30.12.22

băng đường




sáng hôm kia tỉnh dậy, trở về từ một giấc mơ; sống ở nhà trên núi trên đồi, hôm đó có rất nhiều rắn vào nhà. Người phụ nữ già dân tộc đã dạy cách đánh rắn cho nó choáng rồi hất nó văng ra xa khỏi sân nhà. Còn người phụ nữ trẻ hơn thì dạy sau khi đánh vào đầu rắn xong phải lấy chân giẫm nghiến; cô ấy biểu diễn giẫm vào đầu con rắn, nhay nghiến be bét máu. Học xong 2 màn đánh rắn, tú lui về chái nhà nơi ở của mình thì gặp một con rắn đang nằm trên nền đất gần giường ngủ, tú bảo thôi mày đi đi, nếu mày không đi thì tao đi vậy. Chờ mãi nó không đi, tú trở ra cửa nhìn xuống con đường đồi nơi có xe máy 2 đứa trẻ con chân không chạm tới đất ngồi trên xe máy đang gồng người với cái xe xóc nảy theo từng cợn sỏi đá rải đường, trẻ con ở đây cứ bạ xe nào cũng nhảy lên phóng, y như hồi 2013 đi Mộc Châu thấy bọn trẻ con cỡ 8 tuổi cũng nhảy lên xe máy ngồi mỏm mỏm như xe đạp chân không chạm đủ vòng pê đan, xe máy xe đạp nhảy tất khi có tiền chạy đi mua miếng thịt hay gói kẹo bim bim cái kem... Bọn trẻ đang về nhà sau giờ ở trường học tiếng Kinh. Tú đi xuống núi, chuẩn bị ra đến đường quốc lộ thì thấy mấy xe máy bóng dáng mấy thằng tiểu iêu đi qua vẫy loạn lên, trong đó thằng Xù toe toét cười, vẫy bảo: em vào trước nhé, gặp nhau ở đấy. Thấy thế tú đi "vào" nơi mà nghĩ có hẹn Xù


đó là một trường học trong ngày nghỉ. Họ đang chuẩn bị làm chương trình văn nghệ chào mừng gì đó, đông người. Tú tìm Xù không thấy, đi vào rồi đi ra, khi đi ra dù đã rất tránh nhưng từng người múa cứ lao theo bước nhảy về phía tú, những người múa tung mình lên cao xoay vòng rồi tiếp đất trong dáng ba lê lùa vào tú, gần như đâm sầm, tông vào tú tới nơi. Thấy thật hoàn hồn khi mình thoát được 'trường người múa' lao đến, tú ra khỏi cổng ngôi trường và rẽ trái để về nhà. Không biết tại sao mình lại lựa chọn đi vào ngõ nhỏ này để về nhà thêm xa, nếu là ngày bé từ trường về nhà, tú hoạ hoằn mới chọn ngõ nhỏ này vì về nhà tú hoàn toàn đi thẳng đường cái, ngõ nhỏ này tú không thích bằng ngõ thẳng nhà, vì nó luôn âm u không có ánh nắng, vì nó luôn tĩnh mịch nhiều người nghiện. Thế mà nay tú chọn đi nó để rồi gặp một cổng làng cũ, phải đến khi gặp cổng làng cũ tú mới hiểu tại sao tú lại chọn đi đường này. Tú lách người đi cửa bên cổng làng thì hôm nay ở đây có một sạp hàng. Tú mua lavie để lấy cớ len qua sạp hàng như đi qua cổng, dù chai lavie trông hơi kì lạ, nắp của nó dán thứ bóng kính lấp lánh chất liệu các loại cành hoa lá giả người ta hay bán ở các đền thờ miếu mạo; tặc lưỡi thôi mua uống tạm thì nhìn thấy sạp hàng có từng chồng sách ngoại văn; ngồi lọt thỏm vào bới sách thì thấy sách chủ yếu là thể loại mình không chút hứng thú nào và cái lạ là nó in nhoè nhoè như sách lậu. Tú quay qua hỏi người bán hàng sách chỉ có chỗ này thôi sao thì người bán hàng quay mặt nhìn tú, một khuôn mặt vừa quen vừa lạ, có trán nhô hẳn thành nửa khung tròn vạnh bên trên kết hợp với 2 mắt đặt chéo nhau một góc làm cho tú nghĩ: 2 con mắt ở vòng tròn âm dương, bảo sao sách ở đây in nhoè như tiền âm phủ. Nói xong tú trả tiền chai lavie nhiều hơn giá trị chai lavie thông thường rồi để lại chai lavie trên kệ hàng rời đi. Không đi qua cửa ngách để về nhà nếu đi con đường này, mà trở lui đi ra đường cái để về nhà


mở mắt tỉnh dậy tiếng mưa giọt trên các mái nhà. Một ngày mùa đông rất lạnh có kèm mưa. Và nhận tin một người vừa mất


tối, thuê xe riêng đi tỉnh viếng đám ma, xe không thể đón bên phía đường đầu phố vì đường tắc kinh khủng, buộc lòng liều đi bộ sang bên kia đường và giờ đây khi vẫn còn ân hận vì hành động của mình và ngồi đây nhớ lại giấc mơ, tú mới hiểu những người múa đâm sầm lao mình vào tú dù tú cố sức tránh và cảm thấy mình phiền toái quá tại sao lại đi vào một "trường người múa". Đó là việc tú băng 2 làn đường tắc trong trót lọt vì đường tắc, đến làn đường thứ 3 một chiều và làn này không tắc, họ lao như tự sát còn tú là vật cản sang đường, như mình mời gọi tai nạn thần chết, chỉ biết ít nhất 5 cái xe giật mình phanh gấp khi cách tú và người đi cùng 2 mét, có xe phanh gấp tránh được 2 người sang đường còn nhằng nhằng tay lái. Mình pha đấy chắc chắn là làm sao vì toàn xe đang lao như tự sát còn mình ngu mình chịu nhưng tai hại nhất là cái ngu của mình khiến nhiều người khác làm sao. Lần đầu tiên trong đời đi ra đường mắc vào hành động ngu dốt thế này dù bao lần trước đó có vội thế nào có được bảo sang bên kia đường nhận đồ cho tiện thì cũng chưa bao giờ cắt ngang để băng qua đường thế này. Như ma đưa lối quỷ dẫn đường, lại tìm những chốn đoạn trường mà đi. Lên xe rồi, lúc tắc ở đoạn gần bến nước ngầm, nói chuyện, lát nữa lái xe chờ có việc khoảng 1 tiếng thì lái xe mới hỏi: hoá ra mình đi viếng đám ma ạ [giọng hết sức cảm thán: ối giời đêm hôm cuốc đi tỉnh lại đi đám ma]. Đang nghĩ về cảm nhận mình có khi nghe người lái xe nói thì nhìn thấy ở phía trước có xe ô tô thế nào người ngồi trong xe cả 2 người cùng nhìn thẳng diện vào mặt mình trong xe. Nghĩ đến những thứ quái gở chưa hoàn hồn, mình chớp mắt hỏi vọng lên lái xe: anh ơi 2 người kia ngồi quay ngược à, bộ đội đúng không hay mắt em nhìn sai; lái xe bảo: à vâng, xe bộ đội, xe này họ không ngồi thế thì chỗ đâu mà ngồi hả chị. Nhỏm người dậy nhìn xe trước mặt biển đỏ, tú phì cười mình vẫn chưa hoàn hồn và nghĩ, nếu đó không phải là người mà là ma, tú thấy mình sao tú; trả lời thì người hay ma cũng phải chịu chứ biết sao, trăng sao gì nữa, chịu thì chịu mà không chịu cũng chịu chứ sao là sao tú ơi là tú nhìn là nhìn thôi

15.12.22

tình yêu




một cách intuitive hoàn toàn, tôi bẻ lái giữa đường tiến từ Sartre sang Bergson để đọc novella Nàng tình nhân hờ của Balzac chỉ bởi một chi tiết trong War Diaries của Sartre có nói đến cảm hứng Sartre có, khi đọc miêu tả lần đầu gặp gỡ của Balzac và Hanska. Đến khi mở Nàng tình nhân hờ, tôi mới hay biết, tôi không ngờ được rằng, Nàng tình nhân hờ được viết 1842 là giai đoạn nhiều sóng gió trong mối quan hệ của Balzac và Hanska [Hanska là người vợ Balzac lấy trước thời điểm ông mất, 1850, sau 18 năm correspondence], thời điểm này người chồng Wenceslas của Hanska chưa chết, Balzac còn định lấy chính cái tên này đặt cho nhân vật Adam - nhân vật người chồng trong Nàng tình nhân hờ; và như câu chuyện của Nàng tình nhân hờ, thì ta có thể thấy trong hoàn cảnh mối quan hệ của Balzac và Hanska thì việc Balzac mong muốn cái chết của chồng Hanska là điều... dễ hiểu [tôi đang nói gì thế này]. Theo chú thích 107, khi Balzac viết những dòng "hoàn cảnh tương tự" cho nhân vật đại uý Paz của mình thì chồng bà Hanska đã chết còn Balzac hoàn toàn chưa biết tin [khoảng 2 tháng sau mới biết tin]


novella Nàng tình nhân hờ được Balzac xếp vào "các cảnh của cuộc sống riêng" thuộc phần "các nghiên cứu về phong hoá" trong Vở kịch con người. Tình yêu như một cái trap, abyss ở tất tật mọi lĩnh vực hoàn cảnh; viết về nó thế nào, làm sao để thoát cliché, motif :)) what is love [what why when, thật ra tôi muốn nói what love is]. Ở đây Balzac đặt nó trong một tam giác: tình bạn, tình yêu và một tình nữa bao hàm tất cả: tình người, mà ở đây là lòng biết ơn [cách đây mấy năm bản dịch Những vinh nhục của César Birotteau của Mặc Đỗ xuất hiện trở lại, nếu đọc kỹ sẽ nhận ra lòng biết ơn, vô ơn, đền ơn, báo oán, bội bạc sẽ là cốt yếu trong Vở kịch con người]. 3 nhân vật trong Nàng tình nhân hờ tôi đều rất thích, họ ghi dấu ấn theo các cách rất riêng: Adam - người chồng chính bởi tình huống với đại uý Paz "bạn cho cuộc sống, cho cái chết"; Clémentine - người vợ thì khỏi nói rồi, đọc là thấy phụ nữ đẹp, tinh rất đàn bà [với tôi mà nói, cứ phụ nữ đẹp là ghi điểm :))), thiếu cái gì thì hay... cái đó] và đại uý Paz thì tất nhiên, có người cần yêu và được yêu, lại cũng có người chỉ cần yêu dẫu ngay cả yêu trong im/câm lặng 


"tình bạn không biết tới những phá sản của tình cảm và tụt dốc của khoái lạc. Sau khi đã trao đi nhiều hơn những gì nó có, cuối cùng tình yêu sẽ cho đi ít hơn những gì nó nhận về" 

"phụ nữ nhìn thấy mọi thứ hoặc không thấy gì hết, tuỳ thuộc vào cấu hình tâm hồn họ: tình yêu là ánh sáng duy nhất của họ" 

[mindset giới ở đây này :)))), Nietzsche có nói gì í nhỉ, sau này Simone de Beauvoir cũng phân tích trong Giới nữ/Giới phụ; đợt đọc vệt dài Thanh Tâm Tuyền tháng 4 vừa rồi, trong vở kịch Cửa đêm, nhân vật người mẹ cũng dạy con gái mình, có một ý, đại ý: đối với phụ nữ thì tình yêu là tất cả cuộc sống của họ, nhưng với đàn ông thì tình yêu chỉ là một phần nào đó. Trông tôi thế thôi, nhưng tôi lại rất hay đoán đúng về một tạng đàn ông, bỗng họ tự nhiên bỏ bê tất tật thì điều đầu tiên tôi bào chữa cho họ sẽ là "chắc lại bạn gái rồi yêu đương thế nào đấy"; khi anh bạn tôi nói về một anh chàng tự nhiên lặn không sủi tăm, tôi bảo "thì chắc bạn gái, tình yêu thế nào đấy", anh bạn tôi bảo "kể cả thế thì cũng không thể thế này được", tôi chỉ cười lém lỉnh nhìn đi chỗ khác vì tôi biết, với những gì tình yêu gây nên, tạo ra hay tàn dư, để lại thì không gì là không thể thế này hay thế kia được]


tôi là người rất ghét việc đọc bị gián đoạn bởi chú thích. Khi Những vinh nhục của César Birotteau xuất hiện trở lại, một trong những trở ngại khi đọc của cá nhân tôi là các chú thích, phải nói là ghét thậm tệ, đến mức tôi tưởng tôi quẳng sách sang bên đỡ phải đọc; đến Nàng tình nhân hờ cũng vậy, trong khoảng 5 trang đầu thôi, mở màn ra mắt một vài nhân vật mà có đến khoảng hơn 30 chú thích, tôi phải cố nhẩm thần chú: cứ tiếp tục đọc, cuộc đọc Balzac sẽ là như vậy, hãy nhớ đến những trải nghiệm gặp gỡ Balzac trước đây, cứ tiếp tục rồi đâu khắc vào đó; vậy là tôi tiếp tục theo cách tôi đã kinh nghiệm trước đấy. Tức là, khi đã có một lần kinh nghiệm rồi, sẽ hiểu và nhận ra: chính các chú thích đang kể không chỉ một câu chuyện, mà nhiều [tuyến], song hành với câu chuyện mình đang đọc, và nó chính là các từ khoá, chìa khoá mở cánh cửa trong cuộc đọc, nhất là đọc Balzac. Và cách đọc của tôi trong khoảng 1 năm gần đây là cứ tận hưởng, hưởng thụ việc đọc liền mạch không dừng lại bởi chú thích, bất kể đọc gì, hiểu thì hiểu mà không hiểu thì cũng cố mà hiểu hoặc lờ mờ đoán [chắc đoán mò đọc ngoại văn nhiều thành quen (lười tra từ, để dành tra cả thể hoặc lúc tra từ mà thấy hoá ra từ đó đúng như mình đoán thì nó như một thú vui khác vậy)] rồi khi đọc hết 1 chương 1 trường, thậm chí nửa quyển hay cả quyển thì lật chú thích đọc rồi lật trở lại sách để lồng vào phông cảnh chung của chú thích đó. Một cách reread. Có lẽ chính vì vậy, tôi thích chú thích để hết cuối sách hơn là cách để chú thích ngay cuối mỗi trang có chú thích của phần lớn sách hiện nay. Thích cả index sách nữa, có lẽ là một dạng cải đạo của cá nhân tôi trong hơn 1 năm qua, thuộc dạng yêu những gì mình từng ghét [có điều mắt kém nên chú thích đánh số nhỏ, lúc lật trở lại tìm thì như chơi trò tìm số hồi đi học]


ps. hồi đọc Vĩnh biệt của Balzac tính lấy tên Tình yêu nhưng đã lấy Vĩnh biệt; cuối cùng đến Nàng tình nhân hờ thì lấy tên Tình yêu thật, dù tự nhiên đến đây lại muốn lấy Tình hờ, có nên đổi tên 🙂



mountain house




con emi nhìn tranh nó có mường tượng được căn nhà trên núi mà mẹ nó mơ về suốt 2 tuần nay không nhỉ


từ hôm về nhà, ngay cả những ngày ốm sốt nóng rồi sốt lạnh đợt rồi, trong mê man toàn mơ về nhà trên đồi trên núi của người Dao; có hôm còn mơ 3 người phụ nữ Dao già cỡ mẹ của G., mặc bộ váy áo to màu đen gắn hoa văn và hạt đá tua rua, họ cứ cầm nồi với thau múc nước dội từ trong nhà ra cửa, trong mơ mình hỏi: đây là cách người Dao làm phép để khỏi ốm ạ, sao cháu mệt lắm, hay cứ dội nước cho sạch nhà đi, chắc người cháu sẽ sạch theo nhà đấy

14.12.22

out of this world



đơn hàng đồ chơi của Sói Sun, hãng abc phát nhầm rồi từ đó bạn bưu tá từ chối phục vụ địa chỉ nhà mình. Giờ lại có 1 đơn phát sinh ngoài shopee, đêm qua người gửi mới nhớ ra hỏi mình: chị ơi chị nhận được hàng chưa; mình bảo: đang định nhắn hỏi hàng đến đâu rồi mà mãi không thấy, gửi tiết kiệm hay gì mà lâu thế. Sáng sớm đang mơ, bị kéo giật về bởi hàng loạt chuông tin nhắn shopee sms, thì đầu gửi nhắn em tra mã vận đơn, hãng báo phát thành công từ hôm chủ nhật 11/12. Mắt nhắm mắt mở vào nhìn cái ảnh chụp màn hình báo phát thành công. Lại hãng abc


lần này bạn í phát nhầm nữa thì không biết sẽ thế nào đây huhu, phản ứng lần trước của bạn í khiến mình cảm thấy chạnh lòng kinh khủng 😢. Thế này chắc phải yêu nhau mới thoát khỏi kiếp nạn phát nhầm 


mình có tật là khi đang ngủ đang mơ mà bị gọi dậy, mình cảm thấy rất chán rất tủi thân, thậm chí ngày xưa thường xuyên mình khóc khi bị gọi giật về thực tại, khóc ngay cả khi đang đi làm một việc gì đó trong trạng thái bập bềnh chưa hoàn hồn về thực tại; mình không ngại bị làm phiền khi ăn một chút nào, nhưng mà ngủ thì thấy rất tủi thân rất phiền [chính ra đang tắm đang ị mà phải gián đoạn vẫn còn dễ xử lý với mình hơn là đang ngủ đang mơ]. Chính vì tật này mà mình bỏ ngủ trưa 30 năm nay vì cảm giác đang mơ đang ngủ bị kéo về, từ giấc mơ trở về mà chưa hoàn đâu vào đâu nó rất bất mãn; nhất là khi mình ham ngủ ngày; và mẹ mình thì hay gọi mình những việc không đâu khi mình ngủ. Hôm nay đã phá vỡ giấc mơ của mình thì chớ, mình gặp lại một bạn học mà 12 năm nay mình chưa nhìn thấy bạn í ngay cả trên ảnh, còn bạn í thì có thể nhận ra mình nhờ giọng nói; thế mà mở mắt lại còn nhận tin đơn hàng thất lạc, lại cũng hãng abc gần đây mới xảy ra sự vụ kia. Giá kể không trở về từ giấc mơ thì tốt biết bao. Nghĩ đến phản ứng của bạn bưu tá hãng abc, mình thấy sao không yêu nhau đi cho bớt hẩm hiu dạng này huhu

10.12.22

intuition

 



trong lúc đọc War Diaries của Sartre mình nghĩ, sau đây mình sẽ đọc vài quyển của Sartre được dịch mấy năm gần đây, vì không nhân cơ hội này thì không biết bao giờ mình mới động đến chúng, nhất là lại có 1 quyển bên NN làm bìa cứng mới đau khổ cho tôi chứ, quyển í được tặng, bìa cứng thì khó nằm đọc, ngồi đọc thì lười. Nhưng đi được trăm trang thì mình nghĩ, consciousness à, thôi, không đọc tiếp Sartre, mình đọc Henri Bergson, vì consciousness mà, mình đọc Ý thức luận, nhà đang có 3 quyển của Henri Bergson, nếu cũng không nhân cơ hội này thì không biết bao giờ mới đọc cho xong Bergson đọc dở dang mấy năm nay. Rồi lại đi tiếp đến khoảng hơn 200 trang, thì đọc được khoảnh khắc Sartre đọc về cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Balzac và Hanska, cũng không biết mình ấn tượng về cảm giác của Sartre về buổi đầu gặp gỡ kia hay về chính Balzac và Hanska [Hanska mình có biết một tí này, đây là người vợ Balzac lấy ngay trước thời điểm qua đời 1850, sau một quãng, mà không, phải là một thời, correspondence kéo dài 18 năm (là 18 năm đấy)]. Và tự nhiên không hiểu sao, hoàn toàn tự nhiên, mình nghĩ mình sẽ đọc Nàng tình nhân hờ ngay sau khi kết thúc War Diaries và mình quay đầu sang trái, nhìn thấy đập thẳng vào mắt, Nàng tình nhân hờ cách mắt mình 10cm. Một cách intuitive, mình nghĩ mình thích âm thanh của cái tên Hanska phát ra, mình sẽ đọc Balzac ngay và luôn với Nàng tình nhân hờ, vì đọc Sartre lần này, tự nhiên mình chú ý đến intuition. Và khi vừa bập vào Nàng tình nhân hờ thì ở chú thích 3, ối giời





mình cũng nghĩ, mình cần đọc The prime of life của Simone de Beauvoir; và mình cần check The paths of freedom [Les chemins de la liberté] vì tự nhiên được biết đến nó làm mình nghĩ đến Lũ người quỷ ám của Dostoievski, intuitive thế nên mình muốn check thôi, mà check tức là phải đọc


mình phát hiện ra khoảng hơn năm gần đây, mình thích đọc sách có index. Đọc hết đi 1 lượt hoặc đoạn nào lười thì liếc mắt thôi. Sau đó khi gấp sách lại, sau mấy giờ hoặc 1 hay 1 vài ngày, cũng có khi tháng, mấy tháng tự nhiên có ý nghĩ nào đó đến và sực nhớ đến cái mình đọc, sẽ biết mình phải lần lại ở đâu, tự nhiên sẽ nghĩ đến cái mình muốn đọc lại vì cảm giác có gì đó nó chưa xong, thì mở index đọc theo chỉ mục mình cần, tức là reread 





7.12.22

tiện




bố hỏi: con cầm sách kiểu gì thế kia, sợ hỏng sách đến thế cơ à

con trả lời: không phải, mà vì con lười con ngại, một tay thôi cho nó tiện, tay kia còn cất đi cho nó ấm

[tay kẹp giữa hai đùi cho ấm]

27.11.22

đm




chị và em gái tôi hay nói chuyện những ngày mệt, thường ngủ mơ bị bố đánh hoặc cãi nhau với bố; tôi nói lâu lắm rồi tôi không bị như thế


1 tuần trước trong giấc mơ, tôi mơ tôi đẩy ngã bố, như vậy còn chưa đủ, tôi còn tiến đến đấm đá bố tôi túi bụi trong điên cuồng thoả mãn. Tôi tỉnh dậy mà nước mắt khắp mặt, gối ướt mồ hôi, nghĩ mộng mà thôi, dù mình mơ hay trở thành hiện thực nhưng chỉ là mộng mà thôi, đời này chỉ có bố đánh tôi, dù có thể nào cũng không có chuyện ngược lại, ngay cả khi tôi hứa với mình rằng chỉ cần ông vung tay chân với tôi thì tôi sẽ phản kháng để bảo vệ mình, tôi không chịu bị đánh như phạm thêm lần nào nữa đâu


trưa nay tôi và bố tôi cãi nhau, bố tôi sấn sổ như lao vào cắn tôi như năm xưa, và theo bản năng tôi vung tay đẩy. Tất nhiên sức tôi thì đẩy đàn ông 70 cân cũng ngã. Và bố tôi ngã thật. Nhưng tôi không làm như trong giấc mơ tôi mơ 1 tuần trước. Tôi cũng không đỡ bố dậy như tôi sẽ làm. Mà tôi chỉ nói lại khi bố tôi nói: mày chiến tao, tao sẽ ghi nhớ mày chiến tao; rằng: bố định đánh con như xưa, không thêm lần nào nữa đâu, con không ở với bố được nữa rồi


nói xong tôi xách túi lao ra cửa. Rồi tôi nghĩ chưa xong việc. Tôi bê chồng sách vừa nhận lên nhà, đi cách bố tôi mấy bậc cầu thang. Tôi bình tĩnh lên sân thượng trồng nốt 6 cây đang trong bịch đất. Rồi quét sạch sân, rồi đẩy các chậu cây vào vị trí phù hợp với chúng. Rồi xuống phòng lấy giấy tờ tuỳ thân, tính thế là đủ. Nhớ ra cần quần áo, tôi nghĩ tôi sẽ ở chỗ nào loanh quanh đây thôi nên tôi lấy toàn quần áo mặc thường, giờ mới thấy dở. Việc tiếp theo là mang đồ ăn của emi xuống tầng 3, trông cậy vào Loan cả


xong xuôi tôi ra khỏi nhà. Như chạy trốn việc tôi đã và sẽ vung tay vung chân với người sinh ra mình. Chạy trốn diễn biến tôi mơ, dù biết rõ tôi đã bắt gặp định mệnh trên đường chạy trốn nó


những giấc mơ khủng khiếp, năng lực tiên tri thông qua giấc mơ thế này, nó là lời nguyền khốc hại. Thôi tôi nhảy xe phướn đây

25.11.22

giáo dục

 



Tạm biệt thầy Chips là một câu chuyện giáo dục, bối cảnh ở Anh cuối thế kỷ 19 đầu 20 được James Hilton viết dựa trên những trải nghiệm cá nhân thời niên thiếu với hình mẫu người thày, ngôi trường có thật. Đây cũng là một tác phẩm rất Anh, ở tính sương mù trong kết cấu truyện, giọng văn miêu tả có phần lạnh, bàng quan của đảo [không đất liền]. Tôi thấy mình xưa giờ vẫn vậy, sao hợp cái cổ lỗ bảo thủ, tẻ nhạt ảm đạm như sương mù ngoài đảo của người Anh thế


thày Chips là giáo viên đáng kính dạy môn tiếng La tinh - một ngôn ngữ được xem là tử ngữ từ thế kỷ 19; trong truyện có đoạn thoại rất hay, giữa thày Chips với vị hiệu trưởng trẻ tuổi về cách thày dạy và tại sao thày không thay đổi cách dạy bị cho là lạc hậu không còn đúng với giáo dục tân tiến thế kỷ 20. Nhưng chính tính chất bảo thủ này của người thày mà người phụ nữ vợ thày Chips - nguồn độc sáng, có tác động tích cực đến thày về sự cởi mở trong tư duy sau này tạo nên những suy nghĩ có phần khác thường của thày: những suy tư về phẩm giá và lòng độ lượng ngày càng trở nên hiếm hoi trong một thế giới đảo điên [bối cảnh truyện có giai đoạn gắn với Thế Chiến I]. Thày Chips chính là biểu tượng của ngôi trường cổ kính Brookfield, một người đàn ông không con có hàng ngàn đứa con ở ngôi trường mình đã gắn bó từ lúc còn là một thanh niên mới đứng lớp phải tỏ ra khó tính để thiết lập kỷ luật với học trò cho đến tận buổi sáng ngày mà thày qua đời ở tuổi đã rất già như một người bạn, người anh lớn của các lứa học sinh trường Brookfield


 

giáo dục như là cách các biểu tượng hình thành nên, chính là như vậy, nó tạo nên cho con người ta ý thức sáng tạo một cách tự do những điều tuân theo cảm tính, một cách tự nhiên gắn ý luận, tinh thần của mình vào với hình thức, hình ảnh mà ta tri nhận. Từ đó, cá nhân có cảm năng. Hành trình học tập của mỗi người, trên con đường này, trong thế giới này, khi rơi rụng, trôi dạt đi hết, cái còn lại mới chính là cốt lõi và thành quả của giáo dục: sự tri nhận, cảm tri về tất tật mọi sự chung quanh. Lúc ấy thì mới về nhà


Tạm biệt thầy Chips là món quà một tiểu iêu tặng tôi 20.11 vừa rồi, năm ngoái 20.11 nó tặng 3 quyển Những cảnh đời tỉnh lẻ [mà lúc vội tôi đã hiến sang nhà bạn, đợt lâu bảo mang bộ ở nhà sang đổi lấy bộ có lời đề tặng về mà quên]. Tôi không cần đính chính rằng mình không làm nghề giáo vì việc này ai cũng biết, ngữ tôi thì học hành dạy dỗ gì :))) nghề mà tôi sợ nhất chính là nghề giáo, công việc hãi nhất là làm thày là dạy học. Nhưng tinh thần của người tặng cho rằng "chị đã chỉ bảo, khuyến khích và đồng hành cùng em qua nhiều kinh nghiệm. Nên là, chuyện nó là như thế"


con mắt tôi không thích nhân vật thày Chips đầu truyện, có lẽ sau khi thày gặp người phụ nữ thời gian ngắn sau đó trở thành vợ thày, người có tác động căn cốt khiến thày Chips trở thành một thày Chips sáng tạo trong tư duy thì tôi thích hơn. Tôi vốn là người không thể tìm được tiếng nói chung với thày cô giáo hay hoà nhập với môi trường giáo dục trong suốt những năm tháng gọi là đi học/đến trường [thậm chí kể cả môi trường giáo dục đó là gia đình và thày cô là bố mẹ, người lớn trong nhà], ghét cay đắng trường lớp nên không bao giờ có chuyện đi họp lớp hay về thăm thày cô trường lớp, thế nên không tính đọc Tạm biệt thày Chips, nhưng vì mấy nay quyển sách nó gần tay, lại đang nghỉ giải lao giữa các trang ngoại văn nên tôi đọc đổi gió, gió sương mù ở đảo 

16.11.22

gatekeeper



 ngủ thôi, viết lách gì giờ này 

3.11.22

tấu hài

 



với tôi tiểu thuyết Tia lửa như thước phim thực tế về những thăng trầm của nghệ sĩ hài trong xã hội Nhật Bản. Tác giả Matayoshi Naoki sinh năm 1980 là một nghệ sĩ hài nổi tiếng ở Nhật; đi theo câu chuyện của Tia lửa, ta mường tượng, đây như một phần cuộc sống tuổi trẻ đam mê tham vọng sống với nghề của chính tác giả, và khát vọng [phải có "vọng"] được bừng sáng rực rỡ giữa màn đêm bất tận, dù chỉ trong giây phút ngắn ngủi như màn pháo hoa mở đầu và kết thúc Tia lửa


hai nhân vật chính của truyện, Tokunaga mới vào nghề với nhóm hài Sparks và Kamiya có thể coi là đàn anh vừa bập vào sườn dốc bên kia sự nghiệp nghệ sĩ hài trong nhóm Xuẩn Ngốc. Tokunaga chịu thoả hiệp làm công việc tay trái lấy ngắn nuôi dài; Kamiya kiêu hãnh, cực đoan triệt để, nhất định suốt đời không làm gì khác ngoài nghệ sĩ tấu hài bất chấp thực tại phải sống bằng vay mượn tín dụng, tụng kinh Đại Ngốc bằng giọng quyến rũ lòng người rồi nhận vài xu lẻ sống cuộc sống ngày nào biết ngày đó, không gồng gánh những thứ không cần thiết. Tokunaga bị ảnh hưởng bởi phê bình; Kamiya thì cho sự phê bình của kẻ khác với mình là "xạo sự", thẳng thắn cảm nhận mọi điều mặc cho mình thành tên ngốc, không bị chi phối bởi ý kiến của người khác, điều Kamiya quan tâm không phải là thế gian mà là cái gì đó có lẽ sẽ làm thế gian phải nhìn lại, thế giới ấy có thể cô độc nhưng sự cô độc ấy lại tạo trở lực để bản thân sáng tạo. Tokunaga không hề biết xu nịnh ai; Kamiya có năng khiếu xu nịnh nhưng lại không làm thế... 

 

những nhân vật trong Tia lửa "không biết từ khi nào chúng tôi đã đi thật xa" đi trong tình trạng hoàn toàn không thấy tương lai, vật lộn với nỗi hổ thẹn và sợ hãi không rõ hình thù, sợ chính bản thân sẽ từ bỏ giấc mơ... để cố gắng tồn tại với ước mơ, tham vọng được sống với, bằng nghề tấu hài


"nghệ sĩ hài - sứ mệnh tuyệt đối của họ là mang đến những màn tấu hài thú vị, mọi hành động thường nhật đều vì mục đích tấu hài. Người diễn được bài đã chuẩn bị khi đến giờ diễn đáng nể lắm rồi nhưng có người sinh ra lại không biết mình là nghệ sĩ tấu hài, chỉ thầm lặng làm anh bán rau [...] tấu hài không phải là sản phẩm của người có thể tưởng tượng được ra chuyện hài hước mà là sự phơi bày hình ảnh chân thực, không giả dối của con người. Nói cách khác, kẻ thông minh thì không thể làm được, chỉ có kẻ ngốc chính hiệu và kẻ ngốc tin mình là người thật thà mới làm được thôi [...] phải sống hết mình vì tham vọng. Kẻ nào nói nghệ sĩ tấu hài là phải thế này thế kia thì vĩnh viễn không bao giờ thành nghệ sĩ tấu hài được. Chỉ tốn thời gian để gần trở thành nghệ sĩ tấu hài thôi chứ không thành nghệ sĩ tấu hài thực thụ được đâu. Chỉ gọi là bái vọng thôi. Nghệ sĩ tấu hài thực thụ, nói một cách cực đoan thì dù có bán rau cũng vẫn là nghệ sĩ tấu hài"


với bất kỳ nghề-nghiệp, công việc nào, như sự đọc chẳng hạn, đặc biệt là sáng tạo. Quan trọng là làm hỏng thế giới tươi đẹp, thế giới tươi màu bằng cách nào; có làm vậy thì một thế giới đẹp tuyệt vời trên cả hiện thực mới xuất hiện; thế giới không được "chơi" hết mình thì có gì đẹp đẽ đâu; làm hỏng thế giới tươi đẹp cũng phải bằng một thanh gươm chơi tới cùng. Giống như phải làm quá lên thì mới hay mới tốt, làm quá lên rồi bị người lớn mắng cho ấy; cực đoan cũng được vì không chấp nhận sống bằng thước đo, tiêu chuẩn, vì nó như prison - imprison [James Wood trong bài viết giới thiệu Nausea có nói tới imprisonment của Sartre và Camus, tìm là thấy]; lấy tiêu chuẩn để cân đo sẽ khiến mắt ta mờ đi không nhìn được bên dưới đằng sau những thức khác. Con người liên quan đến sáng tạo thì buộc phải biết tách khỏi thước đo, phải phá, dẫu cảm giác rất dễ lệ thuộc vào các thước đo, tiền lệ... chính vì lẽ đó, nhân vật Tokunaga tự quyết tâm rằng, vì cuộc đời của chính mình, phải ra sức phủ nhận đàn anh Kamiya [đến đây nhân vật Tokunaga làm tôi nghĩ đến chàng tuổi trẻ trong Núi thần của Thomas Mann]


điểm nhấn của Tia lửa chính là kết truyện. Thường, người đọc nghĩ về truyện Nhật, người như Kamiya rồi sẽ đẩy mọi thứ hiện thực vào miền quên lãng bằng cái chết, anh chỉ cần đàn em Tokunaga nhớ đến mình [nên thường hỏi Tokunaga vẫn viết tiểu sử về anh đấy chứ] nhưng không. Tác giả là một nghệ sĩ hài, anh để cho Kamiya dù thế nào cũng phải tấu hài, bởi đấy chính là thế giới tinh thần của Kamiya: con người ai cũng là nghệ sĩ hài hết, chỉ là nhận ra hay không thôi, và quan trọng là tấu hài chính mình. Kamiya tấu hài chính cuộc đời mình như một tên Xuẩn Ngốc, bằng cả tâm hồn và hình thức, một hình thức không là tâm hồn anh nhưng lại chính là tâm hồn mà anh luôn sống 

nó là tuổi trẻ, là sống - sống là gì; như Nietzsche: you must be ready to burn yourself in your own flame; how could you become new if you have not first become ashes; như Neil Young nói khi đang uống rằng, it's better to burn out than to fade away [mà sau đó đã được đặt vào lyrics hey hey my my]


vĩ thanh: một câu nói của Kamiya, đại ý: Tokunaga không giỏi ăn nói nhưng lại có con mắt âm thầm quan sát nên chắc chắn hợp làm người chấp bút tiểu sử; đã dẫn tôi lôi Chesterton ra làm quen bằng the poet and the lunatics, bởi Chesterton thì chấp bút tiểu sử hơi bị nhiều [mùa thu 2020 tôi mới biết điều này, qua một giấc mơ]


dở là: ngại đọc cái gì lạ lẫm, hay nhỏ bé vô danh; thích thì thử, quan trọng là để cái ta đọc tự nhiên kể cho ta một phiên bản khác của suy tưởng, nôm na là nghe con tim mình mách bảo; dở là: nghe người mà ta ngưỡng mộ đọc, còn tất nhiên phải tránh sự đọc của đám đông... việc đọc là đọc suy tưởng của chính mình thông qua ý luận của tác giả, sự suy tưởng có thể đi tới vô cùng khả thể, không ai dám chắc cái mình viết ra sẽ sống đời sống thế nào rẽ hướng ra sao trong tinh thần kẻ khác, cũng không thể biết nó có thể gợi hứng thế nào, thậm chí là không liên quan và phản thùng nhau... như vậy thì quá đáng để chơi 🙂


ps. hình như là tận 3 người dịch chứ không phải 1 


2.11.22

tứ tứ




đầu tuần trước mẹ con Nếp báo thứ bảy bác trông con cả ngày giúp em. Nhận tin xong, đêm nào đó quãng giữa tuần bác con Nếp ngủ mơ: tôi vừa viết một bài gì đó giọng nghiên cứu/truy tìm đào bới [chắc do trước ngủ tôi đọc Tâm hồn và hình thức], xuất hiện cột mốc năm sáng tác và tôi còn note lại trong đầu là lát mình sẽ đi tra lại cái mốc này vì hình như nó không khớp với những gì tôi đi theo tiến trình sáng tác và lần theo các tài liệu từng đọc trước đấy, khi chưa kịp soát lại bài viết, tra lại cái mốc đã note và các cái cần tra thì tôi buộc phải buông việc đang làm để chạy quáng quàng đi đến một môi trường giống nhà trẻ mẫu giáo để đón một đứa trẻ, ra khỏi cửa lớp rồi thì bỗng đứa trẻ nói muốn đi ị, tú sợ quá xốc nách nó bế chạy thẳng lại lớp học cầu cứu các cô giáo cho cháu bé đi vệ sinh giúp 😂🤣, trong khi các cô đang vào giải quyết ca vệ sinh của đứa trẻ nhà tôi thì một đứa trẻ khác mặc áo và bên dưới đóng mỗi cái bỉm, chân đi còn không vững, vừa đi vừa khóc tiến về phía nhà vệ sinh, vào đến sát cửa rồi mà không hiểu bỉm biếc đóng thế nào, một dòng nước tiểu vẫn tồ tồ chảy lóc chóc bắn tung toé trên sàn, và rồi đứa bé nhà tôi khóc, đứa ngoài cửa tồ tồ đái có bỉm như không cũng khóc, nhìn thảm hoạ quá nhiều trẻ con khóc, quá nhiều bỉm biếc tôi nghĩ bụng tú ơi dậy thôi mơ ngủ thế này thì ngất 3 cuộc đời


tỉnh dậy tôi nghĩ, nếu đang viết một cái gì đấy mà phải buông để con cái bỉm biếc chắc tôi không qua nổi, tôi ghét chính tôi vì tôi không thể kham nổi cuộc đời đang là tôi; chắc một cuộc đời nào đó tôi phải làm mẹ; may quá không phải cuộc đời này của tôi; và bất tiện quá cho một cuộc đời nào khác cũng của tôi


tối thứ sáu tôi chuẩn bị tư thế thứ bảy chiến đấu trông cháu thì may quá mẹ cháu nhắn thứ bảy con đi cùng vợ chồng em, con không về ngoại ạ. Đến chiều thứ bảy mẹ con Nếp lại nhắn bác ơi mai bác trông con cả ngày giúp em. Thế là chủ nhật rồi nó ở với bà và bác cả ngày, cứ lúc nào bỉm biếc là bác hô Loan ơi hộ con 


nay thứ tư, chiều nó đi học về không hiểu sao cứ gọi tứ tứ, ra là biết nhớ rồi cơ, nhớ bác tú :)))) có lẽ bác nó đổi tên tú tú thành tứ tứ cho tiện

29.10.22

papaya tree

 



đợt rồi mua sách online không tính mua Inside out and back again, nhưng quyển sách cứ gọi nên ở lần trượt điện thoại lướt lại một lượt trước khi chốt đơn sách thì phóng ảnh nhìn rõ quyển sách [mắt tôi cận lòi]. Khi thấy tên tác giả, nghĩ oh Việt Nam và nhìn bìa gắn Newbery honor [mình hay đọc truyện trẻ em thanh thiếu niên giải này] thì mình để lại comment đặt mua trên page bán sách. 10 ngày sau nhận sách, cầm Inside out and back again đọc text bìa thì nắm được cốt truyện xoay quanh hành trình tị nạn của một gia đình ở Saigon rời Việt Nam vào đoạn cuối lịch sử 30/4/1975 và cuộc sống sau hành trình vượt biển đến mảnh đất mới, nơi được cho là mảnh đất cơ hội hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người "như chúng tôi". Nhưng khi mở sách đọc mình ngạc nhiên: đây là thơ [chính vì thế mà quyển sách này xen ngang rất nhiều quyển sách đang đọc, không chút liên quan với mối quan tâm đọc hiện nay của tôi]


Inside out and back again được viết dưới dạng thơ tự do, có thể gọi là tiểu thuyết thơ. Câu chuyện chia làm 4 phần: Saigon, At sea, Alabama, From now on, được kể theo trình tự thời gian bằng cái nhìn của nhân vật tôi - cô bé Kim Hà 10 tuổi nhạy cảm, kiên cường, ương ngạnh và hay suy tư. Câu chuyện thơ được viết như một cuốn nhật ký, ứng với 4 phần là: Tuổi thơ một cô bé 10 tuổi trong thời khắc cuối cuộc chiến - lênh đênh trên biển và tị nạn ở "tent city" - đến được Alabama, Mỹ sinh sống, học tập [trong thập niên 70 thế kỷ trước, nạn phân biệt chủng tộc ở đây rất nhiều vấn đề nhức nhối] - và cuộc sống tiếp diễn xoay vòng đan xen cái cũ cái mới, ta quen với cảm giác nó là như thế, đang và sẽ cứ như thế trôi

đây có thể coi là bán tự truyện của tác giả Thanhha Lai, như bài viết cuối sách tác giả nói: phần lớn những gì xảy ra với cô bé Kim Hà, những sự kiện chính trong sách, cũng xảy ra với tôi. Chất liệu của tiểu thuyết thơ này được lấy chủ yếu từ chính những ký ức tuổi thơ của tác giả cùng gia đình tháo chạy khỏi Saigon sau 30/4/1975 rồi cập bến Thailand và tới được thành phố Montogomery, bang Alabama, Mỹ để rồi lại rơi vào trận chiến trong thân phận ngoại bang về con người, văn hóa, lối sống tại đây. Với cách lựa chọn viết tiểu thuyết thơ, các câu ngắn, cấu trúc ngữ pháp khác đi, đảo trật tự từ, cách ngắt câu, cấu trúc và nhịp của chữ tạo cảm giác khoảng lặng rất nhiều. Như cuối sách tác giả chia sẻ, Truyện Kiều của Nguyễn Du bà đã đọc nó suốt 3 thập niên và bà hằng ngưỡng mộ ông về cách mọi sự có thể thâu tóm chỉ trong, bằng một câu thơ; có thể chính niềm cảm hứng Nguyễn Du gợi lên trong bà mà cách viết thơ của bà cô đọng hình ảnh rất đặc trưng dẫu chỉ dùng các câu cực ngắn. Đây chính là yếu tố khiến một câu chuyện về hành trình di cư tị nạn vốn không xa lạ trở nên ấn tượng mạnh, gần gũi và gợi được nhiều cảm xúc, suy nghĩ trong người đọc. Trong chính khoảng lặng giữa các câu thơ ngắn súc tích, các khổ thơ, các bài thơ và dấu mốc thời gian cuối mỗi bài, người đọc như được sống cùng nhân vật cô bé 10 tuổi Việt Nam đối mặt với cuộc sống ở một nơi mới mà không sao gác sang bên ký ức về quê hương [về người cha, cây đu đủ sau nhà, "nước mấm", Tết...]


trong khoảng trống trang sách, ta nghe thấy tiếng thổn thức vô thanh, được cô lại trên một bếp lửa âm ỉ. Giọng của cảm xúc kìm nén và tiết chế. Viết là cách để trút ra và giữ lại, đồng thời; dẫu đau đớn nhưng không kém phần nguôi thoả, luôn là thế


vĩ thanh: độ 8 - 9 năm trước tôi có đọc Phật ở tầng áp mái, văn xuôi nhưng có những trang, câu, dập nhịp ngắn, nhanh. Tôi luôn có cảm giác, cấu trúc ấy tạo nhịp cho câu, cho chính cấu trúc của từ, ngữ nghĩa khác đi. Khi nó nhanh nó làm người đọc cuốn đi theo cơn lốc cảm xúc của người viết, thổi bùng. Khi nó là các khoảng trống, khoảng lặng, nó đánh động người đọc đọc diễn biến tâm lý và biến chuyển ý thức của người kể chuyện; đi cùng và sống trong 'trường' ấy. Vô tình, Phật ở tầng áp mái và Inside out and back again đều là những người phụ nữ châu Á cùng thế hệ, di cư sang Mỹ 


ps. nhà nào làm quyển này đi


24.10.22

ngốc dai ngốc mãi


"Tôi viết để làm vui đứa trẻ trong tôi, và tôi chỉ có thể hy vọng rằng những đứa trẻ khác cũng cảm thấy vui theo cách đó"[Astrid Lindgren]

đọc bất kỳ truyện thiếu nhi nào, mình luôn nhìn thấy niềm vui thơ trẻ của mình qua bọn con trai trong truyện, thế mới tài :p; còn bọn con gái thì ngàn đời khó hiểu, rắc rối, ngốc dai ngốc mãi 

16.10.22

quy đồng

 



giờ chỉ có nước thụt két nào đấy có 100tr để 6 tháng không phải lăn tăn gì chuyện tiền nong, chỉ chăm chăm tập trung học thì mới vào saigon chơi vì đi chơi là phụ, đi học là chính 😂🤣


anh bạn đùa, reply tin về thày chiropractic tú ưng, rằng: có thày giáo dạy toán cao cấp đây nhưng chắc em không cần học môn này :))). Tới đoạn này kể câu chuyện mấy ngày trước ngủ mơ


chuyện là mình hay mơ về một trường quân sự và một trường có vẻ dạy kiến trúc; thế mà 3 đêm liên tiếp mấy ngày trước mình mơ phải vào một lớp học toán cao cấp của ĐH Bách Khoa HN [ngôi trường nổi tiếng học toán cao cấp khó], và người đứng bục giảng lại là một người mình biết thuộc về phía văn chương thơ ca. Anh ấy yêu cầu mấy người ngồi gần mình lên bảng giải bài, mình còn nghĩ "anh định kiểm tra em à" cơ, nhưng không :))). Mấy người xung quanh đi xong, anh hỏi tội mình: cái thằng hay đưa em đi chơi tên gì, thằng trông có vẻ bô trai :))). Mình quay qua hỏi các chiến hữu: này, đứa hay đưa tôi đi chơi tên gì í nhỉ, đứa bô trai đẹp trai; và các chiến hữu đọc tên đứa đó ra; tôi trả lời anh xong, các chiến hữu đế vào nhầm họ rồi, nó họ abc không phải xyz; thế là tôi lại sửa lại câu trả lời, bảo "nhầm nhầm, họ abc không phải xyz". Anh cười hắt, tiến sát tôi nói: vui không 🤦🏻‍♀️. Rồi rời đi, tiến lên bục chữa bài. Trên bảng là các phép toán phân số rối rắm, cái đặc biệt là: tử số chỉ gồm x hoặc y nhưng mẫu số là các đa thức nhiều tầng như những chiếc lá; tôi nhìn mẫu số và ngồi vẽ trong tưởng tượng những chiếc lá, từ những chiếc lá tôi nhìn rộng ra khắp bảng là một bức tranh; như là anh đang vẽ bức tranh trong đó, tận cùng của góc bảng là một hộp màu trắng để góc dưới cùng của một giá sách kiểu thanh chống, trên hộp ấy có các ký hiệu mở màn bằng số 2 mấy [khi tỉnh dậy tôi không rõ 22 hay 28 hay 2 mấy] và các chữ cái


mẫu số như một bức tranh từ những chiếc lá, răng cưa của lá phát ra những bố cục lẻ là chữ tuôn không ngừng, tạo thành một bức tranh vẽ căn phòng có vẻ nhiều sách. Mẫu số thế này thì quy đồng không dễ, nếu không phân tích, sắp xếp và đưa nó về đơn giản; phải nhìn ra trật tự của những rối; nhìn được thì sẽ thấy đơn giản; không nhìn được thì... 


tỉnh dậy sau 3 ngày liên tiếp mơ học toán cao cấp của Bách Khoa HN. Vừa buồn cười vừa lạ lùng chán ngắt

3.10.22

Đò chiều - Trúc Khê Ngô Văn Triện




Tuyển tập Thơ văn Trúc Khê (Ngô Văn Triện) hai tập trong ảnh, tôi bỏ qua tập 1 và bắt đầu đọc vào luôn tập 2 khi ngó thấy tập 1 là tiểu thuyết lịch sử, danh nhân truyện ký [Hùng Vương diễn nghĩa, Trần Thủ Độ, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát]


tập 2 thì tôi bập vào tiểu thuyết Đò chiều trước tiên, thế lại thành hay; bởi sau đó, tôi gần như chắc chắn Đò chiều có nhiều chi tiết lấy từ chính cuộc đời của Trúc Khê, ít nhất đây là tiểu thuyết bán tự truyện

chi tiết ngay đầu truyện, nhân vật Quân nghĩ mình "từ ngày trở lại đất Hà Nội, đối với các bạn cũ tôi chẳng tìm đến ai cả. Vì không biết các bạn ấy có còn muốn chơi với mình nữa hay đã coi là vật bất tường mà muốn tránh xa" ứng với giai đoạn Trúc Khê gặp rắc rối với chính quyền thuộc địa, nhưng con mắt của người đi lần lại lịch sử là tôi, thì không lần ra được cụ thể rắc rối, hoạt động gì khiến Trúc Khê gặp các vấn đề với chính quyền, "nhân một việc biến, chàng đã phải rời khỏi Hà Nội một thời gian mấy năm đằng đẵng"

chi tiết nhân vật Quân ở căn gác nhà số 67 trước vườn hoa Cửa Nam thì sau này tôi biết ở đó là địa chỉ nhà in. Ngay sau đoạn nhân vật Quân nói mình ở căn gác nhà 67, Quân đứng lại thẩn thơ bên Bờ Hồ và lan man nghĩ lại những chuyện cũ, đoạn này là cỡ 2-3 trang "tiểu sử"

chi tiết hay nhất có lẽ là mối tình của Quân với người phụ nữ tên Lục Hà. 2 câu thơ Quân đọc cho Lục Hà nghe trong Đò chiều có thể lấy từ chính tập thơ Chợ chiều: "Tôi còn ước muốn gì hơn nữa./ Gặp gỡ nhau trong buổi chợ chiều"; về sau, khi trở ngược đọc các bài thơ trong tập Chợ chiều được tuyển vào tuyển tập này thì mệt mề ghê, không có bài thơ nào tên Chợ chiều. Nhưng cái hay là có bài thơ Thần hoa. Ở đây có một đầu mối: Ngân Giang đến thăm nhưng Trúc Khê đương ngủ trưa, nữ sĩ để bài thơ lại rồi về. Tỉnh dậy Trúc Khê làm bài Thần hoa [1940] và bài thơ này đăng trên Tiểu thuyết thứ bảy năm 1949. Hoàn cảnh ra đời bài thơ, chính là một chi tiết trong tiểu thuyết Đò chiều và bản thân cái tên Lục Hà trong Đò chiều và Ngân Giang nữ sĩ ngoài đời, là thế đấy. Ngân Giang có bài thơ Suối ngọc gửi Trúc Khê: Chẳng qua là định mệnh/ Thiếp nào phụ cố nhân; còn Trúc Khê thì làm bài thơ Vụng tu để đáp lại. Mối tình đúng là như Đò chiều "gặp gỡ nhau trong buổi chợ chiều" [không biết có nên đi tìm thơ của Ngân Giang không, Ngân Giang có tập thơ]



phần Tạp văn - Bút ký - Biên khảo ngắn, tôi có để ý đến bài Trả lời ông Phan Khôi về câu chuyện vũ trụ quan của Khổng Tử [có vẻ không chỉ bài này, mà Trúc Khê đụng Phan Khôi đáng kể], cuối bài này Trúc Khê chua một câu theo đúng ngữ điệu của Phan Khôi: "hình như ông Phan Khôi đến hay nói mò" :))). Hôm nào có thời gian và tôi nhớ ra được, tôi phải đi tìm Trúc Khê - Phan Khôi luận chiến chủ đề Nguyễn Trãi [làm sao đỡ phải đọc thì tốt]

các bài khác, tôi để ý là Kim Vân Kiều lục, Khảo về Đạo giáo [bài này tôi thích, đọc 2-3 lần dù ít nhớ] và đặc biệt thích bài Những tài liệu mới về nữ sĩ Đoàn Thị Điểm [đêm ấy đọc chi tiết Đoàn Thị Điểm bấm tay liệu việc (chắc bấm độn) và bà ốm, từ giã vào năm Bính Dần, ngày 11.9; tự nhiên rùng mình] bài này cung cấp nhiều thông tin về Đoàn Thị Điểm và Chinh phụ ngâm, tôi vốn có để ý Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương thì không


phần dịch thơ, Trúc Khê dịch Lý Bạch nhiều, có thích bài Ký viễn, lần đầu đọc bài này của Lý Bạch; Đỗ Phủ thì thích bài Giai nhân. Thật ra không thích thơ dịch, đọc nguyên tác ra nhịp, hiểu đâu thì hiểu, thích là thích thôi. Cũng không hiểu sao đọc Trúc Khê làm tôi lại đi tìm hiểu Đỗ Mục, đến giờ tôi cũng không nhớ được duyên do


trong tuyển tập có trích một số Truyền kỳ mạn lục Trúc Khê dịch, hôm rồi khi đọc lại tôi mới hay rằng tôi không nhớ đoạn kết của Chuyện người con gái Nam Xương, đọc lại mới ồ hoá ra kết là thế, trước đi học mình chẳng nhớ gì. Phần Tình sử dịch từ nguyên bản tiếng Trung, tôi thích truyện Vương Sinh [vì tôi hay nằm mơ việc xảy ra thật, truyện này để lại cho tôi mối tơ vò] và Vương Kiều; tôi thích chất tình liêu trai của 2 truyện này


hôm nay cố gắng đọc tập 1 của tuyển tập, thôi cố gắng được Cao Bá Quát [có bài tựa của Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố] và Nguyễn Trãi [Hoa Bằng viết tựa]. Hùng Vương diễn nghĩa và Trần Thủ Độ thì không cố nổi, không thể chịu nổi lịch sử cho dù là tiểu thuyết lịch sử


tìm kiếm trên mạng, Trúc Khê Ngô Văn Triện không có gì thêm ngoài mấy bài thơ, và vẫn không có bài thơ nào tên Chợ chiều. Dưới các bút danh khác cũng không thêm gì, ngay cả Cẩm Khê. Lạc vào trang nào đó của Ngô tộc, không có gì. Có vẻ để tìm được sách của Ngô Văn Triện dưới các bút danh không phải chuyện đơn giản. Còn để tìm đường thông sang người bạn Nhượng Tống của Trúc Khê thì lại càng cần cái sàng mắt lưới mau hơn nữa, phải tinh, việc này ngoài sức. Trong tuyển tập này có duy nhất một bài liên hoàn ngâm thơ 18.08.1940 tại nhà Trúc Khê ở Xuân Phương Từ Liêm, người dự ngoài Trúc Khê còn có Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính, Ngọc Giao và hoạ sĩ Nguyệt Hồ [Ngọc Giao và hoạ sĩ ngồi dự, không ngâm thơ]; trong thơ có bài đề tặng Trúc Đình, Viên Nguyệt, Trần Huyền Trân, có nhắc đến Vũ Canh Sinh Vũ Trọng Thuỵ


đây là lao lục [lao động chữ nghĩa] chứ không phải cái đọc hưởng thụ của tôi, phước thay tôi hiếm khi nào phải đọc mà khổ thế này :))))



30.9.22

lost in forgetfulness

 



ra khỏi cửa quán cà phê chỉ cách nhà chưa đầy 500m mà tôi có thể đi lạc dưới hầm đi bộ 30 phút, lên xuống không biết bao nhiêu lần cầu thang, đứng ở các ngả ngã tư để nghĩ về nhà mình mà vẫn loay hoay không về đến nhà. Tôi nghĩ đến một giấc mơ nửa năm trước tôi cũng đi lạc như thế này, đi lên đi xuống các tầng hầm các chốt cửa, tôi còn nghĩ bụng trong giấc mơ rằng: "mình lại lạc đường, lại lạc ở chỗ quen thuộc này, về gần đến nhà mà mình còn lạc, không biết có khi nào mai mốt ngoài đời cũng sẽ bị lạc như trong mơ thế này không"; khác là trong mơ về đến đầu phố thì nước ngập tôi không lội về nhà được, còn lúc này là trên đầu tôi mây đen kịt, thi thoảng một hạt mưa đi lạc sa xuống vai áo tôi


tôi lững thững đi trên đường rồi lại đi xuống hầm rồi lại ngoi lên đường và lại xuống hầm. Tôi nghĩ về ngày nhỏ tôi là đứa trẻ chậm chạp thế nào, bố tôi quát tháo suốt ngày vì tôi tối dạ vì "đầu to như cóng nước đái" [bố nói vậy, còn tôi thì nghĩ đầu mình to như trẻ down đần], về việc trời mưa không bao giờ tôi chạy, lúc nào tôi cũng lững thững bất kể mưa nắng với ý nghĩ dù có chạy hay rảo cái chân thì nắng vẫn nắng mưa vẫn mưa vẫn ướt [cậu bạn don juan bảo: hoá ra lấy vợ mưa không biết chạy vào nhà không phải là truyền thuyết, có thật hả tú], và tôi luôn luôn không nhớ được đường hướng. Tác phong phản ứng của tôi khiến mọi người nghĩ tôi đần độn trêu ngươi chọc tức, chứ thật lòng tôi cố gắng để nhanh nhẹn để hoàn thành những việc được giao lắm rồi, chỉ có điều tính tôi quá lững thững đủng đỉnh nên sự cố gắng thay đổi của tôi không thấm vào đâu cái kỳ vọng mọi người giáng xuống đầu tôi. Phải nói là qua được 18 năm đầu đời như mũi tên phóng ra khỏi cung tên của nữ chiến binh, tôi lao vút đi mà đến giờ vô cùng hài lòng vì thế mèo nào 18 - 20 năm khốn khổ với chính mình và kỳ vọng của mọi người cũng đã qua, vì dẫu cho có bất kể điều gì xảy ra thì tôi vẫn cứ lững thững vậy. Nó như định mệnh rồi. Bố tôi mắng chửi rất nhiều về những điều ấy thì cũng có khác đi được đâu


hôm nay tôi đi lạc và trên đầu một cơn mưa đang tới kêu gọi một tác phong khác đi để sớm về tới nơi trú ẩn. Thật lòng tôi cũng muốn về tới nhà cho xong, nhưng tôi cứ lạc mãi dưới hầm lững thững đi với ý nghĩ thôi mưa thì ở dưới hầm có làm sao. Thế rồi thế nào tôi nhìn lên cửa hầm thì thấy có vẻ quen quen hình như đúng cửa hầm dẫn thẳng về nhà rồi


thế là về nhà, không dính mưa, chỉ ướt người vì quá trời bồ hôi [dù đã dừng ở vỉa hè mua lavie để tiện xin một cái nịt trói tiền buộc tóc lên]. Nước trời không đến mà nước người thì túa ra như mưa tuôn rơi 


ăn cơm thôi. Memory loss 🐣

28.9.22

cyan flower



độ mươi mười lăm ngày trước, tôi ngủ mơ một cô gái mặc bộ váy thướt tha màu xanh lơ [cyan] tía tía ánh bóng cứ vừa đi xa khỏi tầm mắt của tôi, vừa nghiêng mặt cười với tôi, trên đầu cô ấy đội gì đó như bông hoa xếp lớp từng cánh hoa mọng nước. Ngay lúc ấy tôi nghĩ, "cô tiên" này giống một bông sen đá quá, sen đá thì cánh mới mọng vậy được. Khuôn mặt của cô là khuôn mặt của người phụ nữ cho tôi cảm giác phồn thực mắn đẻ, lúc ấy tôi nghĩ ngay đến một người phụ nữ "ngoài đời" mà tôi biết và nghĩ bụng là type đó đó, cô tiên sinh đẻ


thế là từ hôm ấy tôi đi tìm sen đá màu cyan và vì nhìn ngắm sen đá nhiều, cả tuần trước tôi đi ngủ với những giấc mơ hoa đẻ hoa nở màu sắc vô cùng kỳ diệu. Tỉnh dậy còn tiếc hùi hụi những bông hoa tuyệt vời trong mơ của mình, có ai từng hạnh phúc như mình không khi nhìn ngắm những bông hoa như thế


đấy là nguồn gốc tôi đòi trồng sen đá. Tôi là dạng đi theo những giấc mơ. Trong ảnh tôi đang dạy emi phân biệt chậu sen đá và chậu cát vs của nó, chớ có nhầm lẫn mà ăn kỉn 😝

26.9.22

đọc người đọc viết - đọc nhà văn đọc

 



có lẽ sự đọc thuần túy là hưởng thụ khi thông qua việc đọc người khác viết/kể khiến người ta đọc suy tưởng của chính mình; nó là chuyện về những cái mà câu chuyện/truyện khiến ta suy tưởng. Văn chương là gì nếu không tạo ra biến cố về ngôn ngữ trong tâm trí con người, nó không đơn thuần “lật tẩy ảo tưởng của những nhà tu từ học tưởng rằng chỉ cần đùa với từ ngữ là đủ để phát minh ra tư tưởng và những ảo tưởng của những nhà văn hiện đại nhìn thấy nơi từ ngữ một trở ngại cho tư tưởng”


cũng như nhiều người đọc khác đọc tập thơ Khách của Nguyễn Chí Hoan, dễ thích ngay các bài thơ/một vài câu dưới đây; còn lúc này khi đã đọc tập thơ khoảng 5 lần thì bài thơ Nói, cuối cùng đã đứng đầu trong những bài tôi thích, ban đầu ghim vào đầu luôn là Mưa sáng, Bạch [khổ cuối, thật ra tôi không thích câu cuối cùng], rồi mới đến Nói; nhưng sau mỗi lần mở hú họa một bài nào đó thì tôi vẫn quay lại Nói để đọc [ở lần thứ 3 đọc tập thơ tôi đã gần như chắc chắn tên cho văn bản này là “dốc ngược”, và đến tận giờ tôi vẫn phân vân “dốc ngược Thời Gian” chứ không phải tên văn bản mà hiện đang có]


Mưa sáng 

[Mưa xuống như là mưa bóng mây

Người đi như vượt cõi lưu đày]

hay: 

Hồi tưởng số 8 

[và trên góc trần nhà xa tít

nơi tôi cuộn mình nhìn xuống mình thân xác

có thể nào như thế

mà như thế

đã không được chọn vào đời

cũng không được chọn ra đi

tôi gắng hết sức để quay về qua lỗ rốn mình kia

lỗ rốn tối tăm một con đường duy nhất]

hay:

Khoảnh khắc

[Mỗi khoảnh khắc là một lần giới hạn

Là một cửa vào hé mở một lần thôi]

hay

Bài tập

[Nửa đời ôm mộng lớn

Cây xòe trên chiêm bao

Bật cười khi nhớ lại

‘’Duy hữu độc thư cao”

Thức mãi mà chẳng biết

Có tỉnh ra lúc nào]

hay 

Bạch

[Mưa mấy ngàn ngày mưa cũng thôi rơi

ta mấy ngàn năm mới khỏi bệnh người

trăng mấy ngàn xuân vẫn vầng trăng thứ nhất

chẳng còn đầy vơi khuất một chân trời]

hay 

CỦA TÔI

Bên kia Mặt Trời là tuổi trẻ

của ai


tôi từng đọc tập phê bình văn học nghệ thuật Bút ký một người đọc sách của Nguyễn Chí Hoan cách đây hơn 10 năm, thời điểm ấy tôi chỉ đọc những bài viết về những tác phẩm mà tôi cũng đã đọc. Tôi thường tránh, phải nói là không thích, không muốn đọc những gì viết về cái mình chưa đọc. Tôi cần bảo toàn cảm nhận của mình, một địa phận riêng. Cái đọc mà bị xâm phạm, bị “bốc thuốc” ngay trứng nước thì mất cảm nhận thuần chất ban đầu mà chính cảm nhận này thường mới là cái khiến người ta ngây ngất đắm chìm của hạnh ngộ biến chuyển ý thức; “ngôn ngữ thoát khỏi quy ước và tinh thần trở lại tự do, thì sẽ đạt đến một phạm trù khác của tư tưởng” hãy luôn nhớ điều này như thần chú. Nên thời điểm ấy, đây là một quyển phê bình có thể nói duy nhất là rất hợp với tôi, vì phần lớn các đầu sách được nói đến tôi đều cũng đã đọc. Cách viết đúng chất một người đọc không quá khiên cưỡng bài bản phân tích mổ xẻ khen chê, hay viết vòng vo loanh quanh đi mãi không vào tử huyệt của cái cần nói đến sau khi đọc: câu dài cảm tưởng rối rắm nhưng lại rất có nhịp và đặc biệt là tác giả viết về một tác phẩm nào đấy chỉ bởi suy tưởng từ một [vài] chi tiết, một [vài] chương trong toàn bộ tác phẩm [thậm chí một tác phẩm được viết hai bài riêng, bóc tách điểm nhìn]. Thời điểm ấy tôi bỏ một số bài vì thấy giống “đơn đặt hàng” 


gần đây, tôi đọc tập thơ Khách và không mấy bất ngờ khi biết trước tập thơ Khách, Nguyễn Chí Hoan đã có các tập thơ xuất bản dù đây là lần đầu được nghe nói tới, nhìn thấy những tập thơ kia. Không ngạc nhiên vì tôi nhớ rõ cách đây hơn 10 năm khi đọc Bút ký một người đọc sách, cách viết phê bình thơ/văn xuôi của Nguyễn Chí Hoan là đi vào âm vận và ông rất chú trọng nhịp của câu chữ [hồi ấy tôi ấn tượng bởi một câu của Jean-Paul Sartre được tác giả trích dẫn hai lần ở hai bài viết: từ ngữ như những sự vật và hiện tượng tự thân nó – đấy là một đặc điểm của thơ (từ ngữ trong thơ còn là, và chính là, các sự vật)]. Một người khi chú trọng nhịp, giữ nhịp trong cái mình viết như cái mình đọc và hoàn toàn có thể trình diễn nó thành cái đọc thành tiếng vô thanh có nhịp thì sẽ viết tự nhiên thành thơ. Một tâm hồn thơ tự nhiên không cần chuốt tỉa cố ý, nó cứ sần sùi tự nhiên mà nhẹ thanh


để trace back nhìn mình hơn 10 năm trước thông qua việc đọc, tôi đọc lại Bút ký một người đọc sách. Lần này tôi bỏ qua một vài cái tên Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà… vẫn bỏ qua mấy bài như lần trước vì chúng không cho mình cơ hội hưởng thụ thú vui suy tưởng. Có những bài viết tôi chắc chắn đã và sẽ không đọc quyển sách mà bài viết đề cập nhưng tôi đọc bài viết không sót một chữ vì nó giống như đọc một tác phẩm, có thể nói, tôi không đọc Bút ký một người đọc sách mà tôi đọc suy tưởng của một người đọc viết. Tôi là dạng rất khoái đọc linh tinh, đôi khi thậm chí nhiều khi, tôi đọc không phải vì nó hay, mà nó mang đến cho tôi những dự cảm trong tâm tưởng, những suy tưởng riêng về hình thức tiểu thuyết, kết cấu câu chuyện, dàn dựng cấu trúc hay những gì mà chi tiết/tình tiết câu chuyện tạo ra cho tôi suy nghĩ mơ hồ “linh cảm về điều sẽ đến là một tư duy về tương lai đồng thời là hồi ức về quá khứ" [Heidegger]. Lần này tôi có thể đọc liền mạch không ngáp bài về Tương lai của văn học và Viết để làm gì. Tôi vẫn sẽ đọc lại bài viết Tương lai của văn học là gì, để chuẩn bị và có thể đọc song hành cùng đợt sách tới đây Đọc Khác – Viết Khác - Lời Khác vì bản thân những suy tưởng của riêng mình khi đọc suy tưởng của người khác về những cái hai [nhiều] phía cùng đọc đã là viết khác rồi. Những suy tưởng như soi gương [nó làm tôi nghĩ đến một câu của Thanh Tâm Tuyền trong Tiếng động: “Chúng ta cũng chỉ là những mặt gương đặt trước nhau, đặt trước những người khác. Ảnh tượng trôi tít đến vô cùng, hoa mắt”] nó là cái nhìn động cho nhiều ảnh tượng, muốn soi gương muốn nhìn mình cho hết ảnh tượng hết ảo tưởng thì phải tận tâm và thành thật, chịu đựng vào, đừng thỏa hiệp li lai nhỏ nào


sự đọc nảy sinh suy tưởng và cảm năng, bản thân nó đã là một tư duy về tương lai và đồng thời, tư duy ấy cũng là hồi ức về quá khứ. Nó tạo ra dốc ngược dựng đứng Thời Gian bộ ba tuyến tính, hiện tại hữu hạn nằm giữa quá khứ và tương lai như nằm giữa sự sinh ra và kết thúc, như “chết rồi từ độ sinh ra” – “từ đầu này đến đầu kia/ là thời gian quá mỏng”. Viết là trút bớt ảnh tượng, ảo tưởng, trút cho bằng hết và trong khi những ảo tưởng cũ hầu như vơi bớt thì ảo tưởng mới ngõ hầu hình thành; là đau đớn chịu đựng, đày ải và an ủi, đồng thời; ở Viết để làm gì, Nguyễn Chí Hoan nói: "Thực tế như tôi được biết, nếu không ai hỏi ai rằng Viết để làm gì? thì cũng không phải ai cũng đã có một câu trả lời của mình cho câu hỏi ấy"


trước khi là một nhà văn, anh phải là một người đọc thứ thiệt cự phách. Đọc nhiều thì phải viết thôi, khác được hay sao. Đấy là đi đày trên sa mạc tờ giấy [chữ của cụ Trần Dần: "Tôi như kẻ đi đầy trên sa mạc tờ giấy"] chứ hưởng thụ thuần tuý thì đọc thôi, như Michel Houellebecq từng nói: viết không an ủi được mấy, y thực ra muốn được đọc, và chỉ đọc, suốt đời. 


đến một thời độ, người ta trò chuyện bằng tiếng nói của lặng im, vô thanh. Suy nghĩ của tôi lúc này, liệu có không: hết ảo tưởng. Phước thay ta có cả sa mạc chữ còn ở lại



ps. trước đây đọc Bút ký một người đọc sách tôi biết rằng hóa ra tôi không phải người duy nhất đọc Nguyễn Ngọc Tư như thế, như 2014 tôi có từng nói với một người bạn rằng tập thơ Chấm của Nguyễn Ngọc Tư là một cú tạt đáng nhớ, chứ không phải những gì trước Chấm và sau Cánh đồng bất tận [hiện trong nhà tôi chỉ có Cánh đồng bất tận, Gió lẻ và Chấm (Gió lẻ là đọc xem có gì khác không)] chắc chắn sau đó tôi cũng không đọc văn xuôi Nguyễn Ngọc Tư. Ngoài ra, ở Bút ký một người đọc sách tôi còn tìm thấy điểm chung nữa ít người nhắc đến, về cái nhìn với một tác giả nữ TQ mà tôi hiện giờ cũng không biết cô còn viết không: Quách Tiểu Lộ [hình ảnh ốc mượn hồn thi thoảng tôi hay dùng là tôi nhìn thấy lần đầu ở Thạch thôn, tôi thích tác giả này đến nỗi mỗi kỳ hội chợ sách trong khoảng 3-5 năm sau khi sách xuất bản, tôi đều mua ít sách ế, để làm gì không rõ :p]

có lẽ sau đây, tôi sẽ thử vận may của mình với văn học đương đại nước nhà, với Nguyễn Nguyên Phước, chẳng hạn. Lần đầu tiên của Nguyễn Nguyên Phước, tôi thích, thích ở việc truyện không là truyện, nhân vật không là nhân vật, tức là khi đọc người ta không nạp vào các chi tiết tình tiết biến chuyển tâm lý nhân vật, cái cách viết không là như thế lại chính là truyện, truyện là sự biến chuyển ý thức chứ không thiên về diễn biến tâm lý

14.9.22

từ ngữ





hôm qua có bạn fb hỏi tôi tại sao một người hay đọc và thích đọc nhiều thứ như tú lại nói "sách ít chữ thì càng đỡ phải đọc"

chữ nghĩa ngôn ngữ với tôi là sự tra tấn nhiều hơn là khoái cảm, nói là nỗi bất hạnh thì cũng chẳng ngoa một chút nào. Khi mà nỗi ham muốn của mình quá thường xuyên mà mình không tài nào đạt được đúng cái ngưỡng mà mình muốn thì thành bất hạnh thôi. Nó là thế chứ có gì khác đâu, chẻ hoe vậy


thời gian nào tôi đọc nhiều, tôi thường xuyên mơ ngủ các từ tiếng Anh tiếng Đức tiếng Pháp xuất hiện như hằng hà sa số ngôi sao trên trời gọi tôi. Tôi nói, mình bị các từ ngữ nhiễu nhương; và khi từ giấc mơ trở về thì tôi phải đối mặt với tình trạng thường xuyên trong ngày, không tìm được từ tiếng Việt mà mình định dùng trừ khi tôi phải gõ cái từ tiếng Anh mà mình biết là cái mình đang muốn chỉ muốn trỏ vào điện thoại để nó hiện ra từ tiếng Việt mà tôi đang muốn dùng, ngay cả khi đó chỉ là tên loại hoa như iris hay lavender


cách đây 3 đêm trong giấc mơ tôi mơ mình đọc những dòng chữ này:

dạy, anh dạy cô cách chạy dù hiếm khi anh chạy, chạy vào những đêm, chạy khi hửng sáng, chạy trong mưa, chạy giữa trời đứng nắng, chạy trên sân thượng toà nhà, chạy chung quanh bàn ăn trong tư thế ngồi nhổm người để tăng sức bật

[suy nghĩ trong mơ, khi mơ tôi luôn suy nghĩ như thể tôi đang tỉnh, như tôi đang nhìn mình từ một cuộc đời khác, và lúc này tôi nghĩ: nếu một ngày mình đọc thấy đúng văn bản đang đập vào mắt mình trong mơ lúc này, chắc mình ngất cbn mất vì những giấc mơ kỳ quái tai ác này]


và cả việc ăn, ăn chay, ăn nhiều các loại rau gia vị tươi sống. Anh nói: chỉ nhờ ăn chúng mà anh đã khỏi quai bị

[suy nghĩ trong mơ: ồ "anh" vậy là từng quai bị, có bị ảnh hưởng sinh sản không; mình mơ chi tiết này nhưng nghĩ một cách dớ dẩn có phải vì hôm nay mình đọc về một vị vua có hơn trăm cung tần mỹ nữ nhưng không sinh được con nối dõi vì có lẽ bị bệnh đậu mùa biến chứng]


cách đây 2 đêm thì tôi mơ tôi nhận một cái trát có đâu đó khoảng 7-8 cái dấu gạch đầu dòng, nhưng nó không viết như thế này [ - ] mà lại viết [ +/ ]. Nội dung của trát là: đọc xong các tác phẩm của Musil [có vẻ tại thời điểm nhận trát thì tôi đã đọc xong rồi] em viết về 7-8 cái mục đó đi. Và trát nói: hãy dẹo và xộm như tôi có thể khi nói về Musil, có như vậy thì mới tạo được sự chú ý

trong giấc mơ đọc trát này, tôi cứ loay hoay tìm một cái bút mực xanh lục, để viết thư hồi đáp, bút không thấy mà chỉ còn ngòi bút, tôi cầm cái ngòi chấm vào lọ mực xanh lục viết vào góc dưới của trát, đại ý: em không thích làm, không thể làm, từ chối làm. Viết xong rồi, tôi lại không có gan gửi đi. Thế là vo viên tờ trát lại [tôi gần như không vo viên giấy khi tỉnh] rồi lại giở ra, xổ nét ngang chia cắt phần hồi đáp của mình bên trên với một chút rất ít giấy trắng còn thừa bên dưới. Và lại cầm cái ngòi bút đơn độc kia, chấm vào lọ mực và viết, đại ý: em không muốn chường mặt ra đám đông, không muốn viết hay làm cái gì đó cho ai, em chỉ viết cho em và khi em muốn viết phải viết cho em mà thôi

viết hồi đáp xong, tôi bỏ đi nằm ngủ

Khi tỉnh tôi nghĩ, chả có lẽ lúc nào đấy tôi sẽ đọc nhiều Musil, chứ giờ tôi gần như không biết gì Musil


còn đêm qua, khi sức khoẻ có vẻ đã tốt hơn. Tôi mơ mình đi khám bệnh trên một đôi dép cao gót có quai kiếc có vẻ đơn giản thôi, nhưng nó cao gót [khi tỉnh thì không bao giờ tôi đi cái gì cao, hãy đợi đấy]. Bệnh viện rất đông, tôi nghe thấy người ta gọi tên người tới lượt khám, xếp giấy tờ, gọi rất nhiều tên, không thấy có tên nào mà không có người đứng dậy... đến đây thì tôi nhận ra tôi đi khám mà không mang giấy tờ gì tuỳ thân và quan trọng là tôi không biết không nhớ mình tên là gì, các thông tin cá nhân của mình thế nào ra sao, tôi không hay biết nên tôi cứ chờ cái tên nào đó cất lên mà không có ai đứng dậy thì có lẽ, có thể đó là tên tôi. Nhưng vì không có, nên tôi biết người ta không gọi mình. Rồi tôi đứng dậy đi loanh quanh sân viện trên đôi cao gót, tôi đi tìm kiếm các cây cỏ dưới gốc cây to; bừng tỉnh tôi nhớ ra mình tên tú và người ta không gọi tú, có gọi thì lúc này tôi cũng chẳng có gì trên người về giấy tờ; vậy nên tôi quay về không khám nữa, trước khi lững thững đi bộ về, tôi tìm một cái thùng rác và cởi đôi dép của mình ra, ném vào thùng. Rồi lững thững đi chân đất ra khỏi cổng viện, ngõ ấy tôi gặp một hàng đồng nát, tôi nói mình muốn đổi cái áo jacket màu mận đang mặc trên người lấy đôi dép nhựa màu xanh bị cắt mõm được không, cái đôi mà dùng làm dép đi trong nhà í. Nhờ thế tôi có đôi dép để lững thững đi về nhà, trên đường đi tôi sung sướng với đôi dép thoải mái quá và không ngừng nghĩ mình ngớ ngẩn: nghĩ gì mà lại đi dép cao đi bộ cơ chứ, ngớ ngẩn hết sức chịu đựng. Lạ là như mọi lần, tôi thường xuyên không biết mình phải đi đường nào thì mới về được nhà, hay thậm chí là lại đi vào một con đường quen mà tôi biết chắc rằng đường này là đường lạc, không thể về được nhà; còn lần này thì tôi biết đây là đoạn cổng Chùa Bộc rồi, sang đường là có thể đi lối Thuỷ Lợi và về đến nhà [suy nghĩ trong mơ: vậy là mình vừa từ viện Đống Đa về à, nếu mình tỉnh thì đời nào mình lại vào viện Đống Đa]

tỉnh dậy tôi nghĩ vậy là sấm truyền, tưởng là phải đi bệnh viện, nhưng chưa. May thôi đừng tưởng bở. Lần tới mà phải vào viện thì không còn là con người đâu con ạ. Còn muốn làm người thì đừng để mình phải vào viện, đừng có chủ quan sức khoẻ tú ơi


từ ngữ như những sự vật và hiện tượng tự thân nó - đấy là một đặc điểm của thơ [J-P. S]. Nhưng tôi không làm thơ. Tôi mơ

13.9.22

Peppa Pig




trong từng này quyển, thích quyển My Daddy nhất vì Peppa miêu tả Daddy Pig có những câu thế này: my daddy says he likes to keep in shape all of the time... but his favourite exercise is lifting the remote control

😂🤣


hôm trước nhìn thấy con của bạn đi đâu cũng mang theo con thú bông lợn Peppa làm doudou và 1 quyển Peppa Pig tiếng Anh nham nhở trang thì vết răng trang thì bị xé mất hình mất chữ, tú bất giác nhớ ra nhà có 1 xấp Peppa Pig để đầu giường bảo hôm nào thảnh thơi mang đọc cho vui để còn đọc cùng trẻ con mà mấy năm rồi vẫn nguyên ở đầu giường. Bình thường thấy quần áo bé gái hay có hình Peppa nhưng cũng cứ vẫn nghĩ Peppa là lợn giai, đọc truyện mới biết mình dở nặng, Peppa là lợn gái, có thằng em vô cùng đáng yêu, mình thích gọi nó là Silly George với con doudou tên Mr Dinosaur :))). Và bộ picture book Peppa Pig này hoá ra được dựa trên series phim Peppa Pig


một cô bạn bảo không thích tạo hình của lợn Peppa nhưng với tú thì truyện trẻ con, picture book nào cũng hay vì ít chữ nhiều tranh, tạo hình nhân vật biểu cảm sống động, tranh vẽ thì ngu vật [ngu vật là từ để chỉ rất đáng yêu với tú] nhất là các truyện lấy các con vật làm nhân vật thì tác giả có những từ để chỉ âm thanh của chúng phát ra biểu cảm sắc thái vô cùng phong phú. Nói chung sách vở càng ít chữ đỡ phải đọc thì tú càng thích :)))) 



10.9.22

vô thuỷ vô chung





Ondine/Undine của La Motte-Fouqué là câu chuyện về tâm hồn và hình thức; một câu chuyện đẹp tê tái và đẹp thì không thể không đau đớn sầu muộn và tuyệt vọng. Cùng với Nàng tiên cá của Andersen, ta có một trình hiện song trùng về Lãng mạn [Lãng mạn Đức] của bi thảm và dữ dội, cái chết như một lời mời gọi, một phần thưởng cám dỗ


Ondine - người con gái của nước, một thuỷ thần, một sinh thể với cơ thể và trí tuệ, nhưng cả một vực sâu, địa vực ngăn cách giữa Ondine và chàng hiệp sĩ Huldbrand nàng yêu - một con người: các Ondin không có tâm hồn; cơ thể và tinh thần đều bị cái chết diệt trừ "Khi giờ điểm để đánh thức những người như chàng bắt đầu một cuộc đời thuần khiết hơn và hoàn hảo hơn, thì nó cũng làm bọn em biến mất, giống bụi và gió đi khỏi, giống sóng và tia sáng tan sạch. Bởi bọn em hoàn toàn không có tâm hồn! Yếu tố khiến bọn em sống chỉ tuân phục bọn em chừng nào mà bọn em sống; nó làm tan loãng cho tới cả những dấu vết của bọn em, ngay khi cái chết đến; [...] Tuy nhiên ai mà chẳng cố vươn thêm tới hơn là họ có. Chính bằng cách đó mà cha em, một ông hoàng hùng mạnh của nước Địa Trung Hải, đã muốn cô con gái độc nhất của ông có được một tâm hồn, dẫu cho nó phải trả giá bằng việc biết đến những nỗi đau đớn mà mọi sinh thể có tâm hồn đều phải quy phục. Thế nhưng, bọn em chỉ có thể đạt được mục đích đó nếu chiếm được tình yêu của một trong số những người như chàng. Và giờ đây em đã có một tâm hồn, và chính tình yêu của chàng đã làm được cho em điều đó. Em mang ơn chàng vì thế, và vĩnh viễn em sẽ mang ơn chàng vì thế, dẫu cho kể từ nay chàng có biến toàn bộ cuộc đời trần thế của em trở nên bất hạnh"


trình hiện song trùng Ondine - Nàng tiên cá, những người con gái của biển cả. Một nàng tiên cá đánh đổi giọng hát linh hồn của biển cả, một gì đó như thiên phú để có tình yêu - tâm hồn của con người và trở thành con người, hình hài con người. Một Ondin trong hình hài con người đẹp đẽ vô song nhờ có tình yêu mà trở thành con người có tâm hồn. Ai mà chẳng cố vươn thêm tới hơn là họ có. Một sinh thể không tâm hồn thì như một tấm gương sơ khai giản đơn phản chiếu thế giới bên ngoài, và không có khả năng đi sâu vào bất kỳ cái gì thuộc thế giới bên trong (Tâm hồn luôn đi tìm một tấm gương. Nó cần tấm gương để nhận ra chính nó, nhận ra khuôn mặt thất lạc của nó [Tấm gương: On Lukács - Anh Hoa]). Tinh thần của thứ sinh thể sơ khai khốn khổ không có tâm hồn "không thể hình dung được các nỗi đau và khoái lạc của tình yêu có cùng sự quyến rũ ra sao, chúng giống nhau đến mức nào và gắn kết với nhau chặt chẽ tới nỗi chẳng quyền năng nào tách rời được chúng. Bên dưới những giọt nước mắt lấp lánh nụ cười, và thường thì nụ cười có thể dẫn nước mắt đến.", cũng không thể biết được những gì một con người có khả năng làm khi anh ta thực sự muốn một cái gì đó, khi anh ta muốn nó bằng tất tật sức lực trong tâm hồn của anh ta, cũng không thể hiểu nước mắt có hình hài êm dịu nhường nào của một tâm hồn chung thuỷ, trung thành... Tinh thần sơ khai không thể có, không thể hiểu, biết về một trái tim chưa biết yêu và một trái tim nhận được ân sủng của tình yêu



life is an illusion and love is one big illusion. Họ, đều có kết cục trở về nơi mà họ ra đi dưới một hình thức khác của nước. Không thể khác được đâu, "một tâm hồn thì phải đón lấy bi kịch của mình. Chính trong bi kịch, tâm hồn tìm thấy mình, nhận ra mình". Chừng như con người ta khi đã một lần tưởng tượng ra một điều gì đó như là phải được thực hiện theo đường lối của định mệnh thì rất khó để mà đổi ý, thậm chí, họ bắt gặp định mệnh trên đường khởi sự chạy trốn khỏi nó, và vậy là mọi điều gì đã được quyết định đều vẫn là đã được quyết định, không thể khác được đâu


"Nhu cầu sâu thẳm của tâm hồn là được (bị) phán xét, được (bị) trừng phạt. Tội và phạt không phải là hiện tượng bên ngoài mà là những sự kiện thiết thân của tâm hồn, là bằng chứng rõ nhất cho một tâm hồn đang tan chảy trong tình yêu [Tấm gương: On Lukács - Anh Hoa]

Ondine's curse. Giếng thuỷ thần. Không một ai có thể chịu nhiều đau đớn về cái chết của người mình yêu hơn so với cái người đã phải mang nó đến - so với Ondine thuỷ thần khốn khổ, như một nguyên tắc luật định - một lời nguyền. Không một ai có thể, so với Ondine - Giếng thuỷ thần. Tôi nhớ đến bài thơ Cây đoạn của Wilhelm Muller [tôi biết đến nó thông qua Núi thần của Thomas Mann] ngay dòng đầu tiên đã nhắc đến hình ảnh cái giếng. Cái giếng là nơi nước ngầm không ngừng tuôn chảy, hình ảnh của tiềm tàng uẩn khúc, nơi nuôi dưỡng sự sống nhưng đồng thời cũng có thể lấy đi sự sống [của những gì rơi xuống nó]. Nó là cánh cổng đi đến một thế giới khác. Nước của nó là nước cửu tuyền

"Đâu phải luôn luôn có khoảng cách như người ta vẫn hay tưởng giữa đám cưới và đám ma, giữa hạnh phúc và bất hạnh, và bất kỳ ai không tự ý mà làm cho mình bị mù về điều đó đều hiểu rất rõ"


vĩ thanh: tôi viết những dòng này vào ngày 14, tôi luôn thích ngày 14, ngày tôi quen M., dù hôm nay không trăng. 14 tháng Tám mà vẫn chưa có trăng. Cuối cùng lại hoàn thành khi chớm sang rằm Trung Thu


ps. vô thỷ vô chung, nhưng tôi thích để "thuỷ" - nước


#Ondine

#La_Motte_Fouqué