Delicate! why so xờ tiu pít? "Ngốc, nghếch, cáu, quên, nghịch, ngang, ngổ ngáo" / "Ăn khi thấy đói, ngủ khi thấy buồn ngủ. Và nếu ôm vào lòng thì cũng nồng ấm như bao người".
29.8.19
Nausea
Khi tôi không biết nói gì thì tôi thường nói rất nhiều để thoát khỏi sự không chịu đựng nổi tồn tại của mình. Bạn tôi, anh bảo: không chịu được mà buộc phải nói thì nói chậm thôi 🙂
đã chọn lựa là một người đọc thì buộc lòng phải tạo trở lực cho việc đọc. Lúc nhận Nausea, tôi hoàn toàn bất ngờ, tôi không nghĩ anh chọn Jean Paul Sartre, đúng tính chất hành hạ. Buồn nôn tôi đọc gần 10 năm trước, tôi gần như không nhớ gì, và tôi từ chối đọc những gì như thế, từ chối những gì không cầm nắm được [tôi bé tí mà]
Tôi không chấp nhận, phản kháng lì lợm bằng cách chấp nhận mỗi ngày đọc song song Buồn nôn - Nausea; cứ mỗi 5-10 trang Buồn nôn thì tôi chuyển sang Nausea và đọc bằng ngôn ngữ khác, phải đọc chậm hơn, lê lết có nhịp điệu; chính vì đọc như vậy, tôi nhận ra khi ở Nausea tôi đã bỏ qua đoạn, câu, chi tiết "đặc cách" của văn bản Buồn nôn và tôi buộc lòng phải quay lại Buồn nôn chính ở những trang mình vừa đọc qua; hết lần này lần khác ngạc nhiên rằng sao khi mình đọc Buồn nôn mình đã bỏ qua
hình thức tạo trở lực cho việc đọc như tập luyện với dây kháng lực; tôi lê lết song song Buồn nôn - Nausea khiến những gì tôi đọc trong 1 tháng vừa rồi tôi rất hay phải đọc vòng lại, lộn trở lại, một giọng đọc vô hình hình thành có nhịp điệu và tiết chế. Chuyển động tưởng hỗn loạn nhưng hoá ra lại có chu kỳ
Đây chính là lời cảm ơn tôi dành cho người bạn ấy 🙂
p/s: kết thúc 2 quyển vào ngày cuối cùng của tháng 7 âm lịch; không cần vội vã, mọi thứ luôn đúng thời điểm.
26.8.19
hai ánh sáng đỏ
khi bắt đầu chuyển hướng sự quan tâm về quá khứ, cổ điển thì tức là đã già đấy nhỉ. Tôi đang như thế đây 🙂
Đồng tiền hai mặt - câu chuyện đậm chất Bắc bực kiêu kỳ, nằm ngoài kế hoạch đọc của tôi; Tôi đang đọc nhiều tác giả khác [thôi dài dòng không nói nữa]
Nhan đề Đồng tiền hai mặt đã hiển lộ rõ chiều hướng của câu chuyện trong nó [just kidding: theo thuyết tương đối thì vật chất đủ lớn có thể bẻ cong không gian thời gian, còn câu chuyện "cái muốn" đủ lớn (tiền bạc danh vọng quyền lực... ) muôn thuở thì nó bẻ cả lương tâm, luật lệ, thậm chí cả lòng tin; chỉ kẻ nào hiểu được mình chơi nó, nó vốn là để chơi thì mới là kẻ kiêu hùng khinh bỉ cõi nhân gian thất cách này; chứ để nó chơi mình thì người người làm suốt bao năm rồi lói làm rì]. Tôi ấn tượng với 2 cảnh trong Đồng tiền hai mặt
- có khoảng 50 trang đầu dựng nên bức tranh điêu linh bởi thuỷ hoạ, có lẽ đây là cảnh vỡ đê thiểu não nhất tôi từng đọc; từng chi tiết, con người... là hiện thân của đau khổ
- hai ánh sáng đỏ xuất hiện trong cảnh nhân vật Miêng đi từ đồn điền cao su ra, đường rừng một đêm thượng tuần tháng Sáu, trăng lặn từ lâu; không ai biết hai ánh sáng đỏ ấy là gì, do đâu và tại sao biến mất; ngay cả nhân vật Miêng vẫn tự hỏi như vậy... chi tiết ấy chính là đi qua bóng tối, đi cho hết bóng tối
p/s: tác giả Nguyễn Khắc Mẫn 1905 - 2002; con người đi hết đời mình từ đầu thế kỷ này sang đầu thế kỷ kia... thật là giàiiiiii 🙃
compass
Tôn Ngộ Không nhún chân đi/bay ngàn tám trăm dặm, nhưng vẫn là trong lòng bàn tay Phật tổ 🙂
Con người đi bao xa, đi mãi đi mãi nghĩ đi cuối đường, hoàn thành các thứ nhưng thật ra là loanh quanh đời mỏi mệt, vẫn cứ là chuyển động tròn. Chuyện gì cũng thế, đều là huân tập như một cái gì đấy văng với lực ly tâm khác nhau; quãng đường của chuyển động vì thế mà có cự ly, bán kính khác nhau; đến một thời điểm nào đấy đủ lâu thì chuyển động đều quanh trọng tâm và vòng tròn được thiết lập cực kỳ rõ nét [bạn nào dựng vẽ hình tròn bằng tay tròn như dùng compas chắc sẽ hiểu]
Chuyện đọc cũng vậy, đọc vòng đi vòng lại, may mắn là được ám ảnh, vì thế mà vòng lại như bị ngải. Đọc Dương Nghiễm Mậu chính là như thế, đọc xong, rồi giở lại, giở tiếp rồi giở lại; lũ trẻ học trường Hàng Than, lớn hơn học Chu Văn An; các kỉ niệm thường rất Hà Nội: cốm Hà Nội xanh và thơm, bánh tôm có rau muống chẻ mỏng và trắng... "như ngoài đó"; thời tao loạn với tiếng súng vô hình, cái chết lạnh tê và sự buồn rầu róc rỉa trong câm lặng; các nhân vật lựa chọn ra đi, tham chiến rất nhiều và nhân vật chính / tôi thì ở lại, không chịu đi không chọn lựa không từ chối chỉ là ở lại, chính vì ở lại nên lại thành chọn thành chấp nhận... tức là đọc và dần dần Dương Nghiễm Mậu cứ từng nét một hiện ra, có nét mảnh đưa đi đưa lại vòng đi vòng lại trở thành sự thật như ký ức, tiểu sử của tác giả
hôm qua tôi đọc đâu đó rằng tác giả từ bé đến lớn không biết đi xe đạp, chi tiết này tôi rất nhớ trong truyện ngắn Trong lòng bàn tay; nhân vật chính tiễn bạn, vì người bạn chọn "ra đi". Người bạn đứng vào hàng rồi theo đoàn người bước đi không ngoảnh lại, nhân vật tôi vẫy tay từ giã không ai nhìn thấy rồi dắt xe trở ra; chính lúc này mới nhớ ra rằng bạn mình đèo mình và có lẽ bạn quên rằng mình không biết đi xe đạp, "tôi phải dắt xe ấy về"
tôi phải chấp nhận đọc ebook hoặc bất cứ gì của Dương Nghiễm Mậu có trên mạng rồi vì nhiều lắm, ai tài trợ sách đọc cho nổi 🐣
[bạn nào có sách DNM bán cho mình, cứ ới nhé]
16.8.19
rằm tháng Bảy
Tôi rất ít ra khỏi nhà. Nhớ đường hướng vì vậy lại càng khó khăn, dù ai cũng có bản đồ riêng trong địa hạt nào đấy, nó và mình thuộc nhau. Tuổi nước độc của Dương Nghiễm Mậu với tôi, như trải ra trước mặt tấm bản đồ Hà Nội xưa từng ngóc ngách. Mở đầu với hình ảnh rút phong thư vuốt cho thẳng rồi bỏ vào hòm thư, nhà bưu điện chắc là bưu điện thành phố hiện nay, vì Ngạc - nhân vật tôi sau khi bỏ thư xong, đứng vơ vẩn nhìn sang bên kia đường, Bờ Hồ buổi sớm, tháp Báo Thiên; rồi Ngạc và bạn gái rủ nhau đi ăn quà ở chợ Đồng Xuân, ngang qua vườn hoa Chí Linh, toà Thị chính, thế rồi vào đến chợ thì họ lạc nhau, tưởng không thể nhưng lại xảy ra, họ lạc nhau giữa buổi chợ. Tiên tri hay khởi đầu một kết cục: lạc nhau, buông tay; tôi nói mở đầu rất quan trọng là thế. [Các cụ nói chọn vợ chợ đông, chọn chồng chốn ba quân, tôi thấy hai chốn đều tao loạn cả; tôi vốn ít ra khỏi nhà, nên tất cả về đường sá ở đây đều là hình như, chắc là nhé]
Tôi không thích ra khỏi nhà. Quá nhiều âm thanh. Không biết làm gì với chúng. Tôi đành nói chuyện dài miên man với tôi. Sáng qua tôi nhờ bố đèo, ngang Quang Trung bố bảo phố này giờ thành phố kinh doanh vàng trang sức; tôi bảo thế ạ, lần trước hình như con đi với bạn lên đây mua bút mont blanc, hoá ra là phố bán vàng bạc ạ, à bố, phố Hàng Gạch ở đâu [tại có lần đọc thơ cụ TD thấy có phố Hàng Kèn, hỏi bố, bố biết nên thôi cứ hỏi cụ xem sao]; bố bảo phố Ngõ Gạch chứ, sao lại Hàng Gạch, Ngõ Gạch ở mạn gần hồ nó cắt cái phố cái hàng gì nhỉ, để bố nhớ xem nào, quanh quanh Hàng Đường Nguyễn Siêu, nhìn chung là mạn gần hồ về phía chợ đấy; thế thì đúng rồi bố, hai nhân vật trong truyện đi bộ từ hồ đến chợ để ăn quà mà, qua Hàng Ngang Hàng Đào
Tôi rất ít khi ra khỏi nhà. Tôi không nhớ đường hướng và cũng không nghĩ mình muốn / nên nhớ, địa hạt của tôi có lẽ là chỗ ít con người; trong phạm vi những quyển sách có lẽ tôi dễ chịu hơn; dạo chơi chốn này lần nữa, tôi sẽ làm thủ thư lưu trữ chẳng hạn, hay gì đấy về động vật hoang dã; xa con người dễ chịu hơn 🙂
Hôm qua mở mắt tỉnh dậy có lịch ra khỏi nhà, trong đầu tôi có 3 việc; thế rồi ngay khi vừa ngồi dậy tôi nghĩ, tôi cho rằng không phải 3 việc, hôm nay mình phải đến chùa, phải đến cái gian có ảnh của những người đã khuất, được người thân gửi lên chùa, phải đi ra sau chùa qua những ngôi mộ; tôi không biết mình sẽ đến ngôi chùa nào cho đủ ý muốn ấy, vì tôi rất ít đi chùa, thế là tôi nghĩ chùa Bộc đi, cái gian để ảnh ấy có ảnh bố của một bạn cùng lớp cấp 3 [trong một lần đứng nhìn những tấm ảnh thì tôi mới biết bạn ấy mất bố]
Tôi hoàn thành tuần tự việc 1 - 2 - 3, rồi nhanh chóng book xe về chùa Bộc gần nhà. Điện thoại tôi tắt chuông từ sáng và cho đến khi ra khỏi chùa tôi bắt đầu giải quyết những tin nhắn ib email shopee fb [con người thật loằng ngoằng]
j email nhắc sắp đến hạn 2 năm chị bảo em rồi, là chị chỉ đi cùng em 2 năm. A.M thì ib kể lại giấc mơ đêm qua; tối ấy tôi bảo em phải giãn cách mối quan hệ của chị - em ra, em đừng rơi vào cái transference trong tâm lý, đừng đem lòng yêu chị thứ tình yêu nam nữ; ló bảo em sẽ không thế, nhân cách thằng bé yếu ớt mà, thế là mình nhắc ló đừng transference, cuối cùng đêm ló ngủ mơ ôm ấp hôn chị các thứ. Thật là mệt mề, lúc ấy đọc ib giấc mơ dài gang tay, cũng không biết nói sao vì đã mấy tiếng trôi qua giờ mới cầm đến điện thoại
Các nhân vật của Dương Nghiễm Mậu thường là những đứa trẻ mồ côi [giống Dickens nhỉ]; có bố mẹ, anh chị, ông bà chú thím... nhưng rồi mẹ mất khi quá nhỏ, bố hoá điên; mẹ không giống mẹ, bố không giống bố, không thấy ông bà chú ở cương vị đó... tất cả đóng vai trò một cách miễn cưỡng khiến vai trò bị lộ diện một cách cố tình và những đứa trẻ đủ lớn để biết những điều ấy nhưng quá bé nhỏ để từ chối đóng vai diễn của chính nó trong màn kịch người lớn dựng sẵn. Một nhân vật cô gái trong truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu nhận mình trong vai trò của tấn kịch hồi chót, chết hoặc bỏ đi để đóng màn xuống cho tấn kịch thứ hai bắt đầu mở ra... Như vậy không phải mồ côi sao. Không thể ở ngôi nhà này. Không ở với mẹ được. Không ở với bố được. Không ở được trong ngôi nhà từng có cả bố mẹ anh em ông bà chú thím... Người ta bước chân đi như kẻ hư vô. Thế giới lúc nào cũng như trong cuộc chiến, chiến tranh là cao trào của cơn điên. Tôi với j là như thế, tôi mong em có một ngôi nhà để về, chỉ cần em cốc cốc chị ơi, tôi sẽ mở. Tôi không chờ mà tôi ở đấy, tôi nói 2 năm, 2 năm là để em đi qua cái tuổi tàn bạo khốc hại.
tìm một tiểu thuyết VN viết về thời tao loạn như Dương Nghiễm Mậu viết Tuổi nước độc, để đặt vào tương quan tạo thành bầu không khí văn chương ấy, chính là việc tôi muốn làm, sẽ làm trong vai trò người đọc. Một nhân vật trong Tuổi nước độc nói, "bây giờ súng nổ trên khắp đất nước, cuộc chiến không còn đơn giản như ngày nào, cái ý nghĩa kháng chiến giải phóng chống xâm lăng đã thay đổi, những thay đổi khiến cho lựa chọn tham dự cũng mâu thuẫn nhau"; chiến tranh làm người ta phát điên, một tên lính da đen bị bọn da trắng đến đánh chiếm rồi mang sang VN đánh nhau, hắn ngồi trên xe đạp lao qua các bậc gạch xuống dốc [ngõ Hồng Phúc - Hàng Than], một hành động đùa giỡn với cái chết, không tìm thấy tự do ở đâu ngoài tự do với cái chết, cái chết ngoài mặt trận không làm hắn sợ hay sợ đến nỗi muốn tìm một cái chết khác, chết trong vui chơi mạo hiểm
Tôi nhìn các nhân vật nam trong Tuổi nước độc như những nhân vật nam đã từng, tiếp tục con đường đã lựa chọn... trong Lũ người quỷ ám [Demons] của Dostoievski. Thế giới luôn ốm, luôn trong một cuộc chiến; chiến tranh là cơn động kinh, đôi khi tôi nghĩ nó là period; tư tưởng, ý thức của các nhân vật trong chiến tranh khi lựa chọn tham chiến mâu thuẫn nhau
những cái chết như của Hoạch, bộ đội bắn chết, đã đứng vào một hàng ngũ thì phải chiến đấu, phải có lý tưởng; Thu tham chiến bằng đi lính cho Tây để trả thù du kích giết cha; hay Vịnh ném lựu đạn rạp phim thủ đô, cuộc chiến không cho phép người dân sống để hưởng thụ dù chính thời loạn lạc này người ta sống gấp hơn, sống cho qua tao loạn... thậm chí như Ngạc luôn bị cho là kẻ hư vô, không tham chiến, có một cuộc chiến ở bên trong
Ngạc những lúc cầm hòn đá nện vào đầu con chó cho nó sủa để có âm thanh có chuyện; Ngạc của hành động cầm dao ra phá ngang cuộc giao hoan của đĩ già và một thằng nhếch nhác chỉ bởi nghĩ đĩ già là con bé lai Tàu hàng xóm ngực mây mẩy, nghĩ đuổi con đực này đi để mình thành con đực khác thế vào cuộc giao hoan, Ngạc của cầm dao đâm người; Ngạc của cà khịa xói móc người em cùng cha khác mẹ khiến sự kiện in hằn trên mặt là vết sẹo bàn là đỏ than dí vào chằng chịt kéo trĩu mặt anh xuống... Tất cả Ngạc ấy là Ngạc ốm Ngạc không biết hay không muốn biết mình chọn tham chiến hay không, không tin gì cả. Ốm đấy là ốm của Dostoievski, chịu ốm, chấp nhận ốm và vì thế mà quen với ốm, ốm trở thành bạn. Ngạc ý thức chịu ốm trong hoà bình khi nhìn thím mù loà, cụt tay ngồi trên giường, thím bảo thím chỉ muốn chết. Phát súng của Ngạc giúp thím chết ngay khi nảy cò là phát súng đẩy lui cơn ốm. Có hai viên đạn, thím đi rồi, Ngạc chôn khẩu súng cùng quan tài và giữ lại một viên đạn, cho mình.
Tôi cứ nói chuyện với tôi mãi bằng cách viết note trong điện thoại. Rồi ib chen ngang phía trên màn hình: Không xong rồi tú ạ, giai đoạn cuối rồi... Vậy là thêm một người ốm, không phát điên không uống những viên thuốc hồng hồng như thuốc bổ để tự tử, không lưỡng hoá nhân cách; ốm này là ốm bệnh viện nghĩa địa
Đấy là câu chuyện tôi nói với mình ngày rằm tháng Bảy, ngày hôm qua. Sáng nay là buổi thứ 3, buổi cuối thuyết trình lịch sử báo chí VN, buổi cuối khác hẳn buổi thứ 2, và tôi đồ rằng cũng rất khác buổi đầu [vì ngớ ngẩn thế nào đấy tôi không được đi buổi đầu, tôi không tiếc vì tôi có buổi hôm nay bù vào rồi]; Buổi nói chuyện hôm nay câu chuyện nhiều gương mặt, đa chiều, hợp với tôi hơn; rồi tôi lại có thời gian nên tôi dông dài lê thê chuyện ngày hôm qua, chuyện đọc Dương Nghiễm Mậu suốt nửa tháng qua vít lên tóc tôi; tôi leo cho hết ngày hôm nay bằng việc kể cuộc nói chuyện trong đầu tôi ngày hôm qua
tôi biết làm gì vào mùa thu 🙂
10.8.19
giấc mơ. ốm
Hai hôm trước, buổi sáng trời mưa rất to, tôi kết thúc đọc Dostoievski. Tôi đứng nhìn mưa tới khi mưa tạnh, cơn mưa 3 tiếng đồng hồ. Tôi đứng nhìn mưa. Tôi cười nhẹ một mình vì lòng tôi vui. Tôi từ chối văn học Nga vì trước đây với tôi văn học Nga là những nhà văn viết câu chuyện đèm đẹp, lý tưởng, hoa mỹ, lê thê tô vẽ... đọc rất buồn ngủ, rất chài ngải
còn Dostoievski thì ốm to [các nhân vật có một kiểu ốm mơ ác mộng, nhìn thấy ma, nói chuyện với ai đó đột nhiên xuất hiện trong phòng], vì tồn tại song thân vì quỷ ám cưỡi trên 2 vai vì bị câu thúc như trong chiếu bạc lớn đồng bạc cuối cùng ném ra và khẩu súng lục dắt trong người lúc nào cũng sẵn sàng bòm phát tự kết liễu... phát sốt phát điên. Tức là tôi thuộc về phía ấy, phía quỷ và đuổi quỷ; phía đê tiện và phải quen với cái đê tiện, nhìn nó xoay ngang xoay dọc lộn trái, thuận và chống, phía bị kết án, hành hạ, tuân phục số phận bằng ý thức, không dè dặt không giới hạn. Và tôi bỏ luôn Tolstoi ra khỏi danh sách đọc, dù tôi biết kiểu gì tôi cũng như một con mèo quay ra phản trắc chính mình [phải đọc hết thì mới biết mình có thể đọc tiếp hay không, có thuộc về đấy hay không, cũng như phải biết đi lang thang thì mới biết có gì không để còn đi tiếp hay không đi, trở về]
Bất hạnh là không ngủ được.
Ngủ với những giấc mơ và sống với hiện thực như những giấc mơ, còn giấc mơ thì chân thực như cuộc sống. Thì sao 🙂
Khoảng 3 tuần trước trong một status nói chuyện giấc mơ, tôi có nói mình đang chờ 2 người phụ nữ, tôi thường không chờ phụ nữ vì tôi rất tránh gặp họ, tôi phải nói gì đây khi tôi không biết nói gì; theo giấc mơ và thời điểm tôi áng chừng thì khoảng 1 tháng nữa tôi sẽ gặp 1 trong 2 người phụ nữ. Hôm kia cậu bạn thân bảo đang đi công tác, vợ bầu lại ốm, tú qua xem hộ ta; thế là tôi biết rằng sự việc đã đến sớm hơn tôi nghĩ 1 tháng, nhưng lại muộn hơn tôi chờ đợi 2 tuần. Lúc tôi đến nhà bạn, là lần đầu tôi và vợ bạn gặp nhau, nhà đang sửa bừa bộn y như trong giấc mơ, chỉ đổi mỗi vị trí cái ghế dài thôi, còn nhân vật ốm với các thứ ánh sáng không khác. Và tôi không biết nói gì với cô ấy thật, vì không biết nói gì nên tôi nói rất nhiều 🙂 để giết chết sự nhàm chán cũng như không thể chịu đựng được của bản thân
Cũng có những giấc mơ là cuộc gặp mà tôi không biết mình sẽ gặp ai, cũng không biết thế nào vì sự cắt ngang của giấc mơ nên tôi không chờ, lúc nào đến thì biết là mình sẽ phải làm gì đó bằng mọi giá, nhao ra đường chẳng hạn hoặc trì hoãn; tôi thường trì hoãn, bao giờ cũng thế, tôi luôn đến muộn trong các cuộc gặp gỡ, nếu đến sớm hơn đối phương thì bao giờ cũng kèm một cái gì đấy dại dột, vì sát giờ hẹn tôi vẫn còn hồi hộp vì chuyện phải ra khỏi nhà, cuộc gặp sẽ thế nào, người ấy và tôi ra sao, nói gì phải nói gì cho hết thời gian đây, ngồi im với nhau cũng vui mà chẳng phải sao… Cách đây mấy năm đi gặp QN, tôi đến muộn, và sau khoảng 30' ngồi nói chuyện đã định thần, tôi bảo em rằng sát giờ tự nhiên ngại quá, định nhắn em là chị thế nào đấy, hẹn em lần khác; QN cười mỉa một cái bảo "biết ngay mà biết ngay mà [đáng ra nên thú nhận là chị luôn luôn như thế với tất cả mọi người không riêng gì em]
Cơn bão hôm vừa rồi anh bạn ra HN việc gia đình, anh nhắn bất chợt bảo anh đang cà phê ở góc LS - NHH; cách tả rõ góc LS – NHH thì phải của ai đó khác, nhiều khả năng hai anh đang ngồi với nhau; tôi phân vân vì trời mưa bão, định nhờ anh gửi sách qua người đang ngồi cùng anh. Nhưng nhìn mãi tên phố NHH thì nhớ giấc mơ năm ngoái, trong giấc mơ bố hỏi chuyện bạn sách vở của con thì con nói con gặp anh í ở phố NHH, vì con không biết đường nên anh í nói em gọi taxi đi; thế là tôi quyết nhao ra ngoài đường ngày mưa bão thôi, biết là gặp nhau rồi, nhất định gặp rồi
Tôi ốm và tôi hay mơ hay thấy mình gặp người này người kia. Tôi hay mơ và tôi phát ốm. Nhưng dù sao tôi cũng ngủ được, ít nhất là 3-4 năm nay tôi ngủ tốt, ngủ nhiều hơn và thấy hạnh phúc vì mình ngủ ngon, dù ốm ngay trong giấc ngủ.
p/s: khoảng 1 tháng trước khi đang đọc Lũ người quỷ ám thì cái phim âm bản này hiện ra ở giữa trang sách, nó găm sát vào khe gáy sách, tức là chừng nào quyển sách còn thì nó còn nằm ở đấy, tôi cứ nhìn mãi, soi đèn và che ánh sáng để nhìn anh ta kỹ hơn, tôi cứ nhìn mãi, rồi quyết định kết liễu hình dung về Piotr Verkhovensky đã có, thế bằng người trong ảnh này :)
9.8.19
chuyến tàu
Nhắc đến chuyến tàu, Gã khờ của Dostoievski có một mở đầu khác hẳn với những tác phẩm ông từng viết: chuyến tàu xả hết tốc lực tiến vào Petersburg giữa mùa băng rã [nghe từ "băng rã" khôn tai nhỉ]. Một câu chuyện mở màn thế nào thì bầu không khí của nó sẽ được duy trì và định hình như thế; nó như nhan đề phụ vậy.
Tôi chợt nhận ra rằng tôi chọn Georges Simenon làm trại nền [dân leo núi gọi base camp đấy; quyển Mối tình của ông Hire, tôi đọc đúng lúc đang leo đỉnh núi mang tên Dostoievski mệt bơ phờ]. Tôi đọc Chuyến tàu định mệnh giữa 5h chiều và 6 rưỡi tối, cố gắng kéo dài thời gian trì hoãn việc ra khỏi nhà 🙂. Chuyến tàu chính là nơi thời gian trôi rất chậm, mà cũng rất nhanh, hay nói đúng phải là thời gian không tồn tại [người ta hay lấy ví dụ tàu lao với tốc độ chậm / nhanh hơn tốc độ ánh sáng để nói về tính giãn nở của thời gian... buồn cười nhỉ]. Cũng không ai biết chắc chắn tuyệt đối rằng mình sẽ dừng chân ở đâu khi đặt chân lên một chuyến tàu. Định mệnh luôn biết cách làm biến đổi chúng ta, để lại gì hay mang theo gì thì người ta sẽ mãi không còn như trước. Trong Chuyến tàu định mệnh thì khởi đầu Thế chiến thứ hai chính là chuyện riêng giữa định mệnh và nhân vật xưng tôi - Marcel Féron. Nhắc đến Georges Simenon người ta thường định danh tiểu thuyết là thể loại trinh thám, mà tiểu thuyết trinh thám thì viết về tình yêu đặc biệt hay [chuyện tình từ chuyến tàu của Marcel - Anna có thể nói là không phải tình yêu ư]; Nhưng Chuyến tàu định mệnh không phải trinh thám, chỉ là một tiểu thuyết với vẻ ngoài giản dị, tôi gọi tên văn chương
p/s: Tôi chọn đọc Chuyến tàu định mệnh vì dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu, người đã viết giới thiệu cho Đầu xanh tuổi trẻ, Anh em nhà Karamazov và [hình như] Tội ác và trừng phạt, các bản in năm 197x
thôi phải ra khỏi nhà thật rồi :)
8.8.19
đọc Dostoievski
Đầu tiên là cảm ơn ạ. Cảm ơn các anh, chiến hữu đã tài trợ sách đọc. Từ lúc biết con dở hơi quyết định đọc Dostoievski đã động viên, quản thúc [hành hạ tới nơi tới chốn]… để một đứa ba ngơ có thể nuốt hết Dostoievski [lúc đọc 2/3 Demons thực sự cảm thấy mệt tinh thần, không hiểu sao mình không vứt quách quyển sách bị bửa gáy vừa dày vừa có yếu tố chính trị này đi, hơn ngàn trang đầu nghiêng cổ ngoẹo để đọc chủ nghĩa hư vô rồi tư tưởng đấu tranh quyền lực các thứ nhức hết cả đầu]
Thôi cười cái 🙂, vậy là tôi đã kết thúc chạy khởi động bằng Dostoievski, từ cuối tháng 5 tới giờ là gần 2 tháng rưỡi 🙂, chưa bao giờ việc đọc lại có thể dài như thế. Sáng mở mắt dậy nhìn thấy chồng sách, tối với tay tắt đèn cũng vẫn thấy chồng sách, cứ ngồn ngộn đập vào mắt những quyển ngàn trang, hơn ngàn trang, ngàn trang khổ to [sau này nhận ra mình thích những tác phẩm mà thiên hạ coi là nhỏ, là không nổi bật hơn là những tác phẩm được xem là đồ sộ]. Dostoievski bị động kinh, câu chuyện thường các nhân vật cũng ốm to, sốt, động kinh, phát điên [như bị quỷ ám]… và việc đọc liền tù tì, đọc bằng hết một mạch cũng chính là việc nhìn đằng đẵng hàng tháng hai tháng “những người cùng một chứng điên”, làm sao để tránh việc nhìn người hóa điên người động kinh mà không “lây” không phát điên phát sốt lên
Tôi khóc cả buổi chiều với hơn trăm trang cuối Những kẻ tủi nhục, cô bé Nellie hút mất gì đấy của tôi và ngay sau khi kết thúc, tôi ngây ngấy sốt cả chiều; Đọc Tội ác và hình phạt cũng lạnh gáy khi nhát rìu bổ xuống đầu hai bà già và nhân vật chịu trừng phạt tinh thần như thế nào thì tôi cũng sốt một đêm như thế, tự nhiên cứ sốt thôi; rồi khi kết thúc Gã khờ thì mắt cứ trân trân nhìn trang sách; kết thúc Anh em nhà Karamazov thì thấy hình như thiếu [về sau này mới biết tác phẩm chỉ mới là 1/3 bộ khung ý tưởng của Dostoievski] nhưng bỗng nhiên như nhìn thấy bàn tay Đấng Cứu Thế đuổi quỷ…
Tôi định đọc theo trình tự viết của tác giả [như mọi lần đọc thôi] nhưng suốt bao năm tôi không hề nghĩ mình sẽ đọc Dostoievski nên phải lục nhà có gì, rồi phải đợi các nhà tài trợ lục sách cho đọc, cuối cùng là theo trình tự dưới đây, kiếm được bản nào tôi đọc bản í, có mấy đầu là tôi đọc cả 2 bản dịch:
1, Là bóng hay là hình [1846] Đất sống 1973 Đinh Đắc Phúc dịch từ bản Anh văn
2, Những kẻ tủi nhục [1861] VHTT 2003 Anh Ngọc dịch [Thật ra nhan đề là: Những kẻ bị chà đạp và sỉ nhục]. Ngay khi đang đọc Những kẻ tủi nhục, mình nghĩ ngay là mình sẽ đọc bằng hết Dickens [được dịch ở Vn thôi, chứ đọc hết Dickens thì ngất]
3,
3.1 Những đêm trắng [1848] Nhã Nam 2017 Phạm Mạnh Hùng dịch từ bản Nga văn, có thêm Cô gái nhu mì [1876] tôi rất thích
3.2 Đêm trắng, Đông Tây 2011, Đoàn Tử Huyến dịch từ bản Nga văn
4,
4.1 Hồi ký viết dưới hầm [1864], Nhã Nam 2018, Thạch Chương dịch theo bản Anh, Pháp, Đức
4.2 Ghi chép dưới hầm, DTbooks 2017, Phạm Ngọc Thạch dịch theo bản Nga văn
5, Tội ác và hình phạt [1866], Văn học 2010, Cao Xuân Hạo – Cao Xuân Phố dịch theo bản Nga văn, Phạm Vĩnh Cư giới thiệu [nhan đề phải là Tội ác và trừng phạt; cả sự trừng phạt tinh thần như vậy nếu để “hình phạt” thì thu nhỏ ý nghĩa rồi]
6, Bút ký từ nhà chết [1860], tôi đọc phần 1, Lê Đức Mẫn dịch, Phạm Vĩnh Cư hiệu đính và dẫn nhập trong tập Lửa thiêng – hợp tuyển thơ văn thế giới [tập này có tập hợp một số nhà thơ nữ như Emily Dickinson, Wislawa Szymborska (có câu thơ gì bà bảo bà thích mèo, thích Dickens hơn Dostoievski :p)… nói chung tôi bị sa chân vào đọc khoảng 400 trang]. Mãi cách đây 1 tuần, do chủ quan nên hôm í mới đi hỏi han thì hóa ra Bút ký từ nhà chết được in chung với Làng Stepantsikovo và cư dân [1859] trong bộ VTB
7, Gã khờ [1867-1869], Đông Tây 2002, Phạm Xuân Thảo dịch từ bản Pháp văn, Đoàn Tử Huyến hiệu đính từ bản Nga văn [còn có bản dịch khác là Thằng ngốc, Chàng ngây thì phải]
8, Lũ người quỷ ám [1870 – 1872], Nguồn sáng 1972, Phùng Ngọc Minh dịch từ bản Pháp văn
9,
9.1 Anh em nhà Caramazov [1878 – 1880], Văn học 2011, Phạm Mạnh Hùng dịch
9.2 Anh em nhà Karamazov, Nguồn sáng 1972 do Vũ Đình Lưu dịch từ bản Pháp văn, Nguyễn Hữu Hiệu giới thiệu [bài giới thiệu khoảng 150 trang, rất nên đọc, và tốt nhất là đọc khi đã đọc gần như đủ những gì của Dostoievski được dịch ở VN; có thêm một ít thư từ Dostoievski gửi cho anh trai giai đoạn đi đày, hình dung thêm về Bút ký từ nhà chết]
10, Con bạc [1866], Cảo Thơm 1964, Trương Đình Cử dịch [Dostoievski viết Con bạc và Tội ác và trừng phạt song song nhau, đúng như một canh bạc lớn, đồng bạc cuối cùng ném ra và trong người thủ sẵn khẩu súng lục :p]
11, Người chồng muôn thuở [1869 – 1870], Kẻ Sĩ 1969, Đỗ Kim Bảng dịch, Tô Thùy Yên viết lời bạt [Quyển này được tài trợ đọc, là 1 trong 30 bản đặc biệt, giấy đẹp lắm lắm, một Dostoievski rất khác, đặc biệt là câu kết, chính vì thế mình mới có suy nghĩ có một ai đó dịch Dostoievski trọn vẹn không nhỉ, chỉ người ấy dịch thôi :); bộ VTB để nhan đề là Người chồng vĩnh cửu thì phải, một nhan đề không liên quan đến văn bản :p]
12, Tuyển tập truyện vừa và ngắn, VTB 2018, Phạm Mạnh Hùng dịch. Mình đọc chủ yếu vì Những người nghèo khổ [1846] sáng tác đầu tay của Dostoievski, bản VTB để tên Những người cơ cực. Ngoài ra còn 4 truyện nữa, trong đó Chúa hài đồng bên cây thông Đức Chúa đọc muốn khóc như Cô bé bán diêm ấy; Lão nông Marei lúc đọc mấy câu đầu nghĩ đến Bút ký từ nhà chết, đọc mấy câu tiếp đúng là tác giả nhắc đến Bút ký nhà chết thật…]
13, Đầu xanh tuổi trẻ [1874 – 1875], Nguồn sáng 1974, Vũ Trinh dịch từ bản Pháp văn, Nguyễn Hữu Hiệu viết 2 bài giới thiệu, khoảng 30 trang và 60 trang. Do nhầm lẫn ghi chép nên mình đẩy Đầu xanh tuổi trẻ xuống đọc cuối cùng, may quá khi đọc gần như cũng đầy đủ Dostoievski ở Vn thì mình đọc bài Dostoievski và thế giới của Nguyễn Hữu Hiệu viết cuối sách. Mình thích cả mấy bài viết của ông ấy vì tính hệ thống và nhận định của ông về Dostoievski; với bài viết ở Đầu xanh tuổi trẻ thì người đọc có một nền tảng đọc tương đối tốt rồi sẽ thấy gợi hứng đọc kinh khủng [mình đọc bài này được an ủi tí, ít ra bao năm đọc linh tinh không có hệ thống thì mình cũng có cái nền tương đối, không ăn hại]
Hôm rồi trong lúc xem thông tin ở bộ VTB ngoài chuyện họ có Bút ký từ nhà chết [in chung Làng Stepantsikovo] thì còn có Trái tim yếu mềm [in chung 3 truyện ngắn nữa, trong đó có Tiểu anh hùng chắc là Le Petit Heros (1849), không biết Tiểu anh hùng này có giống hình tượng mấy thằng bé con trong Anh em nhà Karamazov không nhỉ, thằng Kolia í]; bộ VTB lần này bỏ qua không đọc, mình thấy không vấn đề gì, vì nhiều khả năng đợt nào hâm lên lại đọc lại một lượt Dostoievski í mà 😛
Đọc Dostoievski lần này là do người bị ngứa ghẻ mèo đấy, như bị hành hạ tra tấn về thể xác với ngứa ngáy và nhất là bị ám ảnh luôn có cái gì đấy ở trên da thịt mình, cơ thể thì nở hoa tật bệnh ốm yếu luôn luôn hâm hấp sốt, tinh thần thì không biết bao giờ cơn điên này mới chấm dứt, con mèo thì bị cả nhà hắt hủi, nó nhìn mình như một kẻ phản bội 🙂 [mày nói yêu thương tao bền bỉ khiêm cung mà giờ đây tao chạm lông vào người mày mày cũng né cũng nổi da gà cũng xua đuổi tao, đại loại vậy]; đang bị hành hạ thế mà đọc Dostoievski thì hợp quá rồi.
Kết thúc đọc Dostoievski thì nhảy ra vô số cái tên để đọc và đọc lại: Gogol, Dickens, Balzac, Berdiaeff, Kierkegaard, Turgenev, Mikhail Bakhtin, Schiller, George Sand, Nietzsche, Kafka, Thomas Mann [Doctor Faustus]… vô số vô số, cả đời không phải nghĩ về chuyện không biết đọc cái gì :))))
NB. Nhìn cái note mấy chục cái gạch đầu dòng ghi trong lúc đọc, nhìn xong xóa luôn không có khai triển khai triếc gì nữa, khai khai thì có mà mọt đời không đi đọc sách tiếp được [một số ảnh chụp trong lúc đọc]
5.8.19
ốm
có những ngày tôi mơ hồ cảm thấy người tôi quan tâm đang bị ốm; tôi lo lắng và gần như rơi vào cơn muốn biết họ có khoẻ không, rồi tôi lại tự nhủ không có gì đâu, họ khoẻ
là thế giới của tôi ốm, ốm to
hay tôi mơ hồ đúng
1.8.19
giấc mơ
đêm hôm trước mơ mình thi sát hạch leo núi nhân tạo, xung quanh rất nhiều người leo núi rụng [đập tường báo hiệu Dừng để được buông dây xuống], mình thì áo 3 lỗ quần shorts thoăn thoắt leo kịch trần và đập vào hộp quét vân tay, hộp hiện đèn quét xong thì giám thị ngồi đài quan sát trên cao đọc xác nhận tên mã số và chốt vào loa: Hoàn thành kèm ngón tay cái Ok [Hình ảnh này với mình không mới, hồi đi ĐN chơi leo núi nhân tạo mình leo cũng khá, trong khi 1 bạn trai Hàn Quốc cao to thì rụng ngay ở 1/3 độ cao trò chơi, bạn leo nhìn cũng rất bết, sau mình nghiệm ra rằng leo núi mà hình thể cồng kềnh chính là điểm mù cốt tử]
Đêm qua mình mơ mình đọc một truyện ngắn nào đấy, mà hình ảnh truyện ngắn ấy là một ngôi nhà, điểm nhìn của mình chọn làm độc giả là quan sát qua khe cửa, trong nhà có khoảng 20 người trần truồng bị dị tật cơ thể [nhìn rất giống những dị tật chất độc màu da cam hoặc bom mìn gây ra] và một người mặc quần áo lính ngồi bàn đang ghi chép. Trong giấc mơ mình đọc dở dang câu chuyện, mình nhận email của bạn, anh nói bố anh ngày xưa đi bộ đội có kể câu chuyện về nơi tập trung những con người dị tật chiến tranh... rồi anh bảo đọc tiếp đi, có phần mới rồi đấy, mình bảo không kịp rồi mấy tiếng nữa em xuất phát, 5 ngày nữa gặp lại, thơm trán anh
Không biết vì lẽ gì mình cùng 1 cô gái nữa mặc váy và 1 bạn nam mặc rất điệu nhếch nhác lên đến đỉnh núi giữa trời rất rất nắng. Cuộc hội thoại giữa 3 đứa mình cho thấy không thể xuống núi bằng con đường như đã đi lên, đồ ăn nước uống đều không còn, chỉ còn duy nhất cuộn dây bạn nam kia đang đeo trên vai. Mình trườn từ mỏm đá này sang mỏm đá khác, đi dọc sống lưng khủng long của đỉnh núi nhìn ra xa thì men theo sát vách núi sẽ dẫn sang một thác nước, dưới chân thác có một cái cầu bằng thân cây thô sơ và hình như có khoảng 2-3 mái lều, tức là có con người sống. Mình nói cách duy nhất là đi men vách núi sang thác và cố định dây vào người nhảy rơi tự do, kịch dây thì sẽ mở kẹp để rơi tự do xuống nước dưới chân tháp; đây là phương án tối ưu duy nhất vì cuộn dây không đủ để đáp xuống độ cao đủ an toàn. Hai bạn không nói gì, cảm thấy phân vân bởi quyết định của mình [trong giấc mơ mình còn cười nghĩ đúng là điên rồ, chẳng trách mọi lần leo núi leader của đoàn luôn bảo mình lì và liều]; mình bảo mình sẽ không đợi trời tối vì càng tối thì càng khó kiểm soát sự việc nên mình rất nhanh chóng tự đi cố định dây tự kẹp dây vào đai ngang bụng và nói nhắm mắt lại, nghĩ rằng mình tận hưởng dòng nước. Nói dứt câu mình quay mặt về phía 2 người bạn đồng hành mỉm cười và bước lùi chân thả người [chứ không quay lưng như nhảy lao xuống hồ nước; chắc ngoài đời mình sợ nước sợ biển hồ nên nỗi sợ trong giấc mơ là sợ đến vỡ tạng vì lao từ trên cao xuống nước :)))]. Cảm giác trong giấc mơ thật tuyệt, mình rơi tự do và chủ động thả kẹp dây rồi ùmmmmm ọc ọc ọc tiếng bong bóng nước, mình nhớ cảnh cuối cùng mình nhìn thấy là các bong bóng nước lăn tăn bé đang trồi lên bề mặt nước có gờ ánh sáng trắng xanh. Một cảm giác rất dễ chịu, người nhẹ tênh êm ái như chết.
Rồi mình mở mắt, lạnh. Tròng trành, tiếng sóng nước, trần phòng bằng gỗ ọp ẹp giống khoang thuyền. Quay đầu sang trái mình thấy da mặt rất đau, đau môi, má, đầu cũng đau [bình thường có biết đau đầu là gì đâu], chống tay ngồi dậy choáng váng, ê ẩm khắp người, quần áo vẫn còn âm ẩm. Chậm chạp ngồi dậy, chạm chân xuống sàn, đúng là một cái tàu thật, chân không gãy, đi lại được nhưng nhiều vết bầm tím, xước xát, tiến ra phía ngoài giật mình nhìn thấy mình ở ô kính cửa mờ mờ, mặt mày bầm dập môi sưng tếu gò má phải tím đen.
Vít tay đi thang lên mạn tàu, bạn trai cùng đoàn quần áo lấm lem đang ngồi ngắm biển, tay băng cố định đung đưa đeo ở cổ. Mình heyyy [giọng khản đặc] và bạn í quay lại nói cô ấy nhảy ngay sau tú, họ vừa vớt cô ấy lên, chết rồi. Mình đứng nheo mắt nhìn biển, nắng làm da mình khô và nheo mắt cũng kéo tất cả các vết xước trên mặt hở miệng, mình bặm môi nếm vị máu ở vết rách môi dưới. Mình gật đầu tiếp nhận thông tin, đứng vỗ vai xoa gáy bạn trai kia. Bạn í đứng dậy quàng tay ôm mình. Lúc ấy cả 2 đứa bật khóc, tiếng tru của mình còn không thoát được ra. Rồi mình buông bạn ấy ra tháo nẹp kiểm tra cố định tay gãy cũng như tình trạng xung huyết của bạn. Mình nói mình cần dùng internet, mình vào buồng lái hỏi mượn điện thoại của người chủ tàu và viết email: em đang trên đường về nhà.
Mở mắt dậy mình vẫn khóc, tóc và gối ướt. Điện thoại kêu chuông, alo chị tú ạ, em gọi cho chị từ holika [malisa...] vietnam, em xác nhận đơn hàng &₫@₫&&%+#%#**^$... bạn ơi, xin lỗi bạn, bạn nói đơn hàng của ai đặt nhỉ; của chị Nguyễn Thu Trang ạ; à, bạn đợi mình gọi cho chị gái hỏi đã nhé, 2' nữa mình báo lại.
Sao cuộc đời lại cứ bắt nhau tụt cảm xúc như xế hở giời 🤣😂
p/s: giờ giảm độ 3kg nữa là về hồi 2010-2012, đi như lướt trên mây :))). Khoa học bảo kiểm soát cân nặng 80% là chế độ ăn, 20% là luyện tập mà con lốc trước giờ chưa từng ăn theo chế độ nào, hay giờ thử bỏ hẳn bánh kẹo cùng lượng đường nạp vào người xem sao nhỉ... nghĩ đến ngày không có cái kẹo bỏ vào mỏ thì đã thấy bi đát như mùng 1 tháng 7 âm lịch mưa cả ngày rồi 🙃