6.5.15

VIÊN ĐÁ DƯỚI CHÂN THÁP





Ác nhân của Yoshida Shuichi xây dựng những phân cảnh về giới trẻ lạc bước trong vòng xoáy cuộc sống đô thị, về nỗi cô đơn đến tuyệt vọng, nỗi buồn của cảm giác mong mỏi ai đó lắng nghe câu chuyện của mình, những tiếng nói luôn trực thoát ra, những câu chuyện luôn muốn được kể mà những thanh âm ấy đập dữ dội vào tường, và như dội lại từ căn nhà hoang, không có người nghe. Xã hội ấy có rất nhiều người không có ai là quan trọng với mình, không có ai để nhìn thấy họ hạnh phúc là ta cũng thấy vui. Xã hội ấy có quá nhiều người không có.

Yoshino tới chỗ hẹn gặp bạn trai và không trở về nữa. Sáng hôm sau, xác cô được tìm thấy trên một con đèo.
"Việc một người không còn trên cõi đời này nữa, không phải là việc mất đi một viên đá trên đỉnh kim tự tháp, mà là việc mất một viên đá dưới chân tháp"
Cô gái trẻ Yoshino lạc bước trong đô thị lớn, bị cuốn vào vòng xoáy cuộc sống, coi việc hẹn hò qua mạng vừa là thú vui trong lúc chờ đợi một mối quan hệ nghiêm túc, kiếm một tấm chồng, vừa là công việc đem lại chút tiền tiêu vặt. Tôi nói, tác giả tạo nên một nhân vật như vậy, cho nhân vật ấy chết đi như mất đi một viên đá nơi nền móng của ngọn tháp. Sự kiện ấy bắt đầu mở ra chuỗi đào bới từ nạn nhân mà lan rộng ra xung quanh những người trẻ cô đơn đến tuyệt vọng, là sự xáo trộn nền móng để, dù là nhân vật phụ, họ cũng được độc giả nhìn vào nội tâm mình và xem xét chúng

Có 2 nghi phạm, tôi sẽ gọi cả hai là ác nhân.
Ác nhân 1 là một gã ti tiện bỉ ổi, có thể nói một phần nào vô thức trong gã nhận ra mình đáng tởm đến mức gã chỉ săn, chỉ cảm thấy hứng thú với các cô gái chất phác, "quê quê", ác nhân 1 ngay khi để nạn nhân lên xe chở đến con đèo kia, gã đã tự nói với mình "loại con gái như thế này phải bị đàn ông giết thôi". Và cuộc đời dù có vận hành thế nào, thì kiểu người này mãi mãi không thể đổi thay, nó như cái hố đen trong người gã choán hết cả linh hồn rồi, không còn chừa đến một kẽ hở
Ác nhân 2 là một gã trai bị ruồng bỏ từ bé, sống với cảm giác bị ruồng bỏ đến độ không thực sự còn biết nỗi buồn là gì, không tình yêu, không bạn bè, "rốt cuộc thằng bé đang sống với niềm vui gì". Gã tìm kiếm sự đụng chạm xác thịt, cảm giác vuốt ve gần gũi từ nhà thổ, đến với duy nhất một cô cũng có khi chỉ để chìa tay cho cô gái nằm gối đầu, có khi chỉ để cùng nhau ăn cơm hộp, hay chỉ để có người nói chuyện. Cuộc đời gã dường như phù hợp với vai trò bị ruồng bỏ. Cho đến khi biết được ánh sáng ngọn hải đăng cuộc đời mình thì trễ quá. Nhưng biết được ánh sáng ấy vẫn là điều có ý nghĩa nhất, nhỉ
Chỉ cần đi 1/3 truyện là đoán biết được hung thủ, đi 1/2 truyện là rõ ràng đâu là kẻ thủ ác. Nhưng người đọc như tôi lại luôn có ý muốn bênh vực hung thủ, một mong muốn vô lý đến mức giá như hung thủ là người khác. Động cơ giết người hoàn toàn không có, chỉ là rất vô tình, bộc phát như trái phá, hành động giết người xảy ra, số phận sắp đặt họ trên con đèo đó và làm nên bi kịch mà chính họ cũng không thể lý giải nổi hành động của mình ngoài nói lời xin lỗi cho tất cả.
Điểm sáng lấp lánh của truyện là mối tình của ác nhân 2 và cô gái 30t, dường như sống là lênh đênh trước biển lớn, nhất định phải có tình yêu làm ngọn hải đăng dẫn lối, một kẻ cô độc phải gặp đúng một thực sự cô đơn thì cả hai mới tìm thấy ngọn hải đăng của mình. Có như thế cả hai mới đồng lõa cùng làm nạn nhân của cô đơn, có như thế đời mới có niềm vui, đã không còn cô đơn khi tìm thấy một cô đơn khác.
Kỹ thuật viết của Yoshida Shuichi đặc biệt chặt chẽ, lối kể chuyện như lời dẫn trước khi vào phim, luôn báo trước một tình tiết, không hề lắt léo hay đánh đố độc giả, ông cứ đưa thẳng một nhân vật hoàn toàn mới mẻ vào, rồi kể câu chuyện của họ, vệt tối, hố đen trong con người họ, rồi buông thõng hình ảnh nhân vật trong cảnh quan: bóng tối của công viên như chùm lấy hai bóng người; ngoài hiên gió thổi lạnh buốt; tuyết rơi...như chúng ta thật sự nhỏ bé, và chính xác là hữu hạn trước cuộc đời, cảnh quan này. Tôi thích nghĩ, đây là một tiểu thuyết có yếu tố trinh thám-điều tra, có yếu tố thôi nhé , cốt truyện hay lồng trong một lối văn chương dễ tiếp cận. Cũng là cả một tư duy văn học đánh dấu tác giả với người đọc rồi 

1, Tôi thường nói, thường viết thế giới này, xã hội này, thế giới kia...như thể tôi nằm ngoài nó. Cách đây 2 tháng, tôi có đọc một cuốn sách triết học tôn giáo, tác giả có nhắc đến căn bệnh này, tức là cứ như thể tôi nằm ngoài thế giới nên tôi chỉ danh nó là thế giới này, thế giới kia...tôi cứ cười mình mãi, thật ra nó chỉ là một thói quen tôi tự tách tôi ra khỏi chính mình để xem xét, và tôi tự lừa mình mỗi khi tôi không biết làm gì với những việc diễn ra xung quanh (việc tự lừa mình, giả vờ như không biết hay huyễn hoặc mình chả phải là việc loài linh trưởng mang tên con người làm giỏi nhất thì còn loài nào vào đây nữa). Vì thế tôi cứ ngoan cố gọi thế giới là thế giới này, xã hội này. Nhưng thực ra, nó không là gì khác hơn ngoài thế giới tôi đang sống, tôi đang thấy. Ta là một phần của nó, nó bao hàm, chung chứa ta
Nếu có một lúc nào đấy chúng ta cảm thấy đơn độc, buồn bã vì mong mỏi ai đó lắng nghe lòng ta hay thậm chí mất luôn cả mong muốn được lắng nghe, xin hãy trò chuyện với chính mình trước đã, đùa cợt với bộ não của chính mình và viết ra chúng, kể chúng ra...làm bất cứ điều gì ta muốn, ta thích để thả nó ra, chia sẻ nó. Tôi tin rằng hẹn hò qua mạng, khách sạn tình yêu không hoàn toàn xấu xí, không muốn nói là nó có ích trong việc giải tỏa nỗi cô đơn. Mạng xã hội rất điên rồ, nhưng hãy dùng cái mặt tích cực của nó nhiều hơn. Ta chọn lựa cách giấu mình, hòa nhập rồi tách biệt rồi lại hòa nhập, sống như xóa dấu vết...rốt cuộc thì mục đích cuộc đời cũng là gần gũi nhất con người có thể, nhỉ
2, Mỗi khi đọc một quyển sách đến hồi kết, ngoài việc thôi thúc phải viết gì đó ra thì còn một nỗi hoang mang ta có viết được hết, viết được đúng, chính xác điều ta muốn viết không. Chỉ cần dễ dàng bỏ cuộc trước nguy cơ không biết viết gì, thì ngay sau đó sẽ lại ân hận, giá như mình viết gì đó, dù chỉ một câu thôi, hay trích dẫn một đoạn mình cho là cái nhân của quyển sách ấy thôi thì có phải đỡ đánh lô tô trong lòng không 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét