6.6.23

thiên chức của hoa




một buổi sớm Chủ nhật đầu năm 1940, nhóm Xuân Thu gồm sáu người, hôm ấy ba người: Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh cùng nhau đến nhà Nguyễn Lương Ngọc, bàn nhau và lấy tên cho tập sách của nhóm là Xuân Thu nhã tập; với nghĩa xuân - thu là hai mùa đẹp nhất trong năm, chúng đi với nhau theo nhịp tuần hoàn của trời đất và nhã tập là tên tập sách với nghĩa nhóm bạn chúng ta hay luận với nhau về mấy chuẩn mực rất triết học thì tập sách phải mang được cái đẹp của trời đất, cái triết lý của đời, cái tầm văn hiến của nhân loại. Chiều cùng ngày, bốn người họ nói tên Xuân Thu nhã tập với hai người bạn còn lại trong nhóm là Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đỗ Cung thì được hai bạn bày tỏ đồng lòng với tên gọi ấy. Từ đấy tên nhóm là Xuân Thu nhã tập với sáu người cùng chung một tín ngưỡng, cùng thờ một đạo sáng tác - đồng thời cũng là tên tập sách của họ


khởi thuỷ tên nhóm Xuân Thu bắt đầu từ 1939; đến 1940 nhóm tên Xuân Thu nhã tập, họ cùng bàn về các bài tiểu luận và thơ văn từ cuối 1939-1940 rồi từ cuối 1941 đến cả năm 1942 rồi chuyển sang 1943 đưa dần lên báo Thanh Nghị. Xuân Thu nhã tập theo kế hoạch tháng Sáu năm 1942 ra mắt bạn đọc, tôi không thực sự biết bản in đầu chính xác tháng mấy thập niên 40 thế kỷ trước; quyển trong ảnh của tôi là lần in thứ hai 1991 [ở lần in này có thêm có 2 bài cuối sách trích từ hồi kí của Nguyễn Xuân Khoát và Nguyễn Xuân Sanh]


Xuân Thu nhã tập có những bài viết về quan niệm thẩm mỹ của nhóm, về thơ và tính nhạc trong thơ rất hay: Đoàn Phú Tứ viết trong Thanh khí: "xây đền thơ nhạc để điều hoà sự sống của tâm hồn"


trong bài Thơ ký tên Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh [trong đó chất thơ của NXS u huyền còn PVH thì chân phương hơn] viết: "Thi sĩ làm xong bài thơ có thể viết: bản đẹp chưa thành. Vì nó còn chờ tác giả thứ hai: người đọc [...] Người đọc phải là thi nhân tái tạo vũ trụ bài thơ tạo ra. Có thể khác nhau những vũ trụ ấy. Mà làm sao không khác nhau được. Mà cũng nên khác nhau. Nên một bài thơ có thể cảm ra nhiều cách; những khúc hợp tấu của Vô-Cùng [...] Có thể viết theo toán pháp: Thơ = Trong = Đẹp = Thật [...] Thơ là Đạo[...] vòng tương sinh: Đạo - Âm+Dương - Sáng tạo - Rung động - Thơ - Đạo [...] Là bài thơ, nếu bài văn chương (dù ở thể nào, loại nào) có chất Thơ; hàm súc cái rung động siêu thoát, phảng phất cái hương vị tuyệt vời... và giá trị nó định ở cái lượng hàm súc cùng cái phẩm phảng phất kia, truyền diễn nhịp nhàng trên cánh Nhạc, bồng tới chỗ Trong, Đẹp, Thật: Đạo trong nghệ thuật [...] nên độc giả, thi nhân, tình nhân, tín đồ đều cùng theo con đường trực giác, mới đạt "thơ", đắc đạo, cập tình [...] tiêu chuẩn về hình thức thơ là tính cách độc nhất và thi sĩ cũng chỉ tạo cái gì chỉ có một

Quan niệm "Thơ" ngụ cái ý cần định lại những giá trị bất diệt bằng những khuôn thước thật, trở lại cái can hệ của tinh thần. Đi về lõi sự vật. Tạo lại mình và vũ trụ: Bài-thơ-muôn-đời"



tôi luôn nghĩ, đào tạo người đọc cần thiết lắm; tôi là người chưa bao giờ bài một dòng sách nào trên thị trường sách vì có cầu khắc có cung thôi và cung tăng cao thì cầu sẽ tăng lượng tương ứng; người đọc phải luyện tập nhiều, đọc nhiều thì mới biết cái mình từng đọc có gì không, phải biết nó thì mới biết nó không hay nó có, phải có kinh nghiệm thì mới có kinh nghiệm về nó mà như thế thì phải có kinh nghiệm về nó thì mới có kinh nghiệm. Người đọc lúc ấy gọi là có nòi tình, có nòi tình thì mới cập tình được; và như vậy, thi sĩ văn sĩ cần người đọc lắm, không có người cảm cái họ viết họ kể thì họ không thành thi sĩ văn sĩ vì câu chuyện không sống, chỉ cần duy nhất một độc giả rung động thì "chiếc đàn ta văng vẳng nhạc muôn đời" rồi và "ta có thiên chức tự nhiên: Thiên chức của cây đàn. Thiên chức của đoá hoa" [Đoàn Phú Tứ]


trong Xuân Thu nhã tập có bài của Diệu Anh Đinh Gia Trinh: Đọc Xuân Thu nhã tập (II) in trên Thanh Nghị số 22 tháng Mười năm 1942, đây là bài viết đi sâu quan niệm Thơ của nhóm XTNT và về riêng thơ của Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, về nhóm XTNT chung một tôn giáo. Chính bài viết này ngay lúc đọc đã khiến tôi có ý muốn đi lục Hoài vọng của lý trí của Đinh Gia Trinh trong nhà, tôi biết rõ quyển ấy dễ lục thôi vì ngày nào chả đập vào mắt tôi chồng sách phê bình nghiên cứu văn học; nhưng trái ngang là, ngay khi gấp sách, tôi lại muốn đọc lại Tây sương kí [Mái Tây] bởi chính ý niệm thi sĩ - thi nhân, thi sĩ nàng Thôi truyền lan và thi nhân chàng Trương hấp thụ 

[tuy nhiên, vừa mở Hoài vọng của lý trí ra xem, chắc là cũng sớm phải đọc thôi]



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét