24.6.23

những hiệu quế

 



giữa các ghi chú, chọn hoàn thiện Những hiệu quế vì giữa mùa hè Hà Nội có một ngày xám xịt se lạnh trời nghiêng trút thả nước xuống nhả nhích cả ngày, một cảm giác rất khó tả như khi đọc Những hiệu quế và Phố Cá Sấu trong tập Những hiệu quế, Bruno Schulz. Những hiệu quế gồm 15 truyện ngắn và Xuất bản Khác đã gộp novella Sao chổi vào cùng, nên tập truyện gồm 16 truyện


Schulz viết những câu truyện không có cốt truyện, không chuyện. Viết với con mắt của người hoạ sĩ [ông tả màu sắc, sắc thái của cảnh: tăng/giảm, lên/xuống từng quãng tám của màu (tr8, tr119); đọc Schulz như nghe thấy thang âm, giai điệu] những nét phác thảo đơn lẻ chia tách từng chi tiết, mảng màu, hình khối, phối cảnh được viết đẹp đến không tưởng, đôi lúc phải dừng lại để tin rằng người ta có thể mô tả, hình ảnh qua ngôn ngữ có thể đẹp, có thể lạ kỳ độc đáo đến không tưởng cỡ này hay sao, không hình dung nổi có thể tả như thế; rồi lại chính những nét phác ấy lặp lại, luyến láy như điệp khúc của bản nhạc; chính sự lặp lại này, khiến người ta tự hỏi, gọi đây là tập truyện ngắn thì phải hay không phải, nó hoàn chỉnh như một truyện không truyện. Chính vì không truyện nên có thể đọc bất cứ trang nào, dù là một đoạn văn không đầu không cuối thì ai cũng sẽ nhận ra thôi: văn chương Schulz là văn chương kỳ khôi khó cưỡng, ta đọc một đoạn bất kỳ rồi đọc tiếp đọc tiếp và tự hỏi ta đã bỏ lỡ gì ở những đoạn trước đó và cứ thế trở lui để đọc rồi lại đọc trở xuôi đọc quay vòng lặp lại. Schulz vẽ trong những mô tả mơ hồ thực hư chồng lấn nhau như một người trôi trong môi trường chân không, từ đó dần hình thành bức tranh sinh động về nơi chốn tỉnh lẻ, những phố những vườn những phòng, không gian và con người... với hình ảnh người bố là trung tâm và là nhân vật giữ tất cả tụ lại vòng xoáy mê cung vô biên của ký ức và tưởng tượng trong con mắt, cảm nhận của một đứa trẻ 


rất nhanh chóng đọc những truyện ngắn đầu tập Những hiệu quế người ta nghĩ đến Kafka; những mô tả về người bố, dẫu những gì về người bố ảnh hưởng lên Kafka và Schulz khác nhau [bố của Schulz - một người bố với những tư duy, ý tưởng, thử nghiệm kỳ quái; hình ảnh không giống bất cứ người bố nào trong văn học, thậm chí, ngoài đời có người bố như thế này thật sao: không hẳn xa cách, chỉ là, cơ thể con người mình có chịu nổi độ toả nhiệt của người bố ấy không], rồi khi đến Gián [Schulz miêu tả bố mình di chuyển với nhiều chi, những chuyển động phức tạp và bò đi với cách thức của một con gián trong nhà] thì chính là hiện thân của Hoá thân, dẫu Schulz phủ nhận mình từng đọc Kafka trước đó; người ta có thể tin có thể không, nhưng tôi hoàn toàn tin điều ấy; có kinh nghiệm về chuyện gì đấy rồi thì người ta mới có kinh nghiệm về chuyện gì đấy và hiểu, tin. Có những truyện ngắn cho tôi cảm giác, con người kỳ lạ này viết như thể sự sôi nổi của thế giới, sự đờ đẫn ù lì của khắp chung quanh thì cũng đều ập đến họ vũ bão khiến họ như kẻ chân không lơ lửng, và đang tìm cách xoá đi, thủ tiêu vết tích của mình thông qua cách viết xảo quyệt đánh lạc hướng thực tại khép lại mỗi truyện, như cách cho các nhân vật tan biến tại thời khắc cần xoá vết tích, cần thủ tiêu, một cách tan biến rất lừa mị, vô định và quái lạ


tôi đã định chọn Chim, Ma nơ canh - những hình thức của vật chất để mở màn Những hiệu quế và khi dừng ở đấy, tôi đã nghĩ ngay có lẽ đây cũng là những truyện ngắn tôi thích nhất; cho đến khi đọc truyện Những hiệu quế, một cảm giác lạc đường, lạc trong cả cảm nhận của mình như phố xá trong cơn bão mọi nơi chốn ngóc ngách đều khiến ta không còn nhận ra, cảm giác của hân hoan khám phá rất khó tả như được sống lại ký ức dẫu không hề vui [có những giây tôi như trở lại cảm giác đọc Shosha], như mê cung, như thực tại và cũng như tưởng tượng; một thế giới không thực, nó xoá luôn dấu vết của chân chạm đất và không chạm đất, thủ tiêu mọi vết tích thực tại; rồi tôi liền nghĩ Modiano với những phố, Modiano có đọc Schulz không, nhất là ngay sau Những hiệu quế là Phố Cá Sấu, tôi nghĩ đến Modiano lắm 


cũng rất may, Schulz để lại không nhiều nhặn gì, chứ nếu đồ sộ như Kafka [mà thật ra Kafka muốn xoá dấu] thì rồi người ta lại rồ lên vì Schulz. Văn chương không có truyện có thể trở thành thứ văn chán đờ người với đám đông, và dù chán, nó không ngăn cản sa cạ bầy đàn rồ lên vì nó, sức hấp dẫn của những gì người ta có thể hiểu hay không hiểu, cảm tri hay không là như nhau. Không nhiều, trong 2 tập truyện thì lại có một truyện tên Quyển sách. Hay lắm


ps. đây là lần hiếm hoi đọc truyện ngắn, tôi thích nhất trúng cái truyện là tên của tập truyện. Hay lắm

bìa sách màu ghi, màu ghi là màu trắng quá sáng 


9.6.23

Élégie





"Nhìn em đứng tựa

cửa sổ tuyệt cùng

anh mới hiểu ra, và uống

vực thẳm vô chừng


Tay em chìa

vào đêm chia ly

đuổi đi từ trong anh

những rời bỏ

cả em, cả anh


Cử chỉ ấy hình như muốn nói

lời vĩnh biệt mênh mông

biến anh thành gió

để rồi, rơi tuột xuống dòng sông"


đầu năm đọc Những cửa sổ - Baudelaire và nghĩ đến Mười bài cửa sổ "nhờ mi người ấy giống/một chút với chính mình" của Rilke [bài này tôi đọc trên blog của dịch giả cũng lâu lâu 5-7 năm trước rồi, lúc ấy tôi nhớ có vài khổ thơ cuối câu là "em" làm tôi nghĩ đến một bài hát, tự nhiên giai điệu vang lên thôi vì cứ đúng chữ "em" thì ngân cao độ; hôm nay đọc thì nhớ nó ở VIII]; giữa năm có booklet Mười bài cửa sổ; "cửa sổ được đưa trở lại cốt tuỷ thuần tuý nhất của nó: cửa sổ chính là sự rung động" [CVD]


ps. lần nào nhận sách theo đợt CTXB của Xuất bản Khác có booklet thì việc đầu tiên tôi làm là ngắm nghía sờ mó booklet, và đọc nó đã, xong xuôi rồi tính tiếp

6.6.23

thiên chức của hoa




một buổi sớm Chủ nhật đầu năm 1940, nhóm Xuân Thu gồm sáu người, hôm ấy ba người: Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh cùng nhau đến nhà Nguyễn Lương Ngọc, bàn nhau và lấy tên cho tập sách của nhóm là Xuân Thu nhã tập; với nghĩa xuân - thu là hai mùa đẹp nhất trong năm, chúng đi với nhau theo nhịp tuần hoàn của trời đất và nhã tập là tên tập sách với nghĩa nhóm bạn chúng ta hay luận với nhau về mấy chuẩn mực rất triết học thì tập sách phải mang được cái đẹp của trời đất, cái triết lý của đời, cái tầm văn hiến của nhân loại. Chiều cùng ngày, bốn người họ nói tên Xuân Thu nhã tập với hai người bạn còn lại trong nhóm là Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Đỗ Cung thì được hai bạn bày tỏ đồng lòng với tên gọi ấy. Từ đấy tên nhóm là Xuân Thu nhã tập với sáu người cùng chung một tín ngưỡng, cùng thờ một đạo sáng tác - đồng thời cũng là tên tập sách của họ


khởi thuỷ tên nhóm Xuân Thu bắt đầu từ 1939; đến 1940 nhóm tên Xuân Thu nhã tập, họ cùng bàn về các bài tiểu luận và thơ văn từ cuối 1939-1940 rồi từ cuối 1941 đến cả năm 1942 rồi chuyển sang 1943 đưa dần lên báo Thanh Nghị. Xuân Thu nhã tập theo kế hoạch tháng Sáu năm 1942 ra mắt bạn đọc, tôi không thực sự biết bản in đầu chính xác tháng mấy thập niên 40 thế kỷ trước; quyển trong ảnh của tôi là lần in thứ hai 1991 [ở lần in này có thêm có 2 bài cuối sách trích từ hồi kí của Nguyễn Xuân Khoát và Nguyễn Xuân Sanh]


Xuân Thu nhã tập có những bài viết về quan niệm thẩm mỹ của nhóm, về thơ và tính nhạc trong thơ rất hay: Đoàn Phú Tứ viết trong Thanh khí: "xây đền thơ nhạc để điều hoà sự sống của tâm hồn"


trong bài Thơ ký tên Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh [trong đó chất thơ của NXS u huyền còn PVH thì chân phương hơn] viết: "Thi sĩ làm xong bài thơ có thể viết: bản đẹp chưa thành. Vì nó còn chờ tác giả thứ hai: người đọc [...] Người đọc phải là thi nhân tái tạo vũ trụ bài thơ tạo ra. Có thể khác nhau những vũ trụ ấy. Mà làm sao không khác nhau được. Mà cũng nên khác nhau. Nên một bài thơ có thể cảm ra nhiều cách; những khúc hợp tấu của Vô-Cùng [...] Có thể viết theo toán pháp: Thơ = Trong = Đẹp = Thật [...] Thơ là Đạo[...] vòng tương sinh: Đạo - Âm+Dương - Sáng tạo - Rung động - Thơ - Đạo [...] Là bài thơ, nếu bài văn chương (dù ở thể nào, loại nào) có chất Thơ; hàm súc cái rung động siêu thoát, phảng phất cái hương vị tuyệt vời... và giá trị nó định ở cái lượng hàm súc cùng cái phẩm phảng phất kia, truyền diễn nhịp nhàng trên cánh Nhạc, bồng tới chỗ Trong, Đẹp, Thật: Đạo trong nghệ thuật [...] nên độc giả, thi nhân, tình nhân, tín đồ đều cùng theo con đường trực giác, mới đạt "thơ", đắc đạo, cập tình [...] tiêu chuẩn về hình thức thơ là tính cách độc nhất và thi sĩ cũng chỉ tạo cái gì chỉ có một

Quan niệm "Thơ" ngụ cái ý cần định lại những giá trị bất diệt bằng những khuôn thước thật, trở lại cái can hệ của tinh thần. Đi về lõi sự vật. Tạo lại mình và vũ trụ: Bài-thơ-muôn-đời"



tôi luôn nghĩ, đào tạo người đọc cần thiết lắm; tôi là người chưa bao giờ bài một dòng sách nào trên thị trường sách vì có cầu khắc có cung thôi và cung tăng cao thì cầu sẽ tăng lượng tương ứng; người đọc phải luyện tập nhiều, đọc nhiều thì mới biết cái mình từng đọc có gì không, phải biết nó thì mới biết nó không hay nó có, phải có kinh nghiệm thì mới có kinh nghiệm về nó mà như thế thì phải có kinh nghiệm về nó thì mới có kinh nghiệm. Người đọc lúc ấy gọi là có nòi tình, có nòi tình thì mới cập tình được; và như vậy, thi sĩ văn sĩ cần người đọc lắm, không có người cảm cái họ viết họ kể thì họ không thành thi sĩ văn sĩ vì câu chuyện không sống, chỉ cần duy nhất một độc giả rung động thì "chiếc đàn ta văng vẳng nhạc muôn đời" rồi và "ta có thiên chức tự nhiên: Thiên chức của cây đàn. Thiên chức của đoá hoa" [Đoàn Phú Tứ]


trong Xuân Thu nhã tập có bài của Diệu Anh Đinh Gia Trinh: Đọc Xuân Thu nhã tập (II) in trên Thanh Nghị số 22 tháng Mười năm 1942, đây là bài viết đi sâu quan niệm Thơ của nhóm XTNT và về riêng thơ của Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, về nhóm XTNT chung một tôn giáo. Chính bài viết này ngay lúc đọc đã khiến tôi có ý muốn đi lục Hoài vọng của lý trí của Đinh Gia Trinh trong nhà, tôi biết rõ quyển ấy dễ lục thôi vì ngày nào chả đập vào mắt tôi chồng sách phê bình nghiên cứu văn học; nhưng trái ngang là, ngay khi gấp sách, tôi lại muốn đọc lại Tây sương kí [Mái Tây] bởi chính ý niệm thi sĩ - thi nhân, thi sĩ nàng Thôi truyền lan và thi nhân chàng Trương hấp thụ 

[tuy nhiên, vừa mở Hoài vọng của lý trí ra xem, chắc là cũng sớm phải đọc thôi]



4.6.23

đời sống phòng khách




trong ảnh là ba quyển hài kịch Molière bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh và một quyển bản dịch Tuấn Đô Đoàn Phú Tứ - những tác phẩm dịch tuyệt vời. Chỉ cần đọc một vài hồi kịch của một vở hài kịch Molière thì sẽ hiểu chính những vở kịch này mới đúng Vở kịch con người mà Balzac đã bắt đầu và tiếp tục sau đó về Bourgeois [Nguyễn Văn Vĩnh dùng Trưởng-giả để trỏ thế giới bourgeois]. Molière dựng kịch trên cái nền linh hoạt, sôi nổi [cái sôi nổi ấy có phần công không nhỏ là sự xuất hiện của các nhân vật người hầu (thằng ở - con hầu) - những nhân vật lõi đời khiến các vở linh hoạt đáng kể] mà không thể nói nó xa các tư tưởng triết học. Chúng là bức tranh rộng lớn về triều đình và xã hội lúc ấy, hậu bán thế kỷ 17 đời sống phòng khách nảy nở [Anh chàng ghét đời là rõ nhất] và bốn thế kỷ sau những vở kịch của Molière sống bền bỉ và khoẻ mạnh, hiện giờ, nó vẫn đang đúng từ trong cốt lõi xã hội nhìn rộng ra; có thể nói không ngoa rằng, đúng trên mọi mặt trận phương diện [thí dụ, có những cái nghề Molière tuồng không tiếc đất, như nòi thầy thuốc (Bệnh tưởng) và cũng không chỉ nghề ấy mà "nghề gì là chẳng có tuồng" (gần đây có một truyện, nhạo các nghề cũng tất tay, chính là Cervantes với Tú tài thuỷ tinh, C trắng í)]


chú trọng hai người dịch Molière vì lẽ quá đúng. Tuấn Đô dịch Molière khiến người ta nghĩ đến cái hóm tinh quái sau này sẽ gặp ở Balzac, và tôi cứ nghĩ mãi sao Đoàn Phú Tứ lại không dịch Balzac cơ chứ. Tuấn Đô dịch kịch Molière với đúng bút pháp của nhà viết kịch [các chú thích đặc biệt tỉ mỉ và rất cần thiết], các từ dùng đích danh, xử lý không thể nào tốt hơn, nhất là đoạn "người ta" trong vở Thằng Tactuyf; hai bài viết giới thiệu cũng đặc biệt cung cấp nhiều thông tin, tôi trân trọng lắm, đây là lần thứ 2 tôi đọc quyển kịch Molière Tuấn Đô dịch, tôi đọc lại vì muốn nhìn Molière qua hai dịch giả tuyệt vời, nhìn đồng thời hai dịch giả trong một trường hài kịch. Quyển Thằng Tactuyf xuất bản năm 1974, qua mỗi trang lại thấy thêm trân trọng tâm huyết của người dịch để vào công việc. Nó hoàn toàn có thể dùng thẳng như kịch bản dựng vở vì có những chú thích của dịch giả là để dành cho việc í. Đôi lúc đọc sách xưa, không phải đôi lúc nữa, tôi hay tò mò thì cứ thẳng thắn nhận là nhiều khi-thường xuyên-luôn luôn tôi tự hỏi, con cháu hậu duệ của những người cự phách thế này giờ đã làm gì với di sản họ tiếp nhận, ngay cả kí ức được truyền lại; vì lâu rồi trong quyển Thiên thần nổi loạn do Tao Đàn làm, có dành một bài cuối sách về dịch giả Đoàn Phú Tứ, có nói ông dịch kịch Sáu nhân vật tìm tác giả nhưng chưa kịp in, vài năm sau Tao Đàn có làm Sáu nhân vật đi tìm tác giả nhưng người dịch khác. Quyển kịch Molière này tôi mua 14.02.2020 trong một lần hiếm hoi 20 năm đổ lại đây đi đến hiệu sách cũ; hôm í đi hiến máu và gom mấy việc nên mới ra khỏi nhà; đến giờ tôi vẫn nhớ tôi lấy nó ở giá nào, dù là lần đầu tiên và duy nhất đến hiệu sách ấy [có anh bạn gửi sách qua hiệu sách nên tôi tiện mua sách luôn], vẫn nhớ vì quyển sách gọi tôi nhưng phải ở lần thứ hai tôi vòng lại góc ấy xem sách tôi mới lấy nó ra để được mua nhiều, chỉ là đi mua sách tôi không thích mua ít, mua luôn thể thì tôi thấy mới bõ công tôi đi; lúc ấy làm sao tưởng tượng được chính hiệu sách ấy về sau lại trở thành đại diện một đơn vị xuất bản làm ra ba quyển bìa trắng trong ảnh


còn Nguyễn Văn Vĩnh dịch Molière thì hẳn người ta không thể không nghĩ đến kịch, mà chắc chắn là hài kịch, vì đọc nó người ta mường tượng ngay vở kịch đang diễn trước mắt, như là Nguyễn Văn Vĩnh dựng vở và sắm vai tuồng luôn [và đúng là từng có sự việc ấy, năm 1920, Nguyễn Văn Vĩnh tham gia đưa vở Bệnh tưởng lên sân khấu Nhà hát Lớn và sắm vai Lang Ế]; và chính trong ngôn ngữ của Nguyễn Văn Vĩnh thì tính nhạo báng của Molière mới hiển hiện trong ngôn ngữ; ngôn ngữ tính tượng hình tượng thanh nó đúng một cách rõ rành rành, tài thế "lấy văn ta dịch văn tây, chẳng qua là mượn một cái ước-thể của mình có sẵn, để mà tả những điều mình chưa tả bao giờ"; có lẽ chính thế mà các thông tin đã được nói rõ ngay khi mở sách, rằng: hài kịch của Molière tiên sinh soạn ra, Nguyễn Văn Vĩnh diễn quốc-âm


không nhắc đến người dịch khác, bởi lẽ rất đơn giản thôi, tôi thấy quá tuyệt rồi, mà như thế thì cần gì thêm nữa đâu. Tôi đặc biệt thích nhan đề Người biển lận; Tuấn Đô cũng dịch L'Avare lấy tên Lão hà tiện [cũng dịch Trưởng giả học làm sang] nhưng lão hà tiện thì không thể nào đúng với nhân vật Hạc-Công; chỉ có thể là Người biển-lận. Có thể nói, nếu vào người dịch khác, không phải Nguyễn Văn Vĩnh, không phải Tuấn Đô Đoàn Phú Tứ thì kịch Molière mang cái nhạo của hài kịch rất khác, có thể nó chỉ là hài kịch để đọc, chứ không thể diễn 


vở tôi thích nhất là Anh chàng ghét đời - người quyết rút ra khỏi cánh rừng [trong đó người với người là lang sói với nhau], ra khỏi một vực thẳm nơi thói xấu hoành hành. Vở kịch này có hai nhân vật chính đối trọng với nhau: cùng nhận thức nhưng hành động, thái độ khác nhau. Có những đặc tính con người mà Molière hay Balzac đã lột tả rất điển hình như tính hà tiện gian tham [đàn ông mà hà tiện bủn xỉn keo kiệt thì chỉ có nước than "giời hỡi"] thì ngoài nó, vở Anh chàng ghét đời còn là tính ghen của đàn ông [Đoàn Phú Tứ cũng dựng một vở kịch tên Ghen]. Một chi tiết rất hay trong Anh chàng ghét đời, nó cũng điển hình cho đời sống phòng khách, mà những người có thể viết văn, thích viết lách, lúc nào đấy thử đọc vở này; có một lời thần chú, đại ý: người phong nhã phải chế ngự được cái ngứa ngáy của viết lách, phải kiềm chế được cái thói hăm hở đem những trò chơi đùa đó ra khoe khang rầm rĩ và vì nôn nóng muốn phô trương tác phẩm, người ta dễ làm thành trò hề cho thiên hạ


với vở này, tôi vẫn chưa thoả lòng một cách thẳng thắn vỗ mặt cho băn khoăn: tại sao có những tinh thần ghét đời [lúc này thì tôi kệ mịe, chứ trước tôi hay lên cơn mèo muốn nhìn bất cứ ai hay gì, nói chung không biết đặt mắt mình giác quan mình vào nơi nào, tâm hồn như không chốn dung thân] ở mức bề trên đỉnh cao như thế mà họ lại bị thần tình ái trêu ngươi cho ngã vào chuyện yêu đương ái tình với những đối tượng là điển hình những gì họ ghét đời; ái tình lâm nguy mà câu chuyện tâm hồn đi kiếm tìm hình thức của nó cũng quá nan giải


có một lớp ở hồi thứ ba vở kịch, đoạn hai người phụ nữ đại diện cho đời sống phòng khách nói chuyển, tôi nghĩ ngàn đời tôi tởn phụ nữ: 

"đời người ta, có một thời cho những trò tình tứ, cũng có một thời thích hợp cho cái trò tiết hạnh đoan trang. Người ta có thể vì khôn ngoan, cam bề tiết hạnh, khi tuổi xuân đã kém màu tươi; như thế thì che đậy được cái cảnh duyên tôi đáng buồn [...]; tuổi già rồi sẽ đưa đến đủ mọi chuyện, ai cũng thừa biết là hai chục tuổi đầu mà làm trò tiết hạnh đoan trang thì chưa phải lúc"


ps. - tôi còn quay lại Nguyễn Văn Vĩnh dịch; hôm trước có đứa em bảo tôi là Người Lạ nên từ dùng cũng lạ; tôi bảo, từ ngữ dùng đúng mà lạ thì phải vinh danh ông Nguyễn Văn Vĩnh. Cũng trong mấy ngày đọc Molière, vô tình tôi nghe Nghìn trùng xa cách và chuyện tình Phạm Duy - Lệ Lan Alice; tôi liền nghĩ đến Molière lấy con gái của người tình cũ làm vợ 🙂