26.3.20

tro tàn và địa ngục

Tahar Ben Jelloun nhà văn Maroc, viết văn bằng tiếng Pháp [*]; trilogy: Đứa trẻ cát [The Sand Child], Đêm thiêng [The Sacred Night], The Wrong Night [chưa được dịch, tìm kiếm không cho nhiều kết quả, chắc vì the sacred night giành Goncourt nên nổi trội hết phần]

Bộ ba về số phần của Ahmed/Zahra - một cô gái vì khát khao của người cha muốn có một đứa con trai nên đã tạo ra tấn kịch và bí mật gia đình, nuôi dạy cô như một đứa con trai; và hành trình nhân vật đi tìm lại căn cước và từ chối căn cước dục tính kép. Một số mệnh bắt buộc bị tách ra khỏi sự đời thông thường, nữ sống trong hình thức nam, sống trong cả hai thân phận, trong thân phận nam từ chối nữ, nữ từ chối nam - đi lại giữa hai giới như một người nói hai thứ tiếng - không thuộc về giới nào, đứng giữa cả hai, nghĩa là ở địa ngục


Viết tiểu thuyết về thân phận của người phụ nữ chưa bao giờ dễ dàng, người phụ nữ trong thế giới Hồi giáo Bắc Phi lại càng trúc trắc [nơi mà ngay cả người viết cũng được cho rằng không đến từ đâu cả]; làm sao để không giáo điều không thống thiết khiến người đọc không còn gì để gây suy nghĩ, bị lu mờ những yếu tố khác; về thân phận người phụ nữ trong thế giới Hồi giáo, người ta [tiếp tục] trông chờ những tiếng kêu the thé, giãy đạp hay câu chuyện cảm động, không phải sao. Nếu là một tâm hồn mệt mỏi bị trói cả tứ chi rồi nhét giẻ vào miệng, hay câu chuyện là nhà tù giam hãm chính họ như rùa vác mai

Đứa trẻ cát làm nhiều người nhớ đến Nghìn lẻ một đêm - người kể chuyện [dân đọc nhiều nói xem nghĩ đến ông nào :p]; tác giả cho nhiều người kể chuyện xuất hiện, và mỗi người họ kể ra một kết thúc khả thể, tức là một quyển sách nằm trong một quyển sách nằm trong một quyển sách...; và kết thúc nào cũng không thoả đáng, nó tiến thoái lưỡng nan, mắc kẹt như số mệnh của nhân vật chính. Câu chuyện với nhiều giọng kể chuyện nhiều kết cục như một dãy liên tục những cửa bị bỏ ngỏ trông ra sa mạc trắng; bị chấm lửng, bị biến thành thiên truyện hoang tưởng dài vô tận, mê cung vòng vèo

Đêm thiêng là hành trình đi tìm căn cước và từ chối căn cước dục tính kép của Ahmed/Zahra - khi cô đã quen coi mình là bị cát, bị rã ra, không có khái niệm về sự hiện diện của mình trên cõi đời, thì cô biết yêu; ở đây ta bắt gặp rất nhiều giấc mơ, yếu tố thần bí, thậm chí như nhân vật tự nói với mình rằng cô chấp nhận số mệnh của mình "câu chuyện của tôi - một câu chuyện đã biến tôi thành đứa trẻ của cát bụi và gió bay - đã đeo đuổi tôi suốt đời. Nó sẽ chiếm choán toàn bộ cuộc đời tôi. Tất cả những gì mà tôi sẽ biết tới sau này đều là sự tiếp nối dưới hình thức này hay hình thức khác, một trong những biểu hiện trực tiếp hoặc nguỵ trang của nó. Câu chuyện của tôi là ngục tù giam giữ tôi... dù đi đâu tôi cũng tha ngục tù như rùa tha mai trên lưng. Tôi sống trong đó và chỉ còn có việc tập cho quen. Tình trạng cô đơn có lẽ giúp tôi cắt đứt dần từng sợi dây mà số phận bị chuyển hướng đã chăng dệt quanh tôi." Trong đoạn cuối Đêm thiêng có hình ảnh người phụ nữ Zahra lúc này đang thụ án giết người phải khoác lên mình bộ đồng phục nhân viên trại giam, một bộ đồ đàn ông - một ưu đãi mang tính chất mệnh lệnh số phận, thi hành mệnh lệnh số phận và một số bạn tù gọi cô như cấp trên, như một người chỉ huy áp đặt [nam giới], thậm chí gọi cô là "ông"

The Wrong Night theo tìm kiếm thì nhân vật chính vẫn là một người phụ nữ, nhưng ở tư thế của bạo lực nổ ra khi đã bị áp bức lâu dài, một người đàn bà không thực, người đàn bà đến từ những huyền hoặc

ở Đứa trẻ cát và Đêm thiêng, tôi đều rất thích các đoạn viết giấc mơ, mê sảng trong cơn ốm, cũng như việc giấc mơ của tôi luôn luôn bắt đầu bằng tôi đi ra khỏi nhà, tôi rời khỏi nhà mình, tôi lênh đênh trên biển, tôi ở nơi xa lạ không có thật etc. nó không gì khác hơn là chạy trốn, thật ra là từ chối thế giới vì thế giới ốm to và vì nó bị tiên tri. Mỗi đêm phải như mỗi cuộc dọn nhà, tống tiễn không chút do dự; những gì được tống tiễn khỏi tâm hồn mệt mỏi rệu rã này phải lấy làm sung sướng vì được tống đi 🙂

Tahar Ben Jelloun là bạn và chịu ảnh hưởng của Jean Genet và Jean Genet khuyên ông "khi viết hãy nghĩ đến người đọc, hãy giản dị" 🙂 như trong Đêm thiêng "Rời khỏi các đêm của tôi, những nhân vật lẫn vào bóng tối. Tôi nghe rõ tiếng bước xa dần, sau đó là im lặng và đôi lúc tôi thấy dội lên tiếng người gục ngã"

sa mạc có quy luật và ân sủng có bí mật riêng

[*] đọc phỏng vấn Tahar Ben Jelloun, tại sao không viết bằng tiếng Ả Rập, một ngôn ngữ uyển chuyển http://www.tanvien.net/pv/pv10_jelloun.html 
trong bài phỏng vấn có 1 ý ông nói: "Khi tôi nói, tôi được "hân hoan" đón nhận, không phải theo nghĩa "ào ào". Đây là một tiến trình "tà tà, nhẩn nha". Tôi nói một cách nghiêm túc: không phải như bây giờ, khi mà mọi người tranh nhau nói về một tác giả trong ba tháng, thí dụ vậy, rồi xong. Ông ta biến mất, chẳng để lại một dấu vết. Harrouda chỉ bán được ba ngàn cuốn, nhưng, trái ngược với những thành công sớm nở tối tàn khác, là, 24 năm sau, nó vẫn vớ được độc giả, theo kiểu lai rai, rỉ rả"

văn chương là rì nếu không gây suy nghĩ buộc người đọc phải làm kẻ đi đày trên sa mạc [sự hành hạ, kháng cự...] trở đi trở lại như một kẻ giết người kết liễu các nhân vật, hình thức kể chuyện, kỹ thuật của người viết... và thế thân, quay lại hiện trường vụ án như bị ám ảnh. Nhà văn tạo ra thế giới tưởng tượng và chuyển nó tới người đọc văn bản qua tưởng tượng

à, cả hai nếu được dịch hoặc biên tập lại thì tốt; tôi chưa mua được Đứa trẻ cát, quyển trong ảnh là mượn chiến hữu [sẽ không trấn lột nữa :p]




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét