4.12.23

mùa hè Annie




sau Maupassant thì tiến theo lối, đến một nhà văn nữ hiện đại, cũng Normandie: Annie Ernaux. Lần đọc này, đọc lại Một chỗ trong đời và Hồi ức thiếu nữ, đọc mới 3 quyển mà đợt rồi NN xuất bản liền: Một người phụ nữ, Cơn cuồng si, Nỗi nhục


theo thứ tự như ảnh từ trên xuống từ trái sang phải - là đọc theo tuyến tính thời gian tác giả viết, sẽ nắm bắt được các sự kiện xuất hiện; vì mỗi giai đoạn, sự kiện cốt tử đều được Ernaux chọn viết trong một tác phẩm [như chuyện phá thai (tiếc là chưa được dịch, sự kiện này được nhắc lại ở Cơn cuồng si), bố mất, mẹ mất, mối quan hệ với một người đàn ông có vợ, chia tay chồng (chưa được dịch), mùa hè 1958 mất trinh, tháng Sáu 1952 nhận ra cái nhìn của mình về cha mẹ cũng đã đổi khác...]; mỗi khoảnh khắc của sự kiện sẽ được bà "làm việc" trong một cuốn sách riêng biệt "cái cảnh đã đông cứng lại từ nhiều năm ấy, tôi muốn khiến nó nhúc nhích nhằm lột khỏi nó tính thiêng của linh ảnh bên trong tôi (được làm chứng, chẳng hạn, bằng cái niềm tin rằng nó đã khiến tôi viết, rằng chính nó nằm ở nền sâu những cuốn sách của tôi)" [làm tôi nghĩ đến Romain Gary, trút vấn đề người da màu vào một quyển riêng...], tức là "sẽ không bao giờ có câu chuyện khả dĩ nào khác, với những từ khác, theo một trật tự câu khác"


điều này rõ nhất Một chỗ trong đời viết về người bố, là quyển có giọng văn trung tính bình thản, thậm chí nhạt nhẽo; trong khi ở Một người phụ nữ, viết về người mẹ, giọng văn vọt trào cảm xúc hơn dẫu được tiết chế - người đã thúc đẩy thẩm mỹ cho Annie [như việc đọc Mauriac, Colette...], "người đã hội tụ người phụ nữ vốn dĩ là tôi lúc này với đứa trẻ tôi từng là", cái chết của người mẹ khiến "tôi đánh mất sợi dây nối cuối cùng với thế giới xuất thân của mình"; cũng kể từ tác phầm này, phần lớn các địa danh được viết hẳn ra, thay vì viết tắt như ở Một chỗ trong đời; nhiều đoạn làm tôi nghĩ đến một nữ nhà văn Ý: Oriana Fallaci với Thư gửi đứa trẻ chưa từng sinh ra [thậm chí, tôi vừa đọc vừa nghĩ, nếu một người bạn của tôi còn sống, nhất định người đó sẽ thích đọc Annie Ernaux] 


dự định của Annie Ernaux có bản tính văn chương "tôi bắt đầu biến mình thành một kẻ văn chương, một người trải nghiệm mọi thứ như thể chúng phải được viết lại một ngày nào đó" [chính Hồi ức thiếu nữ là câu chuyện một hành trình gian nan đi đến bến bờ viết lách], bởi đi tìm một sự thật bằng cách hoà tan vào dòng chảy đã qua của cuộc đời bà: cái chết của bố, của mẹ, cuộc chia tay với chồng... để có khoảng cách phân tích các kỉ niệm dễ dàng hơn, để có một trật tự, trật tự lý tưởng duy nhất. Ernaux viết: khi viết chẳng có điều gì khác ngoài việc tìm ra trật tự ấy là đáng kể với bà, chúng có khả năng mang lại một sự thật liên quan đến các sự kiện; điều chỉ có thể đạt được thông qua từ ngữ - điều mà các bức ảnh, kỉ niệm hay thông qua lời kể của mọi người đều không thể mang lại cho bà sự thật "tôi mong muốn ở lại được, theo một cách thức nào đó, phía bên dưới văn chương" 


dự tính văn chương ấy mang hình hài những vọt trào cảm xúc nhưng lại được tiết chế với lối viết theo như chính bà nói trong Một chỗ trong đời "lối viết nhạt nhẽo đến với tôi một cách tự nhiên" lối viết mà trước đây bà dùng để biên thư cho bố mẹ kể những tin tức chính. Viết chậm, tác phẩm hình thành trên từng mạch suy tư sắp xếp trật tự sự kiện và cảm xúc. Và trên hành trình đó, một tác phẩm vô hình tên Viết đồng thời hình thành; nếu để ý sẽ có một tập hợp không nhỏ những câu được viết về chính việc viết tác phẩm đang viết; trong đó những từ và những câu được dùng chính xác để trỏ những sự kiện, hình ảnh, tính cách cá nhân được đặt trong lịch sử điều kiện xã hội, bà từ chối dưới mọi hình thức tung hứng dù là nỗi hoài cổ, sự thống thiết hay châm biếm "người ta không bao giờ dùng một từ này để chỉ một từ khác." Cách viết này, Ernaux nhận định "dường như đi đúng hướng của sự thật, giúp tôi ra khỏi sự cô đơn cùng sự tối tăm của kỉ niệm cá nhân, khám phá được một ý nghĩa chung hơn"; sự tiết chế chính là những kháng cự lại các vọt trào cảm xúc khi Ernaux muốn làm người lưu trữ lưu giữ thuần tuý những hình ảnh, tình cảm... mà không cấp nghĩa cho chúng "Tôi càng viết thì sự mộc mạc trước đây của câu chuyện đã hình thành trong ký ức tôi càng dần biến mất. Hồi tưởng nghĩa là tôi chấp nhận một dòng tuôn trào những diễn giải tích luỹ qua nhiều năm. Không đánh bóng điều gì. Tôi không xây dựng một nhân vật hư cấu. Tôi phá huỷ cô gái tôi đã từng là./ Có một nghi ngờ: có phải là tôi không muốn, một cách mơ hồ, trải bày khoảng đời của tôi để thử nghiệm những giới hạn viết lách, đẩy đến tận cùng sự đánh vật với thực tại [...] Có thể cũng để mạo hiểm gương mặt nhà văn mà người ta gán cho tôi, để tàn phá gương mặt ấy, cố tố cáo một sự lừa dối [...]


Cơn cuồng si của Ernaux làm tôi nghĩ đến nhiều một nữ nhà văn Pháp khác, Marguerite Duras - một câu chuyện vẫn luôn ở đấy, tiếng nói vọng âm luôn ở đấy nhưng phải khi đã thành bà lão thì mới được viết ra; phong cách viết chịu ảnh hưởng của Duras nhưng giọng văn trung tính hơn, một câu tôi thích: "sống trọn cơn cuồng si dành cho một người đàn ông hoặc một người đàn bà chính là xa xỉ"; có thể nói chính Cơn cuồng si là một điển hình khi nhìn Ernaux là một trình hiện viết của Duras. Nhưng nếu tiến thêm 2 quyển sau văn nghiệp của Ernaux, chỉ cần Nỗi nhục và Hồi ức thiếu nữ thì sẽ thấy hiển lộ nhiều hơn, không phải Duras, đó là nhiều Sagan, Colette, Beauvoir [Ernaux phân vân một tương lai sinh viên văn chương hoặc là sinh viên triết học, do dự vì Beauvoir], một ít Woolf về phía nữ, về phía nam [có thể nói thế không] đó là Proust, Prévert và một ít Mauriac, Baudelaire [Ác Hoa]


tất nhiên, khi đã chọn viết về các ký ức của mình, tạo khoảng rộng đủ sâu đủ độ lùi về không gian thời gian [thậm chí, như nhìn ký ức của ai khác] người ta phải chịu cảnh phân liệt để bẻ đi giới tuyến thời gian, hoàn cảnh lịch sử chung gộp cái người ở sự kiện "hồi đó" và cái người đang ngồi viết đây - vị thế sóng đôi không ngừng quay lại như một chứng cứ chứng minh cho sự tồn tại của hai thế giới - điều không thể phản bác, tiến mỗi lúc một gần ranh giới phân tách mình ở đây và mình ở thời điểm nào đó khác, thậm chí đôi khi tưởng rằng mình đã vượt đứt nó rồi; người ta cảm thấy và đồng thời, người ta xác nhận sự phân đoạn cùng sử tính của mình. Người viết về cuộc đời mình không giống như kẻ phô bày, dẫu viết, theo nghĩa nào đó, là một điều công cộng, bởi sự bày ra và được nhìn thấy không đến cùng lúc; và một lẽ không thể chối bỏ, thể loại hồi ký, tự truyện là một tấm gương soi các mối quan hệ gia đình - những mối quan hệ trộn lộn chộn rộn không thể chối từ và khó mà thoải mái chấp nhận sự đeo đẳng của nó [nhưng không khổ thì sao trả cho hết được]. Ernaux viết Nỗi nhục như một điều khăng khăng, một Chủ nhật tháng Sáu năm 1952 đánh dấu thời khắc bà nhận thức về những khác biệt xuất thân của bà với thế giới mà bà muốn tiến tới, ý thức được ánh mắt người khác đối với xuất thân của mình và khi chính cái nhìn của mình về cha mẹ mình cũng đã thay đổi, nỗi nhục về cha mẹ mình, về nghề nghiệp và môi trường sống của họ; nỗi nhục là sự lặp lại và tích tụ "nỗi nhục đã trở thành một cách sống với tôi. Rốt cuộc, thậm chí tôi còn chẳng tri nhận được nó nữa, nó nằm ngay bên trong cơ thể/ Tôi từng luôn muốn viết những cuốn sách mà sau đó tôi không thể nào nhắc tới chúng, những cuốn sách làm cho ánh mắt người khác trở nên không sao chịu nổi. Nhưng nỗi nhục nào có thể mang đến cho tôi đây, từ việc viết một cuốn sách ngang tầm được với những gì tôi từng cảm thấy hồi mười hai tuổi." Kỷ niệm cũng là một kinh nghiệm, một từng là và một hiện tại làm thành căn cước một người bởi nó chưa từng rời đi khỏi; ta hiện diện thế nào trong cuộc đời người khác, trong ký ức họ, trong cách họ hiện hữu và thậm chí trong hành vi của họ. Sự chênh lệch giữa ảnh hưởng của họ lên cuộc đời ta và sự vô hình của ta trong cuộc đời họ... chẳng đáng ganh tị chút nào khi, ta chính là người viết


viết là đưa ra từ ngữ, viết là hình thức đầu tiên của nhớ, viết là vẽ trong hình dung một ký ức, mường tượng một phỏng đoán một cảm giác gắn kết các hình ảnh...; rồi, viết là nối, nối sự hiện diện ảo tưởng và sự vắng mặt thực sự vào nhau; rồi, viết trở thành hình thức đầu tiên của sự quên, "viết là phương sách cuối cùng khi người ta đã phản bội" [J.G]; viết là một cách cho đi trút ra nhận chìm - nó nối vào thế giới nhiều hơn, dẫu người được [bị] nối vào ở thế bất đắc dĩ, không hay biết; viết là một dạng báo đáp


ps. có một chi tiết về người chị của Annie, được sinh ngay sau ngày cưới của bố mẹ bà chẳng bao lâu, mất vì bạch hầu khi mới 7 tuổi, năm 1938, ở Một chỗ trong đời [nếu theo mốc thời gian thì có lẽ phải hơn 8 tuổi]; còn ở Hồi ức thiếu nữ, chi tiết này là 6 tuổi. Văn bản này để tên: lặp lại và tích tụ nhưng không ưng ý nên mấy ngày rồi cứ ở trong điện thoại, tên hiện nay cũng không thích nhưng dù sao cũng phải khép lại chứ, nên thôi, mùa đông Hà Nội viết mùa hè Annie


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét