20.5.24

tiếng sấm giội

 



hoá ra tác giả Shinkai Makoto là một nhà làm phim anime nổi tiếng [tôi mới xem 1 trang w2w nào đấy điểm mấy bộ anime của tác giả nên mới biết]; nên phần lớn các tiểu thuyết/truyện xuất bản đều được tác giả chuyển thể từ anime. Khu vườn ngôn từ cũng vậy, chắc chắn là có nhiều khác biệt so với anime, chuyện thường gặp; tôi vẫn luôn không làm sao cảm được qua cái nhìn cái xem, ví dụ tất cả những tâm tư này tôi cảm được qua văn xuôi qua thơ, thì với cái nhìn cái xem (phim) tôi cảm tri về nhân vật thế nào, thật là không được thoả với tôi


kết cấu truyện mỗi chương đứng một nhân vật xưng "tôi" hoặc là người kể chuyện, duy nhất có chương cuối là 2 nhân vật chính đứng chung một chương và ở mỗi đoạn lại đứng "tôi"; cuối mỗi chương là một bài thơ/khổ thơ trong Vạn diệp tập [ngoài thơ còn có dịch nghĩa, hoàn cảnh tác giả bài thơ sáng tác] rất hợp không khí của chương ấy - mà cuối sách Lời tác giả có nói, ra là có riêng một người đã giúp việc chọn thơ trong Vạn diệp tập để phù hợp với câu chuyện của từng chương [đọc xong quyển truyện tôi cũng muốn mua Vạn diệp tập về đọc]


cũng trong Lời tác giả, Shinkai Makoto có nhắc đến khái niệm "tình yêu" trong tiếng Nhật hiện đại, đại để nó là "ái" hay "luyến", còn ngày xưa là "cô bi" - nỗi buồn một mình; và Khu vườn ngôn từ được tác giả dựng theo nghĩa cổ điển này, câu chuyện về một tình yêu "cô bi" mang màu sắc xa xưa hơn tình yêu "ái", miêu tả tình yêu theo khái niệm ban sơ của nó: nỗi buồn khi một mình thương nhớ một người trong hiu quạnh; chính điều này giải thích tại sao tác giả lại chọn trích Vạn diệp tập giữa một câu chuyện diễn ra ở thời hiện đại [tất nhiên nó phù hợp vì nhân vật chính là giáo viên ngữ văn/cổ văn] vì thời đại của Vạn diệp tập cách đây khoảng 1300 năm, tình yêu nhiều phần là "cô bi" chứ không hẳn là "ái" 


câu chuyện chính ở đây là tình cảm của một cậu học sinh 15 tuổi với cô giáo 27 tuổi, nhưng văn học Nhật hiện đại rất giỏi trong việc lồng ghép từng nhân vật phụ [tư duy cuộc sống, văn hoá, suy tư...] - hai con người vô tình gặp nhau trong công viên vào ngày mưa để tránh thực tại, rồi từ đó như thầm hẹn vào ngày mưa sẽ xuất hiện, mỗi người họ tìm thấy nhau là nơi bình yên của mình ở đây, vào những ngày mưa. Mạch chính này mượn cách xây dựng tình yêu "cô bi", tác giả đã có một chiến lược văn bản và ý định rất rõ ràng của một nhà làm phim: viết về nỗi khao khát một ai đó, một điều gì đó trong cô độc; có lẽ đó là cảm hứng để dựng nên Khu vườn ngôn từ


đây là sách đọc một lần, tôi phải ngưng đọc Poe quái gở của tôi ít ngày vì từ hôm đọc Poe, tôi ngừng mơ; nếu không có mơ, tôi không biết tỉnh thì sống sao. Nietzsche nói: we use up too much artistic effort in our dream; in consequence our walking life is often poor; nhưng tôi nghĩ tôi không hoang phí hay dùng gì ở đây vì tôi không có gì để dùng để hoang phí; tôi chỉ nghĩ đơn giản có thể khi đọc Poe tôi đã ở phase nghịch chiều, tức là khi thức thì ở trong thế giới sáng tạo đến quái gở ấy quá nhiều, thành ra khi ngủ tôi lại thực sự nghèo nàn, chưa kể suốt những ngày vừa rồi đọc Poe tôi luôn tỉnh giữa đêm với ý nghĩ: mình đã quên một điều gì quan trọng mà mình đã phải rất cố gắng rất trân trọng mới có được vậy mà khi có được thì mình lại bỏ quên nó; rõ ràng là tôi đã bỏ quên điều gì đó quan trọng mà tôi biết là tôi quên, tôi biết là quan trọng nhưng tôi không biết đó là gì; điều này tra tấn tôi suốt gần 2 tuần qua, nhất là ngày tôi leo núi, tôi vẩn vơ nghĩ mãi về cảm giác tỉnh giấc giữa đêm suốt những ngày đã qua và việc ngủ mà không mơ thì lấy gì tung và hứng cảm xúc qua các bộ lọc; rất khổ sở. Nên như tôi hiểu mình, đơn giản là tôi phải đọc một cái gì khác, thế là nhìn thấy bìa sách màu xanh [top 3 xanh lá, vàng, xanh dương... chúng có tác dụng an uỷ thần kinh và giấc ngủ] và cái tên Khu vườn ngôn từ [nghe Vườn ngôn từ hay hơn nhỉ] nên tôi mở ra đọc, hoá ra trúng cái mình đang thiếu 


tiếng Việt rất hay, nếu giáng từ trên xuống theo nghĩa mạnh thì sẽ là "giội", nhưng hất từ dưới lên và mang nghĩa tương tác bật trở lại thì sẽ là "dội". Ở trong quyển truyện này, hình ảnh tiếng sấm giội là cái báo hiệu cơn mưa, 2 nhân vật chính rất mong chờ, gần như cầu nguyện tiếng sấm ấy [vì mưa thì họ sẽ làm như vô tình lại gặp nhau] và một bài thơ trong Vạn diệp tập gắn với hoàn cảnh của họ, đều được in là "dội" "ầm ì sấm dội/cuồn cuộn mây trôi/mưa rơi chăng tá/để ta/lưu người" ... "dẫu sấm không vang dội/dù mưa/chẳng tuôn rơi.../chỉ cần em mong muốn/thì ta sẽ chẳng rời" [phần dịch thơ của dịch giả truyện, không biết tập Vạn diệp tập xuất bản dịch hay không nhỉ, tôi tò mò quá]

định lấy tên văn bản là "vũ" nhưng sợ tiểu iêu tên Vũ giật mình, cũng như Quái Nít thích mưa đến mức làm blog tên vũ giật mình... nên lấy sấm :)))); nhưng vẫn thích đặt là mưa hoặc vũ 




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét