25.6.15

Phác họa một đất nước



Tiểu thuyết Khi ta mơ quá lâu (If we dream too long) được Goh Poh Seng hoàn thành năm 1968, in lần đầu năm 1972, một cuốn tiểu thuyết mỏng, bản dịch tiếng Việt 200 trang mơ mộng bay bổng như chính những người trẻ trong truyện nhưng cách thức miêu tả đơn giản, chân thực, kể câu chuyện với giọng văn bình lặng về con người, cuộc sống, kinh tế, chính trị ở Singapore vào năm 1965, năm Singapore trở thành một nước cộng hòa độc lập đã phác họa ra chính xác hình ảnh đất nước này. Qua góc nhìn của những thanh niên như Kwang Meng (Quang Minh) 18 tuổi trầm tĩnh, học thức vừa đủ, không thất nghiệp, làm thư ký công sở, ở nhà cao tầng, thích bơi lặn thích đắm mình vào thế giới lặng câm dưới biển, thích đêm tối, đi bar tụ tập giải trí và ngủ với gái...cuộc sống đủ đầy lem nhem, còn gì cho ta làm đây, loay hoay cho tất cả những gì đã qua và những gì sắp tới: đi đâu, làm gì, ta phải làm gì với chính ta. Đó là những nét vẽ rất cơ bản phác họa chân dung Singapore "trên hòn đảo nhỏ Singapore này không có lấy một ngọn đồi đích thực, không một dòng sông đích thực, không một ngọn núi...chỉ có biển mà thôi” với những con người như Kwang Meng đang ở giữa ngưỡng khát khao mơ mộng tuổi trẻ và trách nhiệm xã hội đòi hỏi. Họ mong muốn, mơ mộng làm được những điều lớn lao nhưng cũng đồng thời nhận ra mình đến quá muộn trong đời "ra sân khấu quá trễ, tới thế hệ mình, mọi chuyện đã xong béng rồi. Giờ chả ai cần chúng ta"
Ngơ ngác, hoang mang như chú chó Laika bị đưa vào tàu phóng lên vũ trụ, Kwang Meng đại diện cho hình ảnh những con người ở Singapore vật lộn với cảm giác lấn cấn không hiểu, thấy vô nghĩa với những gì mình tham gia, như là con đường Singapore đã chọn là một định mệnh tất yếu, tất cả đi theo, bị cuốn vào con đường ấy như mọi sự đã được an bài trong khi còn không thực sự nhận ra cái gì đã được an bài, cái gì là định mệnh tất yếu. Xây dựng một thiên đường, con người phải gồng gánh một cái giá quá đắt, nhỉ, mỗi cá nhân với từng bước đi loạng choạng liêu xiêu như vừa bước ra khỏi giấc mộng
"người ta lớn lên phải biết chấp nhận, hoặc hòa nhập vào đời hoặc mở lòng cho đời nhập vào mình, để trở thành một phần của mọi điều"
ps: lời đầu sách "mọi nhân vật trong cuốn sách này đều là hư cấu" thế mà sao cuốn sách này lại gần với sự thật một cách đáng sợ như thế. Gay thật :3
- dịch giả cuốn này là Nguyễn Dương Quỳnh, cô gái đã viết Đỏ, Thị trấn của chúng ta và nếu mình nhớ không nhầm, cô gái này từng là du học sinh ở Singapore

Nhà nhiều dãy ngang dọc chồng chéo ở một xứ sở khác


*mưa gì mà mưa từ đêm này sang đêm khác thế cụ Zời ei*




Bốn người phụ nữ Trung Hoa di cư sang Mỹ đã mượn bàn mạt chược lập nên Phúc Lạc hội để bớt nỗi nhớ quê hương và quên đi sự lạc lõng ở xứ người. Bốn bà mẹ với quá khứ đầy tủi nhục, khổ cực trong giai đoạn chinh chiến và chia ly loạn lạc. Mỗi bà mẹ đều có một cô con gái trưởng thành mang dòng máu Trung Quốc nhưng dần quên đi cội nguồn của họ ở nơi đất Mỹ phù hoa
Bốn người phụ nữ Trung Hoa di cư trên đất Mỹ, bốn cô con gái Trung Hoa thế hệ hai, mười sáu câu chuyện chồng chéo quá khứ-hiện tại-quá khứ. Quá khứ là thế giới huyền ảo của Trung Hoa cổ kính, là chế độ đa thê, là chiến tranh Trung Nhật, hiện tại là những rắc rối đời thường, những khỏang cách thế hệ, những phiền phức của cuộc sống thực dụng kiểu Mỹ.
Phúc Lạc hội kể câu chuyện về quá khứ và hiện tại trong cuộc sống gia đình, về mối quan hệ giữa những cô gái Mỹ gốc Hoa và các bà mẹ Trung Quốc của họ. Cuộc sống của 8 người phụ nữ này được hình thành bởi sự đụng độ của nền văn hóa Trung Quốc - Mỹ khi họ cố gắng để hiểu và chấp nhận sống với hiện tại.
Tôi thực sự không hiểu vì lẽ gì mình đọc cuốn tiểu thuyết đầu tay này của Amy Tan (Tân Ái Mỹ). Những câu chuyện quá khứ về chế độ đa thê, về các dòng tộc nhiều thế hệ sống dưới cùng mái nhà nhiều dãy ngang dọc, những tập tục lâu đời "kiểu Tàu" ở cuốn tiểu thuyết này, làm tôi nhớ rất nhiều đến các truyện ngắn trong tập Chuyện tình giai nhân (Trương Ái Linh).

Tự nhiên thấy biết ơn vì mình đã đọc Trương Ái Linh trước nhất, đó là thứ văn chương "kiểu Tàu" đậm tính nữ nhưng tư duy văn học của bà lại gần như đứng ngoài lề mọi ảnh hưởng thời cuộc tác động lên. Cũng vẫn là những câu chuyện "kiểu Tàu" nhưng điểm xoáy của Trương Ái Linh hoàn toàn từ các góc nhìn khác, nó giống như tài hoa của thứ văn chương này là ở cách chọn góc nhìn, điểm xoáy, nó mang đến cho người đọc một cách tiếp cận mới, hưởng thụ trọn vẹn câu chuyện một cách độc lập
Nhiều việc khó tin phết, ví như văn học Trung Quốc với mình là vùng đất hẻo lánh mà không hiểu ra làm sao, mình có thể gần như thuộc làu làu truyện ngắn Tình yêu của Trương Ái Linh. Có lẽ nào mềnh nên mở rộng phạm vi đọc TQ nhiều hơn nữa :p
ps: Phúc Lạc hội được tài trợ bởi Ngô Tuấn. Nếu không có người tài trợ thì còn khướt mình mới chịu đọc Amy Tan

22.6.15

Sunday morning

Hôm nay Sun về quê, giỗ ông Nội của mẹ. Dì Lốc ngu si, bế em ra đứng dưới nắng trong khi em đang hâm hấp sốt, lý do của dì rứt đơn giản: tên con là Sun, con phải ra gặp mặt trời vào ngày Sunday thì mới khá được pacman emoticon. Vãi cả dì Lốc ngu :))

18.6.15

Trẻ con thời bao cấp

Sau Cửa sổ (Tạ Huy Long) thì San San chân to đi xốp (Quỳnh Lê) tiếp tục kể câu chuyện những mẩu rất nhỏ nhưng rõ nét về Hà Nội một thời nhiều gian khó. Các anh chị 7x và 8x đời đầu đọc quyển San San chân to đi xốp chắc sẽ thích lắm đấy ạ. Cả tuổi thơ bình dị, sống động, nên thơ trong hoàn cảnh Hà Nội thời bao cấp hiện lên. Em sinh năm 86, chỉ ngửi thấy mùi bao cấp qua câu chuyện ông bà, bố mẹ kể thôi, gần như không có trải nghiệm ạ 
Cửa sổ và San San chân to đi xốp đều là những câu chuyện hết sức cá nhân, nếu ở Cửa sổ có một chút u hoài, man mác buồn (câu chuyện khuyết hẳn bóng dáng người cha) thì San San lại rất trong, có thể tại ngay từ hình dung, người đọc đã nghĩ đến một cô bé hay đói, chân to và vừa mơ mộng vừa bạo dạn ưa phiêu lưu khám phá lớn lên trong gia đình đủ đầy không gian sinh hoạt văn hóa chăng 

ps: tác giả của San San chân to đi xốp chính là dịch giả Quỳnh Lê với Ác quỷ Nam Kinh, Đảo kinh hoàng, Xấu, Dòng sông kỳ bí mà mình rất lưu tâm hihihi

This book just ate my dog!!!


picture book tinh quái đáng iêu chết đi được. Mềnh ngu ngơ mộng mơ vãi, đến đoạn bảo xoay ngang sách để lắc lắc lắc cho chó, người, đội giải cứu chó, xe cứu hỏa, xe cảnh sát...rơi ra khỏi sách, một phần nhỏ trong đầu mình nói, xoay ngang sách ra đi, lắc lắc cho mấy người ấy chui ra, xem có điều gì xảy ra nào 

mọi thứ đi vào và ra khỏi trang sách đều trở nên đặc biệt tinh quái, nhỉ  , cái bọn bị hút vào và chui ra khỏi sách cũng thế, chả khác gì tổ hợp tâm thần phân liệt í 

khởi động một kết cục

ở đâu đó trong chính cuộc đời hiện tại này của chúng ta đã khởi động một cái kết. Mình tin rằng, mình tin có Đấng tối cao đang sắp xếp một cuộc đời khác, một tiếp nối cho mình ở một cõi khác. Việc sống quả thật vật vã nhỉ, chấp nhận, hòa nhập vào cõi này và hoan lạc tích trữ hy vọng để nhập cuộc một cuộc đời khác ở một cõi khác bất cứ lúc nào. Tức là mình tin mỗi một cá thể sống là gồm rất nhiều cuộc đời song hành một cách vô hình nhưng sắc nét
ví dụ, nếu số phận định cho mềnh có 60 năm tung hoành đi, mình 30 tuổi, mình đã đi hết phúc phận từ cuộc đời khác của mình để lại (ngọt bùi chua chát có sao chịu đựng hết) và phúc phận trong 30 năm tới là phúc phận của 30 năm sống vừa rồi. Trong 30 năm tới, số phận đã khởi động một kết cục nào đó rồi, mình chỉ biết cách chấp nhận vì 30 năm vừa rồi sống sao thì từ giờ (30 đến 60) hưởng đáp số ra đó, không thay đổi được và trong 30 năm tới (30-60) hoan hỷ tích trữ hy vọng, tích trữ điều tốt đẹp để một ngày nào đó, Đấng trên cao đưa mình vào một cuộc đời mới
thế thì có phải là, sống quả thật là rất vật vã, sống là nỗi nhục vì cứ phải sống, sống là vinh quang vì sống là như vậy mà mình vẫn cứ sống vẫn cứ chiến thắng nỗi nhục để sống 
mình cho rằng cuộc đời là tầng tầng lớp lớp song hành, như là trăm nghìn đường song song, so le, Đấng trên cao xê dịch sự so le ấy, hình dung như là trò game gì gì í, mình giống như kẻ chơi game cứ nhảy lên mãi hoặc nhảy xuống mãi, miễn sao các đường song song ấy di chuyển mà mình vẫn đáp chân được vào nó chạy qua chạy lại, ngó qua ngó lại trước khi nhảy đến một đường song song khác. Nếu mà nhảy trượt là ngỏm sớm, ngỏm xong lại restart và bắt đầu lượt chơi mới như mọi người phàm, đúng như vậy mới là người phàm. Còn bậc khác người phàm, họ bế, hãm lại, lụt đi căn tham-sân-si, triệt chúng đi, không còn chúng nữa để tiếp tục chơi, kết thúc là kết thúc, kết thúc không còn là khởi động một cái gì đó nữa ở cuộc đời khác nữa, không còn những cuộc đời song hành, là cùn căn mạt kiếp
Chính tại lúc ấy, bậc đó kết thúc một chuỗi nhảy loi choi các đường song song, là mạt kiếp
là kết thúc luân hồi.
P/s: trong lúc tập yoga nghĩ ra

14.6.15

Don't want your picture on my cell phone. Don't want your memory in my head now. I want you here with me



Thi thoảng tôi cần một cuốn sách với câu chuyện đơn giản như vầy thôi
Tôi thực sự không định mua cuốn này, nhưng rồi nó là một cái gì đấy rất cá nhân, nó đến từ Thailand. Nơi M sống khi chúng tôi gắn bó gần 1.5 năm. Rồi, nó cũng là một cuốn văn học Thailand đầu tiên tôi đọc. Hihi, tôi thì chỉ có hiểu về mỹ phẩm, thời trang của họ thôi. Thật ra, nếu không vì công việc, tôi cũng không quan tâm đâu.
Có thời gian tôi gánh nợ rất nhiều, mà chưa bao giờ căng thẳng như hiện nay. Đầu tôi lúc nào cũng ong ong các con số, lẩm nhẩm tính toán dòng tiền vào ra, chi phối mảng này mảng kia. Tất cả bắt đầu từ lúc chúng tôi lao vào mảng thiết kế may đo. Xưởng này chưa êm thì thêm xưởng mới. Đầu vào phát điên, đầu ra phát rồ.
Tôi quay lại thuốc lá, mặc xác khối u. Làm sao có thể tỉnh táo và bình tĩnh nếu không có nó. Và tôi biết, lần này hỏng hẳn, vì rất khó để bỏ nó lần 2. Kinh nghiệm cho thấy một việc đã xảy ra, có thể là không bao giờ xảy ra nữa, còn nếu đã có lần 2 thì lần 3 là chắc chắn. Khi hút thuốc, tôi liền nghĩ tới M, và hiểu cảm giác nhìn thấy thuốc là phải hút nó là như thế nào.
M có 10 năm ở Mỹ, Thái và TQ trong khoảng 8 năm, còn lại Nhật, Sing... rải rác 2-3 năm. Đôi khi tôi tự hỏi, cái cảm giác không đâu là nhà nó thế nào? Chốn để về của anh cũng đang nhớ anh lắm, da đầu có cảm giác rất lạ, nó bốc lên ngứa ngáy, phải cào thật đau để nó về bình thường.
Quái vật chết tiệt, anh ở đâu?

ps:sức mạnh thần thánh nào đã đẩy bải này thành bài mới tinh, nó phải cách nay đến gần 2 năm??

Để thấy mình buồn cười thế nào :p




Con Lốc rất nóng tính, nóng tính không phải là nói như chửi nhau hay nói như quát (chỉ dừng ở nói to hơn bình thường thôi), mà nóng tính ở đây là rất cục tính (cái bọn cứ lừ lừ í, lúc nó điên lên thì sợ phết), là đập phá, hủy hoại cả đồ vật, và cả người nữa 
Ném đồ bát đĩa lọ thủy tinh, ném điện thoại, ném bất cứ cái gì gần tay (hề hề, chưa bao giờ ném sách, thế mới lạ). Đập phá tủ, bàn, ghế, đấm vỡ cánh cửa kính tủ rượu, đập cả laptop. Hủy hoại nhiều thứ, cả cơ thể mình cũng giận quá mà tiến hành hủy, đấm vào tường, dùng dao làm vài đường vào lưng (chỗ ngang ngang mặc bra), tự túm tóc giật (vì đầu nóng quá, nóng không chịu nổi), tự cắn thịt mình đến khi đau không chịu nổi thì nhả ra.
Sau mỗi lần đều tự thấy rằng mình làm đau chính mình, làm hư hại đồ vật là chính mình làm tổn hại mình, là mình không biết yêu lấy chính mình thì còn ai có thể yêu mình
Nhưng mà mỗi lần giận vẫn tiếp tục điên khùng hóa rồ như cũ 
Cho đến một ngày, cơn giận của mình làm tổn thương thật sự tới người mình rất yêu và trân trọng (dù đã được tha lỗi) thì mới biết kiểm soát cơn giận. Rồi cho đến một ngày nữa, cơn giận cũng đồng thời là chính nỗi buồn thăm thẳm thì không còn là biết cách kiểm soát cơn giận nữa mà là biết chấp nhận sống cùng nó, đối xử dịu dàng với nó. Cái giận này không còn là giận phải xả hết ra, thổi phù một cái cho con quái vật trong người nó hả hê tung hoành cho đến khi thổi, xả được hết hoàn toàn thì con quái vật tan biến, còn lại là hoang sơ nghĩa địa những mất mát. Cái giận này là cái giận phải biết cách chấp nhận, phải biết sống với nó, ôm lấy nó mà vuốt ve vì nó là số phận. Nó là việc một con người cũ bị tan đi thành cát trong sa mạc gió bão, tan cơn bão cát sa mạc thì một con người mới được tái tạo từ những hạt cát cả cũ và mới mà nên.

Dù có thể những dòng trên kia có hơi thở u hoài nặng nhọc thì cũng chỉ để gợi ý là, chúng ta có thể học rất nhiều từ thế giới nít ranh, bước vào thế giới của chúng để thấy mình (đã từng) cư xử "buồn cười" thế nào. 
Giận ơi là giận của tác giả Mireille d'Allancé 
"Giận ơi là giận,
Giận là gì nhỉ?
Sao cứ ấm ách
Một cục trong lòng"
Sau mỗi cơn ngùn ngụt bốc hỏa, có rất nhiều thứ tan vỡ, hỏng hóc, mà thông thường ta không bao giờ còn trả lại nó về như cũ được.
Nên là í, kiểm soát cơn giận nhá, bao nhiêu năng lượng bốc hỏa dồn hết vào yoga, đạp xe, chạy bộ, hát to, nhảy điên cuồng, thể dục thể thao...làm các việc thư giãn nhất í. Đẳng cấp cao hơn hãy chơi với chính mình: tự lập kỉ lục-tự phá kỷ lục-tự nâng kỷ lục của mình lên trong lãnh vực đối xử với cơn giận . Điều phi thường là ta có thể đối xử dịu dàng với những điều đớn đau nhất của cuộc đời. Cố nhên 


ps: đang giận ông Trời vì ổng phù phép thiên nhiên khắc nghiệt quá (bay mất 1 cánh cửa sổ mặt tiền tầng 4, 1/2 khung nhôm kính tầng 6 gãy đổ, phòng tầng 5 đóng cả cửa chớp và kính mà sách vẫn ướt), tính là ngày mai ngày mốt ổng hiền, con Lốc sẽ ném trả vầng trăng lên trời, đếch thèm ngắm nữa vì nay sách của con Lốc ướt tùm lum, con Lốc giận ổng ghê gớm í. Xong rồi đọc được quyển picture book dễ thương kia xong. Con Lốc đếch thèm buồn đếch thèm giận nữa, cứ bật quạt vù vù cho khô rồi quay mông đi vào toilet đọc sách. Nhá nhá nhá, xiiii, tui hem thèm giận ông. Giận ông tốn cơm mà chả được ích zề. Nẫu.


12.6.15

sau ba năm hình hài những chiếc lông chim



Đêm ấy khi tôi lết xác về được đến nhà là khoảng 3 giờ sáng. Tôi say quá, nhưng vẫn cố gắng qua phòng chào phụ huynh, cố mãi mới nói được giọng như bình thường, cố lắm mới đứng thẳng được thay vì bò toài trên các bậc cầu thang. Lên được đến tầng 5, mở cửa phòng gió ùa vào mặt, ra là trước khi đi chơi tôi không đóng cả hai cánh cửa sổ trong phòng. Gió lùa kéo theo rất nhiều một thứ lông tóc sợi vải hay bông sợi bám vào da mặt, da người tôi. Tôi tự hỏi trong cái đầu say của mình, cái chết tiệt gì thế này, rồi càng lúc trong đôi mắt mờ mờ của mình, tôi cảm thấy dường như rất nhiều cái gì đang bay lượn vần vèo trong không khí, rất nhiều. Gió vẫn thổi bung lên từng đám vơ vẩn bay trong không gian chệch choạng trước mắt tôi, nó đẹp, cái đẹp tôi không muốn lý giải theo bất cứ cách nào. Tôi cứ đứng tựa người vào cửa phòng, buông túi xách, bám người vào giá sách gần cửa để nhìn hình ảnh ấy. Cho đến khi tôi tự hỏi điều đẹp đẽ này từ đâu mà ra thì mới có ý nghĩ cần ánh sáng để soi rõ. Lần tay vào công tắc đèn phòng và nhắm mắt lại trước khi ánh sáng chói bừng lên.
Tôi đã nhầm tuyệt đối, vẻ đẹp tôi muốn biết là gì kia hoàn toàn không cần đến ánh sáng. Khi mắt đã quen với ánh sáng, chờ đợi tôi không gì khác là cảnh tượng một căn phòng bừa bãi sách vở đồ ăn chai lọ vỏ lon vỏ thuốc lá và rất nhiều lông chim như thể động vật bay nhảy này vừa có cuộc hỗn chiến trong căn phòng. Cố gắng vỗ vỗ vào đầu, tôi tự lý giải mọi việc thì chân bước giẫm phải một khối ấm ấm, căng mắt nhìn xuống sàn thì chân tôi đang đè lên xác một chú chim. Tôi hét lên what the motherfucker, what the fuck, fuck fuck fuck AAAAAAA
Tôi không rõ vì trạng thái say đẩy mình vào nhạy cảm hay bản thân tôi là kẻ không chịu chấp nhận những điều thế này mà tôi cứ vừa đi thu dọn xác chim trong phòng vừa khóc. Cả ba cái xác được tìm thấy trong phòng, cái thì mềm oặt còn ấm, cái thì trầy hết da, và cái cuối cùng tôi tìm được là do nhìn thấy đàn kiến, cái xác này bị mất một nửa đầu, đôi mắt chú chim ấy nát, bong tróc trầy trật da lông và rớm rất nhiều máu khô. Tôi tự hỏi ai gây ra những điều này, cứ vừa thu dọn vừa khóc vừa lẩm bẩm tại sao tại sao, vừa tràn đầy trong người một thứ năng lượng có thể giết chết, phá hủy ai đó, cái gì đó
Khi mang xác ba chú chim tội nghiệp lên tầng sáu chôn vào chậu đất to đang chờ để trồng cây, tôi bắt gặp con mèo của mình vừa ho vừa nôn khan. Tôi lại tỉnh cơn say thêm chút nữa, tại sao đêm nay, một đêm nhạy cảm thế này, lại có nhiều chết chóc, đau bệnh diễn ra trước mắt tôi. Tôi ôm mèo vào lòng vỗ vỗ lưng như xử trí trẻ em ho sặc. Rồi mèo nôn ra rất nhiều nước vàng, rất nhiều lông chim vón lại
Tôi hiểu ra sự việc, lẳng mèo mạnh tay vào tường. Nó trượt dài trên sàn sân thượng rồi theo đà đâm bịch vào tường như một khối thịt, mắt lờ đờ không phản ứng. Mẹ sẽ giết chết con, mẹ sẽ giết chết con vì những điều con làm, đồ độc ác, mẹ sẽ giết chết con. Nhưng mèo cũng không phản ứng lại trước lời tôi nói, tôi bảo nó: chạy đi trước khi tao làm điều mà tao sẽ hối hận, chạy đi đồ mèo ngu ngốc
Nhưng nó vẫn nằm mắt lờ đờ ngước nhìn tôi và ẹ ẹ hẹ hẹ ra thứ nước xanh vàng cùng nhiều lông chim vón cục. Tôi hiểu rằng nó đang phát bệnh vì ăn những thứ lạ vào người. Tôi cũng gieo mình ngồi phịch xuống đối diện nó và nghĩ đến cảnh tượng trước mắt. Đèn mờ không đủ rọi ánh sáng ra khoảnh sân tôi đang ngồi nhưng tôi nghĩ rằng đây là những thứ rõ nhất, trần trụi nhất mà tôi sẽ mãi nhớ, ba xác chim mềm oặt vẫn còn một màu hồng hồng nằm bên trái chỗ tôi ngồi và đối diện là con mèo tôi rất mực yêu, ân nhân cứu tôi sống đang nằm một đống khò khè mệt do ngộ độc. Cảnh tượng này đẹp thê lương.
Nó là vẻ đẹp của cái ác, của đớn đau buồn tủi, cái đẹp mong manh khi đứng trước những chết chóc, sống còn
Tôi chôn ba xác chim xong cũng là lúc trời chuyển mưa sau rất nhiều giông gió. Tôi đứng góc sân hứng mưa, sau lưng là con mèo nằm lim dim mắt thở chầm chậm những hơi dài. Tôi bế mèo xuống phòng để bơm mấy xi lanh oresol  vào cái mõm chết tiệt ngu muội của nó. Chính lúc ngồi bơm oresol cho nó, tôi nhìn thấy hình ảnh mà tôi đã lưu lại bằng tấm ảnh trên kia để đánh dấu một khoảnh khắc tôi cảm thấy mình đặc biệt yếu đuối khi không còn M bên cạnh để chia sẻ thế giới, như là trong tôi lại chết đi thêm một phần nữa

cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận sâu sắc về vẻ đẹp của cái ác, sống-chết vượt thoát khỏi những suy tư văn học từng có được khi chìm mình vào việc đọc.

ps: sáng nay ngồi dọn laptop, thấy lại pic kia. Thoắt cái đã gần 3 năm.

11.6.15

Hai chữ Ái Tình


(thực sự sướt mướt ướt át mùi mẫn)
"đời của em là đời vẩn vơ, ái tình của em là ái tình vô hy vọng" (trích Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách)
Song An Hoàng Ngọc Phách viết Tố Tâm năm 1922, đến 1925 thì xuất bản, Tố Tâm được xem là tâm lý tiểu thuyết, mở đường cho trào lưu lãng mạn trong văn học ở VN đầu thế kỷ XX.
Giọng văn, lối kể chuyện, những bức thư của Đạm Thủy và Tố Tâm...thực sự tình. Tình ơi là tình, từ năm 1922 mà đã viết tình được như thế, tâm lý nhân vật làm sống dậy cả bè lũ, hàng ngũ những kẻ vì tình mà không ngóc đầu dậy nổi, ái tình là gì mà tạo ra lắm kẻ u mê đến kỳ quái 
Song An Hoàng Ngọc Phách viết Tố Tâm với mục đích răn đời đừng mắc mứu vào ái tình, đừng lạm dụng văn chương vào đường ái tình (mơ màng, bi lụy vẩn vơ...) nhưng phải khẳng định sức sống của Tố Tâm chính bởi đây là chuyện ái tình mùi mẫn lâm li bi đát, sướt mướt "chết bởi hai chữ ái tình". Ái tình không thể đem lý luận, đạo đức, luân lý để răn đe, lý giải, phòng ngừa được. Đời sống của tác phẩm trái hẳn với mục đích của tác giả *hehehe tréo ngoe nhỉ*. Ái tình chỉ là ái tình như tự nhiên trai gái yêu nhau. Vậy thôi  
"Đàn bà sở dĩ quý là tại đàn bà là đàn bà" 
Con Lốc nói: ái tình sở dĩ đẹp là tại ái tình là ái tình dang dở, u u mê mê đó mà

9.6.15

Nghếch ơi!



Dù lớn lên, trưởng thành và rồi sẽ già cỗi thì mềnh vẫn kiên quyết giữ cái thế giới nít ranh của mình không ngừng phát triển ^^. Cứ nhìn bọn trẻ con ấy, sẽ thấy rất nhiều thứ đáng xách dép học hỏi bọn chúng. Như thể các Đấng tối cao tạo ra trẻ con để chúng nói với bọn người đã từng là trẻ con rằng: các người nhìn này, nhìn vào mắt nít ranh bọn tôi đây này, nhìn vào nụ cười tỏa nắng răng nham nhở đây này, để mà sống. Nhé 
Cuộc đời giống như bước ra từ giấc mơ, giống như thoát ra khỏi đám sương mù không có nghĩa là, không dám mơ, từ chối mơ, khước từ tưởng tượng. Vẫn cần rất nhiều tinh khôi, tươi mới, ngây thơ để chịu thấu cuộc đời. Và, lại để có thể tiếp tục mơ  

Tôi muốn là một người du hành đích thực!!!!! MỘT-NGƯỜI-DU-HÀNH-ĐÍCH-THỰC 

Ở NƠI QUỶ SỨ GIẶC NON (MAURICE SENDAK)
Max mặc bộ đồ hóa trang chó sói quậy phá khắp nhà nên bị mẹ mắng là "Đồ quỷ sứ giặc non". Cậu chàng thản nhiên đáp lại:"Con ăn thịt cả mẹ bây giờ!". Thế là bị phạt đi ngủ mà không được ăn tối. 
Đêm ấy cả căn phòng của Max mọc thành một khu rừng với bao nhiêu là dây leo, và còn có cả một đại dương nữa chứ. Max rong buồm ra khơi đi suốt một năm ròng, hết tuần này đến tuần khác tới xứ sở bọn quỷ sứ giặc non. Nhờ lòng dũng cảm Max chế ngự bọn quỷ sứ giặc non và được công nhận là đứa quỷ sứ giặc non nhất, đồng thời được tôn là quỷ sứ giặc non bệ hạ (oách xà loách tung cả bô ^^). Quậy phá huyên náo cả xứ quỷ sứ giặc non xong thì Max ra lệnh tất cả phải đi ngủ mà không được ăn tối. Quỷ sứ giặc non bệ hạ Max một mình ngồi trong đêm cảm thấy vô cùng cô đơn và muốn được ở nơi có ai đó yêu thương cậu nhất trần đời.
Chia tay lũ quỷ sứ giặc non, Max lại rong buồm quay về hết cả một năm ròng, hết tuần này đến tuần khác, qua cả một ngày
đến đúng buổi tối trong căn phòng của cậu 
ở ngay trên bàn là bữa tối nóng hổi mẹ đã dọn ra chờ sẵn thằng 
Qủy.Sứ.Giặc.Non

P/S: TÔI MUỐN LÀ MỘT NGƯỜI DU HÀNH ĐÍCH THỰC AAAAAAA

NGÀY NGHỈ HÈ CUỐI CÙNG

(Dì Lốc chém gió tặng Sói)

Mai em lại đi lớp
Hôm nay làm gì nhỉ
Ngày nghỉ hè cuối cùng
Bầu trời cao vòi vọi
Mẹ bảo với dì Lốc
Nay là ngày đặc biệt
Kỉ niệm ngày cưới ư?
Ai cũng có cái cớ
Để ra đường rong chơi

Thế là đi hiệu sách
Ôi chao nhiều sách ghê
Sách gì mà kì quá
Trang giấy toàn kiến đen
Bò ngay hàng thẳng lối
Sách có bò đánh máy
Sách có gà bay bay
Sách lại có chú bé
Cưỡi báo đen sì sì
Em sợ khủng long lắm
Dì bảo nếu Sói ngoan
Thì ai cũng là bạn

Xong rồi đi Bà Triệu
Đồng hồ Thụy Sĩ kìa
Em vào tha hồ nghịch
Đồng hồ sao nhiều thế
Cái nào nhìn cũng giống
Cái đồng hồ của ba
Cái đồng hồ của mẹ
Cái đồng hồ của dì
Lại có cả bình nước
Nước mát lạnh thích ghê
Em uống liền cả cốc
Dốc tới giọt cuối cùng
Liếm mép cười "nước mát"
Dì bảo thằng chó con
Uống thế này viêm họng
Nó lại cười hì hì

Thế là lại ra đường
Sao mà trời cao quá
Đường nhiều ô trô thế (ô tô)
Dì ôi, trô tát xi (ô tô taxi)
Dì ôi, trô trải kìa (ô tô tải)
Dì bảo kìa Sói ơi
Ô tô chở khủng long
Sói thoắt cái quay đầu
Ôi khủng long sợ quá
Đi vào hầm Kim Liên
Sói ngước mắt hỏi dì
Dì ơi khủng long đâu?
À, khủng long ở phía sau
Sói đừng sợ đừng sợ
Trời nắng quá nắng quá
Khủng long đi ngủ rồi

Chia tay con đường nắng
Mình vào siêu thị chơi
Cùng nhau chọn kẹo bánh
Mochi và kẹo ngọt
Mình không thiết bánh trái
Chỉ thích chạy cừ lực (cừ lực cừ lực)
Bạch bạch bạch trên sàn
Dì bảo chó con kia
Chạy như chú ngựa điên 
Ở trong phim hoạt hình
Thế là mình càng chạy
Ngã oạch oạch hai phát
Đập đầu gối bôm bốp
Dì bảo con đau không
Dì ôi Dì Lốc ôi
Đau quá đau quá í
Rồi lại cười hì hì
Mẹ hôm nay cũng điệu
Cứ xem mãi nước thơm
Rồi cả đồ mỹ phẩm
Thế là mình càng thích
Vì được nghịch nhiều nhiều

Chia tay với siêu thị
Mình đi chọn quần áo
Mẹ bảo nay đặc biệt
Kỉ niệm 3 năm đấy
Bố và mẹ của con
Dọn về ở một nhà
Mẹ và dì chăm chú
Chọn màu áo cho bố
Màu kẻ xanh có rồi
Màu hồng này thì sao
Màu kẻ đỏ thế nào
Chả có gì thích cả
Mình đi quanh quẩn ngắm
Đôi bít tất trắng tinh
Đôi lại màu đen mực
Như màu đen bố chỉ
Mỗi khi thấy chó đen
Mình mải nghịch bít tất
Mẹ hỏi dì, Sói đâu?
Dì vội ngó trước sau
Mẹ gọi liền mấy tiếng
Đình Bách, Đình Bách ơi!
Con chạy đi đâu rồi?
Mình lon ton thò mặt
Con ở đây mẹ ôi
Rồi mình cười lè lưỡi
Để mẹ cũng cười theo
cái thằng chó con này

Thế là hết buổi sáng
Trời vẫn cao và xanh
Cả ba cùng lên xe
Thẳng tiến về nhà Ngoại
Ông bế em đi chơi
Xem chim hót trong lồng
Em muốn xem cá nữa
Mà hôm nay nắng to
Ông bảo cá ngủ rồi
Nắng ở hồ nóng lắm
Cá cũng phải đi ngủ
Về đến nhà gặp mèo
Mèo của dì Lốc đấy
Ôi chao em mèo to
Lại một màu vàng bẩn
Em ngoeo ngoeo chào Sói
Sói vẫy tay chào mèo
Dì bế mèo cho em
Em nhăn mặt zụt người
Mẹ ơi, con sợ mèo
Thế là tạm biệt mèo
Tạm biệt ông và dì
Con về với em Sun
Em Sun chờ ti mẹ
Đang đói meo ở nhà

Ngày nghỉ hè cuối cùng
Được đi chơi thích quá
Bao nhiêu là điều lạ
Lạ nhất là khủng long
Ở trên ô tô to
Mai con lại đi lớp
Gặp cô và gặp bạn
Tất nhiên con phải kể
Với cậu bạn rất thân
Chuyện khủng long to lớn
Cưỡi ô tô trên đường
Như một bí mật nhỏ
Của thế giới nít ranh













7.6.15

DU HÀNH CÙNG VÌ SAO SUỐT ĐÊM THÂU


Những người khổng lồ cuối cùng (Francois Place) là câu chuyện phiêu lưu, là thông điệp thực tế được gửi gắm qua giọng kể chuyện đầy chất thơ của con người ưa phiêu lưu khám phá Archibald Leopold Ruthmore
Ở một xứ sở lạ kỳ nơi có chín tạo vật Khổng Lồ sinh sống, năm Ông và bốn Bà. Toàn thân họ, từ đầu đến chân, ở lưỡi, ở răng là các đường cuộn, đường thẳng, đường xoáy ốc, đường tròn, những nét chấm mang hình hài cây cối, động vật, hoa lá, sông ngòi, đại dương...như một khúc ca đích thực về Trái Đất. Làn da ấy nhạy cảm với từng biến đổi nhỏ nhất trong không khí: run lên khi cơn gió thoảng qua, lấp lánh trong nắng, xao động như mặt hồ hay những sắc tối dữ dội của đại dương giữa bão tố. Họ hát gọi những vì sao suốt đêm thâu, thứ thanh âm du dương vượt xa khỏi giới hạn của lý trí con người. Làn da, tiếng hát kì diệu khiến con người Archibald Leopold Ruthmore trở nên nhỏ bé hơn nữa không chỉ bởi vóc dáng, mà bởi chính làn da câm lặng của ông khiến ông thấy mình như người không có ngôn ngữ trong mắt họ 
Xứ hẻo lánh nơi người Khổng Lồ sống ba năm rồi lại ngủ hai trăm năm được Archibald Leopold Ruthmore khám phá ra nhưng chính khám phá vĩ đại ấy khi đến với đám đông đã trở thành một thảm kịch "văn minh loài người" tàn phá xứ sở hoang sơ kì diệu kia. Câu chuyện Những người khổng lồ cuối cùng là câu chuyện "chín người Khổng Lồ mơ đến những vì sao và một gã đàn ông nhỏ bé lóa mắt trước dục vọng hào quang, câu chuyện của chúng tôi chỉ có thế thôi"
Loài người vẫn tự hào mình văn minh mà không hiểu rằng cái văn minh đó là con đường dẫn đến lầm lạc mê mờ, văn minh đó là con dao hai lưỡi sẽ có ngày tàn hại toàn thể nhân loại. Càng văn minh con người càng làm trái luật của thế giới tự nhiên, càng biến vũ trụ thành một trò chơi nhào lộn xoay vần, cũng không khác nhiều trò chơi tự đào hố chôn mình, nhỉ

Ps: hình như con Lốc cầm tinh con hộ nên thích rừng thích núi, thích phiêu lưu lang bạt khám phá. Sống như ông Archibald Leopold Ruthmore mới ra dáng sống chứ. Con Lốc mà được như ông í là con Lốc không về đâu, ở với người Khổng Lồ có bao nhiêu là thú vị, nếu đến lúc thấy nhàm chán thì sẽ quay lại xứ người Ngõa, có nguy bị chặt đầu trong tích tắc cũng cam lòng. Còn lúc í mà nhát cáy quá thì sẽ chia tay người Khổng Lồ, nhập vào đoàn người du mục sống trên thảo nguyên bao la. Xong rồi đi tới các miền đất khác. Cứ đi cứ đi. Đi. Đi. Đi. Đi mãi. Hihihi như một người du hành đích thực :3

Những khúc gỗ trôi nổi


Trong khoảng thời gian từ 1950 đến 1990 Thụy Điển được biết đến như là một Xã hội Trung dung (chính xác là thời điểm cuối thập niên 70, đỉnh cao là thập niên 80 (an sinh xã hội của Thụy Điển vào bậc nhất TG) cho đến đầu 90 của thế kỷ XX (hình thái mà cái môn Mác-Lê vẫn đề là mục tiêu phấn đấu đến í), tức là dân chủ, an sinh xã hội, những cơ hội bình đẳng được đặc biệt quan tâm... Kết quả họ thu lại: giáo dục miễn phí, chăm sóc sức khỏe tuyệt hảo, trẻ em, người già, người tàn tật được gia đình chăm sóc tận tình và nhà nước hỗ trợ rất nhiều (tài chính, các chính sách ưu đãi...)
Phù thủy tháng Tư của Majgull Axelsson lấy bối cảnh Thụy Điển trong giai đoạn này, điều đáng nói, trong bối cảnh xã hội như vậy, tôi không thực sự hiểu điều gì xảy ra với đất nước xinh đẹp này. Tại sao con người ta vẫn có thể cư xử không xứng đáng như thế?? (không thể, hoàn toàn không thể có một hình thái xã hội đẹp như mơ Utopia, địa đàng trần gian được)
Desirée bị tàn tật bẩm sinh, không có khả năng đi lại, nói...Cô là một Phù thủy tháng Tư, yếu ớt và tàn tật, nhưng có một tinh thần rất mạnh mẽ, có thể nhìn thấu mọi thứ, có mặt ở khắp nơi, bước vào thời gian, không gian mà cô mong muốn và đánh bạn với các Benandanti(*)
[(*) Benandanti (Good Walkers): "Tôi tự gọi mình là Benandanti bởi vì mỗi năm bốn lần, tức là vào bốn dịp đổi mùa, hằng đêm tôi ra đi cùng với những người khác tiến hàng cuộc chiến tranh vô hình chống lại thần linh, trong khi thể xác của tôi thì ở yên một chỗ...". Các Benandanti có thể lìa khỏi cơ thể mình giống các Phù thủy tháng Tư nhưng họ lại có cơ thể khỏe mạnh, sống một cuộc đời bình thường, một số thậm chí không biết mình là Benandanti, họ cứ nghĩ rằng mình đang mơ]
Desirée gần như là nạn nhân cuối cùng của nạn đói cuối cùng diễn ra ở Thụy Điển. Câu chuyện mỗi cuộc đời của chúng ta cũng là câu chuyện cuộc đời của những người đi trước chúng ta. Mẹ của Desirée-Ella sống sót qua nạn đói nhưng hậu quả để lại đi theo suốt cuộc đời bà: mạch máu mỏng manh như bong bóng xà phòng (chảy máu cam mỗi khi căng thẳng) và khung xương bị biến dạng mãi mãi (do thiếu dưỡng chất). Trong 30 giờ lâm bồn, xương sọ mềm oặt của Desirée va đập vào những phần xương chậu biến dạng của mẹ, 30 giờ tra tấn với cả hai sinh thể, khi cách cái chết gang tấc thì phẫu thuật được tiến hành. Desirée ra đời, theo như chính cô sau này với khả năng đi xuyên thời gian để chứng kiến, tự mô tả về mình:"một khúc gỗ trôi nổi. Nó là một khúc gỗ trôi nổi, mẹ ạ"
Xã hội phúc lợi mới ở Thụy Điển đòi hỏi những người tàn tật, những kẻ điên rồ phải được đưa vào cơ sở có tổ chức. Vì vậy, Desirée bị đưa vào sống trong trại điều dưỡng, bà Ella cũng đưa đứa con gái tật nguyền của mình vào một phần cuộc đời không muốn mong nhớ, bà coi đứa con này như một mảnh vụn cần được đắm chìm ở một thời buổi xa xôi. Hạnh phúc của ba đứa con gái bà nhận nuôi sau này được mua bằng hạnh phúc đứa con gái thứ tư Desirée mà bà ruồng bỏ: Christina-một bác sĩ có bà mẹ đẻ tâm thần nuôi ý định thiêu sống con; Margareta-nhà nghiên cứu vật lý hiện đại, không có mẹ, bị bỏ rơi trong một xưởng giặt; Birgitta-một kẻ nghiện, kẻ dối trá, sau này cũng bị đẩy vào con đường làm điếm, có một bà mẹ đẻ rất ít đặc điểm giống một người mẹ
Desirée không bằng lòng với số phận của mình "trong một thời gian dài tôi tự thuyết phục mình rằng cái đống hỗn độn là cơ thể tôi vẫn chứa đựng cốt lõi của con người. Tôi có ý chí tự do, một trí tuệ lành mạnh, một trái tim biết đập, hai lá phổi biết thở, và trên hết một bộ óc con người với biết bao năng lực phi thường đến nỗi tôi phát sợ. Rốt cuộc, tôi đã buộc phải thừa nhận rằng mình bị mắc vào trong một màng nhện những điều kiện độc đoán mà Đấng Khôi Hài Tối Cao đã giăng ra trên khắp thế giới này", Desirée sống với ý chí mạnh mẽ cho hai mục đích: 1, phải tìm hiểu ai trong số ba bà chị con nuôi của mẹ là người đã sống cuộc đời đáng ra thuộc về cô.
2, muốn đưa người cô yêu, bác sĩ Hubertsson về cõi an nghỉ một cách thanh thản, nhẹ nhàng. Một ví dụ minh chứng cho khả năng cảm nhận, sự đồng điệu tâm hồn dẫn đến việc cảm nhận những điều không thể theo cách hoàn toàn có thể, tuyệt đối chính xác.
Cô đã dùng khả năng bí hiểm của mình để sắp xếp các sự kiện xảy ra buộc ba người chị bị cuốn vào một nút rối, từ đó toàn bộ quá khứ của cả bốn người phụ nữ này được triệu hồi
Câu chuyện này là câu chuyện về những đứa trẻ bị bỏ rơi, chúng hợp thành một giống người riêng tồn tại trong dòng thời gian-thời gian là một dòng sông chảy qua vũ trụ từ buổi sơ khai của sự sống cho đến chỗ kết thúc sự sống. Thời gian chính là thực tại, thực tại đã đưa những đứa trẻ về một mối, chúng nên, hay chính xác là phải kề vai sát cánh với nhau. Và nhận ra, Đấng Khôi Hài Tối Cao luôn có một kế hoạch hợp lý, không ai sống số phận đáng ra phải thuộc về ai đó khác, chúng ta sống đúng số phận thuộc về mình, phải có niềm tin sâu sắc và điềm tĩnh chấp nhận điều này.
Tôi nghĩ hai điều:
a, Ngày nay con người chúng ta có xu hướng sống quá lâu nên không hiểu rằng hết thảy chúng ta đều có kỳ hạn của mình (nói như Milan Kundera thì sự ngu dốt của loài người không phải là một khiếm khuyết về mặt tri thức mà nó là sự kiện cơ bản của phận người) và ngay cả người chết rồi cũng không được phép rời khỏi thế giới đang sống cho đến khi những năm tháng mà có lẽ họ được sống trôi qua hết (những người nằm liệt một chỗ khi trí não vẫn hoàn toàn hoạt động có lẽ trải nghiệm điều này sâu sắc hơn ai hết)
b, Quyết định từ bỏ cõi đời. Phải những người thực sự mạnh mới làm được như vậy, mới quyết định được cái chết và chết như thế nào, chết vì điều gì. Họ nghĩ về cái chết chính là họ đang sống, muốn một cái chết như thế nào thì hãy sống một cuộc đời để có thể tự quyết định cái chết cho mình, chết vì điều mình tận hiến khi sống. Họ không có quyền chọn bệnh cho mình, nhưng họ có quyền chọn cái chết cho mình. Vì thế, không nên sợ cái chết, cái nên sợ là việc sống, sống vừa là nỗi nhục vì cứ phải sống vừa là vinh quang vì chịu đựng được cuộc đời. Chết là chỉ có việc buông tay thôi. Một ngày kia buông lỏng bàn tay níu giữ cuộc sống. Và thế là hết.
cái việc dũng cảm để chết nhưng không đủ dũng cảm để sống, chẹp chẹp, nhiều người đã trải rồi
ps: sách được tài trợ bởi Ngô Tuấn kiss emoticon
----+++++++++++++++
1, Trong quyển sách này, phản ứng của người mẹ với đứa con tật nguyền của mình là bỏ rơi, không muốn nhớ đến. Tôi nghĩ đến ít nhất hai đầu sách với hai thái độ khác hẳn nhau trong cùng hoàn cảnh này: Con gái người giữ ký ức (Kim Edwards)-một đầu sách của NN mà tôi thực sự băn khoăn không hiểu sao lại gần như biến mất như thế (rất ít khi nhìn thấy) và Quà của Chúa (Dorota Terakowska), tác giả này đưa đến những câu hỏi về "chuyện" gia đình rất đáng quan tâm


2, Tác giả lấy tên sách Phù thủy tháng Tư theo tên một truyện ngắn "Những phù thủy tháng Tư" của Ray Bradbury-tác giả của đầu sách 451 độ F .
[Xem chi tiết tại đây:https://www.facebook.com/photo.php?fbid=584967124978187&set=a.584966528311580.1073741856.100003947149045&type=3&theater]
Rất nhiều đề từ chương trong cuốn sách này được lấy của các tác giả đã được biết đến ở VN: John Updike, Stephen King, Stephen Hawking, Margaret Atwood. Đặc biệt là Stephen Hawking, những lý thuyết vật lý tác giả đưa vào câu chuyện, hay cứ nhìn những nét tương đồng trong hoàn cảnh của Stephen Hawking và nhân vật Desirée
Những lý thuyết vật lý, nhân vật giáo sư vật lý hiện đại...thời gian gần đây mình đọc, có lẽ thú vị nhất là ở Tình yêu chân chính (Danny Scheinman). Lớp 13 mình mới ôn thêm khối A, tức là mới chịu học nghiêm túc môn vật lý, lúc í đã thấy tiếc, sao mình chịu học nó muộn thế. Giờ, đọc tỉu thuýt có nhắc đến vật lý mà lại càng thấy tiếc vì đã ít chú ý đến bộ môn khoa học này haizza.
kiểu thế này này, cái tạo nên bề mặt và thể chất không phải là bản thân các hạt, mà là những trường điện từ liên kết chúng với nhau. Vật lý lượng tử cho rằng những thành phần nhỏ nhất này của vật chất không chỉ là hạt mà còn đồng thời là sóng.
3, Ngược dòng thời gian, đọc sách được dịch, được làm những năm 90 đến đầu những năm 2000 thấy sao mà chất lượng thổ tả, lỗi tè le. Có lẽ đấy là giai đoạn cẩu thả nhất, nhỉ.

3.6.15

Yêu, sống và mơ


Cuốn sách ảnh Humans of Hà Nội gồm 3 chương: Yêu, Sống và Mơ. Thông qua những bức ảnh, con người và câu chuyện được kể, được chia sẻ dưới lăng kính vừa chân thực vừa như một giấc mơ.
Tôi nhớ năm ngoái khi đi xem triển lãm Bước vào thế giới của nhau (lúc ấy dự án này chưa được in thành sách), có một bức tường, và các quyển sổ...để những người đến triển lãm kể câu chuyện của mình. Tôi xem và đọc tất cả những bức hình được bài trí trong triển lãm (nhóm bạn làm dự án HOHN đã làm với phong cách rất sáng tạo) và đọc những gì được kể trên tường, trên sổ. Gấp lại quyển sổ, tôi lưu lại: và cứ như thế, câu chuyện của chúng ta được kể; hay: chúng ta lắng nghe nhau và như thế, câu chuyện của chúng ta bắt đầu (giờ, không thể nhớ chính xác được, đầu óc con Lốc rất cá vàng)
Hôm kia đọc xong cuốn sách ảnh này (đọc không biết lần thứ bao nhiêu nữa, trước đấy đã đọc đi đọc lại trên fb, ở triển lãm, sách...) thì nghĩ cách làm sao để ông bố chịu đọc sách (ông bố mình có cái Tôi rất hoành tráng, mình nghĩ rồi, phải mỗi ngày thay đổi ông một chút, chỉ cho ông thấy thế giới đang như thế nào). Lựa chọn đầu tiên đã thấy ngay tính khả thi, mình sẽ bắt đầu câu kéo ông bố bằng câu chuyện một bác đi xe Babetta:"bố ơi, có cái này hay lắm, bác này đi babetta, chắc là thế hệ bố đấy". Nói xong rất mau mắn mở sách giới thiệu quyển sách này tên là như này, nghĩa tiếng Việt là như này..., về những con người, sinh vật sống như này..., về cuộc sống ở Hà Nội như này, như này như này...
Rồi, mở oạch đến trang có ảnh câu chuyện babetta kia. Xong rồi lủi đi chợ luôn
Đi chợ về, thấy ông bố vẫn đang chăm chú đọc, hí hí, câu trúng cá ồi. Đọc thêm chừng 5', ông bố bảo, cứ để ở ngay tầng 1 nhá, để bố còn đọc tiếp
Chiều hôm ấy, hai bố con ngồi nói chuyện với nhau về cái khốc liệt của chiến tranh (bác ấy đã bắn vào tay đồng đội khi người này giơ khăn trắng xin hàng quân địch), về tuổi già, về việc tại sao người ta lại sinh ra những đứa trẻ khi hoàn cảnh quá khó khăn họ còn không tự nuôi được mình hay sinh ra những đứa trẻ rồi bỏ mặc chúng lớn lên như cỏ dại, hay bỏ rơi chúng; rồi những người có đam mê khiến ta tự hỏi tại sao người ta có thể sống hay như thế (anh chàng nhặt xương động vật chết về để ghép xương thành hình các con vật; anh chàng không ăn thịt heo nữa...); nói với nhau về phận người (tại làm sao mà cứ phải sống; sống với nỗi nhục vì cứ phải sống và sống vì vinh quang không chịu khuất phục nỗi nhục cứ phải sống kia, tóm lại là nỗ nhục hay vinh quang thì vẫn cứ phải sống); nói với nhau về tình cảm giữa người với chó, với mèo; nói với nhau về tình yêu, về khát vọng sống-hy vọng sống, về ước mơ...nói với nhau về đủ các câu chuyện nguyên cả một buổi chiều :p
Rồi hôm nay câu kéo thằng ku 94, nó nói em rất thích trẻ con, mình bảo chị vừa thích vừa sợ. Rồi nó bĩu môi bảo bà bỏ cái tư tưởng của bà đi, dân VN mà ai cũng như bà thì VN nó biến cmn mất luôn :'(. Chỉ đợi có thế, mình đứng phắt dậy, để chị đọc cho em nghe những mảnh đời này. Đọc vài mẩu chuyện xong, thì nó bắt đầu hau háu nhìn quyển sách: ảnh gì đây, nhìn hai mẹ con cảm động quá, chị đọc đi; ảnh gì đây, nhìn ông này như bị tàn tật í nhỉ, chị đọc đi; thằng ku này bán kẹo dạo à, chị đọc đi; sao bà này lại cầm khung ảnh của chồng, chị đọc đi...cứ như thế, nó ngồi áp mặt vào đầu gối, co người ngồi nghe mình đọc hết nguyên cuốn sách ảnh này, lúc nào nhìn ảnh không kỹ thì nghếch mặt lên ngó nghiêng. Này, chị chỉ đọc cho bố chị nghe có mấy trang thôi nhé, mà chị đọc cho em nghe cả quyển đấy. Ôi, khát nước quá! Nó nhe răng chu mỏ đùa, vì em mù chữ mà :p .
Có rất nhiều câu chuyện, bức hình mà tôi nghĩ, mình không đủ can đảm đọc to thành tiếng, mình sợ nghe tiếng khóc của chính mình, mình sợ cái kiểu mắt mình long lanh giọng nghèn nghẹn nên cứ tảng lờ đi giả vờ, ảnh này hay này, câu chuyện này mới hay này :p rồi thoăn thoắt chuyển sang câu chuyện, bức hình khác luôn
Tại sao mình muốn cuốn sách ảnh này được biết đến.
Cuộc sống không dễ dàng với tất cả mọi người, nó đến với mỗi người theo các cách khác nhau. Thành phố ta sống, nơi ta ở nó gồm rất nhiều mảnh ghép phận người-phận thú-phận vật vô tri, có mảnh sáng mảnh tối mảnh rực rỡ mảnh âm u mảnh to mảnh nhỏ, câu chuyện về cuộc đời chúng ta cũng là câu chuyện về mỗi cuộc đời đi trước chúng ta...tức là nó là cái tiệm cận với cuộc sống quanh ta nhất, được nhìn dưới lăng kính xác thực, thẳng thắn nhất: tôi đã kể câu chuyện này, tôi đã nói điều mà bấy lâu tôi giữ mãi trong lòng, tôi đã chia sẻ và tôi lắng nghe...Những hình ảnh tiệm cận cuộc sống với đủ tham sân si, có sắc có không sắc sắc không không này cứ như là, nó khơi lên phần tốt đẹp nhất, có hồn nhất của mỗi cá nhân khi kể ra câu chuyện của mình. Với tôi, nó là một thứ văn minh

ps: năm ngoái mình bảo với Minh là nhiều khi chị đọc giọng văn câu chuyện nhóm em làm, chị có cảm giác như là em viết cho chị đọc. Minh cứ im lặng cầm lái không nói gì. Khi vào Chula, Minh bỏ mặc mình lang thang đi đọc, đi xem các bức ảnh, câu chuyện rồi Minh xuất hiện, khoát tay, bao tay chỉ tất cả, rằng: chị có cảm thấy em làm nó vì chị không. Mình chỉ cười rồi bảo Minh oánh đàn đến đâu rồi :p
1 năm qua thấy em càng lúc càng mong manh Minh ơi ;)

1.6.15

QUÁI VẬT XUẤT HIỆN!

Quà 1/6, nhận đi nhận đi mà  
QUÁI VẬT XUẤT HIỆN!
Tác giả: Shin Sung-hee
Lời kể lại: con Lốc  

Ở nơi rừng sâu thăm thẳm, các loài thú chung sống hòa thuận với nhau. Thế giới của chúng thật thanh bình.

Một ngày nọ, Chuột Nhắt trông thấy một con thú hết sức lạ lùng, liền chạy ngay đến chỗ Nhím thông báo: "Có con thú này lạ lùng lắm, cổ dài lưng gù!". 
Nhím ta liền hình dung ra ngay một con nhím-y như mình mà lại có cái cổ dài lưng gù. Sợ hãi trước hình dung của loài lạ lẫm ấy, Nhím lăn lông lốc đến gặp Hươu và truyền đạt thông tin:"Có con thú này kỳ lạ lắm, cổ dài lưng gù rồi còn mọc tua tủa gai nữa". 
Hươu nghe xong, liền nghĩ ngay trong đầu một chú hươu-y như mình có cái cổ dài lưng gù mọc tua tủa gai. Thật kinh khủng!!!! Phải đi báo với Khỉ ngay. Hươu phóng vút đến chỗ Khỉ:"Xuất hiện một con thú cổ dài lưng gù tua tủa gai mà lại có cả sừng nữa!". 
Khỉ liền nghĩ ngay đến một chú khỉ-y như mình đang đu cành cây và có cái cổ dài lưng gù tua tủa gai, lại còn thêm cả cái sừng trên đầu nữa. Thật không thể tin được. Nguy hiểm quá!!! Nghĩ đến đấy, Khỉ ta vắt vẻo đu dây đi tìm Voi:"Xuất hiện một con thú cổ dài lưng gù tua tủa gai đầu mọc sừng với cả đuôi rất dài!". 
Voi nghe xong, ngước mắt suy nghĩ, hình dung một con voi-y như mình nhưng có cái cổ dài lưng gù tua tủa gai đầu mọc sừng và gắn thêm cả cái đuôi dài là dài sau đít. Nguy rồi nguy rồi, phải đi báo với Sư Tử ngay mới được. Voi chạy rầm rầm tới gặp Sư Tử:"Xuất hiện một con thú cổ dài lưng gù tua tủa gai đầu mọc sừng đuôi rất dài, thân hình thì to đùng". 
Sư Tử ù hết cả tai, nghĩ tới một con sư tử-y như mình mà lại có cái cổ dài lưng gù tua tủa gai đầu mọc sừng đuôi rất dài và thân hình to đùng đùng, to hộ pháp khiến Voi còn phải khiếp sợ. Cái gì cơ??? Gì cơ??? Có loài vật như vậy nữa sao!?! Phải làm sao bây giờ!!! Kinh hoàng làm sao, Sư Tử vừa phóng vừa gầm vang khu rừng, thất thanh loan báo:"QUÁI VẬT XUẤT HIỆN!!!"
Cả khu rừng náo động, muôn loài vội vàng tìm chỗ trốn. Chúng đứng im không nhúc nhích không một tiếng động đợi quái vật đi qua.

Một lát sau, bò ngang qua khu rừng, là một chú Rùa-siêu rùa nhỏ bé
  

-------------+++++++++++
Quái vật xuất hiện! - Câu chuyện thú vị về sự sai lệch của tin đồn
(Bài viết của Lee Rury - tác giả truyện thiếu nhi)
Câu chuyện mở đầu với Chuột Nhắt chỉ đơn giản thuật lại "con thú kỳ lạ cổ dài lưng gù" mà nó lần đầu trông thấy. Nhưng Nhím nghe những lời đó lại tưởng tượng ra "con thú kỳ lạ cổ dài lưng gù gai mọc tua tủa". Cứ như vậy, các con vật áp ngay ngoại hình mình vào hình ảnh con thú kỳ lạ.
Ai cũng thuật lại chính xác điều mình nhìn thấy qua góc nhìn của bản thân. Và góc nhìn ấy chính là nguyên nhân gây khó khăn cho việc kết nối với hiện thực
May thay một khi làm sáng tỏ nguyên nhân ta cũng đồng thời tìm được cách giải quyết. Nếu hiểu lầm xảy ra vì mỗi người đều nhìn thế giới thông qua góc nhìn của mình, ta chỉ cần mở rộng góc nhìn, quan sát, xác nhận và tôn trọng thế giới cũng như những đối tượng tồn tại bên ngoài góc nhìn cũ, như vậy hiểu lầm sẽ có thể được tháo gỡ.
Nói những lời lý trí như thế nghe có vẻ dễ dàng. Song để con người tự nhận ra sự thật bản thân mình chính là khởi nguồn của hiểu lầm thì rất khó.
Gạt các vấn đề triết học sang một bên, cuốn sách Quái vật xuất hiện! của Shin Sung-hee chắc chắn là một tác phẩm đem tới tiếng cười thuần khiết và hạnh phúc cho bạn đọc.
Vì thế đây là một cuốn sách đẹp, đồng thời Shin Sung-hee đã có một quyết định can đảm, đó là không mang bất cứ bài học nào vào trong cuốn sách. Thế nhưng giữa lúc bật cười thích thú trước những trang sách hài hước tươi sáng mà tinh tế, bạn đọc sẽ tự mình bất ngờ nhận ra từng ý nghĩa của cuộc sống.