28.11.17

Trôi giữa không trung


Pyun Hye-Young viết Tro tàn sắc đỏ có cốt truyện đơn giản thôi: Nhân vật chính “anh”-một nhân viên công ty hóa phẩm được cử sang đất nước C công tác – nơi dịch bệnh đang hoành hành bởi kỹ năng đặc biệt: giỏi bắt chuột. Anh như bao người, trôi dạt ở nước C như bất cứ đô thị văn minh biến đổi chóng mặt đang ngập trong rác thải và bộ máy vận hành quan liêu nào (tất nhiên cả phi lý nữa). Tại đây anh lần lượt trải qua những sự kiện không thể giải thích, trở thành nghi can giết vợ cũ ở quê nhà, mất dần từng sợi dây gắn với thế giới trước đây, đánh mất nhân dạng… một cách hết sức phi lý. Và anh quay về với cuộc sống bằng việc duy nhất mà anh giỏi: bắt chuột. Ký ức và hiện tại đan xen trong chuỗi ngày tháng bằng mọi cố gắng nhưng vẫn mất dần kết nối với con người trước đây, anh trở thành kẻ ngồi một góc gặm khoai tây sống nhìn con chuột trước mặt như nhìn một sinh vật đồng loại. Việc duy nhất anh có thể làm và là mục đích sống đó là cố sống sốt cho đến khi thế giới thực tại này trở thành quá khứ. Anh là con người tiêu biểu không thể chết bởi dịch bệnh, như một cá thể có khả năng sống sót bởi khả năng miễn dịch tự nhiên – đại diện cho “con người” giống như loài chuột: không thể thanh tảo, càng bị diệt chủng thì chủng loài càng mạnh lên, chuột và người, người và chuột. I’m waking up to ash and dust 
Pyun Hye-Young có tư duy văn học tốt như những tác giả Hàn Quốc gần đây được dịch ở VN, ý tưởng tác phẩm khai thác sáng tạo, dù chớm đọc có thể nhận ra ngay Kafka với hóa thân, với tính chất phi lý của cuộc đời [đọc xong Tro tàn sắc đỏ thấy sống là việc vinh quang vãi vì đời phi lý bất hạnh vãi ra thế mà vẫn sống được thì quả là đắc thắng vinh quang trết đi được]. Đọc Tro tàn sắc đỏ những đoạn khắc họa chân dung nhân vật hay các đoạn chú trọng vào một tình tiết thì có cảm giác rất dễ nhầm với văn học Nhật. Cái cảm giác chi tiết được kéo lại gần căng nét, khách quan và tĩnh lặng như không, rất Haruki Murakami. Nhưng tại sao chỉ có 260 trang mà lại gây cảm giác ề à như thế. Tôi không nói tính nhịp điệu ở đây, nhịp đều đều là thế mạnh của Tro tàn sắc đỏ chứ không phải yếu điểm bởi chính giọng văn đều đều đã tạo hiệu ứng hơn nữa về một nhân vật phai màu dần, mất kết nối với thực tại, xuội tay trước mọi thứ; đều đều còn cho thấy tính chất khốc liệt của những thành phố ngập trong rác, thế giới của cống ngầm, thế giới là cuộc chiến vô ích đại thảm bại của loài người với chuột (sao người ta không thể ngừng tranh đấu nhỉ, chuột và người hay người và chuột cũng là những hệ tọa độ để nhìn nhận nhau rõ hơn mà thôi) và đặc biệt quá trình mỗi cá nhân leo lét nhạt màu dần, trở nên giống những phai nhạt ngoài kia tức là được trở thành bình thường, bình thường tức là không cần phải nghĩ về bản thân mình nữa. Tro tàn sắc đỏ yếu ở chính văn chương của Pyun Hye-Young. Câu văn quẩn, lặp ý, kém logic không chỉ trong cùng một đoạn văn và tình trạng này không chỉ trong một chương mà tần suất đều, xuyên suốt tác phẩm
Điều tôi thích nhất trong Tro tàn sắc đỏ là những đoạn nhân vật anh độc thoại nghĩ về cuộc sống hôn nhân của mình với vợ cũ, đoạn chiến đấu với khỉ trong chuyến du lịch và đoạn cuồng khấu giết cô chủ nhà khi đi bắt chuột. Nhân vật anh với tôi khá thu hút, nhất là trong giai đoạn anh ta biến thành kẻ lang thang rách rưới quên mất mình là ai, tại sao mình lại thành thế này, ăn đồ ôi thiu lộn mửa… bỗng nhiên tôi nghĩ đến mình, tôi có thể từ bỏ tất cả để được sống như thế không, không có bất cứ gì hay ai níu giữ và không hy vọng gì, chỉ đơn giản là trôi dạt giữa hư không. Một ý nghĩ thôi 
Ps: liệu pháp tế bào gốc chính là y học tái tạo đã và sẽ thay đổi lịch sử y học nhân loại, có thể là một bước tiến dài của lịch sử loài người và tất nhiên nó cũng đi kèm những ý tưởng điên rồ nhất. Tế bào của chuột (tế bào trực sinh à?) đóng góp rất nhiều nhé, mà cũng không thể thắng được bọn chúng đâu, cuộc chiến tiêu diệt loài này là một ý tưởng bất khả có thể xem là tâm thần í. Chuột và người sẽ là bạn đồng hành, người còn thì chuột cũng còn, người biến mất khỏi vũ trụ thì chuột vẫn còn nhé ), cái loài gì mà dùng cả đời để giao phối và sinh sản, ngày giao phối hăm ba chục bận, cứ 20-21 ngày là sinh một lứa 8-12 con, thậm chí chuột cái không giao phối nữa cũng vẫn đẻ ra con cháu chút chít như thường, đã thế lại còn chui đâu cũng lọt, địa hình điều kiện nào cũng sống, cái rì cũng ăn ), cái loài đúng là sinh cùng trời đất (cbn)
Có cái gì về cuộc sống dưới cống ngầm không các cụ? Tiểu thuyết í (ngoài Lời hứa của bóng đêm và quyển sách được đề cập trong đấy, và Tro tàn sắc đỏ nhé) 

21.11.17

Vị Thánh bảo hộ trẻ em



Nhắc đến Lyman Frank Baum thì thường người ta nhớ đến xứ Oz, Phù thủy xứ Oz, muốn đến xứ Oz thì đi theo đường gạch vàng :p [hôm trước đọc Lời hứa của bóng đêm (Maxime Chattam) một nhân vật muốn đến ‘xứ Oz thế giới chuột chũi’ đã nói ‘muốn đến xứ Oz thì đi theo đường gạch vàng], còn tôi thì cứ nghĩ đến xứ Oz, tôi sẽ ê a ê a hát Goodbye Yellow Brick Road theo kiểu vừa phơi phới vừa quá vãng buồn [gần như là chắc chắn tôi đã nghe đến 80% các bản thu của ca khúc này, 20% còn lại tôi không có may mắn vì chúng là những bản thu ê ê a a như kiểu của tôi :))]
Mấy nay rét rét đường phố có không khí lễ hội [ngày nhà giáo phái hơm :p], tôi hòa chung không khí ấy đi đọc Cuộc đời và những cuộc phiêu lưu của Santa Claus để có chuyện hay kể lại cho trẻ con khi chúng thắc mắc :)) [trỏe kon bắt đầu rục rịch lễ Chít Mớt ồi], không thì bè lũ tiểu iêu sẽ cười tôi trết mất vì dì xú, cô xú chạ biết rì cạ. Đọc quyển truyện mỏng của L. Frank Baum, tôi sẽ tự tin lý giải cho bè lũ nít ranh những câu như là ông già Noel có thật không? Ông từ đâu đến? Tại sao ông dùng tuần lộc kéo xe? Tại sao ông đi khắp thế giới? Sao ông đi qua ống khói? Sao xe tuần lộc của ông già Noel phải trở về trước ánh rạng bình minh? Những chiếc bít tất đầu tiên được treo trên lò sưởi như thế nào? Sao lại treo bít tất, sao ông cho quà vào bít tất? Cây thông Noel đầu tiên xuất hiện ra sao? Sao ông có thể nhận được tất cả thư của trẻ em trên thế giới? Bố mẹ và những người lớn đáng yêu có trở thành người đại diện của ông già Noel không?… và thậm chí, ông già Noel già như vậy liệu ông sẽ sống mãi? Ông là người như chúng ta nhưng ông bất tử ạ?... vân vân và vân vân, tất tật trẻ con trên thế giới sẽ có lời giải đáp cho mọi thắc mắc về ông già Noel một cách “có lý đích thị là có lý”, cổ tích và nhuần nhị qua quyển truyện mỏng dễ thương của Lyman Frank Baum
Gìa rồi, đọc Cuộc đời và những cuộc phiêu lưu của Santa Claus mở ra ngay thế giới của thần tiên bất tử thì ít, con người hữu tử thì nhiều: thần tiên sống trong một thế giới hạnh phúc vì họ từ bỏ được những rắc rối và âu lo, có nhiều quyền năng nhưng học được cách không làm gì, không can thiệp vào quy luật của tự nhiên; còn con người hữu tử thì được sinh ra để đối mặt với những đau khổ như số mệnh chung của loài người, cuộc đời ngắn ngủi đầy lo lắng và lao động để có thứ mình cần rồi tàn lụi theo năm tháng và rơi rụng như những chiếc lá mùa thu; Và ở trung gian của thế giới giữa thần tiên và con người là bộ tộc Awgwa, ở trần gian bị khinh rẻ còn thiên đường thì không có chỗ – bộ tộc thích khơi dậy những cơn tức giận trong trái tim trẻ nhỏ - bộ tộc làm trẻ em hư
Nhiều trẻ em khi hư hoặc không nghe lời thường được nghe người lớn nói rằng: Santa Claus không thích trẻ em hư, phải cầu xin Người tha thứ, nếu không hối lỗi thì Người sẽ không cho đồ chơi đẹp nữa… Nhưng Santa Claus của L. Frank Baum dựng nên lại không đồng tình [không thể đồng tình với người lớn ngốc xít được] với lối nói ấy vì ông yêu trẻ em, vì ông nguyện hiến dâng cả đời mình để làm cho mọi đứa trẻ được hạnh phúc.
Tôi cũng không chấp nhận suy nghĩ ấy, bởi lẽ với tôi trẻ em là ân điển, tất cả các em đều được làm ra từ cùng một thứ đất sét; trẻ em tức là các em còn bé, mỏng mảnh và cần sự giúp đỡ; trẻ em tức là những em ngoan nhất thì đôi lúc cũng hư và những em hư thì vẫn nhiều lúc ngoan :) … đó là bản chất của trẻ em trên toàn thế giới và các vị thần sẽ không thay đổi bản chất ấy cho dù quyền năng của họ đủ sức để làm điều đó.[đã bảo rồi, không làm gì đó còn khó hơn làm gì đó rất rất nhiều]. Trên đời này không có gì đẹp đẽ, hạnh phúc như một đứa trẻ vui sướng. Tất cả trẻ em đều đẹp xinh bởi tất cả các em đều vui sướng, chẳng phải vậy sao;)
Vĩ thanh cho những người từng là trỏe kon:
“Tất cả đều lụi tàn, trừ chính thế giới này và những người trông coi nó […] Nhưng trong khi còn, thì tất cả mọi thứ trên trái đất này đều có giá trị của nó. Những kẻ khôn ngoan tìm cách để trở nên có ích đối với thế giới, bởi vì chắc chắn những gì có ích rồi sẽ được sống lại”.
Sống lại đồng nghĩa với việc, được làm trẻ con lần nữa. Thật nuốn :v

19.11.17

Không thể đảo chiều



Kẻ sát nhân là quyển thứ tư của Kim Young Ha xuất bản ở VN. Và may mắn quá, tôi vẫn yêu thích tư duy văn học của tác giả, như đã từng với tiểu thuyết Tôi có quyền hủy hoại bản thân và tập truyện Điều gì xảy ra ai biết [Chơi Quiz show chắc phải mua quá, 6 năm rồi vẫn chưa chịu mua )]
Kẻ sát nhân có dung lượng nhỏ, cốt truyện gọn nhưng không hề đơn giản. Gọn ở đây tức là có ít nhân vật, chuyện về một kẻ sát nhân hàng loạt “đi săn” vào đúng thời điểm Hàn Quốc có biến động lịch sử nên những cái chết của nạn nhân rơi vào quên lãng, không được chú ý, kẻ sát nhân coi việc giết người không phải là xung động, thôi thúc hay nỗi khát khao, chỉ là mỗi khi muốn giết người thì đều hy vọng “hoàn hảo hơn là điều hoàn toàn có thể” và tâm niệm rằng “lần sau mình sẽ có thể làm tốt hơn”; sau phẫu thuật não kẻ sát nhân dừng việc “đi săn” của mình trong 25-26 năm và vẫn tiếp tục công việc là một bác sĩ thú y sống yên ả ngày ngày đọc kinh, triết học, làm thơ, nghe nhạc và đối mặt với chứng bệnh Alzheimer. Bệnh Alzheimer cắt đứt kẻ sát nhân với quá khứ, điều này đồng nghĩa tương lai luôn đảo chiều, quá khứ và tương lai mất đi thì hiện tại có ý nghĩa gì. Chính sự cắt đứt với thời gian của kẻ sát nhân mắc Alzheimer làm cho câu chuyện dù rất gọn nhưng không hề đơn giản khi trong vùng liên tiếp xảy ra những vụ giết người cho thấy sự xuất hiện của một tên cuồng sát mới. Kẻ từng là sát nhân sẽ thế nào khi ở vai trò khác, ngửi thấy mùi của một tên cuồng sát mới đang ở lãnh thổ của mình.
Câu chuyện 150 trang đã gợi hứng cho tôi đọc đi đọc lại 3 lần trong 3 ngày gần đây chỉ để thực hiện trò chơi phát triển câu chuyện theo các hướng khác nhau dựa vào những tình tiết để mở của tác giả [Bộ phim xây dựng dựa trên tiểu thuyết của Kim Young Ha cũng được khai thác theo hướng các tình tiết để mở, một phiên bản điện ảnh logic cao và rất Hàn Quốc]. Các tình tiết để mở chủ yếu phát sinh bởi nhân vật chính mắc chứng Alzheimer lúc nhớ lúc quên, hiện tại – quá khứ chen nhau trong một bộ não, phân tầng não bộ có ý thức và vô thức xen kẽ lẫn lộn… tạo ra rất nhiều phiên bản, rất nhiều sự thật có thể có cho cùng câu chuyện này. [Lại một lần nữa, Italo Calvino của tôi được vinh danh: người đọc kết liễu nhân vật của tác giả và tạo ra một thế giới khả thể cho câu chuyện]
Tất nhiên, sự thật luôn chỉ có một . Giết người là một hành động không thể đảo chiều nhất là khi cái ác được sinh ra từ chính cái ác hay vết rạn của cái ác. Anh sống trong sự hỗn loạn thì sự hỗn loạn cũng nhìn lại anh, linh hồn bao giờ cũng chết trước cơ thể và anh sẽ gặp lại chính mình trong suốt thời gian anh còn phải sống, chính anh chứ không phải ai khác. Càng tiến lại gần cái ác thì càng không thể hiểu nổi nó, vì nó không thể hiểu được nên nó mới là cái ác, nó ăn sâu vào từng tế bào cho đến khi nó là chính anh, anh chính là nó. Đã nói rồi, đi qua sông Styx luôn có một cái giá nào đấy phải trả. Làm gì có chuyện có thể nằm thẳng chân mà ngủ trong một thế giới như thế, đúng không . Đối phó với thực thể con người luôn là việc làm vất vả nhất, với chính mình thì mệt mỏi hộc máu í chứ 
Thôi, đi mua sách hí hí hí. Tí về biên tập.
Nói về kẻ sát nhân thoát tội sau nhiều năm và mắc bệnh tuổi già thì liên tưởng ngay đến Hồi ức kẻ sát nhân của Amelie Nothomb; còn con của nạn nhân được kẻ giết người tha mạng, nuôi dưỡng thì mới nhớ ra Không lấm máu của Alessandro Baricco (Mình có nhớ nhầm không nhỉ?). Các cụ nhớ đến những gì trong văn học (không chơi kiếm hiệp nha)?



15.11.17

Nỗi sợ sống



Monica Bellucci thế nào? Rất đẹp, biểu tượng sex (một thời) của Ý. Cảnh cưỡng hiếp trở thành kinh điển trong Irréversible, Monica Bellucci vào vai Alex bị một tay ma cô khống chế trong đường hầm, cưỡng hiếp và đánh đập, cảnh quay liền và bạo lực tạo cảm giác đây là sự thật kinh hoàng, ta đang chứng kiến một tội ác (dù như chia sẻ thì cảnh này được quay đúp, sau đó đã can thiệp kỹ xảo để thành liền mạch). Người xem cảm thấy quá sức chịu đựng. Nhưng tôi biết rất nhiều nam giới không chỉ xem nhiều lần và còn hứng thú với nó, bởi “đó là Monica Bellucci mà”. Tôi hỏi nếu thay Monica Bellucci bằng một diễn viên khác kém hấp dẫn hơn thì sao, vẫn thành thước phim liền kéo dài, vẫn chân thực như vậy thì thế nào? “Không hẳn là do Monica Bellucci, chỉ là biết đây là tội ác, là hành động kinh tởm nhưng không hiểu sao vẫn bị ám ảnh về mặt tình dục, và ghê tởm mình vì bị kích thích bởi cảnh phim ấy”
Cảm giác về sự bất tuân cơ thể và trí óc sẽ được diễn giải trong đoạn mở đầu của tiểu thuyết Lời hứa của bóng đêm. Brady là một phóng viên tự do đang bí đề tài, một người bạn gợi ý cho anh làm đề tài về thế giới ngầm ngành công nghiệp sản xuất phim khiêu dâm và móc nối cho Brady với một diễn viên phim khiêu dâm xinh đẹp Rubis. Trước khi gặp Rubis, Brady vào địa chỉ internet của Rubis và đập ngay vào mắt anh là đoạn phim Rubis bị cưỡng hiếp. Brady cảm thấy nó quá sức chịu đựng của mình, nó là một tội ác, nó trái với mọi giá trị mà anh có, nhưng không biết vì lẽ gì anh vẫn bị kích thích, bụng dưới căng tức và trỗi dậy. Brady quyết định phải gặp Rubis, Rubis nhận lời gặp vì được nghe rằng Brady khác những kẻ khác. Cô diễn viên đề nghị được thổi kèn cho anh, nếu anh không phân vân khi từ chối, anh thẳng thắn từ chối thì có lẽ Rubis đã không rút súng bắn thẳng vào mặt mình tự tử. Không, không có ai khác kẻ khác cả, tất cả đều giống nhau, đều có những bản năng nguồn cội được chôn trong người như những tế bào gốc nội sinh, đều mang trong mình bản năng thú tính được di truyền từ nguyên khởi loài người.
Cảnh phim cưỡng hiếp trong Irréversible hay cảnh cưỡng hiếp diễn viên phim khiêu dâm trong tiểu thuyết… giống những cú huých vào cái nhân ác nói chung. Cả 3 tiểu thuyết Linh hồn ác, Máu thời gian, Lời hứa của bóng đêm của cây viết trinh thám Pháp Maxime Chattam đều xoáy vào trọng tâm là cái nhân ác trong mỗi cá nhân, cái ác sinh ra từ chính cái ác hay từ những vết rạn của cái ác, dục vọng thống trị nhân tính và được ban phát dễ dàng như một loại virus lây lan trong xã hội loài người. Cái nhân ma quỷ như một biểu hiện của lạc thú bị chôn vùi, dục vọng, quyền lực kiểm soát, bản năng khởi thủy và là bản năng mạnh mẽ nhất trong mỗi người.
Cả ba tiểu thuyết đều rất nhiều xác chết, bị tra tấn dã man không biết phải nói gì hơn là thi thể của các nạn nhân bị cưa cắt phá hủy, thịt da con người bị biến thành thứ bầy nhầy không còn nhân dạng. Và tất cả hung thủ đều đạt đến trạng thái khoái cảm vĩnh hằng khi nhìn thấy nạn nhân là những phụ nữ, trẻ em bị đau đớn, thoi thóp trước khi chết. Một kiểu dục vọng, quyền uy dẫn dắt chúng, tôn sùng thú tính hoang dã như những sứ giả của địa ngục, cửa địa ngục đã mở thì đừng hòng thoát khỏi “đừng hy vọng gì nữa, một khi ngươi đã bước chân vào đây” (Thần khúc – Địa ngục, Dante)
Linh hồn ác và Lời hứa của bóng đêm lấy bối cảnh ở các thành phố, các bang của Mỹ còn Máu thời gian thì được lồng trong bối cảnh Ai Cập những năm 1920 và Pháp những năm 2000. Bối cảnh ở mỗi tác phẩm đã góp phần thay đổi phong cách viết của Maxime Chattam đáng kể. Người đọc rất dễ nhận ra nhà văn Pháp viết Linh hồn ác và Lời hứa của bóng đêm với nhịp độ nhanh như trinh thám Mỹ, nhanh hơn hẳn nhịp độ của Máu thời gian được viết trong bối cảnh Pháp và Ai Cập. Để biết về nguồn gốc của cái ác, người ta phải hóa thân vào nó như đang mò mẫm đến chính những dục vọng sâu xa của mình. Vô hình trung chính ta gõ cửa địa ngục, đi con đò qua sông Styx, mở cửa cái Giếng-nơi chôn chặt những điều cấm kỵ không thể thổ lộ với ai, những nỗi sợ hãi và dục vọng xấu xa… và ta nhập làm một, ta trở thành kẻ sát nhân, một cách nào đấy ta chỉ có thể lấy lại sự cân bằng trong bóng đêm: muốn nắm bắt được cái xấu xa bệnh hoạn ta buộc lòng phải hóa thân thành nó; muốn tiêu diệt nó ta buộc lòng phải đi sâu ngóc ngách vào trong mình, cố thử hiểu về chính mình một lần thật sòng phẳng. Luôn có một cái giá phải trả khi đi qua sông Styx
Nói riêng về từng tiểu thuyết, tôi may mắn vì thói quen đọc theo trình tự viết của tác giả và nhận ra Maxime Chattam viết lên tay ngoài mong đợi.
-          Linh hồn ác lấy bối cảnh ở Mỹ nên tiểu thuyết trinh thám này được viết bởi một cây viết Pháp nhưng câu chuyện và kỹ thuật viết đặc Mỹ. Tuy nhiên có một nhược điểm nhỏ thôi, đó là Linh hồn ác không có cao trào, nhịp điệu đều đều dàn trải hơn 650 trang sách dù cốt truyện tương đối cuốn hút, có thể chấp nhận được vì đây là tiểu thuyết thứ 2 của tác giả. Một người đọc trinh thám có chút kinh nghiệm có thể chỉ ra ngay 2 lỗ hổng trong truyện: 1, Sau khi có kết quả DNA nước bọt ở đầu lọc thuốc lá trùng với DNA của một hung thủ đã bị găm một viên đạn vỡ sọ chết thì chỉ còn duy nhất một khả năng là hung thủ đã chết và hung thủ hiện tại là anh em song sinh, vậy nhưng không có quá trình điều tra ngược lại nhân thân để từ đó dẫn đến được kẻ chủ mưu. 2, Anh thanh tra Brolin được xem là khá nhạy cảm trong tư duy và nắm bắt cảm xúc của các đối tượng, nhưng khi tiếp xúc với kẻ chủ mưu trong hình hài một ông già lơ ngơ kém phát triển trí tuệ, chứng kiến lão vung rìu chặt phăng đầu một con gà, nhát chặt nhanh và tàn nhẫn đến mức con gà vẫn còn tiếp tục chạy khi đầu bắn ra một nơi khác… hành động như vậy không phải của một người có nhân tính thông thường. Vậy nhưng anh thanh tra đã bỏ qua không theo sát lão.

-          Máu thời gian được xuất bản ở VN muộn nhất nhưng được viết sau Linh hồn ác khoảng 4 năm, tác giả viết lên tay thấy rõ. Như lời bộc bạch đầu sách, tác giả viết khi nghe nhạc và đúng là Máu thời gian có nhịp điệu, cao độ và khoảng trầm khác hẳn với tính chất đều đều ở Linh hồn ác mà vẫn rõ chất văn trinh thám Pháp, rất nhiều khoảng lặng trầm thong thả. Kỹ thuật viết tiểu thuyết lồng trong tiểu thuyết, quyển nhật ký của một thám tử viết ở Ai Cập những năm 1920 và câu chuyện hiện tại diễn ra trên đỉnh Mont-Saint-Michel (Pháp). Độc giả tinh ý và nhạy cảm không khó lòng nhận ra hung thủ vụ của chuỗi tội ác ở Ai Cập và nhân vật ở thời điểm ấy là ai ở hiện tại… nhưng vẫn bị những pha đan cài gây cấn của tác giả dẫn đi, buộc lòng giở trang từng trang để đi theo hành trình khám phá sự thật đằng sau bức màn cái ác. Ở Máu thời gian (hay bất cứ tiểu thuyết nào dùng tiểu thuyết trong tiểu thuyết) thì tôi lại muốn một lần nữa tỏ lòng ngưỡng mộ Italo Calvino với Nếu một đêm đông có người lữ khách, nó cho thấy việc người đọc kết liễu nhân vật của nhà văn và xây dựng một khả thể khác thú vị thế nào.


-          Lời hứa của bóng đêm được viết sau Máu thời gian và là tiểu thuyết viết khá hơn cả trong 3 tiểu thuyết được dịch ở VN. Quay trở lại với bối cảnh ở các thành phố, các bang của Mỹ. Nhịp độ rõ nét, cao trào và diễn biến nhanh. Câu chuyện về thế giới ngầm ngành công nghiệp phim khiêu dâm, về cuộc sống “cộng đồng chuột chũi” dưới những đường cống ngầm xuyên thành phố… Cũng không mấy khó khăn để nhận ra kẻ chủ mưu ở ngay 1/3 truyện nhưng câu chuyện quá khốc liệt, một thế giới chưa từng được biết đến được phô bày nên độc giả bám trụ tới cuối cùng và tự hỏi những thực tại tội ác của con người có phải luôn nằm ngoài cả sức tưởng tượng kinh dị nhất không. Trong 3 tiểu thuyết thì đây là quyển có tâm lý nhân vật tôi thích nhất, câu chuyện mới lạ nhất nhưng mẹ kiếp, tôi kinh tởm chính mình vì những tội ác trong truyện lại trở thành thứ thu hút tôi. Fuck my life. Trong truyện có đề cập đến cuộc sống của cộng đồng chuột chũi, quyển The mole people của Jennifer Toth, chắc tôi phải tìm đọc quá L
-          Các nhân vật trong sách rất có gout đọc, cô sinh viên thích David Lodge này, anh thanh tra thích Paul Auster này J, và ngay cả những tâm hồn tăm tối nhất, họ lấy Thần khúc của Dante làm bản đồ chỉ dẫn đường :) [Fuck my life]. Rất nhiều nhân vật tôi thích trong 3 tiểu thuyết này vì đơn giản thôi, tôi thấy hình ảnh của mình. Nhân vật nữ thích nhất là nàng Jezabel xinh đẹp ở Ai Cập, đàn bà tinh tế nhạy cảm và ý thức được thế mạnh của mình quyến dụ vãi. Nhân vật nam thích nhất là nhà báo Brady, chỉ khác duy nhất nếu tôi là Brady, tôi không giấu vợ sự thật, quan niệm của tôi với bất kỳ quan hệ nào là thẳng thắn và có niềm tin, anh này mà không giấu vợ thì chắc chả có tiểu thuyết đọc đâu nhỉ J
Mỗi người sinh ra phải dần làm quen và tập với suy nghĩ ta sinh ra không phải để hạnh phúc. Ta là con người không trắng không đen không gì ngoài không màu sắc rõ ràng như mọi sinh linh trên hành tinh này và phải vất vả tranh đấu để không lạc đường vì mù quáng trước màu này hay màu kia. Trước khi tìm lại được sự cân bằng, ta buộc lòng phải chấp nhận có những lúc, thậm chí rất nhiều lúc ta dần nhuốm màu của nơi ta đi chệch hướng. Con người với những bản năng cội nguồn khốc hại sẽ tạo ra những sai lầm, tội lỗi và việc sống là để dọn dẹp thế giới. Quái vật có tồn tại, nó tồn tại dưới hình thù của con người với những bản tính xấu xa, với những chứng bệnh, những virus bị nhiễm trong quá trình sống mà không có hy vọng thuyên giảm. Bản thân sự sống mang trong mình cái ác, sinh ra đã ác hay trở nên ác không cách xa nhau mấy nhỉ J. Đi đến cùng có tìm ra được cách chung sống tốt đẹp với sự bệnh hoạn nhỏ nhoi còn sót lại trong người hay không J. Ngọn lửa âm ỉ như một thứ mặc định rồi bùng cháy mỗi khi lạc đường làm sao để nguôi ngoai J, chỉ còn cách vét sạch oxy của sự cháy ấy bằng một vụ nổ thật lớn để dập tắt tất cả. Và để sau cơn thổi bùng, cõi lòng ta được giũ bụi và tĩnh lặng cân bằng trở lại.

Tôi gọi tất cả những điều này là thu dọn thế giới.