Chuyện các bà vợ già là bức tranh tỉ mỉ về đời sống Anh, tỉ mỉ một cách thái quá và hoàn toàn có thể coi nó là tài liệu để biết về xã hội trung lưu Anh nửa sau thế kỷ 19 đến thập niên đầu thế kỷ 20. Một truyện rất Anh, cũng là một truyện con người nói chung; đúng như lời đầu của tác giả viết, nó không khỏi làm người ta nghĩ đến Một cuộc đời của Maupassant [tôi cũng chính vì đọc lời đầu sách này mà đã đọc Chuyện các bà vợ già - một tiểu thuyết dung lượng hơi gây cho tôi chút bối rối, liệu mình đọc tới chừng nào đây, có phí phạm sách không khi mình đang có chồng từng chồng sách phải đọc đồng thời cùng nhau (nhất là khi tôi đã mất thói đọc một tác giả nào đấy chỉ với một quyển), vì tôi bắt gặp ở đây con mắt nhìn của Arnold Bennett, ông không đánh giá cao Một cuộc đời, ít nhất là trong đối sánh với Pierre và Jean - tôi cũng nhìn như vậy, không muốn nói, tôi đã cho Pierre và Jean vé hạng nhất trong địa hạt Maupassant ngay khi đọc xong (ở lời giới thiệu, lỗi sót, tên bản dịch ban đầu "Dấu vết thời gian" chưa được đổi về tên gốc The Old Wives' Tale - Chuyện các bà vợ già; ngoài ra trong cả quyển sách dày này chỉ còn 1-2 lỗi typo, 1 lỗi trang 252 thì phải, lỗi còn lại tôi không nhớ, tỉ lệ lỗi thấp đáng kinh ngạc cho dung lượng sách gần 650 trang khổ cơ bản, với các đơn vị xuất bản khác, có lẽ đã thành khoảng hơn 900 trang, thậm chí cả nghìn :)]
với một chút tự tin, Bennett đã dựng như đúng tên Chuyện các bà vợ già, những tận hai nhân vật chính với bố cục quyển sách cho ba người phụ nữ - những thiếu nữ rồi thành người vợ rồi thành bà vợ già, và dễ hình dung, bà vợ già thì khả năng phải gắn với đời sống bà góa: một người mẹ và hai cô con gái [và đúng là ba người họ đều góa chồng, dẫu một người gần như không phải sống đời bà góa, ngắn ngủi vô cùng] trong đó hai cô con gái là nhân vật chính của truyện - cô chị ở lại tỉnh nhà nhỏ bé ở Anh và cả đời bà có lẽ có thể tính là không đi đâu khỏi nơi mình sinh ra và sống cả đời trong một ngôi nhà [trừ quãng ngắn như một cuộc cách mạng bất thành] và cô em thì trôi dạt sang Pháp, thân lập thân với một khối tài sản đáng kiêu hãnh sau 30 năm mới đoàn tụ với chị. Bennett cùng người đọc theo dõi đời sống của hai người phụ nữ, Constance và Sophia, từ thuở ấu niên cho tới già, đúng như motif của Maupassant với Một cuộc đời [đây cũng là một motif điển hình của tiểu thuyết], nhưng nếu chỉ đọc như đọc các motif quen, chắc không còn ai đọc tiểu thuyết văn chương văn chương. Bennett đã biến cái motif quen thuộc ấy, bình thường hóa ấy thành cái khiến người ta phải đọc và đọc trong tiếc nuối vì mỗi trang qua đi đồng nghĩa nó đang dần đi đến hồi kết, như đời một con người mỗi ngày qua đi, mỗi sự kiện qua đi là người ta đang đi dần đến cái chết; người đọc không còn rõ mình phải cười hay khóc hay vừa khóc vừa cười trước màn tâm lý nhân vật tơ mành mành và giọng của Bennett. Hai người phụ nữ chậm chạp thay đổi theo ngày tháng trôi qua; tình cảm, hành động, cơ thể, tinh thần... dần không còn mềm mỏng, linh hoạt, mạnh mẽ kiêu hãnh như trước, nhưng dường như họ không nhận thấy, vẫn tưởng mình chẳng thay đổi gì cả, trong khi người đọc với sự dẫn lối của Bennett rõ ràng đã nhận ra sự thay đổi li ti từng chút, nhận ra dấu thời gian vết từng sự kiện chặng đường - một lối mòn
thời gian thay đổi mọi thứ ngay cả bi kịch ta cũng quên mình đang có nó, quen với tất tật bất thường như bình thường mà ta không nhận ra. Kết cục của Sophia làm tôi chờ đợi trong những năm tháng tới đây, nếu có thể sống đủ già hơn, về ý nghĩ tiếc nuối của Sophia rằng mình đã không sinh con [Katherine Mansfield cũng có cùng nỗi tiếc nuối này], có lẽ giờ tôi vẫn còn chưa đủ già, còn quá kiêu hãnh để có nó, tôi sẽ trông mong nỗi tiếc nuối đó đến, nếu nó có tồn tại và có nó; còn kết cục của Constance, nếu không có Sophia là một tham vọng thêm vào của Bennett khi viết Chuyện các bà vợ già thì kết cục ấy với chỉ riêng nhân vật chính là Constance, có thể cũng mang nhiều màu sắc theo ngả Một cuộc đời của Maupassant
con người không hiểu đời chừng nào chưa trải qua các sự biến số của mình, chừng nào chưa trải qua một phần lớn đường đời để thực sự chính đáng được nói câu "đời là thế đấy" - tên quyển bốn của câu chuyện, với giọng điệu bình thản nhất có thể có. Và nếu ta sớm hiểu đời ở ngưỡng tuổi chưa hiểu đời, nhìn thấy các tiêu bản cùng những dị bản số phận đi kèm, thì ta còn muốn sống như vậy không, còn đặt chân bước tiếp không dẫu cũng không thể giữ mọi thứ ở một chuyển động đứng yên hay trở lui, thậm chí là dợm chân bước. Biết gần như tất tật sẽ như thế và đủ kiêu hãnh để chống đỡ chịu đựng chấp nhận phần còn lại biến số thì người ta có chọn tiến tới 🙂 [nếu ở vào một tình thế phải quyết, chắc chắn sẽ khiến tôi sinh ra cái mà người ta gọi là, suy nghĩ muốn chết, tôi tất nhiên không muốn chết, ý muốn chết thật báng bổ, nhưng sẽ may mắn hơn nếu tôi đã chết rồi (lại một câu quen, "muốn sống thanh tao lên trên trời mà ở", muốn không phải nghĩ thì chỉ có chết thôi, vì còn sống là còn biến số còn phải nghĩ), còn thì ở đây tôi muốn nói suy nghĩ muốn chết tức là suy nghĩ nhiều muốn chết luôn, nghĩ nhiều dức đầu muốn chết cho rảnh nợ]