29.6.24

khí tiết con người

 



Phan Thanh Giản: trả ơn vua, đền nợ nước


là người sợ đọc lịch sử mà giờ đây tôi phải đọc cho bằng hết những gì rước về nhà với ý nghĩ "lúc ấy" - tức lúc mua: cứ mua đi rồi sẽ đọc mà; và đúng là tôi đang "phải" đọc đây, quyển sách ở trong nhà 9 năm 


thái độ của các cụ nho sĩ và trí thức Việt Nam xưa đáng nể: trả ơn vua, đền nợ nước; những con người thanh cao đạm cốt: hơn 70 tuổi vẫn đau đáu việc nước, sứ mạng không thi hành được, mất lòng tin vào sự tốt đẹp của một nền văn minh hào nhoáng... nghĩ tấm thân mấy phen bị giáng, bị cách, bầm giập nhiều, đến lúc tuổi về chiều, lại phải mượn cái chết để xử cho tròn nghĩa vụ, mong làm sáng lại lòng người bị lợi dục làm mờ tối; trọn 17 ngày tuyệt thực ngồi đọc sách không chết, bèn dùng thuốc độc tự giết cho sớm lìa [uống á phiện vào canh ba đêm]. Sau cái chết của cha, 2 người con của Phan Thanh Giản là Phan Thanh Tòng [Phan Liêm] và Phan Thanh Tôn [Phan Thiên] gióng trống chiêu quân, trương cờ khởi nghĩa trong vùng Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc nhưng việc lớn không thành; 2 con của Phan Thanh Giản đều tử trận ở Giồng Gạch


những khí chất ai ai cũng phải nghiêng mình ❤️🙏🏻

Quagmire

 




Đầm lầy của David Biggs - nhà nghiên cứu lịch sử môi trường, là một đề tài hay. Một quyển sách chuyên khảo về lịch sử môi trường đồng bằng sông Cửu Long [ĐBSCL] - một vùng sông nước và vựa lúa lớn nhất của VN từ xưa tới nay [nhà văn Sơn Nam cũng có mấy đầu sách về chủ đề liên quan]; không chỉ kể câu chuyện về con người thích ứng và cộng sinh với môi trường sông nước từ đế chế Khmer cho đến hiện đại mà còn cho thấy chính vì không hiểu rõ về lịch sử vùng sông nước này mà người Pháp, sau đó là người Mỹ đã thất bại trong ý đồ của mình, ngay cả người Việt cũng đã có bài học đắt giá rằng phải thích ứng, hiểu về môi trường này thay vì chinh phục, biến đổi môi sinh theo ý muốn [cùng cồn cát dos d'âne - điểm giáp nước giữa dòng chảy và thuỷ triều, nhưng mỗi cách hiểu cũng đã nói lên sự khác biệt trong nhìn nhận và đối diện cùng một hiện tượng tự nhiên: lưng lừa - điểm chết - điểm gặp nhau (giáp nước)]. Gắn môi trường với lịch sử hình thành nó, hay chính xác là lịch sử khẩn hoang vùng ĐBSCL với nhiều đợt di dân đóng vai trò chủ đạo phát triển vùng sông nước từ người Khmer, Việt, Pháp, Mỹ mang đến một cái nhìn toàn diện, chi tiết về lịch sử cảnh quan, thiên nhiên và con người từ thời tiền thuộc địa, Pháp thuộc, chiến tranh Việt Pháp, VNCH với sự tham gia của Mỹ và cho đến tận ngày nay. Một quyển sách nhiều thông tin, phân tích giúp hiểu rõ hơn về một vùng địa lý, môi trường, từ đó có bài học về cách tương tác giữa con người và môi sinh, cùng các hệ quả của chính sách tư duy trong phát triển, trong tác động thay đổi cảnh quan mà ngày nay vẫn còn giá trị trên một vùng địa lý đặc biệt: không vùng đất nền 


bài học từ cổ xưa cho thấy thiên nhiên sẽ tự cân bằng và những nỗ lực thay đổi sẽ gây hậu quả không tiên đoán được. Thích ứng với môi trường, thuận theo nó nên là tư duy chủ đạo ở vùng ĐBSCL, sống với lũ thay vì chống lũ, để dòng chảy được tự nhiên thay vì thay đổi dòng chảy, lập đê ngăn mặn hay xẻ đê dẫn nước mặn vào chuyển thành nuôi trồng thuỷ hải sản..., chưa kể đến những thay đổi lớn từ bên ngoài như các đập thuỷ điện tại các quốc gia nằm ở thượng nguồn dòng Mekong làm thay đổi dòng chảy và phù sa, biến đổi khí hậu kéo theo mực nước biển dâng cao... những kịch bản nhìn thấy trước sẽ đe doạ cuộc sống và an ninh vùng ĐBSCL 


đây là một quyển sách thuộc những gì tôi ngại đọc, vì nó gắn với lịch sử nên tôi ngầy ngật cả tuần; mỗi ngày đọc một ít thì thấy hay hơn đọc liền, lâu lâu đọc, xem sơ đồ - không ảnh, tiến trình biến đổi cảnh quan, nạo vét sông, tạo kênh rạch đường đi... thì mới nhìn rõ tác động của bàn tay con người đã làm thay đổi cảnh quan thế nào. Nếu nó xuất bản trước chuyến đi miền Tây 7 ngày của tôi mùa hè 2019 thì tốt cho tôi, có lẽ tôi đã đọc nó sớm để đỡ sợ nhà thờ hồi giáo An Giang hay các nhà nguyện giáo phái Hoà Hảo gặp rất nhiều trên đường đi... nếu có lúc nào xuyên Việt, đi lòng vòng miền Tây 7-10 ngày lần nữa, có lẽ lúc ấy tôi cũng sẽ phải sờ đến nhà văn Sơn Nam, một nhà văn lúc nào tôi cũng tìm cách tránh. Cuối Đầm Lầy có một bài viết của chuyên viên khoa học Nguyễn Đức Hiệp hệ thống nội dung David Biggs trình bày cùng việc chỉ ra những điểm còn cần bổ sung và xem xét thông tin, đây là bài viết hỗ trợ cho việc đọc Đầm lầy. Những quyển sách chuyên khảo nên gắn Index, chú thích dưới mỗi trang vẫn chú thích như thường, nhưng cuối sách nên gắn Index để tiện tra cứu khi nhìn lại cả quyển sách các từ khoá có giá trị với mỗi người đọc khi tiếp cận và nhìn vào trọng tâm vấn đề họ nhắm tới



28.6.24

thư viện

 



tôi luôn thích truyện ngắn của Haruki hơn tiểu thuyết, những tiểu thuyết nhỏ/ngắn hơn những quyển đồ sộ, quyển lớn thích nhất có lẽ là Kafka bên bờ biển, hơn là Biên niên ký chim vặn dây cót; còn trong tất tật Haruki tôi từng đọc, thích nhất lại là Ngầm, chính ở Ngầm hiện thực, tôi được Haruki tiết lộ con đường đi và nhớ mê cung kỳ ảo ông dựng nên. Trong mê cung, cái khó chính là việc nếu không đi đến tận cùng thì sẽ không thể biết con đường mình đã đi là đúng hay sai, là dẫn ra hay đi vào cùng lộ; và khi đến cùng lộ, nhận ra sai thì cũng là lúc mọi sự đã muộn; một nan đề mê cung rất hay 


hôm qua đọc Thư viện kỳ lạ, đây là một truyện ngắn thôi, vẫn là đi xuống tầng hầm lòng đất, vẫn là Người Cừu, cô gái xinh đẹp... những chi tiết hay lặp lại, nhưng được mở ra từ một thư viện và điểm cùng là một phòng giam để đọc sách; nghĩ mình nhớ là nó in chót ở tập truyện ngắn nào đó của Haruki rồi, tập đó cũng có truyện gì Cừu Cừu [sáng nay bắc ghế đi tìm, ngay phát đầu trúng luôn, Ngày đẹp trời để xem Kangaroo]. Giờ đây truyện ngắn được in thành một quyển sách mỏng như picture book, minh hoạ bởi hoạ sĩ tự do Đức Kat Menschik - nữ hoạ sĩ thường minh hoạ cho các tác phẩm của Haruki ở thị trường sách Đức 


Bruce Lowery




quyển sách vào nhà 7 năm trước, mua trong một buổi chiều nóng chảy người ở hội sách cũ Văn Miếu; lúc mua tôi không biết tác giả thế nào, mở bên trong sách dòng chữ "mẹ mua cho các con 2/9/2001", một người gần như không được người thân trong gia đình mua sách cho như tôi, nhìn thấy thế đã mua luôn không nghĩ ngợi gì


về sau biết Bruce Lowery là người Mỹ, sau đó sang Pháp học cử nhân văn chương, báo chí; sáng tác đầu tay là Vết sẹo được viết bằng tiếng Pháp [bản Vết sẹo tiếng Việt được dịch từ tiếng Pháp - La Cicatrice], sau đó đã dịch nó về tiếng Anh Mỹ: The Scar, để xuất bản ở Mỹ; trong sự nghiệp B. Lowery có một chi tiết tôi chú ý, ông viết tiểu luận phê bình: Marcel Proust và Henry James: một cuộc chạm trán/đối đầu [Marcel Proust et Henry James: une confrontation], tôi thích đọc các tiểu luận phê bình đặt các nhà văn cạnh nhau trong đối sánh, với tác phẩm như thế, nó tạo một niềm hứng khởi lớn, ta phải đọc và đọc lại đủ nhiều, nhìn lâu hơn những nhân vật là đối tượng của phê bình 


tôi đọc nó vào khoảng này 6 năm trước, có lẽ sẽ gả đi Nha Trang 

27.6.24

xổ mơ

 




đọc Tạ Duy Anh từ lúc 19 tuổi, tới khoảng 28 tuổi thì ngừng và đặc biệt là không đặc biệt thích tiểu thuyết hay truyện ngắn nào [dù Tạ Duy Anh ảnh hưởng Dostoievski, Kafka], mà lại thích tập Những giấc mơ của tôi, nó gần sự thật. Chính vì thích tập Những giấc mơ của tôi, mà sau đó Tao Đàn làm lại, tiếp tục mua, nhưng mãi sáng nay mới đọc tập Tao Đàn làm; đã sửa các lỗi typo in ấn xưa, và có thêm các giấc mơ gặp Yếu Nhân [có thể đó là cảm hứng viết Mối Chúa, Đất mồ côi], Hậu những giấc mơ của tôi và phụ lục II. Mọi người gọi tập này là tản văn, tôi không biết gọi là gì, tôi chỉ đơn thuần nghĩ nó là tập ghi chép các giấc mơ của tác giả, chính ở tập này có cái nhìn thêm về những tiểu thuyết, truyện ngắn của Tạ Duy Anh, về các nhân vật của ông cổ quái, hư thực... đều phát xuất từ những người, sự việc ông gặp trong mơ. Nói điều này có lẽ sẽ nhiều người không hiểu nổi và cũng rất nhiều người hiểu nếu thường xuyên ngủ mơ và giấc mơ có tính tiên tri, hay thực tại tái hiện giấc mơ [tôi từng mơ những người phụ nữ dân tộc dùng nước và chổi quét thứ nước bẩn trên đường tôi đi, mơ trong cơn sốt và tỉnh dậy người khoẻ như đã trục thuỷ thành công; hay có thể nhìn một hạt sạn cơ thể đang bị mắc kẹt chẳng hạn...]


gần đây tôi có kể chuyện một người nam giới vào giới thiệu tên và năm sinh 197x, địa chỉ Long Biên, HN; rất rõ ràng, rồi hỏi thuê/mượn/mua quyển Những con chim hồng hộc của tôi, cốt sao có sách đọc... biết người đó ở Long Biên như giới thiệu, tôi ngỏ ý sẽ gửi sách họ mượn, vì khi vào fb họ tôi thấy họ người bên bộ môn năng lượng sinh học, khai thác ứng dụng tiềm năng con người... những bộ môn này thiên về tâm linh [không hề thiếu khoa học] hơn là tôn giáo, tôi có cảm tình với nhóm người bộ môn này, vừa có cảm tình và vừa ác cảm với những cá nhân lậm, đánh tráo. Rồi khi có sự hứng thú với các bài viết của anh ấy, tôi kéo xuống dưới đọc tiếp, vô tình thế nào đập vào mắt một ảnh chụp nhoè, tôi lướt qua rồi dừng, kéo trở lại màn hình, tôi nghĩ hình như Tạ Duy Anh; và kéo trở lên đọc caption thì đúng Tạ Duy Anh; một người hay mơ và giấc mơ ở mức xổ mơ tiên tri như thế, việc xuất hiện cùng một người bộ môn năng lượng sinh học, không khiến tôi mảy may ngạc nhiên


10 quyển Tạ Duy Anh tôi gả muộn, có lẽ cùng thành phố; 1 quyển Luân hồi đã gả Saigon mấy tháng trước; 1 quyển nữa Tạ Duy Anh làm chủ biên tập hợp tuyển chọn các bài viết của cán bộ công nhân viên Thuỷ điện Sông Đà [tên là Những gì đấy, tôi quên rồi, chỉ nhớ khổ cơ bản, bìa cứng, màu đỏ mận pha đỏ cam; có tập này vì Tạ Duy Anh là cán bộ giám sát chất lượng bê tông của nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình] tôi đã gả sang quán của Xù 2 năm trước. Khi nhìn lại mọi thứ qua các quyển sách mình đã đọc, chúng là dòng thời gian của tôi; quả thực tôi đã là một độc giả không chuyên nhưng chuyên cần, nếu chuyên thì chuyên cần là định mệnh rồi, nhưng có vẻ rất nhiều người né định mệnh

26.6.24

thư nhàn

 




cùng tác giả viết Ba gã cùng thuyền [chưa kể con chó] nên đọc các bài viết thấy nhàn rỗi lắm, y chang truyện ba gã kia cùng con chó du hành sông Thames với lý do chính đáng không để đâu cho hết: đi để thư giãn



25.6.24

thờ ơ thơ

 



2 tập thơ đọc gần đây, trong đó Lịch mùa đọc 2 lần vì hình ảnh thơ đẹp. Giống như tiểu thuyết hay truyện ngắn, chỉ cần đặt được tên là mọi sự coi như xong; thơ cũng vậy, một tập thơ đặt cho nó cái tên đúng là nó, thì coi như đã xong, một dấu câu vào thừa thôi là hỏng kiểu 


khi đọc Lịch mùa mình chỉ biết hình như nhà thơ là người đi tu, và vừa đọc vừa tiếc vì thơ thế này lại đi tu đạo tràng hay gắn với tập thể tu học tôn giáo làm gì; tâm hồn tự do, cái nhìn cảm năng và sáng như thế mà bị bao bằng các bộ công cụ của tập thể [tôn giáo] thì thật là lạ, thật là tiếc. Sau đó mới hay, hình như tác giả đã không còn tu học hay gắn bó với chủng viện nào; tôi cũng chưa đọc thêm gì của Pháp Hoan, ngoài thi thoảng một bài thơ dịch nào đó đi lạc vào mắt khi lướt fb


tập Hải đảo trở lại [tôi tự bỏ dấu phẩy đấy] ban đầu đã cho tôi hứng khởi bởi tên tập thơ, nhưng đọc thơ rồi tôi mới thấy nó đúng cảm giác khi mình thấy thừa dấu phẩy ở tên "Hải đảo, trở lại". Vừa rồi nói chuyện với một người bạn fb, hiểu điều bạn nói: "giờ có tuổi rồi nên tin vô cảm giác của mình"; tôi nói mình cũng vậy, chỉ biết nói cảm giác là thích, là không thích, là có cảm tình hay cảm thấy bất an... Thơ [văn chương] cũng vậy, thích là thích, là cảm, không nói lý lẽ suy xét :)


20.6.24

khi chẳng ai biết làm gì




bạn nào thích đọc truyện thiếu nhi truyện loài vật thì kiếm bộ này của Toon Tellegen - tác giả Hà Lan nhé. Bộ này thấy ở tay gấp, Kim Đồng giới thiệu có 4 quyển, không biết giờ đã ra thêm chưa [vì các câu chuyện này tác giả đã rủ rỉ kể chúng để ru con gái ngủ, trước khi quyết định viết lại xuất bản thành sách nên khả năng sẽ nhiều], còn mình thì mua được 2 thôi trong một mùa hè nào đấy 5 năm trước dịp Kim Đồng làm 1 quầy sách 1/6 ngoài vỉa hè [vỉa hè phố nào đấy cũng quên rồi, chỉ nhớ có kỉ niệm là khi mình lên grab đi mua sách, ông don juan vẫn dặn là tú đi tới đây tới kia thì nhớ rẽ không nhầm đường, vì ông í biết mình ba ngơ, còn mình thì cứ buồn cười vì mình ngồi grab mà, kiểu gì cũng tới nơi]


đọc truyện thấy tràn ngập bánh ngọt bánh kem và nỗi nhớ nhung da diết của các loài với đồ ngọt, thì trẻ con nào chả thích kẹo thích đường thích ngọt [ra là ông tác giả rất thích ăn bánh ngọt và cô hoạ sĩ minh hoạ thì không những thích ăn, lại còn thích làm bánh] và những câu thoại đúng thoại của bọn con Nếp 3 tuổi 5 tuổi luôn. Chúng đúng và đơn giản chân thành đáng yêu như bầu trời xanh ngát mùa hè. Phải là người lớn hồn nhiên thế nào mới tìm được đúng cái cảm của một đứa trẻ để viết những câu chuyện thế này chứ chụt chụt chụt 😘 *em iêu Kim Đồng*


2 quyển truyện nhi đồng thối tai này đã ở nhà tôi 5 năm, tôi mua chúng tất nhiên vì thích và sẽ đọc chúng như bao truyện thiếu nhi tôi đã đọc và yêu thích; nhưng quá nhiều sách và tôi luôn trì hoãn sờ đến với ý nghĩ "một lúc nào đấy mình sẽ đọc, còn giờ thì mình sẽ đọc ông a bà b kiệt tác c thú vui trinh thám d etc." thế rồi hôm qua có người hỏi đến 1 trong 2 quyển và tôi đã nhận gả 1, nên tôi đã đọc chúng ngay hôm nay trước khi gả đi và nghĩ, mình phải đi tìm hiểu xem 2 quyển còn lại đã xuất bản chưa, 2 hay nhiều hơn 2 và mua chúng về đọc tiếp :)


19.6.24

lưu trữ




hôm kia mình đọc một câu thế này, Bruno Schulz viết về Xác Thực của bản văn trong Quyển Sách: nó mở ra trong khi được đọc, các đường biên của nó mở rộng với tất tật mọi dòng chảy và biến động



không biết L. trong lời đề tặng quyển sách trong ảnh đã đọc nó chưa, nhưng tú đã đọc rồi. Vì không có điều kiện đi ngắm trực tiếp nên tú đọc địa lý, sơ sử, văn hoá, kiến trúc, đồ vật, ảnh tượng... Tây Tạng để hiểu mỹ thuật của họ mà lần nào vô tình nhìn thấy tú cũng thấy bất an [có lẽ với tú hơi cổ quái và dữ dằn (như tượng đồng thau Yab Yum chẳng hạn, hic, hay các pháp khí/tự khí đồ dùng nghi lễ) như M. ngày xưa lúc ở Thái nói rằng anh nhìn tượng ở chùa anh thấy bất an dù giáo lý nhà Phật đầy đủ rộng lớn (M. tin Chúa)]. Các từ gọi tên của họ khó nhớ quá, trước giờ tú biết mỗi Mandala, chorten [2 từ này âm nghe hay nhỉ] với tranh treo tường tangka


qua nói chuyện với bạn fb, bạn bảo đại ý, giờ mọi thứ tiến nhanh quá nên nhu cầu thâu nạp kiến thức của bạn cũng phải chạy với tốc độ cao hơn, 1 năm trôi qua mà thấy như thế giới tiến với tốc độ 10 năm, chính vì phải nạp nhiều nạp nhanh [có lúc bạn đọc 20 quyển sách có thể không cùng chủ đề/điểm đồng thời với nhau do đủ mọi nguồn tác động đến nên tò mò và ham thích mà đọc] nên không nhớ được nhiều, sách mua nhiều mà toàn sách hay không đọc thì hoài mà đọc thì tốc độ không nhanh được nên có nhiều quyển sách xuất bản lâu rồi không còn hợp thời thế là ngại đọc 


mình thì vẫn ý nghĩ như xưa giờ thôi, đời mình để đọc những câu chuyện hay [chắc các kiếp trước mình thích xem kịch, đi lang thang nghe tục hay lệ lạ văn hoá dân gian truyền miệng lắm nên dần lậm đọc các câu chuyện văn học trong sách] nên nếu không đọc chúng, sách mua về không được đọc thì mình thấy uổng đời mình sống; còn cái gì cần tìm hiểu, quan tâm thì mình sẽ phải tìm hiểu quan tâm thực hành thôi, chứ không mang tính thâu nạp kiến thức; ngay cả các sách về y học, khoa học kỹ thuật cũng vậy, cần biết thì đọc, ứng dụng đâu thì ứng dụng, biết là biết thôi, chứ trữ được bao nhiêu, lưu được bao lâu thì mình kệ; đến những kỉ niệm thân thương nhất, cũng ít nhiều bị quên đi hoặc không còn được chính xác rõ nét như ta mong muốn hay sao, ta lo lắng nó mờ đi hay không thì nó vẫn đi con đường của nó; thậm chí mình nghĩ, nếu già mà có dấu hiệu quên nhớ lú lẫn thì ra đi sớm có lẽ là cách để bảo toàn những kỉ niệm thân thương, mình phải đón nó sớm để mình được mang những gì thân thương theo trong rõ nét minh mẫn


ps. quyển sách này đã chốt tặng cho ai, đã có nơi có chốn :)

18.6.24

hạnh ngộ




Hạnh ngộ trong bóng tối là quyển thứ 5 đọc của Otsuichi. Một câu chuyện được kể hay nhất với tôi trong 5 quyển đã đọc, tâm lý nhân vật cùng chiều tiến của câu chuyện, cách kể đan xen đổi chỗ 2 cái nhìn: một của người mù luôn là bóng tối và một của người buộc phải chọn bóng tối để ẩn thân... đều được viết tốt, nhất là 2/3 đầu truyện. Văn học Nhật - Hàn hiện đại, về ý tưởng và tư duy văn học luôn khiến tôi gật gù dù là một câu chuyện đời thường được kể hay một vụ án mạng hay thế giới liêu trai; ở Hạnh ngộ trong bóng tối là ý tưởng một tình huống hoàn toàn có thể xảy ra trong đời thực, gắn nó với một vụ án mạng cũng không lắt léo âm mưu gì, những thứ con người sẽ bị thôi thúc làm ngay làm luôn lúc này trong đời sống hiện đại Nhật nhiều áp lực: nghi phạm của vụ án mạng đẩy người vào đoàn tàu đang chạy, ẩn thân trong ngôi nhà của cô gái mù sống một mình gần hiện trường vụ án - tình huống dễ thấy và không thể đơn giản hơn nhưng lại thường không được khai thác dưới góc độ một câu chuyện văn học


người đọc bị hút vào câu chuyện một phần vì nó được kể, tâm lý nhân vật viết vừa khẩu vị chung. Một phần người đọc đang đối mặt với tò mò: chắc chắn tác giả sẽ cho một cái kết xứng đáng với những con người tốt đẹp này, nhưng bằng cách nào mới được chứ. Chính ở đây tham vọng cú twist làm hở câu chuyện về mặt logic; tôi băn khoăn không biết bản thảo

này của Otsuichi có được đọc lại [thường những tác giả hiện đại ăn khách ngoài người thân hoặc người mà tác giả nhắm đến để gửi gắm câu chuyện, còn có đội ngũ phía sau đọc bản thảo góp ý, thậm chí người của nxb], có đúng người đọc bản thảo tinh không. Ở cao trào mở thắt nút câu chuyện, câu chuyện đi về thời điểm đầu của dòng thời gian, tức trước và ngay sau án mạng, nhân vật nam chính là người đủ sắc sảo để biết tìm một nơi quan sát hiện trường án mạng, biết nơi đó là ngôi nhà của một cô gái mù - cô gái mà anh từng nhìn thấy suốt thời gian mỗi sáng đi tàu đi làm: cô đều mở cửa sổ đó, đều đứng ở đó, và một ngày cô mặc y phục lễ tang đứng đó gọi mẹ mẹ ơi hướng về nơi đoàn tàu lăn bánh, rồi một người phụ nữ cũng lên cùng khoang tàu với anh mặc y phục lễ tang cả chuyến đi cố ý không ngảnh mặt về hướng cửa sổ có cô gái đang gọi mẹ mẹ ơi; anh ta cũng biết lâu lâu cô gái mù được một người bạn dẫn đi ra ngoài, và nghe họ nói chuyện anh biết cô sống một mình vì thế nên đã chọn ẩn thân trong ngôi nhà đó; nhưng cũng chính anh ta khi vào ngôi nhà này sau án mạng lại tỏ ra bỡ ngỡ tò mò sao cô gái mù này lại sống một mình, gia đình cô đâu, ảnh trong nhà là cô hồi nhỏ chụp với người đàn ông có lẽ là bố cô thì chuyện gì xảy ra với ông ấy rồi sao cô lại sống một mình... ai đó cũng hoàn toàn đồng thời có thể bẻ lại tôi những lỗ hổng của một độc giả trinh thám chỉ ra về logic, nhưng ở đây có tồn tại lỗ hổng do twist viết nhanh 1/3 cuối [phải tạo hiệu ứng đối sánh với 2/3 đầu thôi, về kỹ thuật và dụng ý là thế] không hoàn toàn khớp với logic suy luận của nhân vật ở 1/3 đầu. Thế mới nói khi Poe tạo ra thể loại trinh thám thì đồng thời cũng tạo ra một type độc giả đặc biệt mang tên độc giả trinh thám, độc giả là sản phẩm sáng tạo của nhà văn [cái này Borges cũng từng nói thì phải], như hôm qua tôi hay tin Poe không nghiện thuốc phiện và không thể xem là nghiện rượu vì đó là người có thể nói không uống được rượu, tửu lượng lẹt đẹt [trong khi tôi đọc và nhớ là Poe nghiện rượu, thuốc phiện và có lạm dụng thuốc], Poe nghiện thuốc phiện là sáng tạo của Baudelaire 


câu chuyện hạnh ngộ này dành cho những người có xu hướng chọn và yêu thích cuộc sống một mình, sự cô độc có thể tự mình nhận biết, hay không còn nhận ra mình cô độc nữa rồi. Có người yêu thích một mình trong bóng tối vì hoàn cảnh đưa đến và họ chỉ còn biết chấp nhận; với tôi chấp nhận dễ hơn không chấp nhận, người bệnh yếu đuối lẹt đẹt như tôi thấy phản kháng mới khó [cứ phải rồ lên làm gì cho mệt, mọi chuyện muốn ra sao thì ra chẳng phải thế cho nhàn hay sao], chấp nhận thì dễ dàng với tôi hơn nhiều dẫu tôi cũng biết một nửa ngoài kia cả đời này phấn đấu để chấp nhận nhưng không làm sao để không phản kháng để không rồ lên [họ hay bị cuốn vào mê cung của buông với buông bỏ]. Cũng có người một mình cô độc, vui vẻ và giản đơn, đã như thế, hiện tại và sau này cũng vẫn thế; người khác nhìn vào chắc sẽ không sao hiểu nổi cách sống ấy, thậm chí nghĩ rằng thật đáng thương [thang hạnh phúc mỗi người quá chênh lệch] nhưng đời này có những người chỉ có thể sống thoải mái nếu được như thế mà thôi, một hạnh phúc giản dị, gọn ghẽ, nhẹ nhõm


hôm trước nói chuyện với một bạn fb, môi trường làm việc của bạn gắn với Nhật nhiều; suốt bao năm làm bạn fb luôn cảm nhận bạn ấy 1 mình nên cứ tưởng bạn con 1, hoá ra nhà đông anh em; gần đây bạn cởi mở hơn, sẽ bày tỏ là mình vui vì cuối tuần đọc được một tin nhắn một cái còm hay cuối tuần có thể trò chuyện online với ai đó... khi ngồi nói chuyện, cả tôi và bạn đều nói, thích ở một mình [với tôi có lẽ vì cảm thấy mệt mỏi nên có xu hướng muốn được yên thân], đồng thời tôi cảm tôi ở một mình là bình thường không nói chuyện với bất cứ ai cũng bình thường, nói chuyện với ai cũng bình thường [trực tiếp có thể còn khiến tôi căng thẳng nhẹ, dạ dày sẽ hơi cắn] vì tôi có thế giới phong phú trong sách của tôi [tôi nằm ngủ còn rực rỡ nữa], còn bạn thì sẽ vui khi có ai đó nói chuyện. Tại thời điểm, ngay trong cuộc nói chuyện, tôi nghĩ lý tưởng với những người như tôi là: sống cùng ai đó như một couple trong một không gian, có thể nhận biết sự hiện diện của người ta trong tương quan với mình nhưng mình và người ta ở một trạng thái vờ như giữ khoảng cách, thân thiết như thịt da của nhau nhưng giữ khoảng cách độc lập không phụ thuộc nhau; thật dã man khi lý tưởng về một trạng thái sống cũng là bộ môn khó như chịu tra tấn lưu đày, vì để được ở trạng thái ấy, 2 người hay tập thể nhỏ, phải cực hiểu nhau, có kinh nghiệm cảm xúc của mình của đối phương [mà muốn có kinh nghiệm thì phải từng trải nghiệm thôi] đồng thời phải chịu được nhau ở trạng thái ấy một cách thoải mái


hạnh ngộ - gặp nhau đôi tâm hồn được nghỉ ngơi





17.6.24

Poe






tạm kết thúc một vệt đọc Poe lần này, đây là tất cả Poe tôi có trong nhà, trong đợt đọc này tôi đọc các bản dịch những gì được dịch ở vn và ngoại văn những gì sẵn trong nhà; sau, đọc online ngoại văn cũng hơi nhiều vì trang eapoe.org dễ dùng nên cứ thấy là tôi đọc [tôi cũng lạc vào các trang của nhiều trường đh, vì Poe được chọn làm đề tài nghiên cứu, các forum nữa, thấy độc giả phương Tây đọc Poe nhiều, không chỉ mảng văn xuôi được biết đến và được đọc nhiều như kinh dị, trinh thám hay một vài bài thơ nổi tiếng]


địa chỉ eapoe.org cung cấp gần như đủ hết liên quan đến Poe; đây là địa chỉ lưu trữ trực tuyến về Poe của Baltimore - Baltimore cũng là nơi Poe qua đời, một cái chết ngang ngửa với những câu chuyện Poe viết và đến giờ điều gì xảy ra ai biết [sau khi chết, mộ của Poe bị quật lên mấy lần, nếu tôi nhớ không nhầm]


Poe sống vỏn vẹn 40 năm một cuộc đời như bị trục xuất, lưu đày - đó là định mệnh; một người hiểu rằng mình bị kết án chung thân sẽ phải nói chuyện với con quạ, sẽ suốt đời đặt cho nó những câu hỏi mà đã biết trước câu trả lời của nó chỉ khẳng định một điều duy nhất: nevermore. Thế giới của Poe là vũ trụ sợ hãi, một đảo cô đơn mà ở đó mỗi người hoạt động cần mẫn liên tục với tai ác, thổi cho than củi cháy đỏ giàn thiêu, tất cả đều như hưng phấn lạnh lùng, một sự say mê của chuốc thuốc; Poe giống nạn nhân của ảo ảnh và ám ảnh, có thể do rượu, cắn thuốc đi cùng rối loạn tâm thần, cái kích thích của người có cồn trong máu làm tăng cảm xúc, cho phép Poe đi sâu vào thế giới ẩn kín sau hiện tượng, Poe luôn cảm thấy đau khổ vì các chứng của mình [như trong Con mèo đen, Truyện rặng núi lởm chởm, Sự sụp đổ của Nhà Usher] nhưng ít chống đối bằng cách sẽ không uống nữa hay không cắn thuốc nữa


vũ trụ ấy thù nghịch, bị tàn phá bởi một kẻ tai ác. Poe hẳn phải tự hào bởi đầu óc khoa học minh mẫn của mình, một sự thông thái đã luôn giúp Poe gắng gượng tỉnh để phát giác là vũ trụ ấy đang cầm tù, bao trùm, chôn chặt, lôi kéo để rồi đổ ngã gần phút chót, như Vực thẳm và Con lắc, vị tướng Pháp phóng thích tù nhân bị thẩm tra đúng lúc kẻ tử tù sắp rơi xuống vực thẳm. Thế giới của Poe là thoát ra khỏi mình rồi lại giao lại cho mình, ta là tù nhân trong pháo đài của ta, chính vào lúc tưởng như được cứu vớt thì cái chết cận kề. Poe gia tăng hình ảnh đảo ngược đầy bi kịch, như ông hoàng Prospero trong The Masque of the Red Death tự cô lập mình "cứ để mặc thế giới bên ngoài tự lo", ở trong dinh thự mênh mông "họ quyết tâm nội bất xuất, ngoại bất nhập, không để lọt những cơn tuyệt vọng từ bên ngoài hoặc cơn cuồng loạn bất thần từ bên trong" trong dinh thự có tất cả cách tiêu khiển "ngoài kia chỉ có Cái Chết Đỏ" nhưng lâu đài của Prospero rốt cuộc lại trở thành nhà xác, nơi chứa người chết, dẫu ban đầu nó được dựng để trốn lánh cái chết; hay như Oinos trong Shadow - A Parable, căn phòng lý tưởng của Oinos khép mình cùng bạn bè bê tha trong rượu một cuộc thoát ly dài hạn, cuối cùng lại thành nơi ngay sát xác chết là những giọng nói thân quen của hàng nghìn người âm ti gọi vời... tức là tất cả những nơi chốn ma mị ấy cũng như lâu đài của Poe, đều sụp đổ như Nhà Usher - sụp đổ trong hình ảnh của chính nó nhễu trong hồ nước tù của hào bao quanh - một thứ nước nặng "hồ nước sâu hoắm và tù hãm dưới chân tôi lặng lẽ kéo làn nước đục ngầm nhấn chìm hết những tàn tích của Nhà Usher"; hình ảnh Nhà Usher lung linh sụp đổ trong nước hồ như Poe choáng váng trong những ám ảnh, và sự nhận chìm đó là tự thân nhận chìm, nước kia là tấm gương hoàn hảo, Poe như Narcisse bị quyến rũ bởi cái bóng của mình trong nước mà ngã gục [Baudelaire có một câu hình như, ý là: Tôi là gương tai hoạ], cực hình đao phủ chính mình lại là sự sáng bóng của tấm gương, tự mình nhìn thấy mình, tự ngã xuống và nhìn thấy sự rơi rụng của chính mình hoà với sự quyến rũ sinh lú lẫn; cái đền đài ám ảnh, là bài thơ chen trong truyện, là chủ đề của đền đài chìm ngập, đền đài xưa tráng lệ hùng vĩ mà nay điêu tàn lấp lánh ánh hồng nơi quỷ sứ đi về, rất gần với sự sụp đổ của Poe. Đền đài ấy chính là tự thân của Poe, nỗi sợ hãi ấy cũng là nỗi sợ tự thân, hình ảnh bị bao vây trong hồ nước xung quanh, nghĩa là nhận chìm hình ảnh mình trong phản ảnh của nước


vũ trụ của Poe không phải là sân khấu, cũng không phải thế giới thực hay siêu thực, chỉ đơn giản trong kích thước tâm lý; Poe không làm ta phải tin vào thế giới thực này nhưng khiến ta chia sẻ trạng thái tinh thần của con người đã đánh mất sự chuyên tâm; nó không phải ảo ảnh nhưng lại tạo ra sự lây lan một thứ bệnh thần kinh: sự sợ hãi; sự độc thoại nội tâm nhân vật chứ không có ma quỷ kỳ dị gì, đôi khi chỉ là chi tiết rất nhỏ thình lình gây ra sự chú ý: một đốm trắng trên mình con mèo đen, một màng mờ đục trong con mắt xanh loà của người già, tiếng cười khúc khích của người phụ nữ - đối tượng trở thành ám ảnh vô hình, chỉ hơi tách biệt ra là mất ngay sự nhìn nhận thông thường; tức là thay vì thả một người đọc bình thường vào một vũ trụ âu lo thì Poe thả một cá nhân đầy sợ hãi vào một vũ trụ bình thường


tội ác và sự trừng phạt với Poe là hai mặt đồng nhất mang sức mạnh tự thân, trương ra để trả thế giới về bình thường. Poe không chấp nhận con quỷ Poe đó [một cách bảo thủ và đạo đức], Poe sợ cái tai ác của mình mà vì nó tâm hồn, trí óc thành xấu xa, nó huỷ hoại, Poe sợ hãi đến thế chính là nỗi sợ điên khùng, đồng thời là nỗi sợ bị kết án. Sự tai ác với Poe là con đường khủng khiếp của kết án, là kẻ bị quỷ ám; những nhân vật bị một lực thúc đẩy gây tội ác như trong Con mèo đen, The imp of the perverse, Trái tim kể tội và nỗi ám ảnh dẫn các nhân vật đến tự tố cáo mình, giao mình cho đao phủ. Niềm hy vọng duy nhất của sự khủng bố, kết án là cái chết - sợ hãi và khát khao được nhìn thấy trong hầu hết các truyện của Poe, đều là những sổ hộ tịch sợ hãi tử thần, nhưng ở đây Poe đẩy lui ham muốn một cái chết bình thường, nó thành cái chết không bình thường, không yên ổn, những trạng thái trung gian, hay cái chết rút lui, sự âu lo quá đa nghi và tỉnh táo của Poe hiểu rằng hầm mộ không êm ái, thiên đường chỉ là một mục từ trong cuộc du hành và cái chết là một giai đoạn du hành kỳ bí mà thôi, đó là sống trong cái chết của những kẻ bị chôn sống - khâm liệm quá sớm [Vụ chôn sống], cái chết trong sự sống của những thi thể nguyên hình bị thôi miên [Sự thật về vụ việc ông Valdemar], sống trong ý thức của một cơ thể như chết của chứng bắt thế - cơ thể không biết rõ nó thuộc về thế giới nào, về cái gì, cái chết của ngủ lịm [chứng catalepsy trong Usher và Vụ chôn sống]; người sống già và thi thể trẻ không hiểu gì về lãnh địa của mình, luôn lầm lẫn cửa ngõ, một nỗi lo âu nhập nhằng chết chóc; ngay đó ta còn bắt gặp những truyện phá vỡ cơ thể [Loss of breath, Người bị cắt xẻo (The man that was used up)] tránh khỏi cực hình ở thế giới này và đầu thai vào địa ngục thiên đường nào không hay biết, biết đâu kẻ lưu đày biệt xứ sẽ bùng nở loài Ác hoa... 

tất tật đó là ý thức của Poe


Poe sợ cái tai quái của mình như sợ thế giới cùng chuyển động song trùng lăn bánh, nên Poe phong toả thế giới và bắt đầu lẩn trốn con người kép: tụ hội như các ông hoàng, cô lập như kẻ tử tù, chọn giữa cái chết bị xé nát bởi thế giới hay là được tự khâm liệm mình [Buổi giả trang của Cái Chết Đỏ, Shadow - A Parable, Vực thẳm và Con lắc...]. Lâu đài - dinh thự - tháp ngà, tầng hầm - hầm giam kín - hầm tàu - hầm mộ - quan tài, xoáy nước - vực sâu, khinh khí cầu bay lên các vùng trời ít sự sống - rặng núi lởm chởm, bức tường ngăn dưới tầng hầm... ở trong các truyện của Poe là hình thức tầng tầng của cùng một ám ảnh vừa muốn thoát ra vừa muốn quay trở vào, để khâm liệm sớm những sợ hãi trong nỗ lực đào thoát khỏi người kép: sự hút vào lõm cùng của xoáy [như Maelstrom nuốt chửng]. Muốn là gì khác để tự rời bỏ nhưng sợ hãi thế giới lại lôi kéo cưỡng bách trở về với bản thể. Thế là Poe tự đặt bày và rình rập như một kẻ đi săn, kẻ tìm kiếm trong hy vọng rằng có một sự biến đổi; các câu truyện của Poe là sự đi lại hai chiều từ cái sợ bản thể bên trong đến cái sợ thế giới bên ngoài, một căn phòng vắng bặt tiếng bước chân, nơi tụ họp bít kín, chỉ có một lối thoát là tấm gương trên tường để nhìn lấy bóng mình một thành hai như William Wilson, Usher - tự tìm kiếm tự chối từ, tự quyến rũ tự sợ hãi, tự kiểm soát tự tàn phá huỷ hoại mình lặp đi lặp lại trong sững sờ kỳ dị, hai đối lực song song như một, dấu ấn ghi lại như một cơn lốc xoáy chuyển động như tên tử tội trong phòng giam Vực thẳm và Con lắc, người thuỷ thủ tập luyện trong A descent into the Maelstrom... mà mỗi vòng xoáy xua nó đến gần hố thẳm của nội tâm, nó là con quỷ tai ác; trong cơn choáng váng nội tâm, Poe nhìn thấy sự cám dỗ của địa ngục, lòng kiêu hãnh đẩy ông đến đó trong khi nỗi lo sợ tội lỗi thực tại giữ ông lại


Dostoievski ảnh hưởng Poe [cả 2 đều làm tôi nghĩ đến lửa, lửa không thể tường rồi bùng lên huỷ hoại tái tạo]: cái ác không bao giờ là cái đẹp, đọc bao giờ cũng thấy ấn tượng của ảnh địa ngục nhưng là sự giằng giật thoát khỏi cảnh ấy, câu truyện không phải để mô tả cái ác cái xấu mà để giải thoát khỏi chúng; tức là có mỹ học về cái ác cái xấu nhưng ngược lại, có mỹ học sáng rạng của cái đẹp; chính vì lẽ đó đọc Poe như bị vây quanh bởi ảo ảnh [như truyện Sphinx - Con bướm sư tử], dễ bị choá mắt bởi những tiết lộ rùng rợn, kinh hãi, rạn nứt, sụp đổ sắp xảy ra... tức là Poe tung hoả mù song rất cảnh giác thận trọng; người đọc bị đánh lạc hướng và bị trộ; đó là một cách kiêu hãnh của Poe để tự thú: bị bao vây trong tuyệt vọng. Dostoievski giống Poe, muốn đóng đinh, khẳng định sự hiện hữu của Thượng Đế hơn là muốn Thượng Đế cứu vớt họ vì nỗi âu lo ở đây không phải sợ rơi địa ngục mà nỗi lo của người biết mình có nhu cầu nhận thức gì để được hiện hữu rồi tìm kiếm mãi một đối tượng để mình chăm chú vào đó nhưng đâu đâu cũng chỉ một màu trắng xoá trống không 'không phải sợ nhìn những vật khủng khiếp mà là nỗi sợ của ý nghĩ không thấy gì cả'. Khi ý thức chạm trán với hư vô và cố gắng để tạo nên sự hiện hữu mà không có kết quả thì sẽ thấy vô cùng sung sướng được giao phó vai trò đó cho Thượng Đế, bằng bất cứ giá nào. Poe thích sự lưu đày và hư vô, nếu được chọn, và định mệnh đã đáp ứng [Baudelaire làm người ta nghĩ đến một thứ ác hoa còn Poe văn xuôi tạo cảm giác về thứ quả không bao giờ chín, dẫu cả 2 trình bày sự sáng tạo của một thế giới sợ hãi), Poe thơ thì là thứ thơ độc giả không thể tham dự mà chỉ có thể cảm, một loại hộp nhạc tinh vi]


độc giả khi nhìn vào thế giới Poe là phải đi và đến với sự thận trọng từ con người đến tác phẩm, rồi vẽ song song hai đối diện Poe. Mồ côi, ông thành con nuôi rồi cuối cùng không được thừa nhận; quân ngũ là một nghề nghiệp nhưng bị bỏ bê; lang thang tìm một nơi yên ổn nhưng cũng lại rời đi, viết văn thì có tạp chí, thậm chí đã vững chỗ đứng nhưng rồi không đến đâu. Poe được mô tả là người ăn mặc chỉnh tề ngay cả khi lang thang [trừ ngày người ta tìm thấy Poe trước mê sảng và mất], y phục thường toàn màu đen, tính khí thất thường nhưng là một người trầm lắng, suy nghĩ mạch lạc sáng sủa. Ngay đến vinh quang sáng chói của Poe ở Pháp [do Baudelaire, Mallarme, Valery; chính nhờ thế, Poe được khám phá lại trong thế kỷ 20] cũng là quân bình cho sự ghẻ lạnh ông ở Mỹ trong thế kỷ 19. Tác phẩm của Poe cũng như y phục, chỉ là mặt nạ chỉ là trình diện buổi giả trang, trá hình như một cảm giác thẩm mỹ và nhu cầu đào thoát, giống như những lâu đài ông tạo ra cho độc giả của mình là những tháp ngà đồ sộ nơi ông tự quan bế giấu mình chống lại sự sợ hãi đến tuyệt vọng và bầu không khí lo âu quái gở. Nếu Poe có thể mò đến được đáy hố thẳm thì nỗi sợ hãi sẽ chấm dứt nhưng sự sợ hãi gây choáng váng và đòi hỏi đợi chờ, nghĩa là nó trống không đáy và không có gì nên không bao giờ chấm dứt. Truyện của Poe kinh hoàng khác hẳn các tác giả khác vì nó không cụ thể là sợ gì, mà nó là cái sợ hư huyễn, sợ một cách thuần tuý, sự khủng bố lớn lao thành nỗi khiếp sợ, như lời Usher nói "thực ra, tôi chẳng sợ gì nguy hiểm, ngoại trừ tác động tuyệt đối của nó - đó là nỗi sợ. Trong trạng thái suy nhược - trong trạng thái khốn khổ này - tôi e rằng chẳng mấy chốc nữa, tôi sẽ phải từ bỏ cả cuộc sống và lý trí, để vật lộn với bóng ma ghê gớm là sự sợ hãi." Sự sợ hãi nếu nó căng thẳng đến chết thì cũng là sự thích thú tối cao, khai mở một thái cực khác của tâm hồn; tại đó nó sửa soạn cho nhận thức tinh thần mà người ta hằng đợi chờ: vừa huỷ diệt vừa nhận ra và tái tạo


trong một bức thư gửi mẹ vợ - người cô, Maria Clemm [Baudelaire đề tặng Maria Clemm trong bản dịch Poe sang tiếng Pháp, không phải tất cả, nhưng không phải ít], Poe viết đại ý: lúc nào mẹ nhận được thư này, hãy đến ngay với con, chúng ta có thể cùng nhau chết, lý luận với con lúc này thật vô ích, con phải chết mà thôi, con không muốn sống nữa khi đã hoàn thành Eureka, con không thể hoàn thành tác phẩm nào khác hơn nữa. Eureka là sự choáng váng của thiên thể bị chìm nghỉm trong trong vũ trụ, thế giới phải trở về với Thượng Đế bằng cách trục xuất, hay bản năng phải được mất đi và chỉ có Thượng Đế là tồn tại trọn vẹn, độc nhất và đầy đủ. Poe hẳn muốn nhảy xuyên qua cửa sổ như Hop-Frog, hay qua gương như William Wilson, hoặc bay lên với khinh khí cầu của Hans Pfaall và nếu có thể chọn lựa, thì chiếc tàu của Arthur Gordon Pym hướng về cực Bắc một màu trắng, màu của trống không hư vô, là màu của thực tại đã được loại bỏ các lớp giả trang - đó là con người đích thực. Những tiếng cuối cùng Poe nói là tên Reynolds, hướng vào tường và nói mê sảng với những con người hư ảo và tưởng tượng; Reynolds là người có thật, biên tập viên báo chí, giảng viên, nhà thám hiểm, nhà văn, có thể Poe gọi tên Reynolds như người thày, người biết tất cả các cơn lốc vũ trụ hay các hố thẳm trái đất [ảnh hưởng để Poe viết Arthur Gordon Pym, Reynolds xuất hiện ở nửa sau truyện Pym, và còn có Mocha Dick gây ảnh hưởng cho Melville Moby Dick] mà ở đó Poe sẽ bước chân dấn vào như đoạn kết của Nhật ký trong chai "tuyệt đối không một ai có thể hiểu được nỗi kinh hoàng của các giác quan tôi; nhưng một cảm giác tò mò muốn khám phá bí ẩn của vùng biển đáng sợ này đã lấn át cả nỗi tuyệt vọng và giúp tôi chấp nhận được cả khía cạnh khủng khiếp nhất của cái chết. Rõ ràng chúng tôi đang lao về một phía kiến thức thú vị nào đó - một bí mật không bao giờ được truyền đạt, mà lĩnh hội nó đồng nghĩa với tử vong [...] lớp băng đột nhiên nứt toác ra cả bên phải lẫn bên trái, và chúng tôi xoay tít theo những vòng tròn đồng tâm mênh mông, quanh miệng một khán đài khổng lồ, và các thành của nó sâu hun hút xuống, chìm trong bóng tối. Nhưng tôi không còn nhiều thời gian để suy ngẫm về số phận của mình nữa! Vòng quay đang hẹp lại rất nhanh - chúng tôi đang lao thẳng vào xoáy nước - và giữa những tiếng gầm thét, gào rú của biển và bão tố, con tàu run rẩy, Chúa ơi! rồi... chìm nghỉm."


ở địa chỉ đọc online trên, đã chia rất rõ ràng, đó là một cách ghi biên mục có hệ thống và hợp lý:

1. Poe thơ [Poe thơ tôi đã ghi lại những gì cần ghi ở post tên Poe thơ để tiện lúc nào sờ lại tôi còn biết sờ đâu]


2. Poe truyện, ở đây gộp cả truyện ngắn và tiểu thuyết. Ở Poe, rõ nhất là ý tưởng coi văn học [cả văn xuôi và thơ] như một sự kiện tư duy và ghi nhận suy luận; nên ngoài những lúc Poe để tưởng tượng của mình chạy đi xa [dù tưởng tượng hay kỳ ảo thì nguồn gốc cũng từ trí tuệ] thì luôn thấy Poe viết quá tỉnh quá nhà khoa học [tôi chưa từng đánh giá thấp mảng trinh thám của Poe]. Hiện truyện ngắn thì tôi đi cũng được tương đối, tiểu thuyết thì mới được The Narrative of Arthur Gordon Pym of Nantucket [(Arthur - Edgar, Gordon - Allan, Pym - Poe, tên thôi mà cũng âm thơ); đây là tiểu thuyết của nỗi sợ và ám ảnh trắng, màu trắng bão lốc như lời nguyền; còn Poe lúc nào cũng làm tôi nghĩ đến đen, trong khi Borges tin rằng Poe thích màu trắng, như Melville "the whiteness of the whale" trong Moby Dick hay lại white trong White Jacket; Gordon Pym này tôi thích nửa đầu hơn, sau khi chỉ còn 2 người sống sót và lên tàu mới rồi ăn thịt một con vật to màu trắng, người bộ lạc, rồi lại 3 người lên một cái thuyền đến vùng nước nóng về sau là tôi không thích rồi, đọc mãi mới hết, trong khi nửa đầu cái đoạn rút thăm xem ai phải trết để cống hiến thịt cho 3 người còn lại, nghĩ tởn (như Melville "the whiteness of the whale" trong Moby Dick hay lại white trong White Jacket); nhưng chẳng phải Poe đã chọn con quạ màu đen nổi nhất ở đâu, chính là ở nền bức tượng màu trắng; cho nên tôi không chỉ ghi nhận Borges mà tôi còn gần như khẳng định Poe là đen-trắng]. Mảng văn xuôi tôi chia Poe thành 6 Poe, tất nhiên không thể rõ ranh giới được vì Poe là hành trình tiếp giáp giấc mơ-thực tại dính liền với ảo/ám ảnh, nhưng có thể vạch được vùng đất


- Poe tiên tri hay khoa học viễn tưởng: đây là những truyện Poe viết và phải mấy năm sau, thậm chí 50-75 năm sau người ta mới biết đến điều được nói đến trong truyện của Poe; ở đây có Nhật ký trong chai, Trò chơi khăm khinh khí cầu, Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Hans Pfaall, Mellonta Tauta...


- Poe Helen: tôi lấy tên này thay cho Lenore, dù Lenore được Poe dùng nhiều, để đại diện cho các truyện có người phụ nữ đẹp yểu mệnh vì Poe có bài thơ Helen viết tưởng nhớ người mẹ của bạn học mất - có thể xem là người phụ nữ Poe yêu [khi Poe chỉ 13-14 tuổi còn người phụ nữ ấy đã ngoài 30] và khi động đến thư từ của Poe, cái tên này hiện lại [trong số thư từ, còn hiện tên Annie (For Annie là tên một bài thơ của Poe)], dù rất thích âm của cái tên Lenore mỗi khi đọc nó trong đầu, nhưng tôi vẫn đổi tên Helen; hình ảnh người mẹ luôn hoá thân trong các tác phẩm và cuộc đời của Poe, Poe không tin những người phụ nữ mang hình ảnh mẹ trong đời mình đã chết nên không thôi tìm bà trong các nhân vật nữ người yêu/người vợ/em [người goá vợ thì phải hiểu đó là kẻ mồ côi; và về thực tế, Poe làm Con quạ, Ligeia, Bức chân dung hình bầu dục... trước khi vợ qua đời] bằng cách cho họ sống một đời sống khác: Ligeia, Berenice, Eleonora, Morela, Bức chân dung hình bầu dục... đây là một Poe ám tượng tôi đặc biệt yêu thích, có thể vì tôi ở đây nhưng hay thả mình hút vào thế giới khác nơi những người tôi yêu thương đang sống một đời sống mới nên cái nhìn của tôi khi nhìn Poe Helen như nhìn người chứng catalepsy bắt thế/giữ nguyên thế hay là, người chôn sống, khâm liệm quá sớm; bệnh tật là biểu hiện của sự thai nghén, còn cái chết, cái chết là biểu hiện của sự sinh - phục sinh. Không phải Poe buộc linh hồn mình vào các thi thể, xác chết, tử thi thối rữa [The Oblong box; thậm chí tôi nghĩ Poe có xu hướng bái vật giáo với tử thi, răng...; một người bất lực, bạo dâm và luôn tìm kiếm những biểu tượng thay thế, nên tôi mới nói ở Poe thơ rằng ngay sau khi vợ mất, Poe liên tục cầu hôn nhiều người phụ nữ, nó là chuyện dục vọng, tìm kiếm một thay thế để phục sinh, tìm một người để hoá kiếp cho thần chết, sorry Poe (cái này trong liêu trai người ta gọi là nuôi yêu linh à, nuôi yêu linh để lấy linh ấy kết phách cho người đã chết, tôi đang nghĩ gì thế này)] mà ông thích để mình hút vào các ám tượng và lầm rầm cầu nguyện cho giấc ngủ vĩnh hằng, cuộc sống ở nơi khác - vita nova


- Poe kinh dị rùng rợn [cái này không cần nói gì]


- Poe trinh thám: thường người ta sẽ gộp trinh thám kinh dị làm 1 nhưng Poe thì phải 2; ở Poe 2 mảng này tách riêng rõ rệt, Poe trinh thám sẽ gắn với cặp bạn Dupin; tôi từng nói Patricia Highsmith thực hành Dostoievski, nhưng mà chính xác hơn nữa, sát hơn nữa, thì phải nói thực hành Poe [trong khi lại có những người như Chesterton - người kế tục xuất sắc nhưng luôn tự vệ để tránh là Poe (và Kafka)]; 2 người này đều dính đến rượu mới đau, Highsmith là nghiện rượu và rõ nhất ở thực hành, điển hình nhất là cái kết của Con mèo đen, Trái tim kể tội, The imp of the perverse. Tiếp tục ý trên, tôi ghi nhận đặc biệt Poe trinh thám vì nếu Poe đã sáng tạo ra truyện trinh thám - thể loại duy lý, suy luận logic trừu tượng, chứ không phải tìm ra sự thật qua tố giác hay sự vụng về của hung thủ, thì đồng thời cũng sáng tạo ra độc giả của truyện trinh thám và thể loại này đã tạo nên một type độc giả đặc biệt đi song song và thậm chí điều tra câu chuyện của tác giả trong lúc tác giả đang điều tra câu chuyện của mình, theo nghĩa nào đấy độc giả là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, nhà văn đào tạo độc giả hết lần này đến lần khác một lý thuyết: thay vì nghĩ về chuyện gì đã xảy ra, ta nghĩ chuyện gì chưa từng xảy ra mà giờ đã xảy ra, hay cách khác, nghĩ về cái không thể theo hướng có thể. Giờ đang thế kỷ 21, thế giới hỗn loạn và trinh thám cũng khác, với nhiều bạo lực và tình dục hơn, đặc biệt trinh thám Mỹ đã khác xa trinh thám Poe sáng tạo ra [có lẽ vì thế mà lần đầu xuất hiện trong Án mạng đường Morgue, Poe cho nhân vật điều tra của mình ở Pháp], giờ đây có lẽ trinh thám điềm đạm người ta chỉ còn tìm thấy ở trinh thám Pháp và Anh [độc giả trinh thám vn thường than trinh thám Pháp, Anh gì mà chậm thế, không biết có phải trinh thám nữa hay không etc. (dù tôi thấy trinh thám Pháp, Anh giờ cũng gấp chán vạn rồi)]; những gì Poe đã tạo ra trong thể loại trinh thám vượt trên tất cả những nhân vật phá án hay vụ án ông đã xây dựng, trên Dupin trên tội ác bí mật mà giờ chẳng còn làm ta sợ hãi nhưng mỗi khi đọc Poe chỉ ngay những câu đầu tiên ta biết đấy là bầu không khí Poe, luôn có gì đấy đợi ta ngay sau


- Poe người kép - rối loạn tâm thần: William Wilson [đây là truyện Poe dùng như để tự sự quãng thời gian ở Anh], Sự sụp đổ của nhà Usher [những năm tháng sống ở Anh (hay ngay cả Richmond nơi cha mẹ nuôi của Poe - một thành phố rất Anh rất quý tộc, với tôi, Mỹ nửa đầu thế kỷ 19 là mảnh đất Anh mới nhưng đậm phong cách Anh, văn của Poe cũng rất đậm Anglo-Saxon đấy thôi, từ dòng máu bên ngoại Poe), Poe bắt đầu có một môi trường học tập đúng nghĩa, sau đó sẽ thấy xuất hiện trong các truyện của Poe những lâu đài với không khí u ám sương mù Anh], The imp of the perverse, Thùng rượu Amontillado... mỗi khi nhắc đến người kép thì người ta thường nghĩ ngay đến Stevenson Dr. Jekyll Mr. Hyde, Stevenson cũng là một người chịu ảnh hưởng của Poe, Oscar Wilde nữa [còn về khoản tung hoả mù đánh lạc hướng của Poe thì chắc không ai xí được vị trí truyền nhân Henry James, nhưng James theo cái nhìn nào đấy, nếu tôi đọc James một vệt dài thì tôi phải sờ lại Flaubert; Poe gây ảnh hưởng lên nhiều nhân vật nhưng ai gợi cảm hứng cho Poe, chắc chắn là trí tưởng tượng của Hoffmann rồi (có hẳn một quyển sách; đọc ở thư viện Baltimore kia có đấy)]


- Poe hài hước: lúc nào đọc Poe cũng thấy Poe cười cợt không ít, cái cười của kẻ say có phần bất đắc chí, ở đây có The literary life of Thingum Bob, Esq [truyện này được dịch trong quyển Poe bìa đỏ của nhà TP, dịch chán quá nên tôi không để tiếng Việt], Hệ thống của tiến sĩ Tarr và giáo sư Fether, Câu chuyện thứ một nghìn lẻ hai của Scheherazade...


3. Poe thư từ [tôi mới động đến khoảng 30 bức thư gắn với 3-4 nhân vật] Gide nhận xét Dostoievski luôn tỏ ra nhún mình khi viết thư, phần lớn là vì túng quẫn; ở đây Poe cũng vậy; họ là những con người tạo cho người khác cảm giác 'người ta đã nhún thế rồi, ta sao còn làm ngơ nổi', ngay cả việc Poe viết thư cho những "ứng viên hôn thê" cũng vậy


4. Poe phê bình, tiểu luận, chân dung văn học và các bài giảng: tôi động tới ít thôi, ngoài quyển của Bookhunter dịch, tôi tiện đường ở thư viện kia cũng đọc thêm được vài bài, đọc mệt vì văn Poe không dễ nhá, giờ lại còn tiểu luận phê bình hay chê thì càng mệt [Arthur Gordon Pym tôi đọc lướt nhiều, phải cố mãi]


về các sách dịch và in ở vn, tôi có trong ảnh:


- quyển Con mèo đen mỏng dính, 2 quyển Kim Đồng và quyển Thư book đều là dịch trùng, có duy nhất truyện Bức chân dung hình bầu dục ở Con mèo đen của nhà Kim Đồng là dịch đủ hơn quyển Con mèo đen mỏng dính ngày xưa. Nếu theo tủ kinh điển này của nhà Kim Đồng thì 2 quyển ấy cũng được. Quyển Trái tim thú tội của Thư book tôi đẩy xuống gần cuối chính vì dịch cái tên truyện và nhất là sách có mở chú thích nhưng không chú thích. Quyển Thần Chết Đỏ là vừa vào nhà 2-3 hôm trước, ngoài Poe các truyện được dịch trùng và rút gọn thì còn mấy truyện của John Macklin, mấy truyện này câu chuyện hay nhưng văn chương mỏng với tôi


- 3 tuyển tập truyện ngắn của NN, PM và TP, tôi sẽ liệt kê những truyện dịch mới không trùng với bất cứ quyển nào khác trong ảnh, tất nhiên trừ chính nó


+ NN làm sách dù không được như trước, nhưng vẫn có sự cẩn thận nhất định; quyển của NN có 3 truyện dịch không trùng Truyện rặng núi lởm chởm, Trò chơi khăm khinh khí cầu, Vụ chôn sống; tập này để tên Vào vùng nước xoáy, mất đi tính chất Maelstrom [A descent into the Maelstrom]; có một truyện The Sphinx, bản dịch để tên Nhân sư, thật ra đó là tên một loài bướm đêm, loài bướm xuất hiện trong truyện chính là bướm đêm nhân sư hay bướm sư tử; sở dĩ ngay đầu tôi đã không chọn NN làm quyển đọc đầu tiên soi các bản dịch là vì tên tập truyện dịch thế kia khiến tôi hơi tiếc, sau đó vào đến truyện thứ 2 trong tập là Truyện rặng núi lởm chởm, tôi đang liếc mắt đọc nhanh thì vô tình lướt phải chữ "mocfin" [morphine], đây là sáng tạo phiên âm à, thế nên tôi hạ sách xuống chuyển sang PM vì thấy có vẻ nên thử quyển khác xem sao, thấy có vẻ sẽ đọc được 


+ PM thì dở nỗi, ngay trang lót nhìn xem tập này được dịch từ nguyên tác tập nào hay những truyện gì thì thấy "usher" không viết hoa, vào đến trang thứ 3 của truyện Con bọ vàng, cũng đang liếc liếc [vì từng đọc nguyên tác rồi] thì trúng ngay typo "thiếc" in thành "thiếu", vì quá sợ quyển của TP nên tôi hạ quyển của PM xuống, rồi nghĩ thế nào tôi mở mục lục, đọc 1 truyện quen nhất thử xem sao, Vụ án bí ẩn Marie Roget [thấy mục lục đánh "*1" tôi không hiểu lắm nhưng thôi cứ triển, ngay trong mục lục cũng đến 7-8 chỗ phải sửa] thì may làm sao PM có 1 chú thích trong truyện này trang 96, chú thích này đã vớt vát hy vọng của tôi. Quyển sách được dịch mới tương đối nhiều: Những cuộc phiêu lưu kỳ thú của Hans Pfaall, Câu chuyện thứ một nghìn lẻ hai của Scheherazade, Cuộc hẹn bí mật, Ligeia, Con quỷ trong tháp chuông, Mẩu tin chữ X, Tiểu quỷ ngoan cố, William Wilson, Người đàn ông trong đám đông (đây chính là chỗ thấy cực rõ Baudelaire Le Spleen de Paris đã nhận trọn vẹn một cú của Poe; ta còn bắt gặp trong đôi bạn Poe trinh thám, Dupin sống cùng một người bạn theo cách khác hẳn người bình thường không tiếp đón khách khứa gì, vào lúc rạng đông họ đóng các cửa, thắp nến và khi đêm xuống, cùng nhau đi dạo trên những đường phố vắng ngắt của Paris; ấn tượng đồng thời về cả đám đông và sự cô độc, hưng phấn tinh thần chỉ có những thành phố lớn đang ngủ mới có thể tạo ra), Eleonora, Im lặng - câu chuyện truyền thuyết, Bóng đen - câu chuyện ngụ ngôn. Chịu dịch mới Poe thế này là rất hoan nghênh rồi dù vẫn còn nhiều vấn đề


+ cũng là chịu khó khai thác nhưng quyển TP không thể đọc nổi, ngay lập tức đã nằm dưới cùng danh sách. Dịch 2 bài của Baudelaire viết về Poe, truyện dịch mới 4: Lừa đảo, Khó thở, Doanh nhân, Cuộc sống văn học của Thingum Bob, Esq; nhưng tất cả đều như ném cho gg dịch còn chả thèm sửa văn bản hay biên tập gì. Đang từ tò mò nhà TP làm nhiều sách liên quan triết học mà thời gian gần đây tôi thấy ồ ạt đập vào mắt, thì bỗng có quyển Poe bìa đỏ này, một kinh nghiệm không dám động vào sách TP làm, bạn tôi - anh bảo "em bị điên à mà nghĩ đọc được TP" còn chiến hữu tôi thì mát mẻ "thấy người ta làm Poe thì chị phải nghi ngờ rồi chứ"; may đây không phải sách tôi chủ định mang về nhà, không chắc tôi đi cạo đầu cho khỏi giật hết tóc trên đầu 


- Hàng dưới cùng là 3 quyển tôi đã từng nhắc đến gần đây. Đáng tiếc nhất là quyển trông lởm khởm bìa vàng cỏ úa của Jacques Cabau [lúc nào đó nếu tôi có năng lực học tập và không lười, tôi sẽ cố gắng động đến Jacques nhưng là Jacques Lacan về Poe], quyển sách nội dung có nhiều chi tiết đáng để nghĩ nó là nhận định không chỉ về Poe mà cả về Baudelaire - người đã dịch, đưa văn chương Poe vào Pháp và làm văn chương ấy được công nhận không chỉ ở Pháp [trong quyển này còn nhiều phân tích nhận định ngắn khác về nhiều nhân vật]; quyển sách nhìn là biết bị làm rất ẩu, điển hình của dòng sách tóm gọn tất tật vào ít trang cho nhanh, sờ vào đọc thì mức độ ẩu tương đương quyển đỏ của TP bên trên; nhưng một quyển sách hay thì dù bị dịch dở hay làm ẩu ta vẫn có thể nhận ra nó hay


- 2 quyển ngoại văn thì 1 quyển tôi đọc cũng lâu rồi, giờ dùng tra chỗ này chỗ kia với bản dịch cho tiện vì tôi vẫn ngại tra online; 1 quyển mua online hồi nào, mắt kèm nhèm nhìn không rõ, thấy mỗi chữ Poe nên mua, về mới biết nó thuộc dòng sách cũng tóm tất tật trong vài câu vài trang, trong 10 nhân vật được đưa vào đây thì tôi đã đọc 8, còn 2 tôi chưa biết gì Bret Harte, Stephen Crane


hôm trước, một người bạn của tôi có nhắn: "Tác phẩm của Poe siêu phàm, nhưng đời tư quái gở, nhất là đối với người bình thường như cô. Chi tiết khiến cô sợ là Poe 26 tuổi lấy cô em họ (chuyện bình thường theo văn hóa phương Tây) mới 13 tuổi (chuyện này thì cấm kỵ) và 1 năm sau đó làm lễ cưới chính thức với man khai là cô dâu 21 tuổi." và tôi reply "nhưng con, về đầu óc con cũng biết 13-14t thì chỉ là bé gái; nhưng mặt khác con cũng biết 13-14t thì cô gái đã là phụ nữ rồi, cũng có cảm xúc với ng khác giới, tâm sinh lý như một người phụ nữ. Đời tư của Poe không khiến con nghĩ gì nhiều; nhưng các truyện của ổng thì khiến con sợ tưởng tượng của ổng; tưởng tượng nó và đoan chắc nó trên trang giấy"


đúng, đấy chính là lý do tôi phải tạm dừng đọc Poe, một vệt khép lại ở đây; trí tưởng tượng ấy làm tôi mơ vào ban ngày khi đọc và đêm ngủ tôi ngừng việc mơ, không mơ nữa tức là không ngủ, với tôi; tôi mệt rồi nên tôi ngưng



edit: bạn tôi, anh bảo: Poe không nghiện thuốc phiện, có lẽ còn chưa bao giờ động vào. Nghiện thuốc phiện là sáng tạo của Baudelaire


rượu thì có uống, ai mà chẳng uống, nhưng các chứng cứ cho thấy đấy chắc chắn là người tửu lượng kém, chỉ cần một tí chút là xong, có muốn cũng chẳng uống được nhiều. Poe vô cùng ít uống rượu, giống tất tật những ai uống kém, rất sợ rượu




12.6.24

ăn




3 trong số nhiều quyển sách về chủ đề thực phẩm thực dưỡng mình đọc lai rai trong độ 10 năm trở lại đây


Thức ăn vì thế giới hoà bình thiên về chế độ ăn chay như một phong cách sống, ăn uống vì sức khoẻ tâm linh và xã hội hoà hợp. Sách phân tích đi sâu vào các lý do tại sao ăn chay lại có thể đem lại một xã hội hài hoà nhau hơn, cũng như cấu trúc cơ thể người phù hợp ăn chay, chế độ ăn chay thế nào để đảm bảo sức khoẻ và quan điểm các loài tồn tại vì chính chúng chứ không phải một tồn tại để cung cấp thực phẩm cho con người... những điều này đều có thể đọc ở đâu đấy trong dòng sách sức khoẻ và nhất là sách thực dưỡng - ăn chay, nhưng cách dẫn giải vấn đề của Will Tuttle thiên về cách thức nói chuyện của một người ăn chay, thiền sư "ăn trong chánh niệm" hơn là luận cứ khoa học


Nào tối nay ăn gì thì đi sâu vào phân tích các chuyển biến trong thói quen ăn uống của con người hiện đại, ta đang ăn những gì, chúng từ đâu, được trồng trọt canh tác thế nào, bằng cách nào mà chúng đến được bàn ăn của ta... từ đó dẫn chúng ta đến vấn đề thực phẩm hữu cơ, thứ chúng ta ăn nên chính là thứ chúng ta nên ăn và bằng cách nào để hiện thực điều ấy thay vì việc ta ăn là đánh đổi bằng sức khoẻ và môi trường, muốn không ở thế lưỡng nan của loài ăn tạp thì ngoài chuyện thay đổi lối sống của cá nhân [tôi nghĩ là tôi thấy tôi và mọi người xung quanh vẫn đang ăn ở mức quá nhiều, vô tội vạ, tôi hay đùa các bạn tôi rằng gene trết đói gene đói nghèo của tổ tiên chúng ta vẫn còn trội trong chúng ta quá], chủ nghĩa tiêu thụ chính từ việc ăn, ăn quá nhiều], còn là thay đổi nhận thức của tập thể [ở chủ đề này, luôn luôn bắt gặp Silent spring - Mùa xuân vắng lặng của Rachel Carson (mấy nay tôi nhắc quyển này hơi nhiều, nhìn thấy cũng hơi nhiều, tôi cũng chỉ mới đọc quyển này 2 năm trước thì phải)]


quyển có sự khác biệt với tôi là Thức ăn, gen và văn hoá; đó là ý tưởng sử dụng thực phẩm phù hợp về mặt dinh dưỡng và văn hoá có thể giúp điều chỉnh các gene theo hướng hoàn thiện; đây không phải là ý tưởng, suy nghĩ đột phá gì trước khi được nghiên cứu cẩn thận, trước nó cũng rất nhiều sách y học TQ, thực dưỡng Nhật Bản đã trình bày quan sát này và họ thực hành rộng rãi từ lâu đời khi họ còn không biết khái niệm gene là gì, di truyền là gì, nôm na chỉ là sự kế tục qua các đời. Có thể hiểu đơn giản nó là, khi nghĩ đến ăn uống lành mạnh họ thường nghĩ đến việc cân đo đong đếm lượng calories, nạp cái gì cái gì, nguồn gốc [tất nhiên những cái đó là cái người ta nghĩ đến đầu tiên, nhất là người giàu đang phải để ý sức khoẻ ăn uống] nhưng trên thực tế, chúng ta chỉ cần nhìn những gì ông bà tổ tiên đã ăn, các loại thức ăn vẫn còn quen thuộc lắm và chúng nằm lại trong bộ gene của chúng ta; vậy thì người vn ăn đồ vn, ở đâu thì hãy tận dụng nguồn thực phẩm bản địa ở đấy [như vậy vừa hợp thung thổ vừa giảm tải gánh nặng về mặt kinh tế cho cá nhân cùng các chi phí xã hội chung, thế là yêu môi trường rồi]. Tôi biết quan điểm này của tôi sẽ trái ngược hoàn toàn với các bạn đang ăn raw rồi các chế độ ăn bỏ tinh bột hay chế độ chỉ ăn hoa quả etc. nhưng điều quan trọng chẳng phải là nó phải hợp với cơ thể từng người hay sao [dù chế độ ăn nào thì những tháng đầu tiên cũng cực kỳ mệt mỏi, không thấy hiệu quả ngay, nhưng ngay khi đạt độ cân bằng và thấy khoẻ lên thì hãy cảnh giác ở thời điểm này], ở đây kiểu gì cũng lại nảy ra tranh cãi của các bạn cho rằng trên đời này không có "cơ địa từng người"; thôi, chuyện ăn uống nó cũng là phong cách sống, chúng ta cứ theo phong cách ta muốn, tin điều chúng ta tin, phải phủ nhận điều ta tin nó cay đắng vỡ mộng lắm [tuyệt vọng thì nguy hiểm, nhưng vỡ mộng thì còn nguy nan hơn], đến ăn cay được hay không, ăn được nhiều vị hay không, cũng không phải cố hay luyện tập chọn lựa là được cơ mà, nó cũng do gene quy định ai là supertaster ai là monotaster, vậy ta cứ tin điều ta tin và thực hành như ta muốn và tự nghe ngóng thôi


3 quyển đều như vạch ra trên mặt bàn ăn tính tự mãn của nền văn hoá ăn uống vô độ, một thực tế đập thẳng mặt chúng ta mỗi ngày và rất dễ ngồi ngẩn ra hoang mang, liệu ta có ăn nuốt những ai trong những thứ ta ăn 


ps. sách đã gả cách đây mấy tiếng

chủ nghĩa tư bản thảm hoạ






quyển sách này ở nhà gần 10 năm, thời mà chữ NN còn bé, dàn trang cho những quyển đồ sộ thế này còn sát lề trên và dưới. 700 trang sách khổ to, giá bìa gần 160k. Thời ấy, NN làm được những quyển tác phẩm báo chí hay dã man, ngoài quyển Sốc [Naomi Klein còn No Logo nữa], thì còn quyển Tin tức trái đất phẳng, chẳng hạn; ngoài dòng tác phẩm báo chí, những quyển như Đám đông cô đơn, có thể là tài liệu với cho các lớp chuyên ngành được, dù đã xuất bản cách đây hơn 70 năm nhưng nó vẫn đúng trong nhìn nhận, lý giải tính cách và tập tính xã hội [không chỉ Mỹ] 

...


nay gả sách đi Saigon


10.6.24

muỗi toàn cầu hoá




quyển sách này dành cho những người có thù với muỗi; thế nên quyển sách của tôi đã bị một người cống hiến cho muỗi dọc tay và chân và mặt chi chít nốt đỏ, trấn mất; tôi chỉ còn ảnh sách cúng nhang cho muỗi thôi


từ 250 triệu năm trước muỗi đã có mặt trên Trái đất với vòng đời trung bình 30 ngày, 3564 loài có mặt khắp các châu lục, mang đến 750000 cái chết cho loài người mỗi năm, tức là loài người không phải là động vật gây nguy hiểm nhất cho con người [475000 cái chết mỗi năm], chúng ta đứng ngay sau loài muỗi nhớ. Không chỉ là nan đề cuộc sống con người, muỗi còn kể với ta câu chuyện những đường biên giới bị xoá nhoà, những pha đột biến không ngừng để tiếp tục sinh tồn và phát triển và chuyện tình tay ba có sự góp mặt của con người ở điểm cuối cùng trong vai trò con mồi: muỗi - ký sinh trùng - con mồi


toàn cầu hoá thì virus vi khuẩn côn trùng, sức khoẻ hay bệnh tật, tất nhiên cả muỗi nữa... cũng được toàn cầu hoá [Nobel y học, nhà virus học người Pháp Francoise Barre-Sinoussi, người phát hiện ra virus HIV năm 1983 đã luôn nói với chúng ta về điều hiển nhiên như vậy]. Thế là, trong nan đề muỗi, chúng ta chấp nhận việc không biên giới, quyền được sống của chúng [càng tìm diệt thì chúng càng kháng cự, biến đổi và thích ứng tốt hơn, mạnh dữ hơn] và chúng là một ẩn dụ của phù thuỷ tập sự: chơi đùa với sự sống thì sẽ nhận sự trả thù vì côn trùng là nhà vô địch trong kinh doanh [thích ứng tốt, nhanh nhạy, di truyền tốt và nhiều đời, biết tìm phân khúc thị trường/khách hàng tiềm năng để tăng lợi nhuận... ]


địa chính trị loài muỗi cũng là địa chính trị các cuộc chiến chống muỗi và cũng là, địa chính trị các cuộc chiến tìm kiếm phương cách diệt muỗi. Tổng thể thì DDT vẫn là sản phẩm hiệu quả, nhưng hãy nhớ đến quyển sách Mùa xuân vắng lặng của Rachel Carson xuất bản 1962 in ở vn mấy năm trước [tôi cũng từng có stt trong album này; tôi không phải người hoạt động vì môi trường như là nhất nhất nói không nylon đồ nhựa (tôi chỉ cần hãy tiết kiệm nói chung thôi, vì tiêu dùng nhiều thì nhiều rác thải), cũng không hoạt động bảo vệ thiên nhiên hoang dã (tôi chỉ nghĩ, cần tất tật các loài làm bạn để loài người không sống trong cô độc)...] để biết DDT ảnh hưởng lâu dài tới hệ sinh thái thế nào và thật ra, muỗi và bệnh dịch chúng mang đến cho ta lây lan mạnh hơn bởi bản thân chúng không ở yên chịu sự tấn công của hoá chất mà chúng nhanh chóng phát triển khả năng miễn dịch để thích ứng - đấy là sự ngẫu nhiên và cần thiết với bất cứ nghề sống nào của sinh vật... thế là nghề sống của loài người ở đây là phải vô tri với sự hiện diện của muỗi, đừng tìm cách chữa bệnh vô tri với sự hiện diện mà hãy chữa bệnh vô tri với đời sống của muỗi


giải pháp triệt sản con đực kết hợp với thuốc diệt côn trùng, thuốc đuổi côn trùng, diệt bọ gậy... có khả năng sẽ hạn chế nguy cơ bùng phát dịch; còn các quy luật di truyền, công nghệ gene [bộ kit công nghệ gene drive] để kiểm soát muỗi thì thật ngây thơ, ta trao cho muỗi quyền lực để tự nó biến đổi nguồn gene của chính nó và ta nghĩ nó dừng lại thì tức là ta chẳng hiểu gì về vận hành sự sống, chẳng phải những gì hiểm ác, biến dị tự nhiên thành quái vật đều sổng từ các trung tâm nghiên cứu ra hay sao, và chẳng cần đến lúc ấy mới có bài học về lời cam kết hứa hẹn 'hoàn toàn có thể thoái lui bất cứ lúc nào'; lịch sử của loài muỗi và ký sinh trùng mênh mông hơn rất nhiều lịch sử loài người, đã cho thấy không có gì dừng lại bao giờ


không có viên đạn bạc nào giúp loại bỏ một lần cho trót muỗi ra khỏi cuộc sống con người; chỉ biết để mắt tới chúng trong quá trình các bên chung sống - sự chung sống không thể tách rời khỏi sự phát triển của xã hội loài người; mà tốt nhất thì, để mắt ít thôi, thời gian ấy tập thể dục chăm sóc bản thân nơi ở quang đãng tốt lên để cơ thể thải ít CO2 đỡ thu hút muỗi và nhất là, không để mắt đến chúng thì chúng đốt đỡ ngứa hơn, còn thì chúng truyền bệnh gì thì chịu bệnh í vậy, chứ bôi chống muỗi chả có tác dụng gì mấy đâu :))) ai lại cả tin thế bao giờ


ps. người ta đi hết nơi này nơi kia, lục địa này lục địa khác để khảo sát, ghi nhận, chứng thực về, ví dụ chỉ là một con côn trùng bé tí ti, được thế thật ra là đặc quyền của đế quốc thực dân, chủ nghĩa thực dân và lịch sử thuộc địa. Đây cũng là tác giả của Triển lãm thuộc địa, Goncourt 1988


quick




kì lạ là tôi không những đọc đủ 5 quyển Kim Young Ha dịch ở vn, mà còn đủ dông dài để viết về cả 5 quyển ấy [đến Han Kang tôi cũng chả ưu ái thế dù thích]

https://emidelicate.blogspot.com/search/label/Kim%20Young%20Ha?m=0


quyển thứ 5 là Chơi Quiz show, không đủ can đảm chụp riêng bìa quyển sách, nó xấu thảm bại, đáng tiếc vì đây là tiểu thuyết dài hơi nhất, theo cả nghĩa dung lượng dày gần 600 trang, trong 3 tiểu thuyết được dịch. Chơi Quiz show phóng mắt nhìn toàn cảnh xã hội hiện đại không chỉ Hàn Quốc, có lẽ nó là thế giới chung nơi mà tại thời điểm đó, con người bắt đầu sống với kết nối internet toàn cầu world wide web 3 chữ w mà ta vẫn thấy mỗi khi mở cửa sổ trên không gian ảo; rồi cái phóng mắt ấy, phóng rộng để đi vào trung tâm, chính không gian này, từ cửa sổ ta vào các phòng và bắt đầu một cuộc sống vô biên không phân biệt đêm ngày, trên không chăng dưới không chằng và những hiện thực ảo khả thể. Một bức tranh chung ngày càng thấy nhiều biến dị ảo - matrix, thậm chí tôi nghĩ, không còn cơ hội đổi khác nữa, không thể quay đầu, cho đến ngày điều còn lại duy nhất là nothing


không biết khi viết Chơi Quiz show thì Kim Young Ha có bị ảnh hưởng bởi Moon Palace không, nhưng nhân vật nam chính được dựng nên với nhiều hình bóng của Marco Fogg: không biết cha [thậm chí cả mẹ; bà ngoại nuôi nấng và nói với thằng bé mẹ nó mất rồi, đã biến thành chim trên trời nên thằng bé tới lớn vẫn bị ám ảnh bởi các loài chim], túng quẫn [bán chỗ sách mình có đi để sống, người gắn bó và ám ảnh bởi sách vở chưa bao giờ dễ sống, và sống trong gosiwon - phòng trọ 4-5m2 ở Hàn Quốc], gặp một người bạn gái tưởng cứu vớt tất cả ra là tròng trành hơn nữa, nhưng đặc biệt là, hư vô, một con người hư vô triệt để: anh làm sao có thể biết được là anh tồn tại [tôi cũng thế hả, hay sao mà tôi thích type nhân vật Marco Fogg hay Lee Min Su này]. Tôi vẫn nói mình thích tư duy văn học của Kim Young Ha, nhưng, nói đúng phải là, văn học Hàn Quốc mạnh về ý tưởng; từ một quiz room - phòng chat chơi giải câu đố với nhau, Kim Young Ha cho nhân vật chính tính cách hư vô vào trong đó, rồi phát triển câu chuyện dẫn đến một đấu trường quiz [giống Đấu trường sinh tử - The Hunger games, nhưng không đấu sức, sinh tồn người-người mà đấu kiến thức, giải câu đố, sự bình tĩnh người-người] và cá cược [như cá cược đua ngựa, thay vì đặt cược vào ngựa thì quiz là đặt cược vào người giải đố], để rồi, một người hư vô như nam chính cũng bật trổ libido [thì game nào, cuộc đấu nào cũng là libido cả thôi] và bỏ lửng, kết liễu thế giới quiz ấy, ai biết nó tồn tại thực, hay ảo khi sống là đối mặt hàng hàng câu hỏi, những hành lang câu hỏi vòng quanh mở ra mê cung quay cuồng. Tôi đọc Kim Young Ha và có thể tiếp tục bị thu hút bởi những thứ na ná, có lẽ vì khai thác cái cô độc và hư vô, buông xuôi và bỏ cuộc, nhu nhược và hèn người, ăn không ngồi rồi và trôi lờ lững... của những người không biết sống không biết làm những điều ý nghĩa trong đời [nếu thực là có những điều 'ý nghĩa' ấy, chẳng phải đời là nhảm nhí, nhảm nhí mới là đời và không thế thì lấy đâu việc sống, đang sống và làm những cái vô nghĩa để cho nó một cái ý một cái nghĩa với riêng đời nhảm nhí của mỗi người; thậm chí, phần lớn còn không cả dám nhảm nhí dù biết mọi thứ thật vô vị ý nghĩa (nhưng vẫn không dám nhảm nhí vô nghĩa)] và có như thế nào thì đi vòng quanh cũng trở về nơi từ đó đến, vẫn cô độc và hư vô


hôm trước tôi đưa 2 đứa cháu đi ăn bữa xế bún cá Hải Phòng, nói với chúng rằng hôm tới nếu có thời gian chúng ta ăn món này món kia nhé; chúng gật và hỏi dì ăn món í chưa; bảo rồi, dì hay dẫn các bạn dì ăn ở đó mỗi khi có dịp ghé Hà Nội hoặc muốn thưởng thức món đó vì thấy mọi người bảo nổi tiếng; chúng hỏi một câu như nhiều lần: sao dì nhiều bạn thế, bạn ở các nơi đấy, dì quen trên mạng à; tôi bảo không, rồi ậm ờ có, rồi lại bảo không hẳn, mà không biết, cũng không biết được. Vì đúng là không biết thật. Rồi tôi nhớ khoảng mấy năm trước, tôi hỏi một người bạn sách khi hiểu hơn về thế giới sưu tầm và các mối quan hệ, xuất phát điểm sách vở rằng: sao anh lại làm bạn với em nhỉ, chỉ là qua fb, anh thì như thế, em thì xuất thân gốc gác chả liên quan gì sách vở, lại còn nghèo như con mèo; anh trả lời như tôi thấy khuôn mặt cười hiền của anh: nhiều người thân thiết quan trọng với anh là người anh quen trên mạng, xưa anh quen chị [vợ anh] cũng vậy. Chúng tôi là thế hệ có internet kết nối khi ở tuổi từ 16-18 hất lên, ở tuổi ấy, đúng cái lúc trổ nhất, trí tưởng tượng và đi lạc đang ở điểm bộc phát, chúng tôi có internet mở các cửa sổ vươn ra như từng tay cây hứng nắng tận trời xanh còn bên dưới là chân rễ cắm sâu tới tận tâm đất; nó rất khác trước đấy con người không có internet, khi tuổi đã ngại ngùng tiếp nhận cái mới hay sau này, nứt mắt đã biết cầm thiết bị điện tử trượt trượt lướt mạng - một dạng trái phá


'anh làm sao có thể biết được là anh tồn tại', một câu ngớ ngẩn, càng về sau sẽ càng ngớ ngẩn nếu bỗng có ai nói một câu ý như thế, khi hiện thực ảo xâm lấn mạnh, chém phăng trình hiện thực tại, thậm chí tuyệt chủng người nói thế, không còn có ai nói một câu ngớ ngẩn như thế nữa: 'anh làm sao có thể biết được là anh tồn tại' bởi ngay lúc này, câu ấy đã lỏng chỏng - một câu trết