Phố Academy đọc mấy năm trước nhưng ghi chú về nó cứ ở mãi trong điện thoại; gần đây quyển sách sắp gả đi Saigon mới nhớ đến nó; mở lại ghi chú mà không biết bắt đầu từ đâu hay thế nào. Chỉ nhớ cảm nhận hồi ấy khi đọc xong, gấp sách lại nhìn đâu cũng thấy thương cảm con người
nữ nhân vật chính Tess do Mary Costello dựng nên với tuổi thơ gắn với đời sống trang trại Easterfield [Ireland], người mẹ vắn số, di cư sang Mỹ, mất chị gái, mất cha, một cuộc tình ngắn ngủi với người đàn ông khép kín, làm mẹ đơn thân, cuộc sống cô đơn, mất con trong sự kiện 11/9... văn phong nhẹ nhàng, có kiểm soát, mọi sự tình dường như chẳng đến nỗi nào, thậm chí còn thấy đâu đó giữa các dòng cái cười thành tiếng chua chát, không hài hước gì ở đây, cũng chẳng bi thảm. Chỉ là một cuộc đời như bao số phận con người, ta đọc nó như sống cuộc đời ta trong trang sách và đồng thời cuộc đời đó như một cuộc đời do ai đó viết ra - chẳng phải tiểu thuyết do con người sáng tạo ra để cảm tri thực tại trong toàn bộ sự phức tạp của nó hay sao; Tess nghĩ: trong các tiểu thuyết điều Tess tìm thấy không phải những câu trả lời hay niềm an ủi giúp bớt cô đơn hay cô đơn thăm thẳm hơn, mà ý nghĩ từng có ai đó, một người xa lạ ngồi viết bên bàn, biết cặn kẽ cái mình biết, cảm nhận điều mình cảm nhận đã củng cố niềm tin của Tess, giúp bà kiên cường hơn "tác giả cũng giống ta, chia sẻ cảm xúc của ta". Và ta đọc. Đọc và thương cảm con người vì đó là cuộc đời con người, hạt xúc xắc được gieo xuống, xúc xắc đã gieo rồi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét