6.10.15

Lăng kính giữa hai phía cuộc chiến



Lăng kính giữa hai phía cuộc chiến

Cuốn tiểu thuyết Còn chị còn em xuất sắc của văn học Hà Lan như một phòng triển lãm đầy ắp cảm xúc. Mối quan hệ chị em song sinh có thể trở nên khó chịu đến quái gở vì rào cản ngớ ngẩn của lịch sử Đức và Hà Lan trong Thế Chiến II. Tessa de Loo cá nhân hóa mối quan hệ chị em Anna-Lotte dựng lại những sử liệu về Châu Âu giai đoạn khó hấp thụ nhất trong lịch sử vì tính chất tàn bạo vô lý và đen tối của nó. Mối liên hệ gia đình không thể trốn tránh đòi hỏi quyền lợi của nó dù hai chị em có muốn hay không thì họ vẫn phải không ngừng tiếp tục chèo ngược dòng nước, xích lại gần nhau, cùng nhau vượt qua giai đoạn lịch sử khó chấp nhận, nơi in dấu cuộc thảm sát lớn nhất trong lịch sử nhân loại
Hai chị em sinh đôi, ba tuổi mất mẹ, sáu tuổi mất cha, hoàn cảnh đưa đẩy cô chị Anna ở lại Đức sống với chú, còn cô em Lotte được đưa sang Hà Lan chữa bệnh, sau 18 năm với bao khó khăn, biến cố, hai chị em gặp lại nhau hờ hững. Và cả hai trải qua cuộc Thế chiến II ở hai phía đao phủ và nạn nhân, Anna sống ở Đức là vợ của sĩ quan SS, còn Lotte ở Hà Lan từng yêu thương, che giấu người Do Thái trước quân Đức phát xít. Khi gần 80 tuổi hai chị em vô tình gặp nhau ở khu nghỉ dưỡng Spa, Bỉ cùng nhau ngồi lại, nhìn về quá khứ với nhiều cố gắng. Tác giả Tessa de Loo đã tiểu thuyết hóa cuộc gặp gỡ này để chiếu rọi lại lịch sử cuộc chiến từ hai chiến tuyến: Lotte lên án người Đức, trong đó bao gồm cả chị gái Anna đã đồng lõa với Quốc xã gây tội ác với nhân loại, còn Anna cố biện minh cho "tội lỗi tập thể" ấy không phải mọi người Đức đều biết về tội lỗi của những kẻ cầm đầu đất nước, ở góc nhìn nào đó, người dân Đức cũng chịu chung số phận nạn nhân. Những sử liệu của Châu Âu dần hiện ra rõ nét qua cuộc gặp gỡ nhiều cố gắng của hai chị em song sinh Anna-Lotte, họ mệt vì phải ngồi với nhau, nhìn nhau, mệt vì phải trò chuyện, khơi lại quá khứ, mệt vì phải lắng nghe, nhụt chí vì những cảm xúc trái ngược.
"Về số phận dân chúng trong vùng bị quân Đức chiếm đóng thì người Đức đã dần dần biết đến phát chán rồi. Nhưng về những gì chính họ đã gặp phải trong mười hai năm bạo quyền thì họ phải câm lặng, ít ra người ta chờ đợi điều ấy ở họ: kẻ xâm lược có lý do gì để ta thán - chẳng phải chính họ đã muốn thế sao?"
"Tại sao dân Đức lại để xảy ra chuyện ấy, các người gào lên. Nhưng chị hỏi ngược lại: tại sao các người ở phía Tây lại để xảy ra chuyện ấy? Các người đã khoanh tay nhìn chúng tôi tái vũ trang - lẽ ra hồi đó các người có thể can thiệp dựa trên Hiệp ước Versailles. Các người để chúng tôi tiến vào Rheinland và Áo, không cản trở. Và rồi các người bán rẻ Tiệp Khắc cho chúng tôi. Những người Đức di dân sang Pháp, Anh và Mỹ đã cảnh báo các người. Không ai thèm nghe họ. Tại sao những nước ấy không ngăn chặn lão điên khùng kia, khi còn thời gian? Tại sao họ để mặc chúng tôi, giao chúng tôi cho một kẻ độc tài?" (trang 140)
"Nếu hai chúng ta không vượt qua được những rào ngăn cản này, người khác làm sao vượt nổi? Như thế thì thế giới sẽ mãi mãi không có hòa giải, như thế thì phải nhân khoảng thời gian của mỗi cuộc chiến tranh ít nhất với bốn thế hệ" (trang 205)
"Đã đến lúc thực hiện một cuộc hòa giải thật sự, hết sức rõ ràng với cô em gái vẫn bướng bỉnh cưỡng lại. Nếu hai chị em, được cùng một bà mẹ sinh ra cùng lúc, được cùng một ông bố thương yêu, không vượt qua nổi những rào cản ngớ ngẩn do lịch sử dựng nên, thì ai trên thế gian này có thể làm được việc ấy"

"Thế giới bao la, thế giới xinh đẹp,
Ai biết chúng ta sẽ gặp lại nhau không"

ps: điều tôi không thích duy nhất là sự lặp đi lặp lại bố cục tiểu thuyết: hiện tại hai chị em gặp nhau, nói với nhau và gợi lại ký ức nào đó, từ ký ức đó quá khứ trỗi dậy. Cứ như vậy lặp đi lặp lại, vì một thông điệp hòa giải và lời biện hộ quá rõ ràng. Dù một thông điệp có lớn như thế nào đi nữa, tôi vẫn luôn muốn bảo toàn tính trọn vẹn của văn chương, nó vừa đứng ngoài, đứng trong dòng chảy lịch sử, đúng ra điều tôi khao khát là nó đứng trên cao nhìn xuống dòng chảy ấy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét