Delicate! why so xờ tiu pít? "Ngốc, nghếch, cáu, quên, nghịch, ngang, ngổ ngáo" / "Ăn khi thấy đói, ngủ khi thấy buồn ngủ. Và nếu ôm vào lòng thì cũng nồng ấm như bao người".
15.10.15
Thung lũng hư không
"Tôi hờn trách như một con điên cuộc hôn nhân của phụ huynh vì cho rằng, vì họ nên tôi bị đưa tới cuộc đời này, nó phức tạp và bất ổn hơn sự tưởng tượng của họ, của tôi, của chúng ta cộng lại, nhân lên nhiều lắm"
Gần đây một bạn đã bới stt về Nghe mùi kết thúc (Julian Barnes) của tôi lên, vì vậy tôi đã đọc lại đoạn trên kia. Chính đoạn ấy đã khơi dậy một thôi thúc đọc lại Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra của nhà văn Italia Oriana Fallaci và viết gì đó thay vì việc sợ hãi phải đối diện với nỗi đau mà không đào bới chính mình.
Văn chương có thể như vậy đấy, vừa đẹp đẽ tuyệt vời, lại vừa đau đớn; vừa có thể đầy ắp hy vọng, lại vừa nhiều nỗi buồn và âu lo; và vừa có thể âu yếm nhưng cũng sắc lạnh khô khốc thẳng băng như chẻ tre. Nó biến nỗi lòng của ta thành thung lũng trải dài những buồn đau, ta choáng ngợp trước những nỗi buồn ấy cho tới khi ta đã đi qua nó và bất chợt nhận ra ta đã trải qua những gì. Sự cố gắng là vô ích. Sự dằn vặt nội tâm vừa là cách cứu rỗi và vừa là sự tra tấn ngày qua ngày, ngày mai ta sẽ bớt đau hơn ngày hôm nay, cứ như vậy cho đến lúc ta quen với nó, nó là một phần không thể, không nên chối bỏ của ta. Cuộc sống vẫn tồn tại. Cuộc sống không chết. Thế giới thay đổi mà vẫn giữ y nguyên.
Câu hỏi ta trao sự sống hay chối bỏ nó đi xuyên suốt hơn 150 trang của tiểu thuyết. Và đến tận những trang viết cuối cùng, tác giả vẫn không ngừng tự vấn chính mình và đối thoại ở nhiều góc độ. Và mỗi người đọc tự bày ra trước mắt mình câu hỏi, sự can đảm đưa ra câu trả lời thành thật, đối diện và chấp nhận sự khổ não, dằn vặt, rằng: liệu việc được sinh ra rồi chết đi, chết đi tức là ít nhất cũng đã được sinh ra và việc chẳng-là-gì-cả như trong hư không, hay từ hư không đến hư không, đâu mới là việc đau đớn hơn.
Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra được viết năm 1975, khi đọc nó tôi nhớ rất nhiều đến bộ phim xem cách đây 3-4 năm, The Tree of Life. Tôi đặc biệt không thích việc cuốn tiểu thuyết này được cho là đánh vào nạn nạo phá thai hay đề tài tình dục có trách nhiệm. Tôi thích nghĩ nó như một khúc kinh cầu.
Đây là đoạn đã khiến tôi muốn òa khóc bởi tính khốc liệt của nó, thông qua giọng văn của một đứa trẻ từ hư không quay lại hư không, đứa trẻ chưa từng được sinh ra, nó đào bới lên những suy tư về việc tôi là đứa con bị đưa tới thế giới này, một món quà tôi không xin nhưng được Đấng Trên Cao trao tặng và không thể phủ nhận một khả năng, rằng, một lúc nào đấy, tôi thay đổi quyết định, tôi cũng mang một đứa trẻ đến với thế giới, tôi đứng ở cương vị một người phụ nữ mang thai.
"...Những câu chuyện cổ tích buồn của mẹ luôn kết thúc bằng câu hỏi: con có nên chui ra khỏi cái tổ bình yên của mình để tới đó không? Mẹ chưa bao giờ nói với con rằng người ta có thể hái những bông hoa mộc lan mà không phải chết, rằng người ta có thể ăn sô cô la mà không bị sỉ nhục, rằng ngày mai có thể sẽ tốt đẹp hơn ngày hôm qua. Khi mẹ nhận ra điều đó thì đã quá muộn: con đã đang tự tử. Mẹ đừng khóc: con biết mẹ đã làm thế vì tình yêu, để chuẩn bị cho con không đầu hàng cái ngày mà lần đầu tiên nỗi kinh sợ của việc tồn tại sẽ tấn công con. Không phải mẹ không tin vào tình yêu đâu mẹ ạ. Mẹ được tin vào tình yêu nhiều đến nỗi mẹ hành hạ chính mình bởi mẹ nhìn thấy quá ít tình yêu, và bởi vì thứ tình yêu ít ỏi mà mẹ thấy không bao giờ hoàn hảo. Mẹ được tạo nên từ tình yêu. Nhưng liệu có đủ không khi tin vào tình yêu mà không tin vào cuộc sống. Ngay khi con nhận ra là mẹ không tin vào cuộc sống, rằng mẹ đang nỗ lực hết sức để sống ở đó và mang con tới sống ở đó, con đã tự cho phép mình đưa ra lựa chọn đầu tiên và cũng là cuối cùng: từ chối được sinh ra, từ chối mẹ cái mặt trăng lần thứ hai. Lúc ấy con đã có thể làm thế, mẹ ạ. Trí não của con không còn là trí não của mẹ: con đã có trí não của riêng mình. Có lẽ nhỏ thôi, chỉ là phác thảo của trí óc, nhưng vẫn có thể rút ra kết luận: nếu cuộc sống là sự đày đọa, thì nó có ích lợi gì? Mẹ chưa bao giờ nói cho con tại sao người ta được sinh ra. Mẹ đã đủ thành thực để không lừa dối con với những truyền thuyết mà người ta đã nghĩ ra để tự an ủi chính mình: Thiên Chúa toàn năng sáng tạo theo hình ảnh và những nét giống với ông ta, sự tìm kiếm điều tốt đẹp, cuộc đua tới thiên đường... Giải thích duy nhất của mẹ là cả mẹ cũng đã được sinh ra, và trước mẹ là bà, trước bà là cụ: cứ vậy ngược về một quá khứ mà những dấu vết của nó cũng chẳng còn. Tóm lại, người ta được sinh ra bởi những người khác đã được sinh ra và bởi những người khác cũng sẽ được sinh ra: trong sự sinh sôi nảy nở vì lợi ích của chính mình. Một tối mẹ bảo con, nếu nó không diễn ra theo cách đó thì loài người sẽ bị diệt vong. Nó sẽ không tồn tại. Nhưng tại sao nó nên tồn tại, tại sao nó phải tồn tại, hả mẹ? Mục đích là gì? Con sẽ nói mẹ nghe: sự chờ đợi cái chết, cái hư không. Trong vũ trụ của con, mà mẹ gọi là quả trứng, có tồn tại mục đích: đó là để được sinh ra. Nhưng trong thế giới của mẹ mục đích chỉ là để chết: cuộc sống là án tử hình. Con không thấy tại sao mình lại phải ra từ hư không chỉ để quay lại hư không."
Việc viết về nỗi đau đòi hỏi nhiều dũng cảm không chỉ bởi việc nhìn thấu rõ vào nỗi đau của mình, và coi chính mình là một ai đó khác, mà còn là việc nỗi đau ấy sẽ dai dẳng vì sức sống của nó là sức sống của một tác phẩm. Nỗi đau thay đổi hình dạng, nhưng nó không bao giờ kết thúc.
Văn chương có thể làm những việc như vậy đấy, sự cứu rỗi, chữa lành đồng thời cũng là niềm đau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét