19.11.17

Không thể đảo chiều



Kẻ sát nhân là quyển thứ tư của Kim Young Ha xuất bản ở VN. Và may mắn quá, tôi vẫn yêu thích tư duy văn học của tác giả, như đã từng với tiểu thuyết Tôi có quyền hủy hoại bản thân và tập truyện Điều gì xảy ra ai biết [Chơi Quiz show chắc phải mua quá, 6 năm rồi vẫn chưa chịu mua )]
Kẻ sát nhân có dung lượng nhỏ, cốt truyện gọn nhưng không hề đơn giản. Gọn ở đây tức là có ít nhân vật, chuyện về một kẻ sát nhân hàng loạt “đi săn” vào đúng thời điểm Hàn Quốc có biến động lịch sử nên những cái chết của nạn nhân rơi vào quên lãng, không được chú ý, kẻ sát nhân coi việc giết người không phải là xung động, thôi thúc hay nỗi khát khao, chỉ là mỗi khi muốn giết người thì đều hy vọng “hoàn hảo hơn là điều hoàn toàn có thể” và tâm niệm rằng “lần sau mình sẽ có thể làm tốt hơn”; sau phẫu thuật não kẻ sát nhân dừng việc “đi săn” của mình trong 25-26 năm và vẫn tiếp tục công việc là một bác sĩ thú y sống yên ả ngày ngày đọc kinh, triết học, làm thơ, nghe nhạc và đối mặt với chứng bệnh Alzheimer. Bệnh Alzheimer cắt đứt kẻ sát nhân với quá khứ, điều này đồng nghĩa tương lai luôn đảo chiều, quá khứ và tương lai mất đi thì hiện tại có ý nghĩa gì. Chính sự cắt đứt với thời gian của kẻ sát nhân mắc Alzheimer làm cho câu chuyện dù rất gọn nhưng không hề đơn giản khi trong vùng liên tiếp xảy ra những vụ giết người cho thấy sự xuất hiện của một tên cuồng sát mới. Kẻ từng là sát nhân sẽ thế nào khi ở vai trò khác, ngửi thấy mùi của một tên cuồng sát mới đang ở lãnh thổ của mình.
Câu chuyện 150 trang đã gợi hứng cho tôi đọc đi đọc lại 3 lần trong 3 ngày gần đây chỉ để thực hiện trò chơi phát triển câu chuyện theo các hướng khác nhau dựa vào những tình tiết để mở của tác giả [Bộ phim xây dựng dựa trên tiểu thuyết của Kim Young Ha cũng được khai thác theo hướng các tình tiết để mở, một phiên bản điện ảnh logic cao và rất Hàn Quốc]. Các tình tiết để mở chủ yếu phát sinh bởi nhân vật chính mắc chứng Alzheimer lúc nhớ lúc quên, hiện tại – quá khứ chen nhau trong một bộ não, phân tầng não bộ có ý thức và vô thức xen kẽ lẫn lộn… tạo ra rất nhiều phiên bản, rất nhiều sự thật có thể có cho cùng câu chuyện này. [Lại một lần nữa, Italo Calvino của tôi được vinh danh: người đọc kết liễu nhân vật của tác giả và tạo ra một thế giới khả thể cho câu chuyện]
Tất nhiên, sự thật luôn chỉ có một . Giết người là một hành động không thể đảo chiều nhất là khi cái ác được sinh ra từ chính cái ác hay vết rạn của cái ác. Anh sống trong sự hỗn loạn thì sự hỗn loạn cũng nhìn lại anh, linh hồn bao giờ cũng chết trước cơ thể và anh sẽ gặp lại chính mình trong suốt thời gian anh còn phải sống, chính anh chứ không phải ai khác. Càng tiến lại gần cái ác thì càng không thể hiểu nổi nó, vì nó không thể hiểu được nên nó mới là cái ác, nó ăn sâu vào từng tế bào cho đến khi nó là chính anh, anh chính là nó. Đã nói rồi, đi qua sông Styx luôn có một cái giá nào đấy phải trả. Làm gì có chuyện có thể nằm thẳng chân mà ngủ trong một thế giới như thế, đúng không . Đối phó với thực thể con người luôn là việc làm vất vả nhất, với chính mình thì mệt mỏi hộc máu í chứ 
Thôi, đi mua sách hí hí hí. Tí về biên tập.
Nói về kẻ sát nhân thoát tội sau nhiều năm và mắc bệnh tuổi già thì liên tưởng ngay đến Hồi ức kẻ sát nhân của Amelie Nothomb; còn con của nạn nhân được kẻ giết người tha mạng, nuôi dưỡng thì mới nhớ ra Không lấm máu của Alessandro Baricco (Mình có nhớ nhầm không nhỉ?). Các cụ nhớ đến những gì trong văn học (không chơi kiếm hiệp nha)?



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét