4.6.23

đời sống phòng khách




trong ảnh là ba quyển hài kịch Molière bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh và một quyển bản dịch Tuấn Đô Đoàn Phú Tứ - những tác phẩm dịch tuyệt vời. Chỉ cần đọc một vài hồi kịch của một vở hài kịch Molière thì sẽ hiểu chính những vở kịch này mới đúng Vở kịch con người mà Balzac đã bắt đầu và tiếp tục sau đó về Bourgeois [Nguyễn Văn Vĩnh dùng Trưởng-giả để trỏ thế giới bourgeois]. Molière dựng kịch trên cái nền linh hoạt, sôi nổi [cái sôi nổi ấy có phần công không nhỏ là sự xuất hiện của các nhân vật người hầu (thằng ở - con hầu) - những nhân vật lõi đời khiến các vở linh hoạt đáng kể] mà không thể nói nó xa các tư tưởng triết học. Chúng là bức tranh rộng lớn về triều đình và xã hội lúc ấy, hậu bán thế kỷ 17 đời sống phòng khách nảy nở [Anh chàng ghét đời là rõ nhất] và bốn thế kỷ sau những vở kịch của Molière sống bền bỉ và khoẻ mạnh, hiện giờ, nó vẫn đang đúng từ trong cốt lõi xã hội nhìn rộng ra; có thể nói không ngoa rằng, đúng trên mọi mặt trận phương diện [thí dụ, có những cái nghề Molière tuồng không tiếc đất, như nòi thầy thuốc (Bệnh tưởng) và cũng không chỉ nghề ấy mà "nghề gì là chẳng có tuồng" (gần đây có một truyện, nhạo các nghề cũng tất tay, chính là Cervantes với Tú tài thuỷ tinh, C trắng í)]


chú trọng hai người dịch Molière vì lẽ quá đúng. Tuấn Đô dịch Molière khiến người ta nghĩ đến cái hóm tinh quái sau này sẽ gặp ở Balzac, và tôi cứ nghĩ mãi sao Đoàn Phú Tứ lại không dịch Balzac cơ chứ. Tuấn Đô dịch kịch Molière với đúng bút pháp của nhà viết kịch [các chú thích đặc biệt tỉ mỉ và rất cần thiết], các từ dùng đích danh, xử lý không thể nào tốt hơn, nhất là đoạn "người ta" trong vở Thằng Tactuyf; hai bài viết giới thiệu cũng đặc biệt cung cấp nhiều thông tin, tôi trân trọng lắm, đây là lần thứ 2 tôi đọc quyển kịch Molière Tuấn Đô dịch, tôi đọc lại vì muốn nhìn Molière qua hai dịch giả tuyệt vời, nhìn đồng thời hai dịch giả trong một trường hài kịch. Quyển Thằng Tactuyf xuất bản năm 1974, qua mỗi trang lại thấy thêm trân trọng tâm huyết của người dịch để vào công việc. Nó hoàn toàn có thể dùng thẳng như kịch bản dựng vở vì có những chú thích của dịch giả là để dành cho việc í. Đôi lúc đọc sách xưa, không phải đôi lúc nữa, tôi hay tò mò thì cứ thẳng thắn nhận là nhiều khi-thường xuyên-luôn luôn tôi tự hỏi, con cháu hậu duệ của những người cự phách thế này giờ đã làm gì với di sản họ tiếp nhận, ngay cả kí ức được truyền lại; vì lâu rồi trong quyển Thiên thần nổi loạn do Tao Đàn làm, có dành một bài cuối sách về dịch giả Đoàn Phú Tứ, có nói ông dịch kịch Sáu nhân vật tìm tác giả nhưng chưa kịp in, vài năm sau Tao Đàn có làm Sáu nhân vật đi tìm tác giả nhưng người dịch khác. Quyển kịch Molière này tôi mua 14.02.2020 trong một lần hiếm hoi 20 năm đổ lại đây đi đến hiệu sách cũ; hôm í đi hiến máu và gom mấy việc nên mới ra khỏi nhà; đến giờ tôi vẫn nhớ tôi lấy nó ở giá nào, dù là lần đầu tiên và duy nhất đến hiệu sách ấy [có anh bạn gửi sách qua hiệu sách nên tôi tiện mua sách luôn], vẫn nhớ vì quyển sách gọi tôi nhưng phải ở lần thứ hai tôi vòng lại góc ấy xem sách tôi mới lấy nó ra để được mua nhiều, chỉ là đi mua sách tôi không thích mua ít, mua luôn thể thì tôi thấy mới bõ công tôi đi; lúc ấy làm sao tưởng tượng được chính hiệu sách ấy về sau lại trở thành đại diện một đơn vị xuất bản làm ra ba quyển bìa trắng trong ảnh


còn Nguyễn Văn Vĩnh dịch Molière thì hẳn người ta không thể không nghĩ đến kịch, mà chắc chắn là hài kịch, vì đọc nó người ta mường tượng ngay vở kịch đang diễn trước mắt, như là Nguyễn Văn Vĩnh dựng vở và sắm vai tuồng luôn [và đúng là từng có sự việc ấy, năm 1920, Nguyễn Văn Vĩnh tham gia đưa vở Bệnh tưởng lên sân khấu Nhà hát Lớn và sắm vai Lang Ế]; và chính trong ngôn ngữ của Nguyễn Văn Vĩnh thì tính nhạo báng của Molière mới hiển hiện trong ngôn ngữ; ngôn ngữ tính tượng hình tượng thanh nó đúng một cách rõ rành rành, tài thế "lấy văn ta dịch văn tây, chẳng qua là mượn một cái ước-thể của mình có sẵn, để mà tả những điều mình chưa tả bao giờ"; có lẽ chính thế mà các thông tin đã được nói rõ ngay khi mở sách, rằng: hài kịch của Molière tiên sinh soạn ra, Nguyễn Văn Vĩnh diễn quốc-âm


không nhắc đến người dịch khác, bởi lẽ rất đơn giản thôi, tôi thấy quá tuyệt rồi, mà như thế thì cần gì thêm nữa đâu. Tôi đặc biệt thích nhan đề Người biển lận; Tuấn Đô cũng dịch L'Avare lấy tên Lão hà tiện [cũng dịch Trưởng giả học làm sang] nhưng lão hà tiện thì không thể nào đúng với nhân vật Hạc-Công; chỉ có thể là Người biển-lận. Có thể nói, nếu vào người dịch khác, không phải Nguyễn Văn Vĩnh, không phải Tuấn Đô Đoàn Phú Tứ thì kịch Molière mang cái nhạo của hài kịch rất khác, có thể nó chỉ là hài kịch để đọc, chứ không thể diễn 


vở tôi thích nhất là Anh chàng ghét đời - người quyết rút ra khỏi cánh rừng [trong đó người với người là lang sói với nhau], ra khỏi một vực thẳm nơi thói xấu hoành hành. Vở kịch này có hai nhân vật chính đối trọng với nhau: cùng nhận thức nhưng hành động, thái độ khác nhau. Có những đặc tính con người mà Molière hay Balzac đã lột tả rất điển hình như tính hà tiện gian tham [đàn ông mà hà tiện bủn xỉn keo kiệt thì chỉ có nước than "giời hỡi"] thì ngoài nó, vở Anh chàng ghét đời còn là tính ghen của đàn ông [Đoàn Phú Tứ cũng dựng một vở kịch tên Ghen]. Một chi tiết rất hay trong Anh chàng ghét đời, nó cũng điển hình cho đời sống phòng khách, mà những người có thể viết văn, thích viết lách, lúc nào đấy thử đọc vở này; có một lời thần chú, đại ý: người phong nhã phải chế ngự được cái ngứa ngáy của viết lách, phải kiềm chế được cái thói hăm hở đem những trò chơi đùa đó ra khoe khang rầm rĩ và vì nôn nóng muốn phô trương tác phẩm, người ta dễ làm thành trò hề cho thiên hạ


với vở này, tôi vẫn chưa thoả lòng một cách thẳng thắn vỗ mặt cho băn khoăn: tại sao có những tinh thần ghét đời [lúc này thì tôi kệ mịe, chứ trước tôi hay lên cơn mèo muốn nhìn bất cứ ai hay gì, nói chung không biết đặt mắt mình giác quan mình vào nơi nào, tâm hồn như không chốn dung thân] ở mức bề trên đỉnh cao như thế mà họ lại bị thần tình ái trêu ngươi cho ngã vào chuyện yêu đương ái tình với những đối tượng là điển hình những gì họ ghét đời; ái tình lâm nguy mà câu chuyện tâm hồn đi kiếm tìm hình thức của nó cũng quá nan giải


có một lớp ở hồi thứ ba vở kịch, đoạn hai người phụ nữ đại diện cho đời sống phòng khách nói chuyển, tôi nghĩ ngàn đời tôi tởn phụ nữ: 

"đời người ta, có một thời cho những trò tình tứ, cũng có một thời thích hợp cho cái trò tiết hạnh đoan trang. Người ta có thể vì khôn ngoan, cam bề tiết hạnh, khi tuổi xuân đã kém màu tươi; như thế thì che đậy được cái cảnh duyên tôi đáng buồn [...]; tuổi già rồi sẽ đưa đến đủ mọi chuyện, ai cũng thừa biết là hai chục tuổi đầu mà làm trò tiết hạnh đoan trang thì chưa phải lúc"


ps. - tôi còn quay lại Nguyễn Văn Vĩnh dịch; hôm trước có đứa em bảo tôi là Người Lạ nên từ dùng cũng lạ; tôi bảo, từ ngữ dùng đúng mà lạ thì phải vinh danh ông Nguyễn Văn Vĩnh. Cũng trong mấy ngày đọc Molière, vô tình tôi nghe Nghìn trùng xa cách và chuyện tình Phạm Duy - Lệ Lan Alice; tôi liền nghĩ đến Molière lấy con gái của người tình cũ làm vợ 🙂



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét