Delicate! why so xờ tiu pít? "Ngốc, nghếch, cáu, quên, nghịch, ngang, ngổ ngáo" / "Ăn khi thấy đói, ngủ khi thấy buồn ngủ. Và nếu ôm vào lòng thì cũng nồng ấm như bao người".
7.11.15
Phải sống
Hai cây bút chính đồng thời cũng là tinh thần trung tâm của Tự Lực văn đoàn, một Khái Hưng mơ mộng dịu dàng lãng đãng mây mờ, êm ả trôi nhưng khiến người ta không thể quên, một đôi khi nhớ lại là dắt díu theo sau như khi nhớ về những mối tình xưa cũ; một Nhất Linh quyết liệt gọn gàng dứt khoát. Hai tinh thần ấy tựu chung trong tập truyện Anh phải sống (1934) gồm 15 truyện ngắn, trong đó có Nùng Chi Lan và Cánh buồm trắng của Tứ Ly (bút danh của Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, em trai kế ngay sau Nhất Linh Nguyễn Tường Tam) nhưng vì thói quen muốn bảo toàn cảm giác khởi nguyên khi đọc, tôi đã đẩy bài viết đầu sách của anh CVD để đọc cuối cùng, cũng không nhìn mục lục sách để biết truyện ngắn nào của ai, nên khi đọc cái cảm quan nhận biết đâu là Khái Hưng, đâu là Nhất Linh tương đối rõ rệt, vì không biết còn một cây bút Tứ Ly nữa nên đọc Nùng Chi Lan tôi thấy thấp thoáng cái quyết liệt gọn ghẽ của Nhất Linh còn Cánh buồm trắng thì lại tạo cảm giác ngơ ngẩn bồi hồi mộng tưởng của Khái Hưng. Truyện ngắn Dưới bóng hoa đào được ghi Khái Hưng và Nhất Linh cũng là vệt vẩy sơn lạ trên nền tinh thần Khái Hưng-Nhất Linh khi cái mơ hồ êm đềm đầu truyện hòa vào cái dứt khoát gọn ghẽ ở kết truyện. Tôi gọi chung những truyện ngắn có hơi thở tình ái bảng lảng trong tập truyện này là chút tình kín đáo, và cái hay của sự kết hợp hai tinh thần này là rất dễ nhầm lẫn Khái Hưng và Nhất Linh, cũng như tưởng là Nhất Linh mà lại hóa Khái Hưng . Phong vị của ái tình trong tập truyện này thực là tuyệt đẹp. Truyện ngắn tôi thích nhất là Véo von tiếng địch (Khái Hưng), một truyện ngắn đẹp bi thảm gợi lại cho ta cái quen quen, (sau đó đọc bài viết của anh CVD thì mới ồ, nó làm ta nhớ đến chuyện Trương Chi), tôi thích nó có lẽ bởi cảm được nó mà mộng huyền không sao nắm bắt được. Tiếc thay, tôi không thích trong tập này cũng là một truyện của Khái Hưng: Sóng gió Đồ Sơn.
Truyện ngắn Anh phải sống (Khái Hưng) như một khẩu lệnh đã hết sức nổi tiếng rồi, nhưng trong một hoạt cảnh thực như vậy, tôi thấy Đầu đường xó chợ (Nhất Linh) cũng phải sống không kém cạnh gì
Nếu bạn đang phân vân đọc gì ở nền văn học nước nhà như tôi phân vân mấy năm gần đây thì tôi sẽ nói, tôi gạt phăng những gì đang được cho là đáng quan tâm, tôi lội ngược dòng về đọc những cái cũ không quen, quen không cũ. Việc trở ngược dòng này là cần thiết, chỉ bởi vô tình mùa hè vừa rồi một lần ngồi quán cafe đợi bạn, tôi vớ hú họa một quyển cũ cũ để đọc và đọc trúng truyện ngắn Đói (Thạch Lam). Tôi nghĩ, sao giờ mình mới chịu đọc nó, từ đấy tôi nghĩ rằng tôi sẽ bám trụ Việt Nam Danh Tác của Nhã Nam và Văn học tiền chiến của Tao Đàn.
Các cụ cuối tuần vui vẻ nhóa ;)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét