1.2.24

đọc Dostoievski: giọng Nga lửa




Dostoievski là nhà văn của chuyển động tinh thần ở dưới nền đất. Dostoievski ít bí ẩn, hoàn toàn có thể dựa vào sáng tác để nghiên cứu ông, trong số phận các nhân vật của mình thì ông kể chuyện về số phận mình; qua nỗi hoài nghi sự phân đôi của họ ông kể về nỗi hoài nghi phân đôi của mình; trong trải nghiệm tội lỗi của họ ông kể những tội lỗi bí mật của tinh thần mình etc. [một thứ Ác hoa Baudelaire] Dostoievski là một ý thức mạnh mẽ về việc ghê sợ cái ác nhưng cũng nhìn nhận sự cần thiết của cái ác; một ý thức kiên định về sự hiện hữu của Thượng đế [Phúc Âm của Dostoievski là Phúc Âm Kitô giáo "mới", không phải Công giáo hay đa thần; có mấy lời hay được trích nhất, trong Lũ người quỷ ám và Anh em nhà Karamazov, đại ý: nếu không có Thượng Đế thì mọi sự đều được phép, hay là: nếu Thượng Đế có mặt thì mọi sự tuỳ thuộc Thượng Đế và "tôi không có khả năng làm gì ngoài ý muốn của Ngài", nếu Thượng Đế không có mặt, mọi sự tuỳ thuộc tôi và tôi cần xác định sự độc lập của mình], nhưng ông không bị giày vò về đề tài Thượng Đế [vấn đề về Thượng Đế chính là vấn đề nhân bản còn vấn đề về con người lại là vấn đề của Thượng Đế], ở ông là con người [nhân học không phải thần học] và số phận con người, bí ẩn tinh thần con người giày vò ông; ông khai mở bản chất con người không phải trong những hình thức chuẩn mực lồ lộ ánh sáng đời sống mà ở trong tiềm thức [bản năng tiềm thức thuộc đêm tối chứ không phải hiện hữu sống động ban ngày], trong cơn cuồng dại [trong cơn động kinh co giật chứ không phải tình trạng mạnh khoẻ tỉnh táo] và trong tội ác [trong tội ác nhìn nhận chứ không phải những chuẩn mực của luật pháp]; đoạn hội thoại sau trong Lũ người quỷ ám, đoạn hội thoại này cho thấy Dostoievski vọt lên từ trong bề sâu thăm thẳm và Nietzsche vượt qua vực thẳm là 2 quan điểm, có thể dùng, đối nhau, Thần-Nhân và Nhân-Thần [trên những con đường Nhân-Thần tự do tiêu vong và con người cũng tiêu vong]:

- anh đã biết như thế rồi, anh có phải là người tốt

- phải

- hỏi thế chứ tôi cũng nghĩ như anh, Stavrogin nhíu mày nói nhỏ

- kẻ nào dạy cho người đời biết rằng họ tốt, kẻ đó sẽ dẫn dắt đời

- kẻ ấy đã bị đóng đinh

- kẻ ấy sẽ xuất hiện và đó là người Thượng Đế

- Thượng Đế người chứ

- Người Thượng Đế, có khác nhau


trong Thế giới quan của Dostoievski, Berdyaev có một nhận định đặc biệt sắc sảo khi nói về con người Kito giáo đến tận chiều sâu của Dostoievski - gọi là Kito giáo "mới" đi - khi thông qua chủ đề Tự do. Chương Tự do có lẽ cũng là chương Berdyaev nhận định gợi cảm hứng cho tôi nhất. Nó tiếp tục bắt quyết một Dostoievski tiên tri khủng khiếp. Hôm qua nhân nói đến chuyện tránh thai với một cô gái, chúng tôi nói chuyện liên quan đến cha đạo dạy giáo lý Công giáo: không tránh thai không tính ngày quan hệ, phải để tự nhiên hết, phải... phải... [ngày xưa tôi bỏ không nghe giảng pháp ở Chùa cũng vì một lần đang ngồi nghe giảng hết sức bình thường, tôi muốn biết các thày giảng thế nào để vấn đề đến được chúng sinh nên tôi đi nghe, thường đi 1 mình và ngồi không quen biết ai, đang yên đang lành một người bảo tôi tờ kinh không được dùng làm quạt phe phẩy, tôi hạ xuống đùi thì ba bốn bà bảo tôi tờ kinh phải lúc nào cũng nâng lên ngang ngực trở lên không được để dưới thấp (tôi đứng dậy luôn chào các bác và chị); ở tuổi ấy tôi chỉ hiểu mình không chịu được thứ giáo lý cứng nhắc đạo tràng thế này, nó thực sự không liên quan gì đến giáo lý đạo đức mình trân trọng), tôi liền nhớ đến cái hiểu sắc sảo của Berdyaev hiểu Dostoievski: tự do lựa chọn thiện ác và tự do trong cái thiện; nhất là vế thứ 2: tự do trong cái thiện; tức là ý thức mạnh mẽ của con người trong sự hiện hữu của Thượng Đế, anh ta sống "tự do" trong cái thiện, chỉ có anh ta đối diện với chính mình và quần thể xung quanh, chỉ có anh ta với tận thế và phán xét cuối cùng, anh ta nhìn anh ta nhìn chung quanh chứ không có giáo lý phải thế này phải thế kia nào ra rả bằng miệng được, anh ta là câu đố mà chính anh ta phải giải đoán đến tận chiều sâu đêm tối thăm thẳm của nó, đây cũng chính là đồi núi tinh thần Dostoievski, con người và số phận là vấn đề và câu đố cần giải đoán [trong các nhân vật của Dostoievski, nếu để nói nhận thức rõ nhất về sự hiện hữu của Thượng Đế, thì phải là Ivan Karamazov, nhưng từ nhận thức đến hành động lại là chuyện khác (Schiller chính là khởi thuỷ là hành động), dẫu tất cả các nhân vật của Dostoievski luôn là những nhân vật nhận thức sự kiện hết sức nhạy, như một thứ linh cảm (có lẽ phải dùng linh khiếu) không như các nhân vật của Shakespeare luôn hiểu nhầm/lầm lẫn mà từ đó khởi nguồn bi kịch]


[thôi đi nấu cơm đã]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét