Hôm nay mình viết cái còm như này vào trong Hội thích truyện trinh thám vì các câu hỏi của bạn chủ topic rất hay, xong rồi từ đó kéo theo bao nhiêu là tư duy, cả ngày mặt đần như Ngỗng ị, đã thế nắng nóng 39-40 độ, lại đang chăm bác ốm nằm nhà. Mình nghiệm ra là, kiểu gì thì kiểu với những thứ hôm nay mình tư duy thì phải hàng tháng trời cái đầu chỉ để mọc tóc của mình sẽ không mọc tóc lên được :v
Mình quyết định lưu lại nó vào đây vì mình biết có thể ngay ngày mai, mình sẽ phản bác chính mình.
1, Con người khác nhau ở đâu?
Chắc chắn là ở bộ não. Nếu được hỏi cái gì phức tạp nhất hành tinh này thì các nhà khoa học sẽ trả lời là bộ não con người. Chỉ nặng 1.5-1.8-2kg, mềm như đậu phụ, nhưng có tới một trăm tỷ 100.000.000.000 tế bào thần kinh truyền tin và nửa triệu tỷ 500.000.000.000.000 các liên kết
Chính vì vậy mình mới hay nói rằng: Mỗi người là một trí tuệ. Và mình cho rằng con người khác nhau ở bộ não
2, Tại sao anh là anh, tôi là tôi? Tại sao tôi không phải là anh và anh không phải là tôi?
Các giác quan và tế bào thần kinh đều hoạt động trong sự trao đổi với thế giới bên ngoài với những gì ta nhìn, nghe, ngửi, nếm, chạm (sờ) vì các giác quan truyền tín hiệu đến tế bào thần kinh trong não, từ đó lan tỏa trong các mạch điều khiển phức hợp, rồi từ đó phát sinh ra những thứ trừu tượng như nhận biết được tư duy của ta và hình dung về sự hiện hữu của ta. "Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại" (Descartes). Duy nhất hành vi tư duy (suy nghĩ) của tôi tạo cho tôi một hình dung về sự tồn tại của tôi. Đấy chính là cách làm sao tôi biết tôi là ai.
Nhưng thực ra Tôi là ai?
David Hume và Ernst Mach hoàn toàn có lý khi khẳng định: cái Tôi là một ảo tưởng. "Cái tôi không phải là một nhất thể bất biến, cố định và có giới hạn rõ rệt" trừ khi người ta tìm ra trong não có một nhất thể và một giới hạn (khuôn khổ) mà điều này, không phải là vô lý sao?
Vì: Trong thời kỳ đầu của thai đã xuất hiện hệ limbic (hệ não của động vật có vú cổ đại) chứa dục vọng, cảm xúc, phát triển về ý thức hệ và cảm xúc. Sau khi ra đời, bộ não giao tiếp với thế giới bên ngoài và được cải tạo triệt để một lần nữa: cấu trúc não thích ứng dần, giảm số lượng về tế bào thần kinh và tăng tốc độ bao bọc các đường dẫn. Từ 18-24 tháng, cảm giác về cái Tôi được hình thành. Sự hình thành phức tạp của nhân cách gắn chặt với cảm giác cái Tôi: 50% liên quan mật thiết đến các năng lực bẩm sinh, 30-40% phụ thuộc và tác động bên ngoài và các trải nghiệm trong giai đoạn 0-5 tuổi, 20-30% chịu tác động bởi môi trường bên ngoài: bố mẹ, trường lớp, môi trường công việc...
Có 4 câu thơ rất thú vị mình từng đọc trong Vĩnh biệt Gangster
"Nếu ai là tôi thì tôi không phải là tôi
Nhưng nếu tôi là tôi thì chẳng ai là tôi
Nếu chẳng ai là tôi thì tôi là ai
Nếu tôi là ai đó thì có lẽ tôi là tôi"
Mình không hiểu mấy đâu, mình chỉ thấy thú vị vì lĩnh vực nghiên cứu não bộ, phạm trù triết học phân tâm học suốt bao nhiêu thế kỷ nay vẫn nghiên cứu về cái tôi, cái nó và vẫn ì ùng tranh cãi đấy thôi. Và nó chung chứa rất nhiều quan điểm, nhưng vẫn phải khẳng định rằng anh là anh, tôi là tôi, tôi không phải anh, và anh không phải tôi bởi với hàng trăm tỉ tần số sinh học, cảm xúc, thế giới quan, nhân sinh quan như thế thì không thể tôi là anh, anh là tôi được. Chỉ có điều "hầu hết người ta (chúng ta) là kẻ khác" (Oscar Wilde) nhưng không có nghĩa là anh là tôi, tôi là anh.
3, Nếu như xóa bỏ họ tên và địa vị thì con người chỉ còn là một dạng "tiềm thức" và "tiềm thức" được xây dựng qua năm tháng thì nếu anh có được tiềm thức của tôi, anh có phải là tôi không?
Không thể, vì não bộ chúng ta vẫn tiếp tục xử lý các thông tin mới, thế giới quan liên tục di động, nhân sinh quan không ngừng suy xét. Anh có tiếp nhận là "tiềm thức" của tôi thì vẫn luôn có 20-30% nhân cách chịu sự tác động của môi trường bên ngoài.
Câu trả lời này, phủ định luôn ví dụ của bạn rằng hai đứa trẻ sinh đôi, nuôi dạy cùng môi trường thì "tiềm thức" của chúng là một. Mình vẫn luôn khẳng định: Mỗi người là một trí tuệ.
4, Cái gì mới thực sự là "Tôi"?
Nhắc lại Ernst Mach: "cái Tôi là một ảo tưởng. Cái tôi không phải là một nhất thể bất biến, cố định và có giới hạn rõ rệt"
Và các nhà khoa học, triết gia... vẫn đang nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích và oánh nhao.
Không ai đưa ra được câu trả lời.
Mình thì mình nghĩ 50% năng lực bẩm sinh, 30-40% phát triển ở giai đoạn 0-5 tuổi chính là cái nhân của mỗi người. Nó là cái nhân, chưa phải cái Tôi, nhưng cũng đc 80-90% rồi.
ps: tất cả những điều này, mình đọc tham khảo ở các đầu sách "khoa học vui": 6 tỷ đường đến hạnh phúc, Tôi là ai và nếu vậy thì bao nhiêu, nếu muốn tìm hiểu nó sâu theo chiều hướng triết học tôn giáo thì Biết ta đích thực là ai, còn theo hướng phân tâm học, tâm lý học thì có quyển Cái tôi và cái Nó. Còn Freud thì nói chung là chịu thua. Ngay cả việc chúng ta cùng đọc một vài câu văn mà mỗi người một cách hiểu, tác động vào mỗi người một cách khác nhau đấy thôi :v
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét