5.7.16

cõi lòng tôi tĩnh lặng trở lại



Khi đọc hết 11 truyện ngắn kinh dị, kỳ bí trong Zoo của Otsuichi, ý nghĩ đầu tiên của tôi là ồ lên sung sướng, chính là bởi cái tên của tập truyện. Zoo cũng là tên của một truyện ngắn trong tập truyện, nhưng nó được lấy làm tên sách thì cảm nhận của tôi lấy làm thú vị mà khoái chí.
Zoo - sở thú. Tập truyện này đúng là sở thú và Otsuichi dùng 11 truyện ngắn đưa người đọc đi tham quan sở thú người. Qua mỗi câu chuyện người đọc lại bắt gặp một con thú người bị nhốt trong lồng hoặc nuôi thả trong phạm vi giới hạn nội tại, chúng đang giãy giụa, gào thét câm nín hoặc bộc phát như trái phá trong nội tâm, và chính việc đi sâu vào nội tâm nhân vật, khai thác sâu cái tính chất phi nhân nằm sâu trong nhân tính của nhân vật khiến tôi đánh giá rất cao Otsuichi. Cách viết không nhiều văn chương, nhưng tư duy văn học cực tốt và sáng tạo (tôi xem nó là thế mạnh của người viết trẻ, tác giả sinh năm 1978), giọng văn thản nhiên đến khó hình dung nổi. Những cái ác nhìn thấy được là những cái ác rất đỗi bình thường so với những cái ác trong tâm trí con người bị chôn sâu. Bộ óc con người quả thật quỷ dị.
Tôi thích văn học Nhật là ở đây, dù là áng văn chương đẹp bảng lảng, mềm mịn nhẵn như thạch trắng hay lăn tăn tĩnh như mặt hồ thu hay những thứ ma quái, tâm lý bệnh hoạn lợm giọng... thì các tác giả cũng chuyên tâm trong việc đào bới tâm lý nhân vật, giống như họ dám dấn thân, đối diện với tính chất người mọi rợ, man dại, có đến thế nào thì họ cũng muốn đi tới cùng. Cái cách đi này khiến người đọc luôn có cảm giác, làm sao có thể tồn tại một thế giới như những người viết này dựng nên. Làm sao có thể chứ. Để rồi lại phải tìm một cái gì đấy thẳng thẳng để làm mốc làm lề mà nhìn cho chắc chắn rằng, cú xoáy ấy chính là một thế giới thực song hành với thế giới ta đang sống. Các thế giới song hành, không phải thực và ảo. Mà là các thế giới thực song hành.
Bởi chỉ sau những cú vặn xoắn như thế, người ta mới bàng hoàng chợt nhận ra: cõi lòng ta lại có thể tĩnh trở lại.
Seven rooms nếu đọc và tưởng tượng nó thành ngôn ngữ điện ảnh thì đáng công lắm. So-far, Zoo là hai truyện ngắn về các thế giới nhân cách táo bạo. Thơ của ánh dương, Lời nguyền của chúa tể là những cốt truyện sáng tạo, ma mị. Tôi rất tiếc về cái kết của truyện ngắn mở màn Kazari và Yoko, truyện nằm giữa tập Đi tìm máu đi và truyện áp chót Trên máy bay sắp rơi, 3 truyện ngắn này đã tiến những bước hay mà nhẹ tênh tang như không, thế rồi bỗng nhiên cái kết lại quá hụt hơi. Có hai truyện Closet và Trong công viên buổi chiều tà hôm ấy, tôi chỉ có thể nói là nhạt
Truyện tôi thích nhất: Ngôi nhà trắng trong rừng sâu giá lạnh. Lý do à?
Suỵt. Cõi lòng tôi tĩnh lặng trở lại.

Ps: lột bỏ cái bìa ngoài xấu quắc, thấy bìa trong đơn giản mà đúng tính lồng thú hơn ế :p

1 nhận xét:

  1. Em không hiểu truyện Ngôi nhà trắng tròng rừng sâu giá lạnh nó như thế nào ... chị coa thể phân tích cho em được không ạ...?

    Trả lờiXóa