11.9.15

Trong vườn ngồi mộng gốc cây xưa



Song An Hoàng Ngọc Phách viết Tố Tâm năm 1922, năm 1925 ra mắt, còn Lan Hữu của Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân xuất bản năm 1940, vốn đọc rất ít văn học Việt Nam, quả thật cả Tố Tâm và Lan Hữu đều khiến tôi ngạc nhiên về tính chất tình trong giọng văn. Sức sống của Lan Hữu cũng như Tố Tâm đều nằm ở việc nó là câu chuyện tình. Giọng điệu hồi cố về một quá khứ tình tuổi trẻ của Nhượng Tống định hình cho toàn bộ tác phẩm, không khỏi làm người đọc sầu tình, sống trong cõi mộng cùng nhân vật Ngọc, và cùng vỡ mộng. Điều thú vị là giọng điệu khinh bỉ chính mình một cách khách quan của Ngọc khi có lòng yêu cả Hữu và Lan, và như một kẻ ngu ngơ đứng giữa hai ngã rẽ, ngạc nhiên với cảm xúc thanh tân của mình để rồi đến cuối cùng, mộng vỡ òa rằng trải qua những năm tháng tuổi trẻ yêu tình như vậy thì chỉ có duy nhất mình là còn tiếp tục sống trong cõi mộng tình nồng nàn.
Kẻ thiếu niên thích đắm mình vào những mối tình duyên không có ngày mai, rồi sau bất chợt bắt gặp lại một thời thơ dại của mình thì cong người vùng vẫy bỏ chạy mà không sao thoát được quá khứ như tấm màn giăng mắc mối tình thơ. Khu vườn Lan Hữu của Nhượng Tống như một vườn hoa vừa mang cho ta cái cảm giác hạnh phúc tươi mới của tình đầu tình tuổi trẻ nở rộ, vừa là một thứ vỡ mộng, sầu tình khi cái đẹp tàn úa phai nhòa. Khu vườn Lan Hữu dành cho tất cả những người có tính yêu hoa, yêu cái đẹp hồi cố sa chân của tình tuổi trẻ, tình ơi là tình, tình chỉ là tình vậy thôi.
ps: nói thế nào cũng là thừa thãi khi Lan Hữu của Nhượng Tống có đến hai bài viết đầu sách đặc biệt trân trọng và giá trị. Thôi, mời các bạn đọc chuyện tình ạ ;)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét