nộ giận dữ


tôi vẫn giữ ý nghĩ, Mo Hayder có thể viết như thế vì bà đã từng ở Nhật Bản, đã từng ở thế giới mập mù ánh đèn khói của bar tụ điểm ngầm, đã từng đi rất nhiều nơi với rất nhiều công việc ngay khi còn trẻ 15-16 tuổi bỏ học và rời bỏ gia đình. Đêm hôm kia, ngay khi mới đi được 100 trang đầu Quỷ  lùn, tôi nghĩ mình cần dừng lại, tôi tắt đèn và nằm trong đêm không gạt được hình ảnh đứa bé trong truyện; khóc, không ngủ được. Rồi tự nhẩm thần chú, đó là thế giới thực trong tiểu thuyết, thế giới thực đang là đây có tàn khốc và xoắn vặn nhưng thực tại mình đang ở đây, đang ở đây, đang ở đây, đang lúc này, ngủ đi tú; tôi nghiêng người ngủ vì biết giấc ngủ đang đến và sực thấy khi nghiêng sang trái, nước mắt vẫn đọng và trôi; tôi thương mình bị thế giới của Mo Hayder bày ra cho và trót nhìn vào. Hôm qua khi kết thúc Quỷ lùn, tôi nhắn cho cậu bạn fb, người mà sắp tới sẽ nhận cả Điểu nhân và Quỷ lùn rằng: "Em... chị nghĩ hay em đừng nhận 2 quyển của Mo Hayder nữa, chị không gửi nữa, nó bạo tàn ám ảnh, em vốn không thích nghi được mấy thứ dị hợm, chị thương chị đọc nó, chị thương em quá, chị không muốn gửi nó cho em... chị thương em" 


những thế giới hắc phát bệnh của Natsuo Kirino, Ryu Murakami và Mo Hayder. Họ không thương xót độc giả và, chính mình. Thế giới thực méo mó dị hợm

'lũ cừu đứng bên phải Chúa, còn lũ dê sang trái, cừu được lên thiên đường còn dê phải xuống địa ngục... Chúa nói con dê có sọc là để nhìn vào mắt người khác - người tốt và trong sạch, để rồi thấy hình ảnh của chính nó đang nhìn lại. Hãy nghĩ về điều đó' - tôi nghĩ về nó khi giấc ngủ nhận chìm 


3.10.24

going solo




cuối cùng thì những gì đọng lại trong tôi về Roald Dahl lại không phải các truyện thiếu nhi tôi đọc hồi xưa, mà là quyển tự truyện Going solo - Bay đơn


tự truyện chia làm 2 phần

phần đầu, ngắn thôi, mở đầu với hải trình của Dahl từ Anh tới châu Phi với những người cùng chuyến tàu gốc Anh có tính cách cực lập dị [người Anh nhìn người Anh còn thấy lập dị :)], sau đó là quãng thời gian chưa nhập quân đội, trước khi nổ ra chiến tranh. Dahl ở châu Phi với những câu chuyện về học tiếng Bantu, những người bản xứ cùng các pha thấy rắn độc và cách người ta khống chế nó; và, vụ hay nhất là về một con sư tử cắp một người phụ nữ bản địa trong hàm, tí thì chạy đi mất mà về sau người ta không thể lý giải được tại sao con sư tử ấy lại mò đến chỗ ở của những người thổ dân trong khi họ không liên quan gì đến lũ con của sư tử [vì họ vốn tin rằng sư tử chỉ chủ động tấn công con người khi con người chạm đến con của chúng; hôm trước đọc Arnold Bennett có vụ voi trong lễ hội không nghe lời quản tượng, tấn công người và sau bị bắn hạ (người ta xẻ thịt nó trước khi nó được chuyển đi như thể thịt của nó thuộc về xứ này); còn con sư tử trong Bay đơn thì may quá, nghe tiếng súng nó thả người phụ nữ ra và phóng chân đi, người phụ nữ ngồi dậy sau cả quãng bị sư tử cắp, không hề hấn chút nào (hay nó cần cô ta giúp đỡ gì nhỉ)]


cuối phần này là khi tin tức cuộc chiến bắt đầu, và ngay cả những người Đức lúc này đang ở châu Phi cũng bị khống chế, dồn lại như tù nhân chiến tranh. Người Đức nói chúng tôi chỉ là dân thường, nếu các anh còn cản, chúng tôi sẽ nổ súng và Dahl có lẽ đã ăn đạn ngay ở pha này, nhưng ngay khi chỉ vừa nói dứt với người đàn ông Đức rằng, chúng tôi nhận được lệnh phải giam giữ các ông [cả phụ nữ và trẻ em] như tù nhân chiến tranh vì các ông dẫu là dân thường nhưng ngay khi rời khỏi đây sẽ đi sang thuộc địa ở Bồ Đào Nha rồi tìm cách trở về Đức và ra nhập quân đội Đức để chiến đấu với chúng tôi; chỉ ngay khi giải thích xong thì một tiếng súng vang lên và người đàn ông Đức đang chĩa súng vào ngực Dahl ở khoảng cách gần đã lĩnh một viên đạn giữa trán; thây của người đàn ông Đức được chằng đằng trước xe chở nhóm người Đức đưa về nơi giam giữ tập trung


phần sau dung lượng dài là giai đoạn trong không quân. Với chiều cao của mình đáng Dahl phải lái máy bay ném bom nhưng không hiểu sao lại được giao nhiệm vụ lái máy bay chiến đấu. Sau khoảng 1 tháng huấn luyện thì Dahl được bay đơn, 2 tháng thì lái lộn nhào, xoay vòng và bay ngửa, 6 tháng đào tạo cơ bản chiến đấu nhưng ở tự truyện Going solo này có một chi tiết hay là ở một truyện của Dahl được tạp chí của Mỹ mua và đăng, biên tập viên của họ đã sửa chi tiết Dahl bị thương thành bị thương khi đang lái máy bay chiến đấu [vì truyện thời chiến người ta thích những câu chuyện chiến đấu kịch tính]. Thực chất là, chuyến bay đó Dahl bay để nhập đoàn tập kết và do nhận sai chỉ thị đường bay, kế hoạch tiếp nhiên liệu nên máy bay hết nhiên liệu gặp trục trặc, nó cắm đầu ở sa mạc và bốc cháy, Dahl văng ra ngoài bị chấn thương sọ não, nát mũi, cả quân Anh và Ý đều nhìn thấy máy bay của Dahl bốc cháy nhưng quân Ý nhìn rõ đó là máy bay phía Anh nên đã không quan tâm, chắc mẩm chỉ còn xác máy bay và phi công cháy đen, còn phía Anh thì cử một nhóm ở tiền đồn gần đấy đi và nhờ đó Dahl được cứu sống, nằm viện 5-6 tháng với cái mũi được phẫu thuật thẩm mỹ lại hơi khoằm và cũng gần như đủ từng đó tháng sống với ý nghĩ mình sẽ không còn nhìn thấy lại được nữa. Sau đó Dahl được chỉ thị giải ngũ vì không đủ sức khoẻ nhưng Dahl nhất định muốn được bay tiếp. Vậy là quá trình lái máy bay chiến đấu bắt đầu, Dahl nói người Ý ném bom rất tệ, tuy nhiên người Đức thì không thể xem nhẹ nên ở chính chuyến bay chiến đấu đầu tiên nhờ may mắn mà Dahl không bị bắn hạ, và bắn hạ chiếc máy bay chiến đấu đầu tiên của Đức. Sau khoảng 2 tháng lái máy bay chiến đấu thì xuất hiện các vấn đề về sức khoẻ và Dahl buộc phải xuất ngũ. Xuyên suốt tự truyện này là các lá thư Dahl viết cho mẹ, cuối tự truyện là chương Dahl trở về nhà, đoạn gọi điện về nhà chỉ để nói đang đợi chuyến tàu sớm nhất để về với mẹ và các em gái - họ buộc phải rời nhà ở Liverpool đến vùng nông thôn ở Buckinghamshire, là một đoạn đặc biệt cảm động ở tự truyện này 


ps. khi đọc tự truyện này, tôi nhớ đến Romain Gary



1.10.24

ordinary people




quyển sách mỏng này ngay từ những dòng đầu tiên đã gây một cảm giác kỳ lạ và càng đọc, không khí ấy càng tiếp tục dồn ứ cho đến cảnh cuối cùng ngồi ở ghế công viên; dẫu nếu là một người đọc linh tính hơn là người đọc mặt chữ [hôm trước nhìn bìa một quyển sách sắp xuất bản, liếc mắt bằng cảm quan tôi nghĩ tên sách là Nghĩ, nhưng khi cảm quan qua đi, logic của tôi luận không ra chữ Nghĩ, dù tên sách là Nghĩ; bản năng linh tính cảm năng... nó quý làm sao] thì chỉ ngay đến đoạn nhân vật "tôi" - cô gái mặc áo khoác len vàng, miêu tả Cô gái mặc váy tím giống với người chị gái của mình, giống với người bạn tiểu học, bạn học cấp hai, hay là giống với cô thu ngân siêu thị etc. thì sẽ nhận ra ngay câu chuyện tác giả Imamura Natsuko nhắm đến. Đây là một câu chuyện có ý tưởng, cách truyền tải nỗi cô đơn, bản thể, nỗi loay hoay đến bất lực và tình thế lưỡng nan của con người mong muốn được sống thật sống đúng với bản thân mình trong xã hội "chẳng phải mọi người đều như thế sao". Chính cách truyền tải không tầm thường này mà tôi đã tò mò về tác giả, sinh năm 1980, từng giành một số giải thưởng văn học ở Nhật, trong đó có giải Yukio Mishima - không trách cách cô ấy mượn văn chương để truyền tải ý tưởng của mình lại kỳ lạ như vậy [giải thưởng này thường được trao cho những gương mặt có khả năng mở ra tương lai mới cho văn học Nhật, thiên về các thử nghiệm, phong cách viết chứ không chính thống như giải Akutagawa, dù chính tác giả Imamura Natsuko cũng giành giải Akutagawa 8 năm sau khi giành giải Yukio Mishima]


quyển sách chỉ có 158 trang nhưng dày bất thường; cái text bìa sau đã phá bạc, vô tình đọc phải chỉ muốn cầm cái gì nhằng nhằng nhằng làm biến mất các con chữ đi, tự nhiên thấy biết chữ lắm lúc đẩy mình vào nhục nhã. Text bìa luôn làm ảnh hưởng đến tính toàn vẹn ngây thơ của mỗi người đọc khi cầm bất kỳ quyển sách lạ nào trên tay chuẩn bị bước vào thế giới khác, sống những cuộc đời khác. Một câu tôi rất ghét của bọn trẻ con khi hỏi về một quyển sách "nó nói về gì ạ", những lúc ấy tôi bấm bụng để không thổ ra câu "người không xứng với sách, biến" 


30.9.24

Beatrix Potter

cuối cùng cũng có 

hôm qua pass cả sách của mình cả của các bạn gửi mới được 1560k thì mình đã đi vợt sách hết 920k 2 nơi rồi. Đây là đơn sách mình tự mua thích nhất từ đầu năm tới giờ, coi như tự tặng mình tháng 10 tới đi 🙂 


khởi nguồn là 10-11 năm trước chị Thuỷ Mèo Béo Mượt ở lớp vẽ tặng mình 1 quyển tập 17 trong bộ của Beatrix Potter; mình thích quá lâu lâu lại mang ra nhẹ nhàng mở đọc nhìn ngắm vuốt ve; cũng 10-11 năm ấy quyển sách luôn được để ở ngăn ngang tầm mắt mình trên giá sách, giữ đúng khoảng vị trí ấy dẫu ngăn ấy đã đi qua 2-3 bận thanh lọc và xếp lại, dù là thiếu nhi hay văn học triết học hay tiểu luận phê bình thì tập sách nhỏ the pie and the patty pan vẫn ở đấy. Sáng hôm qua cầm điện thoại bỗng đập vào mắt một ảnh nhiều quyển series này được xếp ngay ngắn, và theo caption có ghi thì đủ 23 tập thiếu box. Mình nghĩ chắc trượt rồi vì thấy có 2 bình luận; nhưng vẫn tò mò không biết ai đã mua, liệu mình có thể xin mua lại được không; hoá ra bình luận nhưng chưa chốt đơn; thế tức là series này đợi mình rồi. Và giờ mình sẽ để trên giường dài dài, tới khi thoả rồi thì mới tính chỗ xếp sau; mình không giống mọi người vì luyến ái mà không dám mở ra đọc hay dùng đồ vật, mình cần chúng và mình giao thoa năng lượng và số phận giao lấn vào nhau; không phải ý nghĩa tồn tại của mọi thứ là cùng nhau biết được thời gian trôi qua trong hệ quy chiếu vạn vật đổi dời hay sao 


và sáng nay, dù bạn qua nhà chơi mấy tiếng tạm biệt trước khi đi du học, đầu óc tú vẫn ở trên tầng 5 nơi có gói sách vuông vắn chưa kịp bóc thì bạn gọi điện "bác ơi bác xuống tiếp em đi, cầm cho em visa xuống bác nhớ, bác nhanh lên bác ơi em đợi bác". Vừa rồi ngồi mân mê bộ sách, vẫn còn phì cười con người mình lạnh nhạt, tha thiết bộ sách hơn cả bạn bè trước mắt 1-2 năm xa cách 🤦🏻‍♀️ [dù cũng đang bị giai giận đấy, nhưng con người vốn trâu bò nhơn nhơn vậy thì biết sao bây giờ]