19.3.16

Everest. Jomolungma. Sagarmatha



Jon Krakauer là một trong những người sống sót sau mùa leo núi tang tốc nhất lịch sử Everest (1996). Anh kể lại hành trình chinh phục ngọn núi 8847 mét này trong vai trò một phóng viên tham gia đoàn leo của Rob Hall, một tay leo núi kỳ cựu, nổi tiếng vì đã đưa việc leo núi trở thành dịch vụ thương mại, tỉ lệ khách hàng thành công khá cao. Nhưng Tan biến (Into thin air) tôi nhận định rằng, nó là câu chuyện được kể lại bởi các thi thể. Con người sinh ra không phải để sống, hoạt động ở trên độ cao ấy, nếu chạm được tới nó thì dường như thế giới chỉ còn là sự hỗn loạn.
Với tôi, Everest đại diện cho sức mạnh và quyền lực của thiên nhiên. Những con người có niềm đam mê cuồng si với bộ môn leo núi thì không ai có thể giải thích được vì sao họ kiên định với niềm tin phải chinh phục được Everest. Tan biến là một câu chuyện tàn khốc khiến người khác nói một cách tích cực, coi những người leo núi là kẻ lập dị, còn tiêu cực thì thẳng thắn cho rằng họ là những kẻ điên.
Tôi chỉ là kẻ biết đến 3 đỉnh núi cao trên 3000m (3143, 3096, 3046) trong điều kiện núi đất đá, khí hậu mưa rét ẩm. Tôi đọc quyển sách này, xem bộ phim được dựng dựa trên nó và tôi hủy hoại, tôi an phận, tôi quy thuận tham vọng nhỏ bé của mình, rằng, chỉ ước sao đời mình có khả năng tài chính để leo, và chỉ cần leo lên đến Trại 1 (cỡ 6000m) thôi, không mong gì hơn, thì khi đọc câu chuyện khắc nghiệt này, tôi còn cả rùng mình nữa. Rùng mình không phải bởi sợ hãi, mà mạnh hơn cả sự sợ hãi, nó là khoái cảm. Muốn được như những kẻ điên ấy.
Chỉ những người đã từng leo núi, từng cố gắng nhích lên cao dần, mở rộng giới hạn của bản thân khi lên cao từng mét từng mét một mới hiểu được cái cảm giác của cái gọi là "bởi nó (đỉnh núi) ở ngay trên đó". Còn vì sao nữa ư? Bởi chỉ ở trên cao, hưởng một bầu khí quyển khác, phóng mắt nhìn ra khắp bao la thì người ta mới thấy cái đẹp đẽ mình nhìn thấy là cái mình sẽ không bao giờ còn có thể nhìn thấy được như thế này nữa. Với cái đẹp đến như thế, nếu ta bỏ lỡ cơ hội được nhìn ngắm nó thì chẳng phải là sự hoang phí hay sao. Nhất là khi ta có thể. Ta có thể.
Những ngọn núi cao đứng chơ lơ như những cột đèn đường, hay như một ánh đèn sáng duy nhất trong đêm tối, nó là cái gì đấy rất cô đơn, luôn thu hút tôi, dù khi lên đến trên cao thì đỉnh cao và vực sâu đều cho ta khoái cảm hành xác như nhau, anh lên rồi anh lại phải xuống, và với những kẻ điên rồ đánh đổi cả mạng sống của mình hết lần này tới lần khác chinh phục những độ cao trên 8000m (14 đỉnh?) thì khi xuống dưới vực rồi, sẽ lại càng có khao khát được đi lên đỉnh (lần nữa) và nếu chỉ vì bất cứ lý do gì họ không làm được điều ấy thì nó sẽ là nỗi giày vò lớn lao.
ps: Tôi là người rất hay xả rác khi leo núi (vì muốn nhẹ balo), cái hồi Hàm Lợn thì còn năng nổ nhặt rác của mình và của cả người khác thải ra, nhưng các ngọn núi cao trên 3000m thì thói quen này tắc bụp lúc có lúc không. Hôm vừa rồi leo Pu Ta Leng thì 2/3 hành trình sau mới chịu nhét rác vào balo. Tôi tự thấy đấy là điều thiếu tôn trọng với các ngọn núi. Poke poke, tôi sám hối :p
Nhưng có những điều sỉ nhục cỡ làm cáp để lên ngọn núi trên 3000m, điều kiện khí hậu không quá khắc nghiệt thì đúng là vừa cười nhạo con người, vừa đối xử không tốt với núi. Còn chút lòng yêu thương nhao thì xin các bạn đừng úp ảnh ngồi cáp lên núi có được không.

***rất quan trọng: Xù ơi, mìn muốn đoàn tụ mí quyển sách Tìm trong hoang dã (Into the wild) của mìn, please :(

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét