hai bài viết rất hay về Katherine Mansfield ở đây: [hình như có thể theo đấy mà đặt sách, đừng hỏi tôi là mua ở đâu, tôi trả lời có khi lại không tìm ra chỗ để mua]
https://xuatbankhac.com/blog/suong-mu/?mibextid=Zxz2cZ
https://xuatbankhac.com/blog/mat-na-mai-khong-roi/?mibextid=Zxz2cZ
đầu mùa hè 2020 tôi có The collected stories of Katherine Mansfield trong nhà, cũng từ đấy, quyển sách trở thành sách đầu giường đúng nghĩa với tôi. Gối nằm một bên giường, nó cùng khoảng 7-8 quyển khác nằm bên còn lại [giờ có lẽ khoảng 20 quyển] nhưng nó chiếm vị trí đặc biệt trong sự đọc trường kỳ và có tí thâm niên của tôi: bởi tại thời điểm đó, Katherine Mansfield là một cái tên lạ với tôi, môi trường sách vở tôi quan tâm cũng không ai nói với tôi về nhà văn này. Sau khi đọc những trang introduction, headnotes, suggestions for further reading và biết người phụ nữ này cũng chỉ sống hơn 34 năm, cỡ Simone Weil, thời điểm ấy tôi cũng hơn 34 tuổi, tôi cũng là người sinh tháng 10 như bà ấy, tôi còn lạc trôi đến ý nghĩ, năm ngoái leo núi chết hụt thì năm nay mày có chết không tú; và tôi giở hú hoạ một trang, và trúng truyện Marriage à la Mode, tôi cứ tủm tỉm mãi với mình, rằng một người sợ hôn nhân con cái như mình mà sao mở hú hoạ quyển sách cũng vào marriage, mà lại còn à la mode mới đau :))) nhưng ngay khi đọc hết truyện hú hoạ ấy, tôi nghĩ: mình đọc nhà văn này, thời gian của mình để đọc, cho một tác giả tên tuổi, kinh điển hay gì gì hay lạ lẫm thì cũng có sao, nó đến tay mình thì mình đọc, mình chẳng đọc chán vạn ba lăng nhăng bao thời gian đấy thôi; và ngay lúc ấy tôi đã nghĩ, nếu để nhìn một cây viết nữ chất Ăng-lê thì tôi nhìn Katherine Mansfield, chứ không Virginia Woolf. Tính đến giờ, quyển sách ố vàng cũng phải, giấy của nó rất mềm và dai, cầm rất thích, chắc do động đến nhiều suốt thời gian qua, đây cũng là hình thức một quyển sách mà tôi luôn thích, thích hơn nữa nếu mặt tiền chỉ có các thông tin cơ bản phải có
năm ấy, Katherine Mansfield mới tinh với tôi, và cũng là một khám phá [cùng George Eliot] tại thời điểm đó, lúc ấy, tôi nghĩ: chắc chắn chưa từng có dấu vết Katherine Mansfield trong tiếng Việt, vì cỡ này nếu có thì người ta phải làm gì đó rồi chứ. Tôi sai :). Một người bạn sách đã cung cấp dấu vết [có vẻ việc không để lại dấu vết là bất khả, bản thân mong muốn ấy của Mansfield cũng có được đâu], The Fly [Con ruồi] từng được dịch trong tập Hoa lạ do nhà Đời Nay in năm 1944 ở Hanoi tái bản năm 1970 tại Saigon nhà in Huyền Trân; khoảng những năm 90, At the Bay [Vịnh Lưỡi Liềm] và The Garden Party [Tiệc hoa viên] 2 truyện ngắn được dịch trong tập Hoa thơm cỏ lạ do An Tiêm in ở Pháp. Nỗi băn khoăn của tôi đã làm người bạn sách của mình sực nhớ ra trong nhà có mấy tập truyện chọn lọc của nữ danh sĩ ngoại quốc và anh ấy chụp gửi cho, nhờ thế còn tòi ra Khái Hưng dịch Hai người thợ giầy của Stacy Aumonier; cũng người bạn ấy gửi cho tôi đọc Hoa thơm cỏ lạ, đấy là một tập tuyển truyện ngắn rất hay
và giờ, Katherine Mansfield đã xuất hiện với diện mạo đầy đủ hơn: Tiệc vườn và Ở nhà trọ Đức, và sẽ còn tiếp nữa. Đọc truyện ngắn của Mansfield điều cảm thấy đầu tiên là con mắt quan sát tinh quái, miêu tả sắc như đọc một cái người ta thấy luôn không khí của truyện; nhưng chính tính chất tinh quái ấy, cuối mỗi truyện luôn cho người đọc cảm giác hồ nghi, hồ nghi cái ta đọc như ta đi ta nhìn qua sương [quá đảo quá sương mù] như đứng trước bí ẩn và lời tiên tri vậy. Chính thế càng khiến ta đọc, vì nếu một nhà văn viết không mang đến một không khí tiên tri thì liệu có đáng đọc, nhất là khi nhìn lại nhưng gì đã đọc của Mansfield tôi hay nghĩ: những truyện không truyện, chi tiết không hề to [không tảng mảng khối] mảnh cắn chỉ mà có thể viết quái như thế, thu hút đọc như thế, thì con người này biên độ rộng thế nào, thật khó chịu, không dễ dàng gì với con người bên ngoài trang viết
tôi thích tập Tiệc vườn hơn, tôi đương nhiên biết điều ấy, dù rất nhiều nhà văn tôi thích nhất của họ là những gì đầu tay, thuở bình minh, và nếu thế thì ở đây tôi phải thích Ở nhà trọ Đức, nhưng không; có lẽ do ấn tượng về một gì đó mong manh bảng lảng như thiên thần vụt hiện mà Tiệc hoa viên để lại [giờ đây truyện có tên Tiệc vườn], mấy năm trước, thời gian đầu tôi làm quen Katherine Mansfield, tôi nhớ mãi khung cảnh và câu thoại khép lại The Garden Party [ở ảnh comment]; một người không tìm thấy niềm vui đọc ở ngôn ngữ khác như tôi, nhớ được như in cái gì không ở ngôn ngữ mẹ đẻ, hiếm hoi lắm, hoạ hoằn thôi. Tập Tiệc vườn có thể xem là bông hoa trong giai đoạn viết đỉnh cao của Katherine Mansfield; Ở nhà trọ Đức là tập đầu tay [sao lại có thể tiên tri trước đời sống pension như thế chứ], nếu đọc Tiệc vườn trước và Ở nhà trọ Đức sau thì sẽ nhận ra độ chênh nhiều [tôi đang cố gắng gợi ý với người mới là đọc Tiệc vườn trước đấy], nhưng cũng nhận ra giọng mỉa mai, giễu nhại đến thất thường đỏng đảnh ở giai đoạn đầu đã được tiết chế và thay bằng tinh quái, khó đoán định ở Tiệc vườn; nói vậy, chính những truyện có phần lạc quẻ, có phần nằm ngoài pension lại khiến tôi chú ý [nửa sau tập Ở nhà trọ Đức, ở pension tôi nghĩ đến Núi thần Thomas Mann] và nó khiến tôi nhìn hôn nhân con cái bằng con mắt của những phụ nữ đang trong hôn nhân con cái sinh đẻ, dẫu tôi có thể nói, không bao giờ nhìn đời sống ấy bằng đôi con mắt nhược thị của mình :)
The Doves' Nest, Katherine Mansfield đề tặng Walter de la Mare, chính nhờ có quyển collected kia, 3 năm trước tôi nhớ ra trong nhà có một quyển Tuyển tập truyện thiếu nhi của Walter de la Mare, là cả một khám phá lớn vì may quá nó không mỏng như lưỡi mèo, nó dày cỡ 500 trang, may quá vừng ơi mở ra :)))
[*] tên văn bản Không nói, tôi nảy ra ngay khi đọc xong Con gái ông đại tá trong tập Tiệc vườn, tự nhiên nghĩ sao làm vậy thôi
ps. các bạn hỏi tôi mua Ung thư ở đâu, quyển C màu trắng C màu đỏ ở đâu, Le Spleen de Paris ở đâu... tôi trả lời ở Hiệu sách Hộp, tôi cũng không biết các bạn có tìm ra không. Nhưng cách nhàn nhất là đăng ký chương trình xuất bản của họ, rồi cứ thế nhận sách không bị lỡ quyển nào, chỉ việc đọc, thế là nhàn