28.2.09

CHUYỆN KHÔNG NGÀY THÁNG

1. Ở một làng quê nho nhỏ . Có một cụ ông rất đỗi bình thường . Cụ làm thợ mộc . Sản phẩm danh tiếng nhất , có lẽ là một bức hoành phi treo ở gian thờ của đình làng . Cụ tên Thái . Và tất nhiên , trong nhà bất kể việc to nhỏ , không ai dùng từ "thái" hết . Ví dụ "thái thịt ra đĩa" được tránh đi thành "sắt thịt ra đĩa".
2. Cụ Ngoại có 2 người vợ . Cụ bà cả là người rất giỏi về thuốc . Nghe đâu , khi xưa cụ ông là học trò . Thế nào rồi cậu học trò lấy cô con gái của thầy và được truyền dạy các vị thuốc quý . Ngày tháng yên ả trôi .
Cụ ông trong một lần đi nghe hát đã phải lòng cô hát ả đào . Vào thời một nghìn chín trăm lâu lắm , nghề ấy vẫn được xem là "xướng ca vô loài" . Lại nữa , là lập bà hai , là bà bé nên cũng um xùm ghê lắm.
Ký ức chỉ nhớ mang máng . Cụ bà cả là một bà lão rất tinh anh . Cụ nhỏ người và tất nhiên khó tính và nghiêm khắc . Còn nhớ như in vào ngày giết sâu bọ hàng năm , cụ sẽ vào vườn bắt một vài con sâu to tổ chảng và nướng lên . Mặc cho đứa chắt đích tôn là cu Đạt hay đứa tớ có thích hay không , thì cũng phải ăn . Thật ra , những con sâu to béo ấy ăn cũng rất ngậy . Có khi ngon hơn cả sâu chít mà dân tình làm đặc sản uống rượu bây giờ ấy chứ.
Ngày ấy rất nghịch . Chiều chiều thường ngồi xem cụ phơi thuốc , giã hay sao hay đơn giản là cứ trèo lên tầng thượng của cụ để chơi với Milu . Vì cụ hay nghiêm khắc nên có khi tớ và cu Đạt bị cụ cầm chổi phết cho vài cái và 2 đứa chạy quắn đít . Rõ ràng là ngay sau đó , cả 2 đứa nít ranh sẽ tìm đủ mọi cách để lấy trộm được cái ống giã trầu màu vàng của cụ và giấu tiệt đi . Mặc cho cụ tìm hay không có ống giã trầu . Hoặc , cũng có lần còn cho cát vào lọ vôi của cụ . Khoắng nhặng lên để ra thứ vôi sền sệt , khô khô và bớt trắng hơn bình thường một ít .
Nghĩ lại cũng thấy mình tệ hại và tư thù gớm lắm . Cụ sống thọ . Ngày cụ mất , con Milu cũng nhảy từ trên thượng xuống đất . Mọi người không nhớ Milu vì so với con béc-giê thì Milu không hay đùa . Nhưng Milu rất hiền , có thể biết qua 2 con mắt buồn buồn của cu cậu . Hum
Cụ bà hai là một người trắng và da rất căng so với tuổi 70 . Có lẽ khi trẻ cụ rất đẹp và có lẽ bởi vậy nên cụ mới là cụ bà hai . Cụ ông thương bà hai lắm . Còn nhớ hồi ấy vẫn còn cảnh đi chung nhà vệ sinh . Kiểu như người ngồi trong nghe thấy bên ngoài có tiếng hắng giọng thì hiểu ngay rằng : nhanh lên cho tôi dùng . Cạnh nhà vệ sinh có một cái bể nước bé . Dù trời rét cỡ nào thì cụ ông khi ấy gần 90 vẫn mang chậu , khăn , quần áo của cụ bà ra giặt , rửa . Cụ bà nằm liệt trên giường , phòng có mùi rất tệ , cụ ông ngày ngày đỡ bà dậy , lau rửa , thay quần áo . Hồi ấy sợ vào phòng cụ lắm . Phòng tối và có 2 cụ già . Mình lại không gần nhà ngoại , cứ mỗi lần mẹ nói mang biếu cụ cái gì thì cũng chỉ chào 2 cụ , để đồ vào tủ rồi lại chào cụ , đứa bé chạy biến đi . Có lần mẹ nói , lưỡi ai đỏ thì người ấy khỏe mạnh , tức khắc con bé chạy sang chào cụ bà , lay lay dậy , nói cụ hé môi để cháu xem lưỡi . Ồ , lưỡi cụ hồng hào lắm cụ ạ . Cụ sắp khỏe rồi . Có biết gì đâu , quay ra chỉ thấy cụ ông mắt đỏ hoe , ngấn ngấn nước cười khụ khụ .
