ngẫm duyên kì ngộ xưa nay
...
Mái Tây để lạnh hương nguyền
cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng
[N. D]
Mái Tây [Tây Sương Ký] là vở kịch của Vương Thực Phủ cuối thế kỷ 13 đầu 14, lấy lam bản là truyện Hội Chân Ký của Nguyên Vi Chi. Hội Chân Ký, ghi lại việc gặp tiên, thực là gặp người đẹp của Vi Chi, có một cái kết vô vọng khác với kết viên mãn của vở Mái Tây 20 chương; còn bản dịch tiếng Việt của Nhượng Tống dịch theo bản gồm các lời bình của Thánh Thán cắt bỏ 4 chương cuối lại cho một cái kết kịch "vô hồi", nhát cắt này làm thành một Mái Tây quá sắc [Thánh Thán cho rằng 4 chương cuối không phải Vương Thực Phủ viết và khi hiệu đính cũng cắt phéng đi, ông cũng thường cắt bỏ những chỗ không giá trị, như cắt Thuỷ Hử từ những đoạn các hảo hán quy phục triều đình]; đến lẽ người đọc không thiết tìm nốt 4 chương cuối, như tôi là tránh thường hoá chuyện tình bên mái Tây của Thôi - Trương; nhát cắt cho dừng đúng ở cảnh ly biệt-hội ngộ trong mơ, lặp lại một mê cung đồ sộ cả đời sống và văn học: thực và mơ - mơ lấy mơ làm thực hay tỉnh lấy thực mà làm mơ - sống như trong giấc mộng và mộng như là sống [cảnh cuối chương 16 người đọc ngỡ giấc mộng của Trương Quân Thuỵ mà làm thực]
Mái Tây của Vương Thực Phủ hay 3 phần thì Thánh Thán bình Mái Tây hội đủ 7 phần còn lại, bình không bằng lý luận mà bằng phép: phép đọc phép viết phép tả... phép này của Thánh Thán với văn chương chữ nghĩa là việc của con Tạo, không phải việc của lý luận phê bình có thể làm được. Một vở kịch nếu để nói cốt truyện thì không nhiều nhặn gì chi tiết, Thánh Thán cũng như Nhượng Tống đoạn 4 chương cuối thì nó là một tấn kịch vô hồi diễn đi diễn lại trong mọi đời, không riêng gì của nhà nào người nào, không riêng gì lứa đôi nào... nó ở tràn các mối duyên kiếp; nàng Thôi ở trong lòng mọi người nữ, chàng Trương ở trong lòng mọi người nam, không phải là giống riêng do thời đại nào tạo nên hay một xã hội nào sản xuất ra; nhưng cái hay của nó là đã tạo ra một thế 3 chân do 3 nhân vật chủ chốt: Thôi Oanh Oanh - Trương Quân Thuỵ - con Hồng như đầu đề - văn - khai thừa chuyển hợp ý... mà chung quy chỉ để vẽ một Thôi Oanh Oanh Song Văn. Tâm lý nhân vật nàng Thôi đài các đa tình tôn nghiêm, quốc sắc thiên hương mà cũng tiết hạnh khả nghi... ở các chương Tán thư - Lật thư - Đáp thư... diễn sao mà lắt léo khéo, nghe nó róc rách lắm, đọc đã hay mà đọc lời bình lại càng mê tơi. Như đã nói, Mái Tây Vương Thực Phủ hay 3 phần thì 7 phần thành toàn nó ở người bình là Thánh Thán; dịch nó 16 chương, đoạn luôn 4 chương cuối, đoạn đúng chỗ đoạn [và dịch cả lời bình các chương của Thánh Thán] là Nhượng Tống [nhìn kho dịch phẩm của Nhượng Tống mà rùng mình, đọc Mái Tây, không biết sao nghĩ đến tình dưới bóng từ bi Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng; chắc vì đều khung cảnh chùa và đều... mơ tiên] một trường hợp đặc biệt trong văn chương VN
sẽ rất hay sờ lại Tây Sương Ký, mà sờ lại đọc lại có lẽ nhiều là vì những bài bình của Thánh Thán và các bài viết khác về Mái Tây; cũng như lần này đọc lại Mái Tây vì nhóm Xuân Thu nhã tập của Đoàn Phú Tứ viết về Thơ quá hay, mượn hình ảnh nàng Thôi thi sĩ ngụ cái tình như và qua thơ còn chàng Trương là thi nhân; thi sĩ truyền lan thi nhân hấp thụ...
trong nhà dần sẽ chỉ giữ những sách ấy, những sách còn có thể mó lại được, tất nhiên, để đọc lại. Chọn hoàn thành ghi chú Mái Tây, có lẽ vì trông trăng tháng Bảy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét