Ondine/Undine của La Motte-Fouqué là câu chuyện về tâm hồn và hình thức; một câu chuyện đẹp tê tái và đẹp thì không thể không đau đớn sầu muộn và tuyệt vọng. Cùng với Nàng tiên cá của Andersen, ta có một trình hiện song trùng về Lãng mạn [Lãng mạn Đức] của bi thảm và dữ dội, cái chết như một lời mời gọi, một phần thưởng cám dỗ
Ondine - người con gái của nước, một thuỷ thần, một sinh thể với cơ thể và trí tuệ, nhưng cả một vực sâu, địa vực ngăn cách giữa Ondine và chàng hiệp sĩ Huldbrand nàng yêu - một con người: các Ondin không có tâm hồn; cơ thể và tinh thần đều bị cái chết diệt trừ "Khi giờ điểm để đánh thức những người như chàng bắt đầu một cuộc đời thuần khiết hơn và hoàn hảo hơn, thì nó cũng làm bọn em biến mất, giống bụi và gió đi khỏi, giống sóng và tia sáng tan sạch. Bởi bọn em hoàn toàn không có tâm hồn! Yếu tố khiến bọn em sống chỉ tuân phục bọn em chừng nào mà bọn em sống; nó làm tan loãng cho tới cả những dấu vết của bọn em, ngay khi cái chết đến; [...] Tuy nhiên ai mà chẳng cố vươn thêm tới hơn là họ có. Chính bằng cách đó mà cha em, một ông hoàng hùng mạnh của nước Địa Trung Hải, đã muốn cô con gái độc nhất của ông có được một tâm hồn, dẫu cho nó phải trả giá bằng việc biết đến những nỗi đau đớn mà mọi sinh thể có tâm hồn đều phải quy phục. Thế nhưng, bọn em chỉ có thể đạt được mục đích đó nếu chiếm được tình yêu của một trong số những người như chàng. Và giờ đây em đã có một tâm hồn, và chính tình yêu của chàng đã làm được cho em điều đó. Em mang ơn chàng vì thế, và vĩnh viễn em sẽ mang ơn chàng vì thế, dẫu cho kể từ nay chàng có biến toàn bộ cuộc đời trần thế của em trở nên bất hạnh"
trình hiện song trùng Ondine - Nàng tiên cá, những người con gái của biển cả. Một nàng tiên cá đánh đổi giọng hát linh hồn của biển cả, một gì đó như thiên phú để có tình yêu - tâm hồn của con người và trở thành con người, hình hài con người. Một Ondin trong hình hài con người đẹp đẽ vô song nhờ có tình yêu mà trở thành con người có tâm hồn. Ai mà chẳng cố vươn thêm tới hơn là họ có. Một sinh thể không tâm hồn thì như một tấm gương sơ khai giản đơn phản chiếu thế giới bên ngoài, và không có khả năng đi sâu vào bất kỳ cái gì thuộc thế giới bên trong (Tâm hồn luôn đi tìm một tấm gương. Nó cần tấm gương để nhận ra chính nó, nhận ra khuôn mặt thất lạc của nó [Tấm gương: On Lukács - Anh Hoa]). Tinh thần của thứ sinh thể sơ khai khốn khổ không có tâm hồn "không thể hình dung được các nỗi đau và khoái lạc của tình yêu có cùng sự quyến rũ ra sao, chúng giống nhau đến mức nào và gắn kết với nhau chặt chẽ tới nỗi chẳng quyền năng nào tách rời được chúng. Bên dưới những giọt nước mắt lấp lánh nụ cười, và thường thì nụ cười có thể dẫn nước mắt đến.", cũng không thể biết được những gì một con người có khả năng làm khi anh ta thực sự muốn một cái gì đó, khi anh ta muốn nó bằng tất tật sức lực trong tâm hồn của anh ta, cũng không thể hiểu nước mắt có hình hài êm dịu nhường nào của một tâm hồn chung thuỷ, trung thành... Tinh thần sơ khai không thể có, không thể hiểu, biết về một trái tim chưa biết yêu và một trái tim nhận được ân sủng của tình yêu
life is an illusion and love is one big illusion. Họ, đều có kết cục trở về nơi mà họ ra đi dưới một hình thức khác của nước. Không thể khác được đâu, "một tâm hồn thì phải đón lấy bi kịch của mình. Chính trong bi kịch, tâm hồn tìm thấy mình, nhận ra mình". Chừng như con người ta khi đã một lần tưởng tượng ra một điều gì đó như là phải được thực hiện theo đường lối của định mệnh thì rất khó để mà đổi ý, thậm chí, họ bắt gặp định mệnh trên đường khởi sự chạy trốn khỏi nó, và vậy là mọi điều gì đã được quyết định đều vẫn là đã được quyết định, không thể khác được đâu
"Nhu cầu sâu thẳm của tâm hồn là được (bị) phán xét, được (bị) trừng phạt. Tội và phạt không phải là hiện tượng bên ngoài mà là những sự kiện thiết thân của tâm hồn, là bằng chứng rõ nhất cho một tâm hồn đang tan chảy trong tình yêu [Tấm gương: On Lukács - Anh Hoa]
Ondine's curse. Giếng thuỷ thần. Không một ai có thể chịu nhiều đau đớn về cái chết của người mình yêu hơn so với cái người đã phải mang nó đến - so với Ondine thuỷ thần khốn khổ, như một nguyên tắc luật định - một lời nguyền. Không một ai có thể, so với Ondine - Giếng thuỷ thần. Tôi nhớ đến bài thơ Cây đoạn của Wilhelm Muller [tôi biết đến nó thông qua Núi thần của Thomas Mann] ngay dòng đầu tiên đã nhắc đến hình ảnh cái giếng. Cái giếng là nơi nước ngầm không ngừng tuôn chảy, hình ảnh của tiềm tàng uẩn khúc, nơi nuôi dưỡng sự sống nhưng đồng thời cũng có thể lấy đi sự sống [của những gì rơi xuống nó]. Nó là cánh cổng đi đến một thế giới khác. Nước của nó là nước cửu tuyền
"Đâu phải luôn luôn có khoảng cách như người ta vẫn hay tưởng giữa đám cưới và đám ma, giữa hạnh phúc và bất hạnh, và bất kỳ ai không tự ý mà làm cho mình bị mù về điều đó đều hiểu rất rõ"
vĩ thanh: tôi viết những dòng này vào ngày 14, tôi luôn thích ngày 14, ngày tôi quen M., dù hôm nay không trăng. 14 tháng Tám mà vẫn chưa có trăng. Cuối cùng lại hoàn thành khi chớm sang rằm Trung Thu
ps. vô thỷ vô chung, nhưng tôi thích để "thuỷ" - nước
#Ondine
#La_Motte_Fouqué
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét