29.10.22

papaya tree

 



đợt rồi mua sách online không tính mua Inside out and back again, nhưng quyển sách cứ gọi nên ở lần trượt điện thoại lướt lại một lượt trước khi chốt đơn sách thì phóng ảnh nhìn rõ quyển sách [mắt tôi cận lòi]. Khi thấy tên tác giả, nghĩ oh Việt Nam và nhìn bìa gắn Newbery honor [mình hay đọc truyện trẻ em thanh thiếu niên giải này] thì mình để lại comment đặt mua trên page bán sách. 10 ngày sau nhận sách, cầm Inside out and back again đọc text bìa thì nắm được cốt truyện xoay quanh hành trình tị nạn của một gia đình ở Saigon rời Việt Nam vào đoạn cuối lịch sử 30/4/1975 và cuộc sống sau hành trình vượt biển đến mảnh đất mới, nơi được cho là mảnh đất cơ hội hứa hẹn một cuộc sống tốt đẹp cho tất cả mọi người "như chúng tôi". Nhưng khi mở sách đọc mình ngạc nhiên: đây là thơ [chính vì thế mà quyển sách này xen ngang rất nhiều quyển sách đang đọc, không chút liên quan với mối quan tâm đọc hiện nay của tôi]


Inside out and back again được viết dưới dạng thơ tự do, có thể gọi là tiểu thuyết thơ. Câu chuyện chia làm 4 phần: Saigon, At sea, Alabama, From now on, được kể theo trình tự thời gian bằng cái nhìn của nhân vật tôi - cô bé Kim Hà 10 tuổi nhạy cảm, kiên cường, ương ngạnh và hay suy tư. Câu chuyện thơ được viết như một cuốn nhật ký, ứng với 4 phần là: Tuổi thơ một cô bé 10 tuổi trong thời khắc cuối cuộc chiến - lênh đênh trên biển và tị nạn ở "tent city" - đến được Alabama, Mỹ sinh sống, học tập [trong thập niên 70 thế kỷ trước, nạn phân biệt chủng tộc ở đây rất nhiều vấn đề nhức nhối] - và cuộc sống tiếp diễn xoay vòng đan xen cái cũ cái mới, ta quen với cảm giác nó là như thế, đang và sẽ cứ như thế trôi

đây có thể coi là bán tự truyện của tác giả Thanhha Lai, như bài viết cuối sách tác giả nói: phần lớn những gì xảy ra với cô bé Kim Hà, những sự kiện chính trong sách, cũng xảy ra với tôi. Chất liệu của tiểu thuyết thơ này được lấy chủ yếu từ chính những ký ức tuổi thơ của tác giả cùng gia đình tháo chạy khỏi Saigon sau 30/4/1975 rồi cập bến Thailand và tới được thành phố Montogomery, bang Alabama, Mỹ để rồi lại rơi vào trận chiến trong thân phận ngoại bang về con người, văn hóa, lối sống tại đây. Với cách lựa chọn viết tiểu thuyết thơ, các câu ngắn, cấu trúc ngữ pháp khác đi, đảo trật tự từ, cách ngắt câu, cấu trúc và nhịp của chữ tạo cảm giác khoảng lặng rất nhiều. Như cuối sách tác giả chia sẻ, Truyện Kiều của Nguyễn Du bà đã đọc nó suốt 3 thập niên và bà hằng ngưỡng mộ ông về cách mọi sự có thể thâu tóm chỉ trong, bằng một câu thơ; có thể chính niềm cảm hứng Nguyễn Du gợi lên trong bà mà cách viết thơ của bà cô đọng hình ảnh rất đặc trưng dẫu chỉ dùng các câu cực ngắn. Đây chính là yếu tố khiến một câu chuyện về hành trình di cư tị nạn vốn không xa lạ trở nên ấn tượng mạnh, gần gũi và gợi được nhiều cảm xúc, suy nghĩ trong người đọc. Trong chính khoảng lặng giữa các câu thơ ngắn súc tích, các khổ thơ, các bài thơ và dấu mốc thời gian cuối mỗi bài, người đọc như được sống cùng nhân vật cô bé 10 tuổi Việt Nam đối mặt với cuộc sống ở một nơi mới mà không sao gác sang bên ký ức về quê hương [về người cha, cây đu đủ sau nhà, "nước mấm", Tết...]


trong khoảng trống trang sách, ta nghe thấy tiếng thổn thức vô thanh, được cô lại trên một bếp lửa âm ỉ. Giọng của cảm xúc kìm nén và tiết chế. Viết là cách để trút ra và giữ lại, đồng thời; dẫu đau đớn nhưng không kém phần nguôi thoả, luôn là thế


vĩ thanh: độ 8 - 9 năm trước tôi có đọc Phật ở tầng áp mái, văn xuôi nhưng có những trang, câu, dập nhịp ngắn, nhanh. Tôi luôn có cảm giác, cấu trúc ấy tạo nhịp cho câu, cho chính cấu trúc của từ, ngữ nghĩa khác đi. Khi nó nhanh nó làm người đọc cuốn đi theo cơn lốc cảm xúc của người viết, thổi bùng. Khi nó là các khoảng trống, khoảng lặng, nó đánh động người đọc đọc diễn biến tâm lý và biến chuyển ý thức của người kể chuyện; đi cùng và sống trong 'trường' ấy. Vô tình, Phật ở tầng áp mái và Inside out and back again đều là những người phụ nữ châu Á cùng thế hệ, di cư sang Mỹ 


ps. nhà nào làm quyển này đi


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét