Delicate! why so xờ tiu pít? "Ngốc, nghếch, cáu, quên, nghịch, ngang, ngổ ngáo" / "Ăn khi thấy đói, ngủ khi thấy buồn ngủ. Và nếu ôm vào lòng thì cũng nồng ấm như bao người".
6.10.18
Tàu đến cái chết
Yêu người tử tù là câu chuyện màu sắc phim Hàn Quốc nhất trong 3 quyển tôi đọc của Gong Ji-Young được dịch sang tiếng Việt. Giống như xem phim Hàn Quốc, biết rõ nam chính lớn lên trong hoàn cảnh vô cùng tăm tối u ám và sa chân vào tội ác, khốn cùng; nữ chính sống trong nhung lụa danh gia và một bi kịch xảy ra thay đổi con người cô; rồi họ gặp nhau trong tình huống không dễ chịu gì, một kẻ nhận án tử hình, một kẻ tự giết mình ba lần nhưng không thành; người phải chết và kẻ phải sống được người đọc đoán biết ngay từ đầu... nhưng người đọc vẫn cứ đọc
Một câu chuyện về bóng tối thăm thẳm hay ánh hào quang chói loà thì cũng như nhau, đều không thể thấy đường; về cái nghèo của những người giàu đáng sợ và khủng khiếp lắm; về tình yêu thương, lòng trắc ẩn, sự tha thứ, tha thứ trước nhất là điều tốt đẹp và kỳ diệu với chính mình, rồi sau đó mới đến kẻ khác; sự ăn năn hối lỗi minh triết thế nào... và trên hết là cái chết sẽ giúp người ta biết bắt đầu học sống, ý nghĩa sâu xa của từ "sinh mệnh" chính là một mệnh lệnh yêu cầu ta phải sống, sống tốt hơn
Hai nhân vật chính, trong một khoảng thời gian ngắn ngủi của cuộc đời, một kẻ sắp bị đưa đi thi hành án tử hình và một kẻ cố tự sát để kết thúc cuộc sống, tìm thấy sự tương đồng trong nhau, biết đến tình yêu thương và cùng nhau tìm kiếm câu trả lời: rốt cuộc con người đại thể là cái gì, con người là một dạng tồn tại mà không thể dùng một lý do một cơ chế để áp dụng chung cho tất cả, sinh mệnh là gì, tha thứ là thế nào, con người khi ác thì ác đến đâu và khi thiện thì thiện đến mức nào... Và tất nhiên, khi muốn đi vào bản chất của bất cứ điều gì thì người ta đều phải chấp nhận trả giá và chịu đựng đau đớn, nó là hành trình của quan sát - cảm nhận - [phải] hiểu. Cuộc sống không tồn tại nếu ta không biết cảm nhận, làm gì có bầu trời xanh đến thế nếu ta không cảm nhận / thấy bầu trời xanh, hoa sẽ không đẹp vừa mong manh vừa mơn mởn nếu ta chỉ thấy nó là thứ cây cỏ mọc lùm lùm 😶... ở đây, chính là lòng trắc ẩn, là tình yêu thương - vùng đất bình tịnh
Chuyện làm chúng ta bất ngờ nhất trên thế gian này đó là đến một lúc nào đó chúng ta rồi sẽ chết, nhưng chúng ta lại luôn phải sống và quên đi sự thật đó 🙏🏻. Để sống, ta mất cả đời để học. Để chết, ta mất cả đời học cách sống.
p/s: quyển sách này lấy của tôi nhiều nước mắt, giống như phim Hàn vậy, thật ngại quá khi khóc như thế 😶. À, sách thì tôi đọc hết, nhưng từng này tuổi tôi chưa xem được hết một phim Hàn dài tập nào các cụ ạ, vấn đề thuộc về kiên nhẫn🤣, còn khóc thì tôi vẫn khóc mới nẫu chứ 😂
23.9.18
Linh hồn đói khát
Thành phố đồ chơi lấy bối cảnh thành phố Dae-gu những năm 50 của thế kỷ trước hoang tàn sau cuộc nội chiến giữa hai miền Nam và Bắc Triều Tiên. Tác phẩm được kể xoay quanh ký ức của một cậu bé học lớp Bốn ở làng quê cùng gia đình chuyển lên thành phố sống một cuộc sống vô cùng túng quẫn, bế tắc – nó cũng chính là cuộc sống khốn quẫn chung của tất cả mọi người xung quanh cậu. Lee Dong-ha thông qua Thành phố đồ chơi đã tái hiện lại những gì mà bản thân ông đã từng trải qua trong thời niên thiếu: những gì mất mát sau cuộc chiến, chia ly, cái đói, cuộc sống tha hương, bế tắc, tuyệt vọng, đặc biệt là cảm giác khinh bỉ chính mình trong cùng quẫn
Câu chuyện được viết từng chương riêng lẻ không liền mạch theo tiến trình các sự việc xảy ra, hành văn đơn giản, súc tích, thông qua đôi mắt của một đứa trẻ học lớp Bốn nhìn cuộc sống không khí truyện ảm đạm và cô độc vũng lầy. Xuyên suốt hơn 300 trang sách, mặc dù có những câu văn mang vẻ đẹp của u hoài là nét phóng rõ nét, cùng những chi tiết tinh tế sắc mảnh khắc họa bầu không khí của truyện nhưng không đủ để độc giả xóa nhòa độ gợn về cách kể chuyện đứt gãy rời rạc của tác giả
Tôi dừng hàng tuần ở chương Tử thi lúc nào cũng xa lạ, và suýt chút nữa đặt tên văn bản này là Hạt táo thối. Cùng thời điểm bạn tôi mất mẹ, tôi mang trong mình nỗi bàng hoàng về cái chết, những cái chết ngấu nghiến ngon lành chỉ ăn chỗ táo thối hỏng, những cái chết đơn giản là chỉ uống nước để cơ thể chết đi… linh hồn đói khát theo các cách riêng
Hôm trước tôi xem một bộ phim VN làm lâu lắm rồi, một phụ nữ vùng biên tất tả leo lên cái xe đạp cà tàng thồ hàng trên đường lổn nhổn đá và chẳng may xe mất phanh lao tới trước đầu xe ô tô tải, tài xế thò đầu qua cửa xe quát “mịe, mụ muốn chết đấy hả”, người phụ nữ ngã xiêu vẹo rúm ró như mớ giẻ trên đường, quai nón xộc xệch ngồi dậy gạt nón sang bên mồ hôi mồ kê quát như khóc “thế mày tưởng bà mày muốn sống chắc”, người tài xế chùng mặt cúi xuống thở dài cay đắng
Tiếng thở dài như muốn nói: Ơi xời ai cũng muốn sống cho ra cái hồn người thôi mà, thế rồi sao linh hồn đói khát
3.9.18
Ánh sáng và diệp lục
6-7 năm trước tôi bị ấn tượng bởi Người ăn chay, liên truyện gồm 3 truyện ngắn hoàn toàn độc lập, câu chuyện đầy màu sắc điện ảnh mới lạ găm vào đầu tôi những tình tiết khung đầy tò mò khiến tôi cứ đọc hết chuyện về cô ăn chay, rồi anh rể nghệ sĩ của cô ăn chay, rồi chị gái cô ăn chay. Đọc xem tác giả sẽ kể tiếp gì, các nhân vật sẽ diễn tiến thế nào
tại sao tôi đọc lại Người ăn chay
một ngày tôi nhận ra mình chỉ cần nước và nằm dưới nắng từ trên cao tỏa xuống, mình nhẹ tênh, như một nhân vật mình đã từng gặp trong các câu chuyện, và tôi nhớ ra Người ăn chay.
Một nhân vật sợ mùi người mùi thịt, một nhân vật nghĩ mình sống mà không cần ăn, chỉ cần ánh sáng để tự nuôi dưỡng mình, tiếp nhận mọi thứ đến tận xương tủy, cả nỗi chán chường già cỗi của việc làm người với số phận vĩnh cửu lẫn những tươi mới tung bay của một đứa trẻ; nhưng đồng thời ở một mặt khác tôi hèn nhát vẫn cố ép mình phải ăn với suy nghĩ chừng nào mình còn ăn là chừng đấy mọi chuyện vẫn ổn cả - một phương thức để tồn tại. Việc sống trên đời thật lạ lùng, dù có trải qua bất cứ việc gì, kinh khủng đến đâu đi chăng nữa thì con người cũng vẫn ăn, vẫn uống, vẫn đi đại tiện, vẫn tắm rửa để tiếp tục sống 🙂.
Một nhân vật luôn nghĩ rằng mình không ăn thì sẽ nhẹ bẫng như muốn bay lên, một nhân vật bị những người cho rằng họ bình thường coi là người điên thần trí bất bình thường, một nhân vật ngừng ăn như Simone Weil giải vật chất hóa chính bản thân mình, một nhân vật khi bị đẩy vào con đường tồn tại không phải là mình thì nhanh chóng chọn cách kết liễu sinh mệnh người của mình để từ đó cứ để ngực trần đi lại trước mọi người như đón nắng, cần ánh sáng để quang hợp tổng hợp diệp lục… còn gì nữa ngoài nỗi hổ thẹn bản thể, nỗi bi ai vì sự tồn tại, sự hiện hữu của mình dưới danh xưng con người.
Người ta nghĩ mình là cái cây tay và đầu làm thành bộ trụ cắm rễ sâu xuống đất, người mọc ra lá, lấy dưỡng chất tỏa ra xung quanh và bên trên, hoa mọc ra giữa hai chân và người ta cứ giang chân ra, giang thật rộng, rễ cứ cắm xuống mãi, cây cứ vươn lên mãi, người ta cần ánh sáng để tổng hợp diệp lục, người ta là một cái cây; người ta nghĩ mình là chim muốn được tung người bay lên qua balcony hay một ai đó trong con người người ta muốn ném quăng người ta về phía trước. Và người ta được người bình thường đưa vào bệnh viện tâm thần
ai điên, tất cả cùng điên theo các cách khác nhau hay nó điên mình bình thường, nó bình thường mình điên; kẻ ngu ngơ mới biết cười, việc sống trên thế gian của loài người đã dành hết cho những người bị coi là điên và nếu nhất định phải có người điên thì có lẽ người điên ở đây là bọn đã không sống mới đúng
ai muốn đi theo khái niệm ‘bình thường’ thì đi. Không có vấn đề gì cả, cứ sống như đã từng sống đến một lúc nào đó là được, ‘mình đã chết từ rất lâu rồi’, ‘mình chỉ là một vở kịch hay một bóng ma’… ngoài cách đó ra không còn con đường nào khác, điên - bình thường muốn sống cứ sống, hãy để cho đường mòn, thói quen là thứ duy nhất duy trì cuộc sống… còn, muốn dừng lại muốn biến đổi thì cửa luôn mở. Sao, không được chết à :); không thể chịu đựng thêm được nữa à; không thể đi tiếp về phía trước được nữa sao; không muốn đi nữa ư…
ai muốn bay lên, muốn cách mặt đất đủ xa hay chỉ muốn cắm rễ vươn lên trời tổng hợp diệp lục thì cứ việc chứ. Là một cái cây tức là gì, là bình thản quan sát, là không từ chối bất cứ cái gì và cũng chẳng ngạc nhiên trước bất kỳ điều gì
tôi không nói không năng, chỉ lặng lẽ nhìn hàng cây xanh ngắt trong ráng chiều hoàng hôn đỏ rực
25.8.18
Vương quốc trong mơ
Trong các sinh vật tồn tại trên trái đất, ưu việt là con người, ngu muội cũng là con người, kỳ quái, vô ơn, thất thường cũng chính là con người; càng đi đến cực điểm văn minh thì càng chấp chới ngưỡng vỡ bong bóng đánh mất nhân tính. Trong những hoàn cảnh khốc liệt, cửa ải sinh tồn là nơi con người rũ bỏ văn minh để quay về mọi rợ, phần nhân tính bị phần phi nhân lấn lướt và là một tồn tại song song mang đặc tính nghiệt ngã, u buồn.
28 của Jeong You-Jeong kể về 28 ngày bùng phát bệnh dịch “Mắt Đỏ” diễn ra ở thành phố yên bình Hwa Yang ven thủ đô Seoul, bệnh dịch bắt đầu từ cái chết của người đàn ông làm nghề phối giống chó bị chó cắn, sau đó lây lan nhanh chóng cho cả người và chó, không tìm được nguyên nhân cũng như không có phác đồ điều trị, thành phố Hwa Yang thành hòn đảo bị cách ly, bị chính quyền phong tỏa kìm kẹp, con người buộc phải tìm mọi cách để sinh tồn, chống chọi, chiến đấu với bệnh tật, chính quyền; và cả cuộc chiến giữa người với người cũng như người với những tồn tại khác con người khi đối mặt với sinh tồn. Sống còn không còn là lựa chọn, nó là bản năng của mọi tạo vật có sinh mệnh bị tạo hóa kết án.
28 ngày, những bản tin thời sự như bao tin nhanh hờ hững bên ngoài thành phố Hwa Yang, điều thực sự bên ngoài Hwa Yang muốn biết thì sẽ không thể biết được, còn thứ mà họ không muốn biết thậm chí không quan tâm thì báo chí truyền thông sẽ cứ liên tiếp cho họ biết, đấy chính là chiêu bài chính trị, là tấm thảm kịch con người với những mưu toan chính trị của nhà cầm quyền, bệnh tật hoành hành triệt hạ từng người từng cơ sở tổ chức và là mảnh đất màu mỡ nhung nhúc giòi bọ nuôi dưỡng nhân tính suy đồi, nơi chó bị chôn tiêu hủy tập thể, người cũng bị chôn tập thể, rồi cả người cả chó rốt cuộc cũng cùng chung một số phận, nơi con người sống như chó chết cũng như chó, lửa chẳng thể nào tự tắt nếu vẫn còn thứ để thiêu đốt, bệnh Mắt Đỏ chính là ngọn lửa địa ngục ấy. Hwa Yang trở thành thành phố bị cô lập, bị ruồng bỏ, thành hòn đảo của bản năng, mọi thứ đều nhòa đi và biến mất, chỉ còn sự sống và cái chết chi phối đầu óc của mỗi cư dân.
Jeong You-Jeong cấu tứ 28 như một phim điện ảnh, người đọc không lạ gì với những nội dung phim về bệnh dịch lây lan khiến con người đi vào săn thịt lẫn nhau, biến nhau thành vật thế thân hay con mồi để mình được tháo thân, được sống sót, những góc khuất khó lường của nhân tính, phần phi nhân được lột truồng trần trụi… góc nhìn ấy người đọc không còn lạ lẫm. 28 đưa người đọc tới một góc tiếp cận khác, khi đưa sự tồn tại của con người với nhau xếp đặt cạnh sự tồn tại của động vật bầu bạn gần nhất với con người, một căn bệnh lây nhiễm chung giữa người với chó. Đối với loài chó, con người chính là cả thế giới, nơi nắm giữ vận mệnh, thức ăn, chỗ ở và sự an toàn được đảm bảo, rời bỏ con người tức là rời bỏ thế giới của chính chúng, trở thành kẻ lang thang, quay về với tổ tiên thú hoang, chúng cũng bị đưa vào vòng sinh tồn buộc phải lựa chọn làm kẻ lang thang thú hoang hay để con người giết hại rồi trở thành xác chết. Bạn có thể nói tất nhiên con người vẫn sẽ như cũ, vẫn tàn sát để tồn tại, người với người tàn sát nhau giẫm đạp nhau để sống thì chó là gì; con người vốn cho rằng, con người và mạng sống của con người là đỉnh cao giá trị, vượt trên tất cả mọi vật trên mặt đất này, bởi những giống loài như loài chó thì thế gian nhan nhản cả đống chẳng thiếu gì. Với tư cách kẻ ăn thịt, kẻ săn mồi, tên bạo chúa, kẻ mạnh trong hệ sinh thái, tính cách thất thường và sở hữu trí tuệ chi phối sự sống và quyết định số phận các sinh vật khác như con người thì quả đúng như vậy; nhưng 28 là câu chuyện gieo hy vọng – dù hy vọng chính là thứ hay phản bội chúng ta nhất trên thế gian này, nhưng không có nghĩa là ta không bắt đầu gieo nó, đường vạn dặm nào chẳng có khởi đầu là bước chân đầu tiên, rằng chính giống loài vô ơn như con người cũng sẽ là giống loài biết nhìn nhận sự tồn tại bình đẳng của những sinh mệnh khác, có những người mà thế giới của họ chỉ là các sự kiện loài vượn trần trụi ra đời, chiến đấu, gây hấn, bệnh tật rồi chết đi, và cũng có những người mà thế giới của họ là nơi có chỗ cho cả loài vượn trần trụi và những loài động vật lông lá, những sinh vật khác
Nhân vật chính bác sĩ thú y ở trại cứu hộ động vật Dreamland Jae Hyung là hy vọng như vậy, người 11 năm trước cắt sợi dây buộc thân mình vào đoàn 12 chú chó kéo xe với mong muốn đàn chó sẽ là con mồi thu hút sự chú ý của lũ sói, hy sinh đàn chó để giữ lấy mạng sống của mình, điều ân hận nhất của anh là đã coi sinh mạng của đàn chó là đối tượng thứ cấp so với mình chứ không phải mục đích tất cả đều có sinh mệnh đều muốn được sống, điều ân hận là anh đã không cắt gangline cho đàn chó, đã không cho chúng cơ hội để chiến đấu giữ lấy sinh mệnh, một cơ hội đấu tranh sinh tồn để được sống; mọi tạo vật đều có sinh mệnh của mình, đều phải sống cho đến khi chết, đều có giấc mơ được sống, có giá trị tồn tại riêng
Biết khiêm cung trước tạo hóa và muôn loài khác, con người có ngu muội rồi rơi vào bi kịch nhân danh con người văn minh không, câu ấy không cần dấu câu, nó là hiện thực đang diễn ra không khó tiên đoán. Yêu thương thân mình và biết xót thương những tạo vật có sinh mệnh khác có lẽ sẽ bớt đau buồn bi đát hơn, bởi trong nương tựa ấy ta không đơn độc, đồng nghĩa không bỏ rơi hay làm tổn thương kẻ khác
“Có những lúc, tôi mơ tới một thế giới không có con người. Một nơi mà luật lệ tự nhiên sẽ kiểm soát sự sống và cái chết, một thế giới mà tất cả mọi sinh mệnh được làm chủ cuộc sống của bản thân, một vương quốc trong mơ”
Có những người tin vào thuyết mạt thế, muốn nước trời lửa trời xóa sạch thế giới, xóa sạch tất cả, không có con người, rồi bàn tay kì diệu của tạo hóa sẽ làm công việc nên làm, những người ấy có thể bị xem là phản nhân loại, họ hành động có lý của họ, chỉ có điều là có ai nhìn ra được cái lý ấy hay không 🙂
p/s: ở 7 năm bóng tối có đoạn nhân vật xưng tôi lặn xuống nước và đoạn cậu bé lặn dưới biển viết vô cùng đẹp và ý vị, cứ nhắm mắt nghĩ đến 7 năm bóng tối là nghĩ đến 2 đoạn ấy. 28 không có những đoạn như thế, tuy nhiên nhắm mắt lại thì mình nghĩ đến Jae Hyung nằm giữa trời tuyết rơi mơ sảng mất dần ý thức khi mắc nạn cùng đàn chó kéo xe, những tinh thể ánh bạc lơ lửng bay trong ánh chiều tà, cánh rừng vân sam, đàn chó kéo xe xếp dọc chân ngồi thành một hàng…
tôi gần như không hứa gì với bất cứ ai, nhưng khi con mèo bước vào cửa nhà tôi, mà ngay sau đó tôi đặt tên nó là EMi thì tôi biết là tôi phải chịu trách nhiệm về nó và với nó, là tôi sẽ không có bất cứ lý do nào tùy tiện phá vỡ mối quan hệ và cam kết của đôi bên, không cần lời nói hay bất cứ gì làm bằng chứng, bản thân tình cảm đã là sợi dây rồi 🙂
21.8.18
Dợm chân bước
Người đàn bà trên cầu thang của Bernhard Schlink là câu chuyện thu nhỏ về lịch sử nước Đức cùng những nỗi đau rạn vỡ già cỗi mòn trụi của nó lồng trong chuyện tình tay tư, một người phụ nữ trẻ, ba người đàn ông từ trẻ đến trung niên một nhà tài phiệt một họa sĩ một luật sư và mối liên hệ với bức tranh vẽ người phụ nữ trẻ ấy trần truồng đi xuống thang. Bức tranh người đàn bà trên cầu thang đóng khung đúng khoảnh khắc người phụ nữ một chân đã ở bậc thang trên và chân còn lại dợm bước xuống bậc dưới. Nó đóng khung hiện tại và rồi đi vào lịch sử. Điều gì sẽ xảy ra nếu người họa sĩ không vẽ nó, bức tranh không tồn tại, hoặc có bức tranh nhưng người họa sĩ không trở nên nổi tiếng, họ vẫn ai ở vị trí người nấy, không ai làm điều sai quấy, không ai lừa phỉnh hay mắc lừa, không ai ở tình thế mắc kẹt, không ai bỏ lỡ điều gì… như nước Đức không lộn xộn không sụp đổ không nhiều điều không
Lịch sử cho ta đủ thứ, bi kịch – hài kịch, thắng – bại, yêu thương – căm hờn, niềm vui – nỗi buồn, may – rủi, công lý – bất công... Tiểu thuyết thì không thể cho ta hơn. Những gì thực sự xảy ra thì rõ ràng khác với chuyện con người hư cấu. Người ta không thể thay đổi được gì trong quá khứ, có phần dễ dàng khi ta chung sống hòa bình với quá khứ, điều khó khăn hơn là không nhìn ra được ý nghĩa thực sự của quá khứ ấy. Cái xấu nào cũng có cái tốt và ngược lại, nhưng cũng có cái xấu hoàn toàn xấu. Trái ngược với điều tốt không phải điều xấu mà chính là ý định tốt, còn trái ngược với điều xấu thì lại là điều tốt đẹp.
An ủi là người ta không thể làm khác trong quá khứ vì như vậy thì người ta phải là con người khác. Lịch sử cũng vậy. Cái gì đã qua là qua rồi, ai muốn tiến lên phía trước thì phải buông lại quá khứ sau lưng như rũ bỏ quần áo cũ sau chừng ấy thời gian đã có mùi ẩm mốc. Lịch sử rồi cũng hòa vào dòng thác thời đại, chỉ vậy thôi
Tôi thích phần cuối của quyển tiểu thuyết nhất, cái kết trọn vẹn. Không thích những lồng ghép, ẩn dụ hay những câu thoại liên quan đến lịch sử Đức vì những gì xảy ra thì đã xảy ra rồi, là lịch sử rồi. Tôi chỉ thích điều mà tiểu thuyết này gợi ra cho tôi về những sự kiện, câu chuyện suýt xảy ra, nó cũng là điều mà hai nhân vật ở phần ba cùng nhau tung hứng tưởng tượng. Những gì xảy ra trong quá khứ làm nên lịch sử, hiện tại [tất nhiên cả tương lai] rồi cũng thành lịch sử, miễn rằng nó xảy ra hoặc từng xảy ra. Chuyện ở tương lai rồi sẽ có người này vật nọ thế chỗ để nó diễn ra, chỉ không có ai hay điều gì vật gì có thể thế chỗ trong quá khứ. Lịch sử là thế, có câu chuyện trước nó và sau nó, đơn giản vì nó xảy ra. Vậy còn những điều suýt xảy ra, nó có câu chuyện trước “suýt” và sau đấy là những giả định nối dài chăng 🙂
Bernhard Schlink với tôi là Người đọc, còn Người đàn bà trên cầu thang thì rời rạc khiên cưỡng.
10.8.18
Táo không rụng xa gốc
Trong các gia đình tồn tại sự trùng lặp các số phận qua các đời. Bất cứ ai lặng im đủ cũng có thể trở thành nhà tiên tri về số phận của kẻ khác dựa trên các tiêu bản số phận trong suốt chiều dài lịch sử loài người cũng như chiều dài sự suy nghiệm của họ.
Vị hạt táo là tiểu thuyết xoay quanh ba đời của một gia đình ở làng quê Đức mà chủ yếu là những người phụ nữ trong gia đình ấy, sự trùng khớp số phận, ký ức và lãng quên, sự thật và phỏng đoán…
Nhân vật xưng tôi là người cháu gái ở đời thứ ba được hưởng thừa kế căn nhà của bà ngoại – nơi chứng kiến những bí mật của gia đình, chỉ trong ít ngày lưu lại căn nhà, cô dần tìm về ký ức tuổi thơ và vén tấm màn quá khứ khớp nối các mẩu nhỏ câu chuyện về gia đình mình. Một câu chuyện về cách người ta đối diện với những gì từng xảy ra trong quá khứ chất chồng nỗi buồn hay sự ghê gớm của ký ức: câu chuyện của ai đó là một phần câu chuyện của riêng bạn, và cũng là một phần câu chuyện của bạn về lịch sử gia đình mình; song cách kể chuyện, lối dẫn dắt cẩn trọng, nữ tính với từng từ ngữ neo đậu sức nặng của quá khứ, đan xen hiện tại - ký ức, con người - cảnh sắc thiên nhiên đầy chất thơ đã khiến câu chuyện có ánh sáng lấp lánh êm dịu của cả mảng tối đau xót nhất của quá khứ cùng những hoài nghi và của hiện tại khi đã bằng lòng với sự khép lại của quá khứ, không chỉ lãng quên là một dạng hồi tưởng, mà hồi tưởng cũng là một dạng lãng quên
Những chuyện ta nghe kể, chúng thật đến mức nào. Và những gì ta tự đan dệt từ hồi ức, từ phỏng đoán, từ tưởng tượng và âm thầm nghe từ người khác, lặng lẽ vẽ theo ký ức của người khác, chúng thật đến mức nào. Có khi nào những chuyện bịa đặt sau đó lại trở thành sự thật, và có lẽ nào một số chuyện lại bịa ra sự thật.
Sự thật và nỗi đau, chúng còn lại sau những điều bị quên đi, lẩn khuất trong các rãnh hằn và lỗ thủng của trí nhớ, chúng tồn tại cùng với thời gian và quan trọng là thời gian chỉ chữa lành vết thương khi nó liên kết với lãng quên
Táo không rụng xa gốc, người ta từ đâu đến thì vẫn là từ đấy mà thôi. Nhân hạt táo thì mãi có độc nhưng nó lại có vị hạnh nhân và những kẻ si mê thì vô tri với ‘có độc’ và mê muội bởi ‘vị hạnh nhân’
8.8.18
lựa chọn đúng vì những lý do sai
Những linh hồn lẩn khuất (Dead souls) là tập 10 nằm trong series thanh tra Rebus [thấy bảo có phim, là tập 3] của Ian Rankin, đây cũng là quyển trinh thám Scotland đầu tiên mình đọc
Đọc text bìa và lướt quyển sách hơn 500 trang trong 5 phút đã biết ngay đây là kiểu câu chuyện trinh thám mình thích: chậm, ít hành động gây cấn, tâm lý và các tình tiết nhỏ... Những linh hồn lẩn khuất đan cài nhiều nhưng bóc tách riêng thì không quá đánh đố độc giả. Mình khép lại câu chuyện này sáng hôm qua và chỉ ghi note 2 dòng
- lựa chọn đúng vì những lý do sai
- bản chất của sự ám ảnh
chúng là câu để ngỏ hay nhận định, ai biết được
Là kiểu người đọc thấy lỗi chình ình cũng không ta thán một câu, cười xoà một cái đọc tiếp, thế mà lần này chao chát. Những linh hồn lẩn khuất xuất bản cách đây 7 năm, Ian Rankin là tác giả trinh thám rất ổn, nhất là so với mảng trinh thám được dịch gần đây, thế mà quyển sách xuất bản rơi tõm vào im ắng, bản dịch không thể nói là ổn, thôi cũng chả dám nói về biên tập nữa 😑
NN mới xuất bản 1 quyển khác của Ian Rankin, mình sẽ đọc tiếp, mưa gió chưa lượn đi mua sách được, ai có lòng tặng, mình nhận luôn, đăng ký tặng, mình cũng chả từ chối đâu 🙃
p/s: mình đang đọc dần các sách có ở trong nhà độ 5-10 năm mà chưa từng được mở ra đấy 🤣😂
29.7.18
Con người và động vật
Ivan có một không hai là câu chuyện hư cấu dựa trên những sự việc có thật về chú khỉ đột tên Ivan. Sau khi bị bắt cóc ở quê nhà [Congo], hai anh em Ivan còn nhỏ được di chuyển sang Mỹ, trên đường đi em gái của Ivan qua đời và Ivan từ đó một mình sống giữa con người, sau đó là trong một trung tâm thương mại mô phỏng rạp xiếc, một mình trong lồng suốt gần ba thập niên. Sau khi kênh National Geographic công chiếu bộ phim về Chú khỉ đột thành phố, nhờ những lá thư kêu gọi của các cô bé cậu bé và sự phản đối của nhiều người thì Ivan đã được sống trong một sở thú đúng nghĩa – nơi con người sửa sai. Giống với Ivan trong Ivan có một không hai, khỉ đột Ivan ngoài đời cũng biết vẽ tranh 🙂
Ivan có một không hai là một câu chuyện có nội dung không mới mẻ nhưng được viết với trí tưởng tượng đáng nể của Katherine Applegate [giờ tôi mới biết bà ấy là tác giả của Animorphs :p], tác giả cho Ivan cũng như cô voi Stella, bé voi Ruby, chó Bob những tiếng nói độc lập của riêng chúng, được trở thành chính chúng “lưng bạc vĩ đại” [-một con khỉ đột đực trưởng thành đã bước qua tuổi mười hai, trên lưng có khoảng lông màu xám bạc, biểu tượng của quyền uy, giữ trọng trách bảo vệ cả bầy] như vốn dĩ đã là định mệnh. Một câu chuyện ngợi ca lòng nhân ái, sự dũng cảm và cổ vũ cho khả năng tiềm tàng trong mỗi người; đặc biệt nó sẽ giúp ta nhìn nhận mối quan hệ giữa con người và động vật với con mắt hoàn toàn khác [tôi quyết tâm hơn nữa, sau EMi sẽ không nuôi con gì nữa :(], con người ngu ngốc làm sao và sống giữa văn minh này cũng như sự xâm chiếm của con người vào vùng đất hoang dã thì loài vật đã bao dung cỡ nào, một sự bao dung gồm cả cam chịu đến mức vĩ đại, gần như phi lý
Một câu chuyện đơn giản, uyển chuyển, thông minh và dễ hiểu dành cho các bạn nhỏ [và cả người lớn] về bảo vệ động vật. [trong cây tiến hóa thì người, tinh tinh, khỉ đột, đười ươi đều thuộc họ Người, Hominidae, Great Apes mà sao bọn người ló ác thế nhỉ, các ác xuất phát điểm từ u u mê mê ngu muội í, nhưng thôi, phải hy vọng vào những đứa người ít ác hơn những đứa khác, hay những con người tốt, có hy vọng vào ngày mai cùng những điều tốt đẹp hơn thì mới chịu đựng nổi hiện tại, right]
[‘’Ôi con người. Chuột thậm chí còn nhân hậu hơn. Gián thậm chí còn tử tế hơn. Ruồi thậm chí còn…” – trích lời chó Bob]
p/s: quyển này mình mua trong hội sách, quầy NN giảm 50% và đấy là lần đầu tiên mình nhìn thấy nó, không giống nhiều sách của NN một ngày nhìn thấy cỡ chục lần trên fb group nhóm hội đọc sách, may quá giờ tôi chả chơi đâu cả, đầu tôi sẽ mọc tóc tốt hơn nữa í hị hị hị hị khửa khửa khửa
25.7.18
lịch sử
Khi con người trao lý tính cho lịch sử thì thường biến lịch sử thành trò bịp bợm có lợi cho mình. Lịch sử tồn tại được là nhờ những đôi mắt quan sát nó, có lịch sử chân thực không, đôi mắt nào đủ tự tin và cái nhìn độc đáo
Bốn tiểu thuyết và một tập truyện ngắn của Lý Nhuệ đều là những câu chuyện lịch sử - câu chuyện, tất nhiên có thể hư cấu, nhưng tình tiết thì không thể bịa đặt. Đọc Lý Nhuệ luôn là bầu không khí tĩnh, lặng gió, dễ chịu vô cùng nhưng bi thương âm ỉ, đôi khi nóng giãy cùng cực
Lần cuối cùng tôi đọc Lý Nhuệ cách đây 8 năm, lần đọc này chỉ có Cây không gió là đọc mới, tôi đọc theo trình tự sáng tác:
- Tập truyện ngắn: Đất dày (Hậu thổ), 1989
- Tiểu thuyết: Chốn xưa (Cửu chỉ), 1992
- Tiểu thuyết, truyện dài: Cây không gió (Vô phong chi thụ), 1994
- Tiểu thuyết: Ngàn dặm không mây (Vạn lý vô vân), 1996
- Tiểu thuyết: Ngân Thành cố sự, 2002
Thôi viết ngắn gọn thôi vì tầm này ai đọc Lý Nhuệ nữa, sự đọc thì vô cùng riêng tư, người đọc luôn giữ lấy sự đơn độc tinh thần, ghét sa cạ bầy đàn, đua theo, riêng tư như tình dục ấy, kể cả có chơi three-some hay gì thì cũng có giới hạn rất rõ ràng và vẫn cứ là riêng tư. Nên tầm này ai còn đọc Lý Nhuệ 🙂
• Tôi vẫn thích tập truyện ngắn Đất dày nhất, văn đẹp, chậm rãi, các truyện ngắn đơn giản nhưng chọn tình tiết để xoáy vào thì sắc và chắc, giàu hình ảnh, chân thực… đọc dễ chịu vô cùng. Đi qua một vài câu văn đầu tập Đất dày đã có ngay thứ khoan khoái được thả lỏng người, một cảm giác bằng lòng thư thái giữa trập trùng núi non và cao nguyên lộng gió [núi Lữ Lương], người ta như đứng từ xa bình thản nhìn lại những khôi hài vô lý hoang đường bi kịch của lịch sử, của Đại cách mạng văn hóa
• Với tôi, nỗi buồn chính là Ngân Thành cố sự và Chốn xưa [khóc hay không khóc được thì người ta vẫn cứ phải ngẩng mặt nhìn trời xanh một tị], cả hai đều chọn Ngân Thành [một địa danh hư cấu], dòng Ngân Khê làm bối cảnh câu chuyện diễn ra, xoay quanh các gia tộc lớn [rất nhiều tình tiết xoay quanh dòng họ của tác giả] với nghề làm muối, sự biến động của con người trong dòng chảy lịch sử từ đầu thế kỷ 20-giai đoạn cuối phong kiến [ở Chốn xưa là đến tận khi người ta có quãng dài để nhìn lại Đại cách mạng văn hóa]. Tương lai và vận mệnh của họ đều thành nạn nhân của vòng tròn bất tận gồm những cuộc lật đổ, cách mạng, phản cách mạng, đấu tranh, thảm sát... Chốn xưa ướt át hơn và có lẽ sẽ dễ lấy lòng người, nhưng Ngân Thành cố sự viết sau Chốn xưa 10 năm mới thực là câu hỏi lớn, lịch sử là gì, trong dòng chảy lịch sử thì con người là gì, đối diện với thời gian sinh mệnh là gì. Những gì mà hai tiểu thuyết này gợi ra, quạnh quẽ vô cùng, trời đất thì dài lâu vĩnh cửu, nhìn phía trước người xưa vắng vẻ, ngoảnh về sau quạnh quẽ vắng bóng người, tất cả là giả và tất cả cũng đều là thật, và nó thuộc về những người Trung Quốc còn sống và đã chết.
• Rất nhiều người ấn tượng Cây không gió, tôi gộp chung Cây không gió và Ngàn dặm không mây vào làm một vì cách viết chương tiếp chương, mỗi chương là một nhân vật xưng tôi / mình tự sự, câu chuyện cứ nối tiếp câu chuyện như các nốt nhạc trong bản nhạc, giàu nhạc điệu, cách viết rất táo bạo của một Lý Nhuệ khác, ra khỏi khung của mình. Cây không gió diễn ra ở một làng người lùn, cả làng lấy chung một cô vợ lành lặn bình thường, lùn cũng là người, không lùn cũng là người, là người phải gánh tội của con người, không thể thoát khỏi sự cô đơn, không sao tránh được tuần tự: con người sống ở đời, sống cũ sống mòn rồi được mặc cho bộ quần áo mới, nằm vào cỗ quan tài mới, thế là chết và tất nhiên, bị dòng chảy lịch sử nhào nặn; đường đời, đang sống là những người chưa đi đến cuối đường, chưa đi đến cuối đường thì chưa thể nhìn thấy cái gì, tất cả những người chết đều đi đến cuối đường, nhưng mà có nhìn thấy gì lúc ấy thì cũng không cần thiết nữa rồi vì mẹ kiếp, cố gắng mấy thì ích chi nữa, kiếp người thật ra cũng một chữ thôi, là ‘khổ’ hay ‘tội’ thì khác gì nhau. Ngàn dặm không mây, Lý Nhuệ đưa người đọc quay về núi Lữ Lương, cũng cách viết như Cây không gió nhưng chậm hơn, không đa dạng âm thanh, đọc Ngàn dặm không mây luôn có cảm giác ngày lại ngày đối diện với sự câm lặng của dãy núi Ngũ Nhân Bình trải dài, nó đẩy không chỉ nhân vật chính-thày giáo trẻ mà cả người đọc vào sự cô độc, tĩnh lặng không người thấu hiểu, không sao lý giải nổi
• Có bóng dáng của gia tộc Lý Nhuệ trong các trang viết, ông gắn mình vào núi Lữ Lương và Ngân Thành địa danh hư cấu, nhưng ông không viết lịch sử dòng họ, hay viết về một vùng núi, một thành, một chuyện. Ông viết về con người, về sinh mệnh, và về Trung Quốc. Nên đọc các bài phỏng vấn, lời bạt cuối sách [lâu rồi sách NN không có phần này nhỉ]
Thời đại nào mà chẳng là hai vai nâng cái đầu
cột gỗ không mọc rễ không đứng vững được
lịch sử như năm tháng dài lâu, vần vũ đất trời, luân hồi sống chết
lẽ nào thoát vòng luân hồi,
nhìn người khác
và người khác nhìn
24.7.18
Kenji Miyazawa
[Nhịp của tĩnh]
Matasaburo - Từ phương của gió, câu chuyện có nội dung giản dị xoay quanh những ngày tháng như gió thoảng của một cậu bé do công việc của cha phải chuyển về sống ở một ngôi làng vùng núi hẻo lánh. Câu chuyện phần lớn là các câu trần thuật ngắn vẽ nên bức tranh thiên nhiên sống động song không kém phần nên thơ và về tình bạn trẻ thơ thi vị, trong sáng với rất nhiều cung bậc xúc cảm cho người đọc - như gió mát thoảng qua để lại nhiều dư vị ngọt ngào
Chuyến tàu đêm trên dải Ngân Hà mang màu sắc khắc hẳn. Niềm vui của khám phá, nỗi buồn lo của những gì sau lưng và những gì mơ hồ phía trước đan xen hiển hiện xuyên suốt chuyến du hành qua những vì sao của cậu bé Giovanni. Chuyến tàu đêm băng qua dải Ngân Hà là lăng kính phúng dụ quá trình trưởng thành, hào quang trưởng thành chói lọi màu sắc, hài hoà cũng không kém phần hỗn loạn. Mỗi đứa trẻ đều phải trả một giá nào đấy gần như bị động, vô thức và bắt buộc để đặt lại 'nó' ngoài hành lang trước khi mở cánh cửa mang tên 'trưởng thành'. Một câu chuyện làm tôi liên tưởng đến Hoàng Tử Bé, Tàu tốc hành Bắc Cực 🙂 [tình bạn thời thơ dại của tôi còn lại gì nhỉ, tôi thoáng cười buồn]
hihihi, hãy đến với quyển cũ rích trong ảnh, Người săn gấu và mèo rừng, một tập truyện ấn tượng hơn cả. Gồm 9 truyện ngắn, phần lớn các nhân vật là các con vật sống trong rừng, hoặc các con vật sống giữa loài người cùng nói với nhau một ngôn ngữ - những câu chuyện viết cho người lớn từng là trẻ con. Thế giới của tập truyện hiện ra sinh động với trí tưởng tượng phong phú của Kenji Miyazawa thấp thoáng hình bóng của truyện dụ ngôn, ngụ ngôn, hay chút ít của Andersen
và nó làm tôi nghĩ đến gì 🙂
rằng số phận làm việc theo những cách kỳ diệu riêng của nó 😛, thật đấy
Điều còn lấn cấn duy nhất, vì lấn cấn nên không đặt được tựa đề, luôn có cảm giác Kenji Miyazawa thiếu gì đấy hay là thừa nhỉ, có lẽ là thiếu ở nhịp độ, hay là, thừa tĩnh; mà thật ra thì, tĩnh cũng có nhịp của tĩnh 😛
5.7.18
Cửu chỉ
Tôi nghĩ, không có lịch sử ‘chân thực’
đối diện với lịch sử, con người là gì
đối diện với thời gian, rốt cuộc sinh mệnh là gì
Tôi nằm khóc suốt sáng ngày hôm kia khi đọc những chương gần cuối của Chốn xưa, phải rất dũng cảm để mỗi ngày tiến thêm một vài trang đi cho đến cùng câu chuyện Chốn xưa.
Lý Nhuệ viết lời bạt 1 và 2, trả lời phỏng vấn đã tóm gọn Chốn xưa trong ít trang cuối sách. Một tiểu thuyết vừa tuyệt vọng vừa như ngời sáng với chất văn đẹp tê tái kể câu chuyện ngột ngạt ‘rất quen của Trung Hoa’, lòng người ta tịch nhiên ưu uất.
Đọc lại Lý Nhuệ sau gần nhất cũng 8 năm, nỗi buồn trầm thiết len qua trang viết tê buốt giữa mùa hè Hà Nội. Rùng mình
P/s: tôi còn quay lại Lý Nhuệ trong cơn ẩm ương khác :)
21.6.18
Cái gì không chết
Trilogy: Cuốn vở lớn, Chứng cứ, Lời nói dối thứ ba của Agota Kristof là cơn chấn động với cá nhân tôi, trong năm nay (thậm chí nhiều, rất nhiều năm sau nữa). Không màu mè kiểu cách, không mảy may thái quá, hóa ra người ta có thể viết về nỗi thống khổ trong chiến tranh, cách mạng, dưới chính thể chuyên chế độc đoán, nỗi thống khổ đeo đẳng suốt cuộc đời bằng một lối văn trào phúng, bình thản và u uất như thế
Câu chuyện Cuốn vở lớn diễn ra trong Thế chiến II, những chi tiết mảnh và sắc về Holocaust, được kể qua con mắt của những đứa trẻ, hai anh em sinh đôi Klaus (Claus) và Lucas, hai đứa trẻ 9 tuổi sống với Bà Ngoại Phù Thủy mù chữ, bẩn thỉu, keo kiệt, độc ác, thậm chí từng giết người (đầu độc chồng bằng thuốc độc), chúng sống nhọc nhằn và cực khổ. Hai đứa trẻ học cách nắm lấy vận mệnh của mình bằng làm việc, tự học, tự kiếm sống, tự rèn luyện tinh thần: tự đánh cho nhau đau để quen với cái đau, tự nói đi nói lại những lời yêu thương như điệp khúc cho đến khi nỗi đau mà những lời yêu thương mang lại không còn đau đớn nữa, luyện nhịn đói, luyện không nói, một đứa giả mù một đứa giả điếc, đứa mù là cái tai của đứa điếc và đứa điếc là đôi mắt của đứa mù… Chúng sống sòng phẳng, tôn trọng sự thật, đôi khi tự kiêu mang hình bóng của tội lỗi, côn đồ khi cần côn đồ, tốt với kẻ yếu thế một kiểu cho đi dễ hơn nhận lại, chúng thiết lập quy tắc làm người của riêng mình… nhưng đâu đó người đọc nhận ra chúng bị tước đi, thậm chí vờ như quên đi những ý niệm sơ đẳng nhất về đạo đức, luân lý. Ở phần này, tác giả viết với lối trào phúng bình thản đến lạnh người, người ta đồng thời vừa có thể cười vừa có thể đau đớn, đôi khi người ta cứ ngồi lặng im chờ những đợt sóng qua đi
Phần sau, Chứng cứ là cách viết u uẩn chậm rãi gần như co hẹp chiều dài câu chuyện lại cho đến khoảng 20 trang cuối phần này thì cánh cửa bật mở, một phần ‘thân bài’ được kể tuần tự rõ ràng. Người ta thấy một nữ nhà văn kể những mẩu tưởng như rất thường của đời sống: người ta mất ngủ, người ta đi quanh thành phố, người ta mở cửa rồi người ta đóng cửa, người ta tỉnh rồi người ta say rồi lại tỉnh để tiếp tục say, người ta chết, mong được chết, giết chết người khác để mong tìm được bình yên tạm thời… nhưng những mẩu nhỏ ấy để bao lấy trọng tâm là chiến tranh và giết chóc, sự hủy diệt trong thế giới cực quyền; cuộc đời, tình yêu và nỗi cô đơn, những khao khát và nỗi tuyệt vọng. Trong suốt nhiều năm tôi tưởng rằng mình đã mất đi âm thanh khóc, thế rồi vào một buổi chiều hè Hà Nội, tôi gạt sách bật dậy khỏi giường, nghe mình tru lên và nước mắt bung ra để giải thoát những gì ngoài sức chịu đựng. Đúng vậy, người chết không ở đâu cả và lại ở khắp nơi, không phải ai cũng hiểu và thấy được đúng điều ấy, người ta phải có cùng một cơn ác mộng ngay khi đang thức thì mới hiểu nó. Nỗi đau vẫn còn đấy, chẳng mảy may cả thay đổi hình dạng, nỗi đau không giảm đi, chả có cái gì phai mờ cả, ‘cái gì mà không chết cơ chứ’ ‘giảm đi mờ đi’ chỉ là một cách nói ảo tưởng để (tự) an ủi. Có nhà văn nào viết về nỗi cô đơn, tuyệt vọng như thế này không, tôi không còn nhớ được nữa
Lời nói dối thứ ba là một mê cung sự thật và hư cấu của hai anh em sinh đôi – một nhà thơ ghét người và một người thích viết, đâu là sự thật, đâu là tưởng tượng hư cấu, nếu đây là sự thật thì quyển 1 quyển 2 là gì; nếu đây là hư cấu, là không thật thì đâu mới là sự thật; nỗi thống khổ, bi kịch nào đưa người ta đến ranh giới hư cấu sự thật. Viết những câu chuyện thật nhưng đến một lúc nào đó câu chuyện trở nên không chịu nổi tính xác thực của chính nó, để kể một câu chuyện sự thật không phải ai cũng đủ can đảm. Nó làm người ta đau đớn. Bức tường sự thật – hư cấu không toàn vẹn được nữa, tính chắc chắn chỉ là ảo tưởng, màu trắng dễ bị dây bẩn, phải tô màu lên tất cả và sự việc sẽ được kể không như chúng đã xảy ra mà theo ý muốn rằng chúng phải xảy ra. Đây là phần được tác giả viết kỹ thuật cứng nhất, người đọc cũng buộc phải tỉnh táo để gạn lọc chi tiết, thiết lập một bộ khung gây dựng câu chuyện thực sự mà tác giả muốn kể.
Xuyên suốt trilogy là hình ảnh châu Âu già cỗi cùng những vấn đề và nỗi đau của nó, người ta ra đi khỏi nỗi đau này, để tập sống xa ngọn lửa – ngọn lửa sau những cánh cửa, ngọn lửa do con người đốt lên để thiêu cháy thân thể những con người khác, biên giới địa lý là không đủ, người ta còn cần cả sự lặng câm nữa và rồi để đến với một nỗi đau khác, cuối cùng người ta vẫn chọn quay về với nó để gánh chịu cả quá khứ và tương lai. Cuộc đời như những màn kịch ngắn bình thản đến ghê rợn.
Bầu không khí bao phủ của Agota Kristof là bầu không khí rờn rợn, cái rùng rợn trong câm lặng kín bưng điển hình của các nhà văn nữ, nó làm tôi nhớ đến một nhà văn Hungary khác tôi đọc mấy năm trước, chính là Szabo Magda với Cánh cửa – nhát rìu bổ xuống bộ khung cuộc đời
Ai đã ra đi thì người ấy phải tự trở về. Phải trở về, vì đã ra đi.
p/s: Sách đọc do Bồ Câu tài trợ. Các cụ cho trilogy này tái xuất đi, con đa tạ ❤. Bộ này không tái thì còn tái cái gì nữa ạ 😉
17.6.18
Tròn méo
Bạn nào hay xem phim Nhật thì thế nào cũng xem Confessions rồi, mình xem 4-5 năm trước thì phải. Phim được chuyển thể dựa trên Thú tội của Minato Kanae. Mình thích phim, lia máy chậm, ánh sáng ấn tượng, cách kể chuyện của phim rất súc tích và bàng quan, sự bàng quan này trong văn học, điện ảnh Nhật Bản luôn sắc nét
Câu chuyện về hai cậu học sinh lớp 7 gây ra cái chết của cô bé 4 tuổi, con gái cô giáo chủ nhiệm lớp, được kể trong Thú tội qua 6 chương, mỗi chương là một góc nhìn, một lời thú tội / xưng tội của nhân vật chính trong chương ấy. Tất cả các nhân vật đều vừa là nạn nhân vừa là kẻ tội đồ méo mó trong bi kịch.
Điều mình kinh ngạc nhất là kẻ giảng đạo cũng là kẻ truyền đạo đồng thời là người giận dữ méo mó nhất trong truyện, làm sao có thể sống với sự căm giận bệnh hoạn như thế, mà đúng ra phải là sự căm giận đến mức độ nào mới nuôi dưỡng người ta bền bỉ sống cùng nó 🙂, trong một cái vỏ tròn nhưng méo vượt trội, tròn gì mà lại tròn méo :))
Phim với mình thực sự ấn tượng, truyện và phim có nhiều chi tiết thay đổi cảm quan của người đọc, người xem về các nhân vật nhưng cách kể của truyện dù trong mỗi chương có chi tiết nòng cốt khắc họa rõ nét sự méo mó của kẻ thú tội ở chương ấy nhưng hành văn lặp lại nhiều, và thực sự không lôi cuốn như mình kỳ vọng, không đắt. Đọc truyện xong mình thêm yêu đạo diễn phim 🙂 Mình rất ưng phiên bản điện ảnh nhưng vẫn đọc truyện vì tò mò và vì đây là chủ đề mình quan tâm, tâm lý của bọn trẻ, mà tâm lý thì chỉ ngôn ngữ văn học mới nói được đủ đầy
‘những đứa trẻ và tại sao’, một chủ đề của tình thương méo mó, kỷ luật méo mó, giáo dục méo mó và lòng tin méo mó... sống luôn là có lỗi với ai đó nằm ngoài khả năng nhận biết của mỗi người, chưa nói đến ghét, thậm chí yêu thương ‘sai’ cũng là dạng tội lỗi kéo theo nhiều hệ lụy.
Thiên Môn hệ liệt
Kết thúc he he he chắc kéo dài 7-8 năm í nhỉ, bộ Thiên Môn hệ liệt 6 tập 🙂. Bộ này đọc giải trí thôi, viết lỏng lẻo kém dần đều. Khép lại tác giả cho mỗi nhân vật có một cái kết hợp tình hợp lý, nhưng viết sơ sài quá, người đọc cảm thấy mọi chuyện được viết đơn giản trái ngược hẳn với ý định xây dựng bộ khung chồng chéo kềnh càng ban đầu của tác giả.
Hết tập 1 mình mong chờ thế nào thì đến hết tập 3-4 gần như không còn mong đợi gì nhiều, nên tập cuối thế này thôi cũng là tạm được
P/s: đang ngồi đọc những trang cuối của tập 6 thì có hai bạn kéo một cái tay kéo có bánh xe, trên xe có làn nhựa đỏ, cầm 2 chai trà sữa vào “chị ơi, em là học sinh lớp 6, nghỉ hè bọn em làm trà sữa đi bán để trải nghiệm hè, chị mua ủng hộ bọn em đi chị.” Ôi thôi thế là số tôi cứ phải làm nhợn các cụ ạ, ăn tối xong rồi còn lốc 2 chai trà sữa ặc ặc, còn chửa biết có an toàn vệ sinh thực phẩm rì rì không :)))
7.6.18
Hoàng hôn vĩnh hằng
H. G. Wells là người tiên tri đáng tin cậy và Cỗ máy thời gian không phải khoa học viễn tưởng
Nền văn minh thực chất là cuộc chiến với thiên nhiên và đồng loại. Ẩn trong nền văn minh là một đống hỗn độn ngu xuẩn mà đương nhiên sẽ phản lại và phá hủy những kẻ tạo ra nó. Con người văn minh mang suy nghĩ mình là kẻ chiến thắng mà không hiểu rằng nền văn minh đi lướt qua trạng thái cân bằng và rất nhanh chóng vượt qua đỉnh điểm để đi sâu vào giai đoạn suy thoái rực rỡ vụt tắt như lễ hội pháo hoa. Giấc mơ quá ngắn ngủi của trí tuệ loài người, trí tuệ loài người tự tìm cái chết. Một mênh mênh mông mông bất khả tri, như vốn vẫn vậy từ quá khứ vô thủy đến tương lại vô chung
Sẽ và luôn là vậy, con người và hoàng hôn vĩnh hằng
P/s: cái đồng hồ mới thứ 2 trong 6 tháng đầu năm haizza
30.5.18
quà gì cho bằng thời gian
Sự thật kinh hoàng về thời gian nằm trong bộ Horrible Science, sách viết cho thanh thiếu niên yêu thích tìm tòi khám phá nên viết có trật tự, dễ hiểu, từng lớp như bóc hành; đi từ các diễn giải đơn giản đến phức tạp như thuyết tương đối đặc biệt của Einstein, khoa học vũ trụ...
tốc độ diễn giải này là não mình chạy theo kịp, không có biểu hiện tắc ngơ viêm não mãn tính như đọc sách khoa học của bọn người lớn :v. Mình chê duy nhất là các màn hài hước nhằm làm mềm khối lượng kiến thức tương đối nhiều mà tập sách này ôm đồm, các màn ấy chỉ khiến mình thấy nhạt nhẽo thôi
Vẫn các gạch đầu dòng cũ như quanh thuyết tương đối đặc biệt của Einstein hôm trước mình note
- thời gian chạy chậm lại hoặc nhanh lên, tất cả tuỳ thuộc vào bạn chạy tốc độ thế nào 😉, chỉ có điều là bạn sẽ không nhận ra nó khi đi với tốc độ rề rà trên Trái Đất, cho dù có là đi máy bay, trừ khi bạn có một quả tên lửa có thể lao đi với tốc độ gần bằng vận tốc điên rồ của ánh sáng :v. Điều băn khoăn là rất nhiều các truyện cổ xa xưa các cụ đều đã biết 1 ngày trên Zời là 1 năm hay 10 năm hay trăm năm dưới hạ giới, hay là tiên nữ hằng nga vân vân và vân vân thì mãi mãi mơn mởn không như cô thôn nữ dưới phàm :v, đây chính là tính giãn nở của thời gian, là trọng trường đấy thôi
- nhờ tính giãn nở thời gian mà tất cả chúng ta đều là những nhà du hành thời gian 🙂, ví như ngay giây này Trái Đất đang lao vun vút quay quanh mặt trời, trong khi cả mặt trời và Trái Đất đang quay quanh thiên hà, còn thiên hà đang bay vòng vòng vòng trong nhóm các thiên hà haizza chóng mặt quá, theo tính toán thì chúng ta di chuyển 350km/giây, tốc độ í thì không nhằm nhò gì với 300.000km/giây của ánh sáng nhưng cũng đủ làm cho mỗi giây trên Trái Đất kéo dài thêm một phần triệu giây rồi còn rì, chả oách à 😛. Đằng nào thì chúng ta cũng đi theo chiều thời gian tiến tới phía trước, nhanh hơn nữa thì đã là giả tưởng rồi nhưng ngược thời gian về quá khứ quả là điên rồ nhỉ. Quyển sách này đã đề cập đến việc trôi vào quá khứ thông qua một khoảng không lạ lùng trong không gian mang tên “lỗ sâu đục” [chính là tạo ra hố đen và xoay nó vòng quanh tạo thành vòng xoắn ốc :v]; hay là ý tưởng du hành thời gian nhờ những sợi dây giăng ngang vũ trụ, một số nhà khoa học tin rằng có những thứ gọi là dây vũ trụ trong không gian, các vật thể nối vào chúng có thể di chuyển với vận tốc cho phép chúng nhảy sang thời gian khác :v [xuyên không vãi]
Nói chung là, viết đến đây tôi bỗng dưng cũng chả hiểu mình đang nói gì và có lẽ vì đầu óc vận hành vượt khả năng cho phép nên đột ngột bị ù tai hoa mắt, có lẽ là úng não và kết luận lại là vẫn không hiểu gì về thời gian, thời gian vẫn cứ là bí ẩn, chả trách Albert Einstein đứng trước những bí ẩn tối thượng của vũ trụ mà trong đó có thời gian, ông đã thốt lên: “Chúng ta đang ở vào vị trí đứa trẻ bước vào một thư viện khổng lồ chất đầy sách lên tận nóc bằng đủ thứ ngôn ngữ. Nó trông thấy sơ đồ chỉ dẫn cách bố trí sách, một trật tự kì bí mà nó... chỉ biết lơ mơ”
vẫn cứ là một bí ẩn 😛
ánh sáng cong
Hôm trước nhân nói chuyện với bạn về tính giãn nở của thời gian gắn với không gian; không-thời gian và vật chất gắn với nhau trong hệ quy chiếu của nó. Bạn thì khăng khăng bảo không có thời gian nhanh hay chậm trong không gian vật chất Abc xyz, cũng không có thời gian ngừng lại, thời gian là dòng chảy đâu cũng như đâu, mọi vật mất đi thì không-gian thời gian vẫn còn đó. Mình thì phản bác mọi vật mất đi thì không-thời gian gắn với mọi vật ấy cũng mất đi theo. Mình ngu quá lại cứ lấy ví dụ xa vòi vọi hố đen trên tận tít bầu trời bao la làm cái gì.
Thế là mình muốn diễn giải quan điểm về thứ mình tin, mình đâm đầu vào ánh sáng cong, nguyên lý hằng số vận tốc của ánh sáng trong chân không, nghịch lý sinh đôi... tóm lại là thuyết tương đối hẹp và thuyết tương đối rộng (thuyết tương đối đặc biệt)
Người chuyển động càng nhanh, thời gian của anh ta càng chậm lại; nếu anh ta chuyển động với vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng thì thời gian của người đó gần như đứng lại với người đứng yên. Do đó đồng hồ của người chuyển động chạy chậm hơn đồng hồ của người đứng yên quan sát, thời gian bị “giãn nở” ra. Tất cả thời gian đều được “chuyển tải” thông qua vận tốc ánh sáng, từ đấy sinh ra cái nguyên lý hằng số của ánh sáng trong chân không
Tương tự như thế thì vật chất lớn khi bị hút vào hố đen với vận tốc lớn gần bằng vận tốc ánh sáng, nếu ta đứng bên ngoài quan sát thì thời khắc ấy như một thước phim quay chậm hoặc dừng lại. Lực hút của hai vật chất đủ lớn lúc ấy bẻ cong không gian và thời gian.
Vân vân và vân vân, sau cùng mình mèo cần nói tiếp vấn đề ấy với bạn vì xét cho cùng ai cũng sẽ chiến đấu vì cái người ta muốn tin và đôi khi nó là rào chắn hạn chế chính ta. Biết đâu các thế kỷ sau những kết luận của Albert Einstein lại bị bác bỏ thì sao 🙂
3 quyển sách này là 3 quyển duy nhất mình có trong nhà gồm tiểu sử, niên biểu, thư từ và các bài viết của Albert Einstein [3 quyển trùng nhau ít thôi]... tập trung chủ yếu vào tính nhân văn và chủ nghĩa nhân bản của ông
- Ông khuyên / quan điểm: khoa học là một thứ tuyệt vời nếu người ta không phải sống bằng nó, bạn nên dành phần lớn thời gian làm công việc thực tiễn như nghề giáo, thợ đóng giày [ông thì là người gác hải đăng] hoặc một lĩnh vực phù hợp với tài năng của bạn để kiếm sống và dành thời gian còn lại cho nghiên cứu, theo đuổi đam mê, có như vậy mới tránh được sức ép của “công bố hay là chết”, điều làm hao mòn niềm vui trong công việc sáng tạo và đưa một người đến chỗ công bố những kết quả hời hợt. Như vậy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng có thể sống một cuộc sống bình thường và hài hoà ngay cả khi không được ân huệ đặc biệt từ các vị thần của nghệ thuật và khoa học
- Ông là một triết gia “Triết học giống như một bà mẹ đã sinh ra và trang bị tất cả cho các ngành khoa học còn lại. Người ta vì thế không nên đánh giá thấp bà mẹ ấy trong sự nghèo khổ và trần trụi mà phải hy vọng rằng cũng vẫn còn chút lý tưởng Don Quichote hiện thân trong lũ con của bà để chúng không trở thành những kẻ nhỏ nhen”
- Ông là một nghệ sĩ vĩ cầm đúng nghĩa và cây vĩ cầm là người bạn đồng hành không rời. Ông yêu Bach, Mozart, Schubert, ngưỡng mộ Beethoven hơn là yêu thích [Beethoven với tôi quá bi tráng và riêng tư]
- Ông cô đơn, sinh ra làm một kẻ cô độc, sống tách rời và xa vắng với con người, bị “say sóng” bởi con người, có lúc đến mức tuyệt vọng trước những cuộc giết chóc khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại
- Dù thành công hay thất bại thì “bản thân tôi cũng chỉ là một mảnh nhỏ của nó”, “mọi thứ liên quan đến sự sùng bái cá nhân luôn khiến tôi đau khổ”. Ông phải chịu đựng sự nổi tiếng quá sức cũng như sự chống báng rất ác liệt, ngày hôm qua được thần tượng hoá, ngày hôm nay bị căm ghét và phỉ nhổ, ngày mai bị lãng quên, rồi ngày kia lại được phong thánh nên sự cứu rỗi duy nhất là óc khôi hài và ông giữ nó chừng nào ông còn hơi thở
- Ông với tư cách một người theo đuổi khoa học, mối quan tâm của ông là Vũ trụ, ông tin tưởng rằng có một tinh thần vô cùng ưu việt so với tinh thần của con người đang ngự trị trong các định luật của vũ trụ, mà đối diện với nó chúng ta với sức lực khiêm tốn của mình phải lùi bước khiêm nhường. Vì vậy, theo đuổi khoa học dẫn đến một loại cảm xúc tôn giáo đặc biệt, thực sự căn bản khác với tín ngưỡng của những người ngây thơ hơn [cái này ai đọc Thiêng và Phàm của Mircea Eliade sẽ hiểu]. Tín ngưỡng của ông là sự ngưỡng mộ vô hạn đối với cấu tạo của thế giới. “Tôi muốn biết Chúa đã tạo ra thế giới như thế nào. Tôi không quan tâm đến hiện tượng này hay hiện tượng kia hoặc quang phổ của phân tử này hay kia. Tôi muốn biết những ý tưởng của Chúa; tất cả phần còn lại chỉ là tiểu tiết”.
- Khi được hỏi về những vinh dự, Einstein nói mình tham gia nhiều hội khoa học, giáo sư thỉnh giảng... nhưng không nói đến Nobel 1921 chỉ bởi giải thưởng này được trao cho đề tài Hiệu ứng quang điện năm 1905 của ông, trong khi thuyết tương đối rộng đã được các đoàn thám hiểm Anh công bố số liệu đo độ cong của ánh sáng khi đi qua mặt trời thì Uỷ ban Nobel vẫn chống lại thuyết này [25 năm sau khi Einstein mất, Uỷ ban Nobel vẫn không có dấu hiệu công nhận thuyết này :v]
- Khi muộn phiền, chán nản “đừng đọc báo, hãy thử tìm vài người có suy nghĩ giống mình, đọc sách của những nhà văn tuyệt vời như Kant, Goethe, Lessing... hãy luôn tin rằng mình đang sống trên sao Hoả giữa các sinh vật ngoài hành tinh và hãy thôi bận tâm đến hoạt động của những sinh vật đó, hãy kết bạn với vài chú thỏ... hãy nhớ rằng những người tinh tế hơn và cao quý hơn luôn cô độc, nhất thiết phải như vậy; và vì thế, họ có thể tận hưởng được sự tinh khiết trong không gian của riêng họ
[*] Albert Einstein cho rằng “cong” theo đúng nghĩa thì nó không có nghĩa chính xác giống như trong ngôn ngữ hằng ngày
27.5.18
Tiên
In the Realm of the Never Fairies
Loài tiên chẳng bận tâm tới đám Người Vụng [loài người trưởng thành chúng ta đấy mà :p] mà chỉ yêu trẻ em, vì không có trẻ em thì không có tiên. Chính niềm tin của trẻ em mang đến sự sống cho loài tiên. Đổi lại, loài tiên giữ trẻ em tin vào điều kỳ diệu. Vào khoảnh khắc một đứa trẻ thôi không còn tin nữa, một nàng tiên sẽ biến mất. Điều duy nhất giúp một nàng tiên đang mờ dần là những đứa trẻ vỗ tay thật vang để cho thấy chúng vẫn còn tin. Như một Vòng Tròn Tin Tưởng vậy 🙂
Loài tiên hết thảy đều sinh ra từ tiếng cười. Khi một em bé cất tiếng cười đầu tiên trong đời, tiếng cười bay qua thế giới. Nó nhảy nhót và bay lượn, mong tìm đường về nhà. Cuối cùng, khi tới được nơi cần đến, tiếng cười vỡ ra, hoá thành một nàng tiên
Chừng nào các em bé sơ sinh còn cười và trẻ con còn vỗ tay vun đắp sự tin tưởng thì loài tiên còn thể hiện tài năng. Và tài năng nào cũng vậy, đều mang đến niềm vui ❤
Chuyện ở xứ tiên đến đây xin được khép lại và hẹn gặp lại bọn Người Vụng vẫn còn tin vào tiên cũng như những câu chuyện về xứ tiên [bọn đang đọc những dòng này có tin không nhể :p] vào một buổi chiều hè oi nóng khác.
Thưn ái ❤ *nhún chưn xoè cánh tung tung bay*
22.5.18
Mockingjay
Đấu trường sinh tử - The Hunger Games gồm 3 tập: Đấu trường sinh tử, Bắt lửa và Húng nhại. Bộ truyện lấy bối cảnh tương lai khi Bắc Mỹ đã sụp đổ, bị suy yếu, sự biến mất của nhiều thứ không còn có sẵn cho con người sử dụng nữa, hạn hán, nạn đói, chiến tranh... được thay thế bằng Panem gồm Capitol và 13 quận. [Panem từng có 13 quận nhưng Quận 13 đã bị phá hủy hoàn toàn trên mặt đất từ khi cuộc nổi loạn xảy ra]. Đấu trường Sinh tử được Capitol tổ chức hằng năm từ sau thất bại của phiến quân hơn 70 năm trước như một trò giải trí giết chóc nhằm răn đe, đe dọa người dân cũng như các phiến quân có mưu đồ nổi loạn chống lại chính phủ.
Panem quy định hằng năm 2 đại diện 1 nam 1 nữ từ mỗi quận được lựa chọn làm vật tế bằng cách bốc thăm để tham gia Đấu trường Sinh tử. Trò chơi được truyền hình và phát sóng trên toàn Panem, đường vào 24 lối cho 24 người chơi nhưng chỉ 1 cửa ra cho kẻ sống sót cuối cùng, các vật tế bị gom vào chiến trường chung buộc phải tiêu diệt loại bỏ nhau ngay cả chính với ứng viên từ quận của mình.
Katniss Everdeen, nhân vật chính tham gia trò chơi thay cho em gái và đồng chiến thắng với chàng trai cùng quận khi cả 2 quyết dùng đòn tự sát “dâu độc”. Những tưởng mọi thứ đã kết thúc nhưng thực sự giờ mới là sự khởi đầu, cô bắt đầu bị biến thành con rối với màn kịch chính trị do Capitol và Quận 13 dựng nên. Bên cạnh đó, cô cũng đã vô tình gieo vào lòng người dân các quận bị áp bức tia hy vọng về sự thay đổi ở một Panem mới, khác hiện giờ.
Chiến tranh luôn là trò bẩn thỉu. Và bên chiến thắng cũng vậy.
** Tập 1 mình đọc 2010 tương đối lạ miệng, hấp dẫn. Tập 2 đọc 2013 nhạt nhẽo quá nên mình bỏ lửng bộ này. Tập 3 mượn bạn suốt từ 2014 mà mãi đây nó đòi nên mới mở ra đọc, câu chuyện viết không tiến triển, nhiều chỗ dây dưa mình không hiểu được dụng ý của tác giả, song lại có những chỗ tác giả quá qua loa trong khi nó nên được phát triển thêm. Đến những trang áp chót của bộ truyện cảm thấy hỏng thật rồi, hoài của thật rồi thì may sao lại kết thúc rất gọn với chút bất ngờ, tình tiết kết thúc xử lý nhanh và đẹp
Đọc giải trí nhé 😉, còn phim chuyển thể mình xem chỉ vì thích nghe giọng của nữ chính, chứ phim nhạt như nước sôi chạy qua hàng chè í hahaha
17.5.18
Đỏ. Đen. Xám
Những con chim hồng hộc (Trương Nhung) nguyên tác Wild Swans (Jung Chang) là cuốn tiểu thuyết kiêm hồi ký tóm lược lịch sử Trung Hoa từ những năm đầu thế kỷ 20 đến cuối thập niên 70 của thế kỷ 20. Cuốn sách không nhiều tính văn chương nhưng đã dựng nên khái quát bức tranh Trung Hoa trong suốt chiều dài lịch sử 80 năm của thế kỷ 20 trong đó đỉnh điểm thảm khốc là Đại Cách mạng Văn hoá (1966-1976) dưới thời Mao Trạch Đông và những hệ lụy của nó. Thông qua giọng kể của nhân vật tôi (Trương Nhung) về cuộc đời của bà ngoại tác giả từ lúc còn bé bị đè ra bó chân, rồi cuộc đời lý tưởng của bố mẹ tác giả (những cán bộ nhiệt huyết) cho đến số phận gia đình tác giả trong Đại Cách mạng Văn hoá và sau này (1983) khi tác giả đã định cư ở Anh, các em trai và em gái bà đều là những trí thức, doanh nhân ở Anh và Pháp. Năm 1988 trong một lần mẹ tác giả sang Anh thăm con, lần đầu tiên bà đã kể hết về cuộc đời bà, cuộc đời của mẹ bà cho con gái nghe, sau đó Trương Nhung đã ngồi để mặc cho ký ức tái hiện và nước mắt choán đầy tâm trí, bà viết Wild Swans - Những con chim hồng hộc.
Một câu chuyện rúng động khốc liệt mà khi đọc ta không thoát khỏi suy nghĩ rằng, những điều hoang đường này được coi là hiện thực ư, những điều hoang đường này chính là hiện thực được sao. Dưới một nền độc tài như của Mao, nơi người ta giấu và chế biến thông tin, phần lớn dân chúng bị cuốn vào thế giới viển vông điên rồ, một người bình thường mà còn tin vào kinh nghiệm hay kiến thức của chính mình là một điều rất khó. Lờ hiện thực đi rồi đơn giản đặt niềm tin vào Mao thì dễ sống, ngừng lại để suy nghĩ hay ngờ vực chính là chuốc rắc rối vào người, ngôn ngữ của mỗi người dần thoát ly khỏi hiện thực cùng trách nhiệm và ý nghĩ thật của họ.
Bản tiếng Anh hơn 800 trang, bản dịch tiếng Việt 460 trang, có thể đã bị cắt đi rất nhiều, là cuốn sách được viết như hồi ký, bản dịch của bác Trần Đĩnh gần như không được biên tập nên không thể xem là tốt [năm xưa tôi bắt chước thân yêu đọc nó, ebook thôi, tôi lại cứ tưởng chất lượng văn bản không cao do gõ máy, cũng 10 năm rồi mà, giờ cầm sách đọc thì hoá ra là sách được biên tập chưa tốt], không nhiều tính văn chương, phần lớn là các sự kiện, mốc thời gian để người đọc hình dung về Trung Hoa trong thế kỷ 20
Đoạn dưới đây là đoạn áp chót của cuốn sách, trang 455, năm 1978 khi tác giả 26 tuổi, chuẩn bị lên máy bay sang Anh học tập:
“Tôi suy ngẫm về hai mươi sáu năm tuổi đời của tôi. Tôi đã nếm ưu đãi, đấu tố, tôi đã dũng cảm và đã sợ sệt, tôi đã thấy lòng tốt và trung thực cũng như những đáy sâu của sự xấu xa của con người. Trong các đau khổ, đổ nát và chết chóc, trên hết tất cả tôi đã biết đến tình yêu thương và bản lĩnh không thể hủy diệt để sống sót và truy tìm hạnh phúc của con người”
Trong một trưa hè Hà Nội nắng nóng đường phố không một bóng người, tôi đang đọc dở cuốn sách này và nhắm mắt thiếp vào giấc ngủ, tôi mơ mình và gia đình là những đen những xám trong con mắt đám đông cho mình là đỏ, chúng tôi là những kẻ bị đưa ra trước cuộc đấu tố, bị vu cho những việc mình không làm, bị sỉ nhục, bị cạo đầu âm dương bị đánh đập bị đeo bảng chữ vừa đi vừa quỳ lạy trên đường phố bị lục soát nhà đốt hết sách vở. Tôi ngẩng phắt đầu dậy ướt hết tóc tai người ngợm và lập tức muốn đi vệ sinh :’)
Cách mạng là do con người làm thì tất nó phải có đầy những thất bại của con người, một xã hội tiến bộ là nơi người ta có thể giữ cho mình khác mọi người, sự khoan dung với cái đối lập với những người có ý kiến trái chiều mới làm nên tiến bộ. Hẳn ai đã từng học chính trị Mác Lê cũng nhớ câu thuộc lòng rằng, mâu thuẫn là động lực và tiền đề của phát triển, nhỉ [tôi mang máng nhớ như thế]. Mức độ chấp nhận cái khác biệt của xã hội càng lớn thì tự do cá nhân càng cao, xã hội càng đáng mơ ước. Và như thế thì mới tiệm cận dần cái “chân” được 😜
#Wild_Swans
#Jung_Chang
#Những_con_chim_hồng_hộc
#Trương_Nhung
9.5.18
Mẹ
Trước nhất: Mình sẽ đọc hết những gì của Michel Bussi được xuất bản ở VN. Thế nhé 😉
Tiếp theo, là về Mẹ đã sai rồi
Malone, ba tuổi rưỡi luôn khẳng định với bác sĩ tâm lý học đường rằng mẹ hiện nay của cậu không phải là mẹ cậu, mẹ hiện nay chỉ là mẹ kia. Mẹ cậu dặn phải lắng nghe Gouti thú bông nói chuyện để nhớ đến mẹ sau mỗi đêm [vì ký ức của một đứa trẻ 3-4 tuổi thật ngắn ngủi]. Không ai tin một con thú bông biết nói chuyện, chỉ duy nhất vị bác sĩ tâm lý học đường tin điều ấy vì trẻ con không nói dối và đáng ra người lớn nên chú ý đến cái rõ ràng nhất mà một đứa trẻ 3-4 tuổi nói, chúng không nói dối.
Câu chuyện của Malone và một vụ cướp hàng hiệu có tổ chức thì liên quan gì đến nhau. Không có. Chưa hình dung được... Tất cả phải nhờ đến cách phát triển câu chuyện vào hàng phù thủy của Michel Bussi
Truyện gồm 3 chương mang tên 3 người phụ nữ, những nhân vật chính của truyện.
1- Một phụ nữ sắp 40 tuổi, thiếu tá, sếp sở cảnh sát La Havre uy quyền, đang nhìn khắp nơi để tìm một người đàn ông cho cô những đứa con
2- Một phụ nữ hết mực yêu con nhưng đứa bé luôn gọi cô là mẹ kia, phân biệt với “mẹ” là mẹ của nó
3- Một người phụ nữ xinh đẹp, quyến rũ, thông minh nhưng chỉ gặp những gã rắc rối và một trong số đó đã cố tình gây tai nạn để cô phải bỏ thai, không may tai nạn đã làm cô không thể có con được nữa
Cậu bé đang bấu víu để không quên ký ức về người mẹ, vụ cướp khiến cả sở cảnh sát đi vào ngõ cụt, 3 người phụ nữ, tất cả chập vào làm một nút xoáy: người phụ nữ muốn và sẽ làm mẹ
Sự chân thành được bọc kín trong vẻ dối trá tạo thành những nút chỉ rối bung và xác chết rải trên hành trình gỡ rối cũng nhiều như vụn bánh được rắc trên con đường đã đi qua cho khỏi lạc. Cuối cùng thì, cán cân hạnh phúc vượt trên cả những quy tắc sẽ nghiêng về phía có tình yêu thương
Đối với chấn thương tâm lý, cách hồi phục trứ danh được chuyên gia tâm lý Boris Cyrulnik truyền bá chính là đối diện với nó, dùng lời lẽ diễn đạt nó, chấp nhận nó. Tôi không biết gì về phân tâm học nhưng tôi ủng hộ cách xử trí ấy không chỉ trong xử lý chấn thương tâm lý mà đó là cách tôi tư duy giải quyết cuộc sống nói chung. Nhưng Mẹ đã sai rồi của Michel Bussi, thông qua nhân vật “mẹ” đã cho một hướng giải quyết táo bạo và liều lĩnh như ván cược, “xé đi trang giấy đã bị gạch xóa lem nhem và bắt đầu viết lại cuộc đời thằng bé trên một cuốn vở trắng tinh”, xoá bỏ chấn thương tâm lý ở trẻ nhi mặc cho rủi ro “bóng ma” có thể ám ảnh đứa trẻ và thiết lập một ký ức mới tinh. Tất nhiên cách làm này chỉ có khả năng thành công với trẻ dưới 60 tháng tuổi, nhưng cũng là một cách tư duy: thực tế phũ phàng, hãy thiết lập một thực tế song song, tận dụng cách đánh lừa bộ não để tiếp tục sống, kéo giãn vùng giảm chấn để bảo vệ tâm trí mình
Người đọc tinh ý sẽ sớm mường tượng tương đối đầy đủ về bộ khung của câu chuyện này, không quá bất ngờ như Hoa súng đen, nhưng chỉ cần hơn 20 trang đầu sẽ hài lòng thầm nhủ: Michel Bussi, đúng là Michel Bussi, luôn luôn chặt chẽ và lôi cuốn. Với riêng tôi, ngay từ đầu tôi chỉ chú tâm vào nhân vật “mẹ” của Malone, trên đời này làm gì có ai nguy hiểm bằng một phụ nữ đẹp khi cô ta ta ý thức được vẻ đẹp ấy, tận dụng và phân phối nó :’). Không nhé, không có đâu :))
Truyện cổ tích Gouti kể hay tuyệt ❤
6.5.18
sẹo
Tha thứ sẽ chỉ đến khi sai lầm, tội lỗi được thẳng thắn nhìn nhận, đặc biệt là tha thứ cho chính mình. Điều tiên quyết, tha thứ cho ta hay cho kẻ khác thì cũng có ích và quan trọng với chính ta hơn là với kẻ khác. Quá trình đi sâu vào tội lỗi của ta cũng đồng thời là quá trình ta tự hiểu rõ về mình.
Không chịu nhìn nhận thẳng thắn cũng đồng thời đóng sập cánh cửa tha thứ cho mình, là hành vi ngược đãi, chối bỏ và chán ghét bản thân. Điều làm cho ta trở nên độc ác đôi khi không phải do sự độc ác của kẻ khác dẫn lối cho ta mà bắt nguồn từ sự chán ghét của ta với chính bản thân mình
Một vết sẹo nhỏ trên môi cậu bé làm cậu thành “thằng sứt môi”
Một vào con tem con con mà cậu bé đã lấy cắp của bạn mình nhưng nhất mực che giấu sự thật làm nên vết sẹo thứ hai “thằng ăn cắp”
Câu chuyện rất vừa vặn Vết sẹo viết về nỗi đau, cô đơn, sự chán ghét chính mình, và tất nhiên đây là câu chuyện tuyệt đẹp về sự yêu thương nữa; sự thật là gì :) Chúa là ai nếu không phải là người trao yêu thương, tình yêu thương giữa những con người với nhau, chỉ có điều ấy mới làm nên sức mạnh, phép lạ diệu kỳ.
Yêu thương, cái đẹp, hạnh phúc có khác nhau ư :)
P/s: mua sách vì lời viết của chủ cũ đầu sách: Mẹ mua cho các con 2/9/2001
11.4.18
bay bổng lên trời
Thật kì lạ là ở tuổi 32-33 khi trong nhà đã có một lượng sách giấy tương đối thì tôi lại có tình cảm với một quyển sách như thuở ngày xưa thiếu thốn khan hiếm đọc đi đọc lại một quyển sách yêu thích. Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils tôi đọc suốt 8 tháng qua, cứ đọc hết thì ngừng 1-2 hôm rồi đọc lại, tất nhiên trong thời gian ấy tôi đọc xen kẽ nhiều thứ khác nữa, nhưng cứ cuối ngày mệt mỏi về đến giường là tôi lại bay trên bầu trời cùng Nils, những trưa vắng đìu hiu tôi cùng Nils Tí Hon đi trong rừng đêm với đôi giày gỗ bé tin hin hình xuồng, những lúc chúc đầu xuống chân xuống thảm nhìn mọi vật đảo ngược khi tập yoga tôi nghĩ đến Nils với thân hình bé nhỏ một gang tay của gia thần đang ngước mắt nhìn thế giới với cây cối sông ngòi bãi quặng rặng núi bờ biển túp lều nhà thờ trang trại thôn ấp… Tôi thích rất nhiều chương trong quyển sách và lần nào đọc lại trong chuỗi thời gian mấy tháng qua tôi cũng thích chúng thêm một ít, thích các chương khác thêm một ít, mỗi lần đọc lại khóc ở vài chi tiết, khóc thêm ở các chương đã khóc và đến tối qua tôi quyết định mình sẽ không khóc thêm ở mấy chục dòng cuối cùng khi nghĩ mình là Nils phải tạm biệt đàn ngỗng trời Akka một cách vô cùng đắng cay trong hình hài một cậu bé đã lớn trở lại với kích thước của một người bình thường. Tiếc nuối không chịu nổi tôi quyết định mình sẽ không phiêu lưu cùng Nils nữa, nhất định thế, niềm vui của người ta còn cần bay bổng lên trời, điều ấy là tất nhiên, nhưng đồng thời sống ở trên đời đã là chuyện điên rồ sao tôi còn mong lên tận trời xanh được cơ chứ. Dù sao thì, niềm vui của tôi vẫn sẽ có lúc bay bổng lên trời :v [mâu thuẫn vãi], tôi sẽ để Nils ở đầu giường, như một thời tôi không làm sao dứt ra được Pippi hay những truyện của Astrid Lindgren
Vậy là sau Astrid Lindgren, tôi còn yêu Selma Lagerlof, hai nữ văn sĩ người Thụy Điển đều viết rất nhiều truyện thiếu nhi, hai bà cùng viết về chính đứa trẻ bên trong mình cùng với những khát vọng bênh vực kẻ yếu, đứng về phía những ai bị lạm dụng cho dù là người hay con vật; mong muốn khám phá thế giới “khát vọng bay bổng lên cao, mong tìm xem có cái gì sau các tầng mây”; và về những ký ức sống động thời thơ ấu. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy rung động nhất ở hai tác giả này ngoài tính tiên tri trong từng chi tiết [tất nhiên], chính là tôi tìm thấy trên đời này, qua các trang viết một thứ suy nghĩ mà từ đó tôi thấy mình không cô độc, đó chính là tư duy: trẻ con của loài người. Tôi hiếm khi nghĩ khác, với tôi, trẻ con là một gì đấy thuộc về thế giới này, có địa phận riêng ngoài loài người, tôi đã luôn nghĩ vậy đấy, chúng là ân điển, là điều tuyệt diệu như hoa trái của trời và bọn người chỉ xứng đáng hưởng một số năm ít ỏi hương hoa và mùi ân điển trong ròng rã một số năm dài là dài sống trên đời, còn thì tuổi già cũng là ân điển, đứa người nào xứng đáng thì được hưởng thêm ít năm trẻ con trong hình hài tuổi già :p
Lòng ai chẳng hoài cái không thể vươn tới, cái ẩn tàng bên kia cuộc đời :). Mọi điều xảy ra trong thế giới thực, trước tiên phải diễn ra trong trí tưởng tượng của ai đó đã, nhỉ :). Cứ tiếp tục giơ tay cho bất cứ ai ta gặp mà cần ta thì cuộc phiêu lưu của ta không thể nào không kết thúc tốt đẹp.
P/s: Ai tặng tôi bản cũ Nils đi <3 p="">#Cuộc_phiêu_lưu_kỳ_diệu_của_Nils
#Selma_Largelof3>
5.4.18
Chester Raccoon
Series truyện Chester Raccoon :)
Tập này có tên A kiss goodbye, Gấu mèo Chester (nhờ đọc truyện có hình minh họa mình mới biết cái con xinh xinh be bé nho nhỏ kia là gấu mèo) phải tạm biệt cây sồi trắng nhà mình đang ở và những người bạn hàng xóm để chuyển sang cây khác cùng những người bạn mới vì cây của gia đình cậu đang ở, thuộc vào diện khai khác lấy gỗ của con người. Hành trình trưởng thành, gặp gỡ, lìa xa... theo dòng thời gian luôn mang ánh hào quang đầy mới mẻ cũng không kém phần tiếc nhớ, vẫn luôn như vậy chẳng phải sao. Có người chọn cách tiến bước và đồng thời đẩy lùi nó về phía sau, như ngày hôm qua; nhưng cũng có người chỉ đơn giản là không quên đi mà cất nó vào tâm trí và trái tim, như là ngày hôm nay vậy :)
Post bài vào gìơ ngủ, tôi liền đổi tên A kiss goodbye thành A kiss goodnight vì đang nghe một bài cũ rích You're still the one :)
22.3.18
Sói đang tuổi vừa học vừa chơi nên thích có sticker để dán vào đúng các từ tiếng Anh tìm được trong hình minh họa, trước mình mua 2 quyển của NN tặng 2 bạn bé, ít từ thôi nhưng có sticker nên các bạn mê tít thò lò. Lần này thấy 1000 từ nên đặt trước 1 quyển xem ổn không đã, lúc nhận được hàng mở ra con lốc mê tít mù, quay vào tiki đặt thêm quyển nữa tặng bé khác thì đã hết hàng huhu. Sách lôi cuốn con trẻ, biên soạn tốt, chất lượng miễn bàn, gía lại siêu hợp lý, và nhất là các bé có thể học phát âm theo chủ điểm ở sách ngay trên trang usborne-quicklinks.com
[con dì ngồi làm văn bản tòi con mắt, rồi vào tìm sticker trong sách của cháu tòi con mắt tăng hai, song vẫn chưa hết tăng động vào web học phát âm theo hướng dẫn của sách, ngồi phát âm cả chiều, hay lại thích đi học nhở?!?!]
18.3.18
starry starry night
Sắp tròn 10 năm ngày mình gặp Minh. Hôm qua cô bạn phan quạt
phim tình cảm tung quở hàn xẻng chắc dạo này cày phim ác quá, cổ bảo chiều nay
em nghĩ đến chuyện của chị, nghe cái thấy ngay mùi chuyện tình, ờ thì nhiều
nàng có xu hướng thích chuyện tình đẹp và buồn, mà chuyện của tôi thì đích thực
siêu buồn :), cổ dặn khi nào chị nhớ ảnh thì chị bảo em cho em nhớ anh ấy với, chị đừng
ghen nhá, em muốn nhớ ảnh với chị vì em hâm mộ người chị yêu thôi mà
Fine nắm, tôi kể những chi tiết tôi nhớ Minh với cổ, nằm vừa kể vừa khóc
từ 11 giờ đêm tới 3 giờ sáng sưng húp mắt, quần áo ngủ, tóc, gối ướt hết, mà
ngu lắm cơ, tuốt bít tất ra chấm nước mắt, sáng nay bít tất bẩn bụi bay vào mắt
chứ không khóc đâu, mắt húp như đau mắt đỏ á
Ảnh chụp lúc 3 rưỡi giờ sáng thèng EMi nhìn mẹ dùng bít tất
chấm nước mắt [lần cuối thứ n] :)
17.3.18
phía sau
Tôi là người sẽ thoái thác việc phải đưa ra quyết định, lựa
chọn tới lúc không thể lùi được nữa thì thôi. Không như nhiều người, cuộc đời
luôn ở phía trước, luôn có khát khao đuổi theo, vươn tới, chạm vào. Tôi chỉ là
một trốn tránh cuộc đời, thường có cảm giác bị nó đuổi ngay sau lưng. Nó đốc
thúc, ùn ẩy tôi tới phía trước. Và tôi có xu hướng để mọi thứ cứ tự đến, ‘sự đã
rồi’, thậm chí còn thầm cảm ơn mọi sự vì mình càng đỡ phải lựa chọn :v, cứ thế
chấp nhận. Sự vật sự việc đến theo cách đó luôn mang một thông điệp, ý nghĩa,
tin tức nào đó, rất cần thiết, với tôi, tôi nghĩ vậy
Vẫn như thói quen mọi khi vào bất cứ chùa nào, tôi đều ghé
qua gian phòng đặt ảnh những người đã khuất mà gia đình họ gửi lên chùa. Tôi
dành 5’, đôi khi 20’ nếu tôi được một mình trong phòng, để nhìn ngắm những tấm ảnh
chân dung đặt trên giá trong tủ kính. Tôi cần nghe những câu chuyện qua nét mặt
của người trong ảnh, cần nhắm mắt để tiếp nhận những giác quan khác. Những lần
gần đây đến ngôi chùa gần nhà, tôi như mọi khi, đi đến gian phòng có những tấm ảnh,
và một tấm ảnh duy nhất gọi tôi. Tôi nhìn người đàn ông trong ảnh cho đến khi một
cảm giác quen thuộc, rất quen thuộc đến. Tôi nhắm mắt thở đều. Mở mắt. Tôi nhận
ra đó là bố của bạn gái học cấp 3 với tôi. Hai lần gần nhất tôi nhớ đeo kính
khi đến chùa chỉ để nhìn cho rõ họ tên và năm sinh của bác ấy. Và tôi đã không
nhận nhầm bố của bạn, người năm nào tôi đến nhà bác, bác cười thật hiền, một
thày giáo, giảng viên HVNH. Tôi mỉm cười và chào bác như 15 năm trước tôi đến
nhà bạn chơi, bác đang lúi húi chuẩn bị đi dạy. Hôm vừa rồi tôi nhìn bác trong ảnh
và cười chào bác, bác nheo mắt như dưới nắng nhẹ và cơ miệng cười với tôi :)
Tôi thường hỏi Sói theo con dì nên mặc áo nào, màu gì, dì
đóng giá sách ở đây được không, chi tiết này dì nên tô màu gì, con thích số 75
hay 80, cái này nên đặt ở đây hay ở kia, tí nữa có nói ông ngoại chuyện này
không, nên ăn rau muống hay bắp cải, su hào xào hay luộc… :))
Ảnh tôi và con trai EMi U60 tuổi mèo, như nhiều buổi sáng
trong suốt các năm chúng tôi chung sống, cùng nhau tiến hành tiết mục ‘hôm nay
đọc gì’ và luôn luôn là vậy, EMi chọn sách cho tôi, trong số những quyển sách bằng
cách này hay cách khác chúng thu hút tôi, được ùn ẩy đến tay tôi. Cờ đến tay
thì phất, sách EMi chọn thì tôi đọc. Chữ có mùi. EMi ngửi thính nhạy hơn lốc
<3 p="">
3>
3>
9.3.18
Cần phải để cái chết đuổi kịp
Công lý thảo nguyên là một tiểu thuyết trinh thám được viết bởi tác giả người Pháp Patrick Manoukian dưới bút danh Ian Manook, giọng văn và mạch truyện mang đậm màu sắc điện ảnh Mỹ lồng trong bối cảnh tội ác diễn ra ở Mông Cổ. Quyển tiểu thuyết hiếm hoi miêu tả về văn hóa, lối sống, ẩm thực, tâm linh truyền thống lâu đời của các hậu duệ Thành Cát Tư Hãn – một Mông Cổ của thế kỷ 21 với nhiều chuyển dạng về chính trị, kinh tế, cũng như văn hóa hiện đại – truyền thống giao tranh,
Chất liệu trinh thám Mỹ, mạch truyện nhanh, nhiều tình tiết giật gân, đường đạn cú ra đòn lạnh mùi máu khốc liệt nhưng các chương cuối hơi rườm rà và không thực sự ấn tượng. Tất cả đều ở mức tầm tầm vừa miệng ăn. Đúng như tên truyện, dù quá trình điều tra, chứng cứ buộc tội đều dựa trên khoa học hình sự nhưng cách hành động đi tìm công lý của nhân vật điều tra phá án và đồng nghiệp thì đậm chất thảo nguyên, dựa trên những nguyên tắc truyền thống du mục tựa như con người nhỏ bé hữu hạn đứng trước không gian lộng gió bao la và hùng vĩ, có lẽ chính bởi yếu tố anh hùng ca ấy mà những chương nhân vật cảnh sát trưởng Yeruldelgger ra tay dọn dẹp đống rác rưởi được viết có phần cliché, gồng và tâng quá mức so với mạch truyện chung
Tôi ấn tượng với những đoạn viết rất hay về đời sống trên thảo nguyên, những tín ngưỡng và đặc biệt là giấc mơ. Giấc mơ không thuộc về những người mơ thấy nó hay giải nghĩa nó, nó là mối liên hệ vô hình giữa các linh hồn và những trái tim. Tôi không tin vào những điều mê tín hay thuật bói toán, trắc nghiệm tâm lý… nhưng tôi tin vào những kết nối bí ẩn chưa được lý giải ở trong chính mỗi người hoặc thậm chí là những gì ta còn chưa biết. Giấc mơ không phải bói toán hay tiên tri, giấc mơ nói với ta những điều ta chưa dám thú thực với chính mình, những chi tiết bị vùi lấp, những trực cảm, linh cảm thoáng qua, những suy diễn bị kìm nén vì điều này điều khác và nó sắp xếp tất cả những điều ấy, diễn giải theo cách thức mà ta biết nó vẫn nằm ở đấy, có sẵn trong ta nhưng ta chưa biết cách khơi dậy, và nó tái hiện bằng ngôn ngữ, bằng logic khác với logic khi ta thức ta không mơ. Điều tiên quyết là, ta sẽ làm gì từ những giấc mơ ấy :) [Người Mông Cổ không kể lại giấc mơ của họ ;)]
Cái chết nếu không đuổi kịp mỗi người, nếu không quật ta tơi tả bầm giập bẻ gãy ta về thể chất, ta ngã xuống kệt quệ bải hoải cả về tinh thần thì nó sẽ không dạy ta cách tái tạo bản thân và tìm lại chính mình. Thế giới phải phá thì thế giới mới thành. Nhân vật cảnh sát trưởng Yeruldelgger là điển hình cho điều này.
P/s: Hôm trước xem The way back, về cuộc đào tẩu của tù nhân trốn trại cải tạo quân đội Xô Viết từ Siberia vượt qua dãy Himalaya đến Ấn Độ, hành trình của họ qua Mông Cổ trong thời kỳ rối ren chính trị, quyển tiểu thuyết này cũng đảo qua Mông Cổ giai đoạn ấy, và có đoạn ngắn các nhân vật tai to mặt lớn của chính phủ đứng sau hoạt động mua bán đất công rồi chuyển nhượng lại cho các tập đoàn lớn ăn chênh lệch, Vũ Nhôm nhẻ :)
Chất liệu trinh thám Mỹ, mạch truyện nhanh, nhiều tình tiết giật gân, đường đạn cú ra đòn lạnh mùi máu khốc liệt nhưng các chương cuối hơi rườm rà và không thực sự ấn tượng. Tất cả đều ở mức tầm tầm vừa miệng ăn. Đúng như tên truyện, dù quá trình điều tra, chứng cứ buộc tội đều dựa trên khoa học hình sự nhưng cách hành động đi tìm công lý của nhân vật điều tra phá án và đồng nghiệp thì đậm chất thảo nguyên, dựa trên những nguyên tắc truyền thống du mục tựa như con người nhỏ bé hữu hạn đứng trước không gian lộng gió bao la và hùng vĩ, có lẽ chính bởi yếu tố anh hùng ca ấy mà những chương nhân vật cảnh sát trưởng Yeruldelgger ra tay dọn dẹp đống rác rưởi được viết có phần cliché, gồng và tâng quá mức so với mạch truyện chung
Tôi ấn tượng với những đoạn viết rất hay về đời sống trên thảo nguyên, những tín ngưỡng và đặc biệt là giấc mơ. Giấc mơ không thuộc về những người mơ thấy nó hay giải nghĩa nó, nó là mối liên hệ vô hình giữa các linh hồn và những trái tim. Tôi không tin vào những điều mê tín hay thuật bói toán, trắc nghiệm tâm lý… nhưng tôi tin vào những kết nối bí ẩn chưa được lý giải ở trong chính mỗi người hoặc thậm chí là những gì ta còn chưa biết. Giấc mơ không phải bói toán hay tiên tri, giấc mơ nói với ta những điều ta chưa dám thú thực với chính mình, những chi tiết bị vùi lấp, những trực cảm, linh cảm thoáng qua, những suy diễn bị kìm nén vì điều này điều khác và nó sắp xếp tất cả những điều ấy, diễn giải theo cách thức mà ta biết nó vẫn nằm ở đấy, có sẵn trong ta nhưng ta chưa biết cách khơi dậy, và nó tái hiện bằng ngôn ngữ, bằng logic khác với logic khi ta thức ta không mơ. Điều tiên quyết là, ta sẽ làm gì từ những giấc mơ ấy :) [Người Mông Cổ không kể lại giấc mơ của họ ;)]
Cái chết nếu không đuổi kịp mỗi người, nếu không quật ta tơi tả bầm giập bẻ gãy ta về thể chất, ta ngã xuống kệt quệ bải hoải cả về tinh thần thì nó sẽ không dạy ta cách tái tạo bản thân và tìm lại chính mình. Thế giới phải phá thì thế giới mới thành. Nhân vật cảnh sát trưởng Yeruldelgger là điển hình cho điều này.
P/s: Hôm trước xem The way back, về cuộc đào tẩu của tù nhân trốn trại cải tạo quân đội Xô Viết từ Siberia vượt qua dãy Himalaya đến Ấn Độ, hành trình của họ qua Mông Cổ trong thời kỳ rối ren chính trị, quyển tiểu thuyết này cũng đảo qua Mông Cổ giai đoạn ấy, và có đoạn ngắn các nhân vật tai to mặt lớn của chính phủ đứng sau hoạt động mua bán đất công rồi chuyển nhượng lại cho các tập đoàn lớn ăn chênh lệch, Vũ Nhôm nhẻ :)
28.2.18
Cá [tiếp]
Kể chuyện về cuộc sống của cá, quyển sách đi sâu vào các đặc tính sinh học của cá được viết cách đây gần 50 năm, khi mà nan đề ô nhiễm môi trường cũng như các tác động gây biến đổi hệ sinh thái biển chưa trở thành lốc xoáy như hai thập niên vừa qua. Và Khi loài cá biến mất, được viết trong những năm gần đây khi trái đất đã nóng lên 1-2 độ C, "thủy triều đỏ" đã không còn xa lạ, tuyệt chủng thương mại và tuyệt chủng sinh học đã rất gần nhau... những diễn giải được đi từ thực tế cuộc sống sinh học của cá và tập tính của chúng dưới tác động của biến đổi môi trường sống dựa trên Nguồn gốc các loài của Darwin rất đáng lưu tâm. [cách trình bày về đời sống của cá của Mark Kurlansky theo thuyết tiến hóa vô cùng dễ hiểu, các bạn nhỏ chắc sẽ mê lắm]
Mình không đọc nó như một hồi chuông báo động về căn bệnh thế kỷ ô nhiễm môi trường vì mình biết sự ngu xuẩn của Homo sapiens chưa đạt cực thịnh đâu :). Homo sapiens quan tâm rì nếu thế giới không có cá chứ .I.
Tội nghiệp lớp cá, cùng ngành có xương sống với bọn người nhưng bị bọn người cho ra rìa với suy nghĩ chúng bay sống dưới nước, bọn tao sống trên cạn, quan tâm tới lớp động vật có vú thôi là quá thừa rồi, mà thực ra thì bọn người chả quan tâm đến bố con thằng nào ngoài những gì mà ló cho là văn minh, trong khi cbn, nền văn minh quỷ ám.
20.2.18
Cá
Mình mua quyển sách này của em Cần [Húê] cách đây 4 năm vì phải lòng cái bìa sách chứ lúc mua cũng không biết bao giờ mới sờ mó tới chứ chưa nói là đọc :p. Lúc nhận hàng mở bọc sách ra, sách khổ 10.5 * 16cm nhỏ nhắn, chất giấy nhẹ, mịn, hơi nháng bóng mờ, các trang minh họa giấy hồng, xuất bản năm 1989 [nxb Mir] song gần như mới tinh. Đọc lướt thì mới ồ với à hóa ra là sách khám phá sinh vật biển. Thế là mình tủm tỉm nhủ thầm may mắn quá, mình thật may mắn.
Tác gỉa I. F. Pravdin là nhà ngư loại học, ông sắp xếp viết về các loài cá theo chủ điểm nên rất dễ tiếp cận, hấp dẫn, nhiều minh họa kèm chú thích. 200 trang sách khổ nhỏ vẽ ra thế giới của cá những tưởng vốn chỉ sống ở trong nước, thì hóa ra còn có thể bay trên không như cánh diều [250m chẳng hạn], bò trên cạn, leo cành cây [mình từng nói với đứa bạn là mình nhớ có cá leo cành cây nhưng nhất thời chưa nhớ ra tên, gìơ nhớ rồi, cá nác], hay cá bơn lúc sinh ra thì hai mắt ở hai bên, mình thuôn dài như mọi cá khác nhưng trưởng thành thì mình bẹt lại và hai mắt trượt lên gần nhau tụ lại ở đầu, rồi cá thè be đẻ nhờ vào vỏ trai và hến xong xuôi thì thu vòi tung tẩy đi chơi, rồi cá bám thì đầu nó có khả năng bám chặt vào vật khác nên nó được dùng như công cụ đánh bắt ba ba [buộc đuôi nó vào dây và cứ thế đưa xuống vùng có nhiều ba ba], rồi thì cá bống mistictic dài cỡ 1-1.5cm là động vật có xương sống bé nhất hành tinh; rồi phổ sống của cá rộng, sống trong nước băng gía và cả trong nước nóng như nước sôi, sống ngay lớp nước mặt và cả ở đáy đại dương; chúng cũng nhìn, nghe, nói chuyện, nhận biết mùi, và cất tiếng oách như ai.
Mình mới đi kỹ được 2/3 sách, 1/3 sau đọc lướt, đến đoạn phân tích hàm răng cá mập, sợ quá đóng sách lại luôn đi ăn bim bim xả xì chét >"<
[Quả tình là cá ở khắp mọi nơi, cũng như gái đẹp nhiều như rươi, thế nên thính everywhere nhở :v]