26.11.15

Bản chất của sự ngẫu nhiên



Truyện trinh thám mà tên sách cứ có cướp giết bắn, răng xương, báo thù trả đũa...là tôi hay lờ đi ngay, vì cái phom của tôi thường không thích những gì quá lộ liễu. Nên đã nhảy vào đọc trinh thám muộn, rồi thêm những tên sách Reacher báo thù, Một phát một mạng...tôi đã bơ Lee Child đi ngay và luôn. Mãi cho đến cách đây hơn 2 năm nằm nhìn đống sách ngồn ngộn mà vẫn băn khoăn đọc gì đọc gì đây nhỉ, thì thấy Reacher báo thù nằm tận cùng chồng sách, thế là bảo thôi, đổi phỏm tí, xem có ra cái vẹo gì không  
Thế là vô tình lại đọc đúng thứ tự của loạt truyện về Reacher, Reacher báo thù trước Một phát một mạng.
Câu chuyện Reacher báo thù lôi cuốn kinh hồn, nhất là những gì xoay quanh đường dây làm giả đồng đô-la Mỹ: chất liệu giấy có sợi bông, đô-la Mỹ là tiền giấy mà các mệnh giá đều có cùng kích cỡ, chính phủ kiểm soát giấy in tiền chặt như thế nào...rồi ý tưởng tẩy tờ 1$ thật để in tờ mệnh giá cao $ giả, hệ thống thu gom tờ 1$, quá trình vận chuyển...Vụ việc mở đầu bằng một xác chết rồi dẫn đến một vụ án tầm cỡ mà ban đầu tưởng chừng không hề có tí liên quan nào, đây chính là điểm cộng lớn của Lee Child, luôn nhắm vào bản chất của tính ngẫu nhiên là không gì thực sự ngẫu nhiên .
Câu chuyện của Một phát một mạng thì không gây tò mò như câu chuyện làm giả đồng đô-la ở Reacher báo thù, nhưng nói như độc giả trinh thám thì mở màn đã rất hành động Mỹ, 6 phát súng 5 mạng người, như một vụ xả súng giật gân của một kẻ điên loạn. Tất cả chỉ phơi bày khi nhìn thật sâu vào bản chất của sự ngẫu nhiên, thế là người đọc lại được ồ lên đầy sảng khoái, Fuck Lee Child .l.
Điểm cộng tiếp theo và cũng có thể là lý do Lee Child được ra mắt ở VN bằng Một phát một mạng là tính kịch tính ở các pha hành động, lối văn gọn gàng dứt khoát đậm chất phim hành động bom tấn Mỹ và máu lạnh rất Nga, tất cả các pha hành động được miêu tả dễ hình dung, ra đòn thẳng tay dứt khoát. Một hình mẫu anh hùng không mấy ràng buộc, hành động độc lập, nhạy bén, quyết đoán. Một kết cấu truyện cho người đọc cảm giác tức thì của một món hợp miệng, tiện lợi và đúng vị, cứ tuần tự trang qua trang, đi theo Reacher là sẽ hiểu tại sao anh ta tiến hành việc này, dò xét việc kia, suy luận ra đầu mối này, loại bỏ phán đoán kia. Tất cả không hề ngẫu nhiên như ta tưởng.
Tưởng hết duyên với Lee Child rùi, nào ngờ được em bé dễ thương Quảng Nam nối dây tơ hồng. Cảm ơn em  

ps: đọc Một phát một mạng xong, sao thấy bắn súng hay thế 

23.11.15

Đoàn tàu



Với tôi, văn chương Thạch Lam đẹp bởi những tiểu tiết rất thanh và mảnh gợi cho người đọc cái đẹp của hiu tàn, yếu đuối và quá vãng. Những mảnh ký ức mang vẻ tiếc nuối thỉnh thoảng lại phảng phất trước mặt như hình ảnh mơ màng không có thật. Tập truyện ngắn Nắng trong vườn, đảo qua đảo lại khung cảnh trăng sáng, ánh sáng chập choạng của hoàng hôn, trong bóng tối buổi chiều, đêm khuya trong vườn, bóng cây trong vườn lung lay trên mặt mỗi khi ánh nắng chiếu ngang, hay chi tiết nhiều truyện ngắn gần nhau có tên nhân vật trùng lặp (Mai, Bình, Tiến) như những đoàn tàu ngày hôm qua chạy lại ngày hôm nay và về phía ngày mai, cứ thế đưa người đọc chìm vào cái không gian bình dị với những mỹ cảm nhỏ bé.
Không khỏi hoài nhớ những ngày xa khi tuổi thiếu niên ngồi ngắm mưa trong buổi chiều nhập nhoạng âm u tối, đoàn tàu cuộc đời đưa ta đi đâu.

22.11.15



Thêm một cuốn nữa trong Bộ sách văn học về các loài vật của tác giả Hàn Quốc Hwang Sun-Mi: Những người bạn ở thung lũng mặt trời mọc, với Thỏ rừng Tai To hay tò mò, Sóc đỏ Dương Đào chuyên làm nũng, Chó mực Mũi Bóng dũng cảm, nhân hậu, thân thiện, Hươu Nước Răng Khểnh kiên cường, và đặc biệt là loài hai chân Ông Dược Thảo. Tất cả dệt nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp, đọc xong quyển truyện thiếu nhi có tranh minh họa ngọt ngào như được dạo bước trong rừng thế này làm cô gái thực sự muốn đi vào trong hoang dã để sống các cụ ạ :v
Cần nhạy cảm hơn nữa để thấu hiểu và cảm thông cho cái nơi mad world chúng ta đang sống, nên thôi, hãy đọc sách truyện thiếu nhi đuê.
ps: những lá cây ở xứ sở kim chi (đầu tháng 11 vừa ồi đới ạ)

12.11.15

Giọt nước cam lồ



Hà Nội lầm than (1938), thiên phóng sự bi thương của Trọng Lang là Hà Nội của những hạng người, nghề "nghiệp" bị coi thường rẻ rúng, nằm ngoài chuẩn mực của xã hội: hạng phụ nữ nô lệ tạm thời để mua vui, những người vẫn bị coi là kẻ thù chung số một của người làm mẹ, làm vợ, "cầu đoạn trường" của kiếp đàn bà trụy lạc, họ là gái nhảy, cô đầu, nghề nhà thổ, sống làm vợ khắp người ta, nghề nhân tình, địa vị bán ái tình có môn bài...; đám "nhà thổ đực", một cái nhục đau đớn cho người "có râu"; và kẻ ăn mày, phận lang thang cơ nhỡ. 
Trong vai một tay chơi có hứng nghe chuyện, có máu điều tra "tôi đã đàng hoàng bước vào nhà thổ với ngòi bút và tình thương" Trọng Lang đã tái hiện lại tình cảnh của các giai tầng bị thứ nghề "nghiệp" này làm cho người không ra người "trông như móm già làm đĩ", "hơi thối của ruột, gan, phổi đã nẫu vì lao lực, thức đêm, kém ăn, hơi thối của các thứ vi trùng bệnh kín, và ho lao", một thứ lối sống "vui vẻ và chán vô cùng vì không có nghĩa lý gì hết", những đưa đẩy cuộc đời tạo cho phận người câu trả lời rất nghề "một câu sáo vô nghĩa "vì hoàn cảnh"
Những nhân hình dựng lại một Hà Nội "có thể làm cho mặt trăng u ám đi được" chỉ bằng những câu chuyện khiến người đọc nó ở vào trạng thái luỡng phân không ưa và thương hại, xót xa, bi thương làm người
Nhổm người dậy ngó Hà Nội gần 80 năm qua vẫn trên đà hiện đại hóa kéo theo phân hóa rõ hơn hết giàu-nghèo, cũ-mới, truyền thống-hiện đại, những mong manh phận người mà lối sống hưởng thụ trụy lạc trên hình thái nào cũng mang màu sắc của miếng thịt bạc nhạc bèo nhèo mà tiếng kêu thương của nhà văn chỉ nhằm hy vọng xã hội lắng nghe và thấu tỏ, không mong một giọt nước cam lồ đủ tưới hàng vạn người lầm than chỉ mong "đã có vài giọt tưới ra, và tưới mãi"

ps: trang 120-121 có hình ảnh một bà chủ của các cô đầu khác hẳn những chủ khác "bà chủ suốt ngày ăn chay tụng kinh, và sửa soạn đến cái chết của bà nhiều quá". Người ta đã kinh qua một cuộc đời như thế nào để đứng như một người sống giữa hai thế giới như thế 
Ông nội của mẹ tôi là một thày lang có chút tiếng tăm tay nghề. Ông có hai người vợ, người vợ cả là con gái thày lang mà nhờ theo học nghề thuốc mà ông làm rể và được truyền thụ nghề; người vợ thứ hai của ông là cô đầu, một người khi đã nằm liệt rồi mà vẫn mang hình bóng cái đẹp của một ngày xa. Ngày bé, tôi không hiểu cô đầu là gì, chỉ nghe bà nội tôi nói rằng nghề ấy là nghề đánh đĩ, xướng ca vô loại. 
Cụ ông đã chăm cụ bà hai tới ngày cụ bà hai cười và nhắm mắt đi về thế giới bên kia. Cụ ông ôm cụ bà hai người cứng lạnh và khóc hu hu như tiếng rền với giọng khàn khàn của người già 90 tuổi tiếng nói còn không đủ hơi. Chưa đầy 6 tháng sau, cụ ông rời đến thế giới bên kia. Và 8 tháng sau ngày của cụ ông, cụ bà cả cũng lặng lẽ rời đi.

8.11.15

Điểm mù chí tử


"liệu chúng ta có khả năng hiểu tường tận về người khác không? Cho dù yêu người đó sâu đậm đến mấy"
Không thể, tất nhiên là không, luôn luôn tồn tại điểm mù, điểm mù chí tử. "Nếu thực sự mong muốn nhìn thấu người khác thì chỉ còn cách là nhìn thật thẳng, thật sâu vào chính con người mình" mà điều này thì khó tới mức như một thứ cấm kỵ, ta không biết ta đích thực là ai, ta đều sống và mang theo bên mình những điểm mù gần giống như nhau.
7 truyện ngắn trong tập truyện Những người đàn ông không có đàn bà của Haruki Murakami trong từng câu chuyện vẫn chứa nhiều chi tiết tưởng như rời rạc, tưởng như kỳ quái mà khớp vào nhau vừa vặn như một chỉnh thể thống nhất, không còn đậm yếu tố siêu thực thứ vốn dĩ vẫn được xem như phong cách của Murakami nhưng với giọng văn bình tĩnh, sức đào bới sâu cùng vào bản chất con người tiếp tục tấn công vào người đọc những cú đòn hiểm hóc. Buộc ta phải đối diện với câu hỏi ta có hiểu về kẻ khác không, kẻ mà ta yêu, kẻ mà ta những tưởng rằng mình hiểu mình biết tường tận, cũng như việc ta có hiểu có biết về chính ta chăng.
Tập truyện ngắn này không có mục lục (cũng là lần đầu Nhã Nam trích chéo tiểu sử tác giả theo một hướng khác). Một người thích HM như tôi, không để ý tới giới thiệu sách, cứ HM là khuân về nhà đọc, mở ra không thấy mục lục, đọc hết truyện đầu tiên và sang một trang của truyện thứ hai mới vỡ ra rằng hóa ra là truyện ngắn, ta vừa đọc hết một truyện ngắn chứ không phải một chương. Sức quyến dụ của HM ở tập truyện này chính ở chỗ những câu chuyện riêng biệt nhưng rất hài hòa trong cái giằng xé của vỏ bọc bình yên êm ả tĩnh lặng.
Tôi thích nhất truyện ngắn Scheherazade, đặc trưng những nhân vật nữ của HM. Truyện Samsa đang yêu có phong vị Kafka trong Hóa thân. Kino là truyện ngắn nhiều HM phi lý (nói như các bạn là chả hiểu gì tự nhiên mèo biến mất rắn xuất hiện và bao nhiêu thứ bỏ ngỏ, bao nhiêu câu hỏi vân vân và vân vân; tôi thích HM cũng một phần ở điểm này hehe). Drive my car và Yesterday (tên 2 ca khúc của The Beatles, "chẳng phải John thích những thứ vô nghĩa sao"   lều lều) là hơi thở HM lãng mạn suy tư hồi ức nhất.
Bài viết ngắn ở bìa sau sách gọn ghẽ và rất đủ (chính xác là tôi thích nhan đề và cách thả câu kết)
"Bình tĩnh đến kỳ lạ
Dù trong sách này có người biếng ăn, bị không khí rút đi từng calo và cơ thịt hằng ngày cho đến khi chết một cách xương xẩu;
dù có người đi công tác về sớm xô cửa và nhìn thẳng ngay vào mặt vợ mình đang trên một người đàn ông;
dù có người đã dành suốt những ngày hè đi học chỉ để đột nhập vào nhà người ta và hít ngửi nách áo của họ...
thì bầu không khí chung của cả cuốn sách vẫn bình tĩnh đến kỳ lạ.
Nó phù hợp để đọc cả với những người vốn vẫn tránh Murakami vì không quen với thế giới siêu thực của ông. Hoàn toàn không có bóng dáng một cơn mưa cá, mưa đỉa, những giấc mơ nguyên tội hay thậm chí một cái giếng.
Đây là những câu chuyện đời thành đô, với những suy tư thị dân mà ai cũng có nhưng ít khi tìm được cách diễn đạt thành lời.
Cả bảy truyện đều như thế, rất bình tĩnh, dù rằng không mấy bình yên"

ps: it's something I do "something" for you, "something" between "nhận nhóa" and "nhìn nhóe" 

7.11.15

Phải sống




Hai cây bút chính đồng thời cũng là tinh thần trung tâm của Tự Lực văn đoàn, một Khái Hưng mơ mộng dịu dàng lãng đãng mây mờ, êm ả trôi nhưng khiến người ta không thể quên, một đôi khi nhớ lại là dắt díu theo sau như khi nhớ về những mối tình xưa cũ; một Nhất Linh quyết liệt gọn gàng dứt khoát. Hai tinh thần ấy tựu chung trong tập truyện Anh phải sống (1934) gồm 15 truyện ngắn, trong đó có Nùng Chi Lan và Cánh buồm trắng của Tứ Ly (bút danh của Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, em trai kế ngay sau Nhất Linh Nguyễn Tường Tam) nhưng vì thói quen muốn bảo toàn cảm giác khởi nguyên khi đọc, tôi đã đẩy bài viết đầu sách của anh CVD để đọc cuối cùng, cũng không nhìn mục lục sách để biết truyện ngắn nào của ai, nên khi đọc cái cảm quan nhận biết đâu là Khái Hưng, đâu là Nhất Linh tương đối rõ rệt, vì không biết còn một cây bút Tứ Ly nữa nên đọc Nùng Chi Lan tôi thấy thấp thoáng cái quyết liệt gọn ghẽ của Nhất Linh còn Cánh buồm trắng thì lại tạo cảm giác ngơ ngẩn bồi hồi mộng tưởng của Khái Hưng. Truyện ngắn Dưới bóng hoa đào được ghi Khái Hưng và Nhất Linh cũng là vệt vẩy sơn lạ trên nền tinh thần Khái Hưng-Nhất Linh khi cái mơ hồ êm đềm đầu truyện hòa vào cái dứt khoát gọn ghẽ ở kết truyện. Tôi gọi chung những truyện ngắn có hơi thở tình ái bảng lảng trong tập truyện này là chút tình kín đáo, và cái hay của sự kết hợp hai tinh thần này là rất dễ nhầm lẫn Khái Hưng và Nhất Linh, cũng như tưởng là Nhất Linh mà lại hóa Khái Hưng . Phong vị của ái tình trong tập truyện này thực là tuyệt đẹp. Truyện ngắn tôi thích nhất là Véo von tiếng địch (Khái Hưng), một truyện ngắn đẹp bi thảm gợi lại cho ta cái quen quen, (sau đó đọc bài viết của anh CVD thì mới ồ, nó làm ta nhớ đến chuyện Trương Chi), tôi thích nó có lẽ bởi cảm được nó mà mộng huyền không sao nắm bắt được. Tiếc thay, tôi không thích trong tập này cũng là một truyện của Khái Hưng: Sóng gió Đồ Sơn.
Truyện ngắn Anh phải sống (Khái Hưng) như một khẩu lệnh đã hết sức nổi tiếng rồi, nhưng trong một hoạt cảnh thực như vậy, tôi thấy Đầu đường xó chợ (Nhất Linh) cũng phải sống không kém cạnh gì 

Nếu bạn đang phân vân đọc gì ở nền văn học nước nhà như tôi phân vân mấy năm gần đây thì tôi sẽ nói, tôi gạt phăng những gì đang được cho là đáng quan tâm, tôi lội ngược dòng về đọc những cái cũ không quen, quen không cũ. Việc trở ngược dòng này là cần thiết, chỉ bởi vô tình mùa hè vừa rồi một lần ngồi quán cafe đợi bạn, tôi vớ hú họa một quyển cũ cũ để đọc và đọc trúng truyện ngắn Đói (Thạch Lam). Tôi nghĩ, sao giờ mình mới chịu đọc nó, từ đấy tôi nghĩ rằng tôi sẽ bám trụ Việt Nam Danh Tác của Nhã Nam và Văn học tiền chiến của Tao Đàn.

Các cụ cuối tuần vui vẻ nhóa ;)

4.11.15


Mình bắt đầu quên dần (mọi thứ)
Sáng nay tỉnh giấc sớm, cầm quyển sách vào toilet ngồi đọc. Đọc được mấy trang ngẩng mẹt lên cho đỡ mỏi cổ thì nhìn thấy cái khăn mặt không phải khăn mặt ngày hôm qua. Xong rồi nghĩ ai đã treo nó vào đây, nhà có hai bố con, tuyệt đối không thể là bố, gái Hồng chỉ ở có 2 ngày thì hôm kia đã bay đi Hàn rồi. 
Thế thì chỉ có thể là Lốc, mà mình thì không nhớ đã làm việc làm đó khi nào, thậm chí có đúng là mình làm không, cái khăn mặt cũ đâu rồi.
Mình bắt đầu quên dần (mọi thứ)

3.11.15

Tình dưới bóng từ bi




"Thưa ni cô, ni cô không ngại. Tôi xin thú thật với ni cô rằng tôi yêu ni cô, tôi yêu ngay từ lúc còn tưởng ni cô là trai. Ni cô là một người thông minh dĩnh ngộ, xinh đẹp như thế thì ai lại không yêu được... Mà lạy Phật tha tội cho, có lẽ ni cô cũng đôi lần cảm động" (trang 92)
"Nam mô A di đà Phật! Tôi bắt đầu bức thư của tôi bằng một câu niệm Phật, để xin Phật độ trì cho kẻ khổ sở này, như Phật đã độ trì cho hết thảy các chúng sinh. Vì tôi chỉ là một người lạc lối trong rừng người, như một hạt cát bị vùi trong bãi cát sông Hằng Hà
Nhưng cô cũng là một người, cũng chỉ là một người. Dù cô muốn xa lánh cõi tục, dứt bỏ trần duyên, song cái bản tính của con người dễ một lúc mà cô xóa bỏ nổi được. Cái bản tính ấy là Tình, là... A di đà Phật! Là Ái tình.
Ái tình là bản tính của loài người, mà là hạnh phúc của chúng ta. Tôi yêu cô, và nếu tôi đoán không lầm thì cô cũng chẳng ghét tôi, vậy can chi ta lại làm trái hạnh phúc của ta?
Đức Thích Ca Mâu Ni xuất thế để đưa linh hồn chúng sinh tới cõi Niết bàn mà hưởng hạnh phúc bất vong bất diệt.
...Nhưng hạnh phúc của chúng ta chỉ ở ái tình. Đó là...A di đà Phật! đó là Niết bàn của chúng ta.
Mấy hôm nay tôi đọc quyển Phật giáo, tôi thấy tôi yêu đạo Phật. Tôi yêu đạo Phật thì tôi lại càng yêu cô, tôi yêu một cách chân thành, tôi yêu trong linh hồn, trong lý tưởng. Cô tha thứ cho tôi, tôi không thể cứ yêu mãi chú Lan, phải cho phép tôi yêu cái linh hồn thực của chú Lan mới được: cái linh hồn ấy, là cô Thi. 
Cô xem thư mà xét thấu lòng này, thì tức là cô vâng ý Phật cứu vớt được một linh hồn đương bị đắm đuối ở cõi nhân gian" (trang 72-73)

Hồn bướm mơ tiên (1933) cuốn tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng cũng là tiểu thuyết đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Một mối cảm phảng phất vui buồn bị thắt chặt bởi hai tròng, một chuyện tình dưới bóng từ bi trong văn vắt màu nắng, linh hồn đôi trẻ bị ái tình và tôn giáo lôi kéo với mãnh lực tương đương.
Cứ đọc Tố Tâm, Lan Hữu, Hồn bướm mơ tiên...thế này, bị mị tình, gái già ngẩn ngơ đắm đuôi như kẻ mộng du mất thôi 

Đoạn trường



Cuộc đời một con ốc đúng là bi ai trầm luân, sinh ra là loài thân mềm nhỏ bé mà đèo bòng vỏ cứng xoắn vặn. Là một thể dạng khung cửa nào bình yên ta nhốt một đời. Đến tận cuối hành trình tồn tại, một số được phục vụ thú vui ăn uống của con người, là thêm một đoạn trường. Vẫn phải gạn đục khơi trong, ăn nước gạo ăn mặn ăn chua ăn cay, thậm chí ăn cả cái vị tanh của kim loại thì mới được vớt lên chờ thời khắc cho vào nồi và nở bung trắng xóa cùng sả, lá chanh. Thế rồi rốt cuộc ăn đủ chua cay mặn ngọt để nhả bùn đắng cay, nhả ra hết bi ai trong từng thớ thịt thì thịt đúng là vô vị nhạt, người ta ví von: nhạt như nước ốc. Lại phải viện tới thứ nước chấm chua cay mặn ngọt và thứ đồ ăn kèm chua chát khế, sung để mua vui một vài trống canh.
Đời con người và thân phận một con ốc hay nhiều loài, có khác không. Ngồi nhể từng con ốc chấm chấm ăn ăn, tôi lại nghĩ, lẽ nào từ hư không, tôi từng là con ốc mượn hồn người, một luân hồi chuyển kiếp giờ làm người mượn hồn ốc dung nạp bùn đất-thải bùn đất bằng chua cay mặn ngọt-nạp vào thớ thịt nhạt vị mặn ngọt chua cay chát...thế rồi kẻ ăn ồ à chà chà xuýt xoa xuýt xẩy tiếng ngon ngon. 
Mỗi một là một mua vui vài trống canh cho mỗi một khác. Là những bụi tro của muôn ngàn vụ nổ cô độc không được biết đến cấu thành nên, chúng ta hoàn toàn là một đám đông cô đơn, sinh ra là để chết đi thậm chí vẫn chưa biết được ý nghĩa của mình trong sa mạc này, sống từng ngày là đi dần đến cái chết, còn sống là còn đau. Bi đát lớn lao trong niềm hạnh phúc không nhận ra nỗi khổ làm người, không biết ta là ai, ta là người hay ốc, là hổ hay người, là người hay bướm
Điều duy nhất còn lại, vẫn là sa mạc.

vĩ thanh: Lốc lăn lông lốc vào bếp chỉ bởi sáng đi chợ nhìn thấy một con ốc nằm chơ lơ ở vỉa hè, liền nghĩ chúng ta cùng nhau mua vui cũng được một vài trống canh, ốc nhỉ.

2.11.15



Kê tay trên trang giấy, những thanh âm rột roạt rột roạt của ngòi bút, tôi lắng tai nghe sự hiện hữu của mình giữa từng con chữ nhỏ, nhận biết về sự vắng mặt của (thêm) một người trong cõi tạm. 
Có một người vừa rời đi.