28.11.17

Trôi giữa không trung


Pyun Hye-Young viết Tro tàn sắc đỏ có cốt truyện đơn giản thôi: Nhân vật chính “anh”-một nhân viên công ty hóa phẩm được cử sang đất nước C công tác – nơi dịch bệnh đang hoành hành bởi kỹ năng đặc biệt: giỏi bắt chuột. Anh như bao người, trôi dạt ở nước C như bất cứ đô thị văn minh biến đổi chóng mặt đang ngập trong rác thải và bộ máy vận hành quan liêu nào (tất nhiên cả phi lý nữa). Tại đây anh lần lượt trải qua những sự kiện không thể giải thích, trở thành nghi can giết vợ cũ ở quê nhà, mất dần từng sợi dây gắn với thế giới trước đây, đánh mất nhân dạng… một cách hết sức phi lý. Và anh quay về với cuộc sống bằng việc duy nhất mà anh giỏi: bắt chuột. Ký ức và hiện tại đan xen trong chuỗi ngày tháng bằng mọi cố gắng nhưng vẫn mất dần kết nối với con người trước đây, anh trở thành kẻ ngồi một góc gặm khoai tây sống nhìn con chuột trước mặt như nhìn một sinh vật đồng loại. Việc duy nhất anh có thể làm và là mục đích sống đó là cố sống sốt cho đến khi thế giới thực tại này trở thành quá khứ. Anh là con người tiêu biểu không thể chết bởi dịch bệnh, như một cá thể có khả năng sống sót bởi khả năng miễn dịch tự nhiên – đại diện cho “con người” giống như loài chuột: không thể thanh tảo, càng bị diệt chủng thì chủng loài càng mạnh lên, chuột và người, người và chuột. I’m waking up to ash and dust 
Pyun Hye-Young có tư duy văn học tốt như những tác giả Hàn Quốc gần đây được dịch ở VN, ý tưởng tác phẩm khai thác sáng tạo, dù chớm đọc có thể nhận ra ngay Kafka với hóa thân, với tính chất phi lý của cuộc đời [đọc xong Tro tàn sắc đỏ thấy sống là việc vinh quang vãi vì đời phi lý bất hạnh vãi ra thế mà vẫn sống được thì quả là đắc thắng vinh quang trết đi được]. Đọc Tro tàn sắc đỏ những đoạn khắc họa chân dung nhân vật hay các đoạn chú trọng vào một tình tiết thì có cảm giác rất dễ nhầm với văn học Nhật. Cái cảm giác chi tiết được kéo lại gần căng nét, khách quan và tĩnh lặng như không, rất Haruki Murakami. Nhưng tại sao chỉ có 260 trang mà lại gây cảm giác ề à như thế. Tôi không nói tính nhịp điệu ở đây, nhịp đều đều là thế mạnh của Tro tàn sắc đỏ chứ không phải yếu điểm bởi chính giọng văn đều đều đã tạo hiệu ứng hơn nữa về một nhân vật phai màu dần, mất kết nối với thực tại, xuội tay trước mọi thứ; đều đều còn cho thấy tính chất khốc liệt của những thành phố ngập trong rác, thế giới của cống ngầm, thế giới là cuộc chiến vô ích đại thảm bại của loài người với chuột (sao người ta không thể ngừng tranh đấu nhỉ, chuột và người hay người và chuột cũng là những hệ tọa độ để nhìn nhận nhau rõ hơn mà thôi) và đặc biệt quá trình mỗi cá nhân leo lét nhạt màu dần, trở nên giống những phai nhạt ngoài kia tức là được trở thành bình thường, bình thường tức là không cần phải nghĩ về bản thân mình nữa. Tro tàn sắc đỏ yếu ở chính văn chương của Pyun Hye-Young. Câu văn quẩn, lặp ý, kém logic không chỉ trong cùng một đoạn văn và tình trạng này không chỉ trong một chương mà tần suất đều, xuyên suốt tác phẩm
Điều tôi thích nhất trong Tro tàn sắc đỏ là những đoạn nhân vật anh độc thoại nghĩ về cuộc sống hôn nhân của mình với vợ cũ, đoạn chiến đấu với khỉ trong chuyến du lịch và đoạn cuồng khấu giết cô chủ nhà khi đi bắt chuột. Nhân vật anh với tôi khá thu hút, nhất là trong giai đoạn anh ta biến thành kẻ lang thang rách rưới quên mất mình là ai, tại sao mình lại thành thế này, ăn đồ ôi thiu lộn mửa… bỗng nhiên tôi nghĩ đến mình, tôi có thể từ bỏ tất cả để được sống như thế không, không có bất cứ gì hay ai níu giữ và không hy vọng gì, chỉ đơn giản là trôi dạt giữa hư không. Một ý nghĩ thôi 
Ps: liệu pháp tế bào gốc chính là y học tái tạo đã và sẽ thay đổi lịch sử y học nhân loại, có thể là một bước tiến dài của lịch sử loài người và tất nhiên nó cũng đi kèm những ý tưởng điên rồ nhất. Tế bào của chuột (tế bào trực sinh à?) đóng góp rất nhiều nhé, mà cũng không thể thắng được bọn chúng đâu, cuộc chiến tiêu diệt loài này là một ý tưởng bất khả có thể xem là tâm thần í. Chuột và người sẽ là bạn đồng hành, người còn thì chuột cũng còn, người biến mất khỏi vũ trụ thì chuột vẫn còn nhé ), cái loài gì mà dùng cả đời để giao phối và sinh sản, ngày giao phối hăm ba chục bận, cứ 20-21 ngày là sinh một lứa 8-12 con, thậm chí chuột cái không giao phối nữa cũng vẫn đẻ ra con cháu chút chít như thường, đã thế lại còn chui đâu cũng lọt, địa hình điều kiện nào cũng sống, cái rì cũng ăn ), cái loài đúng là sinh cùng trời đất (cbn)
Có cái gì về cuộc sống dưới cống ngầm không các cụ? Tiểu thuyết í (ngoài Lời hứa của bóng đêm và quyển sách được đề cập trong đấy, và Tro tàn sắc đỏ nhé) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét