25.6.15

Phác họa một đất nước



Tiểu thuyết Khi ta mơ quá lâu (If we dream too long) được Goh Poh Seng hoàn thành năm 1968, in lần đầu năm 1972, một cuốn tiểu thuyết mỏng, bản dịch tiếng Việt 200 trang mơ mộng bay bổng như chính những người trẻ trong truyện nhưng cách thức miêu tả đơn giản, chân thực, kể câu chuyện với giọng văn bình lặng về con người, cuộc sống, kinh tế, chính trị ở Singapore vào năm 1965, năm Singapore trở thành một nước cộng hòa độc lập đã phác họa ra chính xác hình ảnh đất nước này. Qua góc nhìn của những thanh niên như Kwang Meng (Quang Minh) 18 tuổi trầm tĩnh, học thức vừa đủ, không thất nghiệp, làm thư ký công sở, ở nhà cao tầng, thích bơi lặn thích đắm mình vào thế giới lặng câm dưới biển, thích đêm tối, đi bar tụ tập giải trí và ngủ với gái...cuộc sống đủ đầy lem nhem, còn gì cho ta làm đây, loay hoay cho tất cả những gì đã qua và những gì sắp tới: đi đâu, làm gì, ta phải làm gì với chính ta. Đó là những nét vẽ rất cơ bản phác họa chân dung Singapore "trên hòn đảo nhỏ Singapore này không có lấy một ngọn đồi đích thực, không một dòng sông đích thực, không một ngọn núi...chỉ có biển mà thôi” với những con người như Kwang Meng đang ở giữa ngưỡng khát khao mơ mộng tuổi trẻ và trách nhiệm xã hội đòi hỏi. Họ mong muốn, mơ mộng làm được những điều lớn lao nhưng cũng đồng thời nhận ra mình đến quá muộn trong đời "ra sân khấu quá trễ, tới thế hệ mình, mọi chuyện đã xong béng rồi. Giờ chả ai cần chúng ta"
Ngơ ngác, hoang mang như chú chó Laika bị đưa vào tàu phóng lên vũ trụ, Kwang Meng đại diện cho hình ảnh những con người ở Singapore vật lộn với cảm giác lấn cấn không hiểu, thấy vô nghĩa với những gì mình tham gia, như là con đường Singapore đã chọn là một định mệnh tất yếu, tất cả đi theo, bị cuốn vào con đường ấy như mọi sự đã được an bài trong khi còn không thực sự nhận ra cái gì đã được an bài, cái gì là định mệnh tất yếu. Xây dựng một thiên đường, con người phải gồng gánh một cái giá quá đắt, nhỉ, mỗi cá nhân với từng bước đi loạng choạng liêu xiêu như vừa bước ra khỏi giấc mộng
"người ta lớn lên phải biết chấp nhận, hoặc hòa nhập vào đời hoặc mở lòng cho đời nhập vào mình, để trở thành một phần của mọi điều"
ps: lời đầu sách "mọi nhân vật trong cuốn sách này đều là hư cấu" thế mà sao cuốn sách này lại gần với sự thật một cách đáng sợ như thế. Gay thật :3
- dịch giả cuốn này là Nguyễn Dương Quỳnh, cô gái đã viết Đỏ, Thị trấn của chúng ta và nếu mình nhớ không nhầm, cô gái này từng là du học sinh ở Singapore

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét