14.4.09

OKURIBITO - DEPARTURES - KHỞI HÀNH


Đạo diễn: Yojiro Takita
Diễn viên: Masahiro Motoki, Tsutomu Yamazaki, Ryoko Hirosue, Kazuko Yoshiyuki
Quốc gia : Nhật Bản
Năm sx: 2008
Thời lượng: 130'
Giải thưởng : 1 giải Oscar, 29 giải và 4 đề cử khác


Để tôi kể bạn nghe về những con người và tất nhiên, công việc của họ nữa. Một công việc mà chỉ sau 2 tuần đã khiến một người đàn ông trưởng thành có thể nói :"Những ngày tháng trước đây của tôi tại Tokyo quả thật vô vị"

Daigo Kobayashi là một cậu bé lớn lên ở vùng quê Nhật Bản. Cha anh có một quán cafe nhỏ. Năm anh 6 tuổi, cha bỏ đi theo một người phụ nữ. Bỏ lại vợ và 1 cậu con trai với những kỷ niệm. Kỷ niệm của những chuỗi ngày cha thường bắt anh chơi cello cần mẫn và câu chuyện "thư đá".

Hãy bắt đầu bằng hiện tại. Anh luôn nhận ra anh chỉ là một tay chơi nhạc tận tâm, còn khả năng thì theo đánh giá là không có mấy tương lai. Rồi dàn nhạc tan rã. Anh cùng cây cello 180.000 yên đang trở thành gánh nặng cho một gia đình nhỏ. Và vì thế, 2 vợ chồng đã quyết định quay lại vùng quê nơi anh sinh ra. Nơi căn nhà mà mẹ anh để lại.

Với áp lực như vậy, anh đi tìm việc. Và công việc mới là người giúp việc khởi hành. Nghe có vẻ rất giống nhân viên ngành du lịch. Nhưng là một nhân viên cho chuyến đi đời người.

Ở đây người xem sẽ được quan sát công việc của những người khâm liệm. Bạn sẽ hiểu tại sao văn hóa của xứ sở Phù Tang lại luôn được đề cao đến vậy. Nghệ thuật Nokanshi, hành xử của người gác cổng giữa sự sống và cái chết, người quá cố và những người đang hiện hữu. Cuộc hành trình đi tìm chính anh. Mà theo cách nói ông chủ của Dai thì "đây là duyên số. Anh hãy đi làm" còn với anh thì dường như đây là sự trừng phạt của cho chính anh, ngày mẹ mất anh đã không có mặt và giờ đây anh phải làm công việc khâm liệm này.

Đó là một bà cụ đã qua đời sau 2 tuần mới được khâm liệm trong sự cô đơn, quạnh quẽ. Đó là một cô gái đã thay đổi đến độ không còn là đứa bé gái mà cha mẹ cô sinh ra. Đó là một cô gái nhưng với bộ phận giống đực gắn trên mình... Những câu chuyện ấy dần cho anh sự nhiệt tâm trong công việc. Lau sạch cơ thể cho người đã mất là mang đi đau khổ, phiền muộn của kiếp người đã kinh qua và tạo sự sạch sẽ cho một sinh linh mới bắt đầu.

Qua mỗi vị khách là thêm 1 lần tìm lại ký ức. Đây là cây cello khi anh còn nhỏ cha bắt anh ngồi học hàng giờ. Đây là cục đá to và gồ ghề cha trao vào tay anh ngày còn là một cậu bé đi mẫu giáo. Thư đá, biểu hiện cảm xúc và tình cảm của người tặng nó. Nếu nó nhẵn nhụi thì nó tượng trưng cho hạnh phúc và vui vẻ. Nếu nó thô ráp thì tượng trưng cho sự phiền muộn. Anh đã trao vào tay cha cục đá nhỏ thôi, còn cha lại trao cho anh một cục đá thật lớn và gồ ghề.

Những đĩa nhạc của cha ở quán cafe, mẹ anh vẫn giữ. Mika, vợ anh nói rằng cô tin mẹ vẫn còn yêu cha cho đến tận cuối đời còn anh thì lại nghĩ là không thể.

Anh đứng trên cầu và nhìn xuống dòng nước. Cá hồi đang kẹt, mắc vào đá. Anh tự hỏi biết rằng sẽ chết mà sao vẫn đi qua. Vì đi qua để tìm về nơi mình đã sinh ra.

Ông chủ của anh, người mà luôn tin vào duyên số. Luôn cho rằng việc anh đến phỏng vấn xin việc, việc anh làm công việc này... tất cả là do duyên số. Và việc, ông làm công việc khâm niệm suốt 9 năm qua, vị khách đầu tiên chính là vợ ông - cũng là duyên số.

Khi từ bỏ cây cello 180.000 yên anh như trút đi gánh nặng. Anh từ bỏ âm nhạc. Và giờ đây, khi vợ bỏ đi vì không đồng tình với công việc của anh. Anh trở về với cây cello tuổi thơ. Anh chơi hàng giờ trên những cánh đồng, anh chơi cello như bản nhạc của người gác cổng tiễn một kiếp người hay những kiếp người lần lượt đi qua những bản cello anh chơi...

Có thể nói việc sau 30 năm để nhớ khuôn mặt cha là điều khó khăn, đặc biệt khi cha anh thật tệ. Giờ đây, anh đang ngồi làm công việc của anh, cho chính cha mình. Cục đá của anh năm nào, nằm chặt trong bàn tay đã cứng của cha. Và khi anh có thể nhìn ngắm ông thật kỹ thì những đường nét mờ nhạt về cha dần dần hiện rõ. Chính lúc ấy, anh đã nhận ra cha mình. "Ông ấy chính là cha anh".

Cách làm film khiến người xem liên tưởng tới đạo diễn xứ Hàn Kim Ki Duk. Còn nội dung, các tình tiết ẩn dụ thì gợi đến Haruki Murakami.

Nếu tôi type bài này hồi chiều thì có lẽ sẽ không lộn xộn và có thể nói được nhiều hơn vì khi ấy mới xem xong film. Lúc ấy có thứ cảm giác không làm gì đó, không kể cho ai đó, hay đại loại thế thì không chịu được. Nhưng rồi cứ giữ giữ trong đầu và cũng có phần thấy quá sức để nói gì đó nên thôi. Giờ thì đúng kiểu "nhớ gì chép đó" rồi! Tự nhiên muốn mở cái list Minamoto Kobayashi Group để nghe.

Khi xem tôi nhớ đến ngày bốc mộ ông Nội. Ngày bé không biết gì nhiều, khi về đã thấy ông nằm trong áo quan. Cách đây 2 năm thì bốc mộ cho ông. Lúc ấy rạng sáng ngồi cọ cọ từng phần xương của ông đề cho vào quan nhỏ... Nghĩ là mình đã làm những điều cuối cùng...