Ngày cụ bà mất , cụ ông ngồi ở ghế cầm tay cụ bà nắm rất chặt . Từ ấy , không còn thấy cụ ra bể nước nữa , cũng không còn vào xem cụ ông bón cháo cho bà . Cụ ông chuyển đến nhà ông trẻ . Thời gian ngắn sau , cụ mất .
Từ ngày 3 cụ mất , chưa đi tảo mộ lần nào . Nhà ngoại cũng có tổ chức đi hàng năm nhưng không care . Thế đấy !
3. Ông Nội rất hiền . Là theo tớ cảm nhận thấy vậy . Bố mẹ nói rằng ông khắc nghiệt . Nghe đâu có dạo ông định mang nhà bố cày cục có tiền để mua , cho vào quỹ của phường .
Ông cũng là thợ mộc . Ông làm con giống bằng gỗ cho hai chị em chơi . Ngày ấy chưa có Bư , và Bư cũng không thể biết niềm vui cầm điếu thuốc lá của ông ra hàng quà để đổi lấy kẹo cao su con vẹt hay ô mai "cứt trâu" .
Ông hay ngồi đọc báo với cái kính rất trễ tràng . Và nếu có lật ngược cái xe cút kít màu đỏ lên làm con bò và giả bộ vắt sữa thì trèo lên lưng ông , cầm hai tai ông là sừng trâu thì ông cũng chịu đi tư đầu nhà đến cuối nhà mà không phàn nàn gì.
Câu động viên đầu tiên tớ biết nói là "Ông ơi , cố lên" . Lần ấy ông đèo con bé về quê chơi rồi từ quê ra nhà ở Hà Nội . Lúc đi thì thuận gió , lúc về thấy gió thổi tóc ông bay lưa thưa luôn . À, ông rất ít tóc . Vẫn hay vo vo tròn đầu và trán ông nghịch và gọi là ông Nội hói .
Bố nói ông Nội sống khô khan . Quanh năm đi làm , Tết chỉ về ít ngày rồi lại đến phân xưởng . Bà và mấy anh em bố ở nhà phải xoay xở cuộc sống rất vất vả.
Ông bị bệnh về phổi . Nằm ở Thanh Nhàn , bác sĩ nói phổi của ông như bao tải mục rồi . Ngày ấy học cấp 3 , chiều đi học thêm bên Bách Khoa thường ghé vào thăm ông và mang cháo đến nữa . Dạo ấy khó khăn chồng chất khó khăn . Ông vào Viện hôm trước , hôm sau Cáo già cũng nằm Viện . Anh Hưng thì loput thận nằm ở Bạch Mai .
Ông ra Viện , về quê sống với bà Nội được gần 2 năm thì ông đi . Ông đi mang theo dấu hỏi về việc : hình như ông mày cũng có bà hai ?
Thỉnh thoảng nhớ về căn nhà cũ . Hay nhìn cái xe đạp của trẻ con vẫn thường nhớ tới xe cút kít đỏ và cú ngã hơn 30 bậc cậu thang xi măng . Ông nói , cứ đi lùi rồi thể nào cũng ngã . Cháu nói , ứ cháu không ngã đâu . Cháu vẫn để ý đằng sau mà . Và cuối cùng là ngã lăn lông lốc . Ngã quay cuồng cùng cái xe cút kít . Chạm đất , mở mắt không thấy xe đâu chỉ thấy cả nhà huyên náo mà máu me thì đầy mình và đau nữa . Hôm ấy mặc cái váy trắng chấm đỏ , tóc cắt ngắn .
Từ ngày tông xe ga xuống ruộng thì chưa ra thăm lại mộ ông . Cũng lâu lâu rồi . Hum ...
Bà Nội rất tinh anh và xốc vác . Từ bé đã không thấy bà ở cùng rồi . Bà chỉ ra vào mỗi dịp hè và cũng không ở lại lâu . Một lần bà vào bếp nấu ăn , mẹ chê gớm lắm , nói rất to và từ đấy bà ra ít ngày thôi .
Bà ra dạo nào thì dạo ấy tớ chăm học ghê gớm . Điểm số cao chót vót . Tuyên dương vở sạch chữ đẹp liên miên , tưng bừng luôn . Bà rất hay đốc thúc học . Thế nên tớ vẫn còn nhớ ý nghĩ thủa ấy . Khi học bài thơ "Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" của Nguyễn Khoa Điềm . Ôi chao , bài ấy ngang phè nhưng Tú ta cũng tự tin nói rằng , anh sẽ thuộc làu làu . Vì có bà đấy , khó đến đâu thì bà cũng thức để kiểm tra cho tới khi đọc làu làu mới được gấp sách đi ngủ .
Nhưng bà ra chơi ấy , bà rất gọn gàng . Bà bắt quét phòng suốt . Rất ghét dọn dẹp .
Nhà có quy định là ăn xong 3 chén vơi vơi cơm mới được đứng dậy . Khổ sở lắm . Hôm nào chạy nhảy nhiều thì ngon lành ngay nhưng hôm nào mà ốm ốm hay không thích ăn thì chết toi rồi . Bà sẽ là bà tiên có phép màu đuổi mấy bát cơm ấy vào bụng . Bà xúc từng thìa , cứ 1 thìa cơm thì 1 thìa nước canh . Mà sao thấy nhai nhanh thun thút . Nhắc đến đây , thấy nhớ canh rau muống của bà . Cái vị ấy không quên được . Từ ngày lớn chưa gặp lại vị canh ấy .
Bà rất mát tay . Trồng cây gì là xanh tốt um tùm cây ấy . Khoảng sân bé bé có một cây khế ngọt . Về chơi với bà , bà thường cho cầm que tự vặt quả ăn . Đứa háu ăn như mình chỉ thích ăn quả nào vặt quả ấy , quả khế vàng nhất , mọng nhất rồi toe toét khen khế ngọt , bà thường nói :"Quê hương là chùm khế ngọt" vào mỗi lần như thế và nhướn mày .
Hình như trong 3 đứa , mình là đứa hay ăn khế của bà . Mình cũng là đứa không hay gần gũi bà . Có thể tự tin chăm bà khi bà ốm vì rất thương bà nhưng không quen nịnh , nói oang oang thương bà hay ôm bà kiểu ráo hoảnh . Yêu theo cách của mình . Có khi bị cho là lạnh lùng . Không care .
Bà rất tiết kiệm . Có bếp ga nhưng ít khi bà dùng , bà thích dùng bếp củi hơn vì "đỡ tốn kém" . Có lần ngồi ở phòng bà nhìn qua cửa sổ trông ra sân , khói bếp bay lên , nhớ ra bà cũng già yếu rồi . Ở tuổi gần 80 , da bà căng , đi lại nhanh nhẹn , minh mẫn và còn rất tinh ý . Đôi khi vẫn nghĩ bà như của ngày bé xíu đốc thúc mình học , quạt cho mình ngủ . Nhầm lẫn mơ màng của pha trộn cảm giác .
Thân yêu có lần nói thế này , khi không thấy bà đun bếp củi ngoài sân nữa , là lúc bà rất rất yếu rồi đấy.
Ngày 1 Tết vừa rồi về quê . Bà hối chuyện lấy chồng . Bà bảo đợi đến năm mày 30 tuổi mới chịu lấy chồng thì tao chết đã xanh cỏ rồi . Vậy bà phải sống thật lâu lâu nữa , cháu sẽ có chắt cho bà bế .
4. Ông ngoại thuộc type người rất thích hành tội bản thân . Không biết nhiều về ông , những điều thực sự rõ thì chỉ nhìn ra ông là người không tốt , khó để thương yêu . Hum , ông cũng làm thầy lang nhưng chắc chắn là tay nghề không cao . Ngày bé có một lần ngồi chơi gần cái xe máy cup xanh đu đủ , con béc-giê của ông chạy qua làm đổ xe vào người con bé . Ông không hỏi mình lại đi xót cái xe và nạt mình gớm lắm .
Ông bà ngoại sống với nhau không tình cảm . Khi 40 tuổi đã tách phòng rồi . Việc ai người ấy làm . Tệ quá !
Bà Ngoại ngày xưa cấm mẹ yêu bố . Để ra được khỏi ngõ , mẹ phải treo 2 chiếc guốc vào tay lái xe đạp cà tàng và vác xe trên vai . Ra đến tận ngoài đường mới cho chân vào guốc và sang chào ông Nội , rồi cùng bố đi chơi được . Bà và ông đều chê bố là thằng nhà quê . Có thể vì thế mà anh em của mẹ cũng khinh thường và bắt nạt bố . Nhìn chung lợi ích cá nhân khiến con người ta trở thành những người tanh máu cá .
Giờ , bà ngoại cũng không khỏe rồi . Bà cắt tóc ngắn vì bà ốm liên miên nên tóc ngắn sẽ thuận tiện hơn . Lâu lắm rồi không nhìn thấy bà , chỉ biết bà gầy nhiều vì bệnh tim mạch . Đến tuổi này bà cũng không như trước đây . Có vẻ tuổi già khiến con người ta muốn xích lại gần con cháu . Tết vừa rồi Bư sang chúc Tết ông bà ngoại , Bư về nói rằng Sơn "thối" chat voice với Đạt "già" khoe :"Bà Nội cắt đầu Dea Chang Kưm" . Nghĩ nghĩ cũng thấy ấm áp hơn . Dù sao cũng phải gần 10 năm rồi chưa nói tiếng "Cháu chào ông bà" mỗi bận ngang qua .
Ông Ngoại vẫn rất khắc nghiệt . Con AMi ngu ngốc được cho sang bên ấy . Ông nuôi nó trong lồng sắt . Lần đầu tiên mình biết có người nuôi mèo như vậy . Bư nói , nhìn ánh mắt ông ném nó xuống đất mà thương . Thật ra đã có lúc mình nghĩ , có ngày con béc-giê đen của ông sẽ nhai thịt mình như nó nhai miếng thịt heo sống khẩu phần hàng ngày mà ông cho , dù rằng nó ở trong lồng sắt còn mình chỉ đứng ngoài . Ông luôn để nguyên không can thiệp mỗi khi con béc-giê chết tiệt ấy cắn người . Hum
Thỉnh thoảng đứng trên tầng 6 về khuya . Nhìn thấy ánh đèn pin trên thang gác phía xa xa , là dáng ông ngoại đi kiểm tra phòng trọ . Vẫn là ông với tính cách địa chủ tự hành tội , cô lập bản thân . Đôi khi nghĩ , ông giữ bo bo của cải , ác nghiệt với con cháu để làm gì . Đến giờ , bố vẫn chưa tha lỗi cho ông về việc chiếm tài sản của bố và ông , ông cũng chưa từng nghĩ ông có những đứa cháu là mình thì phải .
Hum , dáng đi của mẹ rất giống ông . Tai hại ở chỗ , càng về sau càng thấy mẹ giống ông nhất trong mấy anh chị em nhưng nó tỉ lệ nghịch với tình cảm của ông dành cho mẹ thì phải . Ui dao bài toán tỉ lệ nghịch !
5. Hôm nay , bố mẹ cãi nhau . Khách quan mà nói thì mẹ sai lầm lớn , bố thì lý lẽ không thuyết phục . Ui chao , bố đòi ly dị mới gớm chứ . Năm nay bố mẹ đều 49 tuổi . Cho nên trong lúc giận , bố đuổi mẹ đi phòng khác ngủ, mẹ vẫn mong bố lên gọi mẹ về phòng . Mẹ ngồi quai tá lả với 3 chị em mình nhưng vẫn ngóng tiếng ở cầu thang tầng 2 . Miệng lẩm nhẩm , năm nay 49 tuổi bệnh tật không thèm chữa , chết thì chết luôn .
Hôn nhân không hẳn là vì tình yêu . Đến tuổi này có lẽ là Tình Nghĩa . Cả bố và mẹ cũng lây nhau cách nói tuổi già . Bố cũng : Chết được thì chết luôn . Cái số chết thì không tránh được .
Ui chao là bố mẹ .
Lúc khuya , bố nói : Bảo bà ý không về phòng đêm nay thì vĩnh viễn ra khỏi phòng đấy .
Mẹ nằm tầng 4 khóc , dỗ mãi nhưng ngượng nên nhất quyết ngoan cố , tao không xuống cho bố mày một mình một cõi . Nói mà mắt đỏ , giọng mếu . Thôi , mẹ không khóc nữa , xuống phòng nào . Tao không thèm khóc ( nhưng vẫn lấy tay quệt nước mắt )
Ôi chao là chồng vợ - hôn nhân .
6. Năm nay trong nhà sẽ có người theo chồng bỏ cuộc chơi . Sẽ vắng vẻ dần . Bố nói 3 đứa con gái nhất định phải có 1 đứa lấy chồng và ở rể ... không thì , không cho đi đâu hết . Lại muốn ui chao ...
7. Nếu xem cánh chim chao liệng bầu trời kia là khái niệm của tự do thì khi cánh chim mỏi mệt hay muốn dừng chân mà không có lấy một điểm đỗ , một cành cây để đậu thì chẳng phải đôi cánh ấy là sự trừng phạt của tạo hóa hay sao ...
Tự do thật sự lúc này ... tự do là có một nơi để về .
Đúng là chuyện không ngày tháng . Những người đã qua , những người chưa tới . Người đã , đang và sẽ ngay gần là những gì của không ngày tháng . Có thể một ngày ta nằm trong chuỗi chuyện không ngày tháng của ai đó . Chân dung ra sao ... Chưa rõ . Cũng tò mò .
Đến ngày ấy không ?