12.11.15

Giọt nước cam lồ



Hà Nội lầm than (1938), thiên phóng sự bi thương của Trọng Lang là Hà Nội của những hạng người, nghề "nghiệp" bị coi thường rẻ rúng, nằm ngoài chuẩn mực của xã hội: hạng phụ nữ nô lệ tạm thời để mua vui, những người vẫn bị coi là kẻ thù chung số một của người làm mẹ, làm vợ, "cầu đoạn trường" của kiếp đàn bà trụy lạc, họ là gái nhảy, cô đầu, nghề nhà thổ, sống làm vợ khắp người ta, nghề nhân tình, địa vị bán ái tình có môn bài...; đám "nhà thổ đực", một cái nhục đau đớn cho người "có râu"; và kẻ ăn mày, phận lang thang cơ nhỡ. 
Trong vai một tay chơi có hứng nghe chuyện, có máu điều tra "tôi đã đàng hoàng bước vào nhà thổ với ngòi bút và tình thương" Trọng Lang đã tái hiện lại tình cảnh của các giai tầng bị thứ nghề "nghiệp" này làm cho người không ra người "trông như móm già làm đĩ", "hơi thối của ruột, gan, phổi đã nẫu vì lao lực, thức đêm, kém ăn, hơi thối của các thứ vi trùng bệnh kín, và ho lao", một thứ lối sống "vui vẻ và chán vô cùng vì không có nghĩa lý gì hết", những đưa đẩy cuộc đời tạo cho phận người câu trả lời rất nghề "một câu sáo vô nghĩa "vì hoàn cảnh"
Những nhân hình dựng lại một Hà Nội "có thể làm cho mặt trăng u ám đi được" chỉ bằng những câu chuyện khiến người đọc nó ở vào trạng thái luỡng phân không ưa và thương hại, xót xa, bi thương làm người
Nhổm người dậy ngó Hà Nội gần 80 năm qua vẫn trên đà hiện đại hóa kéo theo phân hóa rõ hơn hết giàu-nghèo, cũ-mới, truyền thống-hiện đại, những mong manh phận người mà lối sống hưởng thụ trụy lạc trên hình thái nào cũng mang màu sắc của miếng thịt bạc nhạc bèo nhèo mà tiếng kêu thương của nhà văn chỉ nhằm hy vọng xã hội lắng nghe và thấu tỏ, không mong một giọt nước cam lồ đủ tưới hàng vạn người lầm than chỉ mong "đã có vài giọt tưới ra, và tưới mãi"

ps: trang 120-121 có hình ảnh một bà chủ của các cô đầu khác hẳn những chủ khác "bà chủ suốt ngày ăn chay tụng kinh, và sửa soạn đến cái chết của bà nhiều quá". Người ta đã kinh qua một cuộc đời như thế nào để đứng như một người sống giữa hai thế giới như thế 
Ông nội của mẹ tôi là một thày lang có chút tiếng tăm tay nghề. Ông có hai người vợ, người vợ cả là con gái thày lang mà nhờ theo học nghề thuốc mà ông làm rể và được truyền thụ nghề; người vợ thứ hai của ông là cô đầu, một người khi đã nằm liệt rồi mà vẫn mang hình bóng cái đẹp của một ngày xa. Ngày bé, tôi không hiểu cô đầu là gì, chỉ nghe bà nội tôi nói rằng nghề ấy là nghề đánh đĩ, xướng ca vô loại. 
Cụ ông đã chăm cụ bà hai tới ngày cụ bà hai cười và nhắm mắt đi về thế giới bên kia. Cụ ông ôm cụ bà hai người cứng lạnh và khóc hu hu như tiếng rền với giọng khàn khàn của người già 90 tuổi tiếng nói còn không đủ hơi. Chưa đầy 6 tháng sau, cụ ông rời đến thế giới bên kia. Và 8 tháng sau ngày của cụ ông, cụ bà cả cũng lặng lẽ rời đi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét