tôi thuộc phía độc giả cho rằng: rất khó để tránh được sức hấp dẫn những gì Georges Simenon viết; mà làm sao phải tránh :))); chỉ là một cách dài dòng thừa nhận rằng mình rất dễ bị quyến rũ bởi Simenon thôi. Mỗi lần đọc Simenon tôi đều nghĩ: lỏng, phì nhiêu, ướt át, Balzac quá; tôi cũng biết, giờ đây, nếu người ta trông đợi một câu chuyện trinh thám tìm ra hung thủ hay thậm chí lý do vì sao chuyện lại thành như thế... thì hẳn người ta sẽ thất vọng lắm, với Simenon; tôi cũng không hiểu vì sao cứ Georges Simenon thì người ta phải cốp thêm cái dấu "trinh thám" đi kèm, dẫu các truyện trinh thám là nơi người ta được đọc rất nhiều chuyện tình hay, cũng được đọc về hôn nhân, những cảm xúc cảm nhận suy nghĩ trong mỗi cái đầu trong lòng mỗi người được viết được hiểu rất hay [thì chung quy đời này nguyên nhân dẫn đến những án mạng tội ác sai lầm đều là tình - tiền thôi mà] mà viết về những điều ấy thì với tôi, Simenon viết tinh tế quái lắm, đọc lần nào cũng trong hưởng thụ cả
một người hào phóng, có đời sống chuyển dịch sôi động, đời sống tinh thần tình cảm phong phú dồi dào như vậy, viết hẳn là cứ thế tuôn ra, trong lúc định trạng thì cái bung nở ra tự định hình định dạng cho nó văn chương, như một hiển nhiên
quyển Người con không nhớ là quyển thứ mấy của Georges Simenon NN làm; như một bức thư dài người cha - người chẳng có nhu cầu gì nhiều ngoài những quyển sách, viết cho con trai; và đến trang áp chót thì người ta nắm được cái thời khắc khó khăn mà suốt cả hành trình viết của người cha ấy trút ra, giờ mới rõ vì sao; nó rất giống cảm giác bị văn chương của Henry James dắt mũi đánh lừa gây sao nhãng. Tôi nhớ một ngày gần đây, cháu tôi nhìn thấy quyển sách trên tay dì nó đọc có chữ "trinh thám" ngoài bìa, nó nghĩ đấy là những câu chuyện máu me án mạng và nó nói với tôi là i dont want to be killed, to be killed by someone :))) và hỏi sao dì thích đọc trinh thám, sao dì thích đọc các câu chuyện; tôi bảo dì không biết, chỉ là dì thích sự thật, luôn muốn biết sự thật, các câu chuyện luôn dẫn đến mở ra một sự thật ở mức độ nào đấy tuỳ vào việc con có thấy được hay không, nó luôn ở đấy cho mình nhìn thấy cho mình đọc được và truyện trinh thám là một thể loại làm việc í một cách dễ dàng mất ít thời gian hơn. Khi nói với cháu mình xong, tôi ờ nhỉ quá hiển nhiên, vậy đơn giản chỉ là người ta dùng cả đời để tìm kiếm hạnh phúc để được hạnh phúc, còn mình có lẽ thuộc phía đi tìm sự thật và hạnh phúc bởi hành trình đến với sự thật
khi có con, ta có cho mình một người chứng kiến, nói đúng, thì đó là một quan toà; mắt ta nhìn ta phải xứng với mắt ta nhìn vào mắt con ta, những mắt không dung chứa nổi những gì xa sự thật, những mắt ấy biết đâu cũng luôn muốn tìm sự thật về chính nguồn gốc nguyên uỷ xung quanh thế giới gần nhất mà từ đó người ta ra đời. Cẩn thận đấy, vì ta đã không hỏi đứa trẻ ấy, đứa trẻ ấy không được hỏi rằng nó có sẵn sàng đến thế giới bất tiện này không, có muốn làm con ta không etc. Cẩn thận đấy