28.5.24

Nevermore, chuyên khảo Poe




ở đây chỉ xoay quanh Nevermore - Hồi ức đau buồn và bất tận, sách chuyên khảo nghiên cứu và dịch thuật Poe của Hoàng Tố Mai [HTM (trong sách không thống nhất in đầy đủ tên tác giả hay viết tắt, tự nhiên đến 1 khúc thấy "HTM nhấn mạnh" "HTM in nghiêng" rồi lúc sau lại "Hoàng Tố Mai nhấn mạnh"], chứ không bàn đến những công trình khác về Poe [được dẫn trong Nevermore] hay tác giả khác bình luận Poe, như Baudelaire hay Borges chẳng hạn. Nevermore - Hồi ức đau buồn và bất tận, hiện là sách nghiên cứu Poe cẩn thận nhất cho đến giờ, ở Vn. Sách gồm 2 phần, phần 1 Nghiên cứu và phần 2 Dịch thuật [dịch 2 bài thơ (Những quả chuông, Con quạ), 2 tiểu luận (Nguyên lý thơ, Triết lý về soạn tác), 1 bài phê bình (Những câu chuyện được kể hai lần của Nathaniel Hawthorne - trong bài phê bình này, Poe chỉ ra những đoạn trong Dạ hội giả trang của ngài Howe, Nathaniel Hawthorne bắt chước, có thể dùng "đạo văn" William Wilson của Poe :p)]; có thể đẩy, đọc phần 2 Dịch thuật trước để nắm được văn bản thơ và 2 bài tiểu luận được phân tích ở phần 1 Nghiên cứu


lý do sau mấy năm mua sách mà giờ mới đọc Nevermore là vì giờ mới có thời gian đọc một vệt Poe liền mạch và hoãn tới giờ là vì, ngay khi mua sách, mở mục lục thấy Charles Baudelaire bị thành Vharles, rồi lại thấy cả Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu được lấy làm ví dụ dùng Triết lý về soạn tác của Poe để phân tích, mình hơi thảng thốt [lúc 19-20t đọc Bóng đè như tra tấn, không phải vì câu chuyện ấy lạ với mình nên như tra tấn, mà vì nó thường, nên hồi lâu lắm đã mang cho vào quán của bạn, không có ở nhà để đọc lại, đọc lại để lý giải tại sao HTM chọn Bóng đè; lâu lâu sau đó mình mới lên quán bạn cầm về để đọc lại được] nên chưa phải lúc sờ đến Nevermore 


và đúng là không đúng thời điểm thật, nếu 3 năm trước đọc. Đọc sách viết về những quyển sách, sách nhận định phê bình thì chỉ nên đọc khi đã đọc đủ nhiều các quyển sách, tác giả là đối tượng của nghiên cứu, phê bình. Nên lúc này đọc mới là đúng; đây cũng là quyển thứ 2 trong thời gian gần đây mình đọc liên quan đến lý thuyết văn học, nghiên cứu phê bình [quyển kia là Các khía cạnh của tiểu thuyết - Forster]


ngay những trang đầu tiên, người đọc biết mình đang đọc một công trình nghiên cứu mang tính học thuật [dẫn nguồn, gắn danh sách các sách tham khảo rõ ràng, index] nhưng không cứng nhắc như tài liệu giảng dạy, điển phạm [ở đây mình lại gặp Hoài Thanh được nhận định là cây bút phê bình Thơ Mới số 1, không thể chịu được câu này, khổ thân tú]; tác giả HTM viết thoát khỏi tính tỉ mỉ liệt kê không cần thiết, không ề a dài dòng, có nhận định cá nhân, đôi chỗ ta nhìn thấy một nụ cười khuất sau các câu kết [sự hài hước luôn thiếu trong vhvn và nhất ở nữ]


cái nhận được nhiều là ở phần 1 Nghiên cứu, trong đó các ý chính trong 2 tiểu luận Nguyên lý thơ, Triết lý về soạn tác của Poe đều đã được nói ở đây, phần Nghiên cứu ngả về Poe thơ hơn Poe văn xuôi, nhất là bài viết xếp Poe - Baudelaire - Hàn Mặc Tử [trong đó Hàn Mặc Tử là ảnh hưởng gián tiếp Poe qua Baudelaire, theo nhận định của tác giả]; bài viết này đã xoáy vào vai trò của hiệu lực cảm xúc [emotional effect] trong văn bản, chính nó đưa đến sự lây lan cảm xúc [contagion affective], bầu không khí tinh thần mà văn chương nghệ thuật tạo ra - là thứ tôi mong muốn, chứ không phải những lý thuyết văn học, phân tích kỹ thuật - một người đọc văn chương thuần tuý như tôi không cần học thuật để làm gì, chúng tôi càng ít tiếp xúc học thuật thì càng được bảo đảm niềm vui thuần tuý việc đọc văn chương của mình hơn 


ở bài về Poe văn xuôi, HTM thu hẹp phạm vi nghiên cứu dù đã chia Poe thành 3: kinh dị, trinh thám và rối loạn tâm thần [tôi thì làm 4, với tôi là phải có Poe tiên tri, thậm chí nhỏ nữa, tôi còn muốn 5, thêm Poe hài hước], nhưng chỉ chọn viết về Poe rối loạn tâm thần qua 3 truyện được đọc rộng rãi: Trái tim kể tội [ngay khi đọc một vệt Poe được dịch, tôi đã để ý chi tiết sách của nhà nào dịch đúng tên truyện The tell-tale heart thì tôi đọc nhà đó trước, và như thế quyển của Thư book lấy luôn tên Trái tim thú tội, tôi đã đẩy xuống dưới danh sách đọc luôn, nó chỉ đứng trên quyển của Trường Phương thôi hic], Con mèo đen, Thùng rượu Amontillado; ở đây rất tiếc vì tác giả đã không lấy thêm William Wilson vào [chính truyện này điển hình cho người kép, nó cũng gần với một giai đoạn cuộc đời Poe, tất nhiên không phải duy nhất, nhưng nó là điển hình, mà từ đó ta đặt Dostoievski chịu ảnh hưởng của Poe cũng không có gì lạ]


về trường hợp Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu mà tác giả HTM chọn dùng lăng kính Poe Triết lý về soạn tác để soi nghệ thuật kể chuyện, tôi thấy Bóng đè quá được ưu ái, tôi hay nói đùa rằng dùng dao mổ trâu giết gà. Tôi đã mất công đọc lại Bóng đè để nhìn theo hướng của tác giả, nhưng không cố nổi. Ở đây, qua Triết lý về soạn tác và bài phê bình sách của Nathaniel Hawthorne, Poe đặc biệt nhấn vào giọng/giọng kể [tone] và đưa ra 3 sự kết hợp:

- cốt truyện bình thường, giọng kể đặc biệt

- cốt truyện đặc biệt, giọng kể bình thường

- cả cốt truyện và giọng kể đều đặc biệt


HTM nhìn Bóng đè là trường hợp 3, và chỉ rõ dùng từ "đặc biệt" là chưa sát, mà mượn chữ của Poe "ám gợi" [suggestiveness] - yếu tính của thi ca; nhưng tôi lại thấy những gì được sử dụng trong Bóng đè thiên về "ám chỉ" [allusion] hơn "ám gợi"; từ xưa tôi không phủ nhận câu chuyện của Bóng đè là một câu chuyện lạ trong môi trường vhvn thời điểm ấy, có những đoạn viết thực sự lên đồng, từ ngữ dùng những đoạn đó ăn nhập như được lộc để viết, nhưng cơn lên đồng qua nhanh và hết cơn thì nó khiên cưỡng, gượng ép, rời rạc; Bóng đè cũng là truyện ngắn được viết tốt nhất trong cả tập truyện. Phần cuối của bài viết này, tiểu mục Khi trí tưởng tượng nằm trong giới hạn của hiện thực, không chỉ nhắc đến Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Huy Thiệp [cùng những ẩn dụ chính trị quan hệ tq-vn] mà còn dẫn Vụ án, Hoá thân của Kafka [nhất là khi nhìn 2 tác phẩm của cùng tác giả nhưng, 1 trong giới hạn của hiện thực và, 1 xoá bỏ ranh giới hiện thực ngay từ đầu; 1 ví dụ quá rõ ràng] và một nhận định của Dostoievski của tôi về Poe: "ông gần như luôn chọn hiện thực hiếm hoi nhất và đặt nhân vật của mình vào trong tình huống quan tâm khách quan nhất". Đây là một bài viết, phải dùng viết tốt; tôi rơi vào trúng tình cảnh đánh giá bài phê bình viết tốt hơn đối tượng bài phê bình nhắm đến


[phần nghiên cứu có 1-2 lỗi trình bày (trong đó có 1 lỗi lặp nhiều), phần dịch thuật riêng ở bài Con quạ đã có khoảng 3 lỗi typo, 1 lỗi chính tả (clasp - siết được để xiết, đây chắc là cách viết của HTM, TĐ giữ nguyên); mục lục viết Vharles... với sách chuyên khảo thì thế này là ok rồi]






serfdom

 





15 năm quyển sách trong nhà nay mới mở ra đọc tiếp từ trang đánh dấu, rồi nghĩ thế nào đọc lại từ đầu; ngáp từ sáng tới giờ như nghiện. Cái gì tiến tới tuyệt đối cũng méo mó, tự do tuyệt đối hay kiểm soát tuyệt đối [toàn trị] cũng đều điên rồ như nhau; nhất là luận điểm cốt yếu ở đây: tự do và/gắn với hệ thống kinh tế, đặt vấn đề và kết cho nó thì dễ dàng hơn quãng đường đi từ 2 mốc này đến nhau; cái này không nằm trên trang giấy được, trên trang giấy tưởng là chặt chẽ học thuyết, đóng lại đã thành thực tại như mèo mửa, nói gì trên trang giấy còn lỏng lẻo và nhiều lỗ hổng


vậy là đã 80 năm kể từ lần đầu nó được một nhà xuất bản nhận in sau khi liên tiếp qua tay 3 nhà từ chối. Ở Vn, lần xuất bản đầu năm 2009 [trước đấy thấy bảo có bản dịch, mà tôi thích tên này hơn: Con đường dẫn tới chế độ nông nô, của Nguyễn Quang A trong tủ sách SOS] và đến giờ quyển sách vẫn được săn đón nhưng ít người đọc, nếu mà đọc Hayek toàn bộ thì chắc chắn chẳng còn được mấy [khả năng cao số ít ấy lại đang không ở Vn, nếu có ở thì ngồi tù khám lớn] 


lạy cụ [lạy cụ này cho câu của L. trích đăng trong ảnh], chính những chính phủ cồng kềnh nhất thể đã biến nhà nước thành địa ngục trần gian khi cho rằng mình đang cố gắng biến nó thành thiên đàng trên mặt đất. Một người suy nghĩ đơn giản và coi nhẹ mọi sự như tôi: tự do phải gắn với kỷ luật, tự do trong prison kỷ luật ấy cho đến khi nó không còn là prison hoặc prison ấy đã thành một phiên bản prison khác cứ xây nên rồi tự huỷ như cơ chế sinh sôi tái tạo và tự huỷ của tế bào trong cơ thể [tôi không chọn Sartre hay Camus, tôi nhìn cả 2]; quan trọng ở đây là liều lượng và đúng thời điểm

27.5.24

nguyệt cầm nhị hồ





nghe Nguyệt cầm nghĩ ngay đến Tỳ bà hành - tính nhạc trong thơ, nhạc nhớ người, sự tương giao giữa các giác quan...; Nguyệt cầm của Xuân Diệu chịu ảnh hưởng của trường phái thơ tượng trưng Pháp, ở đây là Baudelaire [nó là một điển phạm, nhiều bài phân tích, tìm là thấy] 


Xuân Diệu còn có một bài nữa - Nhị hồ, đề tặng Thạch Lam, cũng có màu giống Nguyệt cầm nhưng Nhị hồ bị 2 câu liền nhau trong khổ thơ ngang phè chằn chặn với nhau làm mình thấy nó không tự nhiên thơ nên không thích; nhưng bài ảnh hưởng Baudelaire nhất, là Huyền diệu 


tập Xuân Diệu, thơ và đời trong ảnh có một nửa là Chuyện thơ và chuyện đời [tập hợp các bài viết của bạn thơ, người thân về Xuân Diệu và thơ Xuân Diệu; có cả em trai Xuân Diệu, Xuân Sanh bút danh Tịnh Hà, ở đây có trích mấy đoạn tự truyện của Tịnh Hà viết về anh trai Xuân Diệu; và tất nhiên ở đây kiểu gì tôi cũng lại gặp Hoài Thanh Hoài Chân của Thi nhân Việt Nam hic] và một nửa với tên Xuân Diệu, một chùm thơ; đúng là một chùm thơ, một chùm, vì chính ở đây tôi không thấy Nguyệt cầm Nhị hồ, thế mới ác. Tuyển tập này do Lữ Huy Nguyên tuyển chọn, thấy bảo thơ Xuân Diệu mà đủ thì phải ở Tuyển tập Xuân Diệu 3 tập


tôi rất bình thường với thơ Xuân Diệu, nỗi ác cảm gắn với văn học nhà trường, cứ ai từng được đưa vào sách giáo khoa là sau đó, tôi tiếp nhận theo lối miễn cưỡng


26.5.24

nhược




cụ Nguyễn Văn Vĩnh đặt tên con trai Nguyễn Nhược Pháp và người con này mệnh yểu [đấy, trết vì chữ nghĩa, cái chữ "nhược"; NNP bị lao hạch]; mình đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp vì lẽ mình hay thích để ý thơ của những người mệnh yểu [🙏🏻], đặc biệt là những hồn thơ phát tiết khi tuổi đời còn rất trẻ; tuổi trẻ gắn với trí tưởng tượng và đi [lạc], khi đã dày dạn, trí tưởng tượng dần mất đi và người ta đã biết đến quá nhiều khuôn định, đến nông nỗi tuột mất ân sủng đi và lạc lúc nào không hay


tập Ngày xưa của Nguyễn Nhược Pháp mình không thích bài thơ nào, bài Chùa Hương mình còn không thích lấy một ý thơ nào, thế mới đau. Có bài Mỵ Ê - nàng Mỵ Ê của Việt Điện U Linh và Lĩnh Nam chích quái thì mình còn đọc được 2 lần [với bài Giếng Trọng Thuỷ (không phải bài Mỵ Châu), với bài Nguyễn Thị Kim khóc Lê Chiêu Thống]


25.5.24

Poe thơ [Poe Poem Poet Poetry]










Poe mất mẹ khi mới hơn 2 tuổi; sau đó được nhận nuôi và người mẹ nuôi qua đời khi Poe 20 tuổi [chưa kể một người mẹ của bạn học mà Poe gần gũi, sau này Poe viết To Helen]; ngay cả khi đã ngoài 30 tuổi, để vào giấc ngủ Poe vẫn cần người cô cầm tay an uỷ - người cô này cũng chính là mẹ vợ của Poe; Poe lấy vợ khi vợ có 14 tuổi, chỉ khoảng 25 tuổi cô qua đời vì lao


Poe là người có đầu óc tư duy của nhà toán học, vật lý học, hoá học... con người thuộc khoa học tự nhiên; những truyện của ông vận dụng rất nhiều tính toán khoa học, có truyện như tiên tri, nó đi trước kiến thức khoa học thời điểm ra đời từ vài năm tới, thậm chí 40-50 năm [trong một truyện ngắn tên Lá thư bị đánh cắp, nhân vật chính phải đi tìm một lá thư do một nhà toán học kiêm nhà thơ lấy cắp và giấu, Poe thông qua đó phát biểu về nhà toán học, nhà thơ và cả 2 chức danh này chập vào một người]; việc mất những người mẹ từ sớm đã đưa vào truyện ngắn, thơ của Poe những cái chết của người phụ nữ trẻ, của người đàn bà đẹp - nó trở thành chủ đề sầu muộn nhất và chứa chan thi hứng nhất, nỗi u buồn ngọt ngào nhất cũng chính bởi nó khó chịu đựng nhất


trong bài thơ Lenore 1843 Poe từng dùng điệp từ "nevermore" [và cả tên Lenore] - từ đã trở thành bất hủ trong bài thơ 2 năm sau đó The Raven [ngoài ra còn nothing more, evermore], bài thơ này trở thành kinh điển còn bởi hơn 1 năm sau Poe viết tiểu luận Triết lý về soạn tác - văn bản cung cấp lượng lớn thông tin về bài thơ The Raven, cách gieo vần, nhạc tính, nhịp, nghịch âm, tại sao lại là quạ mà không phải vẹt dù cả 2 loài đều nói được tiếng người, tại sao chỗ này là từ này mà không phải từ kia, từng bước sáng tác bài thơ etc. [Poe không nói gì đến ảnh hưởng của một bài thơ cách đó 20 năm của William Henry Leonad với điệp khúc I'll ne'er forget - no - never cũng như cái tên Lenore và Leonad; hay 1 bài thơ của tác giả khác đăng báo cách đó 5 năm tên The Raven; Or The Power of Conscience và con quạ ở đây không nói nevermore mà nó kêu tên người chết] tất nhiên sự thật chỉ có Poe biết, nhưng tôi nghĩ một người làm thơ khi nống lên của cảm xúc, người ta không tính toán được như Poe đã viết trong tiểu luận về quá trình viết The Raven của mình; khi lý giải ngôn từ mình dùng, có thể người ta đang tìm cách xoá vết, xoá đi cách thức truy nguyên ý, bởi không phải lúc nào mọi thứ ta nghĩ cũng bình thường, nhất là người nghiện rượu nghiện thuốc phiện và rối loạn tâm thần như Poe. Điệp từ ở 2 bài thơ này là "died so young" "nevermore" "nothing more" "evermore" đầy tang tóc, thậm chí quái lạ của mất mát; nhưng đến bài Annabel Lee với điệp từ "by the sea" rất hợp âm với Annabel Lee và âm của nó trong trẻo, thanh thoát, có gì đó cổ tích, hoài cổ như mối tình thơ trẻ của đôi trai gái trong bài thơ, thì tôi cũng có ít tin cậy rằng đây là tính toán tỉnh táo của Poe về việc lặp điệp từ ở đâu [chứ tại sao lại lặp by the sea thì tôi vẫn nghĩ nó không thuộc suy nghĩ, nó ở ngả vọt của cảm xúc]


tính tiên tri về chính mình và các hiện tượng ở Poe qua các truyện ngắn về những người phụ nữ đẹp trết trẻ [Ligeia, nhà Usher, Eleonora... Poe rất hay lấy tên người làm nhan đề - trong văn chương, việc này với tôi có mặt mạnh là nó không cung cấp thông tin gì về cái ta chuẩn bị đọc ngoài việc chắc chắn tên người ấy chính là tên nhân vật chính hay đối tượng chiếm vị trí cảm hứng, không cung cấp gì nên càng phải đọc], cùng thơ Lenore 1943, The Raven 1945, 2 năm sau The Raven người vợ trẻ của Poe qua đời. Việc Poe viết thư xin cầu hôn, tìm kiếm một người vợ sau đấy diễn ra với nhiều phụ nữ; với con mắt của người quái gở như tôi, nó giống như tìm một người phụ nữ khác hoá kiếp vào tay thần chết. Sáng nay ngồi chép The Raven tôi đã nghĩ thế, cũng chính bởi đó là kết cục của một truyện ngắn tên Ligeia của Poe; nghĩ thế rồi tôi tự thấy mình tai ác vì chính tôi ở vị trí mang mặc cảm yêu ai có thể là cầm tay người đó hiến cho thần chết; là tôi đã trải qua việc ấy nên nghĩ về việc xin cầu hôn của Poe như thế hay truyện ngắn của Poe như thế làm tôi nghĩ về hành động của Poe như thế

[...]


bản The Raven này tôi theo web poetry foundation; định cả To Helen, Lenore, Annabel Lee, The bells... nhưng lâu không ngồi viết, nay ngồi bàn viết lách có tí đau đốt sống cổ, run hết cả tay như bọn nhi đồng mới tập cầm bút chì í 🙄

24.5.24

Poe






quyển sách nhìn lởm khởm mà lại có rất nhiều cái để lưu ý; tác giả của nó Jacques Cabau là một người có lẽ chuyên viết lời giới thiệu sách và thế nào quyển này ngoài chuyện là một quyển tiểu sử về Poe thì còn có xu hướng phê bình nhận định không chỉ Poe mà còn Baudelaire - người dịch, đưa Poe vào Pháp [Balzac thì là nhà in còn Poe, Maupassant thì tờ báo, trong các truyện của Poe báo chí xuất hiện nhiều, thậm chí được xem là căn cứ để truy vết]

sách cấp nhiều câu hỏi để tiếp tục đọc mà dịch và biên tập chán quá; đọc tiếng Pháp thì không đọc được mà tiếng Anh thì chưa ai dịch từ Pháp qua Anh cho đọc 


trên đường tìm kiếm thi thoảng tôi phải đọc lướt tiếng Pháp, buồn cười lắm tôi toàn đoán mò vì tôi biết ít xịt từ; nhưng không may là tôi toàn đoán trúng, chứ may thì tôi trật rồi, trật thì tôi mới chịu tra từ, chán


20.5.24

tiếng sấm giội

 



hoá ra tác giả Shinkai Makoto là một nhà làm phim anime nổi tiếng [tôi mới xem 1 trang w2w nào đấy điểm mấy bộ anime của tác giả nên mới biết]; nên phần lớn các tiểu thuyết/truyện xuất bản đều được tác giả chuyển thể từ anime. Khu vườn ngôn từ cũng vậy, chắc chắn là có nhiều khác biệt so với anime, chuyện thường gặp; tôi vẫn luôn không làm sao cảm được qua cái nhìn cái xem, ví dụ tất cả những tâm tư này tôi cảm được qua văn xuôi qua thơ, thì với cái nhìn cái xem (phim) tôi cảm tri về nhân vật thế nào, thật là không được thoả với tôi


kết cấu truyện mỗi chương đứng một nhân vật xưng "tôi" hoặc là người kể chuyện, duy nhất có chương cuối là 2 nhân vật chính đứng chung một chương và ở mỗi đoạn lại đứng "tôi"; cuối mỗi chương là một bài thơ/khổ thơ trong Vạn diệp tập [ngoài thơ còn có dịch nghĩa, hoàn cảnh tác giả bài thơ sáng tác] rất hợp không khí của chương ấy - mà cuối sách Lời tác giả có nói, ra là có riêng một người đã giúp việc chọn thơ trong Vạn diệp tập để phù hợp với câu chuyện của từng chương [đọc xong quyển truyện tôi cũng muốn mua Vạn diệp tập về đọc]


cũng trong Lời tác giả, Shinkai Makoto có nhắc đến khái niệm "tình yêu" trong tiếng Nhật hiện đại, đại để nó là "ái" hay "luyến", còn ngày xưa là "cô bi" - nỗi buồn một mình; và Khu vườn ngôn từ được tác giả dựng theo nghĩa cổ điển này, câu chuyện về một tình yêu "cô bi" mang màu sắc xa xưa hơn tình yêu "ái", miêu tả tình yêu theo khái niệm ban sơ của nó: nỗi buồn khi một mình thương nhớ một người trong hiu quạnh; chính điều này giải thích tại sao tác giả lại chọn trích Vạn diệp tập giữa một câu chuyện diễn ra ở thời hiện đại [tất nhiên nó phù hợp vì nhân vật chính là giáo viên ngữ văn/cổ văn] vì thời đại của Vạn diệp tập cách đây khoảng 1300 năm, tình yêu nhiều phần là "cô bi" chứ không hẳn là "ái" 


câu chuyện chính ở đây là tình cảm của một cậu học sinh 15 tuổi với cô giáo 27 tuổi, nhưng văn học Nhật hiện đại rất giỏi trong việc lồng ghép từng nhân vật phụ [tư duy cuộc sống, văn hoá, suy tư...] - hai con người vô tình gặp nhau trong công viên vào ngày mưa để tránh thực tại, rồi từ đó như thầm hẹn vào ngày mưa sẽ xuất hiện, mỗi người họ tìm thấy nhau là nơi bình yên của mình ở đây, vào những ngày mưa. Mạch chính này mượn cách xây dựng tình yêu "cô bi", tác giả đã có một chiến lược văn bản và ý định rất rõ ràng của một nhà làm phim: viết về nỗi khao khát một ai đó, một điều gì đó trong cô độc; có lẽ đó là cảm hứng để dựng nên Khu vườn ngôn từ


đây là sách đọc một lần, tôi phải ngưng đọc Poe quái gở của tôi ít ngày vì từ hôm đọc Poe, tôi ngừng mơ; nếu không có mơ, tôi không biết tỉnh thì sống sao. Nietzsche nói: we use up too much artistic effort in our dream; in consequence our walking life is often poor; nhưng tôi nghĩ tôi không hoang phí hay dùng gì ở đây vì tôi không có gì để dùng để hoang phí; tôi chỉ nghĩ đơn giản có thể khi đọc Poe tôi đã ở phase nghịch chiều, tức là khi thức thì ở trong thế giới sáng tạo đến quái gở ấy quá nhiều, thành ra khi ngủ tôi lại thực sự nghèo nàn, chưa kể suốt những ngày vừa rồi đọc Poe tôi luôn tỉnh giữa đêm với ý nghĩ: mình đã quên một điều gì quan trọng mà mình đã phải rất cố gắng rất trân trọng mới có được vậy mà khi có được thì mình lại bỏ quên nó; rõ ràng là tôi đã bỏ quên điều gì đó quan trọng mà tôi biết là tôi quên, tôi biết là quan trọng nhưng tôi không biết đó là gì; điều này tra tấn tôi suốt gần 2 tuần qua, nhất là ngày tôi leo núi, tôi vẩn vơ nghĩ mãi về cảm giác tỉnh giấc giữa đêm suốt những ngày đã qua và việc ngủ mà không mơ thì lấy gì tung và hứng cảm xúc qua các bộ lọc; rất khổ sở. Nên như tôi hiểu mình, đơn giản là tôi phải đọc một cái gì khác, thế là nhìn thấy bìa sách màu xanh [top 3 xanh lá, vàng, xanh dương... chúng có tác dụng an uỷ thần kinh và giấc ngủ] và cái tên Khu vườn ngôn từ [nghe Vườn ngôn từ hay hơn nhỉ] nên tôi mở ra đọc, hoá ra trúng cái mình đang thiếu 


tiếng Việt rất hay, nếu giáng từ trên xuống theo nghĩa mạnh thì sẽ là "giội", nhưng hất từ dưới lên và mang nghĩa tương tác bật trở lại thì sẽ là "dội". Ở trong quyển truyện này, hình ảnh tiếng sấm giội là cái báo hiệu cơn mưa, 2 nhân vật chính rất mong chờ, gần như cầu nguyện tiếng sấm ấy [vì mưa thì họ sẽ làm như vô tình lại gặp nhau] và một bài thơ trong Vạn diệp tập gắn với hoàn cảnh của họ, đều được in là "dội" "ầm ì sấm dội/cuồn cuộn mây trôi/mưa rơi chăng tá/để ta/lưu người" ... "dẫu sấm không vang dội/dù mưa/chẳng tuôn rơi.../chỉ cần em mong muốn/thì ta sẽ chẳng rời" [phần dịch thơ của dịch giả truyện, không biết tập Vạn diệp tập xuất bản dịch hay không nhỉ, tôi tò mò quá]

định lấy tên văn bản là "vũ" nhưng sợ tiểu iêu tên Vũ giật mình, cũng như Quái Nít thích mưa đến mức làm blog tên vũ giật mình... nên lấy sấm :)))); nhưng vẫn thích đặt là mưa hoặc vũ 




10.5.24

tản cư




bộ ba tiểu thuyết về thực trạng tản cư: Đất [Ngọc Giao], Ung thư [Thanh Tâm Tuyền] và Trăng nước Đồng Nai [Hiếu Chân Nguyễn Hoạt] 

Đất trong cái nhìn của những người nông dân đất Bắc, tuyệt vọng bí bách trước thời cuộc tao loạn. Ung thư với những người trẻ lựa chọn mỗi người một con đường một ý thức, như bầy chim mất tổ và vỡ mộng; tính chất vỡ mộng tạo không khí dồn nén ngột ngạt lùng bùng ung nhọt muốn phá văng thực tại. 


còn Trăng nước Đồng Nai, có lẽ là tiểu thuyết mang dân tộc tính nhất trước giờ tôi đọc trong chủ đề đất nước ba miền Bắc Trung Nam, mà chủ yếu ở đây là 2 đầu Bắc Nam [một người lười tìm hiểu lịch sử như tôi, có thể phải tìm cách tiếp cận lịch sử qua tiểu thuyết, nhưng không phải tiểu thuyết lịch sử]. Truyện xoáy vào mạch chính, chuyện tình của một anh giáo 36 tuổi người Bắc di cư vào Nam với một cô gái đôi mươi người Biên Hoà, lấy mạch truyện ấy để thâu những cái nhìn về thời cuộc, lý tưởng, chế độ của con người Việt Nam bất kể họ là người Bắc kì hay người miền Nam Việt Nam tự nhận mình là người Việt và gọi người Bắc là người Bắc "ngoải vào" "di cư" hay người ngoại kiều. Với mạch xoáy chính như vậy nên không khí truyện không mang cái tuyệt vọng triệt lộ của Đất, cũng không vỡ mộng bệnh tật phá văng của Ung thư, mà nó mang không khí của trăng nước gió liễu, cái nhìn muốn hiểu muốn cảm thông nối liền hoá giải để mỗi người lại xanh cây bén rễ có cội rễ một lần nữa 'xây tổ'; cũng chính vì mạch chính như vậy nên những gì cần thiết đã được cài cắm vào xuyên suốt các đầu chương, câu thoại, suy nghĩ của các nhân vật; thành ra đoạn kết viết dồn quẩn, tác giả không còn tính đến tham vọng giải quyết tới cùng tâm lý các nhân vật chính [dù nhân vật chính Cẩn là nhân vật luôn không cần giải quyết gì, một nhân vật quá tĩnh vì đi qua cầu rồi] hay tham vọng một cái kết khép lại 2 chương áp chót nhiều biến chuyển... dường như những gì cần thể hiện cái nhìn và thái độ trước bối cảnh lịch sử như vậy đều đã được viết ra hết rồi. Quyển Trăng nước Đồng Nai khó lòng được xuất bản chính thức bất kỳ ở ngạch nào, với những quan điểm và cái nhìn thực tại về chính trị, lịch sử của nhân vật trong truyện cũng như câu chuyện được kể về những con người tản cư di cư... khó lòng thoát kiểm duyệt vì nó bộc lộ quan điểm rõ rành quá [về Hiếu Chân Nguyễn Hoạt có thể tìm được một số bài viết, thông tin trên internet, khó lòng xuất bản Trăng nước]


Trăng nước Đồng Nai là QSKB trong CTXB 2023 của XBK. Tôi đã mong đợi QSKB kì này là Khái Hưng Chàng Lẩn Thẩn chẳng hạn, nhưng khi nhận được sách là Trăng nước Đồng Nai tôi có chút ngạc nhiên; đầu tiên là phải mở bìa vào trong mới biết tên quyển sách, 10' sau vô tình chụp ảnh sách tôi mới nhìn bìa sau và biết tên sách được in ở bìa sau cùng một loạt tên tác phẩm tác giả [giống trang cuối và trang bìa sách trước 75 in giới thiệu tác phẩm chuẩn bị ra mắt etc.], khi nhìn thấy bìa sau và nhìn dàn trang thì biết, quyển sách đã không liên quan với phong cách sách XBK trước đó. Đây là quyển thứ 2 [Nàng tình nhân hờ của Balzac là quyển 1], sách XBK có cách dàn trang này, nhiều dòng trong Trăng nước Đồng Nai nhìn tưởng đang đọc thơ [Nàng tình nhân hờ khổ sách rộng hơn nên dàn trang nhìn không lộ] vì cuối mỗi dòng nhìn trượt từ trên xuống là lố nhố thò ra thụt vào; văn bản được chỉnh sửa chính tả theo lối hiện hành nhưng còn sót nhiều, lỗi typo [sót tổng khoảng 30-35 lỗi, chưa kể những lỗi văn bản viết hoa viết thường không thống nhất; và 1 chỗ nhầm tên nhân vật, 1 chỗ nhầm chàng/nàng khả năng bản gốc đã nhầm]


nên tôi có nói đùa với một người bạn sách rằng: bộ ba Đất - Ung thư - Trăng nước Đồng Nai [tôi liệt kê theo trình tự thời gian 3 tác phẩm xuất hiện trở lại với trình hiện đang có] không thoát được nước cờ của định mệnh, tiếp tục gặp những chao lắc của lịch sử [ở đây là lịch sử nhà xuất bản]. Đất ra đời lúc khép lại giai đoạn chưa kịp bung nở của nxb mới chào sân Thời Độ [bẵng đi, gần đây Thời Độ đã trở lại với 2 đầu của Bernard Shaw thì phải]; văn bản đã được xử lý bởi những người quá non tay [mà ngay khi đọc xong quyển sách, tôi nghĩ tại thời điểm mình đọc xong, tôi có lẽ còn hiểu văn bản hơn những người tạo ra nó; tôi đọc nó 1 lần, thò bút sửa 1 lần, soát lại sửa 1 lần nữa; rồi tôi chỉ biết kêu với người tôi nghĩ sẽ giải quyết được vấn đề, để thu sách về, không thành một thảm hoạ xuất bản; tôi hay đùa rằng Đất bị như thế "lỗi tại thằng đánh máy"] nên không đủ tiêu chuẩn để lưu hành, sau này nếu ai đó có phổ biến rộng văn bản Đất đó, thì sẽ thành vết loang nhơ của xuất bản tiếp tục nhân lên; thế nên số lượng Đất bị phát tán không nhiều, cũng có cái may. Ung thư ra đời lúc XBK ở điểm nở đẹp, mọi thứ đi theo chuyển động đúng, nhưng là QSKB nên số lượng không nhiều. Trăng nước Đồng Nai lại thụt đúng khấc chuyển giao nxb, quyển sách có lẽ lại được làm bởi những người chưa đủ kinh nghiệm, làm vội và vẫn với số lượng của QSKB nên cũng không nhiều. Rốt cuộc ít được biết đến vẫn là ít được biết đến, bắt gặp định mệnh trên đường chạy khỏi định mệnh, những con cờ trong bàn cờ số phận, nhìn được nước mở nhưng không đoán được nước kết; thôi thì giật một nước cờ...


"thôi về đi, tôi buồn ngủ quá" [TTT]; tôi đi ngủ thực đây 🙂 


9.5.24

phỉ nguyện




xưa lúc quen Xù, mình 26t, Xù 19t; Xù hát trên sân khấu mấy bài quen của TCS, Ngô Thuỵ Miên. Mình chưa bao giờ thích nhạc TCS, dù nghe quá nhiều; nếu để tìm một bài nhạc nào đấy cho mọi thời điểm trong ngày, mọi không gian cùng con người ở đấy thì thường quán xá sẽ chọn bật TCS và đấy là lý do không thích nhưng phải nghe quá nhiều, đi trên đường, đỗ đèn đỏ, dừng mua bán đâu đó etc. người ta đều phải nghe TCS


trong khoảng 5 năm trở lại đây, Xù hát Phạm Duy nhiều. Cậu ta hay nói: Phạm Duy độ em. Nhạc Phạm Duy mình không phải không thích, bình thường thôi vì mình ít nghe nhạc; nhưng Xù hát cho nghe nhiều, dần dà cảm thấy bài nào của Phạm Duy cũng quen thuộc cũng từng nghe đôi ba lần [kể cả chuỗi bài tục ca của Phạm Duy]


có 2 điều mình ấn tượng Phạm Duy. 1 về con người nghệ thuật. 1 về con người đời sống. 1, ông ấy phổ nhạc quá tài tình, tài tình ở đây mình dùng mang nghĩa ông sẵn túi nhạc như trời phú cho; bất kể cái gì đọc được như thơ như một câu chuyện hay một sự kiện trong đời, túi nhạc ấy mở ra, thế là các nốt nhạc nhảy múa trên từng sợi dây đàn; có những bài thơ không hề kém hay, nhưng nó bị thiếu bị gò quá về nhịp dù từ ngữ ý thơ đã đủ kéo lại rồi, nhưng thơ mà gò nhịp thì đuội đuột, như thơ Minh Đức Hoài Trinh đi, 2 bài: Kiếp nào có yêu nhau và Đừng bỏ em một mình - 2 bài thơ sinh ra để được vào nhạc, vì khi thành bài hát, nhạc tính nhịp điệu nâng bài thơ; vậy nên bài hát Phạm Duy phổ nhạc trên thơ ai đó là nhiều vô kể, cấu trúc câu, điệp ngữ nghe có phần nhàm mà mình hay bảo Xù là: Phạm Duy hay lặp cấu trúc đến nhàm, chị không thích - nhưng thành bài hát thì so ra môi trường hoá tính thơ, không đến nỗi nào; ở đây Phạm Duy có nói đến 3 nhà thơ theo ông chiếm vị trí đặc biệt, mình đồng tình 2 cái tên đứng sau: Nguiễn Ngu Í, Bùi Giáng, Nguyễn Tất Nhiên [vì Nguiễn Ngu Í mình ít đọc; 3 con người 3 cái tên như kì hoa dị thảo]


Điều 2 là về con người đời sống. Nhắc đến Phạm Duy là nhắc đến các mối tình, giờ người ta hay dùng scandal, drama đấy và tỏ ý, nhất là phụ nữ, "cùng là nghệ sĩ, chả nhẽ ông nào cũng phải như Phạm Duy, sao không như Ngô Thuỵ Miên đi" :)), mình thì lại thấy có cảm tình với Phạm Duy bởi đa tình nhưng không chối cái đa tình ấy. Bài nào viết cho ai, giai đoạn nào, nhận hết [đấy cũng là một cách khoả lấp sự thật khi không còn có thể lấp được, thì việc nó rồi, sờ sờ ra đấy, ta nhận đi thôi, cuộc sống trình hiện nó thế đấy thôi và sự chính đáng, xác lập một câu chuyện, hoàn cảnh ra đời cảm xúc] và khơi khơi nói chứ không ý tứ úp mở; nữ nhân nào ở trong các mqh với Phạm Duy dù chịu tác động gì từ những khơi khơi ấy, ở một góc nào đấy họ vẫn thấy được trân trọng, có sự định danh của mình trong mqh [dù chỉ là từng, có thể yêu quá hoá...]. Cách sống ấy chính là sống trọn vẹn và tận cùng cuộc sống, như âm nhạc của Phạm Duy lấy tình yêu, âu sầu và cái chết làm 3 mảng màu lớn; cuối cùng thì đó là một cuộc sống phỉ nguyện [phỉ nguyền] mà ai cũng mưu cầu đó thôi; dám sống là ngon rồi [trần đời tôi kinh hãi với những bộ công cụ đức hạnh phẩm chất quây cuộc sống]


8.5.24

Fabre: Côn trùng ký




 niềm vui mỗi ngày là vào nhóm yêu thích côn trùng đọc các bài viết về côn trùng, các câu hỏi đây là con gì, và ảnh chụp côn trùng đẹp thần sầu quỷ khóc; rồi lâu lâu mở lại tập nào đó Côn trùng ký của Fabre đọc về loài côn trùng vô tình hôm đó được nhìn ảnh đẹp; bộ sách này đã ra tập 8 🙂



2.5.24

Poe




[quyển này làm ẩu]


ban đầu thấy ghi trên bìa là biên dịch, mình hơi rén, nhưng mình vẫn tự tin mở vào trong xem chính bởi ngoài bìa để Edgar Poe, chứ không phải Edgar Allan Poe và bên trong Lời giới thiệu của dịch giả cũng vứt Allan đi [chữ Allan thêm vào tên của Poe thì ai tìm hiểu về Poe cũng sẽ biết chữ đó ở đâu ra, Poe cũng từng học West Point đầy sóng gió :))) người nào đọc trinh thám hiện đại sẽ thấy quen ngay vì người hùng Reacher của Lee Child cùng các nhân vật quân đội đều từ đây mà ra], bên trong thấy ngoài lời dịch giả thì có 2 bài viết ký tên C. B, mình nghĩ chả có nhẽ có luôn 2 bài của Baudelaire à; thế là check ngược thì đúng, đúng là sách có dịch 2 bài của Baudelaire luôn [không thấy sách ghi dịch từ ấn bản nào, chỉ thấy dịch giả nói các truyện được dịch do nxb Trường Phương chọn]. Đó là ấn tượng tốt đẹp mình có với quyển sách trong ảnh


nhiều truyện trùng với những gì được xuất bản trước đấy của Poe ở Vn, điều này dễ hiểu vì cứ Tales of mystery and imagination của Poe thì kiểu gì cũng trùng thôi; mới ngó qua một vài truyện thì thế nào tóm luôn được mấy lỗi typo [có thể nói sách không được biên tập]


nhưng không sao, có dịch 2 bài của C. B - Charles Baudelaire là mình thấy ổn thoả cả rồi [sao mình hiếm khi gọi Baudelaire là Charles Baudelaire]; rồi khi thực sự đọc thì nhận ra, 2 bài này được dịch như gg dịch, quá đau lòng 


ịn 2 cái link vào đây cho tiện:

https://www.eapoe.org/papers/misc1851/1873000m.htm


https://www.sas.upenn.edu/~cavitch/pdf-library/Baudelaire_NewNotesOnEdgarPoe.pdf



1.5.24

tin tức trái đất phẳng






tôi thích đọc trinh thám nhưng cực ghét báo chí tin bài cướp giết hiếp; ghét đọc báo nhưng lại thích đọc tác phẩm báo chí phóng sự điều tra, chẳng hạn như quyển trong ảnh [có những quyển đạt cả 2 sở thích của tôi, như Gomorra, Tokyo vice...]. Tin tức Trái đất phẳng là tác phẩm báo chí điều tra, thu thập, phơi bày các góc khuất của từng bộ phận đưa tin, truyền thông, báo chí toàn cầu - báo chí về chính báo chí. Nick Davies đã phá vỡ luật bất thành văn của Phố Fleet để điều tra chính những đồng nghiệp của mình, bởi nhận ra công việc tường thuật sự thật đã dần bị biến chất bởi việc sản xuất đại trà ra những tin bài dốt nát, giả dối, bóp méo sự thật và đậm luận điệu tuyên truyền - đó là thứ tin tức trái đất phẳng, câu chuyện có vẻ như là thật và được dư luận rộng rãi nhìn nhận là sự thật, trên thực tế chúng sai sự thật, thậm chí rất xa sự thật, cũng giống như quan niệm trái đất này là phẳng


người đề nghị giải Pulitzer [như đã biết, giải thưởng được trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là báo chí và văn học] là Joseph Pulitzer - cựu chủ sở hữu và biên tập viên tờ New York World có nói: "một nền báo chí bất cần đạo lý, đánh thuê, mị dân, tha hoá sẽ dần tạo ra một dân tộc như chính nó"


ảnh chụp kèm các tác phẩm của Nick Davies. Tôi đặc biệt thích những con người điều tra, công việc sách vở nghiên cứu hay bất cứ công việc nào đi vào chiều sâu, thực chất cũng là một hoạt động điều tra đặt chân lại vào những dấu chân, dấu vết còn sót lại, hằn lại trong dòng thời gian, lịch sử; chính vì thế tôi rất thích bộ Cô gái có hình xăm rồng và tác giả Steig Larsson, có thể chính trên bước đường tìm sự thật, chân giẫm quá sâu phạm phải vùng trết không được phạm mà cái trết đuổi kịp Steig Larsson [tôi từng biết một trường hợp phóng viên báo chí Saigon ra HN điều tra lấy tin bài khu vực sông Hồng, bị trết đuối, gia đình không thể liên lạc được sau gần 20 tiếng, chị ấy được tìm thấy gần bờ và ai cũng biết, chị ấy là người bơi rất giỏi suốt hơn 20 năm]


ps. quyển sách này tôi gả đi Saigon 


bồng bềnh




Bọt tháng ngày dựng nên một thế giới siêu thực bồng bềnh những mường tượng đầy chất thơ nhưng mọi sự vẫn luôn như nó vốn dĩ: sự sống hữu hạn, phận người nhỏ bé, chuyện tình thơ mộng đắng cay... tất tật cùng nhau tan như bọt bong bóng - những tồn tại trong một thực tế vô nghĩa, thật Kafka


nửa sau truyện hay đột biến, nhất là trường đoạn Alise xử lý Jean Sol Partre cùng những sách và người bán sách, tất tật đắng cay cuộc tình trong lửa [đoạn này làm nghĩ đến 451 độ F của Ray Bradbury, không biết sao; tôi nghĩ vậy và đi tìm hiểu thì lạc vào trang có bài viết: Translation and the Shape of Things to Come - The Emergence of American Science Fiction in Post-War France và được cấp thông tin Boris Vian, Raymond Queneau và 1 nhân vật nữa, Michel Pilotin là 3 người góp phần đưa tiểu thuyết khoa học viễn tưởng vào Pháp, chính Boris Vian dịch Ray Bradbury luôn], hay đoạn Chick bị viên pháp quan cảnh sát sờ tới gô đi, rất Kafka [Boris Vian ảnh hưởng bởi Kafka trong cái nhìn, tồn tại trong một thực tế vô nghĩa; cũng chính điều này khiến Haruki Murakami được cho là chịu ảnh hưởng của Kafka (không biết Haruki Murakami có đọc Boris Vian không nhỉ, chắc phải có chứ) và thành một nhà văn cấp lẩu "existing in a meaningless reality" cho bao người :p]


Boris Vian là nhân vật oách đấy không chỉ trong vai trò nhà văn, hãy để ý Vian, không chỉ Boris, mà cả vợ Michelle Vian [cảm hứng Chloé của Bọt tháng ngày được lấy từ người vợ], và vòng tròn mối quan hệ, như Raymond Queneau chẳng hạn [chứ đừng ám ảnh quá Jean Paul Sartre, Simone de Beauvoir và Albert Camus; dẫu sau khi biến Jean Paul Sartre thành Jean Sol Partre trong Bọt tháng ngày thì Sartre lại ngoằng luôn vào Michelle - vợ của Boris Vian, cú ngoằng này mang đến cho cuộc hôn nhân của Vian chế độ chuyển phỏm]