31.10.15

Nhiều khi nghĩ, giờ có người nào đó cao thủ và chân thành vào và toẹt 1 câu: viết như con điêng, đừng viết nữa
Để mình đủ dũng cảm nhìn lại đống dớ dẩn này

Trò chơi Cứ Vui Thôi




"Dì ơi, chỉ hít thở thôi thì không thể gọi là sống được dì ạ. Khi ngủ, chúng ta vẫn hít thở đó thôi, nhưng ta đâu có sống. Ý cháu sống nghĩa là được tận hưởng những điều tuyệt diệu xung quanh: vui chơi ngoài trời này, đọc sách này (tự đọc ấy, tất nhiên ạ), leo đồi này, trò chuyện với ông Tom trong vườn này, và với cả chị Nancy nữa, rồi khám phá tất cả những ngôi nhà, những người láng giềng và tất tần tật mọi thứ ở khắp nơi trên những con phố tuyệt diệu cháu vừa qua hôm trước. Như thế cháu gọi là sống dì ạ. Chỉ hít thở thôi thì chưa đủ"
Pollyanna, cô bé mới 11 tuổi thôi mà đã rất biết sống rồi nhỉ. Nếu từng thích thú với những Heidi, Anne tóc đỏ, Mary Lennox (Khu vườn bí mật), Sara Crewe (Công chúa nhỏ), Chuyện của Katy, Emily ở trang trại trăng non, Rebecca ở trang trại suối nắng, Lũ trẻ đường tàu... thì Pollyanna đích thị là khẩu vị của bạn. 
Ngày mốt nhá, bác nào kêu ghét thứ Hai, là tôi sẽ bắt chước luận điệu của Pollyanna trong trò chơi "Hãy vui lên" á: Sáng thứ Hai là buổi sáng nên cảm thấy vui nhất mới phải vì còn cả tuần nữa mới đến sáng thứ Hai kế tiếp cơ mà 

Ps: cuối tuần nằm ườn dưới nắng nhẹ ziu ziu đọc sách thì đời đúng là oách quá đi mà

29.10.15

Bên dòng Amazon, lão đọc chuyện tình



Tôi biết đến Luis Sepulveda là nhờ Chuyện con mèo dạy hải âu bay, nên mãi 7.2010 tôi mới đọc Lão già mê đọc truyện tình và với tôi, có lẽ Lão già mê đọc truyện tình mới là quyển hay nhất của Luis Sepulveda, còn cái quyển Ốc sên gần đây thì rõ ràng là quyển chán nhất rồi 
Hôm qua tôi nhận được Ông già đọc chuyện tình, bản dịch khác, xuất bản năm 2001, sách nhà người ta, tôi nhận hộ thôi nhưng người ta bảo cứ từ từ đọc đi, bảo là đọc bản của Nhã Nam rồi, không đọc lại đâu. Bị chửi là đồ lười nên con Lốc lăn lông lốc đi tìm lại bản Nhã Nam và đọc song song cả hai bản dịch. Giọng văn ở bản dịch của Phạm Minh Điệp nuột hơn hẳn nhưng để nói về dịch thoại thì Ngô Duy Khánh ăn đứt bởi thoại được dịch không gì có thể hoang dã tanh nồng rừng rú hơn 
Lý do chính tôi không muốn đọc lại là bởi, tôi sẽ lại khóc ở trang cuối cùng khi ông lão bóp cò súng bắn vào ả mèo rừng dài gần 2m, một con mãnh thú điên cuồng, một cỗ máy giết người được tạo hóa sinh ra đẹp đẽ như một ân điển hiếm hoi. Tôi sẽ khóc mất nếu đọc lại trang cuối khi lại thấy một thực tế chơ lơ rằng, mình là một con người, luôn mang cái man dã, tàn ác mang tên con người xâm lấn vào đời sống của thiên nhiên kỳ vĩ
Trong tiểu thuyết một cuộc sống đáng sống (theo tôi) luôn là thứ thu hút tôi gần như nhất, được ở trong rừng, ăn lông ở lỗ giữa muôn loài, giữa tộc người xa văn minh và ôm sách đọc chuyện tình, những chuyện tình buồn với những người yêu nhau vì điều tốt, họ phải đau khổ nhiều và tất nhiên phải kết thúc có hậu...Một ông già 60 tuổi, 40 năm sống trong rừng, thích đọc chuyện tình, ngủ rất ít, thường dùng thời gian vào việc suy nghĩ vẩn vơ về những bí mật của tình yêu và tưởng tượng về nơi mà câu chuyện diễn ra, ổng đọc sách hình học và nhớ mãi câu văn dài này: trong một tam giác vuông cạnh huyền nằm đối diện với góc vuông, câu văn này ổng sẽ nói mỗi khi bực tức, khiến cho những người Shuar tưởng ổng niệm thần chú hay đang nói câu gì đó với nghĩa tục tĩu...còn có ai có thể mơ mộng và đáng yêu hơn được nữa hông 
Và bởi thế, tôi phải cho quyển này lên sóng luôn 

28.10.15

Nơi mùa thu ra đi



Nếu Cá thu của Gong Ji Young chỉ là câu chuyện tình yêu thì tôi đã bỏ cuộc rồi, ý định này tôi từng nảy ra: có lẽ mình đã chọn đọc nhầm thêm một quyển nữa , nhưng khi qua được gần 70 trang thì tôi biết đây không phải chuyện yêu đương như phim truyền hình Hàn Quốc, nó đúng là chuyện tình yêu nhưng là tình yêu mang vẻ đẹp với những tháng ngày thanh xuân tươi trẻ sống vì lý tưởng, mà vì chính lý tưởng ấy họ ôm trong mình mộng tưởng và bị mắc kẹt lại quá khứ tự hỏi "suốt mười năm trời tôi đã làm gì" hay phát điên hoặc chết hoặc thỏa hiệp, chối bỏ chính mình (trang 185) thích ứng cuộc sống với nhiều ám ảnh. Chuyện tình của hai nhân vật chính bị trói chặt với nhau bởi quá khứ, tình yêu theo đúng tên gọi tình yêu của nó là hai người làm tổn thương chính mình và những người khác theo cách khác người của họ. Câu chuyện lấy bối cảnh Hàn Quốc giai đoạn đấu tranh dân chủ những năm 1980 vừa buồn đau mất mát vừa mang màu sắc của bức tranh niềm hy vọng mang tên tuyệt vọng và kéo dài đến tận những năm 90 khi đất nước đã có hình hài và những thành quả nhất định như một tất yếu của đấu tranh, đổ nát và tái thiết
Tuổi thanh xuân và tình yêu tuổi trẻ giống như lớp vảy sáng bạc của cá thu vậy: "Đó là sắc bạc khiến người ta vô cùng thích thú. Bầy cá bạc với sống lưng màu xanh lá, tự do bơi lặn giữa làn nước như những mũi tên. Mỗi sống lưng ấy là một sự sống. [...] Những con cá đó khi nằm phơi bụng ngoài chợ, có lẽ sẽ nghĩ tại sao mình lại rời bỏ làn nước trong xanh để bị ướp muối như thế này. Nhưng đến lúc bị đặt lên bàn đá nướng, không chừng chúng lại nghĩ tại sao mình từng ở mãi trong biển, vất vả bơi đi bơi lại làm gì cũng nên"
Gong Ji Young là nhà văn nữ thứ hai xuất hiện ở VN thuộc thế hệ 386 (những người Nam Hàn sinh vào thập niên 60 thế kỉ XX và hoạt động chính trị sôi nổi, trước đó còn có Shin Kyung-Sook với Hãy chăm sóc mẹ) nên lời cuối sách để dành tặng (tôi nghĩ rằng) tất cả những người đã từng trẻ, không chỉ ở Hàn "những người dù năm tháng qua đi vẫn giữ được tâm hồn tươi trẻ, bất chấp những vết thương gây ra cho tháng ngày thanh xuân của cuộc đời họ bởi một thời lịch sử đau đớn trong quá khứ"

ps: chắc chỉ có Hàn Quốc mới xây dựng những tình tiết kiểu bắt một người đàn ông phải vào cảnh nhìn người yêu cũ, vợ cũ và người yêu hiện tại ngồi cùng nhau trên ghế trong cùng căn phòng và phòng bên cạnh là đứa con từ cuộc hôn nhân không tình yêu của anh ta đang nằm ngủ không hay biết gì.
tréo ngoe rất là nẫu  và đậm chất phim dài tập của Hàn.

22.10.15

Quá khứ sống lại


Xin đừng buông tay của Michel Bussi trinh thám Pháp viết ngắn gọn súc tích mà nhiều đoạn vẫn đẹp như thơ. Tình tiết bất ngờ và chính xác tính bằng giây, phút là điểm nổi bật của cuốn trinh thám Pháp này, độ chính xác không thua gì phim hành động Mỹ có bom đạn nổ ì ùng: vị trí chính xác, giờ chạy trốn chính xác, lợi dụng địa hình của hòn đảo và tính toán thời gian chính xác ở hiện tượng đảo nhiệt tạo ra mây mù trên núi, các chi tiết ở quá khứ dần hé lộ nhưng đến tận gần cuối vẫn khiến người đọc bất ngờ, chi tiết giấu chiếc xe ô tô thuê, kế hoạch đánh lừa của riêng hai vợ chồng, hung thủ giả dạng...Tâm lý nhân vật thay đổi, cùng các tình tiết mỗi lúc thêm vào làm cho người đọc đảo chiều suy đoán liên tục. 
Cười toe toét vì trước đấy thấy các cụ chê tóe loe là em biết ngay, kiểu gì mình cũng vớ bở được một quyển trinh thám Pháp hay 

ps: thế nào mà gần đây đọc 2 quyển trinh thám Pháp, một quyển câu văn ngắn, khô (Cái bóng kinh hoàng) và một quyển viết súc tích, gọn ghẽ (Xin đừng buông tay) làm mình nhớ cách viết câu dài, thờ ơ thơ lơ tơ mơ của trinh thám Pháp thế chứ lị 

bởi trong yên lặng, em hứa với anh



Gần đây có giới thiệu Nỗi cô đơn của các số nguyên tố cho một cô gái trẻ khi bất chợt được hỏi. Viết về nỗi cô đơn là việc vừa có tính nhu cầu vừa thừa thãi bởi cô đơn là thứ không có phương cách nào đem ra phơi, ngay cả trong những ngày nhiều nắng rất đẹp như Hà Nội sáng nay. Và đặc biệt là khi nhìn ra xung quanh, ai ai cũng hát rằng mình cô đơn, như là cô độc đã để cái bọn không hát ở ngoài cửa. Trong đêm ấy, khi được hỏi về một quyển sách có thể gợi hứng thú cho người mới bắt đầu đọc, thì tôi liền nhớ đến cuốn tiểu thuyết của Paolo Giordano, bởi để mô tả việc đọc thì không gì gần hơn là tình thế mạo hiểm được ăn cả ngã về không, một kiểu dao hai lưỡi, có thể chữa lành nhưng cũng chung chứa luôn việc hủy hoại. Nỗi cô đơn của các số nguyên tố là một cuốn tiểu thuyết u ám tuyệt đẹp, có co cụm xoay tròn như tiểu tinh cầu trong hỗn mang vũ trụ thì chúng ta cũng là những con số đặc biệt và cô độc theo khái niệm nào đó và theo cách riêng mà ta nhất quyết định vị mình. Có người giống như số chính phương, khi mang khai căn vẫn được số nguyên. Có người là một emirp, một số nguyên tố mà khi đảo ngược vị trí các chữ số của nó, ta cũng được một số nguyên tố. Có người tự xem mình là con số 7 trong một giới hạn nhỏ bé đặc biệt quan trọng và nhất định thì nó là số nguyên tố lớn nhất...cứ như vậy, một nửa trong chúng ta là những kẻ cô đơn và phải dần từ bỏ ngộ nhận rằng ta sinh ra là để hạnh phúc như một cách ngừng ngược đãi bản thân.
Trong hiện thực chơi vơi trần trụi, ta có cặp số thân thiết 220-284 mà khi phân tích chúng vừa thấy thú vị bởi cái chung riêng của nó với số nguyên tố, vừa cảm nhận nhiều hơn về bóng nỗi cô đơn của các số nguyên tố, về vẻ đẹp u ám của cặp số nguyên tố

"Các nhà toán học gọi chúng là những cặp số nguyên tố sinh đôi: đó là các số đứng cạnh nhau, nói đúng hơn là gần nhau bởi giữa chúng luôn có một số chẵn ngăn không cho chúng sát lại bên nhau thực sự."

"Các số nguyên tố chỉ có thể chia hết cho 1 và cho chính nó. Chúng có vị trí của mình trong dãy vô tận các số tự nhiên, và cũng như các con số khác chúng bị kẹp giữa hai số, nhưng là đứng cách xa một bước. Chúng là những con số đa nghi và cô độc…"

Đây có lẽ là một trong những lần đặc biệt hiếm hoi, tôi tự moi một quyển sách đã đọc từ lâu: 2009 và tôi đưa lên sóng sau một quãng thời gian 6 năm, con số nguyên dương hoàn hảo đầu tiên (nó bằng tổng tất cả các ước nguyên dương của nó, trừ chính nó hay nó bằng nửa tổng các ước nguyên dương của nó tính cả chính nó) mà không đọc lại. 
Bởi thời gian luôn biết cách thu xếp, chọn cách co lại chối bỏ thế giới, hay buộc mình tiến lên phía trước hay ngừng cuộc chơi thì người ta còn có thể có một lựa chọn khác: tồn tại để thu dọn thế giới của chính mình

Ps: năm nay ai mở hàng ngủ cùng tôi vậy, sao tôi toàn được ngủ cùng gái trẻ thế , bi đát quá, sáng nay mở mắt dậy, tôi thấy em đọc quyển sách tôi tặng. Và thế là tôi mỉm cười ngủ tiếp ngon lành. 

Từ câu nói đầu sách em thích ;)

21.10.15

Chỉ cần có mì tôm thôi




-Bố: sao hôm nay lại vừa ăn vừa uống thế này *nhìn nhìn hai đĩa mì và cốc nước vối*
-Lốc: vì ăn món mì trộn công thức của ba chị em con ạ
-Bố: *mặt chấm hỏi*
-Lốc: Ngày xưa lúc chị Trang con cả Thủy chưa lấy chồng í bố, niềm vui của bọn con là đóng cửa phòng tầng 3, bật điều hòa, mở phim hành động hoặc tình cảm, hoặc thuê truyện tranh hoặc chơi tranh ghép và ăn mì trộn, mì chần lên rồi xịt thật nhiều xì dầu, zấm cả tương ớt, làm sao mà phải đậm đậm chua chua và phải thật cay. Mỗi đứa bỏ mấy nghìn tiền lẻ ra, mua mì về, đứa làm mì trần mì, đứa trộn gia vị và phải có đứa làm một âu nước lọc hoặc trà đá phải thật nhiều đá. Bố không tưởng tượng nổi đâu, ăn xong phải cảm giác huyết áp lên vù vù vì có nhiều hôm ăn xong thấy váng đầu, chóng mặt, phải uống bao nhiêu nước vào mới đỡ, phải dựa lưng vào tường ngồi xem phim cho quên đi cơn chóng mặt, ăn một lần mì trộn xong thì mọc 3-5-7 cái mụn, ăn một lần mì trộn thì nhiệt miệng hàng 2 tuần, phát sốt vì nhiệt miệng
-Bố: thế sao còn ăn
-Lốc: thấy nó ngon, nó đã đời í bố. Nhiều hôm lười, đứa nào cũng thèm ăn nhưng không đứa nào chịu làm, thế là ngồi xem phim mà cứ hết đứa này đến đứa khác thi thoảng lại nuốt ực ực kiểu xem phim nhưng cứ nghĩ đến món mì trộn, xong rồi cuối cùng không chịu được nữa, có đứa đứng dậy làm mì, xong rồi hai đứa kia bu vào ăn, xong rồi cái đứa làm mì nó sẽ bảo là con hĩm, tao bảo mày làm mà mày lười hoặc con chó béo, sao mày bảo mày không ăn mì trộn (con hĩm hay con chó béo thì cũng là từ chị và em gái gọi Lốc)
-Bố: *nhai ngon lành và xuýt xoa* ôi, cay con ạ, cay thật
-Lốc: *thản nhiên đẩy cốc nước lạnh toát về phía ông bố* con chuẩn bị sẵn đây mà bố
-Bố: nhưng làm cái món này cũng kích zích mà
-Lốc: Nô nô, ngày xưa bọn con trẻ con, bố không cho tiền tiêu vặt thì làm gì có tiền mà xúc xích ạ, bọn con chỉ cần mì thôi.
Con nghĩ rằng ba chị em con sẽ không bao giờ có thể cùng nhau hạnh phúc như hồi í, mà hồi í là lần đầu mẹ con vỡ nợ nhé, bọn con cứ zặt zẹo kiểu í, chỉ cần có mì Hảo Hảo là có thể hài lòng cả một buổi chiều
Chỉ cần có mấy gói mì thôi.

19.10.15

Làm bạn với chính mình



Biết ta đích thực là ai của Alan Watts cho rằng nhiệm vụ của triết học là chữa trị cho người ta khỏi thói quen đặt những câu hỏi vô nghĩa trong đời. Còn triết gia khắc kỷ Seneca (4 TCN-65) thì cho rằng nhiệm vụ của triết học là chuẩn bị cho mong ước của ta hạ cánh một cách nhẹ nhàng nhất trên bức tường thực tại thô cứng , vân vân và vân vân, tựu lại mục đích đơn giản và quan trọng nhất của triết học là: giúp chúng ta sống cuộc đời của mình, giải thoát ta khỏi những kỳ vọng khơi nguồn cho sự cay đắng.
"Chúng ta chỉ có một lỗi thuộc về bản chất, đó là nghĩ rằng ta sinh ra là để hạnh phúc. Cho đến khi nào ta vẫn còn sống với sai lầm này thì thế giới đối với ta đầy rẫy mâu thuẫn. Trong mỗi bước đi, trong những thứ vĩ đại và nhỏ bé, chúng ta buộc phải trải nghiệm rằng thế giới và cuộc đời rõ ràng là không được sắp xếp với mục đích duy trì sự tồn tại của hạnh phúc, điều này được thể hiện trên nét mặt của hầu hết những người già, nét mặt họ thể hiện cái mà chúng ta gọi là sự thất vọng (Schopenhauer) 
Thuốc men không mang lại lợi ích gì nếu không chữa được bệnh, triết học cũng vô dụng nếu không làm dịu được nỗi thống khổ của tâm hồn. Phương thức làm dịu có thể tìm thấy trong tập tiểu luận Sự an ủi của triết học (Alain de Botton). Như trước đây tôi có từng nói tới Luận về yêu thì Alain de Botton đưa triết học đến gần với nhiều đối tượng hơn bởi cách thức trình bày, luận giải các tư tưởng hết sức thông minh, tức là với cách diễn giải vấn đề đơn giản hóa như vậy, nó truyền cảm hứng cho đối tượng đọc, khiến triết học cũng có thể được đọc như tiểu thuyết (như cách viết ở Luận về yêu chẳng hạn), hay chọn lọc các trích dẫn, luận giải và kết nối theo một hệ thống nhất định tạo ra sự liên kết giữa các tư tưởng.
Có thể đọc tập tiểu luận này theo chủ đề mà mình thấy hứng thú hơn cả, niềm an ủi cho nỗi thất vọng, cho khó khăn, khi không đủ tiền...nhưng cách đọc theo đúng trình tự sẽ có hệ thống hơn, cảm thấy được vỗ về nho nhỏ cho tới lúc nhận được niềm an ủi lớn lao, những khó khăn không đáng để xấu hổ, phải lấy làm xấu hổ vì trên khó khăn đó ta không thể trồng được cái gì đẹp đẽ, thung lũng nước mắt không chỉ dành cho một phần đời này mà vốn dĩ con người sinh ra đã khóc cả đời nay rồi nên thui, làm người là khoảng thời gian đào bới trong bóng đêm, tui gạt nước mắt đi, biến nước mắt thành tri thức: bắt đầu đọc triết , hướng tới tư tưởng trở thành một người "không còn chối bỏ"
"Người nào cho rằng mình chưa sẵn sàng hoặc đã quá tuổi cho triết học thì cũng giống như người nói rằng mình quá trẻ hoặc quá già để hạnh phúc"
hí hí hí

15.10.15

Thung lũng hư không




"Tôi hờn trách như một con điên cuộc hôn nhân của phụ huynh vì cho rằng, vì họ nên tôi bị đưa tới cuộc đời này, nó phức tạp và bất ổn hơn sự tưởng tượng của họ, của tôi, của chúng ta cộng lại, nhân lên nhiều lắm"
Gần đây một bạn đã bới stt về Nghe mùi kết thúc (Julian Barnes) của tôi lên, vì vậy tôi đã đọc lại đoạn trên kia. Chính đoạn ấy đã khơi dậy một thôi thúc đọc lại Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra của nhà văn Italia Oriana Fallaci và viết gì đó thay vì việc sợ hãi phải đối diện với nỗi đau mà không đào bới chính mình.
Văn chương có thể như vậy đấy, vừa đẹp đẽ tuyệt vời, lại vừa đau đớn; vừa có thể đầy ắp hy vọng, lại vừa nhiều nỗi buồn và âu lo; và vừa có thể âu yếm nhưng cũng sắc lạnh khô khốc thẳng băng như chẻ tre. Nó biến nỗi lòng của ta thành thung lũng trải dài những buồn đau, ta choáng ngợp trước những nỗi buồn ấy cho tới khi ta đã đi qua nó và bất chợt nhận ra ta đã trải qua những gì. Sự cố gắng là vô ích. Sự dằn vặt nội tâm vừa là cách cứu rỗi và vừa là sự tra tấn ngày qua ngày, ngày mai ta sẽ bớt đau hơn ngày hôm nay, cứ như vậy cho đến lúc ta quen với nó, nó là một phần không thể, không nên chối bỏ của ta. Cuộc sống vẫn tồn tại. Cuộc sống không chết. Thế giới thay đổi mà vẫn giữ y nguyên.
Câu hỏi ta trao sự sống hay chối bỏ nó đi xuyên suốt hơn 150 trang của tiểu thuyết. Và đến tận những trang viết cuối cùng, tác giả vẫn không ngừng tự vấn chính mình và đối thoại ở nhiều góc độ. Và mỗi người đọc tự bày ra trước mắt mình câu hỏi, sự can đảm đưa ra câu trả lời thành thật, đối diện và chấp nhận sự khổ não, dằn vặt, rằng: liệu việc được sinh ra rồi chết đi, chết đi tức là ít nhất cũng đã được sinh ra và việc chẳng-là-gì-cả như trong hư không, hay từ hư không đến hư không, đâu mới là việc đau đớn hơn.

Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra được viết năm 1975, khi đọc nó tôi nhớ rất nhiều đến bộ phim xem cách đây 3-4 năm, The Tree of Life. Tôi đặc biệt không thích việc cuốn tiểu thuyết này được cho là đánh vào nạn nạo phá thai hay đề tài tình dục có trách nhiệm. Tôi thích nghĩ nó như một khúc kinh cầu.


Đây là đoạn đã khiến tôi muốn òa khóc bởi tính khốc liệt của nó, thông qua giọng văn của một đứa trẻ từ hư không quay lại hư không, đứa trẻ chưa từng được sinh ra, nó đào bới lên những suy tư về việc tôi là đứa con bị đưa tới thế giới này, một món quà tôi không xin nhưng được Đấng Trên Cao trao tặng và không thể phủ nhận một khả năng, rằng, một lúc nào đấy, tôi thay đổi quyết định, tôi cũng mang một đứa trẻ đến với thế giới, tôi đứng ở cương vị một người phụ nữ mang thai.
"...Những câu chuyện cổ tích buồn của mẹ luôn kết thúc bằng câu hỏi: con có nên chui ra khỏi cái tổ bình yên của mình để tới đó không? Mẹ chưa bao giờ nói với con rằng người ta có thể hái những bông hoa mộc lan mà không phải chết, rằng người ta có thể ăn sô cô la mà không bị sỉ nhục, rằng ngày mai có thể sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm qua. Khi mẹ nhận ra điều đó thì đã quá muộn: con đã đang tự tử. Mẹ đừng khóc: con biết mẹ đã làm thế vì tình yêu, để chuẩn bị cho con không đầu hàng cái ngày mà lần đầu tiên nỗi kinh sợ của việc tồn tại sẽ tấn công con. Không phải mẹ không tin vào tình yêu đâu mẹ ạ. Mẹ được tin vào tình yêu nhiều đến nỗi mẹ hành hạ chính mình bởi mẹ nhìn thấy quá ít tình yêu, và bởi vì thứ tình yêu ít ỏi mà mẹ thấy không bao giờ hoàn hảo. Mẹ được tạo nên từ tình yêu. Nhưng liệu có đủ không khi tin vào tình yêu mà không tin vào cuộc sống. Ngay khi con nhận ra là mẹ không tin vào cuộc sống, rằng mẹ đang nỗ lực hết sức để sống ở đó và mang con tới sống ở đó, con đã tự cho phép mình đưa ra lựa chọn đầu tiên và cũng là cuối cùng: từ chối được sinh ra, từ chối mẹ cái mặt trăng lần thứ hai. Lúc ấy con đã có thể làm thế, mẹ ạ. Trí não của con không còn là trí não của mẹ: con đã có trí não của riêng mình. Có lẽ nhỏ thôi, chỉ là phác thảo của trí óc, nhưng vẫn có thể rút ra kết luận: nếu cuộc sống là sự đày đọa, thì nó có ích lợi gì? Mẹ chưa bao giờ nói cho con tại sao người ta được sinh ra. Mẹ đã đủ thành thực để không lừa dối con với những truyền thuyết mà người ta đã nghĩ ra để tự an ủi chính mình: Thiên Chúa toàn năng sáng tạo theo hình ảnh và những nét giống với ông ta, sự tìm kiếm điều tốt đẹp, cuộc đua tới thiên đường... Giải thích duy nhất của mẹ là cả mẹ cũng đã được sinh ra, và trước mẹ là bà, trước bà là cụ: cứ vậy ngược về một quá khứ mà những dấu vết của nó cũng chẳng còn. Tóm lại, người ta được sinh ra bởi những người khác đã được sinh ra và bởi những người khác cũng sẽ được sinh ra: trong sự sinh sôi nảy nở vì lợi ích của chính mình. Một tối mẹ bảo con, nếu nó không diễn ra theo cách đó thì loài người sẽ bị diệt vong. Nó sẽ không tồn tại. Nhưng tại sao nó nên tồn tại, tại sao nó phải tồn tại, hả mẹ? Mục đích là gì? Con sẽ nói mẹ nghe: sự chờ đợi cái chết, cái hư không. Trong vũ trụ của con, mà mẹ gọi là quả trứng, có tồn tại mục đích: đó là để được sinh ra. Nhưng trong thế giới của mẹ mục đích chỉ là để chết: cuộc sống là án tử hình. Con không thấy tại sao mình lại phải ra từ hư không chỉ để quay lại hư không."
Việc viết về nỗi đau đòi hỏi nhiều dũng cảm không chỉ bởi việc nhìn thấu rõ vào nỗi đau của mình, và coi chính mình là một ai đó khác, mà còn là việc nỗi đau ấy sẽ dai dẳng vì sức sống của nó là sức sống của một tác phẩm. Nỗi đau thay đổi hình dạng, nhưng nó không bao giờ kết thúc.
Văn chương có thể làm những việc như vậy đấy, sự cứu rỗi, chữa lành đồng thời cũng là niềm đau.

7.10.15

ngày 7 tháng 10 :p



Việc làm cha mẹ nói văn vẻ thì theo cách đi tới đâu mở đường tới đó, còn nói dễ hiểu thì đó là làm bừa, tới đâu hay tới đó. Nhưng cũng có những chiêu làm giảm đáng kể những băn khoăn, khúc mắc. Các chiêu ấy có thể tham khảo trong quyển sách Nghệ thuật chăm con của tác giả Traycy Hogg và Melinda Blau. Quyển sách đặc biệt hữu ích cho các bà mẹ, ông bố đơn thân hoặc chăm nuôi con mà không có sự trợ giúp từ người thân, bạn bè. Điều cốt lõi của nó không phải dạy bạn kỹ năng chăm con hay đưa ra các lời khuyên, mà ở chính việc nó giúp ta biết cách quan sát, nhận biết, lắng nghe và đọc các dấu hiệu ở trẻ vì con bạn không phải là con "của bạn" mà là một cá nhân xác định với đủ mọi ăng ten như bạn nhận biết về thế giới từ những giờ phút đầu tiên mở mắt, nên điều cần thiết chính là sự tôn trọng của cha mẹ đối với đứa trẻ. Đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn, từ tốn và sự tự tin đối với việc chăm con, mà sự tự tin ấy thì có thể có được thông qua những quyển sách như thế này.
Như tác giả có nói, có thể coi nó là cẩm nang và tra mục lục để tìm đọc đúng cái mình đang cần trợ giúp, nhưng tốt hơn thì hãy đọc qua 3 chương đầu để lấy nền tảng. Còn cách nữa (của tôi) đó là đọc 3 chương đầu, các chương sau đọc dẫn nhập, ý chính (chữ in nghiêng) và các diễn giải ý chính ấy, như cách học thuộc bài theo nhóm ý lớn và các gạch đầu dòng ý nhỏ ấy.
Tôi vẫn muốn nhấn mạnh là nó hữu ích không chỉ cho một cặp cha-mẹ đầy đủ, mà còn đặc biệt tốt cho các bà mẹ, ông bố đơn thân.
ps: đây là quyển thứ hai tôi đọc ở thể loại này, quyển trước là cách giao tiếp với trẻ nhỏ thì phải. Các tài liệu về tâm lý bệnh nhi vân vân và vân vân thì không tính. Trẻ em là chủ thể khiến tôi vừa quan tâm và vừa yêu thích, dù tôi rất sợ mình gánh không nổi việc làm mẹ :'(

6.10.15

Lăng kính giữa hai phía cuộc chiến



Lăng kính giữa hai phía cuộc chiến

Cuốn tiểu thuyết Còn chị còn em xuất sắc của văn học Hà Lan như một phòng triển lãm đầy ắp cảm xúc. Mối quan hệ chị em song sinh có thể trở nên khó chịu đến quái gở vì rào cản ngớ ngẩn của lịch sử Đức và Hà Lan trong Thế Chiến II. Tessa de Loo cá nhân hóa mối quan hệ chị em Anna-Lotte dựng lại những sử liệu về Châu Âu giai đoạn khó hấp thụ nhất trong lịch sử vì tính chất tàn bạo vô lý và đen tối của nó. Mối liên hệ gia đình không thể trốn tránh đòi hỏi quyền lợi của nó dù hai chị em có muốn hay không thì họ vẫn phải không ngừng tiếp tục chèo ngược dòng nước, xích lại gần nhau, cùng nhau vượt qua giai đoạn lịch sử khó chấp nhận, nơi in dấu cuộc thảm sát lớn nhất trong lịch sử nhân loại
Hai chị em sinh đôi, ba tuổi mất mẹ, sáu tuổi mất cha, hoàn cảnh đưa đẩy cô chị Anna ở lại Đức sống với chú, còn cô em Lotte được đưa sang Hà Lan chữa bệnh, sau 18 năm với bao khó khăn, biến cố, hai chị em gặp lại nhau hờ hững. Và cả hai trải qua cuộc Thế chiến II ở hai phía đao phủ và nạn nhân, Anna sống ở Đức là vợ của sĩ quan SS, còn Lotte ở Hà Lan từng yêu thương, che giấu người Do Thái trước quân Đức phát xít. Khi gần 80 tuổi hai chị em vô tình gặp nhau ở khu nghỉ dưỡng Spa, Bỉ cùng nhau ngồi lại, nhìn về quá khứ với nhiều cố gắng. Tác giả Tessa de Loo đã tiểu thuyết hóa cuộc gặp gỡ này để chiếu rọi lại lịch sử cuộc chiến từ hai chiến tuyến: Lotte lên án người Đức, trong đó bao gồm cả chị gái Anna đã đồng lõa với Quốc xã gây tội ác với nhân loại, còn Anna cố biện minh cho "tội lỗi tập thể" ấy không phải mọi người Đức đều biết về tội lỗi của những kẻ cầm đầu đất nước, ở góc nhìn nào đó, người dân Đức cũng chịu chung số phận nạn nhân. Những sử liệu của Châu Âu dần hiện ra rõ nét qua cuộc gặp gỡ nhiều cố gắng của hai chị em song sinh Anna-Lotte, họ mệt vì phải ngồi với nhau, nhìn nhau, mệt vì phải trò chuyện, khơi lại quá khứ, mệt vì phải lắng nghe, nhụt chí vì những cảm xúc trái ngược.
"Về số phận dân chúng trong vùng bị quân Đức chiếm đóng thì người Đức đã dần dần biết đến phát chán rồi. Nhưng về những gì chính họ đã gặp phải trong mười hai năm bạo quyền thì họ phải câm lặng, ít ra người ta chờ đợi điều ấy ở họ: kẻ xâm lược có lý do gì để ta thán - chẳng phải chính họ đã muốn thế sao?"
"Tại sao dân Đức lại để xảy ra chuyện ấy, các người gào lên. Nhưng chị hỏi ngược lại: tại sao các người ở phía Tây lại để xảy ra chuyện ấy? Các người đã khoanh tay nhìn chúng tôi tái vũ trang - lẽ ra hồi đó các người có thể can thiệp dựa trên Hiệp ước Versailles. Các người để chúng tôi tiến vào Rheinland và Áo, không cản trở. Và rồi các người bán rẻ Tiệp Khắc cho chúng tôi. Những người Đức di dân sang Pháp, Anh và Mỹ đã cảnh báo các người. Không ai thèm nghe họ. Tại sao những nước ấy không ngăn chặn lão điên khùng kia, khi còn thời gian? Tại sao họ để mặc chúng tôi, giao chúng tôi cho một kẻ độc tài?" (trang 140)
"Nếu hai chúng ta không vượt qua được những rào ngăn cản này, người khác làm sao vượt nổi? Như thế thì thế giới sẽ mãi mãi không có hòa giải, như thế thì phải nhân khoảng thời gian của mỗi cuộc chiến tranh ít nhất với bốn thế hệ" (trang 205)
"Đã đến lúc thực hiện một cuộc hòa giải thật sự, hết sức rõ ràng với cô em gái vẫn bướng bỉnh cưỡng lại. Nếu hai chị em, được cùng một bà mẹ sinh ra cùng lúc, được cùng một ông bố thương yêu, không vượt qua nổi những rào cản ngớ ngẩn do lịch sử dựng nên, thì ai trên thế gian này có thể làm được việc ấy"

"Thế giới bao la, thế giới xinh đẹp,
Ai biết chúng ta sẽ gặp lại nhau không"

ps: điều tôi không thích duy nhất là sự lặp đi lặp lại bố cục tiểu thuyết: hiện tại hai chị em gặp nhau, nói với nhau và gợi lại ký ức nào đó, từ ký ức đó quá khứ trỗi dậy. Cứ như vậy lặp đi lặp lại, vì một thông điệp hòa giải và lời biện hộ quá rõ ràng. Dù một thông điệp có lớn như thế nào đi nữa, tôi vẫn luôn muốn bảo toàn tính trọn vẹn của văn chương, nó vừa đứng ngoài, đứng trong dòng chảy lịch sử, đúng ra điều tôi khao khát là nó đứng trên cao nhìn xuống dòng chảy ấy.

5.10.15

life sucks .l.

Chuyến đi leo núi 3-4 ngày vừa qua đã khiến tôi rất vui. Leo núi dù có đội leo hay không thì đó cũng là hành trình của riêng mình, đã leo là phải leo tới cùng, lên đến đỉnh là cảm giác ta đã thành công ở một cái gì đó, đã đến một cái đích cụ thể, tận cùng nào đấy. Và đã leo lên được, tức khắc cũng phải cố sống cố chết mà lết xuống, trừ khi muốn ở trên núi mãi, biến thành người sống trong hoang dã.
Ngay sau khi kết thúc chuyến leo núi, xuống xe, đặt chân vào nhà, tỉnh dậy sau khi đặt lưng nghỉ chốc lát, cảm giác bước ra khỏi cõi mộng lập tức vồ lấy tôi ngõ hầu chặn đường chạy trốn. Tức là sao. Ngay khi còn cách chân núi cỡ 2 giờ hành trình, tôi có nói vui rằng: nhanh thật, giờ này ngày mai đã về Hanoi, lại đổ ập vào đầu cơm áo gạo tiền ngay, ngang dọc sấp ngửa cày cuốc kiếm cơm ngay. Dù đã xác định, nhưng tôi không sao lường trước mình lại mộng mị sâu như thế. 3-4 ngày đi xa đấy, là chuyến đi của riêng tôi, sống chết của riêng tôi-nào ai biết điều gì sẽ xảy ra khi leo núi, điều gì xảy ra trên đường ai biết được chứ, mục đích của tôi là ngọn núi phía trước, lên được ngọn núi ấy thì sẽ đến đỉnh núi tiếp theo. Cứ như vậy, mục đích đơn giản làm cho cuộc đời dễ chịu đựng, chuyến đi của tôi, trách nhiệm vừa đủ, tất cả mọi việc vừa sức. Còn về tới đồng bằng, cơ thể trâu bò nhưng tinh thần mỏng mảnh gồng gánh trách nhiệm, lo toan dù nhỏ nhưng với cái con người tôi đang là, thì nó không hề nhỏ. Nên cảm giác rõ ràng nhất, từ hôm về Hanoi tới giờ là muốn vứt bỏ tất cả.
Cuộc đời mà dễ dàng như ăn súc cù là thì chắc không ai tự giết mình, nhỉ. Cuộc đời mà dễ dàng thì ta sẽ không phản ứng khác nhau trước case tự tử này hay case tự tử khác, nhỉ. Tại sao người này tự tử khiến ta ngỡ ngàng mà kẻ khác thì ta lại thấy đấy chỉ là chuyện sớm hay muộn. Tôi chưa thực sự biết một ai buông cuộc đời dễ như tôi, vì chỉ có chính tôi mới thực sự thành thật với mình rằng, quyền tối thượng của tôi là dừng cuộc chơi, trả lại món quà mà tôi không xin cho Đấng Tối Cao Nào Đó. Cái chết mang đến sự cứu rỗi, và không ai cứu được ai đâu, chỉ có mình mới tự cứu mình được

vĩ thanh: cuối ngày về tới phòng, bước vào phòng tắm thấy thanh súc cù là gặm dở từ sáng (đang vừa đi toilet vừa gặm súc cù là thì có điện thoại phải chạy xuống nhà), thế là bóc ra gặm tiếp ngon lành dễ dàng và chột dạ nghĩ, nhờ nửa thanh kẹo mà tinh thần mình đỡ u ám hẳn. Sao đời không dễ dàng như ăn súc cù để người ta khỏi đi tu, phát điên hoặc là chết. Bất công thế chứ lị cái cuộc đời này. Life sucks .l.