30.9.24

Beatrix Potter

cuối cùng cũng có 

hôm qua pass cả sách của mình cả của các bạn gửi mới được 1560k thì mình đã đi vợt sách hết 920k 2 nơi rồi. Đây là đơn sách mình tự mua thích nhất từ đầu năm tới giờ, coi như tự tặng mình tháng 10 tới đi 🙂 


khởi nguồn là 10-11 năm trước chị Thuỷ Mèo Béo Mượt ở lớp vẽ tặng mình 1 quyển tập 17 trong bộ của Beatrix Potter; mình thích quá lâu lâu lại mang ra nhẹ nhàng mở đọc nhìn ngắm vuốt ve; cũng 10-11 năm ấy quyển sách luôn được để ở ngăn ngang tầm mắt mình trên giá sách, giữ đúng khoảng vị trí ấy dẫu ngăn ấy đã đi qua 2-3 bận thanh lọc và xếp lại, dù là thiếu nhi hay văn học triết học hay tiểu luận phê bình thì tập sách nhỏ the pie and the patty pan vẫn ở đấy. Sáng hôm qua cầm điện thoại bỗng đập vào mắt một ảnh nhiều quyển series này được xếp ngay ngắn, và theo caption có ghi thì đủ 23 tập thiếu box. Mình nghĩ chắc trượt rồi vì thấy có 2 bình luận; nhưng vẫn tò mò không biết ai đã mua, liệu mình có thể xin mua lại được không; hoá ra bình luận nhưng chưa chốt đơn; thế tức là series này đợi mình rồi. Và giờ mình sẽ để trên giường dài dài, tới khi thoả rồi thì mới tính chỗ xếp sau; mình không giống mọi người vì luyến ái mà không dám mở ra đọc hay dùng đồ vật, mình cần chúng và mình giao thoa năng lượng và số phận giao lấn vào nhau; không phải ý nghĩa tồn tại của mọi thứ là cùng nhau biết được thời gian trôi qua trong hệ quy chiếu vạn vật đổi dời hay sao 


và sáng nay, dù bạn qua nhà chơi mấy tiếng tạm biệt trước khi đi du học, đầu óc tú vẫn ở trên tầng 5 nơi có gói sách vuông vắn chưa kịp bóc thì bạn gọi điện "bác ơi bác xuống tiếp em đi, cầm cho em visa xuống bác nhớ, bác nhanh lên bác ơi em đợi bác". Vừa rồi ngồi mân mê bộ sách, vẫn còn phì cười con người mình lạnh nhạt, tha thiết bộ sách hơn cả bạn bè trước mắt 1-2 năm xa cách 🤦🏻‍♀️ [dù cũng đang bị giai giận đấy, nhưng con người vốn trâu bò nhơn nhơn vậy thì biết sao bây giờ]













29.9.24

desert




Những người nuôi giữ bồ câu lấy bối cảnh trong và sau khi Jesusalem thất thủ [năm 70 - 74, khép lại tiểu thuyết là năm 77] Câu chuyện gồm 4 phần, mỗi phần là một người phụ nữ đứng nhân vật "tôi" kể chuyện đời mình; chúng diễn ra chủ yếu trong khoảng 4 năm khi người Roma tiến hành tấn công pháo đài Do Thái ở Masada nơi có khoảng 900 người nổi dậy và gia đình họ cố thủ; 4 nữ nhân vật chính đều gắn với hình ảnh chăm nom, nuôi giữ bồ câu để lấy phân tưới tắm mảnh đất thu hoa màu như những người giữ ngọn lửa sự sống hậu phương, trong lúc những người đàn ông tổ chức và tham chiến. Alice Hoffman lấy cảm hứng từ một sử gia, người đã ghi chép lại bản tường thuật duy nhất về cuộc vây hãm; dựng tiểu thuyết với tham vọng lớn, mang không khí tâm linh kỳ bí siêu thực khiến người ta như thấy sự kiện này vừa mới xảy ra sống động hiển hiện, thay vì gần 2000 năm trước [sự kiện bi thảm của quá khứ, sự hiến sinh kỳ lạ diễn ra tại pháo đài] Với 4 phần ứng 4 nhân vật nữ giọng kể riêng, ở mỗi phần câu chuyện của một nhân vật nữ đứng "tôi" như khớp các rãnh câu chuyện chung, nhưng cũng chính vì chia lãnh thổ với dung lượng lớn cho từng nhân vật mà khó xoá được ranh giới phân tách quá rõ ràng từng phần đã tạo nên; điều này gây đứt đoạn, dẫu chiến lược của tác giả đã tạo một mảnh nhỏ cuối cùng quay trở về giọng và cái nhìn của nhân vật nữ đầu tiên đứng "tôi" để khép lại vòng câu chuyện. Đọc Những người nuôi giữ bồ câu của Alice Hoffman, lấy bối cảnh xa hiện tại, nhưng tôi nghĩ rất nhiều đến các câu chuyện của Tahar Ben Jelloun, ngay từ những trang đầu, dù hướng đi của 2 tác giả không gặp nhau


bản tường thuật duy nhất về cuộc vây hãm Masada của sử gia Josephus cho biết, có 2 phụ nữ và 5 đứa trẻ sống sót sau cuộc tàn sát xảy ra vào đêm những người Do Thái chấp nhận tự sát hàng loạt thay vì khuất phục chiến đoàn Roma [đây là đoạn hay nhất trong tiểu thuyết] Chính những người sống sót này đã thuật lại câu chuyện với người Roma - khi người Roma vào đến thành, thấy đâu đâu cũng chỉ xác chết, và qua đó với cả thế giới "lũ bồ câu đồng loạt bay lên trời đang dần tối sầm, làm sáng màn đêm bằng ánh sáng của chúng, gửi đi bức thông điệp rằng có thời khắc để chết và thời khắc để đứng lên"


22.9.24

crows




quạ nhớ mặt người. Chúng nhớ ai từng cho ăn, từng tử tế với chúng. Và cả những người lừa gạt chúng. Quạ không quên. Chúng bảo nhau về những kẻ cần chăm sóc hoặc dè chừng

bộ six of crows - croooked kingdom: a sequel to six of crows chắc phải có phim chứ nhỉ; với những phiên bản grisha thuật điều nhiên, tâm y, tiết độ sư, sáng chế gia... dựng phim kỹ xảo hình ảnh thì dễ gây bão phòng vé lắm. Dù không thích xem phim, nhưng mấy phim giả tưởng phép thuật hành động thì tôi xem 🙂


19.9.24

deleting deleter




một truyện trinh thám Hàn của tác giả 197x [tôi hợp đọc các cây viết Hàn ở quãng này] viết không quá xuất sắc nhưng bố cục tốt, tình tiết vừa đủ, cái đặc biệt là tác giả không chọn làm tới ở bất cứ chi tiết cao trào nào nhưng cũng không khiến người đọc hụt hẫng. Khả năng đây là một quyển trinh thám lọt thỏm, ế lòi dù tôi thấy hoàn toàn đọc được. Tôi đọc được trinh thám Hàn Nhật nhưng không thể đọc nổi Trung, trong khi mọi người nói Trung hay :); cũng có thể giống như tôi đọc được nhiều trinh thám Bắc Âu chậm nhưng Mỹ thì chỉ rất ít [nơi sản sinh thể loại này cuối cùng lại không mang gene tinh hoa và không có truyền nhân :)]. Tôi vẫn luôn nói thích tư duy văn học của những cây viết Hàn khoảng tuổi tác này, không lậm những chủ đề cũ, cũng không giống mùi phim truyền hình Hàn; Cái bóng của bí mật khai thác chi tiết, có thể gọi là ngạch hẹp của các nhân vật chính điều tra phá án, chưa từng nghe đến trong quãng thời gian 10-12 năm đọc trinh thám của tôi: deleting - deleter, một công việc hợp đồng xoá bỏ những gì khách hàng mong muốn ngay khi họ chết và người thực thi được gọi là deleter 


chương 7 khoảng tr77-82, deleter nhận hợp đồng deleting, khách hàng là một nhà văn, thứ nhà văn muốn thuê xoá là các tiểu luận truyện ngắn ông viết khi còn trẻ đã gửi cho một người trong giới [sau khi chết muốn xoá vì không muốn người kia công bố trên văn đàn, lấy đó làm bôi nhọ sự nghiệp nhà văn của mình bao năm] và các bức thư tình gửi cho một phụ nữ đã xa xôi rồi. Đây là chương khiến tôi gật gù chuẩn, nếu là một kẻ viết nhiều, tôi cũng mong tiêu huỷ hết thật; thế nên sau cú đầu tiên đốt hết những gì viết trước tuổi 22, thì từ đó trở về sau, cứ năm hoặc 6 tháng tôi hoá vàng một bận; có người hỏi tôi tại sao phải làm thế, tôi nói vì từng chút mỗi trút được ra rồi là ra, phải hoá đi mà tha cho mình và, tránh đau đớn cho người nào phải đọc nó


nó đặt ra một ý nghĩ, trước khi chết, hay chết rồi được phép nhìn lại, thì người ta chọn xoá bỏ gì; một câu hỏi quen thuộc là, người ta chọn giữ gì, nuối tiếc gì, mong muốn mang theo gì nếu có thể, nhưng đây lại là ý nghĩ: ta muốn xoá bỏ gì; hẳn là quan trọng, hẳn là bí mật nóng như than buộc phải ngậm mà mang xuống mồ nhưng làm gì có bí mật nào mà không có bóng, bí mật thì chỉ nên là bí mật, nó không trở lại đúng vị trí của mình thì dở, cái bóng của nó cái chết đâu thể mang theo hết bóng của bí mật được. Cuộc sống sau khi chết vốn là thứ bản thân không thể điều khiển, nhưng deleting lại cho phép ta mượn sức của deleter để thay đổi cuộc sống ấy đi ít nhiều... tác giả nghĩ ra và khai thác ý tưởng này, nghe như tiểu thuyết vị lai giả tưởng, nhưng đơn thuần nó là một tiểu thuyết trinh thám hiện thực màu sắc tiểu thuyết đen, thế mới hay 


có một cái giếng rất sâu, vì sâu nên không thể rõ lòng giếng. Vô tình ta ném một cục đá xuống giếng chẳng vì lý do gì, cứ ném vậy thôi, đợi mãi chẳng nghe thấy âm thanh nào cả, ta mất hứng và bỏ đi, có khi cũng quên hành động vô tình ấy. Mỗi người đi qua, cũng vô tình ném một viên sỏi xuống giếng, họ cũng chẳng vì lý do gì. Cái giếng cứ ở đó, nó sâu nên mọi người cứ ném xuống chẳng để ý làm gì. Nhưng một ngày nọ, đang đứng gần giếng thì nghe thấy "tõm". Không thể biết tiếng tõm ấy là cục đá hòn sỏi do ai ném nữa. Chưa biết chừng là cục đá mình ném từ lâu trước đó rồi bây giờ mới chạm nước và đáy, cũng không loại trừ là viên sỏi ai đó vừa mới ném. Nhưng không hiểu sao lại có cảm giác đó là âm thanh cục đá mình ném xuống vì mình cũng đã tham gia ném xuống giếng mà. Nên tiếng tõm ấy, phần nào cũng là trách nhiệm của mình. Dù bất khả nhưng vẫn muốn buộc sợi dây vào mình, nhảy ùm xuống, cũng không rõ có kéo được gì hay nhảy xuống để xác nhận gì, có đúng cục đá mình ném đã gây ra âm thanh tõm đó không... vì tất cả chúng đều theo tiếng tõm mà đi mất rồi. Nhưng việc muốn làm thì vẫn muốn làm thôi. Nếu không muốn liên đới, chi bằng đừng làm bất cứ gì, dù chỉ là một viên sỏi ném vô thức, không bất cứ gì. Mà đời như cái giếng, lấy đâu "không bất cứ gì" 


ý tưởng về cái giếng của Kim Jung Hyuk không lạ, hình như rất nhiều nhà văn nghĩ đến cái giếng [Haruki, Pamuk, cổ hơn hãy nghĩ đến La Motte Fouque, hãy nghĩ đến cây đoạn và cái giếng...]; còn tôi nghĩ về mấy năm trước một bạn nam bảo tôi giống một cái giếng khi gọi xuống luôn nghe âm vọng hồi nhưng cái giếng không bao giờ lên tiếng trước; tất nhiên rồi, nếu không bất cứ gì thì cái giếng làm sao vọng hồi bất cứ gì, nếu vọng hồi, e giếng ma như truyện gì của Nhật


khổ thân Cái bóng của bí mật, text bìa có lỗi, câu in mặt bìa sách cũng sai ý của văn bản trong sách; bìa sách thật ra phải đến gần cuối mới có hình ảnh liên quan, hoạ sĩ thiết kế bìa chọn hình ảnh này kể ra cũng là cố gắng bám víu nội dung lắm rồi... Một quyển trinh thám lọt thỏm, hơi đáng tiếc 



16.9.24

hằng tinh




quyển truyện mỏng chưa đầy 150 trang này thật kỳ lạ. Hwang Jungeun dựng một thế giới hiện thực nhưng kỹ thuật viết, chiến lược văn bản với những câu ngắn, thoại giữa chừng bất cứ lúc nào, tự người đọc phân định vai nhân vật... khiến ta luôn có cảm giác đây là một thế giới kỳ ảo, tách biệt bên rìa, thậm chí mang không khí hoang vu của tận thế - nơi người ta dặn nhau rằng, đừng đi theo cái bóng của chính mình nếu nó sống dậy, bởi khi cái bóng sống dậy nghĩa là ta đã không thể chịu đựng thêm được nữa


chịu đựng gì mới được; tất nhiên là thế gian này rồi, nhưng chẳng phải từ thuở ban sơ đã luôn như vậy hay sao, chẳng tồn tại nào mà không bạo tàn không khắc nghiệt, cứ bị nhận chìm trong bóng tối rồi thoáng chốc lại phơi mình trong ánh sáng rồi tức thời lại bị nhận chìm "chúng tôi cứ thế bước đi" 


tác giả sinh năm 1976, có lẽ mình hợp đọc văn học HQ những cây bút 197x 



15.9.24

giao lộ




xây dựng câu chuyện về một thành phố nơi những người đã chết đến được thành phố này, dừng lại mãi mãi ở độ tuổi mà họ ra đi và sẽ biến mất khỏi thành phố khi không ai còn sống nhớ đến họ; theo nghĩa nào đấy thì chừng nào một ai đó đã chết còn được một ai đó sống nhớ đến, kể về thì chừng đó người đã chết đang sống một cuộc sống khác. Những câu chuyện về khoảnh khắc vượt giao lộ sống - chết rất khác nhau, như nhiều tỷ con người ở thế giới này không ai sống một cuộc sống giống ai. Nhưng khi kể về cái chết của mình, tôi dám nói, người ta có khuynh hướng kể về nó chi tiết, tường tận, cường điệu nó hơn; dẫu đâu có bao nhiêu cách đâu, nếu không phải do trái tim thì sẽ do cái đầu đã mang người ta vào cõi chết; và dẫu chỉ có vậy ai cũng giống như ai nhưng đường vào cõi chết thì không ai giống ai cả; chắc hẳn không bao giờ có hai câu chuyện giống nhau, ngay cả khi do một bệnh dịch lan tràn gây ra số lượng lớn những cái chết 


"rất nhiều xã hội Phi châu chia con người thành ba loại: những người còn sống trên mặt đất, người sasha và người zamani. Những người vừa mới lìa trần đã có một khoảng thời gian sống cùng với những người còn sống là sasha, những-người-chết-đang-sống. Họ chưa hoàn toàn chết vì họ vẫn sống trong ký ức của những người còn sống, có thể được gọi về trong tâm trí người sống, có thể được tái tạo trong nghệ thuật, và có thể được người sống mang họ về thực tại trong các câu chuyện kể. Khi người cuối cùng biết vị tổ tiên kia chết đi, vị sasha đó sẽ rời bỏ tình trạng sasha để trở thành zamani, người chết. Được khái quát gọi là tổ tiên, người zamani không bị quên lãng mà thay vào đó, họ được hết mực kính trọng, thờ bái. Rất nhiều zamani... còn lưu danh lại. Nhưng họ không còn là người-chết-đang-sống. Bản chất hai trạng thái khác nhau"


điều gì xảy ra nếu không ai còn sống để nhớ về những người đã ra đi. Khi bối cảnh là cuối thế kỷ 21 một bệnh dịch đã lấy đi mạng sống của xã hội loài người, thành phố giao lộ kia tràn ngập người đến cùng một lúc và có lẽ một người ở Nam Cực là người còn sống sót duy nhất và không có gì chắc chắn sẽ tiếp tục. Không còn ai để nhớ về ai nữa hay về một loài người đã từng sống. Thế là hết; từ cuối cùng của loài người là nothing như Claude Lévi Strauss nói. Một người có thể nhớ có thể lưu ký ức về bao nhiêu người và ngoài ràng buộc sinh học, tâm trí thì điều gì tạo nên mỗi người; sinh mệnh của ta, trạng thái sinh tồn của ta đơn giản ta là người có quyền tối thượng quyết định nó hay nó thuộc về tất tật những người ta đã lưu dấu vết trong ký ức của họ 


một câu chuyện dễ đoán, không mới mẻ, tôi đọc nó hơn 10 năm trước, sách gả đi nên phải hoàn thiện ghi chú lưu trong laptop; nó gợi nhiều đến Người truyền ký ức, hay như sau này tôi có đọc The memory police của Yoko Ogawa... nhưng những băn khoăn thì vẫn ở lại, những câu chuyện để kéo giãn vùng giảm chấn những băn khoăn


ps. hôm trước nằm trong phòng nghe gió bão rít giật, tôi đọc một tin về căn hầm loài người lưu trữ các loại hạt giống thực vật trên toàn thế giới ở Nam Cực và bài viết nói, nếu một ngày sự sống loài người đi đến diệt vong thì bạn biết bạn sẽ phải đi đâu để tìm "nó" đấy. Tôi không nghĩ vậy, những cây mãi xanh, dẫu có con người hay không 


13.9.24

Maugham biết chuyện gì




tập truyện ngắn Mưa lấy tên một truyện ngắn của Maugham làm nhan đề cho cả tập gồm các tác giả đã in trên bìa. Tôi định bỏ qua không đọc vì vốn kỵ Nguyễn Hiến Lê dịch; lúc nào tôi cũng thấy giọng dịch của NHL đã thường hoá tất tật các tác giả. Nhưng tôi vẫn phải ngó qua xem Maupassant của tôi ở đây dịch gì, dịch Thùng Nước Lèo [Viên Mỡ Bò đấy] và Sợi dây chuyền - 2 truyện ngắn này tôi đều đã đọc các bản dịch khác


thứ đến tôi ngó đến Maugham, vì mấy năm gần đây tôi nhận ra mình khó chịu với Maugham trước giờ hình như hơi oan; ở đây Maugham được dịch 2 truyện: Mưa và Cái đầm. Truyện Mưa như nhiều truyện khác của Maugham, người đọc tinh ý đều sẽ biết Maugham cho nhân vật ngã thế nào nhưng lúc nào cũng giữ chân người đọc đọc cho tới câu cuối cùng; ta biết chuyện gì nhưng ta vẫn cần biết câu kết sẽ chốt thế nào. Truyện Cái đầm làm tôi nhớ đến tình cảnh của Hãy để ngày ấy lụi tàn, cũng tương tự là biết nhân vật gục thế nào, nhưng vẫn phải đọc tới cuối cùng, dù truyện này không làm được như truyện Mưa, hay truyện gần đây tôi đọc trong tập Trở lại Babylon mà tôi đã quên tên [về màu da, cũng chiều nay tôi đọc thấy bình luận trong Là người Nhật, tôi có chút băn khoăn về thẩm mỹ con người]


thứ đến là Dickens. Ở đây có một truyện ngắn Người báo hiệu - truyện có không khí cố ý của bí mật nhưng chẳng như giới thiệu của người dịch rằng ghê rợn truyện ma. Nhưng nó là một truyện, với tôi, rất lạc quẻ phong cách Dickens, có lẽ tôi chưa động vào truyện ngắn Dickens nên không nhận ra Dickens truyện ngắn này


tôi định bỏ qua Lâm Ngữ Đường như bỏ qua Jack London và Steinbeck, nhất là văn chương Steinbeck với tôi không gợi được chút ít hứng thú nào, ít nhất với Jack London tôi vẫn rất nhớ tôi từng thích các câu chuyện của ông khi tôi còn thanh thiếu niên ra sao. Khi mở đến Lâm Ngữ Đường mấy chục trang gần cuối, thấy đề tên Đỗ Quang Đình - Lâm Ngữ Đường cho truyện Lão Râu Quăn thì dừng lại; ra là truyện của Đỗ Quang Đình và Lâm Ngữ Đường có sửa để phù hợp với văn phong Âu châu; mà Đỗ Quang Đình thì đến Thánh Thán cũng thích đọc nên tôi cũng phải bon chen đọc xem sao dù thấy không hy vọng gì mấy; và đúng, vì truyện đã bị Lâm Ngữ Đường sửa, lại thêm NHL dịch vốn tôi không thích nên đọc chỉ để đọc mà thôi


cả tập truyện nhớ truyện Mưa 

9.9.24

ăn uống - một hành động nông nghiệp




quyển thứ 2 đọc của Michael Pollan. Quyển trước Nào tối nay ăn gì - Thế lưỡng nan của loài ăn tạp, quyển sách không đặt trọng tâm vào thực phẩm và sức khoẻ, nó thiên về sinh thái và khía cạnh đạo đức trong các lựa chọn ăn uống. Còn Bênh vực thực phẩm, ngay từ lời giới thiệu đầu sách, may quá, Michael Pollan đã nói luôn thần chú quan trọng: "Ăn thức ăn. Đừng ăn quá nhiều. Chủ yếu là thực vật." Cụ thể thế nào, mời mở ngay phần 3 chương 2 đến 4 để đọc. Cần nói ở ngay ở vế đầu tiên, sao lại "ăn thức ăn", nghe thì lấn cấn vì chẳng phải ta vẫn ăn thức ăn đấy hay sao; nhưng khi nhìn lại, ta quen với suy nghĩ thức ăn là tất cả những gì ta có thể ăn, còn thực tế hiện nay ta đang sống đời sống ăn chất được gọi là ăn được hoặc thực phẩm đóng gói gần giống thứ ta có thể ăn; đó không phải thức ăn. Ở phần này, tác giả dùng cách viết và giải thích tôi phần lớn là đồng ý; chỉ có duy nhất 2 việc thì phải, tôi không đồng thuận: 1, hãy là kiểu người dùng thực phẩm chức năng, 2, trữ đồ ăn ở tủ cấp đông - tôi say no với 2 ý này 


giờ hãy thử nghĩ về thức ăn như một mối quan hệ, thay vì, coi nói hoàn toàn là sự vật. Vì bản chất của việc ăn uống là mối quan hệ giữa các loài trong hệ thống chuỗi thức ăn - lưới thức ăn, vươn tới tận đất trồng và mặt trời - thức ăn của bạn ăn gì, bạn là thứ ấy. Mối quan hệ giữa thực vật và đất đai, người nuôi trồng và động thực vật mà họ chăm sóc, giữa người đứng bếp và người cung cấp nguyên vật liệu, cũng như người đứng bếp và người tiến đến thưởng thức các món ăn... một cộng đồng lớn để nuôi dưỡng và được nuôi dưỡng. Nói cách khác, như Hippocrates nói: hãy để thức ăn là thuốc của bạn và thuốc là thức ăn của bạn; vậy thì việc ăn uống là một hành động nông nghiệp và gắn với người chăm nuôi, người nấu bếp... chính họ là người được trao cho sứ mệnh gắn với sức khoẻ; kéo theo nó, ta không chỉ tiêu thụ thực phẩm mà ta đang gián tiếp sáng tạo ra hệ thống thực phẩm nuôi sống ta, nói cách khác, từng đồng ta tiêu vào thực phẩm là từng đồng bỏ phiếu, định hướng ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm 


[...]



phải phẽo




phim này tôi không xem, vì xem phim rất mất thời gian. Thế nhưng tôi lại đọc truyện, vì trong nhà đang sẵn 3 quyển của Walter Tevis. Nếu không đọc Gambit Hậu thì người chơi cờ vô tư lự như tôi không thể hình dung với những người dành cả đời chơi cờ, mỗi ván cờ ngay từ đầu mỗi trận cờ đã được chọn chơi theo chiến thuật nào và, đặc biệt là chiến thuật ấy được đặt tên; tất nhiên, người ta phải có năng khiếu và sở trường trong năng khiếu ấy, nhưng chơi cờ với họ, ra là kết hợp của chơi theo trực giác và bài bản, và từ đấy phải nghiên cứu các khả năng để mở đường cho các quân cờ của mình 


vì mỗi thế trận cờ là một sự điều động trở đi trở lại không bao giờ cạn kiệt khả năng phát sinh. Ta có thể nhìn sâu vào một lớp cắt của vấn đề nhưng sẽ luôn có một lớp khắc ẩn sâu hơn và, cứ thêm nhiều lớp khác nữa. Thế nên nếu không phẽo thì không thể khám phá sâu các lớp ẩn bên dưới bên trong cho tới khi nó trồi hiển lộ nước cuối kết chung, nó là một hành trình cứ phải đi mãi, phải phẽo thì mới nhận ra mình chơi cờ hay bàn cờ biến mình thành một quân cờ điều động và lạc lối đánh mất mình trong đó 


8.9.24

Annie Baby




tạm biệt An Ni Bảo Bối, tác giả nữ trẻ tôi đã đọc khi ở tuổi ngoài 20. Một tác giả yêu Hà Nội, xem Hà Nội như thành phố kiếp trước của mình, yêu Hà Nội đến rơi lệ dẫu chẳng biết lý do; trong các tác phẩm của mình, Việt Nam luôn là mảnh đất phảng phất trong các trang viết dù là du ký, tản văn hay tiểu thuyết 

An Ni Bảo Bối tôi gả đi quận Tây Hồ

7.9.24

let the day perish




Hãy để ngày ấy lụi tàn là tiểu thuyết về nạn phân biệt chủng tộc; nó không có dấu vết của nô lệ, cũng không có những suy nghĩ, trao đổi đào sâu vào vấn đề màu da phân biệt chủng tộc như Chó trắng hay Nguồn gốc của ngoại tộc; nó kể một câu chuyện nghiệt ngã, trong đó người đọc đặt câu hỏi và tự xoay xở một thái độ cho mình khi đọc câu chuyện. Nhan đề được lấy từ một câu trong Kinh Thánh [Job 3:3 Let the day perish wherein I was born, and the night in which it was said. There is a man child conceived] sự thất vọng và đau khổ về việc mình chào đời trong một xã hội định kiến, như một thứ tội ác cùng nhau phạm phải, tội ác vì đã sinh ra trên đời này là người da màu và bị kết án phải hứng chịu sự vô nhân đạo của con người gây ra cho con người. Một người phụ nữ da màu lấy chồng da trắng không thuộc về người cùng màu da nữa, nhưng cũng không được chấp nhận trong cộng đồng người Âu châu, không thuộc về đây cũng không thuộc về đó, tủi hổ bởi nước da của mình, bất tiện vì đứa con mình đẻ ra giữa đứa da màu và đứa da trắng [nếu chúng cùng da trắng hoặc cùng da màu, thì mọi chuyện đã khác; nếu God ở đó, nữ thần dệt số phận, quan ti mệnh hay các Đấng trên cao muốn kế hoạch gì đây, tại sao lại thiết kế những số phận như vậy, để mỗi người phải có hố thẳm và băng qua hố thẳm của mình (chấm hỏi)]; những đứa trẻ sinh ra cả đời bị phủ bóng tối về dòng dõi da màu, ngay cả tình yêu cũng không xoá được định kiến thâm căn cố đế "không, anh thân yêu, chẳng có điều gì như thế về chúng tôi đâu" [về nguồn gốc da màu] - một câu thoại đeo đẳng mũi kim khép lại tiểu thuyết 


"Từ một dòng máu, Người đã tạo ra tất cả các dân tộc cốt để họ cư trú trên khắp mặt đất" 


ps. quyển sách ở trong nhà 13-14 năm nhưng giờ mới được nhắc đến; nếu hôm nay không bão yagi thì quyển sách đã trên đường đi Cao Bằng rồi; lúc tôi mua nó vì tôi chỉ nhớ nó nằm trong danh sách các quyển sách tôi muốn mua, khi mua nó về thì tôi nhầm nó với một Gordon khác nên cứ trì hoãn. Cuối sách có lời bạt, mới hay đây là lần in thứ 5 của Hãy để ngày ấy lụi tàn, lần đầu là năm 1976 dịch giả đứng tên Hoàng Tuý - Đắc Lê mà sau vài lần in thì mới đứng đúng tên của riêng người dịch là Đắc Lê; bản in 2010 trong ảnh vẫn còn nhiều lỗi biên tập, nhưng lỗi ngớ ngẩn nhất là một chú thích ghi Chiến tranh Thế giới thứ 2 1914 - 1918 🤦🏻‍♀️ [bối cảnh của tiểu thuyết là khoảng những năm 20 của thế kỷ trước trở đi đến 1949 - 1950, nhưng chú thích được lập cho một câu văn "Vào cuối đại chiến" một cặp vợ chồng người Anh di cư sang sinh cơ lập nghiệp ở Nam Phi, thì chú thích này "đại chiến" là Thế Chiến 1 1914 - 1918 nhưng không hiểu sao lại tòi ra cái chú thích tr60 như thế kia, thế nên nếu không biết, có thể kệ độc giả và cũng có thể bỏ qua luôn chú thích]


5.9.24

mùa hè




để lý giải tại sao Valérie Perrin được đọc nhiều, tôi phải thử; mà thử phát này hơn ngốn thời gian, gần 700 trang khổ to; nhưng xứng đáng, được đọc nhiều pha này đúng thôi, viết rất vừa miệng ăn, đủ các sắc thái [khóc mấy lần đấy] và plot twist. Câu chuyện xoay quanh bộ ba - 3 người bạn gồm 1 cô gái 2 chàng trai gắn bó với nhau từ mùa hè vào lớp 5 này, làm tôi nhớ rất nhiều đến quyển tiểu thuyết tôi đọc năm ngoái của Paolo Giordano: Bầu trời và mặt đất; không khí của chúng khiến tôi yêu câu chuyện, nhưng Paolo Giordano của tôi viết hay hơn nhiều 


nếu có kinh nghiệm đọc thì ngay 3 trang mở màn, khi thấy nhân vật xưng tôi kể chuyện, đứng ngoài bộ ba - 3 nhân vật chính; người ta tức thời tìm một thế đứng cho nhân vật này; lại thêm mấy dòng cuối của chương 1 liền nghĩ ngay đến Hoa súng đen của Michel Bussi; từ đó trở đi, đặt luôn một câu hỏi: thế đứng ấy của nhân vật tôi như một cái bóng luôn đi theo bộ ba, như một cái nhìn luôn từ đằng sau Nina với những gáy, chân tóc, chun buộc tóc, váy etc. [các cô gái chính là những bài thơ thầm] nên sẽ ngầm hiểu tham vọng tạo twist của tác giả 


"Mùa hè thuộc về tất cả các kỉ niệm. Nó là thứ phi thời gian. Mùi của mùa hè là thứ mùi dai dẳng nhất. Nó bám chặt vào quần áo. Là thứ ta tìm kiếm suốt đời [...] Mùa hè thuộc về mọi lứa tuổi. Nó không có tuổi thơ cũng không có tuổi vị thành niên. Mùa hè là một thiên thần" [đoạn này ý hay, nhưng văn chuội nhỉ, nhân vật nhà văn trong Bộ ba viết đấy]



ps. cuối sách, Velérie Perrin dành lời cảm ơn Philippe Besson - người cũng đã có 2 đầu văn học được dịch ở vn. Đêm qua tôi nhận chuyển khoản gả Bộ ba đi Saigon; tặc lưỡi bảo thôi cầm đọc thử cho khỏi phí, sách gì gần 700 trang thế này mà nhiều người chịu đọc thế; mãi tới gần giờ đóng gói sách để dán mã vận đơn chiều nay tôi mới đọc xong đấy chứ 🙃


#Bộ_ba

#Valérie_Perrin


a river runs through it




viết sách khi đã ngoài 70 tuổi, kể câu chuyện về gia đình mình, có thể, chỉ khi kể nó, ta hiểu chuyện gì đã xảy ra và lý do của nó. Tôi gọi đó là tự truyện, một cách mù mờ hơn, tiểu thuyết bán tự truyện. Nếu em trai của tác giả - Paul không bị sát hại khi còn trẻ, có thể Norman Maclean đã không viết Nơi dòng sông chảy qua ở tuổi nghỉ hưu, khi nhìn lại dòng thời gian, ký ức, tình yêu, sự gắn kết thiên nhiên nơi ta sống và cách nó định hình ta


chiều qua đang ngồi nhìn ngắm lại nó trước khi gả đi miền tây sông nước thì mất điện; chạy ra cửa nhà chụp ảnh tạm biệt. Cứ nghĩ là nhà còn quyển Nơi dòng sông chảy qua nữa, nhưng hoá ra chỉ có 1 🙂 


4.9.24

everything i never told u




thấy bảo đây là quyển nổi tiếng và thành công nhất của Celeste Ng nên tôi đã thử đọc. Không có gì bất ngờ. Câu chuyện này rất thích hợp chuyển thể thành phim; ở ngôn ngữ văn học, nó nhiều chi tiết loang rộng mà không đi sâu, cũng không có điểm nhấn đọng lại