7.6.15

Những khúc gỗ trôi nổi


Trong khoảng thời gian từ 1950 đến 1990 Thụy Điển được biết đến như là một Xã hội Trung dung (chính xác là thời điểm cuối thập niên 70, đỉnh cao là thập niên 80 (an sinh xã hội của Thụy Điển vào bậc nhất TG) cho đến đầu 90 của thế kỷ XX (hình thái mà cái môn Mác-Lê vẫn đề là mục tiêu phấn đấu đến í), tức là dân chủ, an sinh xã hội, những cơ hội bình đẳng được đặc biệt quan tâm... Kết quả họ thu lại: giáo dục miễn phí, chăm sóc sức khỏe tuyệt hảo, trẻ em, người già, người tàn tật được gia đình chăm sóc tận tình và nhà nước hỗ trợ rất nhiều (tài chính, các chính sách ưu đãi...)
Phù thủy tháng Tư của Majgull Axelsson lấy bối cảnh Thụy Điển trong giai đoạn này, điều đáng nói, trong bối cảnh xã hội như vậy, tôi không thực sự hiểu điều gì xảy ra với đất nước xinh đẹp này. Tại sao con người ta vẫn có thể cư xử không xứng đáng như thế?? (không thể, hoàn toàn không thể có một hình thái xã hội đẹp như mơ Utopia, địa đàng trần gian được)
Desirée bị tàn tật bẩm sinh, không có khả năng đi lại, nói...Cô là một Phù thủy tháng Tư, yếu ớt và tàn tật, nhưng có một tinh thần rất mạnh mẽ, có thể nhìn thấu mọi thứ, có mặt ở khắp nơi, bước vào thời gian, không gian mà cô mong muốn và đánh bạn với các Benandanti(*)
[(*) Benandanti (Good Walkers): "Tôi tự gọi mình là Benandanti bởi vì mỗi năm bốn lần, tức là vào bốn dịp đổi mùa, hằng đêm tôi ra đi cùng với những người khác tiến hàng cuộc chiến tranh vô hình chống lại thần linh, trong khi thể xác của tôi thì ở yên một chỗ...". Các Benandanti có thể lìa khỏi cơ thể mình giống các Phù thủy tháng Tư nhưng họ lại có cơ thể khỏe mạnh, sống một cuộc đời bình thường, một số thậm chí không biết mình là Benandanti, họ cứ nghĩ rằng mình đang mơ]
Desirée gần như là nạn nhân cuối cùng của nạn đói cuối cùng diễn ra ở Thụy Điển. Câu chuyện mỗi cuộc đời của chúng ta cũng là câu chuyện cuộc đời của những người đi trước chúng ta. Mẹ của Desirée-Ella sống sót qua nạn đói nhưng hậu quả để lại đi theo suốt cuộc đời bà: mạch máu mỏng manh như bong bóng xà phòng (chảy máu cam mỗi khi căng thẳng) và khung xương bị biến dạng mãi mãi (do thiếu dưỡng chất). Trong 30 giờ lâm bồn, xương sọ mềm oặt của Desirée va đập vào những phần xương chậu biến dạng của mẹ, 30 giờ tra tấn với cả hai sinh thể, khi cách cái chết gang tấc thì phẫu thuật được tiến hành. Desirée ra đời, theo như chính cô sau này với khả năng đi xuyên thời gian để chứng kiến, tự mô tả về mình:"một khúc gỗ trôi nổi. Nó là một khúc gỗ trôi nổi, mẹ ạ"
Xã hội phúc lợi mới ở Thụy Điển đòi hỏi những người tàn tật, những kẻ điên rồ phải được đưa vào cơ sở có tổ chức. Vì vậy, Desirée bị đưa vào sống trong trại điều dưỡng, bà Ella cũng đưa đứa con gái tật nguyền của mình vào một phần cuộc đời không muốn mong nhớ, bà coi đứa con này như một mảnh vụn cần được đắm chìm ở một thời buổi xa xôi. Hạnh phúc của ba đứa con gái bà nhận nuôi sau này được mua bằng hạnh phúc đứa con gái thứ tư Desirée mà bà ruồng bỏ: Christina-một bác sĩ có bà mẹ đẻ tâm thần nuôi ý định thiêu sống con; Margareta-nhà nghiên cứu vật lý hiện đại, không có mẹ, bị bỏ rơi trong một xưởng giặt; Birgitta-một kẻ nghiện, kẻ dối trá, sau này cũng bị đẩy vào con đường làm điếm, có một bà mẹ đẻ rất ít đặc điểm giống một người mẹ
Desirée không bằng lòng với số phận của mình "trong một thời gian dài tôi tự thuyết phục mình rằng cái đống hỗn độn là cơ thể tôi vẫn chứa đựng cốt lõi của con người. Tôi có ý chí tự do, một trí tuệ lành mạnh, một trái tim biết đập, hai lá phổi biết thở, và trên hết một bộ óc con người với biết bao năng lực phi thường đến nỗi tôi phát sợ. Rốt cuộc, tôi đã buộc phải thừa nhận rằng mình bị mắc vào trong một màng nhện những điều kiện độc đoán mà Đấng Khôi Hài Tối Cao đã giăng ra trên khắp thế giới này", Desirée sống với ý chí mạnh mẽ cho hai mục đích: 1, phải tìm hiểu ai trong số ba bà chị con nuôi của mẹ là người đã sống cuộc đời đáng ra thuộc về cô.
2, muốn đưa người cô yêu, bác sĩ Hubertsson về cõi an nghỉ một cách thanh thản, nhẹ nhàng. Một ví dụ minh chứng cho khả năng cảm nhận, sự đồng điệu tâm hồn dẫn đến việc cảm nhận những điều không thể theo cách hoàn toàn có thể, tuyệt đối chính xác.
Cô đã dùng khả năng bí hiểm của mình để sắp xếp các sự kiện xảy ra buộc ba người chị bị cuốn vào một nút rối, từ đó toàn bộ quá khứ của cả bốn người phụ nữ này được triệu hồi
Câu chuyện này là câu chuyện về những đứa trẻ bị bỏ rơi, chúng hợp thành một giống người riêng tồn tại trong dòng thời gian-thời gian là một dòng sông chảy qua vũ trụ từ buổi sơ khai của sự sống cho đến chỗ kết thúc sự sống. Thời gian chính là thực tại, thực tại đã đưa những đứa trẻ về một mối, chúng nên, hay chính xác là phải kề vai sát cánh với nhau. Và nhận ra, Đấng Khôi Hài Tối Cao luôn có một kế hoạch hợp lý, không ai sống số phận đáng ra phải thuộc về ai đó khác, chúng ta sống đúng số phận thuộc về mình, phải có niềm tin sâu sắc và điềm tĩnh chấp nhận điều này.
Tôi nghĩ hai điều:
a, Ngày nay con người chúng ta có xu hướng sống quá lâu nên không hiểu rằng hết thảy chúng ta đều có kỳ hạn của mình (nói như Milan Kundera thì sự ngu dốt của loài người không phải là một khiếm khuyết về mặt tri thức mà nó là sự kiện cơ bản của phận người) và ngay cả người chết rồi cũng không được phép rời khỏi thế giới đang sống cho đến khi những năm tháng mà có lẽ họ được sống trôi qua hết (những người nằm liệt một chỗ khi trí não vẫn hoàn toàn hoạt động có lẽ trải nghiệm điều này sâu sắc hơn ai hết)
b, Quyết định từ bỏ cõi đời. Phải những người thực sự mạnh mới làm được như vậy, mới quyết định được cái chết và chết như thế nào, chết vì điều gì. Họ nghĩ về cái chết chính là họ đang sống, muốn một cái chết như thế nào thì hãy sống một cuộc đời để có thể tự quyết định cái chết cho mình, chết vì điều mình tận hiến khi sống. Họ không có quyền chọn bệnh cho mình, nhưng họ có quyền chọn cái chết cho mình. Vì thế, không nên sợ cái chết, cái nên sợ là việc sống, sống vừa là nỗi nhục vì cứ phải sống vừa là vinh quang vì chịu đựng được cuộc đời. Chết là chỉ có việc buông tay thôi. Một ngày kia buông lỏng bàn tay níu giữ cuộc sống. Và thế là hết.
cái việc dũng cảm để chết nhưng không đủ dũng cảm để sống, chẹp chẹp, nhiều người đã trải rồi
ps: sách được tài trợ bởi Ngô Tuấn kiss emoticon
----+++++++++++++++
1, Trong quyển sách này, phản ứng của người mẹ với đứa con tật nguyền của mình là bỏ rơi, không muốn nhớ đến. Tôi nghĩ đến ít nhất hai đầu sách với hai thái độ khác hẳn nhau trong cùng hoàn cảnh này: Con gái người giữ ký ức (Kim Edwards)-một đầu sách của NN mà tôi thực sự băn khoăn không hiểu sao lại gần như biến mất như thế (rất ít khi nhìn thấy) và Quà của Chúa (Dorota Terakowska), tác giả này đưa đến những câu hỏi về "chuyện" gia đình rất đáng quan tâm


2, Tác giả lấy tên sách Phù thủy tháng Tư theo tên một truyện ngắn "Những phù thủy tháng Tư" của Ray Bradbury-tác giả của đầu sách 451 độ F .
[Xem chi tiết tại đây:https://www.facebook.com/photo.php?fbid=584967124978187&set=a.584966528311580.1073741856.100003947149045&type=3&theater]
Rất nhiều đề từ chương trong cuốn sách này được lấy của các tác giả đã được biết đến ở VN: John Updike, Stephen King, Stephen Hawking, Margaret Atwood. Đặc biệt là Stephen Hawking, những lý thuyết vật lý tác giả đưa vào câu chuyện, hay cứ nhìn những nét tương đồng trong hoàn cảnh của Stephen Hawking và nhân vật Desirée
Những lý thuyết vật lý, nhân vật giáo sư vật lý hiện đại...thời gian gần đây mình đọc, có lẽ thú vị nhất là ở Tình yêu chân chính (Danny Scheinman). Lớp 13 mình mới ôn thêm khối A, tức là mới chịu học nghiêm túc môn vật lý, lúc í đã thấy tiếc, sao mình chịu học nó muộn thế. Giờ, đọc tỉu thuýt có nhắc đến vật lý mà lại càng thấy tiếc vì đã ít chú ý đến bộ môn khoa học này haizza.
kiểu thế này này, cái tạo nên bề mặt và thể chất không phải là bản thân các hạt, mà là những trường điện từ liên kết chúng với nhau. Vật lý lượng tử cho rằng những thành phần nhỏ nhất này của vật chất không chỉ là hạt mà còn đồng thời là sóng.
3, Ngược dòng thời gian, đọc sách được dịch, được làm những năm 90 đến đầu những năm 2000 thấy sao mà chất lượng thổ tả, lỗi tè le. Có lẽ đấy là giai đoạn cẩu thả nhất, nhỉ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét