29.11.16

touch my own skin and hope that I'm still breathing



Mở đầu Anna Karenina, Leo Tolstoy viết: "Mọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại khổ sở theo cách riêng"
Tôi chưa bao giờ thực sự đọc Anna Karenina, chưa bao giờ đọc cho hết nhưng câu mở đầu thì tôi luôn nhớ. Tôi nghĩ đến nó rất thường xuyên. Tôi hay để tâm đến các gia đình "có vấn đề", thật sòng phẳng thì tôi nghĩ mình thô bỉ và lạnh lùng, tôi muốn biết những rạn vỡ càn quét mỗi gia đình đến mức độ nào, họ đối mặt thế nào, họ thành ra thế nào trong và sau rạn vỡ, họ còn lại những gì... Nhẫn tâm quá nhỉ.
Tôi chú ý đến Bụi lý chua máu vì vẫn như mọi khi, nó là sách ế. Hồi mới xuất bản nó ế lắm, và lúc tôi gặp lại đầu sách này ở 176 Thái Hà thì nó cô đơn cũ kỹ lẻ loi sứt mẻ nằm dưới cùng ở trệt sát đất như lặng lẽ ngắm nhìn những sách kinh tế, kỹ năng hào nhoáng mới tinh phù phiếm bao xung quanh mình. Vậy là tôi chính thức mở cửa nhòm ngó. Ngay ở mép gấp bìa trước, tôi đọc lướt vài dòng và biết mình sẽ muốn đọc nó. Đọc lướt bìa sau "bụi lý chua bất thường... gia đình sống trên ngọn đồi... thám tử ám ảnh sâu sắc về quá khứ... những rạn nứt gia đình không còn hy vọng cứu vãn", tôi thở dài vượt qua, rạn nứt không còn hy vọng cứu vãn ư, không thể cứu vãn được nữa à :(
Bụi lý chua máu của Arnaldur Indridason đến từ Iceland có một mở đầu khác hẳn mạch mào đầu  của trinh thám Bắc Âu chậm chậm lan man, chỉ bằng một câu văn: "Anh ta nhận ra ngay đứa trẻ chưa đầy một tuổi đó... đang ngồi gặm một mẩu xương người". Chỉ bằng một câu văn có mùi tội ác như vậy, người đọc được đưa thẳng đến sự việc cần làm sáng tỏ của quyển sách: một bộ hài cốt được phát hiện, có thể đã ở sâu dưới đất 60-70 năm, nó của ai, ai đã bị giết và tại sao, ai đã chôn nó, kẻ sát nhân là ai, câu chuyện thực sự là gì...
Arnaldur Indridason viết rất khéo. Câu chuyện không sa vào lan man, có lẽ đây là chủ định của tác giả vạch rõ từng tuyến truyện nhỏ để kết cấu thành một câu chuyện có dung lượng vừa khéo. Câu chuyện về một gia đình năm người: một cặp vợ chồng và ba đứa trẻ, sống trong cái tù túng bi đát của bạo lực gia đình được tác giả sử dụng làm cái tâm chính để từ đó đảo đi đảo lại nan đề này. Bạo lực trong gia đình làm những đứa trẻ thành ra như thế nào, giá trị tuyệt đối của đứa trẻ ấy sau này được lấy cốt lõi từ giá trị âm hay dương... cách ông lồng ghép chi tiết về những rạn vỡ trong các gia đình khiến người đọc cứ âm thầm đi theo và bùi ngùi. Và sẵn đây, tôi đồ rằng công của dịch giả rất lớn, trên sách ghi Phương Phương dịch, với tôi đây là một bản dịch mềm mại, nhiều văn chương, kết hợp với kỹ thuật viết, câu chuyện vừa đủ của tác giả, những điều không vui thực như cuộc sống ở quanh ta, vậy thì, sao thế nhỉ, tôi ngạc nhiên đấy, sao sách lại ế thế :v (fét thôi, ngạc nhiên gì, chuyện này là bình thường)
Cái tôi thích nhất ở tác giả này là kết cấu câu chuyện rất không trinh thám và cách ông xây dựng hình ảnh các nhân vật điều tra. Một tiểu thuyết trinh thám hiện đại nhưng đi quá già nửa quyển sách, không xuất hiện các yếu tố khoa học hình sự, không DNA không da không móng không tóc không lý lịch không hồ sơ không báo cáo, chỉ có một đội khảo cổ hết ngày này đến ngày khác đào đào bới bới quét quét phẩy phẩy từng tí đất một trên bộ xương với tốc độ như khai quật mộ cổ để đưa bảo tàng chứ không phải điều tra hình sự; chỉ có tư duy logic của con người lồng ghép, suy luận, loại trừ để tìm ra thông tin chuẩn. Hình tượng thám tử Erlendur và đồng nghiệp (nhân vật đồng nghiệp cũng rất sống động) không đến mức ấm ớ ngớ ngẩn như sở thích anh hùng điều tra phá án của tôi nhưng mà sở thích không hề biến mất mà nó chỉ thay đổi hình dạng :v. Erlendur cũng vẫn có cái kiểu ấm ớ ngớ ngẩn, hướng điều tra của ông bắt đầu từ linh cảm và suy tư khi đứng ở khu đất tìm thấy bộ xương nhìn lên phía trên đồi và thấy bụi lý chua thì tự hỏi ai đã trồng chúng, lý chua dại mọc ở Iceland ư, rồi ngẫn ngẫn nói chuyện với bộ xương: "Anh có còn sống không?" khi tự bới được xương bàn tay như chĩa lên trời cầu cứu hay suy tư về chính nơi mình sống, về việc làm cha mẹ, về khái niệm gia đình... ông quan tâm đặc biệt tới các vụ mất tích ở cả quá khứ và hiện tại vì ông bị ám ảnh có một người em trai mất tích trong bão tuyết, rất sòng phẳng với bản thân, dám nhìn nhận thực tế về những rạn nứt bên trong mình, về việc mình chia tay vợ (vợ mình đã bao giờ là người yêu của mình chưa), về việc bỏ gia đình mà đi và sự xa cách với hai con, ông cảm nhận được sự lặng yên ngự trị cuộc đời mình, thuộc dạng người tự chữa lành vết thương cho mình mà không thèm đếm xỉa đến sự an ủi (thật tâm hay xã giao) của người khác, nếu bạn tỏ vẻ tôi hiểu mà trước vấn đề riêng của ông thì ông ta sẽ rất sẵn lòng và thản nhiên nói anh chị làm sao mà hiểu được vì đến tôi còn không hiểu được chuyện của mình cơ mà; nếu bạn an ủi thời gian sẽ xoa dịu vết thương thì ông ấy là người dám lấy kinh nghiệm cá nhân đối mặt với mất mát để đưa bạn chạm vào thực tế mà nói rằng thời gian á, thời gian chả chữa lành được vết thương nào cả. Ông quyết liệt tách bạch các khái niệm, không thích cào bằng sự việc, tội ác là tội ác, giết người sẽ vẫn là giết người cho dù bao năm tháng đã trôi qua, nên có thể độc giả cũng có ý nghĩ như người đồng nghiệp của ông rằng: tại sao ta phải mất công vì một bộ xương đã nằm dưới đất 60-70 năm trong khi còn rất nhiều tội ác phơi phơi cần được làm rõ ngoài kia... Ông thuộc kiểu người sống lâu trong bầu không khí ảm đạm u ám của mùa đông đến mức đã lãng quên mùa xuân có thể đẹp thế nào, còn mùa hè trở nên quá nhiều ánh sáng và phù phiếm với ông. Điểm khác biệt là Erlendur có những thời điểm đột biến đi thẳng được tới mối quan tâm của mình, khả năng tập trung cao độ, tác phong nhanh gọn dứt khoát, có xu hướng hành động tốt hơn các anh điều tra khác ấm ớ ngớ ngẩn mà mình thích ở trinh thám Bắc Âu :v

Tôi đã rất nhiều lần xoay khớp cổ như chuẩn bị lao vào chiến đấu khi đọc quyển sách 400 trang này, chỉ bởi người mẹ trong truyện thật dũng cảm, bà chấp nhận những trận đòn tra tấn thể xác và tinh thần của chồng để bảo vệ các con, bà chấp nhận rút lui vào thế giới của mình một cách tủi hổ đầy quả cảm, đóng cửa nỗi đau của mình để bảo toàn thế giới của các con. Một người mẹ dũng cảm. Tôi khâm phục, cảm động và trân trọng nhân vật người mẹ này, nên không tránh được việc một đứa bất cần như tôi, ngồi đọc  mà xoay khớp cổ chuẩn bị đối đầu, lòng nóng như thiêu vì đó là cách tôi chọn, tôi chống trả bất chấp hệ lụy, tôi luôn luôn tìm một con đường để sớm kết thúc mọi tồi tệ mà không màng đến việc điều gì còn lại hay còn lại gì sau tất cả.
Bụi lý chua máu ở nhà tôi cũng lâu đấy, nhưng tôi cứ canh đi hội sách để vợt Vết bớt màu cà phê sữa. Tôi muốn đọc vài đầu sách liền nhau của một tác giả, để thử mò mẫm sự liên kết giữa những thứ họ viết con người viết của họ và con người cá nhân, để xem họ lên hay xuống tay viết, để biết họ chế biến có công thức hay không và đặc biệt, cái gì ám ảnh họ thực sự.
Gần đây, tôi hơi ngạc nhiên vì một người bạn fb tôi chưa từng gặp mặt có thể áng được cái "gu" trinh thám của tôi, và chỉ ra đích danh một tác giả trinh thám Bắc Âu sẽ khiến tôi quan tâm trong khi ở mảng trinh thám, tác giả này xuất hiện ở VN mờ nhạt, độc giả ít ỏi. Tôi cũng vẫn đang để ý tác giả này dù chưa thực sự đọc, thế mà anh bạn kia chỉ ra đúng cái ông tác giả ít người đọc này làm tôi chột dạ phết, ơ hay cái ông này, tự tin thế, nêu đích danh ông tác giả và cái mẹt mình cứ như đi dép xốp chạy đại náo trong lòng mề mình đọc vị í nhẻ. Có thể xem năm nay là một năm tôi đọc rất ít sách, ít hơn hẳn, chả khám phá ra thêm nhà văn nào để yêu, mảng trinh thám lại càng ít. May thay được anh bạn kia lôi ra ông tác giả này, chỉ chỉ vào cái mẹt mình như kiểu: nài, cô đọc ông nài đê, anh thấy đúng khẩu vị của cô đấy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét