6.1.25

lưu đày và sự sống



tập truyện ngắn của Angela Carter gồm 11 truyện có thể xem như một tập các truyện kể cổ tích theo phong cách Carter mang màu sắc Gothic. Người đọc luôn có cảm giác ngay khi vừa đọc từng truyện rằng, mình đã nhận ra truyện ngắn này Carter đang kể câu chuyện cổ tích, dân gian nào, nhưng truyện kể của Carter lại được khai thác theo lối đi âm lạnh của chốn thiếu ánh sáng, phá bỏ giới hạn về trí tưởng tượng của một người khi nghĩ về những câu chuyện cổ tích mình từng nghe [qua tập truyện ngắn này, khi tìm hiểu tôi mới hay rằng nhiều truyện cổ tích, dân gian có dị bản khác xa với nội dung mà ta vẫn thường quen, ở đây nên nhắc đến Charles Perrault]. Carter có một trí tưởng tượng, tôi dùng từ bạo liệt; những truyện kể của Carter làm tôi nghĩ đến một người - hầu tước Sade; màu sắc của kẻ đồ tể dịu dàng, hay sự tương đồng của nhân tình âu yếm và kẻ tra tấn chăm sóc [Baudelaire], hay kết cục của lưu đày hành xác là kết cục của sự sống [nói theo Leopardi thì thế giới cũng như phụ nữ, thuộc về kẻ nào quyến rũ nó, tận hưởng nó và quá tay với nó]


lời bạt đặt cuối sách của Helen Simpson viết về sự nghiệp sáng tác của Angela Carter cho rằng 3 truyện xếp ở vị trí 4-5-6 trong tập truyện không có sự ăn nhập; còn tôi thì thấy vị trí ấy chỉ dành riêng cho truyện số 6: Mèo đi hia; tôi nói không ăn nhập vì không khí truyện ngả ngớn tục tĩu tươi vui ánh sáng lạc quẻ quá, nó được lấy bối cảnh ở Ý, làm tôi nghĩ đến các câu chuyện trong Mười ngày của Boccaccio, khác hẳn màu sắc Gothic và nhiều hình ảnh, kí hiệu, biểu tượng về máu, da thịt trần truồng, lông, tuyết, gương, hoa, lồng nhốt... xuất hiện dày đặc ở 10 truyện còn lại trong tập truyện ăn nhập nhau như nhà nhiều hành lang. Helen Simpson nhìn nhận truyện Căn phòng máu là viên pha lê sáng của không chỉ riêng tập Căn phòng máu, mà còn trong cả sự nghiệp của Carter; tôi không có ý định lúc này đọc nhiều Carter nhưng truyện đó sẽ được chọn vì những ẩn dụ của nó, sẽ được chọn nếu có lúc nào tôi nhắc đến Colette nhưng không phải truyện ngắn tôi thấy hay trong tập, nó quá sáo, đặc mùi phim ảnh truyền hình phương Tây xưa, với cái kết không thể chán hơn; điều duy nhất tôi thích ở truyện ngắn này, là ý một chi tiết, đại ý: chiếc chìa khoá căn phòng cấm được bày ra cốt để người ta đi vào nó và chết vì tò mò [nó cũng không khác gì ẩn dụ, luật được dựng cốt để người ta phạm vào, luật được dựng nên với các khe hở không phải là sự ngẫu nhiên]. Truyện tôi thích nhất trong tập là Thần dụ trẻ; một truyện viết đặc biệt đẹp, không cố gắng lồng ghép ẩn dụ hay cố phải gợi các chi tiết để người đọc nghĩ đến câu chuyện cổ tích, dân gian nào ngoài cái tên của nó Thần dụ trẻ [The Erl King], truyện ngắn ấy như tên gọi và như khu rừng của Thần dụ trẻ vậy: trông mọi thứ có vẻ thế nào thì chính xác nó là như thế


đọc tập truyện này, tôi biết người bạn nào của tôi sẽ tò mò về nó :)) vì đầu óc của người ấy luôn tưởng tượng tất tật mọi thứ theo hướng đồi truỵ và máu M, dù chính nó cứ khơi khơi nói tôi máu M :))))


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét