30.11.16

Trừ tuyệt



2 tháng vừa rồi đọc lê lết Kim Các Tự, nhiều lúc có cảm giác ngày lại ngày đi trên sa mạc, ngày lại ngày và không có hồi kết. Tôi không tìm ra cách gì chữa lành cho tình yêu của mình ngoài việc đọc một tiểu thuyết cực đoan cự tuyệt thế giới như Kim Các Tự, đã có lần tôi nghĩ: cái quái gì thế này, Yukio Mishima chường ra thế giới này Kim Các Tự chỉ để mà cự tuyệt à. Tôi không cần ai đó chữa lành cho mình, tôi chỉ cần trong lúc mình đang liếm láp vết thương thì có ai đó hiện hữu bên tôi thôi. Tôi không cần ai đó cố công băng tường vào thế giới của tôi để tôi lại phải phòng thủ cầm chày giã tỏi chờ sẵn để mà bưởng cho họ một bưởng ngã lăn quay ra chết phía bên kia tường. Tôi dùng chính cách thức bệnh hoạn dị hợm của nhân vật chính trong Kim Các Tự, tôi chọn cách thức ấy bởi không tìm được một phương cách nào khả dĩ hơn, sòng phẳng với bản thân chỉ còn có cách ấy: giết chết chính điều mình từng xây đắp trong tâm tưởng, phải tự bước ra khỏi đám sương mờ.

Yukio Mishima viết Kim Các Tự (Kinkakuji) dựa trên một sự kiện có thật năm 1950 khiến cả nước Nhật quan tâm: ngôi chùa Kinkakuji hơn 500 năm tuổi ở Kyoto bị một chú sadi (chú tiểu) phóng hỏa đốt cháy rụi. Mishima dựng nên nhân vật chính chú sadi với nội tâm đầy xáo trộn bị ám ảnh bởi cái đẹp không sao có được và con đường từ lúc manh nha ý định cho đến khi chắc chắn đưa chú sadi ấy đến chỗ hủy hoại cái đẹp một cách điên cuồng và tuyệt vọng. Câu chuyện mang đầy yếu tố nội tâm lung lạc nhằm lí giải động cơ đốt chùa của kẻ yêu cái đẹp "điều quan tâm của tôi, vấn đề thực sự của tôi chỉ là cái đẹp mà thôi", cái đẹp tách rời cậu ta khỏi cuộc đời và che chở cậu ta trước cuộc đời, "Khi tập trung tư tưởng vào cái đẹp, người ta có thể chạm trán với những tư tưởng hắc ám ở trong thế giới này mà không hay biết gì hết. Tôi dám nói rằng nhân gian vẫn có phong thái như vậy"
Mizoguchi chú sadi trong Kim Các Tự của Yukio Mishima là một thiếu niên xấu xí, mắc tật nói lắp. Cậu là con trai một tăng lữ của một ngôi chùa nhỏ, từ bé cậu đã được nghe cha kể về vẻ đẹp của Kim Các Tự ở Kyoto. Hình ảnh ngôi chùa trong tâm trí đã khiến cậu say mê nó lúc nào không hay. Lần đầu tiên nhìn thấy ngôi chùa, Mizoguchi thấy đó chỉ là một tòa kiến trúc xấu xí tầm thường soi bóng xuống mặt ao đầy bèo, Kim Các Tự trong tưởng tượng của cậu đẹp hơn nhiều Kim Các Tự trong hiện thực. Sau khi được tiếp nhận như một chú tiểu sống trong ngôi chùa, Mizoguchi dần cảm nhận được vẻ đẹp mãnh liệt của nó. Cậu bị ám ảnh đến mức nhìn thấy cái gì đẹp cậu cũng so sánh với Kim Các Tự, cậu xa rời và khinh miệt cuộc đời, Kim Các Tự như án ngữ ở mọi cái đẹp trong cuộc sống thường ngày của cậu, ngay cả khi gần phụ nữ thì Kim Các Tự cũng hiện lên, Kim Các Tự ám ảnh cậu đến mức cậu cho rằng Kim Các Tự là nguyên nhân gây ra sự vô lực của mọi người, cậu xa lánh sự vô lực mà mọi người tiết ra nồng nặc và việc không được người khác hiểu thấu chính là lý do tồn tại của cậu. Kết hợp với những kiến giải về cuộc sống, cái đẹp, cũng như công án thiền đầy tính triết lý tự kỷ của người bạn thọt Kashiwagi đã gây nên nhiều xáo động lung lạc trong tâm hồn Mizoguchi. Càng lúc Mizoguchi càng bị cầm tù trong vẻ đẹp của Kim Các Tự, cậu manh nha ý định đốt chùa, ý định ấy ngày càng rõ khi quân đội Hoa Kỳ oanh kích trên bầu trời Nhật Bản, cậu như bừng tỉnh quyết tâm "ta phải hỏa thiêu Kim Các Tự" và sẽ cùng chết với ngôi chùa. Sau khi đốt nó, cậu từ bỏ ý định giết mình, trong cậu ngập tràn một cảm giác tự do và ham sống như bước ra khỏi một màn sương mộng ảo
Cái đẹp tuyệt mỹ thường khiến lòng người hóa điên, cái đẹp khi ấy mang vẻ đẹp bi đát quá sức chịu đựng, vẻ đẹp không thể với tới, trác tuyệt đến mức làm người ta hóa điên trong cõi thực hư, nó báo hiệu cái chết yểu rằng vẻ đẹp này sẽ sớm tự hủy, cái đẹp này rồi sẽ sớm tàn lụi. Quanh Mizoguchi những gì thuộc về cái đẹp, do nhiều nguyên nhân khác nhau, cuối cùng đều bị hủy diệt đầy thảm khốc. Cô gái Uiko đại diện cho cái đẹp diệu vợi của phụ nữ bị nhân tình bắn chết. Tsurukawa người bạn của chú tiểu là hình ảnh của cái đẹp trong sáng nhưng rốt cuộc tự giết mình. Kim Các Tự vẻ đẹp tuyệt mỹ toàn bích khiến chú tiểu hóa điên mà đốt cháy rụi. Yêu Kim Các Tự đến mức tôn thờ nên tâm trí Mizoguchi bị giam hãm trong chính vẻ đẹp của nó, chỉ đến khi thiêu trụi được ngôi chùa thì chú mới được giải thoát khỏi cái đẹp không sao với tới. Kết cục bi thảm của cái đẹp như một sự giải thoát đối với kẻ yêu cái đẹp đến cuồng vọng.
Nếu quả thực trên đời này tồn tại cái đẹp đến mức khiến con người ta cuồng vọng thì chúng ta hẳn phải bứt rứt lắm đấy vì tại sao vẻ đẹp này đã tồn tại trên đời từ lâu mà ta không hay biết, nếu nó thực sự có tồn tại ở đó thì chẳng phải chính sự tồn tại của ta xa lạ với cái đẹp hay sao :p. Còn nếu cuộc đời chỉ có sinh và diệt, sinh và diệt là một, có cùng ý vị như nhau, cuộc đời thiếu tất cả những gì gọi là tự nhiên hay thiếu những cái đẹp như Kim Các Tự, nếu cuộc đời như vậy thì có giống một thứ co quắp thiếu thốn không nhỉ :p

"Cái làm cho thế giới thay đổi hình dạng, chính là sự hiểu biết. Chỉ có sự hiểu biết mới làm thay đổi thế giới này đồng thời lại vẫn để thế giới này trong trạng thái bất biến. Khi nhìn thế giới với con mắt của sự hiểu biết, cậu sẽ thấy thế giới thực ra vĩnh viễn bất biến và đồng thời cũng vĩnh viến biến mạo... con người có được sự hiểu biết làm võ khí để có thể chịu đựng được cuộc sống. Đối với súc vật những cái đó lại không cần thiết. Súc vật không cần ý thức hoặc cái gì tương tự để có thể chịu đựng được cuộc đời. Nhưng con người cần phải có một cái gì đó và với sự hiểu biết con người có thể làm cho chính cái tính cách không sao chịu nổi của cuộc đời trở thành một võ khí mặc dù lúc ấy cái tính cách không sao chịu nổi của cuộc đời không thể giảm bớt lấy mảy may... Ngoài cách ấy ra thì chỉ còn điên cuồng hoặc cái chết...Cái đẹp là ảo ảnh, thực ra không có cái gọi là cái đẹp, điều đã đem cho ảo ảnh một sức mạnh như thế, điều đã làm cho ảo ảnh có nhiều hiện thực tính như thế là sự hiểu biết, quan điểm của sự hiểu biết thì cái đẹp không bao giờ là niềm an ủi. Nó có thể là một người đàn bà, nó có thể là một người vợ nhưng chẳng bao giờ nó là niềm an ủi hết. Tuy nhiên, từ sự kết hôn giữa cái đẹp vốn không bao giờ là niềm an ủi với sự hiểu biết đã này sinh một cái gì đó. Nó thường mong manh như bọt nước và tuyệt đối vô vọng. Song, đã có một cái gì đó ra đời. Đó là cái mà thế gian gọi là "nghệ thuật".

"- Bạch Thày, giữa con người của con dưới mắt người đời và con người của con dưới mắt chính con, con người nào thực sự vững bền?
- Chẳng mấy chốc cả hai sẽ cùng đi tới chỗ trừ tuyệt. Dù cho con có cố gắng tự mình thuyết phục là con người của mình bền vững đến đâu đi chăng nữa, cái con người của con chẳng chóng thì chầy cũng sẽ phải trừ tuyệt. Trong khi con tàu đang chạy thì hành khách đứng im một chỗ; nhưng khi con tàu ngừng lại thì hành khách lại bắt đầu đi từ điểm ấy. Chạy mãi cũng có lúc chấm dứt và ngừng mãi rồi cũng có lúc chấm dứt. Cái chết mới là sự nghỉ ngơi tối hậu, song ngay cả sự nghỉ ngơi tối hậu ấy, mình cũng không thể biết là sẽ tiếp tục trong bao lâu nữa"


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét