sự phù du của số phận như gió, không biết đến từ đâu và sẽ đi đến đâu, nó để lại những hình bóng với người này là quái ác, kẻ kia là phiêu bồng. Phải chấp nhận định mệnh như vết sẹo của lịch sử và thường có nguy cơ trùng khớp vào cuộc đời những con người tưởng chừng không bao giờ gặp nhau, với một thái độ, thế nào nhỉ, nhìn nhận đời mình như đọc một cuốn tiểu thuyết do kẻ khác viết ra
27.07.15
Delicate! why so xờ tiu pít? "Ngốc, nghếch, cáu, quên, nghịch, ngang, ngổ ngáo" / "Ăn khi thấy đói, ngủ khi thấy buồn ngủ. Và nếu ôm vào lòng thì cũng nồng ấm như bao người".
27.7.16
26.7.16
Con thú
Trận mạc là nơi mà tính phi nhân luôn luôn không nằm ở nơi sâu thẳm. Trận mạc lôi cái phần ác của con người ra phơi bày rõ rệt nhất, dù có chôn sâu trong lương tri thì vẫn bị khều ra dễ dàng bởi ở hoàn cảnh đó con người ý thức về cái chết xồng xộc hơn. Cái chết rất quan trọng nhưng quan trọng chính ở yếu tố phải thanh thản, vô cùng thanh thản. Và dù khó khăn, người ta vẫn cố gắng giằng co để bảo vệ phần nhân tính.
Để vẫn là một con người.
Mặt trời mù của Curzio Malaparte chính là tiếng kêu điên loạn như thế.
"bám víu vào niềm vững tin lạnh lùng, chính xác và cảm tính rằng mình là một thằng người còn sống trong lòng con thú vĩ đại nóng hổi đang rình rập"
Chiến tranh làm con người tan nát cả vật chất và tinh thần, một kiểu nát vụn, xong xuôi và mất sạch.
Chính vì thế, mình rất mong Kaputt của Curzio Malaparte xuất hiện ở VN, vì riêng "Kaputt" được định nghĩa theo từ điển tác phẩm là một sự nát bấy về vật chất và tinh thần của Châu Âu ngay sau Chiến tranh Thế giới II chấm dứt.
20.7.16
Ái tình tai nạn
Thuốc mê của Thâm Tâm xoay quanh tập tục éo le ở một ngôi làng miền Bắc áp đặt cho những cô gái đến tuổi lấy chồng trong làng.
Chuyện kể rằng ở ngôi làng Lữ Xá xưa kia có tập tục kỳ lạ. Theo tục lệ thờ Thành hoàng của làng - vốn là người đàn bà vì đem lòng yêu một người đàn ông nhưng không được đáp lại nên đã chế ra thứ thuốc mê khiến người đàn ông ăn phải chỉ biết nghe theo sức quyến rũ mù quáng của người đàn bà, nhưng chỉ sau 25 tháng thì người đàn ông tỉnh thuốc và bỏ đi. Người đàn bà lấy thế làm điều tuyệt vọng và nhục nhã lớn lao, vì hận tình đã chế ra thứ thuốc độc kẻ ăn phải trong vòng 3 ngày sẽ chết. Người đàn bà trả thù kẻ bội bạc xong thì hóa điên, chết trên một cái gò, mối đùn lên thành đống, hóa ra thần thiêng, dân làng thờ cúng lấy làm Thành hoàng. Từ đó, mỗi năm làng phải chọn lấy một cô gái đẹp, giả làm người đi buôn bán chợ xa, mang hai thứ thuốc mê và thuốc độc để bùa bả đàn ông thiên hạ trong thời hạn là 25 ngày. Sau 25 ngày ấy, nếu người con gái hoàn thành được nhiệm vụ trên mà không đánh mất trinh tiết, quay trở về làng, thì cô ta mới được phép lấy chồng là người làng mình; nếu không trở về đúng hạn tức là bội phản hoặc làm hỏng việc thì đều bị làng tuyên án, làng sẽ cử một người đàn ông đi tìm để đầu độc cô gái ấy. Sự mê tín truyền đi nhiều đời, làm chết bao nhiêu kẻ đàn ông háo sắc trong thiên hạ.
Thuốc mê của Thâm Tâm xuất bản lần đầu năm 1943 thuộc thể loại văn xuôi phong tục (một nhánh của văn học chủ nghĩa hiện thực). Xuất phát điểm từ tập tục kỳ lạ kia, Thâm Tâm viết nên câu chuyện ly kỳ kịch tính Thuốc mê với những nút thắt-mở-xoáy hấp dẫn người đọc, làm cho người đọc như lạc vào không khí hoài niệm của làng quê từ lời ăn tiếng nói, thói quen sinh hoạt đến bóng dáng của những phiên chợ xưa. Với cái kết bất ngờ và cách hành văn mang hơi thở xưa cũ, câu chuyện thể hiện rõ thái độ của Thâm Tâm phê phán những hủ tục làng xã song lại được nhìn với cái nhìn độ lượng, tình cảm.
Ấn tượng nhất với mình ở Thuốc mê chính là tâm lý nhân vật. Đọc hết Thuốc mê thì mình càng thêm sợ phụ nữ và cái ải mỹ nhân một khi đã giăng ra là không ai thoát nổi. Người đẹp mà không biết làm gì với cái đẹp của họ thôi đã có thể đả đổ rất nhiều thứ, mà người đẹp còn biết tận dụng cái đẹp của họ, thì có mà phá hủy phá hủy, như là thần quyền í. Thuốc mê của gái nào giăng ra thì chỉ có gái đó mới giải được nhé vì hơi hướm của người con gái khác không phải là thứ hơi hướm đã hấp luyện vào trong bột thuốc mê, các anh nhớ cho ạ :v
- Cái khí khái, cốt cách, cách hành xử đàn ông trong xã hội phong kiến của Thuốc mê xây dựng, có thể nói là ăn đứt các anh hùng hiện đại bây giờ. Phải như thế mới đáng mặt đàn ông :p
- Tại sao người ta có thể sống bằng lòng trong một thể chế vô lý không ra gì? Phải chăng phải sát sườn với chính mỗi cá nhân thì người ta mới nhìn ra cái u u mê mê của thể chế ấy vẽ ra? Giao phó mình cho một cộng đồng, được là một phần trong cộng đồng ấy tất sẽ dẫn đến mù quáng nhỉ... Càng khẳng định thêm điều mình tin: con người vốn thuộc về các yếu tố tôn giáo tâm linh.
18.7.16
Ngọn đèn hết dầu
Cuốn tự sự mỏng (140 trang) Một cái chết rất dịu dàng được Simone de Beauvoir viết về giai đoạn mẹ của bà, Francoise de Beauvoir bị ung thư đối mặt với đau bệnh và cái chết từng ngày.
Tuổi già ập đến, mới ngày qua còn tự kiêu rằng ta trẻ hơn tuổi 77 thì ngày nay đã "đúng là một bà cụ 77", nỗi cô đơn vì lẽ sinh tử, những ràng buộc xác phàm. Tuổi già cứ thế bất chợt đến, kéo theo nỗi sợ cái chết "má tôi có cái sợ sệt của phàm nhân", "má không sợ chính cái chết: má sợ phải nhảy qua cái gì mới chết được".
Simone thừa nhận rằng mỗi khi nghĩ đến mẹ thì bà thường lãnh đạm thờ ơ và tự hỏi mình "tại sao cái chết của mẹ tôi đã làm tôi xúc động mạnh mẽ như vậy?". Có thể bởi "mẹ tôi yêu cuộc đời cũng như tôi, mẹ tôi nổi loạn đối với sự chết cũng như tôi". Như trích dẫn của Dylan Thomas ở đầu sách: "Xin đừng bước vào cõi đêm dày này một cách dịu ngoan/ Tuổi già cần bốc cháy và điên dại vào lúc ngày sắp tàn/ Điên cuồng, điên cuồng chống lại cơn hấp hối của ánh sáng..."
Nhưng thế nào là một cái chết rất dịu dàng. Thế nào chứ, khi mà "rất ít khi ái tình, tình thân hữu, sự giao du làm cho người ta khỏi cô đơn lúc lâm chung", dù có cách nào, bên họ, cầm tay họ bao lâu thì ta vẫn ở ngoài họ. Ta chỉ biến mình thành kẻ tòng phạm của vận mệnh, để vận mệnh đàn áp mà thôi. "Tôn giáo không thể là hy vọng một sự thành công sau khi chết. Dù rằng tưởng tượng ra sự bất diệt linh hồn ở thượng giới hay ở trần gian thì sự bất diệt ấy cũng không an ủi được cái chết của người ta khi người ta tha thiết với cuộc sống"
Người ta chết khi đến cõi rồi, phải không. Không, "Người ta không chết vì đã sinh ra, đã sống ở đời hay đã già cả. Người ta chết vì một cớ gì. Biết rằng mẹ tôi vì tuổi tác mà sắp qua đời, tôi cũng không bớt kinh ngạc ghê gớm: mẹ tôi bị bệnh ung thư. Một bệnh ung thư, một bệnh tắc mạch máu, một bệnh sưng phổi: bệnh nào cũng tàn bạo và bất ngờ như máy bay lưng trời không chạy nữa. Mẹ tôi khuyến khích người đời lạc quan khi bà đã liệt giường, đã sắp ra ma còn xác định giá trị vô lượng của mỗi thời khắc; nhưng mẹ tôi quyết liệt một cách vô ích làm cho tấm màn nhàm chán thường ngày vẫn khiến ta yên dạ phải xé toang ra. Không! Làm gì có cái chết tự nhiên: không có cái gì xảy ra cho loài người lại tự nhiên mà xảy ra cả, vì sự có mặt của loài người đã đặt cuộc sống thành vấn đề. Tất cả mọi người rồi phải chết: nhưng đối với mỗi người lại là một tai ách, mà cho dù người ta biết và chấp nhận, cái chết cũng là một sự cưỡng bách, trái với lẽ thường"
vì sự có mặt của loài người đã đặt cuộc sống thành vấn đề
Ps: ngay trong đống chữ này, đã thấy rất mâu thuẫn, một kiểu mâu thuẫn không thể ra cái gì có thể phát triển được, kiểu mâu thuẫn rất là sai, nhỉ :v
16.7.16
ánh dương và bóng tối
hôm qua bedmate của tôi cũng ngái ngủ như tôi, bảo chứ: EMi dậy đi. Tôi hỏi mấy giờ rồi và hé mắt nhìn điện thoại, mới có 6h mà, còn ngủ được 3 tiếng nữa mà. Sau đó tôi bật dậy đóng cửa sổ, và chui người vào bóng tối căn phòng ngủ tiếp.
Bedmate vẫn ngái ngủ như cũ, ngái ngủ hơn cả tôi sau khi đã bật dậy đóng cửa sổ, lại bảo: phải mỗi ngày dậy sớm một tí thì mới quen dậy sớm được chứ.
Như một lời ám khói, sáng nay 5h58' tự nhiên con Lốc mở mắt và nằm nhìn trời đất, lắng tai nghe tiếng còi xe dưới đường...
Laika là một chú chó hoang ở đường phố Moscow, không ai thương xót, không ai quan tâm. Chú nhỏ bé và nghe lời. Vì tất cả lẽ đó, nên chú được con người lựa chọn ngồi vào tàu Sputnik 2 phóng lên vũ trụ nhằm thử tìm kiếm sự sống sẽ như thế nào khi ở môi trường vật chất như thế. Sputnik 2 thực hiện chuyến bay cảm tử vì hành trình của nó có cả chiều quay về trái đất, với trình độ lúc ấy thì đây đúng là chuyến đi cảm tử và Laika chẳng phải đã được định sẵn cái chết hay sao. Chỉ sau vài giờ, nhịp tim của chú tăng gấp 3 lần. Sự sống quá ngắn ngủi. Nên tôi rất thường hay nói, cô đơn như chú chó Laika ngồi tàu phóng vào vũ trụ. Tôi lấn cấn hoang mang và nhìn chính mình như mình là Laika vậy.
chỉ tại một bầu trời sáng sớm bất thình lình zội vào mắt
Em rất nhớ Minh, Minh ạ
15.7.16
Sáu chặng phân cách
Giờ này anh ở đâu là quyển đầu tiên mình thử đọc Mary Higgins Clark và mình nghĩ, rất ít khả năng sẽ đọc tiếp tác giả này. Chủ yếu là về kỹ thuật viết: viết quá hời hợt, cốt truyện loãng, càng về sau càng hụt, kết thúc thì nhạt thếch; tình tiết kém, nhỏ lẻ, gượng ép, các tình tiết dễ đoán, không xoáy bất ngờ. Chính vì viết kém nên tạo cho người đọc cảm giác tình tiết bị xé nhỏ, lủng củng vụn vặt mà lê thê dài nẫu ruột. Lại kết hợp thêm quả văn bản tiếng Việt trúc trắc thôi rồi.
Trinh thám có gây cấn đến mấy mà văn chương tẻ nhạt hời hợt là tôi cũng đánh điểm trừ ác liệt, đằng này lại kém cả đôi đường :p nên thật khó để tiếp tục đọc Mary Higgins Clark
Giờ này anh ở đâu? như bao truyện trinh thám khác, điểm cốt tử vẫn xoay quanh việc rất hiếm điều thực sự ngẫu nhiên, nó là cái lý thuyết Sáu chặng phân cách: có thể kết nối hai người bất kỳ trên hành tinh này thông qua vài chặng người quen (không quá 5 người) :p
11.7.16
Chỉ là tại cái gì đấy hay bất cứ cái gì thêm vào
Trong câu chuyện Ông già và biển cả của Ernest Hemingway, ông lão sau 84 ngày không đánh bắt được gì, đã quyết "đi thật xa" một chuyến và thành quả là một con cá rất oách. Ở buổi hoàng hôn của chuyến đi, ông đắc thắng trước thành tựu ngoài sức tưởng tượng (con cá phải dài đến 6-7 mét) nhưng nào có ngờ một thế lực lớn hơn (đàn cá mập) đã bất ngờ vờn quanh thuyền nhằm cướp đi thành quả của ông. Và thế là chỉ còn bộ xương trắng nơi mạn thuyền làm chứng tích trong ngày trở về. Có rất nhiều bài phân tích đã nói đến khát vọng và sức mạnh của con người trong cuộc sống hiện đại, ý thức vươn lên chiến thắng số phận của con người vân vân và vân vân. Nhưng mình nghĩ đến tính bất trắc và bi đát của cuộc đời. Anh đã đi gần hết cả chặng đường thì rất bất ngờ, một điều gì đấy xảy ra và đảo lộn tất cả. Cuộc đời không bao giờ bỏ bê anh. Chết dở :p
Chỉ tại con chim bồ câu của Patrick Suskind với dung lượng văn bản ngắn, chưa tới 100 trang, tôi không biết định dạng nó là thể loại gì (thiên về truyện ngắn hơn) vì gần như nó không có cốt truyện hay nói đúng là mạch truyện loãng.
"Chỉ tại con chim bồ câu là câu truyện kể về một ngày trong cuộc đời vốn được sắp xếp một cách tỉ mỉ của ông Jonathan Noel, sống ở Paris, ngoài 50 tuổi, "ôn lại quãng thời gian 20 năm tuyệt nhiên chẳng có biến cố nào đáng ghi nhớ... Vì ông không ưa những sự kiện đáng ghi nhớ, có thể nói là ông thù ghét những chuyện làm rúng động sự quân bình nội tâm và xáo trộn trật tự cuộc sống ổn định thường nhật"... Và rồi một con chim bồ câu xuất hiện trước cửa nhà ông, ngáng trước cửa lối đi ra nhà vệ sinh chung của Jonathan. Nó làm đảo lộn cái lối đi suốt mấy chục năm ông không phải chạm mặt ai buổi sáng khi đang mặc bộ đồ ngủ, nó dẫn đến những hành động dở khóc dở cười của chính ông, nó làm ông lo lắng, sợ hãi cho chính cuộc đời tưởng như đã vô cùng trật tự của mình. Patrick Suskind với Parfum (Mùi hương) là một hình ảnh khác, còn với câu chuyện Chỉ tại con bồ câu, độc giả được nhìn thấy ông ở một trạng thái người viết ý cười. Bởi đằng sau những câu chữ chiêm nghiệm về lao động, sự tồn tại, sự sống là nét cười chua chát. Dõi theo câu chuyện của con người sống như con rối vô cảm, ngẫm nghĩ về sự tồn tại trên đời trong một xã hội nhàm chán. Người ta lạnh nhạt trước cuộc đời nên chỉ một thay đổi nhỏ của vũ trụ gửi đến cũng khiến người ta hóa điên. Hay thế giới này bất trắc quá rồi, khiến chỉ một con bồ câu đậu nhẹ lên thân lừa già cũng khiến người ta sụp đổ và điên loạn.
Nỗi đắng cay, hữu hạn và bi đát đến vĩnh hằng của loài người trong cuộc đời này là bị kết án phải chết và phải sống. Không một ai phải cô đơn ở bể đời, kiểu gì cũng có một điều gì đấy, ai đấy... kéo đến để thể hiện mối quan tâm của vũ trụ với bạn, bởi nếu không thì con người làm gì cho hết một cuộc đời. Tựu lại, số phận là chính cái mà ta phải mang vác.
đừng vội đắc thắng trước cuộc đời, dù chỉ còn một tích tắc sống thì rất có thể cuộc đời sẽ cho anh thấy rằng cả thế giới đang chống lại anh :v
8.7.16
Con tàu lẻ loi rú còi trong sương mù
Tôi đọc trinh thám không bắt đầu bằng Conan Doyle, Agatha Christie như phần đông dân đọc trinh thám. Thành thật thừa nhận, CD tôi đọc số trang khéo chưa qua được tuổi thọ của mình í, còn AC thì chắc qua được tuổi thọ của tôi, nhưng chả thể quá được 100 trang (đấy là cộng cả 3 đầu sách AC tôi thử) :v
Tôi đọc trinh thám bởi tôi tìm ra Henning Mankell với Tường lửa. Hóa ra người ta có thể viết một câu chuyện điều tra, phiêu lưu, tội ác âm mưu bằng thứ văn nhiều suy tư như thế, nhưng phải sau khi đọc Chậm một bước thì tôi mới biết mình ngưỡng mộ Henning Mankell nhường nào :p
Khi chưa cầm trên tay Chuyến đi đến tận cùng thế giới, tôi được các cụ "ngửi văn" phán rằng đây là tập truyện ngắn viết kiểu cổ tích cho thiếu nhi. Tôi thích truyện thiếu nhi nhưng cổ tích thì phải tới tận khi tôi đã già như gần đây tôi mới thích cổ tích cơ. Nên ngày hôm kia, quyết định đọc quyển này trong số sách để gần giường thì tôi vẫn đinh ninh là mình sẽ đọc truyện cổ tích cho trẻ em, để mình được xúng xính mơ mộng hay vỡ mộng một tí :p
Hóa ra là phộc tu :v (cảm ơn các cụ "ngửi văn" rứt là nhiều)
Chuyến đi đến tận cùng thế giới là câu chuyện xoay quanh cậu bé Joel Gustavson sống cùng bố Samuel, một người thợ đốn gỗ ít lời, xưa kia từng là thủy thủ. Hai bố con sống trong một ngôi nhà có những bậc cầu thang và các bức tường kêu cọt kẹt, trên bờ con sông có dòng nước rất sạch chảy ra biển. Và cả hai, theo cách riêng của mình đều mơ ước về mẹ Enni một hôm đã biến đi đâu mất không quay về, mơ ước về chuyến phiêu lưu đến đảo Pitkern "hòn đảo mà những người nổi loạn tới được dưới sự chỉ huy của Fletcher, là một hòn đảo có thật. Con cháu những người nổi loạn vẫn còn sống ở đó đến tận ngày nay" chứ không phải chỉ là mơ ước gói trong trang sách Cuộc nổi loạn trên tàu Baunti.
Câu chuyện được chia thành hai phần:
Phần 1: Cậu bé ngủ trên chiếc giường phủ tuyết
Ở phần này, Joel 13 tuổi rưỡi, cậu tính mình là 14 tuổi bởi sau một đêm tuyết lẻn đến một cách bí mật, mùa đông đã đến lén lút như thế đấy và với cậu, tuyết bắt đầu rơi chính là Năm Mới. Chỉ còn cách Năm Mới 14 tuổi có 30', cậu lang thang ra khỏi nhà trong đêm để hoàn thành các lời thề năm trước, và ra nghĩa trang để thề ba điều cho năm mới.
1, Cậu sẽ sống đến 100 tuổi, tức là năm 2045, con số xa và nhiều đến mức cậu có cảm giác mình khéo phải sống mãi :p và để sống lâu như thế, cậu cho rằng mình phải luyện tập cho lưng không còng còng như bố Samuel, phải có sức khỏe, phải chịu được nóng và lạnh và để có sức khỏe, cậu quyết định sẽ luyện tập ngủ trên cái giường kê ngoài trời tuyết rơi.
2, Giải quyết vấn đề với bố Samuel về chuyện hai bố con không thể rời khỏi nơi đang sống quanh năm âm u rét mướt. Vì vậy, trong năm nay nhất định phải nhìn thấy biển lần đầu tiên
3, Thề sẽ trông thấy một người phụ nữ khỏa thân (mặc áo trong suốt). Bằng cách nào đó, trong năm nay.
Để thực hiện ba lời thề, Joel lần lượt trải qua những cảm xúc rất be bét tuổi dậy thì, từ nụ hôn, những ám ảnh về phụ nữ mặc đồ trong suốt, con chó nhỏ biến mất trên bầu trời, người bạn lớn không có mũi, những trò đùa ác của bạn bè, chuyện bố say rượu, trở thành ông hoàng nhạc R&R, việc cứu mạng người bạn già... và rồi cuối cùng cậu nhận ra, việc chúng ta có thể lớn lên, có thể như việc khẽ mở cửa phòng và như vậy, ta đã bỏ lại thời thơ ấu của mình ở ngoài hành lang, ta bước vào một thế giới rộng hơn một tí ti, rộng hơn từng chút một nhưng không còn là thế giới của ta như cũ nữa. Cũng như việc, ta hiểu về cái chết, cuộc sống trôi mãi trôi mãi không dừng lại, cái chết bao giờ cũng sẽ đến không đúng lúc. Và con người có thể lựa chọn hay không, việc vẫn là đứa trẻ con hay thôi đây :p
Phần 2: Chuyến đi đến tận cùng thế giới
Ở phần này, là câu chuyện một năm sau đó, khi Joel 14 tuổi rưỡi, làm tròn thành 15 tuổi cho oách. Cậu tốt nghiệp, chưa biết mình sẽ tiếp tục học trung học hay không, làm bác soát vé tàu, làm người đốn gỗ, hay làm thủy thủ đây... Rồi bỗng một ngày một lá thư được gửi đến, hai bố con lên đường đi Stockholm tìm mẹ Enni. Những trải nghiệm mới, phiêu lưu mới đã giúp Joel tìm được mẹ của mình, giúp cậu vươn tới ước mơ bấy lâu: được nhìn thấy biển, được làm thủy thủ, được đứng trên boong tàu, và cả việc đã đến lúc chuyển từ việc nhìn thấy một phụ nữ khỏa thân (mặc đồ trong suốt) sang một cái gì đó (một cái gì đó :p) nghiêm túc và hiện thực hơn nữa.
Đây đúng là chuyến đi đến tận cùng thế giới, thế giới của những khúc mắc tới cùng cần bố Samuel trả lời, thế giới của việc 15 năm trước mẹ cứ thế cầm lấy chiếc xắc tay và đi luôn, thế giới của những bến cảng, thế giới của không đâu là nơi tận cùng, nơi tận cùng thế giới vừa tồn tại vừa không tồn tại. Và cả thế giới của việc không có bố Samuel ở bên. Cái chết không những không khi nào đến đúng lúc, mà điều khủng khiếp là con người chết quá lâu, lâu quá, chúng ta mất hoàn toàn cơ hội được gặp lại nhau.
Bao lấy không khí của truyện là cái âm u tĩnh mịch và màu tuyết trắng, ngay cả ở phần 2, khi đã được thấy ánh nắng mùa hè của Stockholm thì nó vẫn là màu sắc của mùa đông Thụy Điển. Tôi nào biết mùa đông Thụy Điển như thế nào, nhưng tôi nghĩ tôi biết cái không gian nhiều tuyết giá lạnh hơi trầm buồn của nó, tôi biết qua các trang sách :p
Cuộc sống giống như dãy hành lang dài. Niềm vui, nỗi buồn, sự thất vọng... đều có căn phòng riêng của chúng. Ta đi qua mỗi cánh cửa, chúng đều có thể kể với ta hoặc chúng che khuất điều gì đấy. Ta có thể lựa chọn hoặc không thể lựa chọn (bị chọn), ta có thể gõ cửa và bước vào hoặc không thể vào được. Không ai biết điều gì đến, đời là vậy. Nhưng có điều chắc chắn hơn, đó là những cánh cửa mà ta nghĩ chúng luôn luôn đóng kín, hoặc ta nghĩ ta sẽ không chọn mở chúng thì chúng, lại có thể bất ngờ mở toang ra trước mặt ta. Buộc ta phải chấp nhận.
Nên mới nói, đôi khi khẽ mở hé cánh cửa thôi, cũng vô tình sa chân bỏ lại thời thơ ấu ngoài hành lang.
Dù có là cánh cửa nào, tôi vẫn biết, vẫn cố gắng nhắc mình: không ở đâu, không lúc nào tôi có thể nghe được nhiều âm thanh như khi tôi một mình ở trong căn phòng trống, căn phòng của riêng mình tôi.
Đấy là cách tôi lớn lên. Cách tôi đi đến cùng thế giới.
ps: may quá cái cô xinh xinh ở phần 1 của truyện, sau khi hỏi và được nghe thằng bé trả lời thành thật, cô í đã mặc áo trong suốt cho thằng bé nhìn. Đời người đọc như tôi, thấy như thế cũng thiệt tình đã đời gì đâu á :p
- Quái Nít à, nếu em đọc đến đây, tôi đã tự hỏi khi đọc những trang đầu quyển truyện này, rằng, lần đầu tiên em nhìn thấy tuyết thế nào, có phải như chúng lén lút rơi khi em không để ý không? (Tại em cứ hay nói chuyện thời tiết với tôi đấy)
- Bồ câu dễ thương, làm thế nào thì tui có thể giữ quyển truyện này là của tui (đừng bắt người ta đổi mà, người ơi)
5.7.16
cõi lòng tôi tĩnh lặng trở lại
Khi đọc hết 11 truyện ngắn kinh dị, kỳ bí trong Zoo của Otsuichi, ý nghĩ đầu tiên của tôi là ồ lên sung sướng, chính là bởi cái tên của tập truyện. Zoo cũng là tên của một truyện ngắn trong tập truyện, nhưng nó được lấy làm tên sách thì cảm nhận của tôi lấy làm thú vị mà khoái chí.
Zoo - sở thú. Tập truyện này đúng là sở thú và Otsuichi dùng 11 truyện ngắn đưa người đọc đi tham quan sở thú người. Qua mỗi câu chuyện người đọc lại bắt gặp một con thú người bị nhốt trong lồng hoặc nuôi thả trong phạm vi giới hạn nội tại, chúng đang giãy giụa, gào thét câm nín hoặc bộc phát như trái phá trong nội tâm, và chính việc đi sâu vào nội tâm nhân vật, khai thác sâu cái tính chất phi nhân nằm sâu trong nhân tính của nhân vật khiến tôi đánh giá rất cao Otsuichi. Cách viết không nhiều văn chương, nhưng tư duy văn học cực tốt và sáng tạo (tôi xem nó là thế mạnh của người viết trẻ, tác giả sinh năm 1978), giọng văn thản nhiên đến khó hình dung nổi. Những cái ác nhìn thấy được là những cái ác rất đỗi bình thường so với những cái ác trong tâm trí con người bị chôn sâu. Bộ óc con người quả thật quỷ dị.
Tôi thích văn học Nhật là ở đây, dù là áng văn chương đẹp bảng lảng, mềm mịn nhẵn như thạch trắng hay lăn tăn tĩnh như mặt hồ thu hay những thứ ma quái, tâm lý bệnh hoạn lợm giọng... thì các tác giả cũng chuyên tâm trong việc đào bới tâm lý nhân vật, giống như họ dám dấn thân, đối diện với tính chất người mọi rợ, man dại, có đến thế nào thì họ cũng muốn đi tới cùng. Cái cách đi này khiến người đọc luôn có cảm giác, làm sao có thể tồn tại một thế giới như những người viết này dựng nên. Làm sao có thể chứ. Để rồi lại phải tìm một cái gì đấy thẳng thẳng để làm mốc làm lề mà nhìn cho chắc chắn rằng, cú xoáy ấy chính là một thế giới thực song hành với thế giới ta đang sống. Các thế giới song hành, không phải thực và ảo. Mà là các thế giới thực song hành.
Bởi chỉ sau những cú vặn xoắn như thế, người ta mới bàng hoàng chợt nhận ra: cõi lòng ta lại có thể tĩnh trở lại.
Seven rooms nếu đọc và tưởng tượng nó thành ngôn ngữ điện ảnh thì đáng công lắm. So-far, Zoo là hai truyện ngắn về các thế giới nhân cách táo bạo. Thơ của ánh dương, Lời nguyền của chúa tể là những cốt truyện sáng tạo, ma mị. Tôi rất tiếc về cái kết của truyện ngắn mở màn Kazari và Yoko, truyện nằm giữa tập Đi tìm máu đi và truyện áp chót Trên máy bay sắp rơi, 3 truyện ngắn này đã tiến những bước hay mà nhẹ tênh tang như không, thế rồi bỗng nhiên cái kết lại quá hụt hơi. Có hai truyện Closet và Trong công viên buổi chiều tà hôm ấy, tôi chỉ có thể nói là nhạt
Truyện tôi thích nhất: Ngôi nhà trắng trong rừng sâu giá lạnh. Lý do à?
Suỵt. Cõi lòng tôi tĩnh lặng trở lại.
Ps: lột bỏ cái bìa ngoài xấu quắc, thấy bìa trong đơn giản mà đúng tính lồng thú hơn ế :p